Đương đầu với chủ nghĩa chủng tộc, sửa sai lịch sử
Đương đầu với chủ nghĩa chủng
tộc,
sửa sai lịch sử
THOMAS PIKETTY
Làn sóng động viên chống lại chủ nghĩa chủng tộc và nạn kỳ thị [diễn ra sau cái chết của George Floyd, cuối tháng 5.2020, chú thích của người dịch] đặt ra một vấn đề then chốt : vấn đề sửa sai, bồi thường trước những hậu quả của quá khứ thực dân, của chế độ nô lệ rõ ràng còn tồn tại. Dù phức tạp đến đâu cũng không thể lần khân tránh né, ở Hoa Kỳ cũng như ở Châu Âu.
Năm 1865, vào cuối cuộc nội chiến ở Mỹ, Lincoln (đảng Cộng Hoà) đã hứa hẹn với người da đen vừa thoát khỏi chế độ nô lệ, là sau ngày chiến thắng, họ sẽ được cấp một con lừa và 40 mẫu Anh (acre) đất đai (khoảng 16 hecta). Ý nghĩa việc này là vừa để bồi thường họ sau mấy chục năm bị hành hạ và phải lao động không công, vừa để giúp họ hướng về tương lai, trở thành những người lao động tự do. Nếu được thông qua, chương trình này sẽ là cả một sự tái phân phối ruộng đất quy mô lớn, mà người bị thiệt sẽ là các đại điền chủ sống trên lưng người nô lệ. Nhưng chiến trận vừa chấm dứt, lời hứa đã rơi ngay vào quên lãng, không một văn kiện nào về bồi thường được thông qua, và “ 40 mẫu đất và con lừa ” đã trở thành biểu tượng sự lừa dối và đạo đức giả của người phương Bắc (đến mức là nhà điện ảnh Spike Lee đã lấy nó để đặt tên cho công ti sản xuất của mình : 40 Acres & A Mule Filmworks). Rồi Đảng Dân chủ nắm lại miền Nam, áp đặt chế độ phân biệt chủng tộc và những chính sách kỳ thị trong suốt hơn một thế kỷ, mãi cho đến những năm 1960. Nhưng một lần nữa, người ta không chịu thực hiện một khoản bồi thường nào.
Điều kỳ lạ là trong nhiều tình huống lịch sử khác, đã có những chính sách được ban hành. Năm 1988, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua một đạo luật bồi thường 20 000 đô la cho mỗi người Mỹ gốc Nhật đã bị quản thúc trong Đại chiến Thế giới lần thứ hai. Được bồi thường là những người năm 1988 còn sống (khoảng 80 000 trong số 120 000 người gốc Nhật bị giam tập trung từ 1942 đến 1946), chi phí tổng cộng lên tới 1,6 tỉ USD. Nếu người Mỹ gốc Phi nạn nhân của nạn kỳ thị cũng được bồi thường như vậy thì việc này sẽ có một giá trị biểu tượng mạnh mẽ.
Ở Vương quốc Anh cũng như ở Pháp, đi kèm với sự bãi bỏ chế độ nô lệ là việc Ngân khố Quốc gia bồi thường cho những người chủ nô. Đối với những nhà trí thức « liberal » như Tocqueville hay Schoelcher, đương nhiên phải như vậy : nếu chủ nô bị truất phế quyền sở hữu của họ (xét cho cùng họ đã sở hữu nô lệ một cách hợp pháp), mà không có sự bồi thường tương xứng, thử hỏi sự leo thang nguy hiểm này sẽ dẫn tới đâu nữa ? Còn những người nô lệ cũ, họ phải tập dượt thành người tự do bằng lao động cực nhọc. Quyền lợi duy nhất của họ là buộc phải có tờ giấy hợp đồng lao động dài hạn với một nghiệp chủ, bằng không sẽ bị bắt giam vì tội du thử du thực. Còn ở các thuộc địa Pháp thì cho đến năm 1950, những phương thức lao động cưỡng bức vẫn được áp dụng.
Năm 1883, khi nước Anh bãi bỏ chế độ nô lệ, một khối tiền tương đương với 5 % thu nhập quốc gia (120 tỉ euro tính theo giá hiện thời) đã được trao cho 4 000 chủ nô, trung bình mỗi người được 30 triệu euro, đó là nguồn gốc của nhiều gia tài kếch xù ngày nay còn thấy. Ở các đảo La Réunion, Guadeloupe, Martinique cũng như ở Guyane [những thuộc điạ Pháp ở Trung và Nam Mỹ, nay là những tỉnh « hải ngoại », chú thích của ND], các chủ nô năm 1848 cũng đã được bồi hoàn tương tợ. Đến năm 2001, trong các cuộc tranh luận thừa nhận nạn nô lệ là một tội ác chống nhân loại, bà Christiane Taubira đã cố gắng hết sức mà không tài nào thuyết phục được các đại biểu Quốc hội cùng khoá với bà chịu thành lập một uỷ ban với nhiệm vụ là « suy nghĩ » về việc bồi thường cho con cháu những người nô lệ, cụ thể là việc cấp cho họ ruộng đất, sở hữu vẫn còn nằm trong tay hậu duệ của các chủ nô.
Trường hợp bất công cùng cực nhất có lẽ là Saint-Domingue, « viên ngọc » trong chuỗi hải đảo nô lệ thuộc địa Pháp vào thế kỷ 18, trước khi nhân dân đảo này vùng lên khởi nghĩa năm 1791, rồi tới năm 1804 đã tuyên bố độc lập, trở thành nước Cộng hoà Haïti. Năm 1825, Nhà nước Pháp ép Haïti ký nhận một món nợ to đùng (300 % thu nhập hàng năm của họ ở thời điểm đó) để bồi thường cho những người Pháp chủ nô. Trước đe doạ bị xâm lăng, Haïti không còn chọn lựa nào khác là nhận trả nợ. Và cho tới 1950, họ đã phải còng lưng trả nợ, trả lãi chồng chất cho những ngân hàng Pháp và Hoa Kỳ.
Biểu đồ : Các xã hội nô lệ bên bờ Đại Tây Dương thế kỷ 17-19.
Trục tung độ : tỉ số người nô lệ trong tổng số dân
Trục hoành độ (từ trái sang phải) : Miền Nam Hoa Kỳ (1800), Miền Nam Hoa Kỳ (1860) ; Brasil (1750), Brasil (1880) ; thuộc địa Anh : Jamaica (1830), Barbade (1830) ; thuộc địa Pháp (1790) : Martinique, Guadeloupe, St-Domingue.
Chú giải : Từ 1800 đến 1860, người nô lệ chiếm khoảng 30 % dân số miền Nam Hoa Kỳ. Ở Brasil, tỉ lệ này giảm từ 50 % xuống dưới mức 20 % trong thời gian 1750-1880. Tại các thuộc địa Anh và Pháp ở vùng biển Antilles, tỉ lệ này vượt 80 % trong thời gian 1780-1830, thậm chí lên tới 90 % ở St-Domingue (Haïti) vào năm 1790.
NGUỒN : xem piketty.pse.ens.fr/ideologie
Hiện nay, Haïti đang đòi Pháp phải trả lại món tiền triều cống vô đạo ấy (theo thời giá là 30 tỉ Euro, chưa kể tiền lãi), và cũng khó mà bác bỏ đòi hỏi chính đáng ấy. Từ chối thảo luận về món nợ mà người Haïti đã phải trả cho Pháp chỉ để khỏi phải làm nô lệ – các khoản thanh toán nợ từ 1825 đến 1950 còn đầy đủ hồ sơ, không một ai có thể phủ nhận – trong khi người ta vẫn đang bồi thường những vụ cưỡng đoạt tài sản trong hai cuộc thế chiến, thì tất yếu sẽ tạo ra một tiền lệ bất công nhãn tiền.
Tương tự là câu chuyện đổi tên đường phố và chuyện hạ bệ những tượng đài, như bức tượng tay lái buôn nô lệ mới đây ở Bristol. Tất nhiên, vạch một đường phân ranh giữa những tượng « tốt » và tượng « xấu » là một công việc không mấy đơn giản. Nhưng cũng như trong việc chia lại ruộng đất, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác hơn là tin tưởng vào sự thảo luận dân chủ để đưa ra những quy tắc và tiêu chuẩn đúng đắn. Từ chối thảo luận là mãi mãi kéo dài sự bất công.
Cuộc thảo luận về sửa sai và bồi thường là một công việc khó khăn nhưng cần thiết. Nhưng xa hơn nữa, phải hướng nhìn về tương lai. Để khắc phục những hậu quả của chủ nghĩa chủng tộc và chủ nghĩa thực dân trong xã hội, cần phải thay đổi hệ thống kinh tế, trên cơ sở giảm thiểu những bất bình đẳng, tạo sự bình đẳng của mọi người trong giáo dục, công ăn việc làm và quyền sở hữu (trong đó có mức kế thừa tối thiểu), độc lập với mọi nguồn gốc, màu da, đen cũng như trắng. Sự huy động quần chúng thuộc mọi chân trời đang diễn ra ngày nay có thể đóng góp theo chiều hướng ấy.
Thomas Piketty
16.06.2020
Dịch từ tiếng Pháp : Nguyễn Ngọc Giao
NGUỒN : Vivement le socialisme / Chronique 2016-2020, nhà xuất bản Seuil, Paris 2020, tr. 315-318.
Các thao tác trên Tài liệu