Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Đường lưỡi bò : phi pháp

Đường lưỡi bò : phi pháp

- H.V. — published 12/07/2016 18:55, cập nhật lần cuối 16/07/2016 10:43


Toà trọng tài quốc tế :


Không có cơ sở pháp lý cho
đường lưỡi bò



Hôm nay, 12.7.2016, Toà Trọng tài Thường trực (viết tắt theo tiếng Anh là PCA, Permanent Court of Arbitration) ở Den Haag (Hà Lan) đã ra một phán quyết lịch sử trong vụ Philippines kiện Trung Quốc (TQ) vi phạm Luật Biển Quốc tế (UNCLOS). Các kết luận chính của phán quyết đều phủ nhận các đòi hỏi vô lý của Trung Quốc :

1. Những quyền lịch sử và đường 9 đoạn. Mặc dù những nhà du hành hay đánh cá TQ, hay của những quốc gia khác, đã từng sử dụng các đảo ở Biển Nam Trung Hoa (tên quốc tế của Biển Đông), không có gì chứng minh là TQ đã thực thi độc quyền kiểm soát đối với các vùng nước hoặc tài nguyên trong đó. Như vậy "không có cơ sở pháp lý để TQ đòi chủ quyền với tài nguyên" trong vùng nước nằm trong đường 9 đoạn.  

2.  Quy chế của các thực thể (Status of features). Các thực thể hiện đang tranh chấp trong toàn vùng Trường Sa (“Spratly Islands”) tự nó trong dạng tự nhiên không có khả năng nuôi dưỡng con người và đời sống kinh tế cho nên chỉ có thể là đá (rocks) hay đá ngầm (reefs), không phải là đảo nên chỉ có  12 dặm chủ quyền, không có Vùng độc quyền kinh tế (EEZ) 200 dặm hay thềm lục địa. Toà cũng nói rõ rằng sự có mặt của các viên chức chính thức trên nhiều thực thể tuỳ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài và không phản ánh khả năng thực tế của các thực thể đó.

[Điều này cũng có nghĩa là dù việc tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa có kết cục thế nào thì cũng không ảnh hưởng gì tới EEZ của VN, được xác định dọc theo bờ biển hình chữ S của nước ta, không có sự chồng lấn với EEZ của nước nào – trừ trong Vịnh Bắc bộ, nhưng sự chồng lấn ở đây đã được giải quyết trong một Hiệp định phân định giữa hai nước liên quan là Việt Nam và TQ.]

3. Tính hợp pháp (hay không) của các hành động của Trung Quốc. Các đảo ngầm như Scarborough không có 12 dặm chủ quyền, nó nằm trong EEZ của Phi, nên thuộc chủ quyền Phi. Việc Trung Quốc cấm Phi đánh cá là trái phép. Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Phi. 

4. Tổn hại môi trường. Xây dựng các đảo nhân tạo là trái phép và TQ đã gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển.

5. Trầm trọng hoá các tranh chấp. Dù không lấy lập trường về các đụng độ quân sự giữa hải quân Phi và hải quân TQ (các hoạt động quân sự năm ngoài thẩm quyền của Toà), Toà cho rằng việc TQ đòi hỏi chủ quyền trên diện rộng và xây dựng những đảo nhân tạo là không phù hợp với những điều một Quốc gia phải tuân thủ trong quá trình giải quyết tranh chấp, nhất là khi TQ đã gây tổn hại không thể cứu vãn môi trường biển, xây một đảo nhân tạo lớn trong vùng độc quyền kinh tế của Phi và phá huỷ bằng chứng về điều kiện tự nhiên của những thực thể trong vùng biển tranh chấp.

Trong phần mở đầu, Toà cũng đã nhắc lại là mặc dù TQ nhiều lần tuyên bố không công nhận và không tham gia vụ kiện, nhưng theo Phụ lục VII của UNCLOS thì sự từ chối không tham gia đó không phải là một trở ngại cho tính pháp lý của phán quyết. Phụ lục VII đòi hỏi rằng khi một bên trong vụ kiện không tham gia thì toà vẫn phải xem xét về quyết phán xử của mình cũng như về tính vững chắc của các sự kiện và các điều khoản luật mà bên nguyên đưa ra.

(tóm tắt theo bản Thông cáo báo chí của PCA). 

Ngay sau khi Toà đưa ra phán quyết này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố khẳng định nước này không chấp nhận cũng như không công nhận phán quyết của PCA, cho rằng phán quyết của PCA là "không có cơ sở, vô giá trị và không có hiệu lực ràng buộc" (theo tin VietnamNet 12.7.2016). Không có gì mới so với những tuyên bố trước đó của Bắc Kinh, như phần trên cho thấy. Trước mắt, ai cũng thấy, chính sách bành trướng của TQ không thay đổi, và PCA cũng không có phương tiện thực tế để “thi hành án”. Nhưng, theo phân tích của bà Alina Miron, giáo sư luật ở đại học Paris 13, “lịch sử dạy ta rằng ngay cả những cường quốc cuối cùng cũng phải tuân thủ pháp lý quốc tế, cho dù phán quyết có đụng chạm tới họ tới mức nào” (Le Monde 12.7.2016). Bà cũng cho biết hiện này nhóm G7 đã đưa ra nhiều tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế đối với an ninh trên biển. Dù TQ đã có thể gây áp lực mạnh trên một vài nước trong ASEAN để Hiệp hội này không (chưa?) đưa ra một tuyên bố chung cùng chiều với nhóm G7 thì sự cô lập về ngoại giao của TQ cũng sẽ gia tăng khi nước này tiếp tục ngoan cố “cậy mình là phải, chỉ quen đổ vạ cho người”.

Về phần mình, người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình đã cho biết "Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết". Vẫn theo ông Bình, Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán về vụ kiện, ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đồng thời tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa… (tin các báo trong nước). Khi chúng tôi viết bản tin này, vẫn chưa có “tuyên bố về nội dung phán quyết” ấy.

 

H.V.


Xem thêm :


1/ Báo trong nước :

* PCA ra phán quyết không công nhận đường chín đoạn của TQ. VietnamNet 

* Truyền thông quốc tế ca ngợi phán quyết « đường lưỡi bò » :  VnExpress

* Toà Trọng tài bác yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc: Tuổi Trẻ 

2/ Báo chí quốc tế :

* La Cour permanente d'arbitrage désavoue Pékin sur la mer de Chine :  Nouvel Observateur

* La Chine n’a pas de droits historiques en Mer de Chine :  Le Monde

* Beijing’s South China Sea Claims Rejected by Hague Tribunal : NY Times

* China's South China Sea Claims Dashed by Hague Court Ruling : hãng tin Bloomberg

* "Cần kiện TQ và bỏ 16 chữ vàng", ý kiến của  hai bạn trong Quỹ Nghiên cứu Biển Đông tại Pháp, trên BBC tiếng Việt


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss