Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / GREXIT : Ra hay không ra ?

GREXIT : Ra hay không ra ?

- Nguyễn Quang — published 18/08/2015 12:45, cập nhật lần cuối 21/08/2015 17:58
Hi Lạp và Nhóm Euro. Bản dịch của Kiến Văn.


Hi Lạp và Vùng Euro



GREXIT : RA HAY KHÔNG RA ?



Nguyễn Quang



Từ lạ « Grexit » (kết hợp GRE ba chữ cái đầu của GREECE tên tiếng Anh của nước Hi Lạp, và tiếng Anh EXIT, nghĩa là ra), mới được tạo ra để chỉ việc Hi Lạp rút ra khỏi nhóm Euro, sẽ được ghi vào sử xanh của Châu Âu. Sau mấy tuần lễ căng thẳng và đột biến, vở kịch tâm lý « Grexit hay không Grexit » đã hạ màn, không phải bằng một thoả ước, mà bằng một thứ diktat (mệnh lệnh độc đoán) chưa từng có trong lịch sử chính trị thế giới : một nước dân chủ bị những nước dân chủ áp đặt chế độ giám hộ. Vì đâu nên nỗi ?



Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa



Mọi sự, như chúng ta còn nhớ, đã bắt đầu từ cuộc khủng hoảng nợ subprime ở Mỹ năm 2007, sang năm 2008 biến thái thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu, lúc đầu là khủng hoảng tài chính, rồi trở thành khủng hoảng kinh tế, và ngày nay người ta thường gọi là Đại suy thoái (liên tưởng với cuộc Đại khủng hoảng 1929). Thông qua một quá trình (rất đáng được nghiên cứu cặn kẽ), nền kinh tế châu Âu (đặc biệt là trong vùng Euro) đã rơi vào tình trạng di căn ung thư ăn vào xương tuỷ, dưới dạng khủng hoảng « nợ chủ quyền », cụ thể là nợ công bình quân đã nhảy vọt từ 60% GDP (năm 2007) ngày nay lên tới 90%. Con bệnh mà di căn bước vào giai đoạn chót tất nhiên là Hi Lạp : từ năm 2009 đến tháng giêng 2015 khi đảng Syriza lên cầm quyền, đã trải qua 4 chính phủ liên tiếp, với 8 « kế hoạch khắc khổ », 2 kế hoạch viện trợ (2010 và 2012) trị giá tổng cộng 240 tỉ Euro do Quỹ tiền tệ quốc tế và các nước Euro cung cấp. Kế hoạch thứ nhất (110 tỉ Euro) đã đi kèm điều kiện là Hi Lạp phải có chương trình điều chỉnh cơ cấu về kinh tế, và cả về bộ máy Nhà nước. Ngay từ mùa xuân 2011 là đã thấy rõ là năm 2012 các mục tiêu này sẽ không thực hiện được : trong bối cảnh dân chúng biểu tình và đình công chống lại chính sách khắc khổ và các thị trường tài chính bị đầu cơ tấn công 1, Nhà nước không tài nào thu thuế và ngăn chận nổi nạn trốn thuế, trong khi đó thì các biện pháp áp đặt làm cho nạn suy thoái thêm trầm trọng và tình trạng xã hội thêm khốn khó (báo cáo tháng 5-2011 của LHQ). Không vào được thị trường quốc tế, Hi Lạp lại đành phải xin Quỹ tiền tệ quốc tế và Nhóm Euro chi viện. Sau những cuộc thương lượng gay go trong đó hai bộ trường Đức (Guido Westerwelle ngoại giao, Wolgang Schäuble tài chính) mang bóng ma Grexit ra hù doạ, một kế hoạch 130 tỉ Euro cho năm 2012 được chuẩn y. Kèm theo, tất nhiên, là những biện pháp thắt lưng buộc bụng mới : giảm lương bổng, cắt bớt tiền hưu, cắt giảm chi tiêu công cộng, tăng thuế má, tư hữu hoá và nới lỏng luật lệ – với mục đích là đưa nợ công xuống mức 124 % GDP, và tạo số dư ngân quỹ sơ cấp (tức là không kể khoản tiền trả nợ) là 4 %. Một mục tiêu hoàn toàn không tưởng, kèm theo là 3 điểm mới :

- các ngân hàng tư xoá 50 % số tiền cho Hi Lạp vay, và bù lại, công quỹ của các nước góp vốn vào ngân hàng tới mức tổng cộng 106 tỉ Euro. Nói cách khác, người dân đóng thuế « tự nhiên bỗng thấy » hơn 70 % món nợ tư trở thành nợ công (xem biểu đồ)

- thành lập một lực lượng đặc nhiệm kĩ thuật châu Âu với nhiệm vụ là triển khai những cuộc cải cách yêu cầu và sử dụng tốt hơn các khoản cho vay.

- mở ra một tài khoản đặc biệt nhằm trang trải nợ, lấy tiền từ thu thuế và chi viện quôcs tế, tài khoản này đặt dưới sự kiểm soát của bộ ba (Uỷ ban Châu Âu, Ngân hàng trung ương Châu Âu, Quỹ tiền tệ quốc tế).

Khi thủ tướng G. Papandréou gợi ý tổ chức trưng cầu dân ý về bước đầu chuyển nhượng chủ quyền, thì lập tức ông ta bị các chủ nợ la ó phản đối đến nỗi phải từ bỏ ý kiến này và từ chức. Thay vì trưng cầu dân ý là cuộc bầu cử quốc hội mùa xuân 2012, mà kết quả là các đảng chủ trương khắc khổ (PASOK và Dân chủ mới) bị thất cử, một chính phủ « kỹ trị » chuyển tiếp được thành lập, điều khiển công việc nhà nước dưới dự giám sát của « bộ ba » (bọn này khinh thị chính phủ Hi Lạp tới mức gửi chỉ thị bằng thư điện tử). Mà kết quả thì thế nào ? Đầu năm 2014, tình hình có vẻ khả quan theo chỉ số của Quỹ tiền tệ quốc tế (nhưng có những nguồn khác phản biện), nhưng sau đó nền kinh tế Hi Lạp lại rơi vào suy thoái. Ngay từ tháng bảy 2014, các khoản chi viện bị tạm ngưng, Hi Lạp phải sống bằng vốn tự có mà vẫn phải tiếp tục trả nợ. Không được quyền phát hành trái phiếu và cũng không được phép vay tiền của các ngân hàng nội địa, Nhà nước Hi Lạp buộc phải chi tiêu bằng tiền thuế và trưng dụng cả quỹ dự trữ của các địa phương, các bệnh viện và các trường đại học (!), gọi đó là « cho vay nghĩa vụ », để trang trải đúng kỳ hạn. Hậu quả 5 năm suy thoái thật rùng rợn : mặc dầu năm 2012 đã tái cơ cấu, nhưng nợ công đã tăng từ 128 % lên hơn 175 % GDP, trong khi GDP giảm đi 26 % : đầu tư tụt mất 67 % ; 2/3 người về hưu sống dưới thềm nghèo khó ; tỉ số thất nghiệp lên tới 25 % dân số ở lứa tuổi lao động (và hơn một nửa số thanh niên dưới 25 tuổi) : 180 000 doanh nghiệp phải phá sản ; mức sống của người dân Hi Lạp tụt xuống ngang hàng vơi Bulgaria ; số người tự tử tăng vọt (4 000), cũng như số vụ phá thai và bỏ con sơ sinh… Tương lai mờ mịt.

willem

(Angela Merkel) Có vẻ như là Hi Lạp muốn trả nợ đấy
(tranh Willem, báo Libération)



Cuộc bầu cử quốc hội tháng 1 năm 2015 mang lại thắng lợi cho đảng cấp tiến Syriza, với chương trình tranh cử : giảm bớt khắc khổ và đàm phán lại lịch trả nợ. Chính phủ của thủ tướng Tsipras đã cố gắng giữ vững đường lối đó. Nhưng kết quả thì mọi người đều biết : sau một cuộc chạy marathon dòng dã sáu tháng trời, nhiều lần bị doạ « Grexit », và mặc dầu 61 % cử tri Hi Lạp đã nói « không » với kế hoạch khắc khổ mới, Hi Lạp vẫn phải chịu phép với « bộ ba » để được hưởng kế hoạch viện trợ thứ ba (60 tỉ Euro). Tránh được Grexit, nhưng thay vào đó là một « kế hoạch hạ nhục » mà Nhóm Euro thù dai đã giáng lên đầu « đứa học trò hư» đã dám ương ngạnh. Tuần báo Đức Der Spiegel, vốn không mấy thân thiện với Hi Lạp, đã gọi đó là một « trận đòn độc ác ». Một văn kiện bắt buộc chính phủ Hi Lạp phải « hỏi ý kiến các định chế [tức là « bộ ba »] và được sự đồng ý của họ về mọi dự án luật trong những lãnh vực quan trọng (…) trước khi đem ra hỏi ý kiến cử tri hay trình Quốc hội », thì không còn có thể gọi là « giám hộ » nữa. Kinh cung chi điểu, có thể tưởng rằng « bộ ba » muốn loại trừ việc trưng cầu dân ý trên những vấn đề hệ trọng. Tưởng như vậy là lầm to. Những « vấn đề quan trọng », đối với « bộ ba », bao gồm cả việc bán hạ giá, cả việc mở cửa ngày chủ nhật, hay là hoạt động của các cửa hàng bánh mì và ngành buôn sữa ! Chưa hết, Berlin còn đòi lập ra một « Quỹ độc lập » để tư hữu hoá 50 tỉ Euro công sản Hi Lạp. Đó là một điều thậm vô lý khi ta biết rằng trước đó, Quỹ Taiped (Quỹ khai thác tài sản tư nhân), do các chủ nợ áp đặt thành lập vào năm 2011, chỉ mang lại 7 tỉ Euro bằng cách bán tống bán tháo di sản quốc gia với giá rẻ như bèo (cuối năm 2014, Toà án kiểm toán Hi Lạp đã phải ngăn chận việc phát mãi sân bay Athènes-Hellenikon – rộng gấp ba lần vương quốc Monaco – vói giá 1 tỉ Euro). Sự khiêu khích không ngừng ở đó : W. Schaüble còn đòi phải đặt trụ sở « Quỹ độc lập » đó ở… Luxembourg, đến khi Hi Lạp, Ý và Pháp phản kháng mãi, ông ta mới chịu đặt ở Athènes với điều kiện « đặt dưới dự giám sát của các định chế Âu Châu hữu quan ». Cuối cùng là tối hậu thư – cho chính phủ Tsipras đúng ba ngày để tranh thủ Quốc hội Hi Lạp chuẩn y thoả ước – khác nào khoác lên sự đầu hàng tấm áo của sự nhục nhã. « Chúng ta thấy rõ, truyền hình trực tiếp từ Bruxelles, cảnh tượng một nền kinh tế giết người. Nó không cắt cổ người ta ; máu không đổ, cũng không có mùi thuốc súng hay mùi da thịt bị thiêu cháy. Nó diễn ra trong những căn phòng họp điều hoà không khí, trong những hành lang trải thảm, nhưng nó tàn ác và trơ trẽn không kém gì chiến tranh » (M. Revelli, trích xã luận báo Manifesto, 27.7.2015).

debiteurs

Chú thích biểu đồ : Những ai là chủ nợ của Hi Lạp (phân bố các khoản nợ, tính bằng tỉ Euro) :

(Theo chiều kim đồng hồ) :

  • FESF (Quỹ ổn định tài chính Âu Châu) : 141,8

  • Vay song phương (các nước trong nhóm Euro) : 52,9

  • FMI (Quỹ tiền tệ quốc tế) : 32,1

  • Chủ nợ tư nhân (ngân hàng) : 30

  • BCE (Ngân hàng Trung ương Âu Châu) : 27,2

  • Những tổ chức khác : 37,7


etats


Các nước cho vay chủ yếu :

Đức (56,5), Pháp (42,4), Ý (37,2), Tây Ban Nha (24,7), Hà Lan (11,9), Bỉ (7,2), Áo (5,8), Phần Lan (3,7), Slovakia (1,5), Bồ Đào Nha (1,1)

(nguồn : nhật báo Pháp Le Monde, 7/8/2015)


Những hành khách chui


Điều đáng ngạc nhiên trong cuộc thương lượng là phái đoàn Tsipras dường như không được chuẩn bị để đối mặt với sự cương quyết của khoảng mười nước tập hợp chung quanh nước Đức, một thứ Mitteleuropa (Khối Trung Âu) có thêm cả 3 nước Baltic và Hà Lan. Để thoát ra khỏi vòng xoáy vay nợ triền miên, có hai lôgic đối kháng nhau. Một bên là tính chính đáng của một chính quyền dân chủ, được bầu ra để thương lượng lại những hiệp ước ký kết trước đó và đã bị cử tri Hi Lạp coi là « bất hợp pháp », hoặc là vì cách lập vốn cho vay « không hợp lệ » (thí dụ như trò ma giáo để cấp vốn cho các ngân hàng), hoặc là vì một số cải cách mà Hi Lạp bị áp đặt phải thực hiện đã vi phạm hàng loạt những quyền cơ bản : sức khoẻ, giáo dục, nhà ở, tự do lập hội và thương lượng tập thể vân vân… (theo bản ghi nhớ của London School of Economics and Political Sciences). Bên kia là sự cứng rắn của trường phái chính thống về tài chính và chính trị mà bà Merkel khẳng định một cách cứng nhắc : « Giúp Hi Lạp nhưng không để cho người dân Đức phải tốn một đồng Euro nào », còn ông Schaüble : « Không thể tái cấu trúc món nợ của Hi Lạp, vì các điều lệ không cho phép làm thế », và ông Juncker : « Không thể có sự chọn lựa dân chủ nào cả với các hiệp ước Châu Âu ».

Ở đây cần nhấn mạnh là không thể không nói tới trách nhiệm của chính giới và giới tài phiệt Hi Lạp trong suốt 40 năm qua đã làm giàu bằng những phương pháp móc ngoặc, đầu cơ và biển thủ. Hi Lạp đúng là một quốc gia đã hình thành trong cuộc đấu tranh trường kỳ giành độc lập, ít nhất từ thế kỉ 19, nhưng chính thể Hi Lạp chưa phải là một chế độ dân chủ vận hành theo nghĩa hiện đại. Bằng chứng là những khiếm khuyết và bất cập của bộ máy nhà nước (địa bạ hầu như chưa có, thuế khoá khiếm khuyết, ưu quyền quá mức của một vài giai cấp xã hội), và thêm vào đó là một lề thói văn hoá vượt lên cả pháp luật. Vẫn biết gian lận thuế là một bộ môn « thể thao » nước nào cũng có, nhưng ở Hi Lạp, lề thói này đã bắt rễ từ thời đế chế Ottoman, và ở thời đó, không chịu nộp thuế là một hành động có tính chất phản kháng. Vừa qua, tại nghị viện Âu Châu, có người đã cật vấn Alexis Tsipras trên vấn đề những đặc quyền thuế má. Không biết các vị ấy có biết rằng những đặc quyền đó của Giáo hội Chính thống giáo và các chủ hãng tàu biển đã được ghi trong Hiến pháp Hi Lạp ? 2. Nhắc lại những điều này không phải để xoá sạch trách nhiệm của con « ve sầu » Hi Lạp từ mấy chục năm qua đã sống trên mức những khả năng của mình. Trước khi gia nhập nhóm Euro, Hi Lạp đã khôn khéo lợi dụng vị trí địa chiến lược và bối cảnh địa chính trị (chiến tranh lạnh) để được hưởng những trợ cấp của Liên hiệp Châu Âu trong khuôn khổ chính sách khu vực (có năm lên tới 30 tỉ). Từ năm 2001, đầu tư của nước ngoài đã tiếp sức cho nền kinh tế Hi Lạp (cho đến năm 2007, tăng trưởng vượt tỉ số 4%, đứng vào hàng những nước tăng trưởng cao nhất trong nhóm Euro) ; nhưng đồng thời, Nhà nước lại đi vay để bù vào những khiếm khuyết về cơ cấu, nên bị bóp nghẹt khi cuộc khủng hoảng tài chính làm cho các lãi suất tăng vọt (năm 2011, gần 19% cho những khoản tín dụng 10 năm, gần 46% cho những khoản tín dụng 2 năm, xem chú thích 1). Dạo này người ta đua nhau gọi người Hi Lạp là « hành khách chui của đồng Euro » bởi vì, năm 2001, họ đã nguỵ tạo những con số thống kê – nhờ bàn tay ảo thuật chuyên nghiệp của ngân hàng Goldman-Sachs – để đáp ứng tiêu chuẩn kết nạp của nhóm Euro (hao hụt ngân sách không quá 3% GDP, nợ không quá 60%) 3. Mà thực ra, trò ma giáo ấy có đánh lừa được ai đâu, và hiện nay, có nước nào trong khu vực Euro thực sự tuân thủ những « tiêu chuẩn hội tụ » này ? Quyết định kết nạp Hi Lạp vào nhóm Euro chủ yếu xuất phát từ ý đồ chính trị – nhất là của Pháp – nhằm kết hợp các nước phía nam Châu Âu để làm đối trọng chống lại bá quyền của đồng Mark Đức, hơn là từ sự phân tích tính khả thi của nền kinh tế Hi Lạp « vốn dị ứng với thị trường duy nhất và sự cạnh tranh, lại không có khả năng chống lại các bè nhóm và tình trạng ngồi mát ăn bát vàng trong khu vực công cộng và tư nhân » (Mario Monti). Tiếp đó là trách nhiệm tập thể của Uỷ ban Châu Âu và của các nghị viện Châu Âu nối tiếp nhau đã khoán trắng cho thị trường tài chính việc điều chỉnh và trừng phạt những lệch lạc của Hi Lạp trong việc vay nợ. Kẻ hưởng lợi trong việc Hi Lạp vay quá nhiều chính là các ngân hàng Châu Âu (ngốn không biết bao nhiêu là trái phiếu của Kho bạc Hi Lạp), các doanh nhân Châu Âu ăn bẫm trên các cảng du thuyền, những khu marina và biệt thự sang trọng ở Hi Lạp, và cả những chính phủ các nước đua nhau bán vũ khí và thiết bị quân sự cho một quân đội Hi Lạp quá đông đảo 4. Nhân đây, phải nói Liên hiệp Châu Âu thật là trơ trẽn khi ngày nay họ đòi phải cắt giảm mạnh bạo ngân sách quốc phòng của Hi Lạp, sau khi chính họ đã khuyến khích Hi Lạp tăng cường quá mức ngân sách quân sự (4% GDP) trong thời kỳ « chiến tranh ấm » ở sườn phía đông khối NATO : không ai phủ nhận sự cần thiết của biện pháp này, nhưng trong bối cảnh thất nghiệp tràn lan, những người đòi « phải làm ngay » có đo lường được hậu quả của nó không ?

Thừa nhận trách nhiệm trước hết thuộc về người Hi Lạp không có nghĩa là tán thành những lời buộc tội mà các media lớn của Châu Âu đang đổ lên đầu Hi Lạp phụ hoạ với luận điệu của « bộ ba ». Đã đến lúc phải minh xác vài sự thật :

1. Hi Lạp thất bại bởi không chịu cố gắng và hi sinh như Ireland và Bồ Đào Nha : hoàn toàn sai. Nguyên bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ, Larry Summers, cũng đã thừa nhận « Người Hi Lạp đã chịu thắt lưng buộc bụng hơn mọi nước công nghiệp hoá nào khác từ thời Đại khủng hoảng (1929) tới giờ ». Từ năm 2010, các chính phủ nối tiếp nhau ở Athènes đã ra sức thực hiện những cải cách ngân sách và cơ cấu mà « bộ ba » đòi hỏi. Về ngân sách, cứ 5 công chức nghỉ hưu thì chỉ có 1 công chức được tuyển mộ ; tiền lương bình quân đã bị cắt giảm 30% ; lương tối thiểu bảo đảm (thô) hạ xuống mức 580 E ; lương hưu bị cắt giảm năm 2010, đến năm 2014 lại giảm thêm từ 5 đến 15% : ngân sách y tế bị cắt một khoản tiền tương đương với 1 điểm bách phân GDP ; ngân sách giáo dục cũng vậy… Về cơ cấu : gỡ bỏ nhiều quy định về thị trường lao động, thay đổi chế độ thoả ước tập thể, mở cửa những ngành nghề khép kín ; trước khi Syriza lên cầm quyền, vấn đề sa thải tập thể vả cải tổ an ninh xã hội dự định năm 2015 sẽ được đưa ra bàn lại… Bản thân giới chủ nhân Hi Lạp cũng chẳng đòi hỏi như vậy : với tỉ lệ thất nghiệp 25%, cần gì phải nới lỏng thị trường lao động ? Nhật báo Pháp Le Monde, vốn không nhẹ tay với chính quyền Athènes, cũng đã thừa nhận : « Chương trình này đã được triển khai một cách khá thô bạo » – thực chất là chính sách phá giá nội bộ – nhờ đó năm 2013 Hi Lạp đã tạo ra được số dư « sơ cấp » 1,5 tỉ E, cố nhiên là còn xa mục tiêu 4% GPD do « bộ ba » đặt ra… tuy nhiên « bộ ba » đã rộng lượng hải hà, gia hạn thêm 4 năm cho Hi Lạp : từ này đến cuối năm 2018, với nhịp độ 0,5%/năm, Hi Lạp phải đạt cho bằng được chỉ tiêu 3,5% (đây là thoả thuận hồi tháng 7 năm 2014, độ chính xác đến 0,5% thì quả là siêu thực, nếu không nói là đáng khâm phục). Phải nói ngay : 4% thặng dư ngân sách là một mục tiêu không tưởng, trong lịch sử chưa có nước nào đạt được mục tiêu ấy một cách lâu bền cả. Vả lại, thực chất của chủ trương này là gì ? Trên thực tế, nó ngăn cấm mọi chính sách đầu tư công (về y tế, giáo dục, canh tân…), nghĩa là triệt tiêu mọi triển vọng tương lai của một dân tộc.

2. Không thể tái cơ cấu món nợ của Hi Lạp vì các quy tắc, điều lệ không cho phép : Về mặt kỹ thuật mà nói, thì trong một số trường hợp, đúng như vậy. Chẳng hạn như Ngân hàng trung ương Âu châu (BCE) không có quyền trực tiếp tài trợ cho một quốc gia thành viên để trả nợ. Nhưng “công nghệ tài chính” chỉ có giới hạn là ý chí chính trị, mà ý chí chính trị của “bộ ba” xem ra rất co dãn. Cụ thể là vào tháng hai 2013, BCE đã chấp nhận món xào xáo kiểu Goldman-Sachs, gia hạn 25 năm cho Ireland trả nợ 30 tỉ (xem chi tiết ở chú thích 4), nói là để giúp Ireland nhẹ bớt gánh nặng “thuế má và cắt giảm ngân sách”, nhờ đó ngay cuối năm 2013, Dublin đã lớn tiếng khoe khoang là Ireland đã trở lại thị trường trái phiếu. Nhưng đến khi Athènes xin hoãn món nợ 7 tỉ Euro đáo hạn vào năm 2015, thì “bộ ba” lại dứt khoát từ chối. Sự thật là, “hợp lệ” hay không, không biết, nhưng Hi Lạp đã từng được hoãn nợ (xem ở trên), và ngay từ tháng 11 năm 2012, các chủ nợ đã hứa hẹn sẽ thương lượng trở lại lịch trả nợ nếu đến năm 2013, Hi Lạp thực hiện được bước đầu bội thu ngân sách (và mục tiêu này đã được thực hiện). Và người ta đã nuốt chửng lời hứa, chỉ vì từ nay chính quyền về tay đảng Syriza mà các nhà lãnh đạo và các media thống trị ở Châu Âu chụp mũ là cực tả, là “cộng sản quốc gia”, là mác-xít Địa Trung Hải, là đủ thứ...


Món nợ Dã Tràng


Bình luận về chuỗi kế hoạch khắc khổ nối tiếp nhau ở Hi Lạp, nhà kinh tế học Joseph Stiglitz (giải Nobel) đã nói : « Một cuộc suy thoái do người ta cố tình gây ra, với những hậu quả tai hại ghê gớm cho bao người như thế, tôi không thấy có trường hợp nào khác trong lịch sử ». Vậy mà « bộ ba » vẫn lì lợm tiếp tục. 

3. Không thể để cho người dân đóng thuế ở Châu Âu phải gánh chịu món nợ Hi Lạp : phải hết sức cảnh giác đối với những công thức mới nghe có vẻ hợp tình hợp lý mà các chính khách rao bán như người ta bán đồ dỏm. Trước hết, nếu phải xoá toàn bộ các món nợ của Hi Lạp, thì Châu Âu mất bao nhiêu ? Tỉ trọng của Hi Lạp chỉ xấp xỉ 2% GDP của Châu Âu, nghĩa là ngang với một năm tăng trưởng của lục địa. Nói rõ hơn, nếu như Hi Lạp vỗ nợ trong khuôn khổ vùng Euro, thì Đức có thể bị hẫng 56 tỉ, Pháp 42 tỉ (xem biểu đồ). Nhưng chớ quên rằng hai nước này có phương cách « công nghệ tài chính » hoãn nợ bằng cách vay dài hạn.

grece

« Cố lên nào, trả cho xong nợ đi ».


Hiện nay, họ có thể tìm thấy trên thị trường những tín dụng mà lãi suất gần như bằng 0%, và sự thực là họ đang « giúp » Hi Lạp bằng cách đi vay với lãi suất gần 0% và cho Hi Lạp vay với lãi suất… không phải là 0% đâu. Giả sử Pháp đi vay với lãi suất 1% để bù vào món nợ bị hẫng, thì cái giá phải trả là 420 triệu E mỗi năm, tức là mỗi người Pháp phải trả mỗi năm hơn 6 E một chút.

Đến nỗi nhà kinh tế học Thomas Piketty đã đặt câu hỏi huỵch toẹt : « Có thật là nợ nào cũng phải trả không ? » 6. Trong cuốn sách best seller về Tư bản ở Thế kỉ 21, Piketty đã nghiên cứu lịch sử các món nợ công (trong quá khử, đã từng có những món nợ lớn hơn hiện nay rất nhiều), và đã phát hiện ra hai phương pháp đối nghịch nhau. Phương pháp « chậm » là tích luỹ bội thu ngân sách để dần dần trả lãi rồi mới trả vốn, chủ yếu là đánh vào thành phần trung lưu và bình dân (« người bình dân làm giàu cho những người ngồi hưởng cổ tức ») : đó là phương cách của nước Anh, mất hơn một thế kỷ để lấp hố sâu tài chính (200% GDP) hậu quả các cuộc chiến tranh với Napoléon ; đó cũng là phương pháp mà người ta đang áp đặt lên Hi Lạp. Chỉ khác một điều là thời ấy nước Anh thống trị thế giới (« rule Britannia ») và nắm toàn bộ tài nguyên của các nước thuộc địa, trong khi Hi Lạp chỉ có mấy hạt cát để lấp Biển Đông như Dã Tràng trong chuyện cổ tích Việt Nam, hay Sysiphe hoài công đẩy hòn đá tảng lên ngọn núi trong thần thoại Homère… Suýt nữa chúng tôi quên nói tới nội dung « hiệp định về ổn định và tăng trưởng » mà Merkozy (tức là cặp bài trùng Angela Merkel và Nicolas Sarkozy) đã nặn ra năm 2012 (và François Hollande đã chuẩn y – mở đầu nhiệm kỳ của mình bằng cái « tội tổ tông » đó). Theo hiệp định này, các nước trong nhóm Euro phải giữ thâm hụt ngân sách dưới mức 0,5% thâm hụt sơ cấp, chứ không phải ở dưới mức 3% theo tiêu chuẩn Maastricht. Đối nghịch với phương pháp « chậm » là phương pháp « nhanh » : lạm phát, thuế đặc biệt đánh vào những người giàu có, lên lịch hoãn nợ hoặc xoá nợ toàn bộ… Nhờ phương pháp này, những nước Âu Châu bị tàn phá trong Thế chiến lần thứ nhì (Pháp, Đức), chỉ trong vòng 5 năm, đã đưa nợ công từ mức 200% xuống 30% và đã tiến hành công cuộc tái thiết, tăng trưởng kinh tế mà không bị nợ nần đè nặng. Cũng nên nhắc lại cho nước Đức của bà Merkel « lú » đang rao giảng đạo lý cho Hi Lạp, rằng nhờ Hiệp ước London năm 1953, xoá 90% nợ nước ngoài cho Tây Đức (đó là không nói các khoản bồi thường chiến tranh đã bị « lờ » đi), mới có những thành tựu kinh tế thường gọi là « phép lạ Đức ». Có cần nhắc thêm những hậu quả ghê gớm của những đòi hỏi quá mức trong Hiệp định Versailles 1919 ?

4. TINA : « There is no alternative » (Không có chọn lựa nào khác cả), đó là câu nói cửa miệng của bà Margaret Thatcher (người Đàn Bà Thép của nước Anh, tiền thân người Đàn Bà Thép hiện nay của nước Đức) mỗi khi có người phản đối đường lối của mình. Ngày nay TINA trở thành điệp khúc của « bộ ba » : từ Tina I đến Tina III, các kế hoạch khắc khổ sẽ đưa chúng ta thoát khỏi khủng hoảng. Bất chấp sự phản bác của hầu hết các nhà kinh tế học : « Bộ tài chính Đức cùng các chính phủ Âu Châu, hay các cơ quan tư nhân chuyên trách, tuyệt nhiên không có ai đưa ra được một phân tích đáng tin cậy để chứng minh được rằng : thắt lưng buộc bụng hơn nữa, cải tổ thị trường lao động hơn nữa (tức là : sa thải thêm nhân công, giảm bớt lương bổng) có thể tạo động lực cho tăng trưởng mà cuối cùng, lại không gây ra những tổn thất nặng nề cho những người sở hữu trái phiếu » (P. Morici, Maryland University). « Bộ ba » thường nêu gương Ireland và Bồ Đào Nha là hai nước mà họ đã giám hộ thành công (cuối năm 2013, và mùa xuân năm 2014). Nhưng đó là những tấm gương biến dạng. Đúng là hai nước « học trò ngoan » đã khởi động lại được nền kinh tế, thậm chí đạt được tăng trưởng, song như báo Le Monde de l’Economie đã kín đáo giải thích, « ta cần thận trọng đối với những số liệu thống kê của Ireland [chẳng hạn] : đó là những con số dễ « bay hơi », vì đó là một nền kinh tế tương đối nhỏ, và tại đây có nhiều công ti đa quốc gia lớn, hoạt động trong các lĩnh vực dược phẩm và công nghệ mới, thành tựu của họ gắn liền với sự thăng trầm của tình thế kinh tế chung » (12/03/2015). Còn Bồ Đào Nha, thì các nhà quan sát cho rằng thành tựu kinh tế của nước này « lên xuống như răng cưa ». Dẫu sao, những nhân tố cơ bản (hiểu theo quan niệm của chính « bộ ba ») vẫn đáng quan ngại : nợ của Bồ Đào Nha (131,4% GDP) và của Ireland (114,8%) vẫn lớn hơn đảo Chypre (104,7%), và 5 năm khắc khổ đã gây ra biết bao tàn phá. Từ năm 2011 đến nay, 400 000 người đã rời khỏi Bồ Đào Nha vì thất nghiệp (ngày này 13%) và không thấy tương lai. Khó nghĩ rằng họ sẽ trở lại quê hương khi cuộc sống còn bấp bênh, 2 triệu người (trong tổng số 10,5 triệu) sống dưới mức nghèo khó. Còn ở Ireland, chính sách « củng cố ngân sách » theo kiểu « bộ ba » (tăng thuế, đặt ra thuế thổ trạch, cắt giảm 11% lương công chức…) khiến cho GDP giảm 20%. Con « hổ celtic », trở lại kiếp « mèo hoang », vẫn tiếp tục chính sách « dumping » thuế má (nhờ đó có lúc Ireland có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Liên hiệp Âu Châu (!)), nhưng lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ cao than phiền là thanh niên không được đào tạo đủ trình độ, điều này có thể sẽ làm cho Ireland « lỡ hẹn » với cuộc tái khởi động kinh tế – điều này làm ta liên tưởng tới Hi Lạp, mà « bộ ba » đòi phải đạt bội thu « sơ cấp » tới 4% GDP, nghĩa là gấp 4 lần ngân sách giáo dục. Không phải ngẫu nhiên mà, trái ngược với giới cầm quyền Ireland và Bồ Đào Nha 7, dân chúng rất chú ý theo dõi tấm gương của Syriza ở Hi Lạp, Podemos ở Tây Ban Nha, bằng chứng là sự tiến triển của các phong trào phái tả cấp tiến ở Lisboa « Juntos Podemos » (Cùng nhau chúng ta sẽ làm được), ở Dublin « AAA » (Anti Austerity Alliance / Liên minh chống khắc khổ).

5. TINA III loại trừ khả năng Grexit và giải quyết vấn đề nợ của Hi Lạp : Trước hết chúng ta cũng nên biết các nhà kinh tế học đánh giá Tina III như thế nào. Bất kể xu hướng, trường phái, hầu hết đều nhận định : điên rồ, độc hại, khập khễnh, mê sảng, nguy hiểm, phá hoại, phản thực tế, sát nhân, sơ khai, thảm khốc, vô lý, xộc xệch (các tính từ được xếp theo thứ tự abc). Người bình thường cũng thấy rõ được khoảng cách to lớn giữa các kế hoạch và dự phóng của « bộ ba » và những kết quả đạt được : « Hành xử của Âu Châu trong cuộc khủng hoảng là cả một đại hoạ. Cách đây năm năm, Mỹ và Châu Âu ngang nhau về tỉ số thất nghiệp và mức nợ công. Nhưng bây giờ, sau 5 năm, tình hình khác hẳn : thất nghiệp bùng nổ ở Âu Châu trong khi đã giảm xuống ở Mỹ. Hoạt động kinh tế của chúng ta thấp hơn mức 2007. Ở Tây Ban Nha và Ý, giảm 10%, ở Hi Lạp giảm 25% » (T. Piketty trả lời phỏng vấn của báo Der Spiegel). Các nhà kĩ trị của « bộ ba » lái một cái xe hơi mà động cơ sắp khựng lại, mà chân thì cứ đạp thắng, không những thế họ còn cung cấp cho hành khách những tấm bản đồ trật lất. Cụ thể hơn, các dự báo kinh tế của họ dựa vào những « mô hình kinh tế xập xệ » (Stiglitz và Guzman) khiến cho họ coi nhẹ tác động suy thoái của chính sách khắc khổ – điều nầy, chính Olivier Blanchard, giám đốc Vụ nghiên cứu của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) đã phải thừa nhận hồi tháng ba 2013. Biểu đồ dưới đây cho thấy khoảng cách giữa dự phóng tăng trưởng của IMF (đường màu xanh) và tăng trưởng thực sự của Hi Lạp (màu đỏ) trong thời gian 2009-2014. Ông sếp kĩ phiệt của IMF đã giải thích xanh rờn : « Các nhà dự báo của IMF đã đánh giá quá thấp sự tăng trưởng của thất nghiệp và sự giảm thiểu của sức cầu quốc nội gắn liền với sự thanh lọc ngân sách ». Đằng sau ngôn ngữ văn bia, lời thú nhận thản nhiên ấy có nghĩa là, trong cơn bão tố của vùng Euro, đạo quân hùng hậu của IMF, từ đại tướng chỉ huy tới các binh nhì, không hề nghĩ tới việc kiểm lại xem những giả thiết kinh tế cơ sở về khu vực này có còn giá trị gì trong cuộc khủng hoảng. Người ta có thể phẫn nộ trước sự bình thản của những con người mà những chủ trương đã quyết định vận mạng của hàng chục triệu sinh linh và bao nhiêu quốc gia dân tộc. Người ta có thể lo ngại khi thấy những kinh tế gia lão luyện cứ mải mê một quan niệm chính thống, tiếp tục suy luận theo những sơ đồ cũ trong khi bối cảnh đã thay đổi. Người ta không thể không kinh hoàng phải sống dưới sự thống trị của một tư duy kinh tế cứ tưởng mình là khách quan và khoa học, mà thật ra chỉ là con đẻ của một ý thức hệ.

reel

Nguồn : Paul Krugman



Trật tự « liberal »


Ở trên đã nói tới việc « bộ ba » nuốt lời hứa chính thức thảo luận trở lại về khoản nợ của Hi Lạp. Cũng cần nhắc lại là trong tất cả các lí thuyết kinh tế chính thống, mọi món nợ vượt quá 90% đều được coi là « không thể xử lý ». Không biết « bộ ba » lí luận loanh quanh thế nào mà họ lại định mức trần cho Athènes là 124%, nhưng cứ theo chính cái lô-gích ấy, lẽ ra IMF phải chẩn đoán là Hi Lạp không còn khả năng thanh toán và yêu cầu tái cấu trúc món nợ. Tạ ơn trời, IMF đang làm chuyện đó ! Đầu tiên, trong bản báo cáo công bố tại Washington ngày 3.7.2015 – mà các nhà lãnh đạo nhóm Euro đã hoài công tìm cách ngăn chận việc phổ biến – IMF đã phá vỡ điều cấm kỵ khi khẳng định rằng món nợ của Hi Lạp chỉ có thể được thanh toán nếu nó được cắt giảm đáng kể, chẳng hạn như xoá những khoản vay nợ các đối tác Âu Châu. IMF còn nói thêm Hi Lạp sẽ cần thêm 50 tỉ Euro chi viện trong ba năm tới để đáp ứng những nhu cầu tài trợ. Tiếp theo đó, ngày 14.7, IMF còn đưa ra một thứ « tối hậu thư », nói sẽ góp phần của mình (16 triệu E) vào kế hoạch Tina III sắp tới với điều kiện phải có những « biện pháp giảm nợ », họ chẩn đoán rằng món nợ của Hi Lạp có thể lên tới 200% và trở nên « hoàn toàn bất khả ». Động thái này không biết là do Quỹ tiền tệ thế giới đã ngả về giả thiết « tái cơ cấu nợ » hay là do sức ép chính quyền Mỹ vì, nhìn từ Washington, Nhà Trắng thấy rõ đường lối cứng rắn của Đức và chư hầu « thực sự là điên rồ » (chính tổng thống Obama đã tỏ ra quan ngại). Chỉ biết là mặc dầu có sự kháng cự ngoài mặt của một vài nước trong nhóm Euro (nhắm vào cử tri trong nước), ý tưởng thương lượng lại, xem xét lại, làm lại lịch trả nợ, hay gọi nó là gì đi nữa, xem như « không còn gây tranh cãi nữa », theo lời Benoît Coeuré, thành viên ban giám đốc Ngân hàng Trung ương Âu châu, trong bài trả lời phỏng vấn của báo Le Monde ngày 27.7. « Vấn đề không phải là nên hay không nên tái cơ cấu (…), mà là tái cơ cấu như thế nào ». Theo lời ông Juncker, chủ tịch Uỷ ban Âu Châu, thì dường như hiệp định ngày 13 tháng 7 đã « ghi trong văn bản » (nhưng phải biết giải mã) việc xét lại món nợ « sau khi sơ kết lần thứ nhất » việc thi hành những biện pháp đâu tiên mà « bộ ba » đòi hỏi. Đó chính là điều phái đoàn Hi Lạp yêu cầu ngay từ lúc đầu, dù rằng họ mong muốn lên lịch một cách cụ thể. Sẽ thật là trớ trêu nếu bây giờ Tsipras tranh thủ được một sự tái cơ cấu, dù là nhỏ nhoi đến đâu ! Thủ tướng Hi Lạp sẽ hiện ra như một người lèo lái xuất chúng trong khi người ta đã mô tả ông như là bị « bộ ba » đóng đinh thập tự trên cánh đồng hoang tàn.

Song cho đến nay, « bộ ba » (kể cả IMF) vẫn chưa đổi hướng. Họ đã « nhận tội » kỹ thuật từ năm 2013, nhưng các chính sách khắc khổ vẫn tiếp tục. Kết quả kinh tế vĩ mô ở quy mô Châu Âu có thể đọc trên bảng tổng kết tháng giêng 2015 của Eurostat. Ta thấy hai hiện tượng đồng hiện : thâm hụt công cộng giảm đi hầu như khắp nơi (tức là chính sách khắc khổ), và nợ công cũng tăng lên hầu như khắp nơi. Điều này thực ra không có gì lạ. Nói cụ thể, trong ba tháng cuối năm 2014, nợ công của 28 nước thành viên lên tới 86,6% GDP, của các nước trong nhóm Euro 92,1% GDP. Từ 2013 sang 2014, nợ tăng 1,3 điểm bách phân trong toàn bộ Liên hiệp Châu Âu, tăng 1 điểm trong nhóm Euro. Eurostat rút ra kết luận dứt khoát : « Từ mấy năm nay, quy mô nợ công ở Châu Âu không ngừng tăng lên. Cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế 2008, kết hợp với các chính sách khắc khổ nhằm giảm bớt thâm hụt công cộng, nghĩa là, trên lí thuyết, nhằm giảm mức nợ xuống, xem ra là những nguyên nhân chủ yếu giải thích việc Liên hiệp Âu châu tăng nợ ».

Làm thế nào giải thích được tại sao « bộ ba » vẫn ngoan cố phủ nhận thực tế như vậy ? Có lẽ phải đọc toàn bộ bài phân tích của nhà kinh tế học « lề trái » Robert Boyer 8. Đối với tác giả này, các chương trình khắc khổ được áp đặt thi hành « sẽ đi vào sử xanh tương tự như Galileo phải bó tay trước các nhà thần học. Hay là đơn của những thầy thuốc trong vở kịch Molière, bất luận bệnh tật gì, cũng bắt phải lấy máu, bệnh nhân chết sống thế nào, không cần biết. Đầu tiên là thắng lợi của tư tưởng kinh tế vĩ mô phản-Keynes, coi việc quản lý xấu khu vực công cộng là nguyên nhân duy nhất gây ra khủng hoảng. Quan niệm này dẫn tới sử dụng một mô hình tưởng tượng theo đó khắc khổ là điều kiện cho sự tái khởi động kinh tế và tăng trưởng. Tiếp đó, theo quan niệm của Đức, mọi món nợ đều được coi là tiêu cực, biểu hiện của ý muốn sống vượt quá khả năng của mình. Đối với quan niệm ấy, các chính quyền Hi Lạp đã phạm lỗi. Và họ phải bị trừng phạt để không tái phạm, và để không nêu gương xấu cho các thành viên khác trong nhóm Euro (…). Thế mà đã từ lâu, những phân tích nghiêm túc cho thấy sự tất bại của những chính sách khắc khổ được đem áp dụng vào những nền kinh tế mà khu vực tư nhân bị lép vế khi gặp sự cạnh tranh quốc tế. Cuối cùng, người ta mới nhận ra là Keynes có lý : trong tình hình khả năng sản xuất quá lớn và thất nghiệp quá nhiều, cắt giảm chi tiêu công cộng chỉ làm cho tình hình xấu thêm. Điều đó lại càng đúng khi các nước đều đồng loạt thi hành cùng một chính sách khắc khổ, làm cho thất nghiệp tăng lên và nợ công bùng nổ ».

Yêu cầu của chính phủ Tsipras thực chất là gì ? Chỉ xin hai chữ « bình an » để họ thử nghiệm một chính sách khác, mà không bị dao găm kề cổ. Họ sẵn sàng tiến hành những cải cách triệt để về cơ cấu (lương hưu, thuế, bộ máy hành chính, chống tham nhũng), mà không bị ràng buộc bởi những vấn đề ngân sách ngắn hạn. Vì vậy mà họ xin giảm bớt nợ, và làm lại lịch trả nợ, để « vượt qua tường thành 2015 » và chứng tỏ khả năng của chính quyền mới. Đó là những yêu cầu hợp lý, đáng được bàn thảo thay vì buộc tội. Rõ ràng đây không còn là vấn đề kinh tế nữa, mà đụng tới ý thức hệ. Phải chăng cái trật tự « liberal » (hiện nay người ta đang dùng danh từ thời thượng là ordolibiralismus) đang ngự trị ở Châu Âu đang lo sợ làn sóng phản kháng tràn lan đến mức người ta phải hạ fatwa (giáo lệnh) xử trảm những kẻ « phản đạo » ? Khi bộ trưởng kinh tế Hi Lạp, Euclide Tsakalotos, nói lên cảm tưởng của mình về cuộc đàm phán : « Sự thật là dường như [các đại biểu của « bộ ba »] không muốn dành ưu tiên cho việc giải quyết vấn đề nợ. Người công dân Châu Âu đứng trước sự chọn lựa như thế này : Châu Âu có thể chấp nhận một chính phủ mà chương trình không phù hợp với ý thức hệ thống trị ? Nếu câu trả lời là « không », thì thông điệp mà người ta muốn gửi cho các công dân Âu Châu là : ở Châu Âu, các người muốn làm gì thì làm, miễn là phải tuân lệnh giới thượng lưu Âu Châu », thì Euclide Tsakalotos đã huỵch toẹt nêu ra vấn đề cốt lõi : sự quản trị dân chủ của Liên hiệp Âu Châu. Xin nói rõ ngay : không phải là chúng tôi chủ trương dân chủ là nhất thiết phải tổ chức trưng cầu dân ý. Đúng là cuộc trưng cầu ở Hi Lạp đã khẳng định một lần nữa tính chính đáng của chính phủ Tsipras, nhưng một cuộc trưng cầy dân ý tại Đức rất có thể sẽ chính đáng hoá đường lối cứng rắn của bà Merkel ; việc gia nhập Liên hiệp Châu Âu ở hầu hết các nước đều đã được trưng cầu ý dân (ngoại trừ Hi Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Chypre) : điều đó có nghĩa là nhân dân các nước châu Âu đã đồng ý uỷ thác một phần chủ quyền quốc gia cho một cơ quan siêu quốc gia. Vấn đề gai góc là ở đó : Nghị viện Châu Âu thì không có quyền, Châu Âu không có một cơ quan hành pháp, và các định chế Âu Châu (Uỷ ban Âu Châu, Ngân hàng Trung ương Âu Châu) thì lại không có tính chính đáng. Nhiều nhà quan sát đã coi việc « bộ ba » sử dụng cánh tay sắt thép của Ngân hàng Trung ương Âu Châu để khuất phục Hi Lạp là một « cuộc đảo chính » bằng tài chính : ngày 26 tháng 2 năm 2014, mươi ngày sau khi đảng Syriza lên cầm quyền, BCE chấm dứt quy chế ân huệ cho phép các ngân hàng Hi Lạp đổi lấy tài trợ của BCE bằng cách nộp trái phiếu cho Ngân hàng Trung ương Hi Lạp phát hành, lấy đó làm bảo chứng ; nhưng BCE tạm thời cho phép hệ thống tài chính Hi Lạp sử dụng chương trình tiền mặt khẩn cấp ELA (đòi hỏi thấp hơn về bảo chứng, nên lãi suất cao hơn) ; nhưng ngày 6 tháng 7, tức là hôm sau ngày dân ý trưng cầu nói « không », thì BCE lại tăng mức bảo chứng, trên thực tế là đặt giới hạn cho những khoản vay khẩn cấp, buộc Nhà nước Hi Lạp phải chọn giải pháp duy nhất là kiểm soát vốn tư bản ; việc hạn chế rút tiền mặt, cấm chuyển tiền ra nước ngoài đẩy kinh tế Hi Lạp vào tình trạng nghẹt thở dần dần ; đòn cuối cùng của BCE có thể sẽ là chặn luôn cả chương trình ELA, buộc Hi Lạp phải ra khỏi nhóm Euro để tránh sự phá sản của các ngân hàng. Không thể nghi ngờ, chiến lược « nút thòng lọng » này có mục đích tiếp tay cho các chủ nợ để Athènes phải quỳ gối. Phải nói là BCE đã thành công.

Còn niệm ngữ của ông Juncker (xem phần đầu bài) : « Không thể có sự chọn lựa dân chủ nào cả với các hiệp ước Châu Âu », biết trả lời sao đây ? Vùng Euro giờ đây chỉ là ngôi nhà xây dở dang, có nội quy đàng hoàng nhưng chưa lợp mái. Nhiều nhân vật đã đưa ra những giải pháp để lợp mái. Không đủ hiểu biết chuyên môn, người viết bài sẽ không chọn giải pháp nào. Để bạn đọc có thêm thông tin, xin giới thiệu bản báo cáo của năm « chủ tịch » Âu Châu (Uỷ ban, Nghị viện, Hội đồng, Nhóm Euro, BCE) trong đó họ đề nghị kiểm soát Uỷ ban và Nhóm Euro bằng một nghị viện của vùng Euro, và tăng cường sự giám sát các nền kinh tế và ngân sách quốc gia, lập thêm một ngân sách của vùng Euro để « giảm bớt những cú sốc kinh tế vĩ mô », và lập ra môt « Kho bạc Âu Châu ». Triết lý của sự liên bang hoá này là giám hộ các nền kinh tế quốc gia, để cho các Nhà nước không bị bắt làm « con tin của các vấn đề quốc gia ». Muốn làm như thế, sẽ phải bổ sung các hiệp ước. « Người ta không thể dùng chung một tiền tệ duy nhất mà lại không tin tưởng vào chế độ dân chủ », nên những nhà kinh tế học như Thomas Piketty đề nghị thay thế những ban lãnh đạo « tự phong » (như cặp bài trùng Đức Pháp) bằng một nghị viện thực sự của vùng Euro, quốc hội mỗi nước thành viên cử ra một số đại biểu theo tỉ lệ dân số mỗi nước. Nghị viện siêu quốc gia sẽ có trách nhiệm quy định mức thâm hụt và mức đầu tư công, và giám sát BCE, liên minh ngân hàng cũng như Cơ cấu ổn định Âu Châu. Giải pháp này dân chủ hơn và ít quan liêu so với giải pháp của năm « chủ tịch », nhưng chỉ có thể thực hiện nếu những thế lực bá quyền chịu phục tùng đa số. Vân vân. Điểu chắc chắn là quỹ thời gian đã cạn, ngôi nhà có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy từ khi cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp Âu Châu thất bại, những người ủng hộ ý tưởng Châu Âu đã giảm đi một nửa trong vòng mười năm. Thành thực mà nói, trước sự ích kỷ, sự đểu cáng và nhảm nhí của những chính sách mà trật tự « liberal » đã áp đặt, còn ai muốn tán thành cái thứ Châu Âu đó ?

Nguyễn Quang

Cuối tháng 7.2015





1 Xem bài Từ 2008 đến 2011 : Tài chính và chủ nghĩa ‘tự do’

2 Sau Nhà nước, thì Giáo hội Chính thống giáo là địa chủ lớn nhất của Hi Lạp. Lớn tới đâu thì có trời biết, vì Hi Lạp không có hồ sơ địa bạ. Giáo hội còn có những cơ sở được hưởng quy chế công, trên nguyên tắc phải công bố sổ sách, nhưng họ không bao giờ làm. Có cả những hoạt động thương mãi, từ năm 2010 phải đóng thuế 20%. Tài sản và thu nhập của Giáo hội ước tính (đại khái) là 1 tỉ Euro, nhưng hàng năm chỉ nộp 2,5 triệu Euro tiền thuế. Còn giới chủ nhân các đội tàu biển, thì các công ti của họ được hưởng đặc quyền « biên ngoại » mặc dầu trụ sở vẫn đặt trên đất Hi Lạp, không phải nộp thuế. Cái « hộp đen » thuế khoá này có từ năm 1974 khi chế độ độc tài của bọn đại tá sụp đổ.

3 Cho đến giờ, tác giả trò ma giáo này chưa có ai (trong giới lãnh đạo Hi Lạp cũng như ở ngân hàng Goldman-Sachs) bị truy tố cả.

4 Giữa lúc cuộc khủng hoảng subprime lan tràn, ngân sách vũ khí của Hi Lạp đã tăng một phần ba. Athènes đã mua 2 tỉ đôla máy bay chiến đấu của Mỹ, 6 tàu chiến và nhiều trực thăng của Pháp (trị giá 3 tỉ Euro), 6 tàu ngầm của Đức (trị giá 5 tỉ Euro).

4 R. Godin, « Quand la BCE acceptait une restructuration de la dette irlandaise », nhật báo Thuỵ Sĩ La Tribune, 28/01/2015.

6 T. Piketty, « Doit-on toujours payer ses dettes ? », Libération, 21/04/2015

7 Trả lời phỏng vấn của nhật báo Bỉ Le Soir (22/07/15), chủ tịch Uỷ ban Âu Châu, Jean-Claude Juncker, tiết lộ rằng ông đã đề nghị với Tsipras đến tháng 10, sẽ thương lượng trở lại về món nợ của Hi Lạp, nhưng gặp sự chống đối của đại biểu Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland, « vì họ không muốn [làm như thế] trước ngày bầu cử [ở ba nước này, dự trù bắt đầu từ tháng 10] ».

8 R. Boyer, « Face à l’UE, les Grecs ont servi de bouc émissaire », Libération, 01/07/2015.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss