Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Hãy phục hồi giấc mơ

Hãy phục hồi giấc mơ

- Trần Bình — published 21/11/2010 12:33, cập nhật lần cuối 21/11/2010 12:33


F. ZAKARIA và "Giấc mơ Mỹ"


Hãy phục hồi giấc mơ


Trần Bình



Làm thế nào để khôi phục giấc mơ người Mỹ là chủ đề thảo luận do tiến sĩ Fareed Zakaria (1) thực hiện qua bài viết How to restore American dream trên tạp chí Time và buổi phỏng vấn dưới tựa đề How to invest in jobs for America trên đài truyền hình CNN tháng 10 năm nay.

Từ nhiều thập niên qua, có thể nói rằng American dream không chỉ là giấc mơ của riêng người Mỹ, mà còn là giấc mơ của nhân loại. Nước Mỹ đã từng là biểu tượng của sự phồn vinh, tình thần khai phá, vùng đất cơ hội cho những con người có chí tiến thủ vươn tới sự thành công.

Ngày nay, nước Mỹ đang cố vùng vẫy vượt ra khỏi cơn suy thoái. Sau ba năm kể từ khi cuộc khủng hoảng xảy ra, viễn cảnh của sự phục hồi vẫn mịt mờ.  American dream đang bị đe dọa.

Là cường quốc kinh tế số một, trong bối cảnh của nền kinh tế toàn cầu hóa, cuộc khủng hoảng kinh tế của Mỹ đã kéo theo sự suy thoái của nền kinh tế thế giới, đặc biệt tại các nước phát triễn. Các nước đang phát triển mới nổi lên, trong số đó Trung Quốc, Ấn Độ, và Việt Nam đã gặt hái được thành quả kinh tế nhờ vào sự tiêu xài “hào phóng” của các quốc gia phát triển, đặc biệt nước Mỹ, nay đang phải đối đầu với mức cầu giảm mạnh.

Sự phục hồi American dream vì thế không chỉ là mối quan tâm của riêng người Mỹ.

Từ một góc nhìn khác, Mỹ còn là một siêu cường trên chính trường thế giới. Sự suy yếu của nước Mỹ diễn ra cùng lúc với sự lớn mạnh không ngừng của Trung Quốc có thể dẫn đến thế mất quân bình trên cán cân bang giao quốc tế. Một nước Mỹ phục hồi sẽ có thể đóng vai trò tích cực trong việc duy trì cán cân quyền lực thế giới, làm đối trọng với ảnh hưởng đang lan tỏa nhanh chóng của một Trung quốc đầy tham vọng.

Một thế giới cân bằng quyền lực sẽ có lợi cho các nước nhược tiểu không đủ khả năng tự vệ, như Việt Nam, trước nanh vuốt của các đại cường, như Trung Quốc.


*


Trong khi dân chúng Mỹ đang bàng hoàng trước những tổn thất to lớn do cuộc khủng hoảng gây ra, hoang mang về một tương chưa định hướng, các nhà nghiên cứu trong đó có Zakaria đang cố phân tích cội nguồn các vấn đề của nền kinh tế nước Mỹ.

Vậy thì theo Zakaria, đâu là những vấn đề ? kế sách nào giải pháp khả thi ?

  1. Trước tiên, người Mỹ không thể tiếp tục giả vờ rằng nước Mỹ không có vấn đề, và đổ lỗi các khó khăn cho các nước khác. Càng không thể tự lừa dối rằng nước Mỹ không có khủng hoảng vì nền kinh tế vẫn tiến triển bằng cách tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ.

  2. Tỷ lệ của tiêu thụ trên GDP vào những thập niên 50, 60, 70 nằm ở mức ổn định, khoảng 60-65 %. Song tỷ lệ này đã tăng dần từ đầu thập niên 80, lên 70 % năm 2001, và giữ ở mức này cho đến nay. Mỗi hộ dân cư Mỹ trung bình có 13 thẻ tín dụng, với số nợ 700 tỷ USD vào năm 1974. Đến nay, con số này đã tăng gấp 20 lần, lên 14 ngàn tỷ USD. Công quỹ chính phủ Mỹ cũng ở tình trạng tương tự, với quy mô lớn hơn gấp nhiều lần.

    Tiêu xài vượt quá khả năng, trong trường kỳ hoàn toàn không thể là biện pháp kích thích cho sự tăng trưởng bền vững. Hệ quả là nước Mỹ đang mang một gánh nợ khổng lồ. Đã đến lúc cần phải chuyễn hướng nền kinh tế, từ chỗ quá lệ thuộc vào tiêu thụ, qua hướng đầu tư.

  3. Cái thời mà các nước phát triển hầu như độc quyền sản xuất và thụ đắc siêu lợi nhuận đã qua. Sự phát triển về kỹ thuật và tiến trình toàn cầu hóa đã làm thay đổi bộ mặt thế giới. Ngày nay, nền kinh tế của nhiều quốc gia đang phát triển đã trở nên ổn định và cải thiện, hàng hóa và dịch vụ chất lượng có thể sản xuất và cung ứng từ khắp nơi trên thế giới.

    Tại Mỹ, các ngành công nghiệp sử dụng kỹ năng trung bình, chế tạo hàng hóa, xe hơi, thép là khu vực kinh tế quan trọng, sử dụng nhiều lao động vào những thập niên trước đây, hiện đang bị cạnh tranh khốc liệt. Với sự phát triển kỹ thuật, ngành dịch vụ hiện chiếm tỷ phần lớn hơn trong nền kinh tế, cũng đang đối đầu với sự cạnh tranh. Nghiên cứu gần đây của Blinder ước tính khoảng 24 trong số 49 triệu lao động trong khu vực dịch vụ có khả năng sẽ chuyển ra nước ngoài.

  4. Ngày nay, Mỹ cũng không còn ở vị trí chiếm lĩnh trên địa hạt nghiên cứu như những thập niên trước. Vào thập niên 50, hầu hết các công trình nghiên cứu khoa học phát xuất từ Mỹ. Ngày nay, nhiều quốc gia đã tham gia vào lãnh vực này. Theo tài liệu nghiên cứu Yêu cầu về Phát minh trong Công nghệ - Làm thế nào Mỹ có thể phục hồi ưu thế, Mỹ đã tụt xuống hàng thứ tám trong bảng xếp hạng về phát minh. Trung quốc đã thành công chế tạo ra chiếc mấy computer nhanh nhất thế giới, không phải là vì lợi thế kinh doanh, mà do đã đầu tư rất lớn vào kỹ thuật. Nam Hàn với dân số 50 triệu, vừa công bố dự án đầu tư 35 tỷ USD về tái tạo nhiệt lượng. Singapore với 5 triệu dân số, song hiện là nước dẫn đầu thế giới về phát minh, với ngân khoản đầu tư nghiên cứu phát triển 30 tỷ USD cho giai đọan 2000-2016 (2).

  5. Giáo dục và đào tạo của Mỹ đang có vấn đề. Nền giáo dục nước Mỹ cần được cải thiện, đặc biệt trên các địa hạt đang bị tụt hậu như khoa học, toán và máy tính. Ưu điểm của nền giáo dục nước Mỹ là không gò bó con em trong giai đoạn đầu phát triển, giúp cho chúng suy nghĩ một cách sáng tạo ; song, chưa thực hiện rộng rãi và thành công trong các chương trình đào tạo thường xuyên lực lượng lao động, điều mà các doanh nhân tham gia cuộc thảo luận đều cho là cần thiết hầu có thể duy trì kỹ năng trước áp lực cạnh tranh và sự thay đổi kỹ thuật nhanh chóng. Về mặt này, Đức và một số nước Bắc Âu đã khá thành công trong chương trình tái đào tạo.

    Vì vậy, kỹ năng lao động trong các ngành công nhiệp cao của Mỹ đang bị bào mòn. Công ăn việc làm đòi hỏi kỹ năng cao không mất đi vì Trung Quốc hay Ấn Độ, mà qua tay của các nước phát triển khác, như Đức, Canada, Nhật.

  6. Hệ thống thuế của Mỹ cần phải được cải thiện. Nước Mỹ đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về hạng mục "sự dễ dàng trong kinh doanh" là một điểm son. Thế nhưng nước Mỹ đứng thứ 61 trong hạng mục "trả thuế", với mười sáu ngàn trang các quy định thuế rườm rà, khó hiểu ; những biệt lệ và lỗ hổng đặc biệt có lợi cho các nhóm quyền lợi. Ngày nay, việc "mua" sự ủng hộ của các dân biểu để thông qua các luật định có lợi cho các công ty đã trở thành thông lệ.      

  7. Các phân tích trên đây cho thấy tầm quan trọng của đầu tư trong nỗ lực khôi phục nền kinh tế nước Mỹ. Đầu tư không những cần phải nâng cao ở số lượng mà còn ở chất lượng.  

    Các doanh nhân trao đổi với Zakaria trong cuộc thảo luận đều đồng quan điểm rằng, chìa khóa để mở cánh cửa phát triển và tạo công ăn việc làm là đẩy mạnh đầu tư trên các lãnh vực kỹ thuật, nghiên cứu phát triển, và hạ tầng. Đầu tư phải hướng tới những lãnh vực mà nước Mỹ có thể chiếm ưu thế, liên quan đến kiến thức, khoa hoc, phát minh ; tạo ra được những ngành công nghệ mới, và đổi mới các ngành hiện có.

    Dưới trào của Ông Obama, đầu tư về nghiên cứu tuy được nâng cao, nhưng vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn 3 % GDP. Trong tình thế hiện nay, nước Mỹ sẽ cần đầu tư cao hơn thế nữa, ở mức 6 %.

  8. Không những các đại công ty sẽ phải đẫy mạnh đầu tư, mà cả chính phủ Mỹ cũng sẽ phải tham gia vào dự án to tát này. Kinh nghiệm cho thấy các phát minh từ các công trình nghiên cứu của chính phủ cho các mục tiêu quân sự - như semiconductor, internet, GPS - đã dẫn đến những biến chuyễn lớn lao khi ứng dụng vào khu vực kinh tế tư nhân, tạo ra những ngành công nghệ mới, và thú hút hàng triệu, triệu lao động.

  9. Nước Mỹ cũng phải cần cải thiện sách lược đầu tư nhân sự. Chính sách hiện nay không khai thác được lợi thế của nước Mỹ, là nơi đang thu hút những bộ óc ưu tú nhất, nhờ vào các trường đại học và là môi trường làm việc rất tốt. Hàng triệu sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới đến Mỹ để được đào tạo, trong nhiều trường hợp bằng tiền thuế của dân Mỹ, và tuyệt đại đa số đã trở về nước, vì nước Mỹ không có một chính sách tạo điều kiện dễ dàng cho họ ở lại. Có thể nói đây là một chiến lược đầu tư rất tốt cho Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng rất tồi cho nước Mỹ.

  10. Một câu hỏi liên quan là lấy tiền ở đâu ra để hỗ trợ cho một dự án đầu to tát đến như thế ? Phương án tốt nhất là tạo ra thuế tiêu thụ (consumption tax), hay còn gọi là thuế giá trị gia tăng (value added tax), hoặc thuế bán hàng (national sales tax). Tất cả các nước phát triển đều có loại thuế này, chỉ riêng nước Mỹ là chưa có. Nếu đặt mức thuế tiêu thụ từ 5-7 %, thì đây vẫn là mức thuế thấp nhất so với các nước phát triển khác. Với thuế này, người Mỹ sẽ tiêu thụ bớt đi một chút, song đây cũng không phải là điều tệ hại. Điều quan trọng là phải dành tất cả tiền thu được từ thuế này cho việc đầu tư.     


    *

Nước Đức được Zakaria nêu lên như một một trường hợp điển hình đáng được học hỏi, vì sự thành công của chính sách tập trung vào các ngành công nghệ cao, sự chú trọng đến các ngành giáo dục khoa học, kỹ thuật, và hiệu quả của các chương trình đào tạo, tái đào tạo lực lượng lao động. Đức là quốc gia phát triển đầu tiên đang phục hồi từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, thể hiện qua tỷ lệ thất nghiệp giảm liên tiếp trong 15 tháng qua.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị của Washington hiện nay, Zakaria không mấy lạc quan về tính khả thi của các kế sách xuất mà ông đã đề xuất. Trải qua nhiều thời kỳ, chính sách của cả hai cánh tả và hữu đều khuyến khích tăng tiêu thu qua việc mở rộng các chương trình an sinh xã hội, thực hiện gói kích thích, hay giảm thuế. Mặt khác, sự phân cực ngày càng sâu sắc giữa hai đảng khiến các nỗ lực để đạt được sự đồng thuận về những chiến lược lớn và lâu dài càng khó khăn. Hệ thống chính trị nước Mỹ ra đời vào thế kỷ thứ 18 nhằm kiểm soát và cân bằng quyền lực tuyệt đối. Ngày nay, hệ thống ấy thường gây ra tình trạng bế tắc vào những lúc cần phải thực hiện cấp thời trên quy mô rộng lớn các biện pháp quan trọng.

Song, mặc dù phải đối đầu với thử thách chất chồng, nước Mỹ đang có những lợi điểm rất lớn. Coke's Kent lưu ý rằng, Mỹ là thị trường lớn nhất, giàu nhất, và Bắc Mỹ là khu vực phát triển duy nhất có dân số gia tăng. Klaus Kleinfeld, chủ tịch điều hành công ty Alcoa, người gốc Đức nhận định rằng, tính cởi mở, đa dạng, và năng động là những đặc điểm rất độc đáo của người Mỹ. Nếu gìn giữ và xây dựng trên những giá trị này, thì tôi vẫn tin vào American dream.


Zakaria kết luận.

Từ American dream ra đời vào lúc cuộc đại khủng hoảng thế giới xảy ra năm 1931, khi nhà xuất bản buộc sử gia James Truslow Adams phải đổi tên cuốn sách The American Dream thành The Epic of America, đơn giản là vì lý do thương mại. Trong cuốn sách The American Dream, James Truslow viết :

Một cuộc sống tốt đẹp hơn, giàu có hơn, và hạnh phúc hơn cho mọi tầng lớp dân chúng là sự đóng góp to lớn nhất cho tư tưởng và hạnh phúc của nhân loại. Giấc mơ và niềm hy vọng ấy hiện hữu từ buổi ban đầu. Từ khi đất nước được độc lập, người dân Mỹ đã đứng lên bảo vệ giấc mơ của mình trước những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua.

Ngày nay, nước Mỹ cũng đang đối đầu với muôn trùng khó khăn. Song trước đây, chúng ta đã từng vượt qua được những thách thức, và bây giờ vẫn có thể.       




Trần Bình

tháng 11/2010

        

(1)  Fareed Zakaria đã từng cộng tác với các tờ Newsweek, Newsweek International, và hiện là nhà bình luận cho TimeCNN. Ông tốt nghiệp cử nhân tại đại học Yale, và sau này lấy bằng tiến sĩ tại Harvard năm 1993.
(2) Singapore: The new home of innovation

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss