Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / "Hãy tham gia đấu tranh"

"Hãy tham gia đấu tranh"

- Stéphane Hessel/Spiegel — published 09/02/2011 17:18, cập nhật lần cuối 09/02/2011 21:22
Nhà hoạt động chính trị Stéphane Hessel, từng tham gia Kháng chiến Pháp chống Đức quốc xã, nói với phóng viên báo Spiegel (Đức) về bài luận chiến “Hãy phẫn nộ“ của ông, kêu gọi nổi dậy ôn hòa chống lại hiện trạng chính trị, và về vai trò 'lãnh đạo tinh thần' của ông trong một giới trẻ đang bất mãn.

 “Hãy tham gia đấu tranh!” [1]

   

Stéphane Hessel (Tự Quân dịch)




SPIEGEL: Thưa ông Hessel, quyển bút chiến mỏng của ông “Hãy phẫn nộ“ đã gây tiếng vang to lớn trong cũng như ngoài nước Pháp. Qua đó ông đã châm ngòi cho cuộc cách mạng, phải không ạ ?

Hessel: Tôi không hề có ý định đó, cho dù từ đấy tới nay lời kêu gọi ấy quả đã cháy bùng như một ngòi thuốc nổ. Sắp bán được một triệu bản, lại còn được dịch trên khắp thế giới nữa! Tôi hoàn toàn bất ngờ trước thành công này, nó gần như một hiện tượng xã hội đại chúng. Nói đúng ra tôi nghi ngại sự cám dỗ làm cách mạng, vì nó luôn tiềm ẩn nguy cơ. Nhưng đồng thời tôi lại khâm phục sự chiến đấu quả cảm của những người ngày nay kế tục Louis Auguste Blanqui và Michail Bakunin - những kẻ theo chủ thuyết vô chính phủ thế kỷ 19,  muốn báo trước một dấu hiệu theo cách của họ, thông qua hành động.

SPIEGEL: Ông cho rằng mình đứng trong hàng ngũ kế tục họ?

Hessel: Tập sách của tôi chẳng có gì lớn lao cả, có lẽ chỉ như tầng đầu của một chiếc hỏa tiễn, một lời kêu gọi cảnh tỉnh. Nó ra đời chẳng qua do tình cờ thôi.

SPIEGEL: Như thế nào ạ?

Hessel: Sau một buổi trò chuyện với bà Sylvie Crossman; ngoài chuyện xuất bản, bà rất quan tâm đến Phật pháp và sự minh triết của các thổ dân Úc. Bà cho rằng ở tuổi thượng thọ như tôi, với kinh nghiệm sống của một kháng chiến quân Pháp và của một cộng tác viên từng thảo ra bản Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc lẽ ra tôi phải thấy cần lên tiếng về những điều liên quan đến xã hội của chúng ta ngày nay.

SPIEGEL: Một ước nguyện lưu lại cho thế hệ trẻ ?


Stéphane Hessel là đồng tác giả cuối cùng còn tại thế của bản Tuyên ngôn nhân quyền Liên Hiệp Quốc, công bố tháng 12 năm 1948 ở Paris. Ông sinh năm 1917 ở Berlin, con của nhà văn Đức Franz Hessel và nhà báo nữ Helen Grund; nhập quốc tịch Pháp năm 1937, tham gia kháng chiến, gặp tướng Charles de Gaulle ở Luân Đôn năm 1941. Năm 1944, ông bị Đức Quốc xã bắt trong một chuyến về nước công tác và bị phát vãng tới trại tập trung Buchenwald và Dora, trốn thoát nhờ dùng căn cước của một người chết. Chiến tranh kết thúc, ông phục vụ trong ngành ngoại giao Pháp từ năm 1945 đến khi về hưu, từng giữ nhiều chức vụ cao cấp trong các cơ quan đại diện của Pháp ở New York, Genève, Bắc Kinh, Sài Gòn, Alger... Tác giả quyển tự truyện "Hoà nhịp cùng thế kỷ", ông tham gia các hoạt động nhằm bảo vệ quyền con người và đối thoại giữa các nền văn hóa. Trong tập luận văn đả kích "Indignez – vous!" – "Hãy nổi giận" xuất bản tháng Mười 2010 (bản dịch tiếng Đức "Empört euch!" , Ullstein Verlag phát hành giữa tháng Hai 2011) ông phê phán chủ nghĩa tư bản tài chính, chủ nghĩa thực dân dưới nhiều hình thức (như Pháp đối với một số nước châu Phi, Israel đối với dân Palestine...), chính sách đối xử với những thành phần thiểu số, việc nhà nước thẳng tay cắt giảm phúc lợi xã hội v.v.

Hessel: Tôi đã đi đến chặng cuối của đời mình rồi. Chẳng còn sống được bao lâu nữa. Thế nên tôi đã nhân cơ hội này nhắc nhở lại nền tảng cuộc dấn thân chính trị của mình, những năm tháng tham gia Kháng chiến chống các thế lực bạo tàn trong Thế chiến thứ hai.

SPIEGEL: Trước mắt chẳng có mối nguy cơ nào tương tự đang đe dọa thế giới. Tính thống thiết trong lời kêu gọi tranh đấu của ông phải chăng là quá mức cần thiết ?

Hessel: Có thể thế thật. Nhưng do đâu tôi lại như chạm đúng vào một sợi dây thần kinh đang căng thẳng của thời đại? Hiện nay một sự công phẫn đang trùm lên xã hội nhiều nước chúng ta, khiến người ta có cảm giác không thể cứ tiếp tục như thế này được nữa. Quá nhiều vấn đề không được giải quyết - từ khủng hoảng kinh tế tới việc nhà nước thẳng tay cắt giảm phúc lợi xã hội, đến sự hủy hoại môi trường sinh thái trên hành tinh của chúng ta. Cho nên lời kêu gọi 'hãy nổi giận' rõ ràng đã gióng lên đúng vào một thời điểm lịch sử.

SPIEGEL: Thông thường thì phẫn nộ được xem là đặc quyền ở lớp trẻ, còn người già sống với hồi tưởng và hoài niệm. Ông có cả hai thứ ấy?

Hessel: Những vấn đề hiện nay tất nhiên không còn giống những thử thách chúng tôi phải đối mặt vào những năm 1944/45 cuối Thế chiến. Nhưng những giá trị thôi thúc chúng tôi thời đó vẫn luôn có thể tạo nền tảng cho sự phản kháng, phẫn nộ hiện nay.

SPIEGEL: Đó là những giá trị gì?

Hessel: Những nguyên tắc của đạo đức không cần phải được sáng tạo mới. Cơ bản vẫn là : Tự do, Công bằng, Đoàn kết. Sự bất khả xâm phạm của nhân phẩm và nhân quyền. Khi những giá trị này bị chà đạp, chẳng hạn bởi mãnh lực của đồng tiền, bởi sự cạnh tranh vô kỷ luật, bởi hố ngăn cách giàu nghèo ngày một sâu rộng, bởi sự khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, bởi sự trấn áp quyền tự quyết, thì chúng ta ngày nay phải chống lại, như hồi đó chúng tôi đã chống lại những thế lực đưa đến nạn hủy diệt.

SPIEGEL: Phải chăng điều bí ẩn khiến ông thành công nằm ở vầng hào quang của cá nhân mình? Và nhờ ông mà tâm trạng phẫn nộ [ở giới trẻ phản kháng] có được một khuôn mặt lãnh đạo tinh thần uy tín?

Hessel: Thật lạ lùng là một kẻ già lão sắp kề miệng lỗ như tôi lại được giới trẻ hưởng ứng. Có lẽ vì họ có nhu cầu được sống trong những thời đại anh hùng. Khi tôi ra nói trước cử tọa: Nếu có gì đấy khiến các bạn nổi giận, như bọn Quốc xã từng khiến tôi phẫn nộ, thì các bạn hãy tham gia tranh đấu, mạnh mẽ và dấn thân – thật không tưởng tượng nổi cử tọa đã hoan hô tôi như thế nào. Trong thế giới này có biết bao điều ta không chấp nhận nổi. Tôi nói với các bạn trẻ: Chỉ cần các bạn thử nhìn quanh mình thôi, các bạn sẽ thấy những điều ấy ngay.

SPIEGEL: Rất kính trọng ông, [song xin ông thứ lỗi],  như thế chẳng hóa ra đơn giản quá ư? Cái gì phân biệt sự phẫn nộ chính đáng với nổi giận mù quáng?

Hessel:  Ở đây quả thật ông đã chạm đến một điểm quan trọng. Chỉ cất lên tiếng thét thôi quả là không đủ. Sự nổi giận không thể dừng lại ở sự dấn thân vô nghĩa. Phẫn nộ mới chỉ là động cơ cảm tính đưa đến phản kháng thôi.

SPIEGEL: Người Pháp thường rất dễ nổi nóng và phản ứng cấp kỳ. Họ đình công, biểu tình, gây huyên náo, đập phá, giành quyền làm chủ đường phố, để rồi cuộc phản kháng tàn lụi chẳng đưa đến kết quả nào.

Hessel: Đúng vậy, tiếc thay thường như thế thật. Sự phẫn nộ chỉ là bước đầu thôi. Tiếp theo đó phải suy ngẫm sâu xa, phân tích vấn đề về mặt chính trị rồi từ đó tìm ra phương cách ứng xử, tìm ra những lối gỡ thế bí.

SPIEGEL: Nhưng chính điều này đã không được ông đề cập đến trong tập sách của mình, trong khi ông không ngừng đưa ra lời kêu gọi cảm tính. Thế chẳng phải là ông đang đùa với lửa hay sao ? Chính vì sự phẫn nộ dựa trên những yêu sách mang tính đạo đức nên nó có thể đột nhiên biến thành hằn thù và phá hoại.

Hessel: Nguy cơ này có thật. Vì thế Spinoza đã coi phẫn nộ là sự đam mê có tính tiêu cực. Tôi luôn bổ sung: phản kháng phải là hành động có tính sáng tạo. Ta phải đưa ra được cái gì mới và tích cực để thay thế cái trước đó ta không chấp nhận nổi. Hy vọng chính là sức đẩy của lịch sử, chính nó mới là động lực của tương lai, như Sartre từng nói. Tuy nhiên có những người nhiều thẩm quyền hơn tôi để vạch ra những cải cách khả thi và những cấu trúc mới. Tôi chủ yếu kêu gọi chống lại sự lãnh đạm và bạc nhược, vì chúng đồng nghĩa với sự đầu hàng của người công dân.

SPIEGEL: Kháng chiến quân đã phải chống lại bọn Quốc xã bằng bạo động, vì họ không thể làm khác. Nay, trong tuyên ngôn của mình, ông kêu gọi sự nổi dậy ôn hòa. Ông viết: “Chúng ta phải học tập đường lối bất bạo động." Trong sự phẫn nộ phải chăng luôn có tâm trạng sẵn sàng bạo động, nếu nó không muốn tàn lụi mà chẳng đạt hiệu quả gì ?

Hessel: Sự phản kháng, kể cả phản kháng ôn hòa, cũng không bao giờ hoàn toàn tránh được bạo động. Chắc chắn chính quyền thực dân Anh đã trải nghiệm phong trào phản kháng bất bạo động của Gandhi như là một sự bạo động về chính trị.  Mọi phản kháng tự bản thân đều là hành vi bạo động có tính đạo đức – quyết tâm bám trụ, dứt khoát một tấc không đi một li không dời. Tuy nhiên nó khác hẳn sự bạo động khủng bố luôn đi trệch mục tiêu. Ta có thể hiểu vì sao những kẻ khủng bố đặt bom và sẵn sàng chịu nát thây theo, nhưng không vì thế mà chấp nhận hành vi này. Bạo lực là một phương cách thể hiện của nỗi tuyệt vọng, chứ không phải của niềm hy vọng. Trong chính trị không có thứ hy vọng mang tính bạo động. Bạo động khủng bố chỉ làm tổn hại những mục tiêu mà họ nêu ra để đấu tranh.

SPIEGEL: Giới áp bức và lực lượng chiếm đóng gọi thứ bạo động chống lại họ là khủng bố.

Hessel: Thì tại chính họ bị vướng trong vòng trôn ốc của bạo động mà. Ngược lại, bức tường Berlin đã sụp đổ mà chẳng nổ một viên đạn nào. Cuộc nổi dậy của nhân dân Tunisia đã diễn ra phần lớn ôn hòa, ít ra là lúc đầu. Điều đó củng cố niềm tin vững chắc của tôi rằng bất bạo động có thể là một phương cách hữu hiệu để chấm dứt bạo lực và tước vũ khí một chế độ bạo tàn.

SPIEGEL: Ông thấy ở Tunisia một điển hình  cho sự phẫn nộ đưa đến thành công?

Hessel: Tất nhiên giữa những sự kiện ở đấy và tập sách của tôi không có liên quan nào cả. Nhưng sự trùng hợp này chẳng phải lạ lùng sao ? Sự thay đổi thể chế ở Tunisia dựa trên sự phẫn nộ của một tuổi trẻ khao khát tương lai chống lại sự trơ trẽn của một tầng lớp 'ưu tú' thống trị già cỗi, kiêu căng, xơ cứng. Nó có thể trở thành một tấm gương cho toàn thế giới A-rập. Nghe nói tập sách của tôi cũng phổ biến rộng ở Algeria.

SPIEGEL: Người Palestin hẳn cũng thích thú với tập sách này. Ông đã dành nhiều trang cho hoàn cảnh của họ. Việc ông phê phán chính sách nhà nước Israel đã khiến giới đại diện người Do Thái ở Pháp ghét ông cay đắng. Thậm chí ông còn bày tỏ sự đồng tình với lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Israel. Cuộc đấu tranh của người Palestin chống quân Israel chiếm đóng hoà hợp thế nào với lời cổ vũ mang tính đạo đức của ông về niềm hy vọng bất bạo động? Hay cuối cùng ông cho rằng phương cách phản kháng của người Palestin quả là chính đáng?

Hessel: Phản kháng [của người Palestin] là chính đáng, nhưng việc bắn tên lửa vào các thành phố Israel là không. Giải pháp [cho vấn đề Palestin và Israel] chỉ có thể thông qua đàm phán. Song ở đây điều này cũng đúng: ai, giống như tôi, kết án sự bạo động của người Palestin, cũng phải hiểu nguyên nhân nào đã gây ra sự việc ấy. Tuy nhiên tôi dứt khoát cho rằng nhà nước Israel có quyền tồn tại, người dân nước ấy có quyền cơ bản được hưởng hòa bình và an ninh.

SPIEGEL: Ông cảm nhận mình là người Do Thái đến chừng mực nào?

Hessel: Thuở bé, tôi không phải chịu một sự giáo dục nào về đạo giáo. Tôi không có niềm tin tôn giáo. Đúng thế, tôi xác nhận: tôi là kẻ vô thần. Nhưng tôi có nguồn gốc Do Thái, qua cha tôi là Franz Hessel. Tôi gắn bó với văn hóa và lịch sử Do Thái, dẫu cha tôi đã cải sang đạo Tin lành. Mẹ tôi, bà Helen Grund, tính tình đặc người Phổ, thậm chí còn 'bảo hoàng hơn vua'! Ối chà chà! Nhưng đồng thời bà rất tự tin và nói thẳng, chẳng chút kiêng dè.

SPIEGEL: Ông có tổn thương không, khi bị người Do Thái công kích là một thứ phản bội?

Hessel: Có chứ. Người ta chỉ vừa mới hơi bài Do Thái thôi là tôi cảm thấy ngay và xác định liền mình thuộc về dân tộc đó. Tôi vô cùng thán phục những người Do Thái dù phải sống ly tán ở châu Âu suốt bao thế kỷ vẫn đã làm giàu cho nền lịch sử văn hóa: các vĩ nhân như Spinoza, Marx, Freud, Einstein; các nhà văn nhà thơ như Tucholsky, Heine, Feuchtwanger[2].

SPIEGEL: Toàn những bậc thánh của sự Khai sáng.

Hessel: Tôi nghi ngại mọi thứ cuồng tín tôn giáo, nhất là thứ tôn giáo độc thần. Chúa của các tôn giáo độc thần là một ông Chúa đầy ghen tuông, bo bo bảo vệ quyền độc tôn của mình. Ngày nay người ta không thể nào cầm Kinh Thánh mà vạch các đường biên giới ở Cận Đông được. Cha tôi đã truyền dạy cho tôi về thần thoại Hy Lạp, vui hơn nhiều. Mang tính người hơn nhiều, rất là nhân bản.

SPIEGEL: Một buổi hội thảo về cuộc tranh chấp giữa Isarel và Palestin dự định tổ chức tại trường École Normale Supérieure mà lẽ ra ông sẽ tham dự đã bị hủy tuần trước, vào phút chót. Phải chăng ông đã trở thành một nạn nhân của sự kiểm duyệt chính trị?

Hessel: Quả thật người ta dễ rút ra kết luận như thế. Vì [tại buổi hội thảo ấy] tôi sẽ báo cáo với tư cách chứng nhân về những hậu quả của cuộc can thiệp quân sự của Israel ở dải Gaza năm 2008. Lúc đó tôi ở đấy và đã chứng kiến những tội ác chiến tranh, phi nhân diễn ra trong chiến dịch "Cast Lead". Vào phút chót, bà hiệu trưởng trường đã cấm buổi hội thảo, dù do áp lực của ai chăng nữa, của chính phủ hay hội đồng của những tổ chức Do Thái ở Pháp - với mục đích bênh vực nước Israel, bất kể nó gây ra chuyện gì.

SPIEGEL: Dư luận đã phẫn nộ, chứ không im tiếng. Điều này hẳn phải khiến ông vui mừng?

Hessel: Thưa vâng, quyền tự do ngôn luận và tư tưởng ở nước Pháp không lâm nguy mà. Nhưng một khi chính quyền Israel phạm những tội ác phi nhân, và điều này đã được khẳng định trong một báo cáo của ngài thẩm phán Nam Phi Richard Goldstone gửi Liên Hiệp Quốc, thì không lấy gì bào chữa được, kể cả Holocaust[3]. Chính tôi từng theo học ở École Normale Supérieure, với triết gia lớn Maurice Merlaeu-Ponty, người đã cho chúng tôi làm quen với suy nghĩ của Husserl và Heidegger. Tất nhiên việc phải ngậm miệng tại chính ngôi trường Cao đẳng xưa kia của mình khiến tôi đau lòng. Nhưng việc này lại gây hậu quả ngược cho những kẻ truy bức tôi, định gán cho tôi một loại tội khủng bố mang tính trí thức. Một tổ chức hàn lâm, một cơ sở nghiên cứu về lý trí có quyền được nghe điều nó muốn chứ.

SPIEGEL: Ông là một người có suy nghĩ tự do về tôn giáo, một trí thức dấn thân. Ông có cảm thấy mình thuộc cánh tả không?

Hessel: Có. Tôi là một đảng viên đảng Xã hội, đóng đảng phí đều đặn cho tới nay. Dạo gần đây tôi gần với phong trào sinh thái, tôi ủng hộ một chính phủ liên hiệp đỏ-xanh lục[4] như ở Đức. Tôi tin rằng bà Martine Aubry, chủ tịch đảng Xã hội - con gái ông Jacques Delors, một nhân vật có những đóng góp to lớn cho Liên minh châu Âu - là ứng viên sáng giá nhất, có khả năng nhất để thắng Nicolas Sarkozy trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2012. Nhưng việc nước Pháp ngả về phe tả thôi thì thật không đủ. Châu Âu, Liên minh châu Âu, phải thoát ra khỏi nanh vuốt đáng sợ của chủ nghĩa Tân tự do và chủ nghĩa tư bản tài chính.

SPIEGEL: Một mong mỏi suông.

Hessel: Ông cho rằng tôi ngây thơ, chứ gì? Một lão già, một cựu chiến binh nói cho cùng đáng mến với những hoài vọng xưa của lão. Một nhà tiên tri mù Teiresias[5]. Quả thế thật: phong trào Kháng chiến với cương lĩnh mà Ủy ban kháng chiến toàn quốc vạch ra năm 1944, đấu tranh chống lại mãnh lực của tư bản - và mãnh lực đó chưa bao giờ lớn mạnh, ngạo nghễ và đắc thắng như ngày nay. Và thế lực tư bản ấy đã khuất phục được cả Nhà nước đấy. Tôi chỉ nói điều này thôi: hãy nổi giận!

SPIEGEL: Ông sẽ diễn tả thế nào về tâm trạng của mình lúc này? Lạc quan hay yếm thế?

Hessel: Tôi bị giằng co giữa hai điều ấy. Walter Benjamin[6] - người bạn của cha tôi mà tôi từng được làm quen trước khi ông tự sát bi thảm ở Pyrenées năm 1940 –  luôn giữ thái độ hoài nghi trước mọi sự tiến bộ. Ông luôn thấy tiềm ẩn trong đó một bước suy đồi về đạo đức. Riêng tôi thích nói theo kiểu Hölderlin, nhà thơ tôi yêu quý nhất: Khi cái xấu xẩy ra thì cái tốt cũng không còn xa mấy nữa.


SPIEGEL: Thưa ông Hessel, chúng tôi xin cám ơn ông về buổi trò chuyện này.


Bản dịch của Tự Quân


--------------------------------------------------------------------------------

[1] Bài phỏng vấn mang tựa đề "Werdet militant" đăng trên tạp chí Đức Der Spiegel ngày 24.01.2011

[2] Baruch de Spinoza (1632 – 1677), triết gia Hà Lan và Siegmund Freud (1856 – 1939) nhà phân tâm học Áo, còn lại là người Đức.

[3] Holocaust: vụ Quốc xã Đức tàn sát người Do Thái thời Thế chiến thứ hai.

[4] Màu đỏ: tượng trưng cho đảng Xã hội, hoặc Dân chủ Xã hội (hoặc Cộng sản – dù hiện nay rất hiếm); màu xanh lục tượng trưng cho đảng hoặc phong trào sinh thái.

[5] Teiresias: nhà tiên tri mù trong thần thoại Hy Lạp.

[6] Walter Benjamin (1892 – 1940): nhà văn, triết gia Đức gốc Do Thái. Tháng 9 năm 1940, ông từ Pháp vượt Pyrenées sang Tây Ban Nha, định sẽ qua Bồ Đào Nha rồi đi Mỹ; nhưng rồi sợ bị chính quyền Tây Ban Nha của Franco bắt trao cho Đức, ông đã tự sát! Có thuyết khác cho rằng ông bị tay sai của Stalin giết (theo Wikipedia).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss