Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Hồi kí cố vấn Trung Quốc (1)

Hồi kí cố vấn Trung Quốc (1)

- Dương Danh Dy (dịch và hiệu đính) — published 21/02/2009 18:37, cập nhật lần cuối 22/02/2009 00:05
Phần 1 : hồi kí của La Quý Ba, cố vấn trưởng, đại sứ đầu tiên của TQ ở Việt Nam


Hồi kí Cố vấn Trung Quốc (1)



HỒI KÍ LA QUÝ BA


dịch và hiệu đính :

DƯƠNG DANH DY


Chúng tôi bắt đầu công bố dưới đây toàn văn tập hồi kí nhan đề GHI CHÉP THỰC VỀ VIỆC  ĐOÀN CỐ VẤN QUÂN SỰ TRUNG QUỐC VIỆN TRỢ VIỆT NAM CHỐNG PHÁP (Hồi ký của những người trong cuộc), do Dương Danh Dy dịch và hiệu đính theo ấn bản  2002 của Nhà xuất bản Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc (Bắc Kinh).

Đây là lời kể của những người Trung Quốc đã sang Việt Nam thời gian 1950-54 làm cố vấn trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Mở đầu là hồi kí của LA QUÝ BA, Trưởng đoàn cố vấn, đồng thời là đại sứ đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.  Nguyên bản bài viết mang đầu đề : MẪU MỰC SÁNG NGỜI CỦA CHỦ NGHĨA QUỐC TẾ VÔ SẢN /  Nhớ lại Mao Trạch Đông và viện trợ Việt Nam chống Pháp.  Ngày nay, thực tiễn cũng như các tư liêu lịch sử cho thấy thực chất mẫu mực ấy như thế nào : cái nhìn của bản thân Mao Trạch Đông về Việt Nam và Đông Nam Á (trong các cuộc nói chuyện vói Edgar Snow ở Diên An) mang nặng dấu ấn của chủ nghĩa Đại Hán ; chủ trương "chia để trị" của "thiên triều" thể hiện rõ trong vai trò của Trung Quốc ở Hội nghị Genève năm 1954 (với tài năng phi thường của Chu Ân Lai), xuyên suốt trong cuộc kháng chiến chống Mĩ (1959-1975) cũng như trong thời kì "chiến tranh Đông Dương lần thứ ba".  Từ "chống đế quốc Mĩ đến người Việt Nam cuối cùng" đến "bài học 1979" dạy cho "tiểu bá vô ơn bạc nghĩa" -- và ngày nay nữa trong quan hệ "16 chữ vàng" hào nhoáng -- đó là một chính sách nhất quán, "làm gì cũng có tính toán thâm sâu", trước sau như một, chỉ thay đổi là thái độ, phương tiện và phương pháp (hữu nghị hay thù nghịch, ủng hộ hết mình hay mưu ma chước quỷ, "đánh cho kiệt máu")...

Nhắc lại những sự thật cơ bản ấy không có nghĩa là "chống Trung Quốc một cách có hệ thống", càng không có nghĩa là Đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam không có trách nhiệm gì hết trong diễn biến của quan hệ Việt Trung từ hơn nửa thế kỉ nay (sức ép của cố vấn Trung Quốc mạnh mẽ tới đâu thì cuộc "cải cách ruộng đất" cũng do ĐCSVN tiến hành và chịu trách nhiệm, sự kiện 1979 có mặt tất yếu của nó, song nếu ban lãnh đạo, bắt đầu từ tổng bí thư Lê Duẩn, biết vượt qua sự kiêu căng và biết ứng xử mềm mại với "anh hai khổng lồ" -- như chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì suốt đời -- thì chưa chắc sự vỉệc đã diễn ra như nó đã diễn ra, ít nhất ở mức độ đó ; và những sai lầm của ông Lê Duẩn cũng không thể biện minh cho những "im lặng đáng sợ" và "khấu đầu" hiện nay. Mặt khác, chúng ta không thể đồng hóa chính sách của nhà cầm quyền Trung Quốc với thái độ của nhân dân Trung Quốc, mặc dầu chính sách ngu dân của Bắc Kinh không gặp nhiều khó khăn để kích thích tinh thần đại hán. Càng không thể quên sự chi viện to lớn mà Việt Nam đã nhận được của Trung Quốc trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất.

Trở lại hồi kí của Lã Quý Ba và các đồng chí của ông. Bên cạnh mặt tuyên truyền và "sách đỏ"  Mao Trạch Đông, tập sách này cung cấp cho người đọc những thông tin bổ ích và những quan điểm mà bạn đọc có đủ yếu tố để đánh giá đúng sai.

Diễn Đàn

Tháng thứ tư sau khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đã lặng lẽ mở ra một trang ít người biết đến trong lịch sử ngoại giao nước ta, trong lịch sử phong trào cộng sản quốc tế. Đối với cá nhân tôi mà nói, cũng đã mở một trang bước ngoặt trên đường trường chinh mới.

 

I

 
Trung Quốc mới ra đời chưa được bao lâu, mùa đông năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi thư cho Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc cung cấp viện trợ và cử người sang giúp Việt Nam.

Tháng 1/1950, Hồ Chí Minh đích thân bí mật đến Bắc Kinh, yêu cầu Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp.

lqb
La Quý Ba
nguồn : Tân Hoa Xã

Trung ương Đảng ta theo yêu cầu của Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Đông Dương, đã báo cáo và được Mao chủ tịch đồng ý, quyết định cử tôi bí mật sang Việt Nam, làm đại diện liên lạc giữa Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí Lưu Thiếu Kỳ còn tự tay viết giấy giới thiệu cho tôi : “Xin giới thiệu đồng chí La Quý Ba, Bí thư tỉnh uỷ và chính uỷ trong quân đội của chúng tôi đến chỗ các đồng chí làm đại diện liên lạc của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đi theo có 8 trợ lý và tuỳ tùng. Lưu Thế Kỳ, Bí thư trưởng1 Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ngày 17/01/1950”.

Lúc này, Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai đang ở Moskva, hội đàm với Trung ương Đảng Cộng Sản Liên Xô do Stalin đứng đầu, chuẩn bị ký kết “Hiệp ước tương trợ đồng minh hữu nghị Trung – Xô”.

Tháng 1/1950, tôi từ Bắc Kinh lên đường, bí mật xa Tổ quốc. Trước khi lên đường, đồng chí Thiếu Kỳ giao cho ba tháng làm xong nhiệm vụ về nước. Thế nhưng, cùng với việc tình hình thay đổi, đã đi một mạch gần tám năm, tôi lại trải qua một cuộc “kháng chiến tám năm” đối mặt với kẻ thù là quân xâm lược thực dân Pháp.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chính thức tuyên bố thành lập vào ngày 2/9/1945. Sau đó chẳng bao lâu, quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc lập tức tiến vào khu vực phía Bắc vĩ tuyến 16 Việt Nam, chiếm đóng Hà Nội; quân xâm lược thực dân Anh và một phần quân xâm lược thực dân Pháp tiến vào khu vực phía Nam vĩ tuyến 16 Việt Nam chiếm đóng Sài Gòn và lần lượt tiếp nhận quân Nhật đầu hàng. Về sau Quốc dân đảng Trung Quốc thoả hiệp, giao khu vực phía Bắc Việt Nam đã chiếm đóng cho quân Pháp tiếp quản. Quân Pháp không những đổ bộ lên Hải Phòng v.v.., mà còn tiến vào Hà Nội phát động cuộc chiến tranh xâm lược thực dân đối với Việt Nam.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Hồ Chí Minh đứng đầu động viên toàn dân đứng lên chống lại, kiên trì cuộc kháng chiến trường kỳ. Quân xâm lược thực dân Pháp có ưu thế về quân sự đã chiếm đóng mấy thành phố và tuyến đường giao thông quan trọng, buộc cơ quan lãnh đạo Đảng, Chính phủ, quân đội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Hà Nội dời lên Việt Bắc tiến hành cuộc chiến tranh chống Pháp. Quân Pháp tiến hành bao vây, phong toả, chia cắt và không ngừng tiến công quân sự và bắn phá điên cuồng vào căn cứ địa kháng chiến vùng núi Việt Bắc. Lúc này, tình hình chiến trường ở vào giai đoạn cầm cự : Quân Pháp không thể chinh phục quân dân Việt Nam, quân dân Việt Nam nhất thời cũng khó phát động phản công, chỉ có thể phân tán đánh du kích.

Vào thời điểm này, trên quốc tế chưa có một nước nào công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, không có một tổ chức quốc tế nào đặt quan hệ với Việt Nam, Việt Nam chưa giành được vị thế quốc tế, cũng không được viện trợ bên ngoài. Vấn đề viện trợ Việt Nam chống quân xâm lược thực dân Pháp như thế nào là một việc lớn mà lãnh đạo tối cao ba phía Trung Quốc, Việt Nam, Liên Xô trao đổi bàn bạc. Đồng chí Mao Trạch Đông và đồng chí Hồ Chí Minh khi ở Moskva từng hội đàm với Stalin. Khi Hồ Chí Minh nêu ra đề nghị các nước xã hội chủ nghĩa công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Stalin cho rằng làm như thế có thể kích thích các nước đế quốc tăng thêm áp lực đối với Việt Nam. Còn đồng chí Mao Trạch Đông lại cho rằng công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là nâng cao chí khí của mình, đè bẹp uy phong của địch. Tiếp sau đó, nước Cộng Hoà nhân dân Trung Hoa là nước đầu tiên công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau đó, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa tiếp tục công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và thiết lập quan hệ ngoại giao.

Hồ Chí Minh từ xa xôi nghìn trùng đến Trung Quốc, đi Liên Xô là để mong được sự viện trợ nhiều mặt, nhất là viện trợ về quân sự và kinh tế tài chính. Stalin cho rằng, Trung Quốc là nước láng giềng của Việt Nam, hiểu rõ tình hình Việt Nam, còn Liên Xô và các nước Đông Âu chịu nhiều vết thương chiến tranh nặng nề trong chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô còn phải giúp đỡ các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khôi phục và xây dựng, trên vai còn rất nặng gánh, mong rằng nhiệm vụ viện trợ Việt Nam, Trung Quốc là chính.

Lúc đó, Trung Quốc mới vừa ra đời chưa được bao lâu, quân giải phóng nhân dân phải truy diệt tàn quân Tưởng Giới Thạch, vây quét bọn đặc vụ thổ phỉ vũ trang, phải tiếp quản thành phố, cả nước đang dốc sức khôi phục kinh tế quốc dân, hàn gắn vết thương chiến tranh và đế quốc Mỹ lại không cam chịu thất bại ở Trung Quốc, tiến hành bao vây, phong toả, cô lập Trung Quốc mới, thậm chí âm mưu can thiệp, lật đổ Trung Quốc mới. Quân xâm lược thực dân Pháp cũng tăng cường bố trí binh lực và cơ sở quân sự ở biên giới Trung-Việt, phong toả biên giới Trung-Việt. Máy bay Pháp thường xuyên bay lượn trên bầu trời biên giới Trung-Việt, bắn phá ném bom, đe doạ an ninh của Trung Quốc. Bọn xâm lược thực dân Pháp còn ủng hộ, che chở tàn quân Tưởng Giới Thạch và đặc vụ thổ phỉ vũ trang, tiến hành quấy rối phá hoại ở biên giới Trung-Việt.

Năm 1950, đế quốc Mỹ tổ chức cái gọi là đội quân Liên Hợp Quốc tiến hành chiến tranh xâm lược Triều Tiên, đánh đến bên bờ sông Áp Lục, đe doạ an ninh Trung Quốc, nước ta quyết định chống Mỹ viện Triều, đưa quân tình nguyện sang tham gia chiến đấu ở Triều Tiên, kề vai sát cánh với quân dân Triều Tiên chống bọn xâm lược Mỹ.

Trong tình hình trong nước, quốc tế lúc bấy giờ rất nghiêm trọng, nhiệm vụ nặng nề, khó khăn rất lớn, Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng vẫn không chút do dự quyết định viện trợ cho Việt Nam chống Pháp, ra sức cung cấp viện trợ quân sự, viện trợ tài chính kinh tế vô tư và không hoàn lại cho Việt Nam, cử cố vấn sang giúp Việt Nam tác chiến và công tác. Điều đó chứng tỏ đầy đủ tinh thần quốc tế vô sản vĩ đại của Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng.

 

II

 
Ngày 24/9/1950, cũng tức là sau tám tháng bảy ngày tôi rời Bắc Kinh, lần đầu tiên tôi mới từ vùng núi Bắc Bộ Việt Nam trở về Bắc Kinh báo cáo công tác. Trước tiên theo chỉ thị trực tiếp của đồng chí Thiếu Kỳ và Chu Tổng tư lệnh tôi viết một bản báo cáo về tình hình công tác ở Việt Nam trình các đồng chí lãnh đạo Trung ương. Hai, ba ngày sau, đồng chí Dương Thượng Côn báo cho tôi, đồng chí Thiếu Kỳ muốn tôi đến chỗ đồng chí. Tôi lại đến Trung Nam Hải quen thuộc. Đồng chí Thiếu Kỳ báo cho tôi biết, Mao Chủ tịch muốn đích thân nghe tôi báo cáo. Vì thế tôi và đồng chí Thiếu Kỳ cùng đi xe đến Phong Trạch Viên.

Phong Trạch Viên thời Khang Hy là nơi Hoàng đế nhà Thanh tổ chức nghi lễ biểu diễn trồng trọt mùa xuân. Đây là hai ngôi nhà có sân ở giữa tiêu chuẩn. Hai cây hải đường, hai cây lê tả hữu đối xứng, không có trang hoàng gì, đượm không khí trang nghiêm. Chính giữa nhà trên là “Di niên đường”, hai gian Đông – Tây là “tranh mưa bụi” và “hoạ núi mây”, đây là nơi ở của Mao Chủ tịch rất giản đơn mộc mạc.

Trong “Di Niên đường”, từ trần nhà đến khung cửa, cánh cửa, ô cửa sổ đều là gỗ gụ trạm hoa, trong phòng rất sang trọng nhưng chỉ đặt 10 chiếc xô pha cá nhân, xoay quanh một bàn tròn nhỏ, kê trên một tấm thảm rất cũ, sau ghế xô pha đặt một chiếc bàn dài và hẹp, những thứ đó chiếm một nửa phòng tiếp khách. Nhìn xung quanh cũng không thấy có bày biện gì nữa. Nơi sống và làm việc của Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân của chúng ta giản dị chất phác như thế đó. Lúc đó cũng chưa có quy định tiếp khách chặt chẽ. Nhiều lần tôi đến báo cáo, Mao Chủ tịch đều ngồi trên chiếc xa lông ở phía nam, có lúc tôi ngồi bên cạnh Người, có lúc lại ngồi xa một chút.

Khi đồng chí Thiếu Kỳ dẫn tôi đến gặp Mao Chủ tịch, Chu Tổng tư lệnh, Chu Thủ tướng đã ngồi bên cạnh Chủ tịch. Trước tiên, đồng chí Thiếu Kỳ nói về tình hình tôi đã báo cáo. Sau khi nghe xong Chủ tịch đứng dậy nói với tôi : “ Đồng chí Trường Chinh, Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam gửi điện giục đồng chí nhanh chóng trở lại Việt Nam làm việc, Hồ Chí Minh mong đồng chí làm Tổng cố vấn của đồng chí đó. Đồng chí phải chuẩn bị tư tưởng làm việc lâu dài ở Việt Nam ”. Đồng chí Thiếu Kỳ nói xen vào : “ Trước định đồng chí làm việc ở Việt Nam ba tháng, bây giờ xem ra không được nữa rồi, phải tính chuyện lâu dài ở Việt Nam ”. Chu Thủ tướng nói : “ Trung ương đã quyết định trong nội bộ tương lai đồng chí là Đại sứ đầu tiên của Trung Quốc tại Việt Nam ”. Mao Chủ tịch nói : “ Nhiệm vụ liên hệ giữa hai Đảng Trung-Việt chúng ta do đồng chí tiếp tục hoàn thành. Đồng chí là đại diện liên lạc do Đảng ta cử sang, cũng có thể là đại biểu liên lạc duy nhất ”. Chu Thủ tướng và Chu Tổng tư lệnh giới thiệu tóm tắt tình hình đế quốc Mỹ xâm lược Triều Tiên và tình hình chúng ta đưa quân tình nguyện sang Triều Tiên tham gia chiến đấu và bảo tôi sau khi trở lại Việt Nam, có thể báo cáo tình hình này cho Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

Mao Chủ tịch nói thêm : “ Căn cứ vào tình hình của Triều Tiên chúng ta quyết định chống Mỹ viện Triều, công khai đưa quân tình nguyện sang Triều Tiên tham gia chiến đấu, kề vai sát cánh chiến đấu với quân dân Triều Tiên chống bọn xâm lược Mỹ ; chúng ta lại căn cứ vào tình hình của Việt Nam quyết định tiếp tục viện trợ Việt Nam chống Pháp, bí mật cung cấp viện trợ quân sự, viện trợ tài chính kinh tế cho Việt Nam, còn cử cố vấn giúp Việt Nam tác chiến và công tác. Dù là chống Mỹ viện Triều hay là viện Việt chống Pháp đều là chủ nghĩa quốc tế, chủ nghĩa yêu nước, ý nghĩa trọng đại như nhau, vẻ vang như nhau, chỉ có phương thức viện trợ mỗi nơi có khác nhau ”. Tiếp đó, Chủ tịch chuyển sang chuyện khác, tự nhiên hỏi đến tình hình vợ và gia đình tôi. Khi tôi nói đến vợ tôi, đồng chí Lý Hàm Trân là cán bộ tham gia cuộc Trường chinh của Hồng quân năm 1933, Mao Chủ tịch phấn khởi nói : “ À ! Thì ra đồng chí ấy là lão đồng chí đã trải qua thức thách chiến tranh, rất tốt. Đồng chí ấy đã làm công tác gì ? ”. Tôi nói : “ Nhà tôi đã làm công tác cơ yếu, công tác tổ chức, công tác cán bộ ”. Mao Chủ tịch nói ngay : “ Được! Để đồng chí ấy cũng sang Việt Nam công tác làm trợ lý cho đồng chí. Hồ Chí Minh đã đề nghị với tôi để vợ các đồng chí cùng sang Việt Nam, ai thích hợp thì tôi đồng ý cho đi ”. Về sau, các cố vấn chúng ta cử sang Việt Nam, có số ít người mang vợ theo.

Đồng chí Thiếu Kỳ nói : “ Nhu cầu cấp thiết của Việt Nam hiện nay là giải quyết vấn đề tài chính kinh tế, đặc biệt là vấn đề lương thực và vấn đề tiền tệ. Chúng ta đã chọn mấy cán bộ làm công tác tài chính kinh tế, công tác ngân hàng, công tác lương thực sang Việt Nam làm cố vấn. Các đồng chí ấy và đồng chí đi trước, sau này còn phải chọn cố vấn trên các mặt khác thành lập đoàn cố vấn chính trị giúp Việt Nam làm công tác đảng, đồng chí là Tổng cố vấn, lại là đoàn trưởng đoàn cố vấn chính trị ”.

Khi ấy nghe đồng chí Thiếu Kỳ nói đến “ tổng cố vấn ”, Mao Chủ tịch nói : “ Làm Tổng cố vấn không thể rập khuôn theo kiểu của Liên Xô, mà Việt Nam cũng không phải là Trung Quốc, đồng chí không thể rập khuôn theo kiểu Trung Quốc. Mọi việc phải xuất phát từ thực tế Việt Nam, phải thật thà, thành khẩn trước mặt mọi người, giới thiệu kinh nghiệm thành công của cách mạng Trung Quốc, cũng phải nói đến bài học thất bại ”. Lần báo cáo này là lần đầu tiên tôi được trực tiếp nghe lời dạy và chỉ thị của Mao Chủ tịch về vấn đề quốc tế.

 

III

 
Bước đầu tiên viện trợ Việt Nam là phải khai thông giao thông biên giới Trung-Việt, vì có thế vật tư viện trợ Việt Nam mới có thể chở sang Việt Nam thuận lợi. Chỉ cần Quân đội Nhân dân Việt Nam chiếm con đường giao thông chủ yếu trên biên giới Trung-Việt thì quân Pháp sẽ mất ưu thế số một. Chỉ có hai sự lựa chọn khai thông con đường giao thông chủ yếu biên giới Trung-Việt : một là đánh Cao Bằng tiếp giáp giữa Việt Nam và Quảng Tây ; một nữa là đánh Lào Cai tiếp giáp giữa Việt Nam và Vân Nam. Đánh Cao Bằng trước hay đánh Lào Cai trước, hay là đánh cả hai cùng một lúc, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và Trung ương Đảng ta đều đã điều tra nghiên cứu, suy nghĩ trao đổi nhiều lần gần 3 tháng. Ngày 02/7/1950, Mao Chủ tịch gửi điện trả lời Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam : “ Đồng ý ý kiến đánh Cao Bằng trước, phương án tác chiến cụ thể đối với Cao Bằng, chờ sau khi Trần Canh đến, do các đồng chí quyết định cuối cùng. Sau này tác chiến như thế nào do chính các đồng chí căn cứ vào tình hình cụ thể quyết định. Nếu chúng tôi có ý kiến, cũng chỉ để các đồng chí tham khảo. Bởi vì các đồng chí hiểu rõ tình hình hơn chúng tôi ”.

chupchung
Từ trái sang phải (hàng đầu) : Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, La Quý Ba, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng  (nguồn : Tân Hoa Xã)

Đồng chí Trần Canh là vị tướng được Hồ Chí Minh điểm danh với Mao Chủ tịch và Trung ương Đảng ta, Mao Chủ tịch, Trung ương đảng ta cử đồng chí Trần Canh làm đại diện của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sang Việt Nam giúp tổ chức chỉ huy chiến dịch Biên Giới, đoàn cố vấn quân sự đã tham gia chiến dịch biên giới. Đây là một chiến dịch then chốt. Mao Chủ tịch rất coi trọng và quan tâm theo dõi chiến dịch này, rất nhiều bức điện quan trọng đều do Chủ tịch đích thân phê duyệt, thậm chí thân tự khởi thảo. Trong thời gian chuẩn bị chiến dịch Biên Giới, Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng đồng ý yêu cầu của Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đưa một bộ phận quân đội nhân dân Việt Nam đến vùng núi Văn Sơn, Vân Nam, chỉnh đốn đội hình, trang bị, huấn luyện, đồng thời giúp bộ phận quân đội này biên chế thành hai đại đoàn, hình thành hai quả đấm, đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch biên giới. Trần Canh tuân theo chỉ thị của Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng giúp đỡ hết lòng, vô tư. Cuối cùng quân đội nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi to lớn quan trọng trong chiến dịch này, đã xoay chuyển tình thế bị động trên trường Việt Nam, khai thông đường giao thông biên giới Trung-Việt. Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp tỏ ra rất phấn khởi và hài lòng đối với chiến dịch này. Sau khi kết thúc thắng lợi chiến dịch biên giới, ngày 14/10/1950, Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng chí Mao Trạch Đông, Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc : “ Chúng tôi đã thắng lợi hoàn toàn trong chiến dịch Thất Khê – Cao Bằng (chỉ chiến dịch Biên Giới). Nguyên nhân lớn nhất của thắng lợi này là sự viện trợ tận tình của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Liên Xô, sự nhiệt tình cảm động của các đồng chí Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông không nề hà gian khổ chấp hành chỉ thị của các đồng chí trực tiếp để giúp đỡ chúng tôi. Tôi cần nêu lên công lao đặc biệt của Trần Canh, Nhiệm Cùng, Vân Dật, Thiên Hựu, Quý Ba, Kiếm Anh, Phương Phương, Quốc Thanh và các đồng chí cố vấn trong chiến dịch. Tóm lại, tôi cho rằng thắng lợi này là thắng lợi của đường lối Mao Trạch Đông cách mạng, quốc tế chủ nghĩa. Tôi không nói lời khách sáo : “Cảm ơn các đồng chí”, mà nói các đồng chí Việt Nam và nhân dân chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa giành lấy thắng lợi cuối cùng lớn hơn, lấy thành công để đền đáp sự kỳ vọng tha thiết và giúp đỡ to lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Liên Xô anh em ”.

IV

 
Tháng 11 năm 1950, tôi lại quay về nước để báo cáo công tác với Trung ương, khi báo cáo việc Việt Nam nêu ra với nước ta kế hoạch mong muốn viện trợ, Mao Chủ tịch nói : “ Nhân dân Trung Quốc đã giành được thắng lợi cách mạng có nghĩa vụ giúp đỡ nhân dân các nước chưa được giải phóng, đó là chủ nghĩa quốc tế. Việt Nam đang tiến hành cuộc chiến tranh chống Pháp, đơn độc không có viện trợ, khó khăn rất lớn, họ yêu cầu chúng ta cung cấp viện trợ và giúp đỡ, chúng ta có nghĩa vụ viện trợ và giúp đỡ họ ; Trung Quốc cung cấp viện trợ cho Việt Nam là vô tư, không hoàn lại, không kèm theo bất cứ điều kiện chính trị nào, hễ Việt Nam kháng chiến quả thực có nhu cầu, mà Trung Quốc lại có điều kiện thì cố hết sức cung cấp ”. Mao Chủ tịch lại nói : “ Bọn xâm lược thực dân Pháp là kẻ thù của nhân dân Việt Nam, cũng là kẻ thù của nhân dân Trung Quốc; Trung Quốc giúp Việt Nam đánh bại quân xâm lược thực dân Pháp, lập lại hoà bình ở Việt Nam, đó là Trung Quốc giúp Việt Nam. Còn Việt Nam đánh bại bọn xâm lược thực dân Pháp, đuổi chúng ra khỏi Việt Nam, biên cương phía Nam của Trung Quốc cũng giải toả khỏi mối đe doạ của bọn xâm lược thực dân Pháp, đó lại là Việt Nam giúp Trung Quốc. Không thể chỉ nói Trung Quốc giúp Việt Nam, phải nói rằng Việt Nam cũng giúp Trung Quốc, là sự giúp đỡ lẫn nhau ”.

Khi tôi báo cáo Việt Nam nêu ra kế hoạch viện trợ quá lớn, yêu cầu quá cao, không sát thực tế lắm, Mao Chủ tịch nói : “ Họ nêu kế hoạch quá lớn, yêu cầu quá cao, không sát thực tế, có thể là thiếu hiểu rõ tình hình của nước ta và tình hình của họ, cũng có thể liên quan đến việc thiếu kinh nghiệm phải kiên nhẫn giúp đỡ họ ”.

Trong mấy năm công tác tại Việt Nam, tiến hành viện trợ và giúp đỡ Việt Nam, bất kể là cung cấp viện trợ cho Việt Nam bao gồm vũ khí đạn dược, trang bị quân sự, lương thực, vải vóc, thuốc men y tế, máy móc thông tin, phương tiện giao thông, các loại thực phẩm v.v... hay bất kể là giới thiệu kinh nghiệm đấu tranh cách mạng của Trung Quốc cho Việt Nam, giúp Việt Nam tác chiến và công tác, chúng tôi đều làm theo chỉ thị và dạy bảo đó của Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng.

Cố vấn Trung Quốc làm việc giúp đỡ tại Việt Nam là chân thành, toàn tâm toàn ý, không hề bảo lưu, đã cống hiến vô tư cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam. Tuân theo chỉ thị của Mao Chủ tịch, chúng tôi công tác giúp Việt Nam đồng cam cộng khổ, cùng làm việc, cùng chiến đấu, cùng sinh hoạt với các đồng chí Việt Nam, không đòi hỏi Việt Nam bất cứ một chiếu cố đặc biệt và thù lao đặc cách nào.

Viện trợ và giúp đỡ của Trung Quốc cho Việt Nam, chính phủ Trung Quốc không lấy tiền, đòi nợ Việt Nam, không ký bất cứ thoả thuận hoặc hiệp định bất bình đẳng nào với Việt Nam, không xây dựng bất cứ căn cứ quân sự và đóng một người lính nào ở Việt Nam, hoàn toàn không phải trả giá, vô tư, điều đó nói lên đầy đủ chủ nghĩa quốc tế vĩ đại của Mao Chủ tịch. Chủ nghĩa Quốc tế đó cũng hiếm thấy trên thế giới.

 

V

 
Mùa đông năm 1951, Hồ Chí Minh một lần nữa bí mật đến Bắc Kinh thăm Trung Quốc.

Một hôm tôi tháp tùng Người đến Di Niên đường trong Phong Trạch Viên. Khi chúng tôi bước vào, Mao Chủ tịch, đồng chí Thiếu Kỳ, Chu Thủ tướng, Chu Tổng tư lệnh đều ra đón, họ ôm hôn nhau thăm thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lần lượt quen biết Mao Chủ tịch, đồng chí Thiếu Kỳ, Chu Thủ tướng, Chu Tổng tư lệnh ngay từ trong thời kỳ chiến tranh cách mạng trong nước lần thứ nhất và thời ký chiến tranh chống Nhật ở Trung Quốc. Người nói tiếng phổ thông với khẩu âm Quảng Đông rất lưu loát, có thể không cần phiên dịch. Trong trường hợp này không có chút hình thức ngoại giao nào Hồ Chí Minh thân thiết, nhiệt tình như về nhà mình.

Người gặp Mao Chủ tịch như anh em xa cách lâu ngày, thăm hỏi lẫn nhau, nói rất say sưa, rồi chuyển nhanh sang vấn đề chính. Hồ Chí Minh giới thiệu tóm tắt tình hình chiến tranh Việt Nam chống Pháp, tình hình xây dựng căn cứ địa, tình hình cố vấn Trung Quốc làm việc tại Việt Nam. Chu Thủ tướng, Chu Tổng tư lệnh cũng giới thiệu tóm tắt với Hồ Chí Minh tình hình chiến trường Triều Tiên và tình hình liên quan trong nước Trung Quốc.

Trong trao đổi, Hồ Chí Minh hỏi Mao Chủ tịch : “ Bộ Chính trị Trung ương chúng tôi yêu cầu đồng chí La Quý Ba khi tham gia hội nghị Bộ Chính trị Trung ương chúng tôi nêu nhiều ý kiến về các mặt công tác của chúng tôi, giúp đỡ nhiều cho chúng tôi. Nhưng đồng chí quá thận trọng, quá khiêm tốn. Tôi mong các đồng chí giao cho đồng chí ấy nhiệm vụ nêu nhiều ý kiến. Mao Chủ tịch, các đồng chí có đồng ý không ? ” Mao Chủ tịch nói : “ Chúng tôi đồng ý, nhưng ý kiến hoặc kiến nghị của đồng chí ấy nêu ra với các đồng chí chỉ để các đồng chí tham khảo, các đồng chí cho rằng đồng chí ấy nói đúng thì áp dụng, không đúng thì không áp dụng, do các đồng chí tự quyết định ”.

Khi Mao Chủ tịch và Hồ Chí Minh trao đổi với nhau, cách nhìn, quan điểm và ý tưởng đối với một số vấn đề đều hoà hợp như là câu chuyện trong gia đình, xem như tán gẫu, nhưng suy nghĩ kỹ thấy ý nghĩa sâu sắc, đậm đà hương vị. Hồ Chí Minh là người rất giàu tình cảm, nhìn thấy rõ Người bị truyền cảm bởi sự chân thành của Mao Chủ tịch, Người đứng dậy nói : “ Tôi và các đồng chí Việt Nam đều cảm nhận thấy sự chân thành giúp đỡ chúng tôi từ trong hành động của các đồng chí ”.

Đến giờ ăn cơm, Mao Chủ tịch, Hồ Chủ tịch, đồng chí Thiếu Kỳ, Chu Tổng tư lệnh đi vào phòng ăn. Chu Thủ tướng xin về trước vì có hoạt động đối ngoại. Phòng ăn và phòng tiếp khách ngăn cách bằng tấm bình phong, chỉ đi bảy, tám bước là đến. Phòng ăn chỉ đủ kê hai chiếc bàn, lúc này chỉ kê một bàn ăn. Mao Chủ tịch, Hồ Chủ tịch, đồng chí Thiếu Kỳ, Chu Tổng tư lệnh vừa ăn vừa tiếp tục trao đổi. Người này một câu, người kia một câu, nói xen lẫn nhau, bổ sung cho nhau, trò chuyện rất say sưa, sôi nổi.

Giữa bữa ăn, Hồ Chủ Tịch thấy đưa ớt lên, liền nói với Mao Chủ tịch : “ Nghe đồng chí Quý Ba giới thiệu Mao Chủ tịch rất thích ăn ớt, không có ớt thì không thể nuốt nổi cơm phải không ? ”. Mao Chủ tịch cười. Hồ Chí Minh lại nói tiếp : “ Người Việt Nam chúng tôi cũng thích ăn ớt, ớt của chúng tôi không to như ớt Trung Quốc, giống như cây con, cao một hai mét, trái nhỏ chỉ lên trời, ăn vào thật là cay ”. Sau khi mọi người hứng thú nghe Hồ Chủ tịch kể xong ớt chỉ thiên ở núi rừng Việt Bắc, Mao Chủ tịch nói : “ Thích ăn ớt không phải chỉ một mình tôi, đồng chí Thiếu Kỳ và tôi là người Hồ Nam, người Hồ Nam thích ăn ớt ; Chu Tổng tư lệnh là người Tứ Xuyên, người Tứ Xuyên ăn ớt cũng rất dữ ; đồng chí này (chỉ tôi) là người Giang Tây cũng ăn ớt, người Vân Nam gần các đồng chí cũng thích ăn ớt. Nhưng những người ăn ớt như chúng ta, cách ăn mỗi người có một đặc sắc, cách làm cũng có khác nhau.” Chủ đề tiếp theo là mỗi người tự giới thiệu cách pha chế ớt của quê hương mình. Nhưng mọi người thích thú nhất là cách ăn ớt của Việt Nam. Hồ Chí Minh nói : “ Bỏ ớt chỉ thiên vào lọ nước mắm (nước mắm là một loại xì dầu của người Việt Nam chế ra) pha thêm một ít chanh, cùng ăn.” Lúc này Mao Chủ tịch nói : “ Chúng tôi ăn ớt thành thói quen, nhưng không phải thói quen do tập tục quê hương tạo nên, đó là năm 1932 đến 1934, khu Xô Viết Trung ương bị Quốc dân đảng phong toả kinh tế, căn bản không có muối ăn. Để kiếm được một ít muối ăn, không ít đồng chí chúng tôi đã phải trả giá rất đắt ; thậm chí hy sinh tính mạng của mình, lúc đó thật là gian khổ. Không có muối, ăn cơm mới khó làm sao ! Tôi cũng như mọi người lấy ớt thay muối, ăn cơm bằng ớt không có muối có thể coi là rau ngon vậy ”.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, tôi không bao giờ quên câu chuyện về ớt lần ấy.

 

VI

 
Sau khi tiễn Hồ Chí Minh, Mao Chủ tịch, đồng chí Thiếu Kỳ và Chu Tổng tư lệnh giữ tôi lại, tiếp tục nói chuyện với tôi.

Mao Chủ tịch nói : “ Đồng chí Hồ Chí Minh muốn đồng chí khi tham gia hội nghị Bộ Chính trị của họ, nêu nhiều ý kiến, giúp đỡ nhiều hơn đối với mặt công tác của họ. Đồng chí có thể nêu, nhưng dù nêu ý kiến hay đề nghị đều phải nói rõ chỉ để họ tham khảo. Đồng chí phải chú ý điều tra nghiên cứu, không được chủ quan, phải xuất phát từ thực tế của Việt Nam, kết hợp kinh nghiệm của Trung Quốc, không được cứng nhắc. Nêu ý kiến hoặc kiến nghị đều phải thận trọng, phải suy nghĩ kỹ, phải chuẩn bị tốt, phải nghiêm chỉnh chịu trách nhiệm. Giúp người ta phải giúp cho tốt, không áp đặt người ta. Phải hết sức chú ý tôn trọng đồng chí Hồ Chí Minh và tôn trọng sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Không được làm ra vẻ khâm sai đại thần, nhất là không được có chủ nghĩa nước lớn. Đồng chí giữ thái độ thận trọng là đúng ”.

Đồng chí Thiếu Kỳ, Chu Tổng tư lệnh nói tiếp : “ Đồng chí phải chú ý, không nên vượt quá phạm vi nhiệm vụ công tác của đồng chí, trước hoặc sau những vấn đề quan trọng phải thỉnh thị báo cáo Mao Chủ tịch, Trung ương ”.

Tiếp đó, Mao Chủ tịch nói với thái độ nghiêm túc và hơi xúc động : “ Trước cuộc trường chinh, đồng chí ở khu Xô Viết Trung ương, chắc biết Lý Đức ? ”.

Vâng, tôi có biết Lý Đức ”.

Mao Chủ tịch nói : “ Lý Đức (*) là người Đức, ông ta lập chiến công trong Hồng quân Liên Xô thời kỳ cách mạng Tháng Mười Liên Xô, được Stalin khen ngợi, cử ông ta sang thường trú bên cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc, về sau đến khu Xô Viết Trung ương làm cố vấn quân sự. Chẳng bao lâu ông ta nắm quyền chỉ huy Hồng quân công nông Trung Quốc, gây tổn thất to lớn cho sự nghiệp cách mạng Trung Quốc. Lý Đức không hiểu tình hình đất nước Trung Quốc, cũng không hiểu tình hình của Hồng quân công nông Trung Quốc, không điều tra nghiên cứu, không chịu nghe ý kiến bất đồng, rập khuôn máy móc chiến lược, chiến thuật có hiệu quả ở Liên Xô, song không vận dụng được ở Trung Quốc. Đi đến đâu cũng giương lá cờ quốc tế vô sản để doạ nạt người khác. Bao biện làm thay, lên mặt dạy đời, khoa chân múa tay áp đặt người ta, như một khâm sai đại thần, đầy sắc khí ! Những người như Lý Đức, Bác Cổ v.v.. đã thực hành một loạt chiến lược chiến thuật sai lầm về mặt quân sự, làm cho chúng ta khốn khổ đủ điều, đã trả giá bằng máu nặng nề ”.

Mao Chủ tịch lại nói : “ Đồng chí công tác ở Việt Nam, nhất thiết phải tránh bài học của Lý Đức ở Trung Quốc. Phải nói bài học này cho toàn thể các đồng chí cố vấn trong đoàn cố vấn, để mọi người ghi nhớ kỹ bài học sâu sắc này. Nói với các cố vấn, giúp người ta không thể rập khuôn máy móc theo cách làm trước đây của chúng ta. Giúp người ta phải giúp cho tốt, chỉ dựa vào nguyện vọng chủ quan là không được, phải căn cứ tình hình thực tế mới có thể giúp tốt được. Phải có thái độ thật thà, thận trọng, ít nói chúng ta đã “ qua năm cửa ải chém sáu tướng ”2 như thế nào, giới thiệu nhiều chúng ta “ đến Mạch thành ”3 như thế nào, chúng ta cũng có thất bại. Trong quá trình giúp đỡ người ta, phải thường xuyên kiểm điểm lời nói và hành động của mình, mỗi ngày một lần, ba ngày một lần, ít nhất mỗi tuần một lần, kiểm điểm xem cái nào chúng ta làm đúng, cái gì chúng ta làm sai ”.

Đối với đồng chí Hồ Chí Minh, không những nhân dân hai nước Trung-Việt rất tôn trọng đồng chí, trên quốc tế, ngay cả những người phản đối đồng chí cũng rất tôn trọng đồng chí. Mao Chủ tịch đề cao sự tôn trọng đối với Hồ Chí Minh ở mức cao như vậy là có ý nghĩa rất sâu xa. Tôi rất thấm thía lời nói chuyện của Mao Chủ tịch đối với tôi, tôi cảm thụ rất sâu như được một lần giáo dục chủ nghĩa quốc tế vô sản cực kỳ sâu sắc hết sức thực tế.

 

VII

 
Mao Chủ tịch bao giờ cũng coi sự nghiệp cách mạng đấu tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam như sự nghiệp cách mạng của nhân dân Trung Quốc, giúp đỡ Việt Nam với tinh thần quốc tế chủ nghĩa hoàn toàn triệt để, cống hiến vô tư. Mao Chủ tịch không chỉ dạy bảo tôi và các cố vấn khác như thế, mà chính người cũng làm như thế. Dù là điện của Trần Canh, Vi Quốc Thanh và tôi xin chỉ thị của Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng hay chỉ thị của Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng đối với chúng tôi, dù là bức điện về mặt tác chiến (như chiến dịch Biên Giới, chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Tây Bắc v.v..) xây dựng bộ đội và huấn luyện bộ đội, hay là những bức điện vấn đề quan trọng về mặt xây dựng tư tưởng và xây dựng tổ chức của Đảng, công tác tài chính kinh tế, công tác cải cách ruộng đất, viện trợ quân sự, viện trợ tài chính kinh tế và công tác công an, tình báo, dân tộc thiểu số v.v.. Mao Chủ tịch đều đích thân phê duyệt, sửa chữa, ký cho chuyển đi, trong đó có những bức điện đặc biệt quan trọng, Mao Chủ tịch tự khởi thảo, khi trả lời các bức điện của Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trưng cầu ý kiến Trung ương Đảng hoặc các bức điện quan trọng của Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng nêu ý kiến hoặc kiến nghị với Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam, đều viết như thế này : “ Ý kiến của chúng tôi chỉ để tham khảo, do các đồng chí quyết định, các đồng chí thông thạo, hiểu rõ tình hình hơn chúng tôi ”.

“ Quy tắc công tác ” của cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam do đồng chí Vương Gia Tường chủ trì Ban liên lạc đối ngoại Trung ương khởi thảo, khi Mao Chủ tịch xét duyệt đã có bổ sung quan trọng : “ Yêu mến từng gốc cây ngọn cỏ của nhân dân Việt Nam, tôn trọng độc lập dân tộc Việt Nam và phong tục tập quán của nhân dân Việt Nam, ủng hộ Đảng Lao động Việt Nam và đồng chí Hồ Chí Minh lãnh tụ của nhân dân Việt Nam ”. Mỗi dòng chữ của “ Quy tắc ” đều chứa chan tinh thần quốc tế chủ nghĩa của Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng.

Năm 1952, tôi về nước báo cáo tình hình công tác, báo cáo với Mao Chủ tịch, có nói đại đa số cố vấn đều tuân theo chỉ thị và yêu cầu của Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng, mang tinh thần quốc tế chủ nghĩa, yên tâm công tác tại Việt Nam, nhưng có số ít cố vấn vì điều kiện khí hậu Việt Nam vừa nóng vừa ẩm, muỗi nhiều, sinh hoạt không quen, thường hay mắc bệnh, lại lên cơn sốt rét, sút cân rõ rệt lại thêm chiến đấu dồn dập, máy bay Pháp luôn luôn bắn phá, ném bom, lo chết bệnh, chết trận tại Việt Nam, mong muốn và yêu cầu về nước công tác trước thời hạn.

Nghe xong, Mao Chủ tịch trầm ngâm một lát, sau đó dõng dạc nói : “ Bethune là người Canada, chẳng nề đường xa vạn dặm đến Trung Quốc, giúp Trung Quốc chống quân xâm lược Nhật, không tơ hào tư lợi, không tiếc hy sinh tất cả, đó chính là tinh thần quốc tế chủ nghĩa. Đồng chí đã hy sinh vẻ vang tại Trung Quốc, an táng trên đất Trung Quốc, đồng chí là một chiến sĩ quốc tế rất tốt, chúng ta mãi mãi tưởng nhớ đồng chí ”. Mao Chủ tịch lại nói : “ Chúng ta có rất nhiều người miền Bắc công tác, chiến đấu và sống ở miền Nam, có người hy sinh ở miền Nam ; cũng có rất nhiều người miền Nam công tác, chiến đấu và sống ở miền Bắc, có người hy sinh ở miền Bắc. Cố vấn của chúng ta đều là đảng viên Đảng Cộng sản, Đảng cử các đồng chí ấy sang viện trợ Việt Nam chống Pháp, giúp Việt Nam công tác, vì sao không thể kiên trì công tác, chiến đấu và sống ở Việt Nam ? Vì sao không thể hy sinh ở Việt Nam ? ” Tiếp đó, Mao Chủ tịch ngâm lại câu thơ : “ Chôn trung liệt khắp nơi non xanh biếc biếc. Cần chi da ngựa bọc thây trở về ”. Chủ tịch đã giải thích hàm nghĩa của hai câu thơ này.

Những lời nói của Mao Chủ tịch lần này tác động rất mạnh đến tư tưởng của tôi và các cố vấn. Mao Chủ tịch đang cổ vũ tôi và các cố vấn phải hoàn toàn triệt để hiến thân cho sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam, làm một chiến sĩ quốc tế đích thực.

  

VIII

 
Giải quyết vấn đề lương thực và tiền tệ Việt Nam là một trong những vấn đề cấp bách nhất, khó khăn nhất cần giúp nghiên cứu giải quyết được nêu ra khi Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp v.v... giới thiệu tình hình Việt Nam với tôi.

Tôi báo cáo vấn đề này cho Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng. Mao Chủ tịch và đồng chí Thiếu Kỳ chỉ thị cho chúng tôi : Biện pháp căn bản giải quyết vấn đề tài chính kinh tế, nhất là vấn đề lương thực và tiền tệ của Việt Nam là cần phải xóa bỏ triệt để toàn bộ chế độ và biện pháp tài chính kinh tế cũ do bọn thực dân Pháp để lại, xây dựng toàn bộ chế độ và biện pháp công tác kinh tế tài chính mới. Mao Chủ tịch và đồng chí Thiếu Kỳ còn chỉ thị cho chúng tôi : Biện pháp trưng thu công lương, thu hồi tiền tệ về ngân hàng và phát triển sản xuất mà Trung Quốc áp dụng trong thời kỳ chiến tranh chống Nhật và chiến tranh giải phóng về cơ bản thích dụng với Việt Nam, có thể cung cấp để các đồng chí ấy tham khảo.

Tôi và các cố vấn căn cứ vào chỉ thị đó của Mao Chủ tịch và đồng chí Thiếu Kỳ, xuất phát từ thực tế Việt Nam, kết hợp giới thiệu và vận dụng kinh nghiệm của Trung Quốc để giúp Việt Nam từ chính sách, phương châm, điều lệ, chế độ, nội quy của công tác tài chính kinh tế cho đến biện pháp thực thi cụ thể. Năm 1951, tình hình tài chính kinh tế của Việt Nam có chuyển biến rõ rệt. Cơ quan, bộ đội có lương thực ăn, không đói nữa, trong nhà dân lương thực cũng nhiều, tiền tệ tương đối ổn định, không có lạm phát, thị trường từng bước sôi động lên. Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đều tỏ ra rất hài lòng trước tình hình đó. Thủ tướng Phạm Văn Đồng phấn khởi nói : “ Mao Chủ tịch, Đảng Trung Quốc viện trợ chúng tôi một cách vô tư, lại cử cố vấn giúp chúng tôi, năm 1950 giúp chúng tôi giành thắng lợi quan trọng trong chiến dịch Biên Giới, làm thay đổi tình hình kháng chiến của Việt Nam, khai thông đường giao thông biên giới Việt – Trung. Hiện nay (1951) lại giúp chúng tôi giải quyết vấn đề tài chính kinh tế khó khăn nhất, cấp bách nhất hiện nay, nhất là vấn đề lương thực, tiền tệ và phát triển sản xuất. Điều đó chứng tỏ đầy đủ chủ nghĩa quốc tế vĩ đại của Mao Chủ tịch, Đảng Trung Quốc, cũng nói lên đầy đủ tư tưởng Mao Trạch Đông và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng của Trung Quốc là có sự giúp đỡ đối với Việt Nam.

 

IX

 
Từ sau chiến dịch biên giới 1950, chúng tôi lại trải qua rất nhiều chiến dịch lớn nhỏ như chiến dịch Trung Du, chiến dịch Ninh Bình, chiến dịch Đông Bắc, chiến dịch Thượng Lào, chiến dịch Tây Bắc và đánh du kích sau lưng địch ở đồng bằng sông Hồng v.v..., cho đến đại thắng Điện Biên Phủ, buộc bọn xâm lược thực dân Pháp ngồi vào bàn đàm phán Geneve, ký hiệp định đình chiến, nhân dân Việt Nam cuối cùng đã giành được thắng lợi có tính quyết định.

Nhân dân Việt Nam cực kỳ tôn trọng và yêu mến đồng chí Mao Trạch Đông, thân thiết gọi đồng chí Mao Trạch Đông là Bác Mao, giống như gọi đồng chí Hồ Chí Minh là Bác Hồ (đó là cách xưng hô tôn kính nhất, yêu mến nhất, thân thiết nhất của nhân dân Việt Nam đối với đồng chí Hồ Chí Minh), tình cảm chân thành và nồng thắm.

Lịch sử là tấm gương soi công bằng chính trực nhất, tốt nhất. Tuy thời gian trôi qua, tình hình thế giới đang biến đổi, nhưng tư tưởng quốc tế vô sản của Mao Trạch Đông, công lao của Mao Trạch Đông viện trợ vô tư Việt Nam chống Pháp sẽ mãi mãi lưu truyền sử xanh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam./.

 

Lã Quý Ba

(đăng trong Tưởng nhớ Mao Trạch Đông,
Nhà xuất bản Văn hiến Trung ương năm 1993,
khi in vào sách này có lược bớt)

 

 

(*) Lí Đức là bí danh của Otto Braun (1900-1974), người cộng sản Đức, cán bộ của Quốc tế Cộng sản. Năm 1932, được cử sang làm cố vấn cho Đảng cộng sản Trung Quốc. Tham gia cuộc Trường chinh. Chỉ huy Tiền quân thứ nhất, chủ trương đánh trực diện quân đội Tưởng Giới Thạch và thất bại nặng nề, gây tổn thất rất lớn cho Hồng quân. Nhờ thất bại này, tại Hội nghị Tuân Nghĩa, Mao Trạch Đông đã loại trừ được các đối thủ của mình và từ đó nắm ĐCSTQ. Xem Wikipedia (chú thích của Diễn Đàn).

1 Một chức vụ mà Việt Nam không có chức tương ứng.

2 Ý chỉ thắng lợi.

3 Ý chỉ thất bại.

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us