Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Hợp (tán) Chúng Quốc Hoa Kỳ

Hợp (tán) Chúng Quốc Hoa Kỳ

- Nguyễn Quang — published 08/12/2018 21:45, cập nhật lần cuối 15/12/2018 12:43
Cuộc bầu cử "midterms" 2018 ở Mỹ

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018


Hợp(tán) Chúng Quốc Hoa Kỳ


Nguyễn Quang


Ba tuần lễ sau cuộc bầu cử « giữa nhiệm kỳ » (midterms) ngày 6.11.2018, ta mới có thể thấy rõ kết quả thùng phiếu. Sự trì trệ và đôi co làm nhớ lại tấn bi – hài kịch của cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 : sau hơn một tháng đếm đi đếm lại thùng phiếu ở bang Florida, Toà án Tối cao đã quyết định đình chỉ cuộc kiểm phiếu, tuyên bố George W. Bush thắng cử với 537 phiếu nhỉnh hơn Al Gore, mở đường cho Bush con vào Nhà Trắng. Cũng phải nói tổ chức bầu cử midterms là một công cuộc khá phức tạp, và không đơn giản khi phải kiểm phiếu trên một lãnh thổ dàn ngang trên bốn múi giờ. Nhưng nói riêng về cuộc bỏ phiếu vài hai viện Quốc hội, kết quả có thể tóm tắt như sau : Đảng Dân Chủ giành lại đa số ở Hạ Viện với hơn 40 ghế, Đảng Cộng Hoà củng cố đa số ở Thượng viện (53-47). Vậy đó là « tremendous victory » (thắng lợi hoành tráng) như Trump đã rêu rao, hay là « làn sóng xanh » như Đảng Dân Chủ đã hy vọng ?


« Thắng lợi hoành tráng » ?


Để nắm rõ toàn bộ dữ kiện, cũng nên nhắc lại là ở Hoa Kỳ, cuộc bầu cử cơ quan lập pháp tiến hành hai lần, một lần trùng ngày với bầu cử tổng thống (bốn năm một lần), một lần hai năm sau (nên gọi là midterms, giữa nhiệm kỳ (tổng thống)). Nhưng mỗi viện một khác : Hạ viện thay đổi toàn bộ số dân biểu, còn Thượng viện mỗi hai năm, thay đổi 1/3 số nghị sĩ (nhiệm kỳ mỗi nghị sĩ là 6 năm). Thêm vào đó là những cuộc đầu phiếu liên quan đến địa phương : bầu cử thống đốc, thẩm phán, biện lý, cảnh sát trưởng ; trưng cầu dân ý về những vấn đề xã hội như quy định phá thai, hợp thức hoá việc sử dụng cần sa). Xét riêng khía cạnh chính trị toàn quốc, thì có thể coi midterms là thước đo thái độ của cử tri đối với hoạt động của tổng thống sau hai năm nhậm chức. Nhưng cũng phải nói thêm là tỉ số cử tri tham gia midterms không cao, trung bình chỉ khoảng 40 %. Lý do tự nhiên là chỉ có những người bất mãn mới có động cơ đi bỏ phiếu, do đó, midterms bao giờ cũng có khía cạnh trừng phạt. Thống kê cho thấy từ năm 1860, hình thành chế độ lưỡng đảng, thì trong 41 cuộc bầu cử midterms, 38 cuộc ghi nhận sự mất phiếu Hạ viện của đảng tổng thống. Riêng trong thế kỷ 21 : George W. Bush đã giành thắng lợi ở cả Hạ viện lẫn Thượng viện năm 2002 (sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9) ; nhưng đến năm 2006, đa số ở Hạ viện lẫn Thượng viện về tay Đảng Dân Chủ ; đến phiên Obama, năm 2010 mất Hạ viện, năm 2014 mất luôn Thượng viện. Đó là những chỉ dấu khá trung thành về mức độ tín nhiệm của cử tri đối với tổng thống đương nhiệm (Bush bị sa lầy ở Irak, Obama lúng túng trong cuộc cải tổ hệ thống y tế, rồi bất lực ở Syria).


Đối với Donald Trump, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay rõ ràng là trận chiến quyết định. Tất nhiên, tư tưởng chủ đạo của cử tri vẫn gắn liền với một trong hai đảng (xem bảng 1), nhưng cá tính của Trump đã gây ra những phản ứng quyết liệt, hoặc chống đối, hoặc ủng hộ : theo cuộc thăm dò của USA Today/Suffolk University, 73% cử tri nói rằng sự chọn lựa của họ gắn liền với thái độ đối với Trump.


Bảng 1 :  « tính đảng » vẫn chế ngự sự chọn lựa trong cuộc bầu cử midterms

 h1


(Trả lời câu hỏi của điều tra viên « nhân tố nào là quan trọng nhất trong sự lựa chọn ứng cử viên năm 2018 »,  17% chọn theo họ thuộc đảng nào, 14% vì chính sách bảo hộ y tế, 12% vì vấn đề nhập cư, 11 % kinh tế, 11% an ninh xã hội, 8% tổng thống Trump, 6% tình hình kinh tế của gia đình, 6% ưu khuyết điểm của ứng cử viên)

 

Trong một xã hội bị chia rẽ sâu sắc trên hầu hết mọi vấn đề chính trị và phong tục xã hội (bất bình đẳng, kỳ thị giới tính, kỳ thị chùng tộc, bạo lực, kiểm soát vũ khí…), trong không khí thiếu lành mạnh, luôn luôn căng thẳng do cung cách cầm quyền và cá tính của một ông tổng thống được cảm nhận như một con người vũ phu, gian dối và thối nát, Đảng Dân Chủ không gặp khó khăn khi kêu gọi « kháng chiến », huy động cử tri của mình, nhất là giới trẻ lần đầu tiên tham gia bầu cử (theo một số cuộc thăm dò trước ngày midterms, tỉ lệ huy động tăng lên tới 78%). Ở phía bên kia, càng gần tới ngày bầu cử, Trump càng ý thức được nguy cơ, đã chạy sô các cuộc mít tinh, ba tháng họp mít tinh 56 lần, tuần chót chạy nước rút một ngày ba lần, đả kích « các giới thượng lưu », báo chí truyền thông, dân tộc thiểu số, các nhóm dân nhập cư, khoe khoang thổi phồng thành tích kinh tế (xem ở dưới). Kết quả : tỉ lệ người đi bầu đạt kỉ lục 49% (trong lịch sử các cuộc midterms), ở bang Minnesota lên tới 54%. So với tỉ số bình quân những năm 1982-2014, tỉ lệ tham gia đã tăng 2 con số ở 23 tiểu bang : +14 ở Texas, +21 ở Georgia, tại bang này, một nữ ứng viên Dân Chủ, da đen, đối đầu với một đảng viên Cộng hoà, da trắng, trắng trợn kỳ thị chủng tộc, trong cuộc bầu cử Thượng viện.


Một ngày sau cuộc bỏ phiếu, kết quả bán phần dự báo là Đảng Cộng Hoà mất 28 ghế ở Hạ viện và được thêm 2 ghế Thượng viện, thế là Trump tuyên bố (qua tweet) thắng lợi. Nếu chỉ căn cứ vào hai con số ấy, tổng thống Mỹ không sai. Ở Hạ viện, kết quả của Trump không bằng hai đời Bush cha và Bush con, thua cả Reagan (năm 1982), nhưng so với con số trung bình của các tiền nhiệm, thì lại hơn. Còn ở Thượng viện, trước đây chỉ có hai tổng thống – là Kennedy và George W. Bush – đã giành được thêm số nghị sĩ trong khi trước đó họ đã có đa số rồi. Thêm nữa, với cuộc vận động năng nổ vừa rồi, Trump rõ ràng đã huy dộng được cơ sở cử tri của mình, gần như chắc chắn sẽ được tái cử làm đại diện Cộng hoà trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2020. Nói như đài truyền hình Fox News, đó là « ảo thuật Trump » !
 
 

« Làn sóng xanh » ?

 

Đó là ngày N+1. Tới ngày N+21, sau 20 ngày báo đài sôi động, kết quả cuối cùng các cuộc bỏ phiếu đã làm thay đổi viễn tượng bức tranh. Đúng là GOP (Đảng Cộng hoà) đã củng cố đa số ở Thượng viện (53-47), nhưng ở Hạ viện, với đa số + 40, Đảng Dân chủ đã giành thắng lợi vượt hẳn kỷ lục trước đó (năm 2006, thời George W. Bush, đa số +32). Tính số phiếu cử tri, Đảng Dân chủ giành 8% hơn Đảng Cộng hoà (xin nhắc lại, trong số 49% cử tri đi bầu), vượt hơn tỉ số cao mà họ giành được năm 1976 (sau vụ bê bối Watergate), thậm chí Đảng DC đã phá kỷ lục tuyệt đối trong lịch sử các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ (của cả hai đảng). Đi vào chi tiết cụ thể hơn, thì :


1) Sự phân ly giữa Hạ viện và Thượng viện bắt nguồn từ phương thức bầu cử nghị sĩ của hai viện : Hạ viện mỗi lần bầu lại 100% số dân biểu, Thượng viện mỗi lần chỉ thay 1/3 số nghị sĩ. Trong cuộc bầu Thượng viện năm nay, chỉ có 9 trong số 52 ghế nghị sĩ Cộng hoà phải bầu lại, còn phía Dân chủ, trong số 48 ghế, phải bầu lại 26 ghế (và ở các đơn vị này, Đảng Dân chủ đã giành được trong đợt tái cử thắng lợi năm 2012 của Obama. Đây không phải do ngẫu nhiên, mà là hệ quả « cơ học » của nhiệm kỳ thượng nghị sĩ là 6 năm. Thêm nữa, 10 ghế thượng nghị sĩ của Đảng Dân chủ lại ở những bang năm 2016 đã dồn phiếu cho Donald Trump. Nói khác đi, đối với Đảng Dân chủ, giành được đa số ở Thượng viện là một “điệp vụ bất khả”. Cho nên, kết quả của Đảng Dân chủ trong cuộc midterms này chỉ có thể là ly nước nửa đầy nửa vơi : Đảng Dân chủ mất đi 2 ghế thượng nghị sĩ, nhưng nó đã giành đươc tỉ số phiếu đáng kể ngay tại những thành trì của đối phương : ứng viên DC chỉ thua suýt soát ở các bang Florida, Georgia và Texas (tại bang “cao bồi” này, người ta thường nói chỉ những ứng viên “xanh” (tức là DC) nào hữu khuynh hơn cả đối thủ “đỏ” (tức là Cộng hoà) mới có thể thắng cử) ; ở hai bang Montana và Tây Virginia rất là “đỏ”, Đảng DC vẫn giữ được ghế nghị sĩ ; còn ở các bang “vành đai hoen rỉ” (Rust Belt) ở vùng Trung Tây (Wisconsin, Michigan, Pennsylvania) — năm 2016 Hillary Clinton thất cử chính là vì các bang này, vốn “xanh”, đã bỏ phiếu cho Trump — ứng viên DC năm nay đã thắng đậm. Nói một cách biện chứng, có thể khẳng định rằng cuộc bầu cử tháng 11.2018 đã đưa vào Thượng viện 21 nghị sĩ Dân chủ, 1 nghị sĩ độc lập, còn Đảng Cộng hoà chỉ có 13 nghị sĩ (mới được bầu), phản ánh khá chính xác xu thế hiện nay.

 

2) Đáng chú ý là trong cuộc bầu cử Hạ viện (huy động cử tri toàn liên bang), Đảng Dân chủ đã giành được khoảng 60 triệu phiếu, tức là tương đương với số phiếu bầu cho ba ứng cử viên Cộng hoà ra tranh cử tổng thống năm 2008 (McCain), 2012 (Romney), 2016 (Trump). Câu hỏi đặt ra là với 8% phiếu chênh lệch, Đảng Dân chủ chỉ giành thêm được 40 ghế dân biểu, trong khi đó thì năm 2010, Đảng Cộng hoà chỉ hơn 7% lại giành được 63 ghế dân biểu. Ở Thượng viện cũng thế, Đảng Cộng hoà giành thêm 2 ghế nghị sĩ trong khi số phiếu chỉ được 41,4% (Dân chủ 56,9%). Nguyên do nằm trong cái mà người Pháp gọi là « charcutage électoral » (xẻo xẻ đơn vị bỏ phiếu), người Mỹ « redistricting » (vẽ lại bản đồ quận hạt dựa trên cơ sở biến đổi dân số), đó là cách gọi chính thức, còn tên gọi bình dân là chiêu thức « gerrymandering », ghép tên Gerry (thống đốc bang Massachussetts, người đã khai trương trò ma giáo này) và chữ Salamander (con kỳ nhông), mô tả cách vẽ lại bản đồ các đơn vị bầu cử, tạo ra những hình thù kỳ quái như con kỳ nhông. Tất nhiên cả hai đảng đều đã sử dụng chiêu trò này, nhưng Đảng Cộng hoà thuận tay hơn nhiều vì từ năm 2010, họ giành được vị thế trifecta (nắm cả chức thống đốc và đa số ở hạ viện lẫn thượng viện tiểu bang), tha hồ thao túng xà xẻo : người ta ước tính rằng trong khoảng 20 đơn vị bầu cử, Đảng Dân chủ đương nhiên bị thiệt khoảng 5% phiếu bầu. Một chiêu trò khác của Đảng Cộng hoà là « thanh lọc danh sách cử tri » với lí do chính thức nhằm bảo đảm loại bỏ những « cử tri bất hợp pháp ». Chiêu này được sử dụng phổ biến ở các tiểu bang phía nam, nhắm vào cử tri da đen, nghèo và ít được thông tin : đòi hỏi phải có sự « tương hợp chính xác » giữa giấy tờ căn cước và sổ cử tri, mức độ « tương hợp » và « chính xác » cũng tuỳ nơi tuỳ lúc, thậm chí có thể quy định cả màu mực trên giấy uỷ quyền (xem thí dụ ở bang Georgia nói ở dưới). Vượt qua tất cả những chướng ngại ấy, Đảng Dân chủ đã giành lại đa số ở Hạ viện với một quy mô lớn lao. Cho dù bị thua ở Thượng viện, phải nói đây đúng là một « làn sóng xanh ». Chỉ cần nêu ra một nhận xét hiển nhiên : nếu kết quả bầu cử Hạ viện được đặt lên bản đồ bầu cử tổng thống năm 2016, thì Hillary Clinton đã dè bẹp Donald Trump với đa số « đại cử tri » 314 – 224.

 

Midterms 2018 : kết quả theo từng Tiểu bang 

h2

 


3)  Thứ nữa, Đảng Dân chủ cũng đã tiến lên ở cấp địa phương, giành được ít nhất 6 ghế thống đốc tiểu bang, nắm thêm được năm nghị viện tiểu bang – đó là những định chế có quyền hạn khá lớn trong lãnh vực tập tục xã hội như đã nói ở trên, và mười năm một lần, có thể vẽ lại bản đồ bầu cứ, nghĩa là tung chiêu gerrymandering chuẩn bị cho cuộc tranh cử năm 2020.


                                         

Chân trời 2020


Trump vừa ăn vỏ chuối xong (mạn phép nói văn hoa theo kiểu của ông ta), sẽ phải chuẩn bị chung sống khó khăn với Hạ viện đối lập trong hai năm tới đây, cũng như trước đó Clinton và Obama đã trải nghiệm. Nhưng Clinton cũng như Obama đều biết nhân nhượng với phe đối lập để đạt thoả hiệp, lội ngược dòng và cuối cùng thắng lợi khi ra tranh cử lần thứ nhì, người ta khỏ tưởng tượng Donald với cái tôi to kềnh có thể sống chung với người nào, nhất là với bà Nancy Pelosi (Dân chủ, chắc sẽ là chủ tịch Hạ viện). Ngay từ bây giờ, giới báo chí đã chuẩn bị theo dõi cảnh tượng xô xát, ném bát ném đĩa như trong vở hài kịch Shakespeare The Taming of the Shrew. Ai cũng chờ đợi là năm 2020, Trump sẽ tái tranh cử, vậy trong cuộc chạy đua tới đây, ông ta có những chủ bài nào, những sở đoản nào ?


1)  Về mặt định chế, Đảng Cộng hoà nắm được Thượng viện, là nghị viện quan trọng nhất trong hai viện, với chức năng thông qua những đạo luật liên bang, và có một số độc quyền như việc bổ nhiệm các thành viên chính phủ, nhất là các thẩm phán liên bang, kể cả thẩm phán của Tối cao Pháp viện. Nhờ đó mà Đảng Cộng hoà, nhất là Trump từ hai năm nay, đã uốn nắn các thể chế ấy theo chiều hưởng bảo thủ. Hạ viện có chức năng biểu quyết các đạo luật liên bang và ngân sách, nhưng trong hai năm chung sống tới đây, vai trò của nó có thể quan trọng hơn Thượng viện. Cho đến nay, các nghị sĩ Dân chủ phải khoanh tay ngồi nhìn con tàu Trump chạy qua, ngày nay họ có trong tay những công cụ hiệu quả để chặn đứng con tàu. Trước tiên, Hạ viện là người quyết định nghị trình lập pháp và có quyền phủ quyết mọi cải tổ đến từ Nhà Trắng hay Thượng viện, nghĩa là có thể ngăn chận việc thực hiện chương trình của Đảng Cộng hoà, trong đó có hai chủ trương lớn là huỷ bỏ chính sách y tế Obamacare, và việc xây bức tường dọc theo biên giới Hoa Kỳ - Mexico. Hai là, có thể thành lập những uỷ ban điều tra có quyền tổ chức những cuộc điều trần, ban hành những subpoena (lệnh truy vấn) liên quan tới những vấn đề « nảy lửa » đối với Nhà Trắng như sự can thiệp của Nga vào cuộc tranh cử năm 2016, sự dan díu với chính quyền Arabia Saudi, những xung đột lợi ích, thậm chí những tờ khai thuế của tổng thống. Phải chăng Trump đã bắt đầu hoảng khi phản ứng (trên tweet) bằng những câu nước đôi (« Chơi trò đó thì không biết mèo nào cắn mỉu nào đấy nhé » và kết luận bằng một câu rất « Đỗ Năm Trăm » : « Các bản khai thuế của tôi quá phức tạp, người dân Mỹ không hiểu nổi đâu ». Tuy nhiên điều tra điều trần là một thứ vũ khí cần thao tác thận trọng : chúng có thể làm suy yếu tổng thống, nhưng không thể hạ thủ, bởi Thượng viện có quyền phủ quyết mọi thủ tục bão miễn tổng thống. Vũ khí này thậm chí có thể dẫn tới tác động ngược lại : Trump có thể hô hoán mình bị truy bức để huy động cử tri của mình.


2) Trong dư luận công chúng, Trump phải chịu đựng một hiện tượng mang tên « mức trần thuỷ tinh ». Năm 2016, Trump thua Hillary Clinton 3 triệu phiếu, thắng cử là nhờ 77 000 phiếu bầu ở các bang « Vành đai hoen rỉ » đã lật ngược cán cân phiếu bầu của các « đại cử tri ». Trong hai năm qua, Trump không làm sao mở rộng được cơ sở cử tri 40% đã bỏ phiếu cho ông. Ngày nay, tới giữa nhiệm kỳ, thật ra Trump cũng không mất lòng dân nhiều hơn là Clinton hay Obama ở thời điểm này, nhưng vấn đề của Trump, là ở những thời điểm thuận lợi nhất, tỉ số người ủng hộ chưa bao giờ vượt quá mức « trần » 45%. Thất bại này chắc chắn cũng do Trump không thuyết phục được những người ở ngoài vòng ảnh hưởng của Đảng Cộng hoà : chỉ giành thêm được hai ghế thượng nghĩ sĩ trong một thời điểm hết sức thuận lợi ; mất 40 ghế hạ nghị sĩ vào lúc các chỉ số kinh tế ở mức tối ưu, khó mà nói rằng đây là « thắng lợi hoành tráng (…) thách thức cả Lịch sử ».

3) « It’s the economy, stupid ! » (Kinh tế là như vậy đó, đừng có ngu !). Đó là khẩu hiệu đầu lưỡi của Bill Clinton. Trump cũng không nói gì khác hơn khi ông ta khoe khoang thành tích kinh tế trong các cuộc hội họp. Quả thật đó là những thành tích đáng kể : GDP tăng 4,2% trong quý hai 2018, 3,5% trong quý ba, 3% trong 12 tháng vừa qua, tỉ số thất nghiệp xuống tới mức 3,7%, và nền kinh tế Hoa Kỳ liên tục tăng trưởng trong một thời gian dài kỷ lục : 120 tháng liên tiếp, tính đến tháng bảy 2019. Tất nhiên, Trump ém nhẹm, không nói rằng tình hình ấy đã bắt đầu từ nhiệm kỳ đầu của Obama, mà « vơ vào » cho rằng chủ yếu là nhờ cuộc cải cách thuế má tháng 12-2017 của mình : giảm tỉ suất thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 21%, và giảm tất cả các khoản thuế thu nhập. Theo Congressional Budget Office (cơ quan ngân sách thuộc Quốc hội, trung lập), các khoản giảm thuế kể trên, đi kèm việc tăng ngân sách chi tiêu (nhất là quân sự), tổng cộng lên tới 1 500 tỉ USD trong 10 năm, khiến cho tỉ số bội chi 3,5% năm 2017, tăng lên 4,2% năm 2018, sau đó mỗi năm 5,1% cho đến 2022. Nợ công của Hoa Kỳ, năm 2007 là 35% GDP, năm nay sẽ lên tới mức 78% (mức cao nhất từ trước tới nay) và 96% vào năm 2028. Món quà thuế má của Trump chủ yếu là dành cho tầng lớp giàu nhất, vào các đại doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, tỉ số thất nghiệp thấp che đậy tình trạng nhiều người lao động chỉ kiếm được việc làm bán phần, không đúng khả năng và tạm bợ, đó là những điều khuôn khổ bài viết này không cho phép đi vào chi tiết (độc giả có thể tìm đọc bài của Stéphane Lauer, xã luận nhật báo Pháp Le Monde. Chỉ xin nhấn mạnh nguy cơ của chính sách tái khởi động « tuần hoàn » không cần thiết. Nói chung, muốn tái khởi động bộ máy kinh tế trong một giai đoạn suy thoái (Hoa Kỳ không ở trường hợp này), người ta có thể chọn hoặc giảm thuế, hoặc tăng các khoản chi tiêu công. Còn Trump, trong lúc tình hình không đòi hỏi phải dùng một trong hai biện pháp, lại đẩy mạnh cả hai ! Không có gì phải ngạc nhiên, nợ công của Hoa Kỳ « mỗi ngày tăng một tỉ USD, khiến cho nền kinh tế chệch đường một cách đáng kể trong khi nó không ở trong một giai đoạn suy thoái » (nghiên cứu của ngân hàng BNP Paribas). Nghiên cứu này còn hé lộ : cán cân rủi ro sẽ ngả về phía xấu… từ năm 2020 trở đi.


Lối ra cuối cùng


Ngay trước ngày bầu cử 6-11, nhà kinh tế Paul Krugman (giải Nobel) đã báo động trên báo New York Times : Last Exit Off the Road to Autocracy (Lối ra cuối cùng trên con đường đi tới Cực quyền). Krugman lo ngại, thấy phe đối lập chỉ vận động dư luận trên những vấn đề cổ điển như thu nhập, thuế má, y tế – tức là những mối quan tâm của cử tri bình thường – mà lơ là vấn đề trung tâm theo ý ông : bảo vệ dân chủ. Krugman dự báo, nếu Trump thắng cử năm 2020, thì đó sẽ là cuộc bầu cử công bằng (dù chỉ một nửa) cuối cùng ; với Đảng Cộng hoà, nước Mỹ sẽ đi vào con đường mà các thế lực dân tuý quốc gia chủ nghĩa Hung và Ba Lan ở Châu Âu đã mở ra, đưa tới một chế độ bề ngoài là dân chủ nhưng thực chất là cực quyền. Thậm xưng chăng ? Chẳng nói quá lắm đâu nếu ta nhìn lại mấy thập niên vừa qua, khi Đảng CH đã biến hoá – từ những born again (Thiên chúa giáo toàn thống), qua Tea Party (Đảng Trà) đến những fan của Trump – trở thành một bộ máy trước sau chỉ có một mục đích là giành và giữ (take and keep) chính quyền bằng mọi giá, kể cả những phương tiện phản dân chủ nhất, bất kể đạo lý chính trị.

Xin đơn cử ví dụ bang Georgia (hay bất cứ bang nào mà số phiếu hai đảng suýt soát nhau 1% như Florida, Kansas hay Bắc Dakota). Tại Georgia, xứ sở của « Cuốn theo chiều gió », hai ứng viên tranh cử ghế thống đốc là : một bên, Stacey Adams, phụ nữ da đen, nhà đấu tranh cho quyền công dân, bên kia, Brian Kemp, quốc vụ khanh (Secretary of State) của bang Georgia, với tư cách này, là người kiểm soát cuộc bầu cử nghĩa là vừa đá bóng vừa thổi còi, rất ư là « cộng hoà chuối » như ở Nam Mỹ thời xa xưa. Kemp không che đậy xu hướng kỳ thị chủng tộc và bài ngoại của mình. Trong một đoạn phim clip tranh cử, y khoe mình lái xe có mang súng trường, gặp những người nhập cư trái phép thì bắt nhốt trong thùng xe. Với cương vị quốc vụ khanh, Kemp khét tiếng là đã « thanh lọc » danh sách cử tri (xem trên), loại bỏ hàng triệu người từ năm 2012 đến nay, đa số tất nhiên là người da đen. Điều trớ trêu là tới ngày bầu cử, Kemp đã bị máy kiểm tra không cho vào phòng phiếu vì căn cước không hợp lệ ! Dù đã giở đủ trò ma giáo, đến giờ chót, Kemp còn tìm cách « thanh lọc » một lần nữa, song đã bị toà án bác bỏ. Trong mấy ngày cuối tuần trước bầu cử, Kemp bèn cảnh báo là Đảng Dân chủ có thể dùng tin tặc để phá hoại máy ghi phiếu bầu cử. Cuối cùng, Kemp thắng bà Adams với 40 000 lá phiếu (50,2% - 48,8%). Chắc chắn nếu không liên tục ma giáo như vậy, y đã thất cử. Bất cứ chính đảng nào có một chút tinh thần dân chủ hay công bằng, cũng phải kỷ luật một ứng cử viên như vậy. Đảng Cộng hoà thì không. Trump lại càng không. Cả hai đã ủng hộ Kemp tới cùng.

Sự bi quan của Krugman về « tính dễ vỡ » của nền dân chủ Hoa Kỳ (thực ra của mọi chế  độ dân chủ) không có gì mới. Ngay từ cuộc tranh cử tổng thống năm 2016, ông đã nhận định « với Trump, chế độ dân chủ rất có thể nhanh chóng rệu rã ». Hôm nay nước Mỹ vừa rẽ sang phía tả trước « lối ra cuối cùng », vẫn còn nỗi lo ngại là phe Trump phản đối kết quả cuộc bầu cử Hạ viện. Báo Washington Post tố cáo một « chiến lược có phối hợp » của Đảng Cộng hoà, « tìm cách gieo rắc nghi ngờ về quá trình bầu cử. Họ làm như vậy ở những bang số phiếu hai bên suýt soát, khó phân thắng bại », như ở Florida, là tiểu bang mà « thống đốc mãn nhiệm, Rick Scott dùng quyền hành của mình để bảo vệ kết quả xít sao của mình trong cuộc tranh cử ghế Thượng nghị sĩ, và tố đối thủ Bill Nelson (Dân chủ), là muốn cướp giật chiến thẳng của mình ». Một Uỷ ban của phe Trump đã bỏ ra 250 000 USD để tung quảng cáo truyền hình nhằm nói xấu những người tổ chức bầu cử. Bất kể quy định của Hiến pháp, Trump đã tự tay gửi tweet đòi ngừng việc đếm phiếu trở lại, viện cớ phe Dân chủ « gian lận đại trà » trong việc đếm phiếu (mà không đưa ra một bằng chứng nào). Phải nói cái « tôi » của Trump khá phì nộn, bất cứ điều gì không vừa ý cũng có thể khiến hắn nổi khùng. Mọi người còn nhớ ngày lễ nhậm chức năm 2017, hình ảnh truyền hình cho thấy đám đông tập trung trên quảng trường Mall ở Washington thưa thớt (bằng nửa số người tham gia lễ nhậm chức của Obama), Trump bèn nổi trận lôi đình, tố cáo đối thủ đã đưa 5 triệu người nhập cư phi pháp đi bỏ phiếu. Y còn lập ra cả một uỷ ban điều tra. Tất nhiên, từ đó đến nay, uỷ ban đó không đưa ra một bản báo cáo nào. Thắng mà còn làm như vậy, thử hỏi nếu thua hắn sẽ làm gì ? Washington Post than thở : « Những cuộc chiến luận công khai như vậy chỉ thêm dầu vào lửa, làm giảm bớt lòng tin của người dân đối với quá trình bầu cử, và từ đó, lòng tin vào chế độ dân chủ của nước ta ».


h3
Biếm hoạ của Wilhem (Libération)


Trong khi chờ đợi kết cuộc năm 2020 của « trận giao tranh chiến hào », bản đồ bầu cử năm 2018 (xem trên đây) cho thấy một nước Mỹ chưa bao giờ chia rẽ như vậy. Đứng về mặt địa chính trị, cuộc bầu cử midterms đã đẻ ra hai nước Mỹ hoàn toàn cách biệt. Nói giản lược : nước Mỹ của Đảng Cộng hoà, nông thôn, da trắng, nam nhi và lão hoá, tự giam trong thế giới của mình, càng khó thay đổi vì đó là một thế giới đóng kín trong hàng rào cũng những fake news (tin phịa), alternative facts (sự kiện thay thế) và những dòng tweet của Trump, nhào nặn lên nếp suy nghĩ của họ. Và bên kia là một nước Mỹ khác, đa văn hoá, trẻ, thành thị, là đa số về dân số, nhưng chưa có đa số cử tri vì một hệ thống chính trị cổ lỗ sĩ đang rạn nứt khắp nơi. Tuy nhiên cuộc bầu cử vừa qua đã phản ánh một sự sục sôi ít ai ngờ : Hạ viện có tới 25% nghị sĩ mới, trong đó Đảng Dân chủ đã đưa ra những người không xuất phát từ hàng ngũ cổ truyền (103 trên 250), đông đảo phụ nữ (114 nữ nghị sĩ) và rất đa dạng : 2 người gốc Phi, 2 người Indian, 2 cựu tị nạn Hồi giáo (người Somalia và Palestin) ; một cựu nhân viên CIA, một cựu phi công Hải quân, 1 người không giấu diếm thuộc xu hướng xã hội chủ nghĩa (ở Mỹ, « xã hội chủ nghĩa » là lời chửi nặng nề)… Hi vọng rằng làn sóng mới sẽ đưa Đảng Dân chủ vào con đường tái chinh phục. Ai sẽ mang ngọn cờ Dân chủ ra tranh cử tổng thống ? Khổ một nỗi : quá nhiều, cả những con ngựa già về ngược lẫn những chú ngựa non háu đá. Vấn đề quan yếu là : lập trường tư tưởng. Cho đến giờ, Đảng DC vẫn chưa dứt khoát chọn lựa : ở trung phái với hi vọng lôi kéo những cử tri ôn hoà (năm 2016, người ta đã thấy hạn chế của lựa chọn này), hay nghiêng hơn về phía tả để huy động « trái tim » của khối cử tri ? Chưa dứt khoát về lập trường tư tưởng, DC sẽ vẫn là một liên minh hỗn hợp không biết phải làm gì với những thắng lợi mới.

Nguyễn Quang

Nguyên tác tiếng Pháp : Etats-(dés)Unis d’Amérique

(bản dịch của Kiến Văn)



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss