Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Iraq: 4 ngàn lính Mỹ

Iraq: 4 ngàn lính Mỹ

- Thanh Gương — published 27/03/2008 21:50, cập nhật lần cuối 27/03/2008 21:50
Trong tâm tư của những người lính Mỹ trên chiến trường Iraq hiện ra một nỗi khắc khoải khủng khiếp, khủng khiếp hơn cả cái chết: nỗi khắc khoải của những người đang chiến đấu hy sinh cho một đất nước mà ngay chính cái đất nước ấy cũng chẳng màng chi đến họ, một kiểu “vong ân bội nghĩa” đối với những người đang chiến đấu.

4 ngàn người lính Mỹ chết trận


Thanh Gương


Nằm bó trong tấm vải liệm trước sự dửng dưng của cả nước, người lính Mỹ đang đợi người trong gia đình của anh sẽ nhận được tin báo tử. Tính đến hôm 24/03/2008 anh là người cuối cùng “nhập bọn” với 3.999 đồng ngũ khác đã nằm xuống trong 5 năm trời chinh chiến ở Iraq.

Nói là 4 ngàn chứ thật ra con số lính Mỹ tử vong trên mặt trận Iraq còn cao hơn, nhưng chỉ vì Lầu Năm Góc chỉ “tính” những con số “chết ngay trên mặt trận”, chứ không “đếm” những lính Mỹ bị thương rồi sau đó mới từ trần. Thì âu cũng là một phương thức tính toán mà thôi. Mất mát nào chẳng là mất mát ? Đau thương nào chẳng là đau thương ?

Nghĩ cho cùng thì con số 4 ngàn cũng chẳng có vẻ chi khá hơn con số 4 lẻ một, lẻ hai hay lẻ ba ... chi đó của những ngày binh biến kế tiếp trên mặt trận Iraq. Con số 4 ngàn cũng chẳng tồi tệ hơn con số 3 ngàn 9 trăm 9 mươi 9 của ngày hôm trước. Chỉ có một điều khác biệt duy nhất là chắc chắn anh lính Mỹ đang nằm trong vải liệm sẽ hài lòng hơn nếu con số khốn nạn đó dừng lại ở 3 ngàn 9 trăm 9 mươi 9. Nhưng cũng nhờ có sự “đóng góp” của anh lính Mỹ, con số 4 ngàn hôm qua chí ít cũng đã làm xao động một tí cái bầu không khí thờ ơ lãnh đạm nặng như chì của nước Mỹ trước những biến động ở Iraq, một nước Mỹ đã tìm cách tránh né đối diện trực tiếp câu chuyện Iraq, na ná như một bệnh nhân đã đến thời “tuyệt vọng” và chẳng muốn nghe bác sĩ báo cáo chẩn bệnh chi cả, vì càng nghe chỉ càng thêm đau khổ ... mà bệnh tình thì vẫn “tuyệt vọng”.

Chẳng qua cũng là một thứ phản ứng tâm lý mà thôi, trạng thái mà các nhà tâm lý học gọi là “nhẫn nhục chấp nhận” (frustrated resignation): khi người ta thấy không còn hy vọng gì ... thì .... đành cam chịu ... Và tìm cách từ chối nhìn nhận thực tế .... như kiểu con đà điểu vùi đầu xuống cát. Cứ nhìn các bảng thống kê thăm dò dư luận trong mấy tháng tranh cử ở Mỹ thì thấy: câu chuyện Iraq đang “tụt hậu” nhường chỗ cho những vấn đề thời sự hơn và được các mạng truyền thông “rầm rộ” hơn, đó là những băn khoăn khoắc khoải về công ăn việc làm, về kinh tế suy thoái, về tiền nợ mua nhà.

Báo chí ở Mỹ cũng đã thuyên giảm phần đăng tin tức về Iraq, người ta ước tính là hiện nay lượng tin tức đến từ Iraq chỉ chiếm chưa tới 10% trên tổng số lượng thông tin mà các cơ quan truyền thông đăng tải mỗi ngày. Các toà soạn thì “than thở” rằng, dựa trên các quy luật thị trường (tin tức cũng là một thứ hàng hoá như bao nhiêu hàng hoá khác trên thị trường), thì mức độ quan tâm của độc giả về tin tức thời sự ở Iraq đã xuống thấp đến nỗi không thể tiếp tục chấp nhận tổn phí kinh tế mà các chủ báo phải chịu và mức độ nguy hiểm mà các phóng viên phải đương đầu để có thể “bao” (cover) địa bàn Iraq. Nhưng cũng có người suy luận ngược lại: xã hội bớt quan tâm đến vấn đề Iran cũng vì các cơ quan truyền thông không còn “rầm rộ” như trước.

Loay hoay vẫn là cái song đề (dilemma) con gà đẻ ra cái trứng ? Hay cái trứng đẻ ra con gà ?

Không ai có câu trả lời xác đáng cả. Chỉ có một điều duy nhất chắc chắn cụ thể 100%: đó là tình hình Iraq trong 5 năm qua vẫn ... chủ yếu ... giậm chân tại chỗ; vẫn chưa ai thấy được cái le lói của ánh sáng bên kia đường hầm; tình hình an ninh của Mỹ (và của thế giới) vẫn .... ngày thêm bấp bênh (cứ coi các khâu kiểm soát hành khách khi lên phi cơ mỗi ngày thêm phức tạp thì mới thấy tình hình an ninh bấp bênh cỡ nào). Lâu lâu lại nghe thông báo về những “tiến bộ” của tình hình Iraq, thực chất chỉ là những cuộc “phân phát” viện trợ dồi dào cho các tổ chức băng đảng nội địa, cho các bộ lạc cắt cứ ở các địa phương, để rồi những viện trợ đó thay vì cải thiện được tình hình ở Iraq thì lại được các hàng tướng lãnh của các băng đảng hay tù trưởng của các bộ lạc vơ vét bỏ túi – ở chỗ này xem ra không khác chi thời viện trợ Mỹ đổ vào miền Nam – Mỹ vẫn tiếp tục ... sao y bản cũ !!! Đến nỗi mấy hôm nay vị tướng nặng ký cỡ Petraeus (tương đương tướng Westmoreland – Tổng tư lệnh quân đội Mỹ ở miền Nam), không biết do niềm tin vững chắc có thật hay do bổn phận tướng lãnh, đã phải vung vít những tuyên bố lạc quan kiểu .... tiến chậm ... nhưng vững chắc ... Những tuyên bố lạc quan của Petraeus đã được tờ New York Time “cô đọng” trong một bức tranh biếm hoạ trong đó có anh lính Mỹ đang bị lún cát đến ngang bụng than thở: “Điệu này thì chắc vẫn tiếp tục lún ... nhưng có điều ... lún chậm hơn trước !!!”. Chắc là anh lính Mỹ thứ 4 ngàn.

Đến nay thì hơn 60% công luận ở Mỹ đã đi đến kết luận rằng: việc quyết định gởi con em đến Iraq là sai lầm, và cái giá phải trả cho quyết định sai lầm đó là những tử vong, tốn kém kinh phí, trì trệ kinh tế, uy tín nhà nước giảm sút .... Mỹ sẽ tiếp tục phải trả cái giá đó ít nhất là cho đến đầu năm tới, cho đến khi nào vị Tổng Thống mới của Mỹ, bất luận đàn ông hay đàn bà, bất luận là da trắng hay da màu, sẽ phải bắt đầu lấy băng keo dán lên vết thương rỉ máu do chính Bush con gây ra. Nếu những tổn thất về nhân mạng cho lính Mỹ cũng như cho người dân Iraq được tính theo “vận tốc trung bình” hôm nay, tính theo mức độ “tiến triển” mà tướng Petraeus tuyên bố, có nghĩa là mỗi ngày 2 lính Mỹ mất mạng, 10 lính Mỹ thương vong và khoảng chục (chục 12) dân Iraq thiệt mạng ... thì có nghĩa là Mỹ sẽ còn phải “tế thần” ít nhất là thêm 400 lính Mỹ và vài chục ngàn dân Iraq.

Bất cứ một người Mỹ nào có khả năng suy luận tối thiểu cũng điều biết rằng cả bà Hillary lẫn ông Barack khi hô hào trước đám đông rằng “sẽ rút quân trong vòng 60 ngày” ... chỉ là hô hào những khẩu hiệu tranh cử ... chứ thật ra cả ông bà đều thừa biết rằng kéo ra 160 ngàn lính Mỹ đang sa lầy ở Iraq trong vòng 60 ngày là một thứ “mission impossible”. Thời chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã phải tốn gần 5 năm trời đi lui đi tới ở hoà đàm Paris để mới có thể bắt đầu rút quân vào năm 1973, bây giờ ai dám chắc là trong vòng 60 ngày Mỹ có thể rút quân ra khỏi Iraq ?

Đến cả tay cựu chiến binh anh hùng thời chiến tranh với Việt Nam là McCain cũng phải vận áo giáp bay đến Bagdad để “minh chứng” cho những tiến bộ mà tướng Petraeus nói đến. Chỉ có điều là khi McCain đặt chân xuống phi trường Bagdad thì ngay hôm đó có 8 lính Mỹ thiệt mang và một cuộc đánh bom ở một con chợ đã gây tử vong cho 60 người dân Iraq.

Sự thiển cận và lòng cuồng tín của các tay chính trị neo-con (tân bảo thủ), mà đứng đầu là hai ông trùm Rumsfeld và Cheney – một ông là (cựu) Bộ trưởng Quốc phòng đã bị “tế thần” trước những thất bại của học thuyết neo-con, một ông là (Phó) Tổng thống nhưng thật ra là người cầm cương kéo cỗ xe Mỹ nhào vô cái hố Iraq – đã không những chỉ làm sa lầy nước Mỹ mà còn kéo cả thế giới vào thảm cảnh bất ổn triền miên và đã tạo cho các lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan có thêm những cái cớ để mà dấy động cuộc thánh chiến chống phương Tây sa đoạ.

Trong 5 năm qua đã biết bao lần người dân Mỹ vừa mới nghe những tuyên bố hào hùng của Nhà trắng về những kết quả quân sự khả quan trên và tiến bộ chính trị ở Iraq thì cũng đồng lúc trên mặt trận lính Mỹ ngã xuống. Giống như một bệnh nhân trong khi nghe bác sĩ tuyên bố là bệnh tình có phần thuyên giảm thì bỗng thấy mắt mờ lưỡi cứng đờ rồi .... lăn ra bất tỉnh nhân sự.

Cú sốc 11/09 xem ra đã “đi vào dĩ vãng”, gần như đã không còn để lại dấu vết gì trong tâm trí công luận. Điều oái oăm trớ trêu là sự “thiếu vắng” gần đây của những cuộc khủng bố trên đất Mỹ, tính ra là điềm tốt điềm lành cho dân Mỹ, thì lại chính là mối “đe doạ” cho học thuyết háo chiến, chủ thuyết “chiến tranh phòng vệ” của mấy tay neo-con, nó làm cho học thuyết này ngày càng mất “tín đồ”. Cứ tình hình kéo dài như thế này chẳng mấy chốc cả cái học thuyết chiến tranh phòng ngự và phòng chống khủng bố tiêu tan ra mấy khói trước những kiệt quệ kinh tế tài chính trong lòng xã hội Mỹ.

Khác với thời chiến tranh Việt Nam, bây giờ không còn chế độ cưỡng bách quân dịch, những thanh niên Mỹ bây giờ không còn phải sống trong cảnh phập phồng lo sợ phải nhận “giấy gọi”. Thay vào đó là những người lính “tự nguyện đăng ký” (nói theo từ vựng bóng bẩy của Lầu Năm Góc là “lính chuyên nghiệp” (professional soldiers)), nhưng nhìn cho kỹ phần lớn là dân nhập cư đăng ký để hy vọng lãnh được cái thẻ xanh cư trú hay thành phần thấp kém trong xã hội Mỹ với hy vọng kiếm tí vốn để làm ăn hay đóng học phí đại học.

Đối với xã hội Mỹ cuộc chiến tranh Iraq hôm nay gần như là một cuộc chiến của ai đó chống lại một ai đó, xa xôi diệu vợi. Cuộc chiến của những người lính chuyên nghiệp có ăn có chịu, của những tay đánh thuê theo hợp đồng (contract) chứ không có một nội dung chính trị hay ý thức hệ gì cả.

Trong tâm tư của những người lính Mỹ trên chiến trường Iraq hiện ra một nỗi khắc khoải khủng khiếp, khủng khiếp hơn cả cái chết: nỗi khắc khoải của những người đang chiến đấu hy sinh cho một đất nước mà ngay chính cái đất nước ấy cũng chẳng màng chi đến họ, một kiểu “vong ân bội nghĩa” đối với những người đang chiến đấu.

Như có một người lính Mỹ từ Iraq trở về đã tâm sự: “Thà nhìn thấy những phong trào phản chiến như hồi thời Việt Nam ... còn hơn là sự thờ ơ lạnh nhạt của xã hội Mỹ hôm nay đối với những người cầm súng”.


Roma, 27/03/2008

Thanh Gương

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss