JAUNE QUICK-TO-SEE SMITH, Nghệ sĩ người Mỹ bản địa tại bảo tàng Whitney Museum of American Art, New York
JAUNE QUICK-TO-SEE SMITH,
Nghệ sĩ người Mỹ bản địa
tại bảo tàng Whitney
Museum of American Art,
New York
Trần Đán
Một lần nói chuyện với cô Cecilia Alemani, giám tuyển trưởng của Venice Biennale 2022, tôi hỏi cô chọn các nghệ sĩ thuộc loại nào thì được trả lời, “Tôi nhắm vào các nghệ sĩ chưa được thừa nhận (unrecognized).” Cô giải thích thêm, Tất nhiên là phải có tài nhưng vì sự kỳ thị tiềm ẩn trong các thiết chế nghệ thuật được kết cấu trước đây nên họ chưa được biết đến rộng rãi. Có lẽ cô không muốn nói toẹt ra rằng trước đây các thiết chế nghệ thuật được làm ra do và cho các nghệ sĩ nam da trắng từ châu Âu nên không lạ gì mà các thần tượng như Monet, Van Gogh, Manet, Cezanne, Matisse và Picasso đều là đàn ông da trắng từ châu Âu.
Cuối thế kỷ 20 và bước vào thế kỷ 21, tinh thần thực dân đã nhường chỗ
cho tinh thần “giải thực dân”. Như một bài tiểu luận của tôi đã đề cập,
trong văn chương nghệ thuật tinh thần này được gán cho cái tên bao trùm
là “Hậu hiện đại,” do chính không ai khác hơn một số triết gia nam giới
da trắng châu Âu (chủ yếu là Pháp) đề xuất, nối bật nhất là
Baudrillard, Barthes, Lyotard, Foucault, Derrida. Tại sao chính họ lại
quay lại công kích đồng loại? Đó là một điểm nổi bật của văn minh châu
Âu từ thời Hy Lạp khi triết gia Socrates tuyên bố, “một cuộc đời không được suy nghiệm thì
không đáng sống.” Tinh thần suy nghiệm. Tinh thần tự soi. Tinh
thần tự phản biện. Hay tinh thần trung thực. Nôm na theo tiếng lóng Mỹ,
đó là “walk the talk,” thay vì
“talk the talk.” Anh hãy làm
đúng những gì anh nói. Nếu anh tin theo Jean-Jacques Rousseau xem “mọi người sinh ra đều bình đẳng”
thì không thế nào anh, người nam giới da trắng châu Âu, lại hành xử như
một chủng loài siêu đẳng. Và từ đó nhóm hậu hiện đại suy ra các hệ lụy
về triết học, văn hóa, chính trị, kinh tế, v.v...
Từ khi được thành lập các bảo tàng không hề là nơi đi tiên phong trong
lĩnh vực “khám phá” ra các nghệ sĩ đột phá. Nhiệm vụ đầy rủi ro bất
thành văn đó được giao cho các salon,
các gallery. Các viện bảo
tàng, với nguồn kinh phí đồ sộ do tư nhân cung cấp như bên Mỹ, hay do
chính phủ trợ cấp như bên châu Âu, có nhiệm vụ chính là lưu trữ. Cũng
dễ hiểu vì nguồn tài chính của chúng vốn đến từ những tầng lớp xã hội
bảo thủ nhất là giới nhà giàu. Nhưng trong thời kỳ gần đây nhất, các
viện bảo tàng đã mở rộng chức năng của mình sang lĩnh vực khác, lĩnh
vực “tái khám phá
(re-discovery)” Đó là tổ chức các triển lãm “hồi cố” (retrospective) đối với một
số nghệ sĩ từng bị quên lãng hay bị kỳ thị. Tinh thần Hậu hiện đại đã
lan tỏa một cách lúc thì thầm lặng (như sự nổi lên của giám tuyển nữ
Lucy Lippard), lúc thì náo nhiệt (như các cuộc phản đối của Guerilla
Girls) từ khu vực đại học sang giới nghệ sĩ và công chúng, kêu đòi
những cải cách xã hội và gây áp lực trên các viện bảo tàng. Một số ít
bảo tàng dám mạo hiểm triển lãm một số nghệ sĩ đang lên.
Cũng nhờ trào lưu đó mà khi đến New York lần này tôi đã được xem cuộc
triển lãm hồi cố khá độc đáo về một nữ nghệ sĩ người bản địa (Indigenous) Bắc Mỹ tại bảo tàng
Whitney Museum of American Art. Cuộc triển lãm mang tên Jaune Quick-to-See
Smith : Bản đồ ký ức, kéo dài từ 13/4 đến 13/8, trong đó khán
giả được xem gần 130 tác phẩm của bà được sáng tác trong 5 thập kỷ, đa
phần là tranh, và một số điêu khắc, sắp đặt và ấn phẩm.
Sinh năm 1940, năm nay 83 tuổi và vẫn còn khỏe mạnh, Jaune Quick-to-See
Smith lớn lên trong một trại cư trú người da đỏ thuộc bộ tộc Salish và
Kootenai nằm ở bang Montana. Bị mẹ bỏ rơi khi lên hai, bà theo cha là
một nhà buôn ngựa sống rày đây mai đó ở các bang California và
Washington. Bà đã qua nhiều lớp nghệ thuật nhưng mãi đến năm 40 tuổi
mới lấy được bằng Master of Art từ Đại học New Mexico. Cuối đời bà đã
có được hơn một trăm cuộc triển lãm cá nhân, giành được giải Joan
Mitchell danh vọng, và được cấp 4 bằng tiến sĩ danh dự.
Tôi nghĩ gì về nghệ thuật của bà ?
Tất nhiên là rất thích. Vì hình như bà đi cùng đường với tôi. Về nội
dung, bà đánh đi một thông điệp xã hội – chính trị sâu sắc, giễu nhại
sự thống trị của nền văn hóa thực dân (của người da trắng châu Âu) trên
nền văn hóa bản địa (của người da đỏ). Về hình thức, bà đã tích hợp một
số kĩ thuật hiện đại từ các họa sĩ đi trước mà chính tôi rất ngưỡng mộ
như Jasper Jones, Jean-Michel Basquiat, Robert Rauschenberg.
Bỗng dưng tôi nghĩ đến Ferdinand de Saussure, nhà sáng lập ra môn ký hiệu học người Thụy Sĩ. Có phải các tác phẩm của bà Jaune QTS Smith là một kho tàng ký hiệu mà giải mã chúng sẽ giúp ta hiểu hơn tâm thức của người bản địa da đỏ dưới sự thống trị của người da trắng, và nói rộng hơn tâm thức của bất cứ dân tộc nào mất nước (như người Chăm Pa, người Tây Tạng, người Maya)?
Với ý thức đó, tôi đã đào xới và tìm cách giải mã các ký hiệu trong
tranh bà. Điều này không hề dễ vì tôi không phải là một chuyên gia ký
hiệu học. Nhưng tôi có thể hiểu được một ký hiệu đơn giản như hình một
mặt trời có thể “tượng trưng” cho, hay làm “liên tưởng” đến sự ấm áp,
sự sống, sự lạc quan. Đây là một ký hiệu có tính phổ quát trong nhiều
nền văn hóa từ xưa đến nay, nhưng còn nhiều ký hiệu gắn liền với một
nền văn hóa đặc trưng nên khó giải mã hơn.
Trong nhiều bức tranh, bà đã “chiếm lĩnh” (appropriate) ký hiệu bản đồ Mỹ.
Điều này Jasper Jones đã làm theo trường phái Pop art. Nhưng bà đã soi
chiếu nó với một góc nhìn khác, góc nhìn của một người bản xứ mất nước.
Khác với bản đồ của người da trắng chia Bắc Mỹ thành những tiểu bang,
bản đồ của người bản xứ không phân định rõ ranh giới. Ranh giới, nếu
có, chuyển động theo hành trình đi săn bắn, trồng trọt để sinh tồn. Ký
hiệu “bản đồ” vừa biểu trưng cho khái niệm chiếm hữu, vừa là đại diện
cho một quốc gia, một dân tộc. Với hội họa cổ điển, các ký hiệu thường
được truy cập từ Kinh Thánh và đòi hỏi một trình độ đọc và hiểu cao.
Với Pop art mà Jasper Jones và Andy Warhol cổ suý, các ký hiệu càng
”thấp”, càng thông dụng càng tổt: một hộp xà phòng, một lon súp, một
chai Coca, v.v... đều có thể được người nghệ sĩ “vay mượn” để biểu trưng
cho một điều phi vật thể khác, ví dụ sự hổ lốn của xã hội tiêu thụ.
Bản đồ người da đỏ (1992)
Tất nhiên muốn giải mã trung thực một ký hiệu, người xem phải thông
thái về nền tảng văn hóa, lịch sử của chính tác giả, không phải của
người xem. Tôi xin viện dẫn trường hợp một ký hiệu bà hay dùng là chiếc
canoe (thuyền độc mộc.)
Trong bức tranh/sắp đặt Đổi chác
(Quà nhận từ buôn đất với người da trắng), 1992, hình ảnh trung
tâm là một canoe. Vậy theo người da đỏ bản địa ký hiệu canoe là biểu
tượng cho tập tục gì, cho tinh thần gì ? Tôi có hỏi một người da trắng
Mỹ, “Ông nghĩ gì khi nhìn hình của
một chiếc canoe?” thì được trả lời, “tôi nghĩ đến thú chèo thuyền trên các sông
hồ.” Tôi lại đánh Google lên để biết người da đỏ có truyền thống
làm gì với chiếc canoe? Và được trả lời, các bộ lạc sống gần sông, hồ
hay biển, dùng chúng để di chuyển, để đánh cá bằng cây thương, và để
buôn hàng. Đối với họ đó là một phần thiết yếu trong sự tranh vật hằng
ngày để sống còn. Do đó, không hiểu được ký hiệu “canoe” theo tâm thức
người da đỏ mà lại hiểu theo tâm thức người da trắng thì sẽ bị hoàn
toàn lệch lạc.
Đổi chác (Quà nhận từ buôn đất với người da trắng), 1992
Thuyền đi buôn : dược phẩm (2018)
Bổ sung cho bức Đổi chác, trên đầu bức tranh bà còn treo 31 vật thể : Một cái nón đánh bóng chày (baseball) của đội Cleveland Indians, huy hiệu của đội banh bầu dục Atlanta Bronco, một quai bị bằng hạt cườm với hình một chiến binh da đỏ, một thắt lưng với hoa văn người da dỏ, v.v... Đây cũng là một thực hành xuyên suốt của nghệ thuật của bà : dùng sự giễu nhại, mỉa mai để phản đối cuộc xâm lược văn hóa. Qua các ký hiệu bà muốn gửi đi thông điệp, người da trắng đã ngang nhiên sử dụng các biểu tượng, một số linh thiêng, của người da đỏ nhằm vào những cuộc giải trí, trò thể thao, hoặc như những chiến lợi phẩm là một điều vô tâm và tàn nhẫn.
Một cách tương tự, một số ký hiệu được lập đi lập lại trong tranh bà là
con ngựa và con bò rừng (bison).
Đó là hai con thú vật rất gần gũi với đời cuộc sống người da đỏ, con
ngựa giúp họ đi săn bắn và con bison
cung cấp vừa thịt, vừa da để làm áo quần và vải bọc lều trại cho họ.
Như những ký hiệu, hai con vật biểu trưng cho cả một lối sống lâu đời
của người bản địa. Đồng thời nó cũng nhắc nhở, với sự xuất hiện của
người da trắng, đến sự thay thế con bison bởi thịt heo đóng hộp hiệu
SPAM, và sự thay thế con ngựa với xe hơi như phương tiện di chuyển. Bức
tranh SPAM phải được giải mã như sự xóa sổ của một lối sống truyền
thống.
SPAM (1995)
Bà cũng sử dụng ký hiệu theo kỹ thuật của Robert Rauschenberg bằng cách dán lên tranh các mẫu bài viết thời sự để đánh dấu thời gian, hoặc các câu châm biếm tự chế. Nói về nạn phá rừng, bà ghép vào câu “Hãy bảo vệ bọn đốn rừng đang bị diệt chủng.” Tôi cố nhịn cười khi đọc “Các hiệp ước không hề có biên giới”, “Lời hứa, lời hứa, lời hứa”, “Biết ai đến ăn trưa với chúng ta không?” v.v...Dĩ nhiên người xem cũng phải biết ở mức tối thiểu về lịch sử chiếm đất qua những hiệp ước bất lợi hoặc bị xé nát bởi người da trắng để hiểu thấu các ký hiệu nêu trên.
Một kỹ thuật khác nữa của bà là vay mượn những hình ảnh hoặc ý tưởng quen thuộc của các họa sĩ nổi tiếng nhưng đặt chúng trong một bối cảnh khác. Trong nhiều bức tranh ta thấy tiểu tiết từ bức Guernica của Picasso như hình người mẹ ôm xác đứa con theo phong cách lập thể, nơi đó tôi (và đa số người xem) nhận ra ngay ký hiệu phổ quát của sự tàn khốc của chiến tranh, và trong trường hợp dân bà, của sự diệt chủng. Trong một bức khác bà sửa lại câu tuyên bố nổi tiếng của họa sĩ siêu thực Magritte “Ceci n’est pas une pipe” thành “Ceci n’est pas une peace” để giễu nhại sự phản trắc của đại tá kị binh Mỹ George Custer lùng diệt người da đỏ trong trận đánh Little Big Horn năm 1876.
Ceci n'est pas une peace
Bản đồ ký ức
là triển lãm hồi cố đầu tiên của một nghệ sĩ bản địa Bắc Mỹ bởi một bảo
tàng Bắc Mỹ lớn. Bà Laura Phipps, một phụ tá giám tuyển của viện bảo
tàng, đã tổ chức cuộc triển lãm này nhằm giải đáp câu hỏi thôi thúc, “ Tại sao trước đây không ai để ý đến nghệ
thuật đương đại người bản địa? Chúng ta thường tự hỏi ‘Cá tính người Mỹ
là gì?’ và đã có rất nhiều cuộc thảo luận về chủ đề đó, nhưng chưa bao
giờ chúng ta gom người bản địa vào tập thể ‘người Mỹ’.”
Điều đáng mừng là có sự lan tỏa từ cuộc triển lãm này. Vào tháng 9 năm
nay, tại Viện bảo tàng quốc gia tại thủ đô Washington DC, bà Smith sẽ
giám tuyển cho 50 nghệ sĩ người bản địa. Tôi xin chúc mừng bà.
Trần Đán
Các thao tác trên Tài liệu