Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Khủng hoảng tài chính Mỹ và Việt Nam

Khủng hoảng tài chính Mỹ và Việt Nam

- Vũ Quang Việt — published 18/09/2008 20:06, cập nhật lần cuối 19/09/2008 16:47
Bài thứ ba của tác giả về cuộc khủng hoảng còn đang diễn ra!

Bài học cho Việt Nam
từ khủng hoảng tài chính ở Mỹ


Vũ Quang Việt


Rất nhiều nhà làm chính sách Việt Nam đã cổ võ thái quá cho một nền kinh tế thị trường tự do bởi vì họ nghĩ nó sẽ tự điều chỉnh, chẳng cần gì đến vai trò của nhà nước. Tập đoàn kinh tế là một ví dụ của sự tự do đó. Các tập đoàn này quên rằng mình là do nhà nước, tức là dân sở hữu, cứ tưởng là chỉ cần giữ vững mục tiêu làm ra lợi nhuận là đủ rồi. Lãnh đạo ngồi ghế chỉ một thời gian ngắn nên lợi nhuận cần đạt cũng phải được thực hiện nhanh chóng, bất kể những gì có thể xảy ra sau đó. Thế là họ tự do tung hoành đầu tư vào nhà đất, chứng khoán, ngân hàng, dù mục tiêu mà tập đoàn được lập ra có thể là sản xuất điện, vận tải biển, v.v. vì họ biết rõ những hoạt động này chỉ cần thân quen, lại được bật đèn xanh ở trên nên nguồn tín dụng không phải là điều cần quan tâm. Kết quả mới chỉ là lạm phát cao, đánh vào đời sống của dân nghèo, chứ chưa đến mức khủng hoảng trầm trọng đến các đại gia như ở Mỹ hiện nay. Và cũng may là tình trạng lạm phát phi mã vừa qua đã làm nhiều người tỉnh ngộ. Vấn đề thiết lập một hệ thống kiểm tra hữu hiệu và thường xuyên tài chính của cả ngân hàng và doanh nghiệp quốc doanh lớn cần được nhanh chóng đặt ra. Hệ thống này cần đòi hỏi các ngân hàng và doanh nghiệp công bố trên mạng bản báo cáo tài chính, cũng như các chỉ tiêu hoạt động cơ bản theo qui định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông số này. Chỉ có thế Việt Nam mới hy vọng không phải bắt chước Mỹ xã hội hoá thất bại của tư nhân, để còn sức chấm dứt việc xã hội hoá trách nhiệm của nhà nước.

Tình trạng coi như phá sản của AIG (nếu chính phủ Mỹ không nhảy vào cứu nguy), là điển hình của các thói tham lam, bỏ ngành chuyên môn của mình, tức là bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, các hoạt động có hệ thống kiểm tra chặt chẽ của cơ quan chuyên môn, để xông vào đánh bạc, bảo hiểm các chứng khoán rác. Bảo hiểm loại này cam đoan giá chứng khoán ghi trên hợp đồng, dù chứng khoán rác này mất hết giá trị. AIG tưởng rằng giá nhà sẽ lên mãi mãi. Không những thế để tăng lợi nhuận, vì tưởng rằng tình hình kinh tế sẽ tốt đẹp mãi, AIG cũng bảo hiểm nhiều loại giấy nợ mang tính rủi ro cao khác.

Đúng là chính sách của nhà nước Mỹ cho đến vừa qua là tạo mọi cơ hội để các nhà đầu tư mang tính rủi ro cao làm giầu nhanh chóng mà không cần có một hệ thống kiểm tra nào cả, và khi chúng gặp thất bại thì bắt toàn bộ xã hội chia sẻ. Đây mới là chính sách xã hội hoá “thất bại của tư sản” theo đúng nghĩa của từ này. Dân chúng Mỹ chỉ có thể hiểu được sự cần thiết của hành động xã hội hoá này nếu như hệ thống tài chính có khả năng lớn bị sụp đổ. Nhưng chính vì tự hỏi như thế, câu hỏi mà nhiều nguời, trong đó có tôi, cũng phải đối mặt là: vậy thì khả năng chi trả của hệ thống ngân hàng hiện nay như thế nào?

Chính vì sự lo sợ trên mà thị trường chứng khoán rớt giá mạnh thêm, gần 450 điểm chiều hôm 17/9. Khả năng chi trả của chính các ngân hàng Mỹ hiện nay đang bị đặt thành vấn đề. Đây mới là vấn đề lớn. Các công ty tài chính so với hệ thống ngân hàng thương mại, dù là nói quá một tý, chỉ giống như mảnh băng cứu thương dán trên lưng con voi. Thông tin hiện nay về tình hình tài chính ở Mỹ và trên thế giới liên quan đến ai nắm chứng khoán rác bao nhiêu rất mù mờ, và giá trị của chúng cũng không rõ. Mọi người do đó phải tìm chỗ trú an toàn. Họ rút tiền ra khỏi các loại quỹ đầu tư gián tiếp. Chỉ trong ngày thứ hai vừa rồi, đã có 11 tỉ rút ra các quĩ đầu tư tài chính (7 tỉ là ở Mỹ và 4 tỉ ở các nước khác). Số rút vẫn còn ít, nhưng đây có thể là dấu hiệu cho cuộc tháo chạy lớn hơn.

Tất nhiên tác giả không tin rằng thị trường tài chính sẽ sụp đổ vì, không như đại khủng hoảng năm 1930, chính phủ Mỹ và chính phủ các nước bắt buộc phải can thiệp với bất cứ giá nào. Nhưng như thế thì với số nợ chồng chất của nhà nước, thuế không thể không tăng, lạm phát cũng vẫn có khả năng tăng, tốc độ phát triển kinh tế những năm tới khó lòng khả quan.


17.9.2008

Vũ Quang Việt

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss