Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Khủng hoảng tài chính thế giới ?

Khủng hoảng tài chính thế giới ?

- Vũ Quang Việt — published 12/08/2007 18:29, cập nhật lần cuối 12/08/2007 21:14


Khủng hoảng tài chính thế giới ?


Vũ Quang Việt


Khủng hoảng thì chưa nhưng giới tài chính đang hết sức lo ngại. Ngày thứ năm (9.08.2007), chứng khoán Dow Jones Mỹ xuống gần 400 điểm, khoảng 3 %. Chứng khoán thế giới đồng loạt giảm giá tương tự. Đầu ngày thứ hai chứng khoán xuống thêm gần 200 điểm, rồi đổi chiều khi các Ngân hàng Trung ương quan trọng như Mỹ, châu Âu, Nhật, đồng loạt can thiệp. Tổng số tiền bỏ ra gần 350 tỷ USD để mua chứng khoán của các tập đoàn tài chính môi giới chứng khoán địa ốc nhằm ngăn chặn tâm lý tháo chạy. Việc ổn định giá không thể nằm trong kế hoạch của các Ngân hàng Trung ương vì không ai có thể điều động được giá cả trên thị trường nếu như giá thị trường không còn phản ánh giá trị thật của chúng.


bieudo

Dow Jones trong 5 ngày qua


Đâu là vấn đề ?


Khủng hoảng tài chính hiện nay liên quan đến địa ốc có nguồn gốc từ thời hô hào rất hồ hởi trong giới tài chính về cuộc cách mạng thần kỳ của công nghệ thông tin. Đầu tư vào công nghệ thông tin ồ ạt, nhiều người làm giầu nhanh chóng, chứng khoán của các công ty liên quan đến công nghệ tăng từ 1000 điểm ngày 17/7/1975 lên cao điểm 5132 vào ngày 10/3/2000 và sau đó tụt dù xuống điểm thấp nhất là 1108 ngày 10/102002. Đây là thời điểm khủng hoảng toàn diện của thị trường chứng khoán khi các công ty công nghệ thông tin hàng loạt thất bại. Để đối phó, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ giảm lãi suất, từ trên 6 % năm 2000 xuống còn dưới 2 % năm 2001, chạm 1 % suốt những năm 2002, 2003 cho đến gần cuối 2004. Vào giữa năm 2005 lãi suất vẫn còn ở mức khá thấp, nhưng bắt đầu tăng dần để đối phó với lạm phát. Năm 2006-7 lãi suất tăng trên mức 5 %. Lãi suất tăng đưa đến việc người có lương thấp mất khả năng chi trả tiền vay mua nhà, đồng thời hãm phanh việc giá nhà tăng. Một số nơi ở Mỹ giá nhà đang giảm.

Khi thời chứng khoán lên giá, nhiều người giầu lên, đầu tư vào nhà cửa, giá nhà tăng suốt từ đầu năm 1990 đến nay. Nếu kể từ năm 1980 thì giá nhà nói chung ở Mỹ đã tăng 3 lần, ở miền New England tăng cao nhất, tới 5 lần, thành phố New York tăng 7-8 lần. Cho nên nhiều người vẫn cho là giá nhà sẽ lên mãi mãi, họ không biết là vào năm 1987 giá nhà đã xuống thê thảm.

Khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tìm cách cứu nguy thị trường chứng khoán và kinh tế Mỹ từ năm 2002 thì nó đổ dầu vào lửa cho thị trường địa ốc vì chính sách lãi suất quá thấp. Các công ty tài chính chuyển vào hoạt động môi giới cho vay mua nhà. Vì làm nghề môi giới, càng có khách hàng nhiều lại càng thu nhiều dịch vụ phí, họ đã đẩy mạnh hoạt động cho vay cả những người không rõ khả năng chi trả, tức là những khách hàng dưới chuẩn (sub-prime) đẩy mạnh tâm lý là giá nhà sẽ lên mãi mãi. Hoạt động tài chính nằm ngoài ngân hàng nên không bị đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các quy định nhà nước về tài chính như ngân hàng. Do đó, họ khuyến khích cho vay cả những người không có tiền trả trước và kể cả không cần điều tra lý lịch lương bổng. Cách làm này hoàn toàn khác cách làm cổ điển thông qua ngân hàng.

Với cách làm cổ điển, người muốn mua nhà tới ngân hàng vay. Ngân hàng điều tra và đánh giá về khả năng chi trả hàng tháng của người vay dựa vào lương hiện tại và tương lai. Để cho vay, ngân hàng huy động tiền để dành của khách hàng. Các khoản tiền để dành này được nhà nước Mỹ bảo hiểm ở mức độ nhất định nhằm tránh người ký gửi rút tiền khỏi ngân hàng hàng loạt khi khủng hoảng.

Cách làm mới của các công ty môi giới tài chính vừa qua là cho vay (tất nhiên phải dựa vào việc vay, qua ngân hàng hay các quỹ tài chính loại khác), rồi chia khoản giấy nợ này thành các chứng khoán nhỏ và bán cho người đầu tư. Làm như thế, họ có thể rút nhanh lại khoản vốn cho vay bỏ ra và lại được hưởng lãi suất ở các khoản chứng khoán cao hơn nhiều so với bỏ tiền vào ngân hàng. Người mua chứng khoán trở thành người cho vay. Người vay không biết mình vay ai và người cho vay cũng không còn biết người mình cho vay là ai. Khi mọi chuyện hoạt động bình thường, công ty môi giới sau khi ăn huê hồng môi giới lại tiếp tục hưởng dịch vụ phí là lấy tiền của người đi vay và trả tiền lời cho người có chứng khoán. Các hoạt động này hoàn toàn không bị kiểm soát và cũng không được bảo hiểm.

Tình hình hiện nay là người đi vay mua nhà mất khả năng chi trả, mà lại không bán được nhà vì giá nhà xuống; họ phải bỏ của chạy lấy người. Người có chứng khoán bán tháo đẩy giá xuống theo. Các công ty môi giới đi vay để cho vay không còn khả năng chi trả. Những người bỏ tiền vốn vào các quỹ đầu tư rủi ro cao (nhằm mua chứng khoán nhà cửa) đòi tiền lại đưa đến tình trạng là nhiều quỹ lớn mất khả năng chi trả. Và Ngân hàng Trung ương các nước phải vào cuộc, cứu các quỹ đầu tư.

Tất nhiên câu hỏi có tính đạo đức kinh doanh là tại sao Ngân hàng Trung ương phải cứu nguy các quỹ đầu tư có rủi ro cao khi bản thân họ không muốn bị ràng buộc bởi các quy định tài chính để làm lời lớn cho khách hàng họ.


Tình hình đi về đâu ?


Khó tiên đoán chắc chắn tình hình sẽ đi về đâu nhưng có thể nói là sẽ không tệ lắm vì hoạt động sản xuất trong nền kinh tế vẫn tốt đẹp. Tuy nhiên có thể nói hoạt động kinh tế khó lòng khởi sắc vì người có tiền không dám đầu tư với rủi ro cao như trước và do đó nền kinh tế thiếu tín dụng. Ngân hàng Trung ương Mỹ đang bị đặt vào thế hoặc là tiếp tục tung tiền cứu các quỹ đầu tư rủi ro hoặc là giảm lãi suất để bảo vệ thị trường địa ốc, nhằm tăng khả năng chi trả của người vay không đạt chuẩn. Nhưng giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng đến chính sách chống lạm phát và khả năng thu hút tiền từ nước ngoài để bù đắp thiếu hụt cán cân thanh toán rất lớn hiện nay ở Mỹ. Làm như thế đồng tiền Mỹ sẽ tiếp tục mất giá so với đồng EU. Nhưng nói chung, giá cả nhà đất trên thị trường Mỹ khó tránh khỏi việc tiếp tục giảm giá.


Vũ Quang Việt

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss