Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Lá thư Châu Mĩ Latinh

Lá thư Châu Mĩ Latinh

- Minh Châu — published 30/01/2007 00:08, cập nhật lần cuối 14/03/2007 14:35
Một làn "sóng hồng" đang tràn ngập Châu Mĩ Latinh, từ Chile lên Nicaragua. Diễn Đàn giới thiệu trong số này một bài viết ngắn của Minh Châu, một thân hữu đã sống từ nhiều năm ở khu vực này, và một bản ghi nhớ của anh cách đây 17 năm, khi mặt trận FSLN vừa thất cử ở Nicaragua. Tháng 2.2007, trở lại Nicaragua, anh hứa sẽ viết tiếp.


Cuộc cách mạng thất bại... và được tìm lại ?

Minh Châu

cardenal
Linh mục nhà thơ Ernesto CARDENAL

Nửa đầu của tựa đề là tên cuốn sách mới đây của Ernesto Cardenal, nhà thơ lớn, nguyên thành viên của Mặt trận Sandino Giải phóng Dân tộc, nguyên bộ trưởng Bộ văn hoá Nicaragua trong thập niên 1980, cũng là người sáng lập một cộng đồng tôn giáo trên đảo Solentiname, nằm giữa hồ Nicaragua, một trong những « phòng thí nghiệm » chủ nghĩa xã hội nổi tiếng thời ấy.

Nửa sau tựa đề là của tôi. Tôi vừa bày đặt ra chiều hôm nay, khi ngồi xem truyền hình lễ tấn phong Daniel Ortega, trở lại làm tổng thống Nicaragua sau cuộc thất cử ầm ĩ cách đây 16 năm.

Cuối năm ngoái, trước một loạt thắng lợi của phe tả ở Châu Mĩ La tinh, từ Kirchner ở Argentina đến Lula ở Brasil, từ Michelle Bachelet ở Chile đến Evo Morales ở Bolivia hay cuộc tái cử dứt điểm của Hugo Chavez ở Venezuela, qua thắng cử của Rafael Correa ở Ecuador, cuộc tái nhiệm của Daniel Ortega ở Nicaragua, cũng như sự trỗi dậy của lực lượng du kích trước đây ở Salvador nay đã thành lập đảng đấu tranh chính trị hay việc Lopez Obrador chỉ thua phiếu một chút xíu ở Mexico, ban biên tập Diễn Đàn đã đề nghị tôi viết bài về tình hình Châu Mĩ La tinh, cung cấp cho bạn đọc những thông tin về « làn sóng hồng » đang trào dâng ở châu lục này. Phải nói thật là một mặt, tôi rất muốn giữ quan hệ với tờ báo (cũng xin mở ngoặc, là tôi rất tiếc tờ báo giấy), mặt khác tôi rất lúng túng khi phải đưa ra nhận định về một tình hình vừa quen thuộc vừa lạ lẫm đối với mình.

Quen thuộc, là những ngôn từ hoành tráng về chủ quyền, độc lập đối với đế chế Hoa Kì, về hợp tác Nam-Nam và những liên hoành trong khu vực này để chống trả đế chế, về việc quốc hữu hoá một số lãnh vực chiến lược như năng lượng, ngân hàng (ở Venezuela). Hoặc là những định hướng nhằm bảo hộ các tầng lớp nghèo khó (y tế, giáo dục miễn phí ở Nicaragua) hay sự cần thiết phải có tiếng nói của những người không có tiếng nói (Brasil, Ecuador, Bolivia), phải chấm dứt thời kì « tân-liberal »... Cũng rất quen thuộc đối với tôi là những phân tích tổng quát về chính sách ngoại giao của Washington – người ta thường ví như một cái chăn ngắn ngủn, che đằng đầu thì hở đằng chân, che đằng chân thì hở đằng đầu – về tình trạng xã hội chung ở Nam và Trung Mĩ, có nhiều bất công hơn so với các châu lục khác – 10 % dân số giành lấy từ 40 đến 47 % tài nguyên của khu vực, tỉ số người nghèo có giảm đi, nhưng 20 % người nghèo chỉ nhận được từ 2 đến 4 % tài nguyên.

Điều lạ lẫm là diễn biến tình hình từ hơn 15 năm trở lại đây ở CMLT, không nhất thiết ở trong những hội chứng hiển nhiên nhất như là sự « hoá thân » của một quân nhân chuyên gia đảo chính bỗng nhiên trở thành « rường cột » cho phái tả châu lục như Hugo Chavez, hay là sự tái hồi chấp chính của một nhà lãnh đạo bị nhiều tai tiếng về việc công (trước khi rời chính quyền, đã tự cấp cho mình dinh thự, đất đai...) cũng như việc riêng – trường hợp Nicaragua – mà ở bản thân tiến trình của xã hội các nước ấy, cách đây đúng 15 năm, đã bắt đầu dân chủ hoá. Dường như một quá trình dân chủ hoá như vậy nhất thiết phải đi kèm một sự thay thế, đưa các lực lượng đối lập – ở đây là phái tả – lên cầm quyền, hay trở lại chính quyền. Nhưng phái tả là phái tả nào ? Giữa phái tả Chile, Argentina, Brasil và cánh tả Venezuela, Ecuador, Bolivia có gì chung nhau không ? (Đó là không kể trường hợp Haiti và Nicaragua, rất khó xác định tính chất những lực lượng xã hội đang cầm quyền). Ở Euador và Bolivia, « tả » gì mà khái niệm công dân cộng hoà lại nhuốm màu cộng đồng (bản xứ), mà tính đại diện chính trị không được thể hiện thông qua các chính đảng truyền thống (Ecuador) mà thông qua một tổng thống và dự án bầu Quốc hội lập hiến, và qua những cuộc tranh luận nóng bỏng về đặt ra những cuộc trưng cầu dân ý để bãi chức ?

Muốn trả lời những câu hỏi đó, phải khổ công rất nhiều, mà trước mắt tôi khó làm nổi. Lục lọi trong hồ sơ cũ, tôi tìm lại được một bản ghi chép từ tháng 4.1990, ngay sau cuộc bầu cử ở Nicaragua. Lúc đó tôi khá lạc quan (nhất là trong đoạn cuối) khi nói về khả năng trở lại cầm quyền của Mặt trận Sandino (FSLN), « với điều kiện » là những phần tử cơ hội và hãnh tiến ra khỏi đảng. Ngày hôm nay, người đứng đầu FSLN đã tái cử. Nhưng những người ở lại trong đảng FSLN với ông lại chính là những kẻ mà năm 1990, tôi nghĩ họ phải ra đi thì FSLN mới có cơ thắng lợi. Mỉa mai và/hay sai lầm biết bao !

Và nếu các bạn đồng ý, thì bài sau, tôi xin ghi chép về Nicaragua.

1.2007

MINH CHÂU


SỔ TAY 4.1990

THẤT CỬ, THẮNG LỢI TINH THẦN. 

CÒN THẮNG LỢI CHÍNH TRỊ ?

« Cá sấu nước mặn, cá mập nước ngọt, đảng viên Sandino bỏ phiếu cho UNO » : đó là một vài đặc điểm của Nicaragua, xứ sở của những tương phản, đất nước bị hết thiên tại, ngoại xâm, lại đến những xung đột nội bộ bức hại.

Ngày 25.2.1990, sau cuộc bầu cử được giám sát hết sức kĩ lưỡng (1), Mặt trận Sandino Giải phóng Dân tộc (FSLN), lực lượng đã chiến thắng chế độ độc tài năm 1979 và thắng cử năm 1984, đã thất bại trong các cuộc bầu cử tổng thống, quốc hội và thị xã, thua liên minh các đảng đối lập (UNO) tới 15 điểm. Đây là một bất ngờ lớn vì, ngoại trừ một vài biệt lệ hiếm hoi, dư luận nói chung đều chờ đợi FSLN sẽ thắng cử, dù với một tỉ số sít sao. Những ai đã chứng kiến cuộc mít tinh của FSLN ngày 21.2.1990 để kết thúc cuộc vận động không thể nghi ngờ kết cục thắng lợi của FSLN. Tính theo tỉ lệ dân số, khác nào 3 triệu người Paris xuống đường tràn ngập đại lộ Champs-Elysées... Ấy vậy, không đầy bốn ngày sau khi phất cao ngọn cờ đỏ-đen của Mặt trận, không ít người đã bỏ phiếu cho màu cờ trắng-xanh của UNO.

Khi mọi việc đã an bài, thiếu gì nguyên nhân được nêu ra để lí giải : khủng hoảng kinh tế, ước vọng hoà bình, hi vọng Mĩ chấm dứt cấm vận và nối lại viện trợ, tâm lí bực bội trước giọng điệu đắc thắng trong tuyên truyền tranh cử của FSLN, y hệt một chiến dịch quảng cáo, cử tri dùng lá phiếu để trừng phạt sự quản lí kinh tế của chính phủ, và tâm lí « phù suy, không phù thịnh » của người dân Nicaragua không bao giờ chịu ủng hộ cho phe cầm quyền... (2). Người ta đã viện dẫn kinh tế học, lịch sử và chính trị vĩ mô để « lí giải » sự thất cử. Cũng nên nói thêm là nỗi kinh ngạc « không của riêng ai » : ngay phe thắng cử cũng phải mất mấy tuần lễ mới « hoàn hồn » và mới bắt đầu nghĩ mình là chính quyền mới.

Giờ đây là lúc chuyển giao quyền bính, làm bản tổng kết (tạm thời), không kể những lời vấn kế khôn ngoan, hơi muộn màng nhưng không thiếu hậu ý (Tại sao lại đi tổ chức bầu cử như thế...), có lẽ cũng cần đưa ra một số nhận xét. Nhận xét thứ nhất, và cũng đơn giản nhất, là cuộc bầu cử đã được tổ chức theo đúng thời hạn quy định trong Hiến pháp (6 năm một lần), còn sớm mấy tháng, theo yêu cầu của phe đối lập ; nhận xét thứ hai là nó đã được tổ chức một cách trung thực, trong suốt và gương mẫu. Sự tận tâm của các viên chức cơ quan bầu cử (tại Nicaragua, nó độc lập với ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp) rất đáng được biểu dương vì từ trước tới nay, Nicaragua chưa hề có phổ thông đầu phiếu, và từ năm 1932 chưa hề có bầu cử tự do (cuộc bầu cử năm 1984 là biệt lệ duy nhất). Nhận xét thứ ba : cuộc bầu cử diễn ra trong bầu không khí chiến tranh, từ tháng 10.1989 đến tháng 2.1990 trung bình mỗi ngày có 7 nạn nhân. Tính theo tỉ lệ dân số, thì đối với một nước như nước Pháp, mỗi tháng có 2900 nạn nhân. Vậy mà không có một cuộc biểu tình nào bị cấm đoán, không có sự kiểm duyệt, việc đi lại không bị cấm cản vì « lí do quốc phòng », điều đó càng chứng tỏ cuộc bầu cử là hoàn toàn tự do. Nhận xét thứ tư : đã là bầu cử tự do, thì đương nhiên cho đến cuối ngày bỏ phiếu, không ai chắc chắn được là nó sẽ ngã ngũ ra sao. Trong một nước mà nạn mù chữ còn nặng nề, kĩ thuật thăm dò ý kiến còn non kém, lòng người còn lắm ngại ngùng, thử hỏi làm sao tin tưởng được kết quả các cuộc điều tra ý kiến ? FSLN đã thất cử. And so what ? (Thì đã sao ?). Lịch sử cho thấy thiếu gì những tiền lệ trong đó phe chiến thắng chẳng bao lâu bị ngay cử tri phế truất.

Trên đây là một vài nhận xét nhanh vội. Còn lại dưới đây là một vài câu hỏi và giả định.

Những ai đã theo dõi vận động tranh cử của FSLN và UNO đều nhận thấy rõ tính chuyên nghiệp cao của Mặt trận và tính tự phát của liên minh đối lập. Một bên là một cỗ máy vận hành trơn tru có thể động viên hàng ngàn người, phân công, sắp đặt theo lứa tuổi, giới tính, thành phần xã hội và ngành nghề. Bên kia là những cuộc tập hợp cập rập, những diễn văn tuỳ hứng, nhiều khi đơn giản là một chuỗi khẩu hiệu phải hô, phải hét vì không có loa, cương lĩnh chính trị được thay thế bằng những lời nguyện cầu. Ấy vậy mà khi lại gần, thấy ngay bộ máy kia chỉ lôi kéo được những người, nữ cũng như nam, không một chút hào hứng, thờ ơ, gần như vô cảm trước những bài diễn văn phải nói là hết sức hấp dẫn về mặt trí tuệ. Trong khi ở bên kia, khẩu hiệu nào tung ra cũng được đồng thanh hô vang, những lời nói đùa, lắm khi nhạt như nước ốc, cũng được vỗ tay tán thưởng, cuộc họp nào cũng biến thành một sự thông công / thông cảm tập thể.

Nói như thế không phải là để đưa ra thêm một cách lí giải mới, gán cho cuộc vận động tranh cử một tầm quan trọng quá mức, song rõ ràng là trong cuộc vận động FSLN dường như chỉ nói với những người bất luận thế nào cũng sẽ bỏ phiếu cho mặt trận, trong khi phe đối lập đã biết khơi dậy những ước mơ của tất cả những người khác. Nhắc lại cuộc vận động tranh cử, tôi muốn đặt ra một câu hỏi. Đó là : tại sao FSLN, một phong trào thật sự có tính nhân dân, đã đánh mất mối liên hệ với quần chúng, đến mức không hiểu nổi quần chúng cơ sở của họ khát khao hoà bình (với bất cứ giá nào), nhạy cảm với hối suất đồng đô la hơn là với cuộc đấu tranh tư tưởng ? Xin đơn cử một thí dụ : tháng 9.1989, nhân kỉ niệm ngày thành lập quân đội, quân đội đã tổ chức một cuộc biểu dương lực lượng, bắn đại pháo và súng phòng không bằng đạn thật trên hồ Managua. Nhà cửa chung quanh rung lên như bị động đất. Tháng 2.1990, thay đổi đường lối : « Bỏ phiếu cho FSLN là bỏ phiếu cho hoà bình ». Trong mấy tháng ấy, bao nhiêu phiếu bầu đã chuyển sang bên UNO ?

Phải chăng vì mất liên lạc với quần chúng nên FSLN mới ngạc nhiên trước kết quả phòng phiếu ? Thực ra, thất bại trong một cuộc tranh cử, tự nó không phải là một tai hoạ gì ghê gớm cả. Trong trường hợp của FSLN có thể nói ngược lại là khác. Nhưng nếu quên rằng có vùng 80 % cử tri đã dồn phiếu cho UNO, rằng làn sóng đối lập đã trào dâng khắp nơi (3), thì khác nào thừa nhận rằng những người nói tới « sự suy mạt lịch sử của FSLN » là có lí. Phải chăng phải xem xét lại hệ thống thông tin hai chiều giữa thành viên cơ sở và cấp lãnh đạo ? Nên chăng cái gì cũng đổ tội cho sự « quan liêu hoá » để giải thích rằng khi lên nắm quyền thì đương nhiên Mặt trận không cần biết gì tới nguyện vọng của những người đã ủng hộ mình ? Chẳng hạn, do vị trí thống trị của mình, FSLN dễ có xu hướng quan tâm tới những thoả hiệp nội bộ ở cấp lãnh đạo toàn quốc, hơn là tới những thoả hiệp với các thành phần dân chúng ? Chính vì thế mà ngôn từ tranh cử của FSLN nói với ai chứ không nói với cử tri, trong khi liên minh đối lập lại thể hiện rõ các cuộc tranh luận, những lập trường trái ngược nhau, để tìm ra mẫu số chung đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Một giai thoại nhỏ mà người viết bài này khó quên : trên sân quần vợt, một viên tư lệnh nổi tiếng mỗi sáng vẫn chơi tennis với các đồng chí của mình, còn hai đồng chí bảo vệ, súng đeo thắt lưng, thì sáng sáng làm nhiệm vụ nhặt banh. Hai đồng chí nhặt banh ấy, trong đầu nghĩ gì ? Trong phòng phiếu kín đáo, họ bỏ phiếu cho ai ? Trong chừng mực nào, sự lẫn lộn nhiệm vụ chức quyền đã cắt đứt sự đối thoại xã hội ?

Sự khép kín của các cuộc thảo luận nội bộ trong FSLN còn đặt ra một câu hỏi nữa : tại sao FSLN đã quyết định tổ chức, lần đầu tiên, cuộc bầu cử ở cấp xã/thị xã, vô hình trung là phá hoại vị trí thống soái chính trị của mình ?

Tất nhiên, sự can thiệp của nước ngoài (viện trợ tiền bạc cho phe đối lập, viện trợ vũ khí cho các lực lượng « contra ») là có thật và có nhiều, cần phải được phân tích rạch ròi. Song những vấn đề nêu lên ở trên đây liên quan trước tiên tới mối quan hệ FSLN – dân chúng Nicaragua, để tìm hiểu quá trình đã kiến mối quan hệ ấy đã trở thành xa cách, mờ nhạt.

Nói như vậy rồi, cũng nên nhắc lại rằng FSLN đã biến thất bại trong cuộc tranh cử thành một thắng lợi tinh thần, và với một số điều kiện nhất định, có thể biến nó trở thành thắng lợi chính trị.

Thắng lợi tinh thần thì mọi người đều thừa nhận. Tổ chức những cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên trong lịch sử Nicaragua (đó là không nói trong lịch sử của nhiều nước trên lục địa), FSLN đã an nhiên chấp nhận thất bại của mình cũng như đã làm tất cả để bảo đảm cuộc chuyển giao quyền bính một cách hoà bình. Đặt nền móng dân chủ cho một xã hội còn nguyên vẹn những vết thương sâu nặng, kêu gọi hoà giải khi nước mắt khóc người thân của bao người chưa lau khô, quả không phải là việc dễ dàng. Một thắng lợi tinh thần nữa : nhờ sự giáo dục và ý thức hoá của FSLN, cử tri đã biết và đã có thể phát biểu ý kiến một cách công khai, cho dù kết quả bất lợi cho chính FSLN.

Từ thắng lợi tinh thần ấy, liệu FSLN có thể nào biến thành thắng lợi chính trị trong cuộc tranh cử 1996 tới đây không ? Quién sabe ? Ai mà biết được. Chỉ biết rằng, FSLN nhất thiết phải suy nghĩ lại về mối quan hệ của mình với dân chúng, về những « sai lầm » trong quản lí kinh tế, về những nguy cơ của việc đồng nhất đảng FSLN với Nhà nước, về những hình thức « huy động quần chúng » truyền thống đã quá lỗi thời, về những khẩu hiệu do Ban tư tưởng và tuyên huấn đã tung ra, về những ý kiến chua chát theo kiểu « trình độ ý thức của nhân dân thấp kém », về một mô hình chính trị thích hợp hơn với tình thế. Sandino, lãnh tụ của những con người tự do, rõ ràng là một thiên tài của thời đại ông. Nhưng hô khẩu hiệu « Sandino hôm qua, Sandino hôm nay, Sandino mãi mãi » có giúp ta phác hoạ ra xã hội mới hay không ?

Mặt khác, việc FSLN phải chuyển hoá thành một tổ chức dân sự không phải là một tai ách. Theo ý tôi, mô hình mặt trận không hề là một mô hình toàn trị và tập trung. Những người đối lập luôn luôn có một không gian chính trị quan trọng. Mặt khác, một số lãnh đạo tiếp tục chế độ « thoát li » (làm chính trị chuyên nghiệp), một số khác sẽ tiếp tục hoạt động của mình ở nghị viện. Đa số đảng viên đều có nghề nghiệp, chưa mất tay nghề, và giữ những vị trí trách nhiệm nhờ chuyên môn chứ không phải vì lập trường tư tưởng. Có thể nói họ là những cán bộ đã được tôi luyện, và nếu « nhờ » cuộc khủng hoảng, những phần tử cơ hội sẽ rời bỏ hàng ngũ FSLN, thì quá tốt ! Tóm lại, vận hội của phong trào Sandino là cuộc cách mạng còn trai trẻ, đảng viên còn khá trẻ trung, có thể sống cho lí tưởng (tư tưởng) mà không phải dùng lập trường tư tưởng để kiếm sống. Cố nhiên, trong thời gian qua, họ đã hưởng những đặc quyền. Nhưng họ còn biết phân biệt đặc quyền do chức vụ với đặc quyền cha truyền con nối của tần lớp thống trị. Đối với những ai đã quên điều này, cuộc thất cử là một cuộc bừng tỉnh khá phũ phàng. Nhưng đối với FSLN, đây là cơ may để tìm lại thực tiễn nguyên thuỷ, đồng thời phải đi tìm một tác phong chính trị mới. Đứng trước những đối thủ chia rẽ, chưa quen cầm quyền, lại không có khả năng đề ra một dự phóng cho xã hội, FSLN không ở trong tình trạng trắng tay. Con đường tương lai còn lâu dài và khó khăn. Sức ép bên ngoài và bên trong nhằm thủ tiêu FSLN còn đó và có thể sẽ mạnh hơn. Nhưng một phong trào đã có sức thừa nhận thất bại, đủ sáng suốt để nhìn ra những chỗ yếu của mình, biết tin tưởng ở đảng viên cơ sở và khiêm nhường với nhân dân, một phong trào như vậy có đầy đủ cơ may của mình.

Managua, tháng 4.1990

MINH CHÂU

(1)Tổng cộng có 2 578 quan sát viên quốc tế thuộc đủ các tổ chức quốc gia và quốc tế đã theo dõi cuộc bỏ phiếu của 1,8 triệu cử tri (dân số Nicaragua là 3,6 triệu).

(2)Đó là không kể những “Toynbee dậy non” cho rằng đây là hậu quả sự sụp đổ của bức tưởng Berlin !

(3)Căn cứ vào kết quả 8% số phiếu bầu lúc 21g, đã đoán đúng được kết quả cuối cùng.

cmltSÓNG HỒNG Ở

CHÂU MĨ LATINH

Từ đầu thập niên 1990 đến nay, các cuộc bầu cử dân chủ đã đưa những đảng phái tả hay trung-tả lên cầm quyền ở nhiều nước Châu Mĩ Latinh (màu hồng). Bản đồ này của Tạp chí Manière de voir / Le Monde Diplomatique (số 90, tháng 12.2006 & tháng 1.2007) vẽ vào tháng 11.2006 nên không cập nhật : từ đó đến nay, đã có thêm Nicaragua (Trung Mĩ) và Ecuador (Equateur) chuyển sang màu hồng.

Chú thích :

- Mũi tên : luồng di dân và thuyền nhân

- Màu đỏ sọc đen dọc : Cuba, cộng sản, được Mĩ xếp là "tiền đồn của bạo quyền"

- Màu cam sọc đỏ ngang : Venezuela và Bolivia là hai nước được Washington coi là "đáng quan ngại" hay "thù nghịch".

- Ô vuông đen trắng : có phong trào đấu tranh xã hội mạnh.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss