Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Lebanon hỗn loạn

Lebanon hỗn loạn

- Đỗ Kh. — published 30/05/2007 15:27, cập nhật lần cuối 30/05/2007 15:27
Người đọc Việt nếu thấy nhức óc về những chuyện Đông Chu này chỉ cần nhớ lại giai đoạn 1955 tại miền Nam. Thủ tướng Ngô Đình Diệm mâu thuẫn với Quốc trưởng Bảo Đại, dùng quân đội quốc gia để dẹp cảnh sát Bình Xuyên trong khi Tổng tham mưu trưởng quân lực Nguyễn Văn Hinh không biết làm gì ngoài việc nổ máy xe mô tô phân khối lớn chạy vòng quanh Dinh Gia Long để cho Ngô Chí sĩ mất ngủ.

Tình hình Lebanon

 

Bảy Viễn tại Nahr el Bared

 Đỗ Kh.

 

Ở nước này, đừng bao giờ tin những gì nghe người ta kể lại và nếu thấy tận mắt thì chỉ nên tin có 50 % ” là một câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Lebanon Rafik Hariri lúc sinh thời. Đã đành chính trị chẳng bao giờ đơn giản (may thay, vì khi nào đơn giản thì rất là nguy hiểm), nhưng ít nơi đâu lại phức tạp như ở quốc gia trên. Tuần vừa qua, đụng độ giữa quân đội và một tổ chức quá khích Palestine lại đe doạ đẩy Thuỵ Sĩ của Trung Đông này (nhiều ngân hàng, nhiều núi nhưng ít sô cô la) vào nội chiến mới, sau những tàn phá của xung đột 1975-1990 từng gây thiệt hại theo tỉ lệ về nhân mạng tương đương với 30 năm chiến tranh tại Việt Nam. 

Theo thói qua quýt của các truyền thông quốc tế thì một chính phủ quốc gia và dân cử, chính quyền của Thủ tướng Siniora, phải đối phó với khủng bố Hồi giáo (Al Qaeda hay là đại loại) do lân bang bá quyền và độc tài Syria trợ giúp và xúi dục. Cách nhìn này không có gì bố láo và trên căn bản này, việc tải đạn tức khắc để viện trợ của chính phủ Mỹ (trực tiếp và qua các đồng minh Jordan, United Arab Emirates…) là cần thiết và chính đáng. Chống khủng bố là một nỗ lực quốc tế và toàn cầu, Tripoli là ngoại ô của Ground Zero ở tại Manhattan. 

Nhưng theo thành ngữ Anh thì “ Ác quỷ ở trong chi tiết ”, và Lebanon thì chi tiết rối rắm đến độ một chuyên gia như nhà báo Robert Fisk không buồn phân tích mà đến tận Tripoli chỉ cầm tay các nạn nhân sống sót mà hỏi chuyện vỗ về. Bài viết này (ĐK), tóm tắt và dựa vào những ý chính của Franklin Lamb [1] trên Counterpunch, bạn đọc tiếng Anh có thể tham khảo trực tiếp để khỏi phải qua phần muối mắm. 

Lebanon, 4 triệu dân số, hiện chứa 400 000 người tị nạn Palestine trong 12 trại tỵ nạn chính thức. Các trại này, theo hiệp ước Cairo (1969), có quy chế tự trị và nằm ngoài kiểm soát của chính quyền địa phương. Người Palestine sống chui rúc trong các trại này không có quyền nhập tịch nước sở tại, nhưng trong khi đợi ngày trở về cố quận đã và đang đóng góp không ít vào kinh tế của Lebanon, bằng lao động cần thiết ở cấp thấp nhất nhưng cũng đóng góp về mặt tài chánh, tiền kiều hối (của người Palestine lao động vùng Vịnh giúp đỡ gia đình tị nạn ở Lebanon) và quỹ yểm trợ PLO, các tổ chức kháng chiến… chí ít là đã giúp các ngân hàng Lebanon dựng lên bảng hiệu. Tripoli, tại miền bắc, là một khu vực khó khăn, và 40 000 người tị nạn Palestine ở đây tại trại Nahr el Bared (Giòng Sông Lạnh) hẳn còn khó khăn hơn ở những nơi khác. 

Nếu nội chiến trước là mâu thuẫn giữa Ki tô giáo và Hồi giáo (với các lực lượng Palestine đứng về phe thứ hai) thì tranh chấp hiện nay giữa Hồi giáo hệ phái Sunni và Shia, một hậu quả của chiến tranh và phân hoá tại Iraq. Dân số Lebanon 1/3 là Ki tô, 1/3 là Sunni, 1/3 là Shia, ngoài một thiểu số người Druze. Hiện nay, về phe thân chính là đại đa số thành phần Sunni (80%?), 30% của thành phần Ki tô và 99% người Druze. Phe đối lập gồm 99 hay là 98 % người Shia, và các thành phần Ki tô, Sunni còn lại. Tóm tắt, nếu có bầu cử sớm như đối lập đòi hỏi, thì chính quyền sẽ về tay đối lập, một liên minh do người Shia và tổ chức Hezbollah cầm đầu. Chính quyền hiện nay không dựa vào đa số của dân chúng mà vào sự ủng hộ của Tây phưong, dẫn đầu là Hoa Kỳ, và các chế độ bảo thủ Sunni Ả rạp, dẫn đầu là Saudi. Về mặt quốc tế, đối lập có hậu thuẫn của Iran (theo hệ phái Shia) và Syria là một chế độ như mọi chế độ can thiệp bá quyền và độc tài, lúc thế này thế kia tùy theo hoàn cảnh chẳng có nguyên tắc gì ráo trọi (trong nội chiến trước, Syria từng giúp rồi chống phe Ki tô, giúp rồi chống phe Palestine, chống rồi giúp phe Hồi giáo). 

Trước ảnh hưởng của Hezbollah lớn mạnh sau cuộc tảo thanh thất bại của Israel vào mùa hè năm trước, chính quyền Siniora (tức là cậu Saeed Hariri thừa kế nghiệp cha) tìm cách gây dựng một lực lượng nội an độc lập dựa vào thành phần Sunni. Quân đội quốc gia, theo định nghĩa, gồm đủ mọi thành phần tôn giáo, ở cấp lãnh đạo lại phần lớn là Ki tô đối lập. Chủ tịch nước Lahoud và lãnh tụ Ki tô đối lập Aoun đều là cựu tướng lãnh (ở đây phải nói thêm Chủ tịch nước đối lập với chính quyền của Thủ tướng Siniora). Vì vậy, quân đội không thuộc khối chính quyền tuy là biểu tượng thống nhất của quốc gia. Ở cấp chỉ huy, quân đội này chịu ít nhiều ảnh hưởng của đối lập nhưng nếu có nội chiến, sẽ tan rã mỗi người một ngả và một phe trong 24 tiếng đồng hồ. Viện trợ quân sự và trang bị được chính quyền dùng để củng cố lực lượng nội an thiên về phe Sunni. 

Bên trong, theo thói vung tiền để gây ảnh hưởng của Saudi, Hariri ngấm ngầm võ trang các phần tử Palestine quá khích tại các trại tỵ nạn (người Palestine đại đa số là Sunni và một thiểu số Ki tô). Phong trào Fatah al Islam là một tổ chức nhiều người Hồi giáo nước ngoài cầm súng, theo tiền lệ của các “chiến sĩ tự do” tại Afghanistan vào thời Hoa Kỳ dùng họ để chống Cộng Sản vô thần. Mấy trăm tay súng này được trả lương 700 USD một tháng, đóng trong trại tự trị và hổ lốn này ngoài sự dòm ngó. Các phong trào Palestine, bao nhiêu thì cũng không ai đếm được và không ai có thể kiểm soát, ngay tại Gaza còn mỗi ngày chí choé choảng nhau. 

Đến khi phóng viên Seymour Hersh (người từng phát hiện vụ Mỹ Lai) điều tra đến gần, nhóm Hariri - Hoa Kỳ sợ động rừng mới bèn ngưng trợ cấp cho Fatah al Islam. Các bạn này mất lương thì tất nhiên bất mãn, tiện súng thì đánh cướp một ngân hàng (do Hariri kiểm soát). Chỗ trú ngoài phố, nơi liên lạc của tổ chức cũng là một căn hộ cũng của Hariri (nhưng ở Lebanon, hộ nào mà chẳng của gia đình này). Để trả thù việc đòi lương thất bại, họ hạ sát trên đường một số quân nhân thuộc quân đội quốc gia, đang bát phố mặc quân phục và không có vũ trang. Fatah al Islam không tấn công các lực lượng nội an vì dù sao cũng còn tình nghĩa với các vị này (thuộc phe Hariri) và liên hệ trước đây. Quân đội, như đã nói, là thành phần trung lập hay là đối lập, đằng nào thì chính quyền Siniora cũng không trông cậy vào được đến khi cần. 

Quân đội đã bị đụng đến thì trả đũa, nhưng khi Thủ tướng ra lệnh tiến vào trại thì viện hiệp ước Cairo để khước từ. Đây là tổ chức duy nhất của quốc gia nhưng dễ bị xao xuyến, và thành phần Ki tô đối lập (tướng Aoun) vẫn muốn duy trì. Như vậy, sự việc rõ hơn một chút, là chính quyền Siniora muốn dùng quân đội quốc gia nằm ít nhiều ngoài ảnh hưởng của ông, một đứa con ghẻ, để loại Fatah al Islam, một đầy tớ ông không còn muốn nuôi (lại phải nói, Siniora chỉ là một ông chú tạm thay mặt cho cậu Hariri còn trẻ). Tuy nhiên, ông vẫn có danh nghĩa là dẹp giặc trong nhà để ra đường khóc lóc với quốc tế, nhận viện trợ quân sự hẳn để là mang cho đứa con đẻ là lực lượng nội an. 

Đây giải thích vì sao trong chuyện này Hezbollah lại ủng hộ quân đội, tại sao quân đội lại ngần ngại cũng như tại sao ông Thủ tướng mau nước mắt và nhu mì này lại cỡi ngựa vung gươm chủ quyền quốc gia bị 300 khủng bố đe doạ. Khi vào năm ngoái, chủ quyền và lãnh thổ quốc gia bị 30.000 quân Israel xâm phạm, chính quyền Siniora đã ghìm quân đội lại bên này sông Litani, viện lẽ là sẽ tan tành khi đụng độ Israel. Thực sự là dù có thất bại về mặt quân sự, nếu đã đương đầu với Israel thì quân đội đã củng cố được tinh thần quốc gia chứ không phải là tan rã. Quân đội này chỉ tan rã trong nội chiến theo những đường ranh phân hoá tôn giáo và chính trị chứ đánh giặc ngoài thì chỉ có thể nhất trí và đoàn kết và trở thành một sức mạnh đáng ngại. 

Người đọc Việt nếu thấy nhức óc về những chuyện Đông Chu này chỉ cần nhớ lại giai đoạn 1955 tại miền Nam. Thủ tướng Ngô Đình Diệm mâu thuẫn với Quốc trưởng Bảo Đại, dùng quân đội quốc gia để dẹp cảnh sát Bình Xuyên trong khi Tổng tham mưu trưởng quân lực Nguyễn Văn Hinh không biết làm gì ngoài việc nổ máy xe mô tô phân khối lớn chạy vòng quanh Dinh Gia Long để cho Ngô Chí sĩ mất ngủ. 

Đỗ Kh.



 
 

[1] Franklin Lamb là luật gia, nguyên cố vấn phụ tá của Ủy ban Tư pháp Quốc hội Hoa Kỳ. Ông là tác giả quyển The Price We Pay : A Quarter Century of Israel's use of American Weapon's against Lebanon (1978-2006) và cộng tác viên của tổ chức If Americans Knew.

  

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss