Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / M. Audin est-il là ?

M. Audin est-il là ?

- Nguyễn Ngọc Giao — published 27/09/2018 00:20, cập nhật lần cuối 29/09/2018 23:11
Maurice Audin, nhà toán học 25 tuổi, bị tra tấn và giết chết ở Alger năm 1957. Sáu mươi mốt năm sau, chính quyền Pháp mới thừa nhận trách nhiệm.


M. Audin est-il là ?


Nguyễn Ngọc Giao



« Ông Audin có đó không ? », chủ tịch Ban giám khảo cất tiếng hỏi. Đó là giáo sư Jean Favard.  Ngồi bên cạnh ông là hai nhà toán học đồng nghiệp : Laurent Schwartz (giải Fields 1950) và Jacques Dixmier.

Giảng đường im phăng phắc. Tuy đông nghẹt người, ngồi kín 350 chỗ. Đó là giảng đường của khoa sinh học, mà văn phòng Đại học khoa học Paris đã quyết định sử dụng cho buổi bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học sáng ngày thứ hai 2-12-1957, thay thế Salle des thèses chỉ có 60 chỗ. Sự im lặng lan ra cả ngoài hành lang dài rộng, nơi hơn 500 người khác đứng chen chúc, không có chỗ vào dự.

« Không. Vậy thì, theo đúng chỉ thị của Khoa trưởng Pérès, cuộc bảo vệ luận án sẽ tiến hành. Tôi trao lời cho ông René de Possel, người đã hướng dẫn công trình nghiên cứu của Maurice Audin ».

Buổi bảo vệ luận án ấy, trong số gần một ngàn người tham dự, có lẽ – theo lời L. Schwartz – chỉ khoảng hai mươi nhà toán học có thể theo dõi và thấu hiểu bài trình bày và những sơ đồ, đẳng thức viết trên bảng đen của giáo sư De Possel, giới thiệu hai công trình « Những phép biến đổi tuyến tính trong không gian vectơ », và « Những chu trình giới hạn trong các hệ vi phân » của thí sinh vắng mặt.


Những người khác là ai ? Đằng sau bà Josette Audin, người vợ trẻ của Maurice Audin, cha mẹ bà ngồi hàng ghế đầu, là những nhà khoa học, trí thức, nhân sĩ… : François Mauriac (nhà văn, viện sĩ Hàn lâm Pháp), Edouard Depreux (lãnh tụ đảng xã hội SFIO), Marcel Prenant (nhà sinh vật học, cộng sản, bị đưa ra khỏi Trung ương ĐCS mấy năm trước đó vì bảo vệ thuyết tiến hoá của Darwin chống lại lang băm Lyssenko), Jacques Hadamard (Viện hàn lâm khoa học), André Lichnerowicz (giáo sư Collège de France)… và đông đảo đại diện các công đoàn giáo giới, Liên hiệp Sinh viên Pháp UNEF…

Thí sinh vắng mặt là một nhà toán học 25 tuổi, trợ giáo trường Đại học Alger, đảng viên Đảng cộng sản Algérie, ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập do Mặt trận giải phóng dân tộc FNL (không cộng sản) khởi xướng vào tháng 11.1954, nửa năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Maurice Audin xuất thân từ một gia đình thanh bần, mẹ ông thuộc một gia đình nông dân da trắng ở Mitidja, cha thuộc một gia đình công nhân Lyon, làm « sen đầm » (gendarme) ở Tunis, rồi Alger. Thuở nhỏ, Maurice học trường thiếu sinh quân (cha là quân nhân), nhưng không chọn nghiệp sĩ quan, quyết định học toán ở đại học.

Đầu năm 1957, chính phủ Guy Mollet (vốn là người « cánh tả » của đảng xã hội SFIO) trước áp lực của phe hữu và giới thực dân, đã chọn giải pháp đánh tới cùng để giữ « Algérie thuộc Pháp », đặt Alger dưới chế độ quân quản. « Trận đánh Alger » bắt đầu, nghĩa là đàn áp, bắt bớ, tra tấn, thủ tiêu đại trà. Ngày 11 tháng 6, một đơn vị nhảy dù đột nhập vào nhà Audin, bắt Maurice, giam lỏng bà Josette và ba đứa con nhỏ. Đầu tháng 7, quân đội Pháp ra thông cáo, nói buổi tối ngày 21.6, khi được đưa lên xe jeep chuyển nơi giam cầm, Maurice Audin đã « tẩu thoát và biệt tích ». Nhưng cuộc điều tra độc lập (đặc biệt của nhà sử học Pierre Vidal-Naquet) cho biết chắc chắn là Audin đã bị tra tấn đến chết, như nhiều chiến sĩ Algérie. Nhưng M. Audin là người Pháp, thuộc giới đại học, nên người ta đã quyết định đánh lạc hướng dư luận bằng cách nguỵ tạo ra một cuộc « vượt ngục ».

Giới đại học Pháp, đặc biệt là giới toán học, đã phản ứng nhanh chóng và kiên quyết. Cuộc « bảo vệ luận án » ngày 2.12.1957 ở Sorbonne, do sáng kiến của hai nhà toán học De Possel và Schwartz, được sự tán thành của khoa trưởng Pérès và sự ủng hộ của giới trí thức Pháp, là một thí dụ tiêu biểu. Từ đó, trong suốt 61 năm trường, Josette Audin và các con, các thành viên của Uỷ ban Audin đã kiên trì đòi công lý và sự thật. Những quảng trường, đường phố, khu phố, trường học… được mang tên Maurice Audin ở Paris, Rennes, Alger, Oran…


Ạger   place

Trái : Chân dung Maurice Audin, vẽ trên tường ở khu phố Ạlger mang tên ông
Phải : Place Maurice-Audin, khu Saint-Victor, quận 5 Paris


Nhưng các chính quyền Pháp nối tiếp nhau, từ De Gaulle đến Sarkozy đã giữ im lặng, thậm chí không trả lời những bức thư của bà Audin. Theo Laurent Schwartz, tướng De Gaulle đã từng nói riêng là phải trừng trị những sĩ quan can dự vào cái chết của ông Audin, nhưng bọn này (từ trung uý Charbonnier tới các tướng Massu, Aussaresses…) không hề bị truy tố, mà ngược lại, vẫn thăng quan tiến chức, huân chương đầy ngực. các toà án Alger, Rennes… đều bác bỏ đơn kiện của bà Josette Audin và « khép hồ sơ Maurice Audin » năm 1966. Sau lời thú nhận trước khi chết của tướng Aussaresses (nhận đã ra lệnh giết M. Audin), năm 2001, bà Josette Audin khởi kiện « giam cầm và tội ác chống nhân loại » : năm 2002, toà án Paris tuyên bố « miễn tố ».

Mãi đến tháng sáu 2014, tổng thống François Hollande mới, nhân danh Nhà nước Pháp, công khai thừa nhận « Maurice Audin không hề vượt ngục và đã chết trong lúc bị giam giữ ». Và ngày 13-9-2018, người kế nhiệm, ông Emmanuel Macron đã chính thức thừa nhận trách nhiệm của Nhà nước Pháp trong cái chết của nhà toán học.


Vĩ thanh


Trên đây, tôi cố gắng tóm gọn « vụ án Maurice Audin » để bạn đọc ở ngoài nước Pháp dễ theo dõi. Độc giả thạo tiếng Pháp có thể tham khảo bài viết rất hay của nhà toán học Laurent Schwartz nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày « bảo vệ luận án » mà Diễn Đàn đăng lại dưới đây.

Để hiểu rõ bối cảnh « vụ Audin » trong cuộc chiến tranh Algérie, hai cuốn sách nên đọc :

-    Henri ALLEG, La Question, Ed. de Minuit, tái bản 2008 (nhà báo Henri Alleg bị bắt vài ngày sau khi ông tới thăm nhà Maurice Audin, đã gặp Audin trong nhà tù, và cũng đã bị tra tấn dã man. Cuốn sách của ông đã bị cấm ngay khi xuất bản, nhưng đã được phát hành dưới nhiều phương thức).

-    Pierre Vidal-Naquet, L'Affaire Audin, Paris, Éditions de Minuit, 1958.

Nói tới Maurice Audin, tôi xin phép được gợi lại một vài hổi ức cá nhân, vì cuộc đời sinh viên ở Pháp trong thế hệ chúng tôi gắn liền với cuộc chiến tranh Algérie.

Tôi sang Pháp tháng 10 năm 1958, một năm sau khi Maurice Audin bị giết. Đi từ Sài Gòn, tất nhiên tôi chẳng biết gì về tình hình Algérie, tuy trước đó, tập tạnh đọc tuần báo châm biếm Le Canard Enchainé mua ở nhà sách Portail, đường Tự Do, cũng biết loáng thoáng cuộc chiến tranh này, ngoài tính chất thực dân, có mùi dầu mỏ và khí đốt. Người Algérie đầu tiên mà tôi được quen là anh bạn Tahar, cùng học nội trú lớp Math. Sup. ở trường Henri IV. Cái dốt của tôi lòi ra ngay khi gọi Tahar là người A-rap, anh ta cải chính ngay : « Tao là người Kabyle » (Kabyle là một dân tộc ở Algérie, khác dân tộc A-rap). Bận học và dốt nát chính trị, tôi không trò chuyện gì nhiều với Tahar, nhưng phải nói ba tiếng « Điện Biên Phủ », ngay từ đầu, đã tạo ra mối đồng cảm giữa chúng tôi. Hai năm sau, vì bệnh lao, tôi chuyển từ lớp « dự bị thi vào trường lớn » ra học đại học , may mắn được học Laurent Schwartz (chứng chỉ Phương pháp toán học trong vật lý MMP, làm quen với thuyết « phân bố » đã mang lại giải Fields cho ông), và ở nhà hậu dưỡng đường (post-cure, dành cho sinh viên vừa khỏi bệnh lao) phố Quatrefages, gần nhà thờ Hồi giáo quận 5 Paris. Chiến tranh Algérie có mặt ở trường, hiện diện ngay cả nhà ở. Laurent Schwartz chủ xướng Uỷ ban Audin, tham gia tuyên ngôn « 121 » (của các nhân sĩ, trí thức Pháp, tuyên bố ủng hộ kháng chiến Algérie), nhà của ông bà ở phố Pierre Nicole bị bọn cực hữu đặt bom nổ. Không khí giảng đường nhiều khi rất vui, không phải chỉ vì Schwartz giảng rất hay (thậm chí quá hay, vì nghe tưởng là quá dễ), mà vì những phút đồng cảm giữa thầy trò. Một lần chứng minh một định lý, để « chặn » một tống số a + b + c bằng một lượng ε lớn bé tuỳ thích, người ta chỉ cần làm cho giá trị tuyệt đối của ba lượng a, b, c nhỏ hơn ε/3, trong toán gọi là « cắt ε làm ba », Schwartz đứng trước bảng, quay lại hỏi giảng đường : « Bây giờ phải cắt ε làm mấy ? ». Cả giảng đường đồng thanh : « Cắt ε làm 121 ! », và cả thầy trò cười ồ. Đó là chuyện ở trường. Còn ở nhà, thì trong số khoảng 40 sinh viên thường trú, có khoảng 10 người là dân « chân đen » (Pieds-Noirs, chỉ những người gốc Pháp-Âu sinh đẻ ở Bắc Phi). Trừ một hai trường hợp biệt lệ, các bạn « chân đen » đều chống Algérie độc lập, còn những người khác, Pháp hay ngoại quốc, đa số đều ủng hộ mặt trận FNL. Tôi nhớ một chiều thứ bảy, có cuộc biểu tình chống chiến tranh Algérie ngay trên đại lộ St-Germain, đi xuyên qua khu Latinh từ tây sang đông. Tất nhiên, cũng có « phản biểu tình » đòi giữ « Algérie thuộc Pháp », cả hai đều bị cảnh sát đàn áp, giải tán bằng dùi cui. « Cả nhà » Quatrefages của chúng tôi đều đi biểu tình, số đông đòi Pháp trả độc lập, số nhỏ chống lại. Chỉ có một cậu trẻ, « không làm chính trị », nên không tham gia biểu tình, mà đi mua giầy ở góc đại lộ St-Germain và đại lộ St-Michel. Bữa ăn tối, chúng tôi về nhà đông đủ. Ai nấy  trở về nguyên vẹn, tuy cũng có lúc phải chạy khá mệt. Duy chỉ có anh bạn trẻ ở tiệm giày André ra, bị dùi cui chảy máu đầu và mất một chiếc giày mới mua ! Đó là bài học chính trị đầu đời của tôi : phải dấn thân, phải chọn lựa.

Tháng 3-1962, chiến tranh chấm dứt với Hiệp định Evian. Algérie độc lập. Mùa hè 1962, Liên hiệp sinh viên Pháp tổ chức những « công trường hoà bình » ở Algérie, kêu gọi sinh viên sang giúp nhân dân Algérie tái thiết. Tôi hăng hái lên « toà đại sứ Việt Nam cộng hoà » ở đại lộ Villiers (quận 17), xin visa đi Algérie (hộ chiếu chúng tôi, chính quyền chỉ cho « có giá trị ở Pháp », đi đâu phải xin thêm visa). Ông tham tán (Trần Thuyên) nhìn tôi có vẻ thương hại một thằng bé ngây thơ. Ông giải thích « chúng ta không có quan hệ với Algérie ». Thấy tôi hơi ngạc nhiên (VNCH của Ngô Tổng Thống vốn « bài phong, đả thực, chống cộng » kia mà), ông giảng thêm : trong cuộc chiến tranh vừa qua, chỉ có miền Bắc ủng hộ FLN thôi ! Đó là bài học chính trị thứ hai mà tôi được học. Mấy tháng sau, cũng chính ông tham tán này chìa tấm séc (học bổng ba tháng) trước mặt tôi và nói : « Séc đây, anh chỉ phải đi qua đường, sang ngân hàng BNP là lĩnh học bổng. Quốc gia không cắt cầu. Anh phải chọn lựa cắt cầu hay không với quốc gia ». Buổi chiều, trở về cư xá đại học (Nhà Đông Dương, nay là Nhà Đông Nam Á), tôi bắt gặp những bóng người đi dẹp một bên hành lang, ánh mắt lảng tránh : như vậy là thông tin tôi « bị cắt học bổng quốc gia » đã lan truyền nhanh chóng từ quận 17 (đại sứ quán VNCH) về quận 14 (đại học xá). Cắt học bổng hay cắt chuyển ngân là vũ khí gần như duy nhất (ngoài mấy tay chỉ điểm) của chính quyền Ngô Đình Diệm và những chính quyền tiếp theo để ngăn đe và trấn áp sinh viên du học – một đôi lần (ở Pháp rồi sang đầu thập niên 70 ở Tây Đức) họ dùng biện pháp mạnh hơn là xử án vắng mặt ở Sài Gòn, nhưng biện pháp này phản tác dụng. Ngược lại, sợ bị cắt chuyển ngân có tác động ngăn đe khá hiệu quả. Có bạn nửa thắc mắc, nửa trách móc tôi : « Tai sao cậu ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản như thế ? ». Tôi đành cười mà giải thích : « Ăn cơm quốc gia chứ dại gì mà ăn cơm cộng sản, còn thờ ma quốc gia thì chán chết ! ».

Ý thức chính trị của tôi bắt đầu với cuộc kháng chiến của nhân dân Algérie. Cuộc nổi dậy của dân tộc này bắt đầu từ năm 1945. Cuộc biểu tình ngày 8 tháng 5-1945, vào đúng ngày nước Pháp và các nước đồng minh mừng giải phóng và chiến thắng phát xít (với sự tham gia của khá nhiều binh lính Algérie trong quân đội kháng chiến Pháp) đã bị chính quân đội Pháp dìm trong biển máu. Nhưng phải đợi chín năm sau, sáu tháng sau Điện Biên Phủ, mặt trận FNL mới bắt đầu cuộc khởi nghĩa vũ trang. Phía quân đội Pháp, những tướng tá từ Đông Dương chuyển về Algérie, uất ức không chịu thua « Việt Minh », nên kiên quyết tìm ra chiến lược « chống nổi dậy », nghĩa là khủng bố, tra tấn, thủ tiêu người kháng chiến, giam cầm thường dân trong những trại tập trung. Họ áp dụng triệt để hơn những biện pháp đã sử dụng ở Việt Nam (một ví dụ điển hình : « à la gégène » là cách tra tấn bằng điện, đã được sư đoàn Leclerc áp dụng ở Nam Bộ ngay từ năm 1946, chữ « gégène » đã ra đời ở Việt Nam trước khi phổ biến ở Algérie, và áp dụng cho cả người Algérie lẫn những người Âu như Henri Alleg, Maurice Audin). Chiến lược ấy mang lại một số thành quả ban đầu, gây ấn tượng ở cả Washington. Họ – trong đó có tướng Aussaresses nói ở trên – được Lầu Năm Góc mời sang Argentina, Brasil… làm cố vấn.

Paris –Nimes, 24-26.9.2018

Nguyễn Ngọc Giao


Tài liệu tham khảo :

- M. Maurice Audin obtient le doctorat es-sciences, Le Monde 3 décembre 1957.

- Wikipédia : Maurice Audin

Thèse de Maurice Audin

- Laurent Schwartz : Commémoration de la thèse de Maurice Audin, assassiné pendant la guerre d'Algérie, Gazette des Mathématiques, SMF, 1998 (xem toàn văn ở dưới)


Attachments

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss