Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Macron, ứng cử viên lý tưởng

Macron, ứng cử viên lý tưởng

- Phan Huy Đường — published 08/03/2017 23:48, cập nhật lần cuối 08/03/2017 23:48

Chính trị nước Pháp


Macron, ứng cử viên lý tưởng

https://fr.wikipedia.org/wiki/Emmanuel_Macron


Phan Huy Đường



Như ông Trump ở Mỹ, tại Pháp ngày nay, ông Macron là một ứng cử viên tổng thống lý tưởng đối với chị… tư-bản-tài-chính ! Vì sao ? 

Vì ông không có thực lực chính trị. Thực lực chính trị hiểu trong nghĩa này : 

‒ Một ý-thức-hệ được đông đảo quần chúng chia sẻ, dù ở mức mù mờ.

Ý-thức-hệ = hệ thống tư tưởng tương đối "hoàn chỉnh", có một số giá trị làm nền tảng cho một nền văn minh, có một phương pháp suy luận hướng dẫn cách tiếp cận, phân tích, hành động vào hiện thực để khiến nó thay đổi theo chiều thuận với những giá trị trên.

‒ Một đường lối chính trị đích thực = nhiều chương trình hành động ngắn hạn tương đối đồng nhất, trước mắt tuỳ thuộc bối cảnh hành động nhưng vẫn gắn liền với mục tiêu xa hơn : thực hiện những giá trị nêu trên.

‒ Một tổ chức chính trị chân chính, chặt chẽ, mạnh mẽ, bám gốc vào quần chúng rộng rãi để sáng tạo đường lối chính trị từng thời kỳ, thúc đẩy và kiểm soát sự thực hiện chương trình chính trị đó của những vị được cất nhắc lên những cương vị lãnh đạo.

Ông Macron tự tuyên bố mình "không hữu và không tả", "vừa hữu và vừa tả", thật "hữu lý", thú vị !

Ông Macron không có, không thể có thực lực chính trị. Dễ hiểu : 

‒ Ông xuất thân từ hai lò đào tạo trứ danh của nhiều chính trị gia chóp bu ở PhuLăngXa, tả cũng như hữu : ENA (Trường Quốc Gia Hành Chính)Science-po (Viện Nghiên Cứu Chính Trị, Paris). Bất kể tình cảm riêng tư, kiến thức và phương pháp suy luận của ông trong lĩnh vực kinh tế – xã hội, cơ bản y hệt những vị xuất thân từ hai lò đào tạo ấy. Giá trị "sử dụng" của hai lò đào tạo ấy trong lĩnh vực khoa học nhân văn (đặc biệt chính trị học, kinh tế học và xã hội học) bàn dân đã thưởng thức dài dài trong 30 năm qua. Kinh tế : chưa vị nào đã dự đoán được những cuộc khủng hoảng kinh tế khủng khiếp ngay trước mũi. Khi chúng xảy ra, các vị gourou kinh tế im hơi, lặng tiếng, chờ cơn giông tố qua đi, rồi lại thản nhiên lên sân khấu media ung dung giảng bài… Xã hội : chẳng vị nào tưởng tượng trước được Trump sẽ thắng cử ở Mỹ. Chính trị : tất cả những màn kịch đầy hỉ nộ ái ố dẫn tới món nộm sứa hôm nay.

‒ Nghề nghiệp chính : thanh tra nhà nước trong lĩnh vực… tài chính, "chủ" ngân hàng kinh doanh (banquier d'affaire) cho tỷ phú tài chính Rothschild. Ông cũng trở thành triệu phú nhờ vai trò quản lý và điều khiển một vụ kinh doanh tài chính 9 tỷ € cho hãng Nestlé. Cơ bản ông hành nghề và lập nghiệp trong lĩnh vực tài chính.

‒ Ông chưa hề thắng cử trong bất cứ cuộc bầu cử nào, ngay ở mức thấp nhất, mức mà ứng cử viên phải có quan hệ gần gũi với quần chúng trong môi trường sống hàng ngày của họ và tranh thủ được sự tín nhiệm của họ. Chính ông đã từng tuyên bố : dấn thân chính trị qua những cuộc bầu cử truyền thống, từ dưới lên trên là một hành trình lỗi thời. Thế thì phải biết từ một con số 0 chính trị nhảy vút lên quyền lực tối cao mới là anh tài ? Trong thời đại chính trường biến thành sân khấu, rất có thể ông làm được.

Sự nghiệp chính trị của ông "lớn" lên trong bóng lưng tổng thống Hollande. Năm 2006, người giới thiệu ông cho tổng thống Hollande là một nhân vật khá có tiếng trong chính trường nhỏ nhoi (microcosme politique) PhuLăngXa, ông Jean-Pierre Jouyet : 

(https://fr.wikipedia.org/wiki/Jean-Pierre_Jouyet).

Ông Jean-Pierre Jouyet xuất thân cùng lò, hành cùng nghề với Macron, có đặc điểm lý thú này : sau khi làm thứ trưởng cho tổng thống Sarkozy (hữu), ông trở thành tổng thư ký văn phòng tổng thống của tổng thống Hollande (tả). Hè hè.

Ông Hollande lần lượt cất nhắc ông Macron làm phó tổng thư ký văn phòng tổng thống rồi bộ trưởng Tài Chính, Công Nghiệp và Công Nghệ Tin Học. Trong hai năm làm bộ trưởng, ông Macron chẳng làm được gì đáng kể. "Thành công" nổi tiếng nhất của ông là đạo luật cho phép tự do khai thác những đường dây chuyên chở khách hành bằng autocar, còn gọi là autocars-Macron. Thành quả : ngang tầm vóc Macron ? 

http://www.lefigaro.fr/societes/2016/10/06/20005-20161006ARTFIG00146-un-an-apres-les-autocars-macron-affichent-un-bilan-en-demi-teinte.php


Một thời đại chính trị đang hấp hối


Ông Macron rất có thể thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở PhuLăngXa. Thắng rồi, ông có thể dựa vào những ai để làm gì ? Dựa vào một đống chính trị gia thời cơ, ô hợp, tả cũng như hữu, hùa nhau theo ông để xí phần quyền lực, liên kết với các đại gia tư-bản, gỡ gạc mần ăn, chuẩn bị tương lai may rủi, e tutti quanti : chắc chắn có thể. Dựa vào quần chúng khao khát một lý tưởng, một tương lai bớt khổ sở, bấp bênh : chắc chắn không thể. Để làm gì : không cần phải là tiên tri cũng đoán mò được : phục vụ chị tư-bản-tài-chính và các đại gia tư-bản "Pháp".

Đã không có thực lực chính trị, dù đắc cử với tỷ lệ phiếu bao nhiêu đi nữa, ông vẫn chỉ là một con rối chính trị, tự nguyện, do media nặn ra với sự ủng hộ (và trợ cấp ? ) của chủ tư-bản, đặc biệt là chị tư-bản-tài-chính, chủ nhân đích thực của các anh tư-bản sản xuất và kinh doanh. Chính vì thế, ông là ứng cử viên tổng thống lý tưởng đối với chị… tư-bản-tài-chính ! Chẳng khác gì tổng thống Trump ở Mỹ : trong lúc tranh cử, chửi bới tư-bản-tài-chính tùm lum ; vừa thắng cử liền trao quyền lực kinh tế vào tay những cựu lãnh đạo của ngân hàng Goldman Sachs đã lừng danh trong cuộc khủng hoàng tài chính gọi là subprimes, cuộc khủng hoàng tài chính của Nhà Nước Hy Lạp, và sự thâm nhập quyền lực của những cựu nhân viên của Goldman Sachs tại nhiều quốc gia Châu Âu và Mỹ và trong guồng máy quyền lực của Cộng Đồng Châu Âu : 

https://fr.wikipedia.org/wiki/Goldman_Sachs#Crise_des_subprimes

https://fr.wikipedia.org/wiki/Goldman_Sachs#Personnalit.C3.A9s_politiques_de_Goldman_Sachs

Hiện tượng Macron báo hiệu một thời đại chính trị đang hấp hối, thời đại của những đảng phái chính trị hiện thân cho các ý-thức-hệ nảy sinh và phát triển ở PhuLăngXa, thế kỷ 19-20. Cơ bản là hai Đảng Cộng Hoà và Xã Hội đã thay nhau nắm chính quyền 35 năm qua. Họ lệ thuộc chị tư-bản-tài-chính đến mức nào, ai cũng có thể biết : bất kể tả hay hữu, khi lên nắm chính quyền, câu kinh cầu nguyện đầu môi và thường trực của họ là "tranh thủ niềm tin cậy của các thị trường". Các thị trường nào ? Thị trường sức lao động ? Họ đâu thèm, ngoài vài tháng vận động tranh cử, 5 năm một lần. Dù sao họ cũng bất lực : nếu không, tại sao hai mươi năm qua, số người thất nghiệp ở PhuLăngXa cứ mãi loanh quanh 10% của số người ở tuổi lao động ? Thị trường tiêu thụ hàng hoá trong cuộc sống hàng ngày ? Mặc xác, họ cũng bất lực nốt. Nếu không, sức mua của bàn dân sao càng ngày càng ngộp thở khiến đa số tin rằng đời con cháu sẽ đi xuống, không bằng đời mình. Chỉ còn lại thị trường tài chính1 : chị ấy mà hắt hơi, chính khách sổ mũi, thậm chí "mất mạng" như chơi trong lần tranh cử tới.

Sau 30 năm khủng hoảng liên miên tuy "yên ả", ở PhuLăngXa hôm nay, còn lại 3 đảng lớn : 


1/ Đảng Cộng Hoà

Đang rạn nứt trầm trọng. Thủ lĩnh Sarkozy, tuy đã từng làm tổng thống và nắm quyền lực guồng máy Đảng, vẫn không lãnh đạo nổi đảng viên và quần chúng cảm tình, thua đậm trong cuộc tranh cử tuyển lựa ứng cử viên tổng thống.

Chính khách thắng cử, ông François Fillon đang chìm đắm trong xì-căng-đan lạm dụng tiền Nhà Nước làm giàu gia đình, đến mức ngại ngùng ra mắt quần chúng, trả lời câu hỏi của họ và nhà báo, ngay trong chiến dịch tranh cử tổng thống sắp tới. Bản thân các dân biểu các cấp của đảng cũng do dự, tránh tiếp đón ông Fillon ở địa phương của họ để vận động cử tri. Ban vận động của ông Fillon lúng túng trong việc tìm nơi tổ chức meeting, v.v. Màn kịch này chắc còn nhiều tiết mục zui zui trong thời gian tới.

Từ nhiều năm Đảng Cộng Hoà bị FN, Mặt Trận Quốc Gia, cực hữu, của bà Marine Le Pen uy hiếp hút máu tới mức các vị lãnh đạo Đảng hùa nhau vay mượn ý thức hệ mỵ dân, kỳ thị chủng tộc của FN, hòng vớt vát phiếu của cử tri. Phải nhớ : Đảng Cộng Hoà ngày nay xuất thân từ đảng của De Gaulle và De Gaulle là kẻ thù "bất cộng đái thiên" của Le Pen, người sáng lập Đảng FN.

Sẽ có một thế hệ lãnh đạo "mới" ? Đương nhiên. Ai mà chẳng có ngay già rồi chết ! Nhưng, mặt mũi có thể mới, tư tưởng chính trị ắt cũ :  xây dựng thực lực chính trị đâu phải chuyện chơi dăm tháng vài năm !

Tiểu thuyết dài, nhiều chương hồi. Còn tiếp.


2/ Đảng Xã Hội

Rạn nứt càng thê thảm hơn.

‒ Một bộ phận đã tách ra lập tổ chức chính trị mới : ông Mélanchon (Parti de Gauche, Đảng Tả Khuynh, Front de Gauche, Mặt Trận Tả Khuynh, La France Insoumise, Nước Pháp Bất Khuất). Có lúc, trong thăm dò dư luận về cuộc tranh cử tổng thống tới, ông Mélanchon được nhiều phiếu hơn bất cứ ứng cử viên nào của Đảng Xã Hội.

‒ Ngay trong lúc nắm chính quyền, lãnh đạo của Đảng Xã Hội không quản nổi chính đại biểu quốc hội của Đảng để thông qua hai đạo luật về kinh tế (bộ trưởng Macron) và lao động (bộ trưởng El Khomry), phải dùng điều lệ 49-3 trong Hiến Pháp để áp đặt hai đạo luật ấy, không thông qua bỏ phiếu ở Quốc Hội.

‒ Tổng thống Hollande mất tín nhiệm đến mức phải chạy mặt đảng viên và quần chúng cảm tình của Đảng Xã Hội : không ra tranh cử trong cuộc tuyển cử ứng cử viên của Đảng cho cuộc bầu cử tổng thống PhuLăngXa sắp tới (primaire).

‒ Thủ tướng Valls, có thể coi như đại diện của giới cầm quyền trong Đảng Xã Hội vì chính phủ của ông chỉ có trách nhiệm với Quốc Hội thôi, ra tranh cử primairethua đậm ông Benoît Hamon, kẻ đã chống đối kịch liệt đường lối của các ông Hollande và Valls. Chính ông Valls đã tuyên bố : trong Đảng Xã Hội có hai đường lối chính trị không thể dung hoà được. Thế thì nó là đảng gì ? Đảng của những tham vọng cá nhân.

‒ Ngay sau khi ông Hamon thắng cử primaire, một số vị lãnh đạo của Đảng Xã Hội liền đòi hỏi quyền "tạm rút lui" (không tham gia động viên quần chúng bầu cho ông Hamon) ; họ không làm thì không làm, ai mà biết tới, tại sao lại phải công bố oang oang ? hè hè. Một vài vị hùa theo ông Macron. Tuy vậy, trong thăm dò dư luận, ông Hamon vừa từ rất thấp, không đáng kể, nhảy vọt lên xếp hạng tư, không xa 3 vị về đầu bao nhiêu : 

http://www.parismatch.com/Actu/Politique/Sondage-exclusif-Fillon-decroche-Hamon-decolle-1179104.

Tiểu thuyết dài, nhiều chương hồi. Còn tiếp.


3/ Đảng FN, Front National (Mặt Trận Quốc Gia, cực hữu, kỳ thị chủng tộc, đề cao chủ nghĩa quốc gia, dân tộc)

Đây là đảng duy nhất không ngừng củng cố và bành trướng trong hơn 10 năm qua. Từ lâu, nó đã nuốt gần hết sinh lực của Đảng Cộng Sản, trở thành đảng số 1 của giai cấp công nhân, giới làm công cấp thấp, kể cả trong "những giai cấp trung bình" (classes moyennes) và… thanh niên, chí ít trong một cuộc thăm do dư luận mới đây thôi (25-09-2014) : 

http://www.regards.fr/web/article/ouvriers-employes-jeunes-la

Thực tế, trong cuộc bầu cử "quốc hội" của Cộng Đồng Châu Âu, 25-05-2014, FN đã trở thành đảng đoạt nhiều phiếu nhất ở PhuLăngXa.

http://tempsreel.nouvelobs.com/politique/elections-europeennes-2014/20140525.OBS8444/europeennes-2014-le-triomphe-du-fn-la-claque-de-l-ump-l-effondrement-du-ps.html

Nó bành trướng đều đặn trên toàn bộ lãnh thổ PhuLăngXa, không ngừng gặm nhắm cử tri của hai chính đảng Cộng Hoà (hữu) và Xã Hội (tả).

Trong những thăm dò dư luận về cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, nó luôn luôn về đầu trong vòng 1.

Trump đắc cử tổng thống ở Mỹ, ai dám đảm bảo rằng bà Marine Le Pen không thể đắc cử ở Pháp ? Bà vừa khôn ngoan tuyên bố :  nếu bà đắc cử, thủ tướng nước Pháp do bà chỉ định sẽ không xuất thân từ Đảng FN. Cực khéo : ở PhuLăngXa, thủ tướng chỉ có trách nhiệm với Quốc Hội thôi. Nó còn được Quốc Hội tín nhiệm thì tổng thống chỉ còn cách ngồi chơi xơi nước (Mitterrand : 2 lần ; Chirac : 1 lần). Chắc chắn, xuất thân từ những đảng phái khác, nhất là Đảng Cộng Hoà, sẽ có không ít chính khách hoan hỉ, phấn khởi "hợp tác" trong Quốc Hội và chính phủ.

Tiểu thuyết dài, nhiều chương hồi. Còn tiếp.

Những hiện tượng trên có và đang phát triển trong nhiều nước Châu Âu. Nó báo hiệu : một thời đại chính trị đang hấp hối, thời đại sinh ra sau chiến tranh thế giới 2, bắt đầu suy tàn khi khối xã hội chủ nghĩa tự sụp đổ, chiến lạnh chấm dứt. Màn kịch mới nào đang hình thành ? Một vở múa rối do chị tư-bản-tài-chính dựt dây càng ngày càng lộ liễu ? 

PHĐ

2017-02-14



1 Trong phương-thức-sản-xuất tư-bản hai thị trường sức lao độnghàng hoá tiêu dùng là hai thị trường cốt tử. Thị trường sức lao động tạo khả năng có giá trị thặng dư. Thị trường hàng hoá tiêu dùng cho phép khả năng trên biến thành hiện thực hay không. Thị trường hàng hoá tiêu dùngđầu ra cuối cùng của toàn bộ quá trình vận hành của tư-bản. Tất cả những thị trường khác đều là những hình thái vận động trung gian do sự phân công lao động tạo ra. Thị trường hàng hoá tiêu dùng mà sụp đổ, không thể có giá trị thặng dư hiện thực, thì toàn bộ quá trình vận hành của tư-bản tổng hợp lỗ vốn. Chỉ còn lại chuyện san sẻ vốn tư-bản với nhau vì làm gì có giá trị thặng dư mà chia chác. Thí dụ : sự thất bại của Samsung trong vụ Galaxy Note 7. Anh Samsung lỗ vốn là cái chắc. Nhưng từng anh tư-bản đã tham gia vào quá trình sản xuất cái Galaxy Note 7 vẫn có lời. Tiền lời đó không thế lấy từ túi người mua máy, họ có mua đâu! Nó từ đâu ra ? Hè hè. Lý thú hơn, quá trình ấy còn góp phần làm PIB… tăng trưởng !

(http://amvc.fr/PHD/LangThangChuNghia/LeReveRealiseDePiketty.htm )


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Dấu Ấn Ký Ức: Trí thức Việt trên đất Pháp 18/05/2024 13:00 - 19:00 — Trung tâm văn hoá Việt Nam tại Pháp (Centre Culturel du Vietnam en France), 19 rue Albert, Paris 75013
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Rencontre avec Alain Ruscio 28/05/2024 18:00 - 20:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville - 79 rue Nationale, Paris 13e
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss