Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Mandela : Một cuộc đời không như mọi cuộc đời

Mandela : Một cuộc đời không như mọi cuộc đời

- Nguyễn Hữu Động — published 15/01/2014 00:40, cập nhật lần cuối 18/01/2014 19:07


Mandela : Một cuộc đời
không như mọi cuộc đời



Nguyễn Hữu Động



Khi đọc điếu văn giã từ Nelson Mandela, với cái tên truyền thống là Madiba, tổng thống Obama không thể nào nói hơn những gì ông đã phát biểu (toàn văn tiếng Anh : ở đây). Đối với những người đã đọc hoặc nghe bài ai điếu, có lẽ những gì có thể nói và cần nói về sự vĩ đại, tầm nhìn, cái nhân bản, sự dung dị và khiêm nhường của người đã khuất đều đã được nói lên với tất cả sự cảm kích và tôn nghiêm tương xứng. Một con người khổng lồ của lục địa Phi châu và của cả thế giới chúng ta. Thần tượng, dù ông chẳng màng, cho toàn dân, và cho mọi người chúng ta. Ngay cả những người không biết ông là ai – đáng buồn là họ đông hơn cả những người đang thầm lặng khóc thương ông – thì cuộc mưu cầu một kiếp sống nhân phẩm cũng sẽ mang nặng dấu ấn của tấm gương Mandela, của những ý tưởng và cuộc đời chiến đấu của ông.

Bài viết ngắn này hoàn toàn không có tham vọng góp phần vào kiến thức lịch sử về Nam Phi. Cũng không phải là một bài phân tích (lần thứ mấy mươi) về đất nước này, càng không phải là một chứng từ. Nói đến lịch sử, phân tích và chứng từ thì phải cả một tủ sách. Những dòng dưới đây chỉ là một chút suy nghĩ cá nhân, hạn chế và chưa đào sâu, về một sự kiện có ý nghĩa toàn cầu, về một cuộc đời chẳng như mọi cuộc đời. Một vài suy nghĩ, chứ tuyệt nhiên không phải là một bài giảng đạo đức chằng ai cần nghe. Nói khác đi, đây là một nén hương mà tôi xin thắp lên trước chân dung con người vừa khuất bóng.

Tôi là một trong số triệu triệu người đã dõi theo cuộc chiến đấu của con người ấy. Một trong triệu triệu người đã lắng nghe từng bước đi của ông trên đường trường đi tới tự do. Và tôi có may mắn, như triệu triệu người khác, đã được thấy ông, nghe ông, và cảm phục sự minh triết trong hành động và trí tuệ trong thực tiễn của ông. Những năm 1993-1994, tôi là thành viên một phái bộ Liên Hiệp Quốc được gửi tới Nam Phi, đầu tiên là để quan sát về an ninh quốc gia, sau đó là cuộc bầu cử, sau ngày Mandela được trả tự do và sau khi chế độ apartheid sụp đổ. Chế độ apartheid này không phải là một sai lầm chính trị như có người đã nói, mà nó chính là “ cái ác trong sự trần trụi của nó ” (lời một tổng giám mục Nam Phi), và nó đã trở thành biểu tượng toàn cầu cho sự kỳ thị thô bạo nhất, công khai nhất, toàn diện nhất trong lịch sử hiện đại. Với cương vị cố vấn bên cạnh Ủy ban Bầu cử Độc lập mà nhiệm vụ là tổ chức cuộc phổ thông đầu phiếu tự do đầu tiên (phổ thông, vì lần đầu tiên người da màu đi bầu, và theo lẽ thông thường, sẽ đi tới kết cuộc là đa số sẽ cai trị), tôi đã được chứng kiến những phiên thảo luận trong đó Mandela nhắc nhở nhiệm vụ của chúng tôi, với cung cách có một không hai của ông, kết hợp sự sáng suốt và sự kiên định. Xin đơn cử một ví dụ : làm thế nào xác định căn cước của người có quyền đi bầu trong một nước mà đa số người dân da màu không có giấy khai sinh hay giấy rửa tội, cũng chẳng có thẻ lao động chứ không nói chi tới thẻ căn cước (và ngay cả cái “ thẻ thông hành quốc nội ” gớm ghiếc, đã bị bãi bỏ từ năm 1983, nhưng cũng được coi là giấy tờ giá trị để đi bỏ phiếu). Trong tình hình như vậy, muốn lập danh sách cử tri cho một dân số 42 triệu người, không thể nào làm nổi với thời hạn 4 tháng mà các chính đảng đã đặt ra cho chúng tôi. Khi được thông báo về vấn đề này, Nelson Mandela (và De Klerk lúc đó vẫn là tổng thống Nam Phi và tham dự vào mọi quyết định lớn, phái sinh từ các thỏa ước của CODESA, Đại hội vì một Nam Phi Dân chủ) dặn dò chúng tôi : điều cốt yếu là bảo đảm quyền bầu cử của hàng triệu người Nam Phi, còn nếu có mấy vạn người Mozambique (nhập cư chui) đi bầu thì cũng không sao. Ông nhấn mạnh là không thể dời ngày bầu cử, đó là cái giá phải trả để giữ uy tín của lời hứa (và của những thỏa ước đã ký kết). Quyết định đơn giản chăng ? Không đơn giản chút nào. Để có được một quyết định như vậy, phải có một tầm nhìn, một quyết tâm sắt đá để tôn trọng những nguyên tắc và những điều đã thỏa thuận với đối phương. Cuộc đầu phiếu đã tiến hành khá lộn xộn, cử tri phải xếp hàng dằng dặc để đăng ký vào danh sách tại chỗ, ngay trong ngày bầu cử. Trong ý nghĩa ấy, đó không phải là một cuộc đầu phiếu « giải phóng » mà thật sự là sự thể hiện, sự khẳng định bản sắc của người công dân 1.

Cũng như các bạn, tôi đã đọc cả những bài tôn vinh khác. Và cũng như nhiều người, tôi không khỏi chua cay khi thấy trong số những người đến nghiêng mình trước người quá cố được họ xưng tụng là người hướng dẫn tinh thần, có những kẻ cầm quyền tới đó chỉ cốt là để người ta thấy mình có mặt. Đối với họ, di huấn của Madiba chỉ là cái cớ để họ bay sang Nam Phi một chuyến.

Trong những lời ca ngợi và bình luận, tôi có được đọc bài viết của J. M. Coetzee 2 rất đáng lưu ý. Cùng với những người cùng thế hệ, nhà văn (giải Nobel) này đã dũng cảm đấu tranh chống lại sự thống trị của người Afrikaner và đã trở thành người thân của Mandela. Nhưng Coetzee không quên nhắc tới vai trò của những đối thủ của Mandela, đầu tiên là nguyên tổng thống De Klerk (chung giải Nobel hòa bình với Mandela), là người “ tuy rằng tầm cỡ tinh thần không sánh bằng ” đã góp phần vào công cuộc tái lập hòa bình. Như người Châu Mỹ Latinh thường nói, muốn nhảy điệu tango, phải có hai người. Ở Nam Phi những năm 80, trước khi Mandela ra tù, có hàng trăm người “ biết nhảy ” ở hai phía. Tôi không có ý nói tới áp lực quốc tế, tới hàng triệu người đã tham gia cuộc đấu tranh ở Nam Phi, hoặc những người ở London hay Washington đã chuẩn bị những kế hoạch phát triển “ hậu – apartheid ” hay đã vạch ra những kế sách phá hoại nền tài chính của chế độ apartheid. Tôi muốn nói tới những người ở ngay trong chính quyền apartheid đã tự vấn, tự đặt lại vấn đề, và đặt tương lai của đất nước lên trên tiền đồ của chính mình. Trong những người đó, phải kể PW Botha, có lúc được coi là một con người dũng cảm nhưng “ không có niềm tin của lòng dũng cảm ”, trong thập niên 1980, đã tổ chức trưng cầu dân ý để trả lại cho người da màu một số quyền chính trị. Phải kể Pieter de Lange, lãnh tụ Broederbond, một tổ chức “ huynh đệ Afrikaner ”, kiến trúc sư của chế độ apartheid, ngay từ năm 1986, đã bắt liên lạc với ban lãnh đạo ANC nhằm xây dựng một nước Nam Phi mới. Và những đại doanh nhân người Anh đã tài trợ chi phí những cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa lãnh đạo ANC và đại diện cúa chính quyền Pretoria (song cũng không thể quên mối quan hệ mập mờ giữa giới tài phiệt và sự duy trì chế độ apartheid). Tất nhiên phải kể FW de Klerk, tổng thống cuối cùng của chế độ cũ, người đã ngồi một mình trong bếp, viết bài diễn văn 2 tháng hai 1990 lịch sử, tuyên bố một loạt quyết định : chấm dứt lệnh cấm ANC và Đảng Cộng sản Nam Phi, trả tự do cho Nelson Mandela. Hồi đó, có người đã ví De Klerk với Gorbatchev. Khác nhau, rất lớn, ở chỗ này : đây không phải là một cuộc cải tổ, bằng perestroikaglasnost, mà là kết thúc cả một chế độ đàn áp. Những phần tử cực đoan đã chống lại kịch liệt, và không ai có thể tiên đoán điều gì sẽ xảy ra một khi những đám đông khổng lồ xuống đường để chào mừng Mandela bước ra khỏi nhà tù. Những tù nhân chính trị được thả ít ngày trước Mandela (Mandela kiên quyết đòi họ phải được trả tự do trước – thuyền trưởng là người cuối cùng rời con tàu), cũng đã đủ minh triết để kêu gọi đồng bào ôn hòa, noi gương Mandela. Sự ôn hòa và vĩ đại của bên này đã gặp sự minh triết của bên kia. Đã chứng kiện tận mắt những hành động bạo lực liên tiếp xảy ra cho đến tận chiều hôm trước ngày bầu cử, tôi không thể không nghĩ tới những nước khác, tới những quá trình chuyển tiếp, những xáo trộn và những thương tổn hàng chục năm sau chưa hàn gắn nổi. Ta biết rằng khi De Klerk tuyên bố phổ thông đầu phiếu, mặc nhiên ông ta đã chấp nhận tụt vị trí chính trị của mình xuống hàng thứ ba hay thứ tư. Song, làm như vậy, ông đã tránh cho đất nước khỏi một thử thách đẫm máu và một cuộc hòa giải đầy bất trắc 3. Tôi còn nhớ mãi một cuộc gặp nhóm người Afrikaner, họ đã nói với tôi : “ nếu mấy ông bạn ANC của ông làm quá, thì chúng tôi sẽ phá nổ những nhà máy điện hạt nhân ”. Đó không phải là những lời dọa dẫm khơi khơi, không hệ quả : ở thời điểm đó, Nam Phi không có lấy một người kĩ sư da đen, và 30 % năng lượng điện là do các lò hạt nhân. Sức mạnh của ANC và trí tuệ chính trị của Mandela (mà Ủy ban Chân lí và Hòa giải là một mẫu mực điển hình) cùng với sự chấp thuận của De Klerk đã dẫn tới sự thắng lợi của lí trí.

banguoi

Tôi đã tìm lại được những tấm ảnh chụp vào những năm 1990, sau ngày Mandela được trả tự do, trong đó có một tấm ảnh cho thấy cảnh bạo động trước ngày bầu cử. Và tấm ảnh Mandela, Buthelezi và De Klerk, ba nhân vật then chốt, chiều hôm trước của cuộc bầu cử (đứng đằng sau là bộ trưởng ngoại giao, cũng dòng họ Botha). Tôi cũng xin thêm để lịch sử ghi nhận, là một tuần lễ trước ngày bầu cử đã hoạch định, Buthelezi mới chấp nhận tham gia cuộc bầu cử, để tránh xảy ra một cuộc đoạn tuyệt đẫm máu với một bộ phận quan trọng của dân tộc Zoulou mà ông ta kiểm soát. Trước đó, trong mấy tháng trời Mandela tìm đủ cách thuyết phục ông ta tham gia cuộc tuyển cử mà không được. Phải có thêm sự can dự của người ngoài, từ Henry Kissinger đến Lord Carrington (cũng không ăn thua) rồi tới Washington Okumu, cuối cùng Buthelezi mới quyết định, khiến cho những người phụ trách bầu cử thêm một phen điên đầu. Phiếu bầu đã in xong cả rồi (không phải những lá phiểu kiểu Pháp, mỗi ứng cử viên là một phiếu riêng, mà mỗi lá phiếu mang toàn bộ danh sách ứng cử viên, xếp theo thứ tự của một cuộc rút thăm) bây giờ phải in thêm 80 triệu băng giấy để dán lên lá phiếu, và thông qua một dự luật bổ sung luật bầu cử để được phép gia hạn ứng cử. Thế rồi cũng xong cả : cử tri Nam Phi đã bầu Nelson Mandela làm tổng thống, FW de Klerk làm đệ nhị phó tổng thống và Buthelezi bộ trưởng bộ nội vụ.

baoluc

Sự hòa giải mà Mandela chủ trương không phải là lời nói suông. Trái ngược với quan điểm của một số đồng chí (có cần nhắc lại rằng Mandela là đảng viên Đảng cộng sản và ông là một trong số người cộng sản rất hiếm đã mang lại đáp án dân chủ cho vấn đề bình đẳng mà chủ nghĩa cộng sản đặt ra ?), Mandela đã đảm nhiệm vai trò lãnh đạo của mình, nhiều khi phải quyết định ngược lại cảm tính và uất hận của họ. Ta hãy đọc lại đoạn này trong diễn từ ngày 25 tháng tư 1994, tức là hai ngày trước tuyển cử : “ Chúng ta coi trọng người da trắng. Bất luận chúng ta phê phán chế độ apartheid như thế nào, phải thừa nhận thực tế là người da trắng đã có nhiều cơ may hơn chúng ta… Ngày nay chúng ta bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước, chúng ta mong muốn có sự hiểu biết và khả năng chuyên môn đó. Chính vì thế mà tôi luôn luôn kêu gọi người da trắng đừng bỏ đi vào đúng lúc này, thậm chí tôi còn kêu gọi những người đã ra đi hay trở về. Bởi vì chúng ta cần họ, chúng ta kỳ vọng ở họ ”.

Thuyết phục hơn cả lời nói, là sự việc, nói theo kiểu Michel Foucault.

Sự tăng cường tất yếu trong cuộc đấu tranh của người da đen, sự yếu thế liên tục của người da trắng (để nói vắn tắt, tôi dùng từ ngữ màu da dù rằng cuộc đấu tranh này có tính chất chính trị hơn là chủng tộc : trong thập niên 1990, những cuộc xung đột bạo liệt diễn ra là giữa những người cùng màu da, đó là không nói tới vai trò then chốt của người gốc Á Châu tại một số địa phương) và áp lực quốc tế, cộng thêm vào vai trò của Mandela và De Klerk đã góp phần lí giải tính chất (tương đối) hòa bình và dân chủ của quá trình chuyển tiếp ở Nam Phi. Nhưng theo ý tôi, còn có một điều này nữa.

Đến đây, tôi xin phép bạn đọc để đánh vòng sang Chile. Tại Chile, tôi có một người bạn đã từng tổ chức cuộc đầu phiếu mà Allende đã thắng cử tổng thống, rồi sau đó lại tổ chức cuộc trưng cầu dân ý kết liễu chế độ độc tài của tướng Pinochet. Trong sự liên tục hành động của người bạn ấy, có một yếu tố đã gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ, mà tôi không đủ công cụ trí tuệ và không được đào tạo bài bản để giải thích một cách thỏa đáng.

Yếu tố ấy, tôi đã tìm thấy nó trong trước tác của Mandela, và nhất là trong tiểu sử tràng giang của ông : đó là sự quy chiếu liên tục tới uy lực của luật pháp, tới lòng tin của ông – vốn là luật sư – đặt vào luật pháp. Điều ấy, Coetzee cũng viết ra rất rõ. Coetzee có lý khi ông viết rằng Mandela, do xuất thân và quá trình đào tạo, đã hành xử như ông đã làm, trước những bất trắc, biến thiên sâu sắc xảy ra trên đất nước, nhờ đó ông đã kiên quyết bảo vệ những nguyên tắc mà ông đã xác định trong những năm tù đầy. Các bạn hãy đọc lại những đoạn Mandela kể lại là ông đã viện dẫn nội quy của nhà tù để tự bảo vệ và bảo vệ bạn tù, và đối với ông, việc những người gác tù phải chấp thuận là điều bình thường. Tôi tự hỏi ngày nay, đứng trước tù nhân, có bao nhiêu người gác tù ở các nước độc tài biết tôn trọng nội quy của nhà tù.

Ở Nam Phi cũng như ở Chile, có một cái mà ta có thể tạm gọi là truyền thống pháp chế. Đây là một nếp văn hóa hơn là những văn bản luật lệ giấy trắng mực đen. Một nếp văn hóa đã ăn sâu từ lâu, không tài nào một sớm một chiều có thể tạo ra được. Chỉ cần điểm lại những nỗ lực của Ngân hàng Thế giới nhằm phát huy nhà nước pháp quyền ở những nơi mà họ can thiệp, và không có nơi nào đã thành công.

Như đã nói ở trên, apartheid là một trong những hình thái thô bạo và gớm ghiếc nhất của sự kỳ thị và thống trị. Nhưng người ta thường quên rằng, so với cuộc chiến tranh Algérie hay tình hình hiện nay ở Syrie, nó không đẫm máu bằng (nếu ta có thể dùng con số nạn nhân để đo lường và đánh giá một chế độ như vậy). Theo những con số thống kê đáng tin cậy nhất : tổng số nạn nhân ở Nam Phi (trong nước và ngoài nước) trong thời gian 1948-1994 là 100 000 người ; số nạn nhân trong cuộc chiến tranh Algérie 1958-1962 gấp ba lần con số trên ; và ở Syrie trong hai năm nội chiến cũng như vậy 4. Apartheid trước hết là một chế độ chà đạp nhân phẩm con người. Song nó được xây dựng trên một nền tảng pháp lý, cho dù các luật pháp của nó phi nghĩa và chà đạp lên những quyền con người sơ đẳng nhất. Hệ thống pháp lý ấy được dùng như một công cụ nhằm mang lại cho chế độ apartheid một dáng vẻ nghiêm minh, cố nhiên là thế 5. Nhưng có biết bao chế độ đã thi hành chính sách kỳ thị mà hoàn toàn không có một nền tảng nào khác là bóng tối, là dối trá, là im lặng ? Ở nước Mỹ của Martin Luther King, sự kỳ thị chủng tộc trên thực tế chỉ có một cơ sở pháp lý duy nhất là mấy bản phán quyết « tình huống » đốn mạt của Tối cao Pháp viện.

Truyền thống pháp chế chỉ vỏn vẹn là một truyền thống, thế thôi. Nhưng làm sao hiểu được tính đặc thù của giai đoạn chuyển tiếp ở Nam Phi (và trong chừng mực nhất định, ở Chile) nếu bỏ qua nét đặc thù của hai nước này : cả hai đối thủ (địch thủ) đều tôn trọng cái truyền thống ấy ?

Sự kỳ thị ở Nam Phi đạt tới mức biếm họa và quái ác vì nó được quy định bằng một khuôn khổ pháp lý, tất nhiên là khuôn khổ và luật pháp bất chính. Cũng vì thế mà muốn bãi bỏ apartheid không thể dùng sắc lệnh của tổng thống hay một đạo luật của quốc hội, mà phải thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Và có lẽ cũng nhờ tinh thần tôn trọng pháp luật như vậy mà Mandela đã xây dựng được một chính sách dựa trên pháp lý, có lẽ cũng vì thế mà chính sách ấy được sự tín nhiệm của những người hôm qua là thù địch của ông, và hôm nay là những công dân. Trong khi đó thì một chế độ cực quyền đơn thuần dựa trên ý chí hay sự bốc đồng của một tên độc tài chỉ có thể triệt tiêu lòng tin vào những lời tuyên bố công khai.

Một chính sách ăn xổi ở thì thường đi liền với sự quên lãng, nuốt lời và đểu cáng trắng trợn (đối với đồ đệ của Machiavelli thuộc mọi xu hướng, thì những lời cam kết chỉ ràng buộc những ai dại dột tin vào đó). Bài học mà tôi muốn rút ra từ đường lối chính trị của Mandela chính là xác tín ngược lại. Nói lời thì giữ lấy lời, hứa gì làm nấy. Pháp luật và các quyết định được những người làm ra chúng tôn trọng, nhất là đối với những người hôm qua là bên địch. Đó là nguyên tắc sơ đẳng của mọi kiến trúc dân chủ, nhưng cũng là điều thật khó thực hiện khi người ta quá say sưa với chiến thắng, khi người ta còn sôi sục hận thù.

Khóc thương Mandela, đồng ý. Nhưng suy ngẫm về con người ấy, về sự nghiệp mà Mandela đã hoàn tất, không phải đơn độc một mình, mà cùng với các đồng chí của mình, với đồng minh và với cả kẻ thù của mình, đó cũng là đi theo con đường của ông, con đường đi tới tự do. Con đường của chúng ta.

Mexico, ngày tất niên 2013

Nguyễn Hữu Động


dịch từ nguyên tác tiếng Pháp : Kiến Văn





1  Xem David Welsh : The Rise and Fall of Apartheid. Jonathan Ball Publishers. Cape Town. 2009. Đây là mt pho thông tin phong phú v Nam Phi.

2  New York Book Review, tháng chạp 2013 

3  Nhân dịp sinh nhật thứ 70 của De Klerk, Mandela đã phát biểu : “ Lúc ấy chúng tôi nhận thức và lo ngại mà không nói ra, là chúng tôi có thể lâm vào một cuộc chiến tranh chủng tộc tàn khốc, mà mỗi người chúng tôi phải nghĩ tới, nếu như không có tầm nhìn lóe sáng của De Klerk ” (David Welsh, sách đã dẫn). Năm 1992 (ngày 17 tháng 3), De Klerk tổ chức trưng cầu dân ý (dành riêng cho người da trắng -- nên ANC phản đối) : " Ủng hộ hay không ủng hộ quá trình cải tổ Nhà nước mà Tổng thống đã khởi động nhằm đi tới một bản Hiến pháp mới thông qua thương lượng ? ". Mandela đã kêu gọi người da trắng bỏ phiếu ủng hộ (nếu đa số không ủng hộ, thì tức là tuyên chiến với đa số là người da màu. Kết quả là 55,45% bỏ phiếu ủng hộ.

4  V Algérie và Nam Phi, xin xem David Welsh (sđd) ; về Syrie : nhật báo Le Monde.

5  Jens Meierhenrich : The Legacies of Law. Long Run Consequences of Legal Development in South Africa, 1652-2000. Cambridge University Press 2009.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss