Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Mị dân sáng tạo

Mị dân sáng tạo

- Thanh Gương — published 21/04/2008 00:00, cập nhật lần cuối 21/04/2008 10:35
Hoặc chạy theo con đường của chủ nghĩa dân túy hoặc phải chấp nhận kiên trì cố thủ và bám vào những giá trị cơ bản của dân chủ. Liệu đảng Dân Chủ có đủ kiên trì và nghị lực để theo giải pháp thứ hai hay không ? Đó là một câu hỏi lớn cho nước Ý.

Mị dân sáng tạo

Thanh Gương

Dù ai nói ngả nói nghiêng...

Thiên hạ có muốn phê phán dân Ý ở điểm nào thì cứ phê phán, nhưng về tính sáng tạo thì phải nói không dân nào trên thế giới này qua mặt được dân Ý. Chẳng phải chỉ sáng tạo trong các lãnh vực văn học, nghệ thuật, hay điêu khắc, hội hoạ, âm nhạc, hoặc mẫu mã thời trang… Đó là những lãnh vực mà made in Italy vẫn luôn luôn đứng đầu. Nhưng phải công nhận là về chính trị thì cái tính sáng tạo của dân Ý càng nổi bật.

Trong thế giới Tây Âu với nền dân chủ nghị trường, một doanh nhân thành đạt biến thân thành một lãnh đạo chính trị cũng thành đạt không kém, ở vào tuổi 72, và lần này là lần thứ 3 trở thành Thủ tướng trong vòng 14 năm mà vẫn không phải từ bỏ vai trò (và quyền lợi riêng tư) doanh nhân của mình... Tất cả hoàn toàn xảy ra dưới “ánh sáng mặt trời”, trên sân khấu nghị trường thông qua bầu cử hoàn toàn minh bạch (minh bạch ở đây có nghĩa là tôn trọng đầy đủ các “luật chơi” của chế độ nghị trường phương tây), chứ không phải do đàn áp quân sự hay đảo chánh hoặc cướp chính quyền...

Một nhân vật xuất chúng cỡ đó thì chỉ có một dân tộc có tính sáng tạo mới “nặn” ra được. Vì ai cũng thừa biết rằng trong bất cứ một nước phương Tây nào thì nhân vật như thế không thể nào cùng một lúc “vừa đánh trống vừa thổi kèn”, vừa lãnh đạo nhà nước mà lại lãnh đạo luôn cả một trong những tập đoàn kinh tế hàng đầu của chính nước đó một cách công khai mà không hề bị một lực lượng lập pháp hay tư pháp nào cản nổi. Và tính sáng tạo của dân Ý đã “nặn” ra được một Silvio Berlusconi có một không hai trên thế giới. (Ở đây chúng tôi không kể đến trường hợp của Thái Lan có Thaksin Shinawatra, cũng đã vừa là tỉ phú lại vừa cầm quyền. Nhưng đấy là trường hợp của một nước không được liệt kê vào danh sách các nước có nền dân chủ nghị trường, không phải là một trong các nước công nghệ tiên tiến. Và chí ít Thaksin Shinawatra cũng đã bị truất phế - rất tiếc là xuyên qua một cuộc đảo chánh).

Chiến thắng chính trị vừa qua của Berlusconi, một chiến thắng vẻ vang chớ không phải là một chiến thắng còm cõi như nhiều người đã dự đoán, đã khiến người ta phải đặt câu hỏi: lý do nào đã khiến cho Berlusconi đạt được những thắng lợi chính trị lớn như thế, dù rằng có đến phân nửa cử tri nước Ý đã coi ông như là một hình tượng tiêu biểu của tham nhũng, của hối lộ, của thông đồng giữa quyền lực và đồng tiền, dù rằng trên thế giới ai cũng coi ông như là một thằng hề không hơn không kém bởi những cung cách hành xử ăn nói bặm trợn của ông ?

Người bán hàng rong

Thực ra thì cho dù đây là lần thứ 3 trở thành Thủ Tướng của Ý, dù rằng là lãnh đạo của một đảng chính trị lớn nhất hiện nay ở Ý (đảng này hiện nay có khoảng 37% số phiếu), thành tâm mà nói, Berlusconi chẳng phải là một nhà chính trị. Lại càng không thể nói ông ta là một nhà chính trị hữu khuynh hay tân bảo thủ.

Berlusconi vẫn “muôn đời” chỉ là một doanh nhân thành đạt. Phải công nhận rằng ông ta có biệt tài đi “rao hàng”: biết nắm lấy yêu cầu của thị trường, biết đón bắt thời cơ, và biết “tiếp thị” để “hàng” của ông đáp ứng đúng yêu cầu của người tiêu dùng. Những thành công trong doanh nghiệp của bản thân ông là một minh chứng hùng hồn về biệt tài đi bán ràng rong.

Berlusconi xuất thân từ một gia đình trung lưu, bố là một nhân viên ngân hàng, mẹ lo nội trợ, lúc còn trẻ cũng đã phải đi làm hề múa hát mua vui cho dân có tiền ở trên các du thuyền viễn du (ông ta đã biết làm hề từ thời trẻ - âu cũng là một biệt tài).

Vào những thập niên 60, khi kinh tế Ý đang ở thời bùng nổ hậu chiến, các cơ sở công nghiệp nặng tập trung ở miền bắc Ý đã “hút” mỗi ngày hàng ngàn cư dân Ý từ miền nam bỏ ruộng đồng đi lập nghiệp. Và thế là ở các khu vực công nghiệp phía bắc Ý đẻ ra yêu cầu xây cất nhà cửa cho giới lao động. Berlusconi đã sớm nhìn thấy thị trường bất động sản là thời cơ vàng lúc đó: với một số vốn liếng nho nhỏ của ngân hàng nơi mà ông bố làm việc cho vay, Berlusconi đã nhảy vào thị trường địa ốc. Cứ xây nhà xong bán đi, rồi đầu tư xây tiếp, bán đi rồi đầu tư xây tiếp, suốt thập niên 60 và đến giữa thập niên 70, Berlusconi đã trở thành một trong những đại gia trên thương trường địa ốc. Dĩ nhiên ai cũng biết là trong một đất nước đang bùng nổ kinh tế, các hoạt động địa ốc phải “kết hợp nhuần nhuyễn” với các đề án quy hoạch xây dựng thành phố của nhà nước. Và dĩ nhiên là Berlusconi đã “nhuần nhuyễn kết hợp” với các quan chức trong hàng lãnh đạo chính trị... [Xin bạn đọc chú ý, tác giả nói chuyện “nước lào ra nước ý” chứ không phải nói chuyện nước ta đâu nhé – Lời bàn của người đánh máy].

Vào năm 1976, Ý bãi bỏ độc quyền đầu tư và khai thác của nhà nước trong lãnh vực truyền thông, cho phép tư nhân kinh doanh trong ngành vô tuyến truyền thanh và truyền hình. Lần này Berlusconi cũng đã sớm đánh hơi bắt mùi thời cơ mới của thị trường mới: ông đã đầu tư mở ra các đài truyền hình tư nhân, chủ yếu là dùng để quảng cáo. Từ các đài truyền hình địa phương phát sóng trong phạm vi các tỉnh lẻ, lần lần đến đầu thập niên 90, Berlusconi đã có trong tay tập đoàn truyền thông Fininvest với 3 kênh truyền hình phát sóng trên toàn quốc và hàng loạt kênh truyền hình địa phương. Và dĩ nhiên lần này Berlusconi cũng đã khôn khéo “kết hợp nhuần nhuyễn” với các lãnh đạo chính trị để đưa ra những sắc luật cho phép các kênh truyền hình của ông ta dễ dàng trong việc phát sóng trên toàn quốc (chủ yếu là việc ưu tiên cho Berlusconi thuê các băng tần phát sóng dài hạn vô điều kiện).

Song song, Berlusconi cũng nhảy vào thị trường in ấn, báo chí, phân phối phim ảnh, bảo hiểm..

Nói chung là cuộc đời doanh nghiệp của Berlusconi như diều gặp gió... phần lớn là nhờ ông có ô dù của hai đảng cầm quyền cho đến đầu thập niên 90 là đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo và đảng Xã Hội (vào những thập niên 80 trở đi, Ý đã có những nội các trung-tả, và “tả” ở đây chỉ là đảng Xã Hội chứ đảng Cộng Sản và các đảng cực tả khác vẫn nằm bên đối lập).

Tuy nhiên, nếu nền chính trị của Ý không có đột biến nào thì có lẽ tên tuổi Berlusconi cũng chẳng mấy ai biết ngoài những giới doanh nhân có quan hệ làm ăn với ông. Chắc có lẽ cùng lắm Berlusconi sẽ trở thành tỉ phủ giàu nhất nước Ý (như hiện nay), nhưng vẫn là một doanh nhân, và sẽ chết già trong vị trí doanh nhân...

Nhưng “tiếc thay” chính trường Ý bỗng nhiên “dậy sóng”. Vào đầu thập niên 90, một chiến dịch bài trừ tham nhũng to lớn được người ta mệnh danh “Bàn tay sạch” (Mani pulite) do các toà án phát động nhằm phanh phui cả một hệ thống tham nhũng hối lộ khổng lồ giữa các đảng chính trị, chủ yếu là hai đảng cầm quyền, và giới doanh nghiệp. Chiến dịch này đã đánh đến độ làm tan rã cả hai đảng cầm quyền, kết thúc nền Đệ I Cộng hoà của Ý (1948-1993).

Trong chiến dịch “bàn tay sạch” dĩ nhiên là Berlusconi cũng có tên trong bảng “phong thần”. Và toà án đã bắt đều “réo tên” Berlusconi trong khi ô dù thì đã tan rã. Chính vào lúc này, vị trí doanh nghiệp, gia sản, cơ ngơi của Berlusconi bắt đầu bị đe doạ. Bản thân của Bersluconi có thể phải vào tù... và có thể bị phá sản.

Đồng lúc, sự tan rã của hai đảng cầm quyền đã đẻ ra hàng ngàn “lãnh đạo đảng” bơ vơ vừa thất nghiệp vừa tiêu tan sự nghiệp chính trị, thậm chí có người có thể phải vô khám; và cũng đã đẻ ra hàng triệu cử tri “mồ côi” không biết dùng lá phiếu để làm gì.

Thời thế tạo anh hùng, hảo hán

Berlusconi lần này cũng sớm nhận ra được thời cơ, có điều đây là một thị trường hoàn toàn mới, đó là “thị trường chính trị”. Nhưng không sao: lãnh đạo đảng bơ vơ ? Cử tri mồ côi ? Berlusconi đã “biến” tất cả họ thành những người tiêu dùng... và ông ta đã nhanh chóng đưa ra thị trường một “món hàng” mới: đó là đảng Forza Italia: lãnh đạo đảng bơ vơ “chụp lấy” để tiếp tục sự nghiệp chính trị, cử tri mồ côi “chụp lấy” để từ đấy có “một mái nhà”. Tất cả đều dựa trên một quảng cáo rất ấn tượng: “đổi mới”. Đảng mới, lãnh đạo đảng mới (cực kỳ mới không hề có một vết tì nhơ chính trị - vì chưa bao giờ trực tiếp hoạt động chính trị), khai sáng nền Đệ II Cộng hoà trên đống tro tàn của nền Đệ I.

Ở đây cũng nên thấy là việc “nhảy vào chính trường” của Berlusconi không phải chỉ là một thời cơ kinh doanh thuần tuý như những thời cơ đã xảy ra trong quá khứ. Như đã trình bày ở trên, Berlusconi đang bị toà án truy tố, có thể bị kết tội đi tù và phá sản, ô dù thì đã tiêu tan. Ở đấy mới thấy cái “sáng tạo” của Berlusconi. Ông ta lập tức quyết định rằng: “nếu không còn ô dù thì chính ta làm ô dù cho ta”. Việc lập ra đảng mới, tranh cử, trở thành đại biểu Quốc hội cho phép trước mắt Berlusconi được hưởng quyền “bất khả xâm phạm” mà luật pháp dành cho các đại biểu Quốc hội, do đó các toà án phải “đông lạnh” việc thi hành các bản án, có nghĩa là thoát vòng tù tội. Và sau đó Berlusconi sẽ dùng quyền lực chính trị để thay đổi luật pháp có dính líu đến các tội trạng mà ông đang bị truy tố (điều ông đã làm trong suốt hai nhiệm kỳ Thủ Tướng trước đây).

Chính trị ? Hay mị dân ?

Dù rằng đã trở thành đại biểu Quốc hội, dù đã hai lần cầm quyền, nhưng Berlusconi vẫn không bao giờ “nhiễm được máu chính trị”. Đối với Berlusconi chính trị chỉ là một phương tiện, như trăm ngàn phương tiện khác, để có thể “bán hàng”. Có điều hàng hoá ở đây không còn là địa ốc, là cơ sở xí nghiệp, mà là khát vọng ái quốc chủ nghĩa của một dân tộc đã từng phải di dân sang “miền đất hứa”, đi cùng khắp Châu Âu để lập nghiệp nhưng đất nước lúc nào cũng bị phân chia manh mún trong hàng chục đảng lớn bé khác nhau. Người dân Ý sau cú choáng váng của chiến dịch “bàn tay sạch” muốn có một luồng gió mới, một đấng minh quân, một bậc anh tài đứng ra cầm sào đưa đất nước trở lại con đường ổn định. Đó là món hàng mà thị trường đang chờ đợi, và Bersluconi đã tiếp thị kịp thời.

Khi Berlusconi mới ra tranh cử lần đầu, có nhiều người am hiểu vấn đề đã cảnh báo cử tri rằng đây chỉ là “xảo thuật” của Berlusconi để tránh tù tội và tìm ô dù mà thôi. Và họ cũng đã tuyên bố rằng: “cứ bỏ phiếu cho Berlusconi đi, để hắn cầm quyền rồi sẽ biết con người thật của hắn ra sao. Berlusconi như vi khuẩn HIV của bệnh SIDA, nếu biết được nó thì sẽ tránh được bệnh”.

Quả đúng là hai lần cầm quyền vừa qua, Berlusconi không làm gì khác hơn là sửa đổi tất cả các luật lệ nhà nước để xoá án tất cả các vụ kiên tụng xét xử mà ông ta và các thuộc hạ đang bị điều tra. Thậm chí có những bản án đã được kết tội, ông còn thay đổi được luật để chống án và được trắng án...

Như vậy thì tại sao cử tri vẫn tiếp tục bỏ phiếu cho Berlusconi ?

Rất dễ hiểu. Một nhà kinh doanh năng động như Berlusconi hiểu rằng sau hai lần cầm quyền, thị trường cũng có những thay đổi, người tiêu dùng không muốn tiếp tục xài hàng cũ. Thế là, “bình mới, rượu cũ” !

Vì lần này Berlusconi đã “tân trang” lại món hàng để đưa lên thị trường. Lần này không phải là “đổi mới”, mà câu thần chú là “tự do”: tự do mua bán làm ăn mà không bị luật lệ ràng buộc, không phải đóng thuế, tự do cạnh tranh, theo kiểu mạnh được yếu thua, tự do kinh doanh mà không chịu sự kiểm soát của nhà nước..

Guồng máy hành chánh nhà nước của Ý quả là quá cồng kềnh khiến cho mọi thủ tục làm ăn đều phải chậm trễ, thuế má thì ngập đầu nên người dân chỉ muốn được “tự do”, không bị nhà nước ràng buộc. Thành đạt trong kinh doanh của Berlusconi khiến cho rất nhiều cử tri, nhất là giới kinh doanh nhỏ, giới mua đi bán lại, giới hành nghề tự do như bác sĩ, luật sư, đều nghĩ rằng nếu được “tự do” thì ai cũng có thể trở thành... Berlusconi giàu có và đầy quyền lực.

Món hàng “tự do” này được thị trường tiếp đón nồng nhiệt.

Một đảng chính trị như đảng của Berlusconi đến nay đã có 15 tuổi đời (ông lập đảng năm 1993), nhưng trong suốt 15 năm đó đảng này chưa hề có một đại hội, lãnh đạo đảng từ trung ương đến địa phương chưa bao giờ được tiến cử thông qua bầu cử, dù chỉ là bầu cử hình thức như kiểu các nước “độc tài thống trị”. Tất cả đều thông qua chỉ định của Berlusconi: ông trực tiếp lấy những lãnh đạo có tài và được tin tưởng trong các cơ sở kinh doanh của ông và đưa vào làm lãnh đạo đảng, và khi nắm quyền thì tất cả những lãnh đạo này được đưa vào nội các.

Nhà đạo diễn Ý nổi tiếng Nanni Moretti có lần đã phải công nhận rằng “Berlusconi không phải là người phản dân chủ. Ông ta chỉ là người... không cảm nhận được dân chủ là gì”. Đối với Berlusconi việc tranh luận, bầu bán, hội thảo, phê phán, v.v. chỉ là những việc vô bổ mất thì giờ. Chỉ cần có cái nhạy bén nhận ra người có tài (và phải có sự tin tưởng) đưa ra lãnh đạo, thế là xong.

Cái khổ là Berlusconi không chỉ áp dụng mô hình “vô dân chủ” trong xí nghiệp của ông ta, mà đem cả mô hình đó ra áp dụng lên nhà nước.

Vì rất nhiều cử tri còn quan niệm rằng một người thành đạt như Berlusconi thì tất nhiên phải có khả năng. Mà đã có khả năng thì chắc chắn sẽ giải quyết được những vấn đề của nước Ý.

Một bên là điều hành tập đoàn kinh tế, xí nghiệp sản xuất. Một bên là điều hành một nhà nước.

Một bên là cai quản nhân công thợ thuyền. Một bên là cai quản người dân.

Một bên là quyền lợi của doanh nhân. Một bên là quyền lợi của người dân.

Hai bên khác nhau một trời một vực. Thành công bên này chưa thể nói là sẽ thành công bên kia.

Thậm chí thành công bên này có thể sẽ trở nên mâu thuẫn với thành công của bên kia.

Chỉ có những đường lối như kiểu mị dân của Berlusconi mới đánh đồng một xí nghiệp với một nhà nước, đánh đồng thị trường với chính trường.

Berlusconi chắc chắn không phải là người đầu tiên áp dụng chủ nghĩa dân túy. Trên thế giới cũng đã có rất nhiều chính khách đã dùng các chính sách mị dân. Thậm chí có cả những chế độ chỉ hoàn toàn dựa trên đường lối mị dân.

Nhưng so với các chính khách mị dân trước đây trong lịch sử thì chính sách mị dân của Berlusconi có một khác biết rất lớn, và đấy đúng là do tính “sáng tạo” của ông ta.

Nhìn lại lịch sử, các nhà chính trị dân túy, dù độc tài đến đâu, dù mị dân đến đâu họ vẫn phải hoạt động trong khuôn khổ nhà nước. Họ có thể khuynh đảo nhà nước, xây dựng cơ chế theo đúng đường lối mị dân của họ, nhưng các chiến lược của họ vẫn tiếp tục nhìn nhận nhà nước như là cốt lõi của một quốc gia.

Chủ nghĩa dân túy của Berlusconi thì ngược lại xem nhà nước như là một cản trở cho sự phát triển của một quốc gia. Đối với Berlusconi, cơ chế nhà nước với những luật lệ, pháp lý, với những tổ chức hàng dọc hàng ngang, chỉ là những thứ cồng kềnh cản đường cho sự phát triển của quốc gia.

Một nhà doanh nghiệp tài ba như Berlusconi, đem lại công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động, đóng góp một phần rất lớn vào tổng sản lượng quốc gia hàng năm, thì... dù trong tình huống nào đi nữa, dù có “phạm tội” chi đi nữa, nhà nước cũng không thể nào cứ “réo mãi” tên tuổi của ông trước toà án. Một Berlusconi đi tù, phá sản, có nghĩa là hàng trăm ngàn lao động mất công ăn việc làm, tổng sản lượng quốc gia mất đi một sự đóng góp đáng kể.

Nếu nhìn theo lăng kính như trên, thì rõ ràng nhà nước chỉ là vật cản cho quá trình “giải phóng sản xuất”... Thực ra thì loại “mị dân” kiểu này trong quá khứ cũng đã có xảy ra ở Ý đối với trường hợp Mafia. Ở miền nam Ý, nhất là ở đảo Sicilia, Mafia đã ăn sâu vào hạ tầng cơ sở kinh tế sản xuất đến độ nếu phải triệt hạ thật sự Mafia thì kinh tế của các vùng này sẽ hoàn toàn bị tê liệt... Nhưng khác biệt là Mafia dù sao đi nữa cũng đã bị coi như là một “tổ chức băng đảng xã hội đen” nên không thể nào áp dụng lối nói mị dân như thế trước cử tri. Còn Berlusconi thì dẫu sao đi nữa ông vẫn chưa bao giờ bị liệt vào hàng “băng đảng” (dù rằng Berlusconi và thuộc hạ của ông cũng đã có đôi lần bị toà án kết tội “dây nhợ” với Mafia).

Do đó chủ nghĩa dân túy của Berlusconi có một đặc thù là... muốn triệt tiêu nhà nước (hiểu theo một cơ chế dân cử trong một xã hội pháp lý). Và thay vào đó là một guồng máy hành chánh theo mô hình xí nghiệp: người nào có đồng tiền bỏ vốn đầu tư thì người đó cầm quyền xí nghiệp và tự mình chỉ định cấp lãnh đạo. Và giống như công nhân trong xí nghiệp, người dân phải tin tưởng vào lãnh đạo và chấp hành nghiêm chỉnh những luật lệ của ban lãnh đạo xí nghiệp đưa ra.

Rất có thể là mô hình nhà nước theo kiểu mị dân của Berlusconi sẽ không phát triển được ở những xứ có ổn định chính trị, cơ chế nhà nước hoạt động hữu hiệu, tầng lớp chính trị có tư tưởng nhà nước pháp lý, và nhất là... đa số người dân có một mức độ giáo dục chính trị tương đối.

Nhưng đối với một quốc gia như Ý, nơi mà “bất ổn định chính trị” đang trở thành một thứ “tế bào di truyền” (DNA) của xã hội, cơ chế nhà nước thì quan liêu bất cập và hiệu quả hoạt động cực kỳ thấp kém (chỉ cần coi các thủ tục mà người di dân nước ngoài phải “trải qua” để có được giấy cư trú thì quả là “trần ai lai khổ”, mà nhà nước Ý cũng chẳng cải thiện chi được tình trạng nhập cư bất hợp pháp ồ ạt), tầng lớp chính trị thì chỉ biết chăm sóc quyền lợi của “khu cử tri riêng” thay vì phải có cái nhìn chung cho đất nước, một tầng lớp đang bị xã hội gán cho cái tên mỹ miều là “đẳng cấp” (la casta) theo nghĩa một tầng lớp đặc quyền đặc lợi. Ý là nước có nền kinh tế khó khăn nhất hiện nay trong các quốc gia Châu Âu, nhưng các đại biểu của Ý trong Quốc hội Châu Âu lại có đồng lương cao nhất so với đồng lương của các đại biểu của các quốc gia khác (trừ các nước Đông Âu cũ).

Tất cả những “khiếm khuyết” vừa kể là cả một “nồi thuốc súng” để chủ nghĩa dân túy của Berlusconi cứ ung dung châm ngòi nhằm triệt tiêu nhà nước.

Ở đây cũng xin mở ngoặc nói thêm đôi lời để lý giải vì sau mà Berlusconi có một lối ăn nói “bặm trợn” như thế giới đã biết. Một con người mị dân như Berlusconi thì lúc nào cũng muốn được xem như là một nhân vật “khác người”: lối ăn nói bặm trợn của ông ta trong những buổi họp thượng đỉnh quốc tế là vì ông ta muốn “khác người”, vì một người mị dân nếu phải cư xử ăn nói bình thường như trăm ngàn người khác... thì mị dân ở chỗ nào được ?

Mối đe doạ của chủ nghĩa dân túy

Chủ nghĩa dân túy mà Berlusconi đang áp dụng thể hiện một mối đe doạ rất lớn cho tình hình chính trị ở Ý. Chẳng phải chỉ đe dọa qua những giá trị làm ngu dân và phản dân chủ như các sách “kinh điển” vẫn hay nói đến.

Mối đe doạ thật sự chính là khả năng “lũng đoạn” cả nền chính trị của Ý. Vì khi mà các đảng phái manh mún và tầng lớp lãnh đạo chính trị không đủ khả năng và lực lượng để kháng cự lại được làn sóng mị dân (đã 14 năm nay làn sóng mị dân này vẫn đang tiếp tục sinh sôi nẩy nở qua những thành công chính trị của Berlusconi)... thì rất có khả năng là lãnh đạo của các đảng khác, kể luôn cả đảng đối thủ chính hiện nay của Berlusconi là đảng Dân Chủ, cũng bắt buộc phải “nhào” theo Berlusconi vào thế giới mị dân. Cụ thể là trong những mùa tranh cử sắp tới, để có thể thắng cử, các đảng khác có thể bắt buộc phải dùng phương kế “dĩ độc trị độc”, tức là cũng dùng mị dân để thắng cử.

Cho đến hiện nay, mối đe doạ dân túy lan tràn cũng chỉ là một giả định, nhưng là một giả định ít nhiều cũng có cơ sở: trong mùa tranh cử vừa qua, một trong những điểm mà công luận ít nhiều đã ngợi khen ông Walter Veltroni, lãnh đạo đảng Dân Chủ, là người biết sử dụng tối đa những “khí cụ” mà chính Berlusconi đang tận dụng. Đó là khả năng biết “ứng dụng” các phương tiện truyền thông hiện đại để “nói chuyện” với cử tri: các màn hình rộng, các sân khấu dàn dựng hoành tráng, các buổi ra mắt rực rỡ, và nhất là những khẩu hiệu rất “ấn tượng”. Thành thật mà nói, chính đảng Dân Chủ cũng có hứa hẹn những biện pháp nâng đỡ những thành phần khó khăn trong xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, giảm áp lực thuế má... nhưng, cũng giống như Berlusconi, chính ông Veltroni cũng chỉ đưa ra những ý kiến ấy như là một “ước nguyện” nhiều hơn là một chính sách với đầy đủ các giải đáp.

Người ta vẫn có thể hiểu và thông cảm rằng trong một mùa bầu cử thì bên nào cũng phải có những khẩu hiệu, có những hứa hẹn. Nhưng nếu một trong hai bên đang chạy trên con đường mị dân và chiến thắng, thì đối thủ chỉ còn có hai cách: hoặc chạy theo con đường của chủ nghĩa dân túy hoặc phải chấp nhận kiên trì cố thủ và bám vào những giá trị cơ bản của dân chủ.

Giải pháp thứ hai đòi hỏi thời gian và lòng kiên trì, vì quả bóng mị dân không phải một sớm một chiều có thể bị nổ tung ngay.

Liệu đảng Dân Chủ có đủ kiên trì và nghị lực để theo giải pháp thứ hai hay không ?

Đó là một câu hỏi lớn cho nước Ý.

Roma, 18/04/2008

Thanh Gương

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss