Một làng Trung Hoa tại Ý
MỘT LÀNG TRUNG HOA Ở Ý
Jordan POUILLE và Lei YANG
Đặc phái viên nguyệt san Le Monde Diplomatique
Báo đài Trung Quốc đã đua nhau đưa lại lời khen ngợi của ông thị trưởng Prato (vùng Toscane) đối với người dân Trung Hoa ở đây. « Khi bệnh dịch hoành hành ở Trung Quốc, các kênh truyền hình (Ý) đều chắc mẩm là Prato sẽ trở thành hố đen ở Ý. Sự thực là tỉ lệ nhiễm khuẩn ở Prato lại thấp hẳn so với tỉ lệ trên toàn nước Ý, và không có một công dân Trung Quốc nào cư trú ở Prato nhiễm bệnh. Cộng đồng người Hoa ở đây đã vô cùng thận trọng », thị trưởng Prato đã tuyên bố như vậy trên CCTV (Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc) ngày 7 tháng tư 2020. Ông còn nói thêm với Tân Hoa Xã : « Nhiều cư dân Prato đã về Trung Quốc nhân dịp Tết (25 tháng giêng 2020) và khi trở lại Ý, họ đã tự nguyện cách ly. Phải cảm ơn họ ». Đây là lần đầu tiên người Hoa ở Prato đã được hoan nghênh như thế.
Tại thành phố công nghiệp vùng Toscane này, cách Florence 20 km về phía bắc, người Hoa đã tới lập nghiệp từ hai mươi lăm năm nay. Họ đã mua lại những xưởng dệt tàn tạ và phát triển nghề may mặc. Ô. Zhou Rongjing (Chu Vinh Tĩnh), chủ tịch Hội thương gia người Hoa ở Prato, vẫn chưa hết ngạc nhiên : « Tôi rất tự hào khi nghe những lời phát biểu của ông thị trưởng » (nói với Bắc Kinh Thanh Niên Báo, 8.4.2020). Hồi tháng giêng 2020, cùng với 18 hiệp hội người Hoa, ông Zhou đã thành lập một « lực lượng đặc nhiệm Covid », bắt buộc mấy ngàn người lao động Hoa kiều phải phong toả và đeo khẩu trang, rất sớm, trước khi chính phủ Ý ra lệnh. Một đội tình nguyện viên đốc thúc cộng đồng người Hoa tuân thủ kỷ luật và phân phát khẩu trang cho người dân Prato ngoài đường phố, trong các hộp thư và trên các bãi đậu xe bệnh viện. Bắc Kinh Thanh Niên Báo phân tích, « rốt cuộc, các biện pháp Trung Quốc đã được áp dụng. Chỉ có điều khác là các tình nguyện viên Trung Quốc không mặc áo khoác và đeo băng đỏ thôi », phớt lờ hẳn sự tham gia rất tích cực của 6 nhà thờ Tin Lành của người Hoa ở Prato.
Chính quyền Prato ước tính số cư dân người Hoa là 31 000 người – trong đó khoảng một phần tư không có giấy tờ hợp lệ – trong tổng số 195 000 dân chúng Prato 1. Năm ngoái, phòng thương mại thành phố đã liệt kê được 5 850 doanh nghiệp Trung Hoa, riêng khu vực may mặc 4280 doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này ra đời và kết liễu với tốc độ chóng mặt : tuổi thọ trung bình không quá hai năm.
Đa số quê ở Ôn Châu (Wenzhou), một hải cảng thuộc tỉnh Chiết Giang, cộng đồng người Hoa ở Prato đã phát triển nhanh chóng từ giữa thập niên 1980, cùng nhịp với những cuộc tái cấu trúc của các công ty quốc doanh Trung Quốc với hậu quả là nhân viên bị sa thải hàng loạt. Ở khu phố Belleville (quận 19 và 20 Paris), công nhân người Hoa quần quật nặn hoành thánh 15 giờ trên 24 cho các tiệm ăn tàu, thì ở Prato họ phát triển ngành pronto moda, sản xuất nhanh và rẻ quần áo cho đại chúng. Phương thức sản xuất này đã, và vẫn còn đang, đáp ứng đòi hỏi của khách hàng bán lẻ ở Châu Âu không muốn phải đợi hai tháng mới được giao hàng, và thêm nữa, quần áo lại mang nhãn made in Italy hấp dẫn 2.
Đã từ lâu ở Prato người thợ may Trung Hoa làm việc, ăn và ngủ ở ngay tại xưởng, tiền lương nhỏ nhoi của họ dùng để trả nợ những người đưa đường. Chủ nhân của họ, cũng là người Ôn Châu, thì tiêu xài xả láng, đi xe xịn. Từ đó, những cửa tiệm, hàng ăn, phòng chơi, phòng trà mọc lên như nấm.
Năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra, những nhà máy sản xuất quần áo sang trọng cuối cùng mà chủ nhân là người Ý theo nhau lụn bại, trong khi các xưởng may của người Hoa tiếp tục phát đạt. Tuy nhiên, nạn trốn thuế đã gây ra sự phẫn nộ trong dư luận : cảnh sát tài chính khám phá ra những luồng tiền không khai báo từ Toscane chuyển về Trung Quốc, ước lượng 1 tỷ Euro mỗi năm, trong đó hai phần ba xuất phát từ thành phố Prato. Một năm sau, ứng cử viên phái hữu của Berloscuni, ông Roberto Cenni thắng cử trong cuộc bầu hội đồng thị xã tại thành phố vốn là thành trì của Đảng Cộng sản sau một cuộc vận động tranh cử gay gắt, công kích cộng đồng người Hoa với « ba chục ngàn nô lệ ».
Thảm kịch Teresa Moda xảy ra vào ngày mồng 1 tháng 12 năm 2013 : bảy công nhân người Hoa bỏ mạng trong đám cháy, bị kẹt trong xưởng may bốc lửa, cũng như nhiều xưởng may khác, không có lối thoát hiểm. Chính quyền thành phố quyết định một ngày để tang. Ô. Alessandro Fabbrizzi, tổng thư ký chi nhánh địa phương của Tổng công đoàn lao động CGIL kêu gọi thành phố Prato hãy chấm dứt tình trạng « thành phố của sự bất bình đẳng » 3. Những khẩu hiệu kêu gọi « phải hành động » xuất hiện trên các bức tường phố phường.
Vài tháng sau, ứng viên phái trung tả, Ô. Buffoni, thắng cử thị trưởng với lời hứa hẹn đối thoại và tái lập pháp luật. Cương lĩnh này đã được thực hiện : từ ngày ông nắm chính quyền năm 2014, cảnh sát đã đột xuất khám xét các doanh nghiệp khoảng mười ngàn lần. Đối tượng đầu tiên là những văn phòng của kế toán của người bản địa : nhiều văn phòng đã nhận tiền để làm khống những phiếu trả lương, sổ sách kế toán, tổng kết tài chính, chứng chỉ tuyển dụng nhờ đó khách hàng người Hoa của họ được gia hạn giấy cư trú. Sau đó, những người này bị chính thức sa thải và tiếp tục làm chui cho chủ.
Các cuộc đột xuất khám xét ở các xưởng may cho thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa số nhân công và số máy may. Và người ta kiểm tra cả những biện pháp an toàn đề phòng hoả hoạn. Kết quả là hàng loạt doanh nghiệp bị niêm phong, chỉ được hoạt động trở lại với điều kiện phải tuân thủ các quy định sau khi trả tiền phạt.
« Họ lấy thước đo từng cái ghế đẩu ! Nhưng đến khi xưởng may bị trộm, hay khi chúng tôi bị hành hung ngoài đường thì chẳng thấy cảnh sát đâu cả », đó là lời than thở của một doanh nhân mà chúng tôi gặp trước ngày đại dịch. Ông Wen Junhui (Văn Tuấn Huy) 4 là chủ một tiệm bán buôn trên đường via Toscanini. Bên chén trà ướp hoa nhài, ông Văn than vãn người Ý « lười biếng », công nhân người Hoa « bây giờ đắt quá », còn người Pakistan và Châu Phi thì « tay nghề non quá ». Rồi ông mời chúng tôi đi thăm chùa Pu Hua (Phổ Hoa) toạ lạc ở Quảng trường Piazza della Gualchierina, niềm tự hào của giới thượng lưu người Hoa ở Prato. Người phụ trách ngôi chùa, ông Huang Shulin (Hoàng Thúc Lâm), đội mũ borsalino đồng điệu với đôi giầy mocassin Versace, giới thiệu ba nhà sư được thỉnh từ Ninh Ba (Chiết Giang) sang đây trụ trì, và những công trình tân trang mới được thực hiện nhờ công đức của các Mạnh Thường Quân.
Sự tráng lệ của chùa Phổ Hoa tương phản với cảnh tượng xập xệ của via Filzi, trục lộ buôn bán của thành phố, lổn nhổn những thùng rác và cột bán vé đậu xe, trên đó dán đầy những tờ bướm quảng cáo, bằng tiếng quan thoại, mời gọi điện thoại cho các « em gái » và « cô em họ ». Dọc theo đường phố này, những quán cà-phê cũ đã trở thành căng-tin cho người lao động. Thợ may của ngành pronto moda tới đây xì xụp húp những tô mì to tổ chảng, mắt dán vào chương trình ca nhạc của đài Chiết Giang TV. Từ đây đi vài bước thì tới phố Pistoese, hai bên đường là những xưởng may đầu tiên của Hoa kiều. Nhìn bên ngoài, tưởng là những công xưởng bỏ hoang, cửa sổ nhiều cái bịt kín, để che đậy ánh đèn nê-ông thắp sáng ca đêm.
Chín cây số về hướng nam, ở Seano, dưới chân những ngọn đồi ruộng nho, các xưởng may hoạt động trong những hăng-ga mới mẻ dựng phía sau những căn nhà xinh xắn mà chủ cho thuê với giá cắt cổ là người Ý. Đây cũng là sự đánh tráo chức năng phổ biến : nông cụ của nghề trồng nho được thay thế bằng những cỗ máy may và những ụ vải vóc.
Bà Lư Hồng, 34 tuổi, chân đi giầy basket, vai khoác anorak hàng xịn, là một trong những doanh nhân của ngành pronto moda. Chung quanh bà chồng chất những thùng hàng : bà chuẩn bị để hôm sau lái chiếc xe vận tải nhỏ đi trao 1 800 cái váy dạ cho một cửa hàng ở phố Popincourt (quận 11 Paris) : « Ông chủ cửa hàng này là người đồng hương, gia đình giàu có đã bị phá sản. Ông ta bắt đầu lại từ con số không », bà ta kể. Bà Lư có ý tưởng làm lớn, mua lại một nhà kho, mà nhà thiết kế, cũng người Hoa, đang sắp đặt thành 8 phòng triển lãm hàng (showroom) để cho thuê : « Cũng chẳng lời lãi gì đâu, giấy phạt sẽ trút xuống như trời mưa cho mà xem ».
Từ sách nhiễu đến trắng trợn tống tiền cách nhau chỉ một tày gang. Ngày mồng 3 tháng năm 2019, một doanh nhân Hoa kiều và người vợ bụng mang dạ chửa đã bị tống tiền tại gia : một viên cảnh sát và ba đồng loã đột nhập vào nhà, mang theo một lệnh khám xét giả mạo, cuỗm đi 11 000 Euro, một phần mười con số chờ đợi. Ngày 29 tháng tư 2020, có tin một viên chức cảnh sát cao cấp cũng dính dấp trong vụ tống tiền này. Mẩu tin đã được công bố trên tờ báo Tin tức Châu Âu xuất bản bằng tiếng Hoa ở Pháp, sau đó phát tán trên mạng WeChat.
Bà Lư giới thiệu với chúng tôi ông Cao Đồng, một trong ba công nhân dưới trướng. Ông Cao ở tuổi tứ tuần, chuyên việc là ủi. « Ở đây tôi ủi váy đầm, bà Lư trả tôi 15 xu một cái. Một ngày 12 giờ, tôi có thể ủi được một lèo 600 cái váy, tức là 90 Euro mỗi ngày. Được quá đi chớ ? ». Gốc nông dân Hà Bắc, ông Cao bắt đầu làm thợ giầy cho hãng Bally ở Thẩm Khuyến, đặc khu Trung Quốc, lương tháng 700 Euro. Năm 2017 về quê ăn tết, ông gặp một tay mối lái xuất khẩu lao động. Tay này hứa chắc một công việc lương cao, ngày ăn ba bữa, đêm ngủ giường chiếu đàng hoàng. Nghe thuận tai, ông nộp tiền và một tháng sau đặt chân lên đất Ý. Bà vợ cũng sang theo. « Bà ấy kiếm được chỗ ở một xưỏng làm khuy, cách đây mười cây số. Ở tại chỗ, phòng của xí nghiệp, hai công nhân một phòng. Vợ chồng gặp nhau mỗi tháng một lần ».
Nguồn nhân công người Hoa cạn dần, vì dòng hồi hương, công ăn việc làm ở Trung Quốc khấm khá hơn ; thế chân người Hoa là người Châu Phi và người Pakistan. Từ 7 giờ sáng, có thể gặp họ via del Molinuzzi, bâu quanh chiếc xe cam-nhông sơn màu vàng non, bán mì 1 Euro/tô và trứng trà 50 xu/chiếc. « Họ ngồi xổm vỉa hè mà ăn, y hệt người Trung Quốc », ông chủ xe căng tin, cựu công nhân, mặc tạp-dề cùng màu vàng tơ, dí dỏm nhận xét. Thời công nhân, ông ta làm thợ ở Sesto Fiorentino, cách Prato mười lăm kilômét, cách Florence mười kilômét, trong một khu nhà kho tập hợp hàng trăm xưởng làm đồ da của người Hoa, từng ô san sát nhau. Ngày nay, họ vẫn sản xuất ví đầm để bán buôn, hay bán lẻ trên đường phố. Như ô cửa hàng của bà Hồi mà chúng tôi chứng kiến, đang chuỵện trò với một bà già tóc vàng súng sính trong cái măng-tô lông chồn. Bà già đặt xuống quầy một cái phong bì rồi bỏ đi. Bà Hồi giải thích : « Đây là tiền đặt cọc. Chúng tôi làm theo mẫu đặt hàng, 14 Euro một cái ví, không biết bà cụ sẽ bán bao nhiêu. Thà không biết còn hơn », bà ta cười cười. Chúng tôi nhìn cái logo rồi tìm trên mạng bán hàng : 220 Euro. Trong cái mê cung của những gian hàng, phân cách nhau bằng một bức tường thấp và mạng lưới, chúng tôi gặp chừng khoảng 20 người châu Phi. Một trong họ là Sidy, thanh niên Sénégal 28 tuổi, ăn mặc kiểu hip-hop, ngồi khom mình trên một cái ghế đẩu. Anh ta may ví da ở đây được chưa đầy hai tuần. « Công việc ở đây cũng ổn. Sếp của tôi là tay ngồi ngay sau lưng tôi đó. Mỗi ngày tôi làm từ 7 đến 21 giờ, lĩnh 30 Euro. Làm hêt ô này sang ô khác. Ông chủ nào gửi texto là tôi chạy tới liền. »
Trở về Prato ăn tối. Trước một ngôi nhà bao quanh bằng những cây pin parasol [loại thông Địa Trung Hải, tàn cây toả ra như ô dù], chúng tôi gặp một người thợ tên là Amin, 23 tuổi, cặp nách mấy lon nước tăng lực Red Bull. Amin làm việc trong một xưởng may được bảy tháng, sau gần ba năm trại tị nạn gần Palinuro, một địa điểm nghỉ hè miền Nam. « Ba năm là thời gian để tôi xin được quy chế tị nạn chính trị. Lâu phát điên lên được, nhưng trong trại tôi cũng học được tiếng Ý ». Anh sinh trưởng ở làng Waziristan, vùng sơn cước tây-bắc Pakistan, căn cứ địa của Taliban. Mẹ chết, cha tàn tật. « Mỗi tháng tôi gửi được 300 Euro cho ông ». Chủ của Amin là người Ôn Châu, « nhưng mọi giao dịch đều qua sếp của tôi là người Pakistan, ông ta kiếm cho tôi một chỗ ngủ, 150 Euro/tháng ». Amin ở trong một ngôi nhà chia làm sáu buồng, mỗi buồng chứa bốn chàng trai. Tên lái buôn giấc ngủ, chủ nhà, là một người Ý, mỗi tháng bỏ túi 3 600 Euro. Ông ta là một người về hưu, tỏ vẻ khó chịu khi chúng tôi ló mặt.
Đối với đợt công nhân mà cuộc khủng hoảng di dân vừa mang tới, thị trưởng Prato, ông Buffoni, chủ trương vẫn một chính sách : « Những người lao động Châu Phi và Pakistan nói chung không có giấy tờ hợp lệ, nhưng họ làm việc rất nhiều giờ, mà hợp đồng lao động lại ghi là làm việc bán phần. Cho dù Prato sẽ không còn là một làng tập trung người Hoa, đây vẫn còn là một xã hội đa văn hoá. Chúng tôi phải kiến tạo một xã hội trong đó mỗi thành viên phải tuân thủ luật lệ chung. Prato hoan nghênh mọi người, với điều kiện họ phải tôn trọng luật lệ ». Năm 2019, ông Buffoni được tái cử, và đưa vào hội đồng thành phố, lần đầu tiên, hai người thuộc thế hệ con cháu của cộng đồng người Hoa 5 : Ô. Marco Wong, kỹ sư viễn thông, 56 tuổi, và bà Teresa Lin, 24 tuổi, tốt nghiệp kinh tế học ở Hoa Kỳ, nay đứng đầu doanh nghiệp may mặc pronto moda của gia đình.
Jordan POUILLE và Lei YANG
Bản dịch của Nguyễn Ngọc Giao
2 X. Antonella Ceccagno, City Making and Global Labor Regimes : China Immigrants and Italy’s Fast Fashion Industry, Palgrave Macmillan, London 2017.
3 Louise Monkholm, Re-inventing Labour Law Enforcement, A Socio-legal Analysis, Bloomsbury, London 2020.
4 Đổi tên theo yêu cầu của nhân vật.
5 X. Dario di Vico, « Teresa Lin e Marco Wong, la storia del primi due consiglieri cinesi eletti a Prato (oltre l’intergrazione) », Corriere della Sera, Milan, 10.6.2019.
NGUỒN : Un
village chinois en Italie, nguyệt san Le Monde
Diplomatique, tháng 7.2020.
Các thao tác trên Tài liệu