Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Một thế giới nguy hiểm hơn

Một thế giới nguy hiểm hơn

- Nguyễn Quang — published 20/10/2006 19:53, cập nhật lần cuối 14/03/2007 14:50
Bình luận về việc Bắc Triều Tiên thử bom nguyên tử

     
Một thế giới nguy hiểm hơn
     


Nguyễn Quang

     

Theo bản thông cáo hồ hởi thắng lợi của thông tấn xã KCNA, ngày thứ hai 9 tháng mười 2006, nước Cộng hoà Nhân dân Triều Tiên đã tiến hành "thành công và an toàn" một cuộc thử nghiệm hạt nhân dưới mặt đất, và như thế đã gia nhập câu lạc bộ khép kín của các quốc gia có vũ khí nguyên tử (xem khung đi kèm bài này). Thông tin này, nếu được xác nhận, sẽ là một sự kiện chiến lược quan trọng, làm thay đổi thế quân bình chính trị - quân sự ở Đông Á, và có thể phá vỡ sự ổn định của thế giới ở chân trời 2050.


Bom hay bịa ?

Nếu thông tin này được xác nhận... Theo bản tin của thông tấn xã KCNA và sự phối kiểm của các cơ quan tình báo nước ngoài, cuộc thử nghiệm này đã được thực hiện trong một đường hầm ở gần trạm phóng tên lửa Musudan-ri, thuộc tỉnh miền núi Hamgyong, cách Pyongyang (Bình Nhưỡng) khoảng 400 km về phía tây-bắc. Các địa chấn kế trên thế giới đã ghi lại các chấn ba của cuộc nổ, nhưng điều gây ngạc nhiên là cường độ thấp của nó : khoảng 3,5 trên thang Richter, tương đương với một quả bom khoảng 0,5-0,8 KT. Bình thường ra, một quả bom nguyên tử thử nghiệm lần đầu phải ở kích cỡ quả bom Hiroshima (15 KT), vì ít nhất hai loại lí do :

- thứ nhất là lí do tuyên truyền : một quả bom tương tự như quả bom Hiroshima có một ý nghĩa "tượng trưng" đáng kể

- thứ hai là những nguyên nhân gắn liền với giai đoạn thử nghiệm : làm bom "to" dễ hơn là làm bom nhỏ khi người ta mới tập tành kĩ thuật này. Khó tin rằng công nghệ còn thô thiển của Bắc Triều Tiên (dù dựa trên những thông tin cho các nhà nguyên tử Pakistan cung cấp) có thể sản xuất ngay được loại bom "mini" chiến thuật cỡ 0,5 KT mà phải đợi đến thập niên 1960, các nước tiên tiến mới làm chủ được.

Vì vậy, ta không thể loại trừ khả năng đây là một trò bịp quen thuộc của Bình Nhưỡng. Cách đây vài năm, họ đã đào một cái hố khổng lồ, chỉ để trêu ngươi các vệ tinh gián điệp của CIA, tất nhiên bây giờ có thể chôn sâu 500 kg chất nổ rồi châm ngòi để giả tảng một quả bom nguyên tử. Tuy nhiên, theo những tin tức mới nhất, dường như máy bay thám báo của Mĩ đã phát hiện ra những dấu vết phóng xạ ở vùng Musudan-ri, nâng cao xác suất khả năng một cuộc thử bom nguyên tử thất bại. Nhưng trong bầu không khí nghi ngờ và khiêu khích hiện nay, khó mà khẳng định ai ma giáo hơn ai. Phải nói thêm là câu chuyện này bắt đầu từ năm 1994 lận, khi mà Bắc Triều Tiên lấy từ lò phản ứng Yongbyon 8000 thỏi plutonium, khối lượng cần thiết để chế tạo năm bảy quả bom, không ngại chính quyền Mĩ tiến hành chiến tranh phòng ngừa (thời Clinton lúc đó đã nói tới chiến tranh phòng ngừa, chứ không đợi chính quyền Bush ngày nay !). Từ đó đến nay, Cộng hoà Nhân dân Triều Tiên liên tục làm "săng ta" nguyên tử, hết lươn lẹo thì lẩn tránh, hết thoả hiệp thì có kè. Năm 2003, CHNDTT rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), tiếp theo đó là việc Cơ quan Quốc tế Năng lượng Nguyên tử (IAEA) phải tạm ngưng các cuộc thanh tra, đó là hai bước cho ta dự đoán một quyết định "chuyển sang hành động". Việc phải tới đã tới, và đã tới trong một bầu không khí khiêu khích cực điểm : hôm sau ngày kỉ niệm lần thứ chín Kim Jong-il (Kim Trung Nhất) lên cầm quyền, giữa lúc tân thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm Seoul (Hán Thành), đúng ngày cựu ngoại trưởng Hàn Quốc Ban Ki-moon (Phan Cơ Văn) được bầu làm Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc, và nhất là đúng giữa cuộc thảo luận ở LHQ về khả năng trừng phạt Iran vì... phổ biến vũ khí hạt nhân.


Phổ biến và "thánh địa hoá"

Kịch bản Bắc Triều Tiên làm người ta liên tưởng tới kịch bản Iran, chỉ khác biệt ở sự so le về thời gian : cũng cù cưa với IAEA, cũng lần khân với các cường quốc Tây phương, cũng rút khỏi hiệp ước NPT trên thực tế, cũng ngoan cố chế tạo vũ khí nguyên tử... Mặc dù, sau ngày 9.10, Tehran khẳng định lần nữa rằng "Iran chống lại việc sản xuất và sử dụng vũ khí hạt nhân và huỷ diệt" chẳng ai có thể tin vào lời nói đó : nếu chương trình nguyên tử của Iran có mục đích thuần tuý dân sự, thì họ chỉ cần đi theo hướng xử lí "nước nhẹ", sản xuất năng lượng mà không chế tạo ra (quá nhiều) chất đốt phóng xạ có thể sử dụng vì mục đích quân sự. Và trong hồi kí mới đây của tướng Musharraf, người ta được biết rằng mạng lưới quan hệ của Abdul Qadeer Khan ("cha đẻ" của quả bom A Pakistan và có lẽ là người "phát tán" (vũ khí hạt nhân) vĩ đại nhất trên thế giới) đã chuyển giao máy li tâm P2 (tức là loại máy tối tân nhất) cho Bắc Triều Tiên và Iran, còn những bí mật kĩ thuật nào nữa thì không biết. Vấn đề thực chất được đặt ra là : phải chăng bất cứ nước nào cũng có quyền sở hữu vũ khí nguyên tử ?

CÂU LẠC BỘ 9 NƯỚC

Có năm nước chính thức có "quyền" (theo hiệp định NPT) trang bị vũ khí hạt nhân : Hoa Kì, Nga, Trung Quốc, Pháp và Vương quốc Anh. Ba nước khác có vũ khí hạt nhân và không kí kết hiệp định : Ấn Độ, Pakistan và Israel (mặc dù Israel không công khai thừa nhận là mình có bom). Bắc Triều Tiên kí hiệp định, nhưng đến năm 2003 đã rút chữ kí. Nếu đúng là BTT đã thử bom ngày 9.10.2006 thì CHNDTT là thành viên thứ 9 của "câu lạc bộ" các nước có vũ khí hạt nhân.

Ta hãy gạt sang một bên những luận điểm ngây thơ theo kiểu : tại sao nước này có (và Hoa Kì không những có mà đã sử dụng nữa cơ) nước kia lại không được có ? Hành tinh này không phải là cái sân trường tiểu học. Song, khi chính quyền điên loạn ở Bình Nhưỡng cho rằng vũ khí hạt nhân "sẽ góp phần bảo vệ hoà bình và ổn định ở bán đảo Triêu Tiên và khu vực", thì nhìn từ quan điểm Bình Nhưỡng, điều đó không điên lắm đâu. Bỏ qua những ma nớp chính trị (khẳng định lại tính chính đáng đã bị mai một, khơi dậy tinh thần quốc gia...), suy luận cơ bản của tất cả những nước muốn có vũ khí nguyên tử -- CHND Triều Tiên, Iran, và nghe đâu có một lúc, một bộ phận giới cầm quyền ở Việt Nam -- là cách nào "thánh địa hoá" đất nước của họ, biến lãnh thổ thành "bất khả xâm phạm" đối với những đe doạ từ bên ngoài. Phải thừa nhận rằng lịch sử gần đây (thí dụ Irak) cho thấy họ có lí, điển hình là một trong những đòi hỏi cơ bản của Bắc Triều Tiên cũng như của Iran là thương lượng tay đôi trực tiếp với Hoa Kì. Song thừa nhận lôgíc ấy không có nghĩa là phải chấp nhận nó, bởi vì nó sẽ dẫn tới sự phổ biến tràn lan không gì kiểm soát nổi. Tại vùng Đông Á, cuộc thử nghiệm bom hạt nhân và các cuộc phóng tên lửa (lại một khiêu khích nữa của) Bắc Triều Tiên đã phá vỡ thế quân bình khu vực, và như vậy Nam Hàn, Nhật Bản (có lẽ cả Úc nữa) khó có thể không phản ứng. Ở Trung Đông, các nước láng giềng và đối thủ của Iran (Arabia Saudi, Thổ Nhĩ Kì, và cả Ai Cập) cũng không thể nào khoanh tay ngồi nhìn Iran trở thành cường quốc hạt nhân khu vực. Ngay từ bây giờ, Ai Cập đã tuyên bố tái lập chưong trình hạt nhân dân sự. Và người ta có thể tiên đoán rằng nếu chương trình hạt nhân quân sự của Iran tiến thêm một bước quan trọng nữa, Mĩ và Israel sẽ "tiến công phòng ngừa" bất luận những bất trắc có thể xảy ra và cái giá phải trả.

Ai lạc quan (không biết có còn ai không nữa !) cho rằng sự phổ biến tràn lan vũ khí hạt nhân biết đâu sẽ dẫn tới sự "ngăn đe lẫn nhau", tới cái "thế quân bình bằng khủng bố" giữa 20 quốc gia hạt nhân như tình trạng quân bình giữa Hoa Kì và Liên Xô trước đây, giữa Ấn Độ và Pakistan hiện nay, sẽ mắc phải ba sai lầm :

- trước hết, tình thế quân bình song phương và tình thế quân bình đa cực không nhất thiết giống nhau

- nhất là khi trong các tác nhân lại có những tay có não trạng phi lí tính, hành xử cực đoan như những nhà độc tài "hậu cộng sản" hay thần quyền

- thứ ba, nguy hiểm hơn cả sự phổ biến tràn lan, là sự phát tán loạn xạ, nghĩa là các quốc gia "côn đồ" trao vũ khí hay vật liệu hạt nhân cho những tác nhân không phải là Nhà nước, nói nôm na, là những tổ chức khủng bố.

Cũng như trong chuyện cổ tích, vị thần nguyên tử thoát ra khỏi miệng chai, đố ai nhét thần vào trở lại. Để tránh tình trạng hỗn loạn hạt nhân, người ta chỉ tìm ra một giải pháp "đỡ xấu nhất" là hiệp ước NPT (Hiệp ước không phổ biến) mặc dù thực chất của văn kiện này là đặt thế giới dưới sự bảo kê của các đại cường. Ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng thế thôi, song dẫu sao LHQ vẫn có tính chính đáng quốc tế của nó, có nó còn hơn là phải chịu đựng luật của kẻ mạnh, phải chịu đựng của nghĩa đơn phương của tổng Bush. Và cũng nhân danh sự chính đáng đó mà, sau một tuần lễ thương lượng gay go, Hội đồng Bảo an đã nhất trí thông qua nghị quyết 1718, "yêu cầu" CHND Triều Tiên không những phải tuân thủ trở lại hiệp định NPT, mà còn phải "ngưng mọi hoạt động liên quan tới chương trình tên lửa của mình", phải "huỷ bỏ các vũ khí hạt nhân và chương trình hạt nhân một cách toàn diện, có thể kiểm tra được và không thể phục hồi'". Ý nghĩa hơn nữa là việc Hội đồng viện dẫn điều 7 của Hiến chương LHQ cho phép mình áp đặt những biện pháp ức chế (như khám xét các chuyến tàu khả nghi), đặt cơ sở hợp pháp cho một sự can thiệp quân sự có thể. Sự cương quyết khác thường này rõ ràng là một lời cảnh cáo không chỉ nhắm vào CHND Triều Tiên, mà cả Iran và những nước nhăm nhe đi vào con đường này. Song nó cũng che đậy một thất bại nhất định của các đại cường trong vấn đề  Triều Tiên và Iran :

- thất bại (và mất mặt) của Trung Quốc trong việc "cầm dây cương" một chính quyền đứng vững được cho đến nay cũng là nhờ sự giúp đỡ của chính Trung Quốc

- thất bại tương tự (tuy có phần nhẹ hơn) của nước Nga đối với Iran mà Nga muốn đóng vai trò đối tác ưu tiên

- thất bại toàn diện của chính quyền Bush muốn đập tan "trục cái Ác". Chính sự sa lầy của Mĩ ở Iraq đã mở ra "vận hội" để Bình Nhưỡng và Tehran chọc tức Washington như vậy.

Trừng trị như thế có đủ không ? Trong quá khứ, các biện pháp này đã tỏ ra vô hiệu đối với Pakistan. Thế mà Bắc Triều Tiên lại tồn tại trong vòng khép kín của một nền kinh tế tự cung tự tác từ mấy chục năm nay. Cấm đoán các "xa xỉ phẩm" chỉ có tính cách tượng trưng, cố nhiên giới nomenklatura Bình Nhưỡng ăn diện từ nay sẽ khó khăn hơn đôi chút. Ngưng viện trợ nhân đạo và phong toả nghiêm mật hơn sẽ tác động trước tiên vào dân chúng vốn đã phải sống trong cảnh cùng quẫn. Trừng trị xong rồi, còn gì nữa ? Rõ ràng là từ ngày 9 tháng Mười, chúng ta sống trong một thế giới nguy hiểm hơn.

Nguyễn Quang

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss