Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Ngón tay cái nhỏ

Ngón tay cái nhỏ

- Michel Serres — published 10/03/2011 21:20, cập nhật lần cuối 11/03/2011 13:47
Người cộng tác: Hàn Thuỷ (dịch)
Trước khi dạy học cho bất kỳ kẻ nào, ít ra cũng cần biết về chúng. Ngày hôm nay, bước qua ngưỡng cửa của các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học, là những ai ?

Những thách thức mới cho nền giáo dục


Ngón tay cái nhỏ

Michel Serres 1

Bản dịch của Hàn Thuỷ



Đây là bài diễn văn đọc trong phiên họp khoáng đại của Pháp Quốc Học Viện 2 ngày 01.03.2011, với chủ đề « những thách thức mới cho nền giáo dục » 3. Tác giả nhìn xuyên suốt lịch sử văn hoá giáo dục của loài người để đánh giá về thế hệ con người mới, được thừa hưởng những thành quả – tốt và xấu – của công nghệ thông tin truyền thông và công nghệ sinh học hiện đại. Từ đó tác giả đặt ra yêu cầu phải thay đổi toàn diện nền giáo dục, vì theo ông, loài người đang đột biến. Tuy đôi khi cường điệu, những ý kiến sâu sắc và có tầm nhìn xa này rất đáng cho chúng ta tham khảo ; không phải chỉ để biết thêm về người, mà còn để nhìn lại mình. Vì, tuy trình độ phát triển của Việt Nam, các thể chế nói chung và thể chế giáo dục nói riêng của Việt Nam, có lẽ đi sau rất xa các nước phát triển ; nhưng phải chăng các Ngón Tay Cái Nhỏ của chúng ta đang hoà nhập với thế giới hiện đại nhanh hơn chúng ta tưởng ? phải chăng ngăn chặn tự do truy cập Internet cũng giống như đã có giấy bút rồi mà vẫn bắt người dân chỉ đọc và viết trên những thẻ tre ?

H.T.



Trước khi dạy học cho bất kỳ kẻ nào, ít ra cũng cần biết về chúng. Ngày hôm nay, bước qua ngưỡng cửa của các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học, là những ai ?


I –


Cháu học sinh đó, cô sinh viên trẻ ấy, chúng chưa hề thấy con bê, con bò sữa, con lợn hay một đàn gà con. Vào những năm 1900, đa số con người trên thế giới lo việc chăn nuôi đồng áng ; năm 2010, cũng như trong các nước tương tự với chúng ta, nước Pháp chỉ còn một phần trăm nông dân. Chắc hẳn ta phải coi đó như một trong những gián đoạn lịch sử sâu rộng nhất kể từ thời đại đồ đá mới. Ngày xưa, chữ « văn hoá » 4 (culture) còn mang âm hưởng của công việc nhà nông, bây giờ văn hoá đã đổi thay.

Người thanh thiếu niên nam hay nữ tôi đang giới thiệu với quý vị không còn sống chung với các sinh vật, không cư ngụ cùng Trái Đất với chúng ta, vậy nên cũng không còn chung vị thế đối với nó. Cô hay cậu ấy chỉ còn cảm nhận những cảnh quan kỳ thú của những kỳ nghỉ hè, chơi vui giải trí hay du lịch.

  • Cháu cư ngụ trong thành phố. Cha mẹ của hơn một nửa trong các cháu đã nai lưng trên những cánh đồng. Nhưng cháu đã trở nên nhạy cảm với vấn đề môi trường. Cháu cẩn thận bớt làm ô nhiễm hơn chúng ta, những người lớn vô tâm và tự mê hoặc.

Cháu không còn chung với chúng ta một thế giới vật chất hay sinh học, về số lượng cũng không, vì nhân số thế giới đã nhảy vọt gần đến con số 7 tỷ người.

  • Tuổi thọ trung bình của cháu, ít ra là đến tám mươi. Sau khi cưới nhau, lời thề chung thuỷ của các cụ cố cháu đã chỉ kéo dài vỏn vẹn độ chục năm 5. Nay khi các cô cậu ấy tính chuyện lấy nhau, liệu có thề được như thế cho sáu mươi lăm năm ? Cha mẹ cháu được hưởng gia tài lúc khoảng ba mươi, cháu sẽ phải đợi đến già.

Đời sống các cháu không còn như đời trước, chúng sẽ sống những tuổi ta không sống, sẽ không có cùng một loại hôn nhân, không có cùng sự thừa hưởng gia sản.

  • Trong sáu mươi năm qua, quãng thời gian duy nhất trong lịch sử chúng ta, các cô cậu ấy không hề biết đến chiến tranh, sắp tới là các lãnh đạo và các thầy giáo chúng cũng như thế. Được hưởng những tiến bộ của y học và dược học, với những thuốc tê và thuốc giảm đau, nói một cách thống kê, chúng ít bị đau hơn những người đi trước. Các cháu có bị đói bao giờ không nhỉ ?

Vậy mà, mọi đạo đức học, dù có gốc tôn giáo hay thế tục, đều quy về những hành xử hướng tới sự chịu đựng những nỗi đau thường ngày và không thể tránh : bệnh tật, đói rét, sự tàn nhẫn trong thế giới.

Các cháu không còn có cùng cơ thể, cũng không còn có cùng những hành xử như chúng ta ; chẳng có người lớn nào biết và có khả năng gieo vào chúng một nền đạo đức thích hợp.

  • Thay vì được thai nghén một cách bất kỳ, chúng ra đời do được tính trước. Tuổi trung bình của bà mẹ khi sinh đứa con đầu đã tăng lên từ mười tới mười lăm năm, do đó các thầy cô không còn gặp lớp phụ huynh học sinh cùng thế hệ với mình.

Cha mẹ chúng không còn như cha mẹ chúng ta, đời sống tình dục thay đổi, chức năng sinh sản cũng sẽ thay đổi theo.

  • Các thế hệ trước các cháu tụ tập trong những lớp học hay những giảng đường thuần nhất về văn hoá, còn chúng thì học hành trong một tập thể trong đó chen vai thích cánh nhiều tôn giáo, nhiều ngôn ngữ, nhiều gốc gác và nhiều tập quán. Đối với các cháu và với các thầy cô giáo, đa văn hoá đã thành một quy luật từ vài chục năm nay. Vậy còn bao lâu nữa chúng có thể hát về thứ « máu dơ bẩn » 6 đê tiện của ngoại nhân nào đó ?

  • Các cháu không còn chung với chúng ta một thế giới trái đất nữa, cũng không còn chung một thế giới con người. Quanh chúng là các chàng trai và các cô gái nhập cư, những kẻ đã có những kinh nghiệm sống ngược lại.

Một bản kiểm kê tạm thời. Văn chương nào, sử sách nào mà các cháu có khả năng hiểu đây ? Những kẻ hạnh phúc, không hề sống qua cảnh quê nghèo, những gia súc và những ngày mùa, mười cuộc chiến, thương tật, chết chóc và đói khổ, nghĩa trang, ngọn cờ vấy máu, đài tưởng niệm liệt sĩ, không hề trải nghiệm trong đau khổ sự cần kíp sống còn của một nền đạo đức ?


II –


Ở trên nói về nhân thân ; dưới đây nói về sự hiểu biết.

  • Những người có văn hoá trong tổ tiên của các cháu đã có được một chân trời quá khứ vài nghìn năm, tô điểm bằng thời tiền sử, những bản chữ ấn góc 7, kinh thánh của người Do Thái, thời cổ đại Hy-La. Chúng bây giờ là tỷ phú thời gian, chân trời quá khứ lùi lại đến ngưỡng Planck 8, rồi sự hình thành hành tinh này, sự tiến hoá của các loài, lịch sử tiền thân loài người trong hàng triệu năm.

Không còn sống trong cùng một thời gian, các cháu đi vào một thứ lịch sử khác.

  • Chúng bị truyền thông nhào nặn, do những người lớn tuổi truyền bá và phá huỷ kỹ càng khả năng tập trung tư tưởng, bằng cách không để một cảnh nào kéo dài quá 7 giây và không để cho phản ứng nào kéo dài quá 15 giây, đây là những con số chính thức ; trong đó từ được lặp lại nhiều nhất là « chết », và hình ảnh trở lại nhiều nhất là tử thi. Mới chỉ 12 tuổi thôi, truyền thông đã bắt chúng xem đến hơn hai chục nghìn vụ giết người.

  • Chúng bị quảng cáo nhào nặn ; có thể nào dạy cho các cháu là chữ « relais » (trạm) tiếng Pháp viết -ais, trong khi ở nhà ga nào cũng có biển viết -ay ? 9 Làm sao có thể dạy cho chúng hệ thống đo bằng mét, trong khi SNCF tống vào mắt chúng những s'miles ? 10

Chúng ta, người lớn, đã thành lập song song với cái xã hội dàn cảnh biểu diễn của chúng ta một xã hội có tính giáo dục, mà sự cạnh tranh áp đảo, sự vô văn hoá một cách hợm hĩnh, làm lu mờ học đường và đại học. Bằng thời gian nghe và nhìn, bằng sự quyến rũ và tầm quan trọng của nó, truyền thông từ lâu đã chiếm lấy chức năng giáo dục.

Nhà giáo đã trở thành những người ít được nghe nhất trong những người giáo dục trẻ em. Bị phê bình, bị khinh rẻ, bị chê bai, cũng vì bị trả lương thấp.

  • Vậy thì các cháu cư ngụ trong thế giới ảo. Khoa học về sự nhận thức chỉ ra rằng việc sử dụng mạng, đọc hay viết các thông điệp bằng ngón tay cái, tham khảo Wikipedia hay Facebook, không kích thích cùng những tế bào thần kinh, cũng như không cùng các vùng não bộ như việc sử dụng sách, bảng phấn hay cuốn vở. Chúng có thể thao tác với nhiều thông tin cùng một lúc. Chúng không nhận biết, không tích hợp cũng như không tổng hợp như những người đi trước chúng.

Chúng không có cùng một cái đầu như họ.

  • Bằng điện thoại di động, các cháu có thể liên lạc bất cứ ai ; bằng hệ thống định vị, ở bất cứ nơi nào ; bằng cách nối mạng, đạt đến mọi hiểu biết ; Do đó chúng lui tới trong một không gian tôpô 11 của những miền lân cận, trong khi chúng ta cư ngụ trong một không gian mà các khoảng cách được đo bằng mét.

Chúng không cư ngụ trong cùng không gian ấy.

Một nhân loại mới đã sinh ra mà chúng ta không nhận biết, trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ thế chiến thứ hai tới nay.

Cô bé hay cậu bé ấy không còn có cùng một thân thể như chúng ta, không cùng tuổi thọ trung bình, không cư ngụ trong cùng một không gian, không cảm nhận cùng một ngoại giới, không sống trong cùng một thiên nhiên ; sinh ra với thuốc giảm đau đỡ đẻ và được lập trình từ trước, không lo âu về cùng một cách qua đời, kiểu nằm điều trị đợi chết. Không có cùng cái đầu như cha mẹ chúng, cô hay cậu ta hiểu biết một cách khác.

  • Cô hay cậu ta viết một cách khác. Vì đã quan sát chúng, với sự thán phục, gửi những câu SMS bằng hai ngón tay cái nhanh hơn là tôi không khi nào có thể làm với những ngón tay lóng cóng, tôi đã tặng cho chúng cái tên « Cô Ngón Tay Cái Nhỏ » và « Cậu Ngón Tay Cái Nhỏ » với lòng trừu mến nhất của một người ông. Tên chúng như thế, đẹp hơn là cái tên thông thái rởm « thư ký đánh máy » (dactylo).

  • Các cháu cũng không nói cùng một thứ tiếng. Kể từ Richelieu 12, Hàn Lâm Viện Pháp khoảng mỗi 40 năm lại công bố bộ từ điển chuẩn của tiếng Pháp. Trong những thế kỷ trước, mỗi lần có thêm khoảng từ 4 nghìn đến 5 nghìn từ, con số khá ổn định. Từ bộ từ điển cuối đến bộ sắp tới sẽ có khoảng ba mươi nghìn từ mới.

Với nhịp độ thay đổi ngôn ngữ ấy, người ta có thể tiên liệu rằng chỉ trong vài thế hệ nữa những người kế thừa chúng ta rất có thể sẽ xa cách chúng ta bằng như chúng ta xa cách với tiếng Pháp của Chrétien de Troyes 13 hay của Joinville 14. Vận tốc này là một chỉ dấu rõ như chụp ảnh về những thay đổi chính yếu mà tôi mô tả.

Khoảng cách mênh mông này nằm trong mọi ngôn ngữ, nó phần nào có nguyên nhân ở sự gián đoạn trong các ngành nghề, giữa những năm 1950 và hiện tại. Cô ngón tay cái nhỏ và người anh em sẽ không loay hoay trong những ngành nghề như của chúng ta.

Ngôn ngữ đã thay đổi, lao động đã đột biến.


III –


Cá nhân

Hơn thế nữa, vậy là nay các cháu trở thành những cá nhân. Được thánh Phao Lồ sáng tạo vào đầu kỷ nguyên, cá nhân mới chỉ sinh ra trong những ngày hiện tại. Chúng ta có tự nhận thấy chăng ? từ xưa tới nay chúng ta đã sống vì những mối quan hệ phụ thuộc. Người Pháp, người Do Thái, người miền Bắc, người miền Nam, người giàu, người nghèo, Nam giới, Nữ giới... chúng ta thuộc về những vùng miền, những tôn giáo, những văn hoá, nông thôn hay làng xã, những nhóm đặc thù, những đơn vị hành chính địa phương, giới tính, tổ quốc. Với các hành trình, các hình ảnh, mạng Internet, các cuộc chiến ghê tởm, gần như tất cả những loại cộng đồng nói trên đã nổ tung. Những gì còn lại cũng đang nhanh chóng tan vỡ.

Cá nhân không còn biết sống có đôi nữa, hắn li dị ; không biết ngồi yên trong lớp học nữa, hắn ngọ nguậy và nói chuyện ; hắn không thể cầu nguyện ; hè vừa qua, các cầu thủ bóng tròn không biết hợp thành một đội tuyển quốc gia ; những người làm chính trị của chúng ta liệu có còn biết xây dựng một đảng phái ? Khắp nơi người ta nói rằng các chủ nghĩa đã chết ; điều đã biến mất, chính là những mối liên hệ phụ thuộc mà chủ nghĩa có thể thu hút người ta vào.

Thực ra cá nhân sơ sinh đó báo hiệu một tin tốt lành. Sau khi cân đo giữa những phiền phức của tính ích kỷ và những tội ác chiến tranh – hàng mấy trăm triệu người chết – được gây ra với nguyên nhân và cứu cánh là dục vọng lệ thuộc, tôi yêu biết mấy những người trẻ tuổi này.

Nói vậy rồi, điều còn lại là cần sáng tạo những mối quan hệ mới. Minh chứng cho nhu cầu này là sự kết nạp vào Facebook, có tiềm năng gần như bằng số dân chúng cả địa cầu 15.

Ngón Tay Cái Nhỏ trần trụi, như một nguyên tử không hoá trị. Chúng ta, những người lớn, đã không sáng tạo ra được một mối liên hệ xã hội mới nào. Ngược lại đúng hơn, ảnh hưởng của những phê phán và nghi ngờ còn phá hoại chúng.

Những biến đổi trên đây rất hiếm trong lịch sử, thuộc loại có ảnh hưởng đến cả loài người, mà tôi gọi là hominescent 16, chúng tạo ra, ngay trong thời gian này và giữa các cộng đồng chúng ta, một cái vực chia cắt lớn đến nỗi mà ít có tầm nhìn ước lượng được chiều kích của nó.

Tôi xin nhắc lại là đã so sánh nó với những gián đoạn xẩy ra tại thời đại đồ đá mới, tại bình minh của học thuật Hy Lạp, tại khởi điểm của kỷ nguyên Thiên Chúa giáo, tại cuối thời Trung Cổ và tại thời Phục Hưng.

Ở bờ bên kia của cái vực chia cắt này, là những thanh thiếu niên mà chúng ta có tham vọng giáo dục, trong một khung cảnh xưa cũ của một thời mà chúng không nhận ra nữa : Trường ốc, sân chơi, lớp học, ghế dài, bàn học, giảng đường, khuôn viên đại học, thư viện, ngay cả phòng thí nghiệm, tôi đã định nói tới hiểu biết... Tôi xin nói đó là những khung cảnh của một quá khứ và thích hợp cho một thời đại mà con người và thế giới đã không như ngày nay.


IV –


Ba câu hỏi, thí dụ như : Truyền đạt điều gì ? Truyền đạt tới ai ? Truyền đạt như thế nào ?

Truyền đạt điều gì ? Sự hiểu biết !

Từ xưa tới một thời không xa, hiện thân của hiểu biết là nhà bác học, người đọc sử thi hay kẻ du ca. Một thư viện sống... đó là nhân thân của người làm giáo dục.

Dần dần, hiểu biết được vật thể hoá thành những cuộn quyển bằng da dày hay mỏng, cơ sở vật chất cho chữ viết tay, thế rồi từ thời Phục Hưng, thành những cuốn sách bằng giấy, cơ sở vật chất cho mực in, sau cùng, ngày hôm nay, là mạng, cơ sở vật chất cho thông điệp và thông tin.

Sự tiến triển của cặp đôi cơ sở vật chất - thông điệp là một biến số quan trọng cho chức năng giáo dục. Chính vì thế, nghề sư phạm đã đã thay đổi ba lần : với chữ viết, người Hy Lạp sáng tạo ra khái niệm giáo dục (la paideia) ; sau khi có máy in, những tác phẩm về giáo dục đã tràn ngập. Còn bây giờ ?

Tôi nhắc lại. Truyền đạt điều gì ? Sự hiểu biết ? Thì nó đấy, tràn ngập trên mạng, luôn sẵn sàng, đã được vật thể hoá. Truyền đạt cho tất cả mọi người ư ? Kể từ nay toàn bộ hiểu biết đã sẵn sàng cho mọi người. Truyền đạt làm sao ? Đấy, xong rồi.

Với khả năng liên lạc đến từng người, qua điện thoại di động, với khả năng đạt đến mọi nơi, qua hệ thống định vị toàn cầu, việc truy cập vào hiểu biết đã mở rộng. Theo một nghĩa nào đó, hiểu biết đã được thường trực truyền đạt khắp nơi rồi.

Được vật thể hoá, hẳn rồi, nhưng hiểu biết còn được phân tán nữa. Không tập trung. Chúng ta đã sống trong một không gian đo bằng mét, tôi nói thế, quy chiếu về những trung tâm, những nơi tập trung. Trường học, lớp học, khuôn viên đại học, giảng đường, đấy là những nơi tập trung con người, sinh viên và giáo sư, sách vở được tập trung vào thư viện, đôi khi người ta bảo là rất lớn 17, phòng thí nghiệm tập trung các dụng cụ... cái hiểu biết đó, những quy chiếu đó, những quyển sách đó, những từ điển đó... giờ đây chúng được phân tán khắp nơi, đặc biệt là tới tận nhà quý vị; hơn thế nữa, chúng còn tới bất cứ nơi nào quý vị di chuyển đến. Đến đâu thì từ đó quý vị cũng có thể liên lạc ngay với các đồng nghiệp, các học trò, bất kể họ đã đi đâu ; họ trả lời dễ dàng.

Không gian ngày xưa của những nơi tập trung – chính nơi tôi đang nói và quý vị đang nghe này, chúng ta ở đây làm gì ở đây vậy ? – đang mở rộng, đang hoà tan; tôi vừa nói là chúng ta đang sống trong một không gian lân cận tức thì, nhưng thêm nữa, nó lại phân tán – Tôi có thể ngồi nhà nói chuyện với quý vị ; và quý vị có thể nghe ở nhà, hay ở bất cứ chỗ nào khác.

Xin đừng nói rằng học sinh không có những chức năng nhận thức cho phép chúng hấp thụ cái hiểu biết phân tán như thế, bởi vì, chính vậy, những chức năng đó biến đổi theo cơ sở vật chất. Chức năng nhớ, chẳng hạn, đã đột biến theo chữ viết và máy in đến độ mà Montaigne 18 đã muốn một cái đầu được tổ chức tốt, hơn là một cái đầu chứa đầy. Cái đầu đó đã đột biến rồi.

Vậy thì cũng đã như thế khi người Hy Lạp sinh ra ra khái niệm giáo dục, vào lúc chữ viết được sáng tạo và truyền bá ; cũng đã như thế, giáo dục biến đổi với sự phát triển máy in trong thời Phục Hưng ; cũng vậy, giáo dục thay đổi toàn bộ cùng với những công nghệ mới.

Và, tôi nhắc lại, những công nghệ này chỉ là một biến số trong một hay hai chục biến số mà tôi đã kể ra, hay có thể liệt kê thêm.

Chúng ta cảm thấy nhu cầu cấp thiết phải có một cuộc thay đổi có tính quyết định trong việc dạy học, nhưng nó còn xa vời – thay đổi đó lan truyền đến toàn bộ xã hội loài người và toàn bộ những thể chế đã lỗi thời, thay đổi đó không chỉ ảnh hưởng đến việc dạy học, mà chắc chắn ảnh hưởng đến cả lao động, chính trị, và toàn bộ những thể chế của chúng ta – có lẽ vì những người đang lê bước trên đoạn đường giữa hai trạng thái còn chưa về hưu, thế mà chính họ lại chăm chút công cuộc cải tổ, theo những mô hình đã tan biến từ lâu.

Là người dạy học trong bốn mươi năm, khắp thế giới từ Nam chí Bắc đều đi gần đủ, thấy ở đâu cái vực chia cắt này cũng mênh mông như tại đất nước tôi, tôi đã bị, đã phải chịu đựng những cuộc cải tổ này như thể dán cao lên chân gỗ, hay vá víu vụng về ; vậy mà, cao dán chỉ làm hại cái chân 19, và vá víu vụng về chỉ làm vải rách hơn chứ chẳng chắc thêm như ý muốn.

Vâng, chúng ta đang sống một thời kỳ so sánh được với bình minh của giáo dục (la paideia), sau khi người Hy Lạp đã học viết chữ và chứng minh ; so sánh được với thời Phục Hưng, khi người ta thấy sự khai sinh của nghề in, đưa đến kỷ nguyên sách vở ; tuy nhiên, thời của chúng ta là vô song, chính vì trong khi công nghệ đột biến, nhân thân cũng biến thái, sự sống và cái chết đổi nghĩa, cũng như sự đau khổ và việc chữa lành, bản thân con-người-trong-thế-giới, nghề nghiệp, không gian sống và nhà cửa.


V –

Lời kết tặng 20


Đứng trước những đột biến đó, chắc hẳn việc làm thích hợp là sáng tạo nên những cái mới không thể tưởng tượng trước được, nằm ngoài những khung cảnh cũ kỹ vẫn đang gò ép các hành xử và các dự án của chúng ta vào trong khuôn khổ. Ngày hôm nay các thể chế của chúng ta toả ra một quầng sáng giống như những quầng sáng của các thiên hà, mà ngành thiên văn vũ trụ cho biết, đã chết từ lâu rồi.

Tại sao những cái mới ấy đã chẳng hề xuất hiện ? Tôi quy tội đó cho các triết gia, trong đó có tôi, theo tôi thấy, những người làm cái nghề tiên liệu những hiểu biết và hành động thực tiễn sẽ đến, cũng như tôi, đã thất bại trong nhiệm vụ của họ. Dấn thân vào một chính sách ăn xổi ở thì, họ không thấy con người đương đại đang đi tới. Thật vậy, nếu tôi phải vẽ bức ký hoạ về những người lớn, trong đó có tôi, thì sẽ còn ít đẹp mắt hơn.

Tôi ao ước năm nay vừa mười tám tuổi, tuổi của Cô Ngón Tay Cái Nhỏ và Cậu Ngón Tay Cái Nhỏ, chính vì sẽ phải làm lại tất cả, không, chính vì sẽ phải làm tất cả.

Tôi hy vọng cuộc đời sẽ cho tôi đủ thời gian để tiếp tục lao động trên chủ đề này, cùng với các Cô Cậu Nhỏ ấy, cả đời tôi đã cống hiến cho các cháu, vì tôi luôn luôn yêu mến các cháu với tất cả niềm kính trọng.


Michel Serres

Hàn Thuỷ dịch và chú thích




Chú thích


1 Triết gia Pháp, sinh năm 1930, từng dạy môn lịch sử khoa học tại Sorbonne và Stanford, được bầu vào Hàn Lâm Viện năm 1990. Chú thích về các nhân vật có trong bài được tham khảo từ Wikipedia.

2 Nguyên văn « séance solennelle » nghĩa đen là phiên họp long trọng, thực chất là họp chung cả Pháp Quốc Học Viện gồm năm Viện Hàn Lâm, hoặc vì có một lễ nghi nào đó như tiếp đón một nguyên thủ nước ngoài, hoặc vì chủ đề có tầm quan trọng lớn và liên ngành. Ở đây dùng cụm từ « Pháp Quốc Học Viện » để dịch tên « Institut de France ». Xin đừng nhầm với « Collège de France », tên có thể được dịch là « Pháp Quốc Học Sĩ Đoàn » (nghĩa đầu của collège là một tập hợp các cá nhân cùng nghề hay cùng chức vụ...), nơi chuyên giảng những vấn đề mới nhất trong các ngành, dự thính tự do và không cấp chứng chỉ gì cả. Collège de France tự bầu một người mới khi cần, chỉ dựa trên sự nghiệp mà bất kể học vị hay quốc tịch. Tổ chức này không có tương đương trên thế giới.

3 Có thể tìm nguyên bản những diễn văn đọc trong buổi họp này tại :
http://www.institut-de-france.fr/education/

4 « Văn hoá » tiếng Pháp là « culture », mà nghĩa đầu là « trồng trọt ».

5 Ý nói … thì một người đã chết.

6 Nhắc đến một câu trong quốc ca Pháp

7 Một cái bảng bằng đất sét trên đó người ta viết chữ bằng cách ấn trên đó góc một cái que thành vết lõm hình tam giác, mỗi tổ hợp một số nét tam giác (theo hai chiều dọc ngang) như vậy làm thành một chữ theo kiểu tượng hình. Chữ « ấn góc » có ở vùng Trung Đông hiện nay từ khoảng 3400 năm trước Tây lịch.

8 Khi đi ngược thời gian bằng vật lý lý thuyết để tìm hiểu điểm khởi đầu của vũ trụ người ta gặp phải « ngưỡng Planck », mà theo thuyết lượng tử thì không thể đi xa hơn.

9 Tác giả nhắc đến việc nhà xuất bản Pháp Hachette đồng thời cũng là chủ nhân của các trạm bán sách báo trong các nhà ga, trước tên là « Relais Hachette » (trạm sách báo Hachette) nay đã đổi thành « Relay », tiếng Anh, vì muốn mở rộng kinh doanh này trên thế giới với một thương hiệu độc nhất.

10 Một loại thẻ giảm giá của công ty xe lửa quốc gia Pháp (SNCF) cho khách hàng đã đi nhiều cây số, nhưng lại gọi là thẻ s'miles, smile là mỉm cười, và một mile là một dặm trong tiếng Anh.

11 Không gian toán học trong đó khái niệm lân cận được định nghĩa bằng nhiều tiêu chuẩn khác nhau chứ không nhất thiết là khoảng cách trong không gian. Một thí dụ, người Mỹ thường hay ước lượng khoảng cách bằng thời gian đi xe hơi, hỏi từ A đến B xa bao nhiêu ? Trả lời: ba tiếng rưỡi. Không gian tôpô của họ được định nghĩa bằng thời gian di chuyển. Đường núi dài 100 km khi ấy có thể « xa » hơn đường xa lộ bằng phẳng dài 200 km.

12 Armand Jean du Plessis de Richelieu (1585-1642), Hồng Y giáo chủ, người sáng lập Hàn Lâm Viện (1635), « tể tướng » (principal ministre d'état) của vua Louis XIII (1601-1643).

13 Thi sĩ Pháp, sống khoảng từ 1135 đến 1185

14 Quan án Pháp, sống từ 1225 đến 1317. Tiếng Pháp của thế kỷ 12 hay 13 này được gọi là tiếng Pháp cổ, người Pháp không chuyên không thể đọc và hiểu.

15 Nguyên văn : En témoigne le recrutement de Facebook, quasi équipotent à la population du monde. Trong tiếng Pháp « équipotent » được dùng trong toán học và y học, thuật ngữ toán có nghĩa « có quan hệ một đối một với nhau », trong trường hợp đếm số hữu hạn, thì là « bằng nhau ». Trong y học, hai chất thuốc équipotent là hai chất thuốc có khả năng như nhau, một tế bào équipotent là một tế bào gốc, có tiềm năng như nhau để trở thành một tế bào chức năng này hay chức năng khác (equi : bằng, potent : tiềm năng / khả năng). Ở đây có lẽ tác giả dùng theo nghĩa từ nguyên, gần giống như được sử dụng trong y học, nhưng cũng khác.

16 Hominescent là tân từ do tác giả tạo ra, gồm gốc homin- chỉ loài người và tiếp vĩ ngữ -escent : mang đặc tính của, hay có khả năng trở thành... Ở đây không dịch được, mà đã « diễn nôm » như trên.

17 Tác giả ám chỉ trung tâm mới của Thư Viện Quốc Gia Pháp, do tổng thống Pháp Mitterrand quyết định thực hiện năm 1988, mở cửa cuối năm 1996, rất hoành tráng và được mỹ danh là « Thư viện rất lớn » (TGB, très grande bibliothèque »

18 Michel Eyquem de Montaigne (1533-1592) là nhà văn và triết gia người Pháp sống thời Phục Hưng.

19 Câu này vô nghĩa, chắc chỉ là câu nói đùa.

20 Nguyên văn : « Envoi », nghĩa riêng ở đây là tên của khúc cuối trong một số bài thơ cổ, khi nó được dùng để vừa làm đoạn kết bài thơ, vừa để gửi tặng một người nào đó.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us