Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Người giàu cũng nổi dậy

Người giàu cũng nổi dậy

- Đỗ Kh. — published 17/03/2011 13:26, cập nhật lần cuối 17/03/2011 13:37
Khu vực vùng Vịnh Ả rạp là khu vực thu nhập bình quân vào hàng đầu thế giới, lắm Cuờng Đô la cũng như lắm Tăng Thanh Hà và có thể ví ngang ngửa với khu vực vùng vịnh… Hồ Tây hay là Tuần Châu.



Người giàu cũng nổi dậy



Đỗ Kh.


Khu vực vùng Vịnh Ả rạp là khu vực thu nhập bình quân vào hàng đầu thế giới, lắm Cuờng Đô la cũng như lắm Tăng Thanh Hà (*) và có thể ví ngang ngửa với khu vực vùng vịnh… Hồ Tây hay là Tuần Châu. Đối diện với anh cả Iran là một số tiểu quốc dân số thì ít nhưng thu nhập thì nhiều. Đứng đầu sản xuất bình quân là Qatar, dân cư là 1,6 triệu nhưng GDP tính theo hối đoái (nominal) ngang hàng Việt nam (100 tỉ USD), nếu tính theo đầu người thì cao gấp ba lần nước Mỹ. Kuwait (3,5 triệu dân/135 tỉ USD), Bahrain (1,2 triệu dân/20 tỉ USD), United Arab Emirates (5 triệu dân/252 tỉ USD), Oman (2,8 triệu/53 tỉ USD) tuy có cách biệt giữa nơi này nơi kia nhưng đại khái là nhờ trời đâu cũng đều có miếng ăn, còn dư giả chút đỉnh để sắm xe BMW mạ bạc. Đằng sau các tiểu quốc này là anh hai Saudi với nghe đâu là 1/4 dự trữ tài nguyên dầu hoả của thế giới, 27 triệu dân và 440 tỉ GDP. Khối này chủng tộc là Ả rạp, cùng một ngôn ngữ và văn hoá, về tôn giáo là Hồi và đa số giáo phái Sunni. Bên kia bờ Vịnh (còn được gọi là Vịnh Ba Tư) khó quên và sờ sờ là nước ‘lạ’, chủng tộc khác và Hồi giáo đa số giáo phái Shia, một đế quốc cũ huy hoàng lịch sử mấy ngàn năm, giờ 75 triệu dân số và sức nặng kinh tế 360 tỉ.


Ở Thế kỉ 21 này, phải mỏi mắt mới tìm ra được một quốc gia còn theo chế độ quân chủ phong kiến và toàn quyền, thí dụ Tonga dưới biển Thái Bình hay Bhutan trên núi Hy Mã Lạp. Nhưng chẳng hiểu sao, khu vực Ả rạp lại là nơi tập trung các Vương quốc chuyên chế còn lại của thế giới (nếu ngoại trừ Brunei và nhà Kim ở Bắc Triều Tiên) ! Xa xa là Marốc, gần gần là Jordan và nhất là vùng Vịnh, 6 quốc gia và 12 vương triều (UAE gồm 7 tiểu vương quốc). Lạ lùng hơn nữa, các vương triều chuyên chế này đều là những người bạn chí thân của Hoa Kỳ nhưng lại bị Hoa Kỳ bỏ quên khuấy trong nhiệm vụ hàng đầu là nhiệm vụ truyền bá dân chủ tại Trung Đông ! Thành ngữ Pháp “con nhà thợ giày bao giờ cũng đi dép xấu” là vậy. Đợi mãi không thấy sư phụ trong nhà truyền món nghề dân chủ cho mình mà chỉ lo giáo huấn đâu đâu những Venezuela hay là Afghanistan, vào đầu năm 2011, người dân vùng Vịnh bèn tự lo học tập lấy.


Các biến động xuống đường tại Tunisia, Ai Cập hay Yemen, Algeria đuợc giải thích khởi đầu bởi bão giá thực phẩm và sinh hoạt. Thu nhập tại các nước này thấp hơn vùng Vịnh, một số lớn phải ra nước ngoài lao động, tại Âu Châu hay là ngay tại trong khu vực Trung Đông. Ngược lại, tại vùng Vịnh, lao động nước ngoài có nơi lên đến 60 % (Kuwait), 75 % dân số (Qatar) hay 80 % (UAE). Tại Bahrain số người nước ngoài tròn (hay méo) một nửa. Saudi và Oman, số lao động nước ngoài tuy ít hơn, cũng chiếm đến 30 % và 20 % tổng số dân cư. Một cách thiết thực, khách đến những nơi đầu hầu như không có dịp tiếp xúc với người bản xứ. Bảo vệ khách sạn người Ấn Độ, lễ tân người Trung Quốc, phục vụ Philippines, làm phòng Ethiopia, tài xế Bangla Desh, giáo viên Ai Cập, bác sĩ Palestine, quản lý Lebanon, chưa nói là ngay cả Hải quan, Công an, Quân đội cũng có thành phần nước ngoài góp mặt, Pakistan, Syria… và tất nhiên là ở cấp thừa hành tu huýt, dùi cui. Lao động từ Âu Châu giữ các vai trò kỹ thuật, xi xô tiếng Anh tiếng Nga. Riêng tiếng Nga này, hay Ukraine, Moldova… còn thánh thót những hộp đêm quán rượu, xin lỗi ông Trịnh, mắt sâu hun hút cho chân thêm dài. Đây nói qua và nói kiểu một số người Việt quan tâm đến số phận của phụ nữ ta, thì nhục siết bao và nhục biết chừng nào cho một siêu cường cũ, 20 năm sau khi đã đánh đổ chế độ cộng sản ! Phần người bản xứ thì hình như không có làm gì hết, ngoài việc cho thuê quốc tịch bằng cách đứng tên trên các công ty và hợp đồng. Vào năm ngoái chẳng hạn, chính quyền Sharjah (1 trong 7 tiểu quốc UAE) quyết định tân trang toàn bộ các taxi địa phương, là 120 hay 200 chiếc ở tiểu quốc 800 000 dân số này. Việc này được thông báo trên báo chí, trong thời gian quy định, các chủ xe taxi chỉ việc mang xe cũ đến sở giao thông, sẽ được đổi xe mới ! Mà theo tôi thấy, các chiếc Camry Toyota trong phố dùng vào việc này cũng chỉ có 3 hay 4 tuổi là nhiều. Tất nhiên, tài xế các xe này là người gì từ đâu đến, chạy xe cho chủ là người bản xứ. Khi tôi hỏi, sao ở đây nhà nước sang vậy thì anh lái xe, người gốc Hồi Miến Điện và tỵ nạn tại Bangla Desh bèn thốt, bọn nó có tiền, muốn làm chuyện gì mà chẳng được. Tôi không được rõ là khởi thủy, các chủ xe này có phải bỏ tiền ra sắm xe hay là được nhà nước tặng không hay trợ giúp bao nhiêu phần.


Ba mươi năm trước, Sharjah trong ký ức lờ mờ của tôi là một phố huyện bên bờ biển đèn vàng hiu hắt nhưng lao động lúc đó cũng đã phần lớn là đến từ bán lục địa Ấn, như câu nói đùa nửa bang Kerala là ở vùng Vịnh Ả rạp. Hiện diện của người Ấn là một phần là do lịch sử, khi thời của thuộc địa Anh quốc chấm dứt, các Lawrence miền sa mạc trở về cố quận, để lại cho các vương bộ lạc địa phương vai trò làm quản gia cho các hãng dầu khí Tây phương. Hiện diện này một phần là do lịch sử trước đó, trước cả khi người da trắng đến, khi bờ biển này còn đánh cá mò trai và giao thương với lại bán lục địa bên kia. Ngày nay Manama hay Dubai cách Mumbai 5-6 giờ bay, bằng khoảng cách giữa vùng Vịnh và Beirut hay Damascus. Ngày xưa vẫn là khoảng cách địa lý đó, khác chăng một phía là đường sa mạc và một phía là đường biển. Vùng Vịnh, nói cách khác, gần với Ấn không kém với những người Ả rạp ở phía Địa Trung. Một gia tài khác của lịch sử là hiện diện tại vùng này của Ba Tư.


Ba Tư là ngay bên kia bờ Vịnh, bên kia eo Hormuz rập rình. Cho đến năm 1958, Shah hoàng Iran vẫn còn coi và đòi Bahrain bên kia biển là một phần lãnh thổ của Iran. Lý do là dân cư Bahrain đa số gốc Ba Tư, chí ít nếu Ả rạp thì đa số cũng đồng giáo phái Shia. Ông chỉ ngưng yêu sách này khi phong trào quốc gia Ả rạp rầm rộ, đua nhau đánh đổ các vương triều Ai Cập và Iraq, đe doạ các chế độ quân chủ còn lại trong vùng. Giữa lãnh thổ và đoàn kết phong kiến, “ Phong kiến toàn khu vực đoàn kết lại ! ”, vua Iran đã chọn giải pháp thứ nhì, thôi thà để Bahrain cho một thằng Ả rạp đội miện ngồi ngai cai trị còn hơn là để cho nó trở thành một cộng hoà quốc gia vung vẩy kiểu Nasser. Ước vọng của ông thành, và các tiểu vương quốc này ra đời khi người Anh ra đi, để lại vài ông râu mép vểnh và mặt đỏ như tôm luộc làm gì đó cố vấn thuê trong guồng máy hành chánh và quân đội. Riêng Oman còn phải trải qua một nội chiến 13 năm (1962-1975) tại phía nam khi vùng Dhofar đòi tự lập và rốt cuộc bị chính quyền trung ương trợ giúp bởi quân đội Anh quốc và viễn chinh Iran dẹp tắt. Đây là để nhắc lại, lần trước mà Iran can thiệp vào vùng Vịnh Ả rạp là dưới thời Shah hoàng, để sát cánh bảo vệ ngai vàng của một tiểu vương Ả rạp cùng với Anh quốc, vương quốc Jordan và lính đánh thuê Baloucht, Pakistan. Phe nổi dậy và đòi tự trị (Mặt trận Giải phóng Dhofar, DLF) lúc đó được yểm trợ và giúp đỡ bởi Ai Cập phi liên kết của Nasser và Nam Yemen cách mạng.


Ngày nay, giáo dân Hồi hệ phái Shia trong khu vực (6 % tại Qatar, 15 % tại Saudi, Oman và UAE, 30-40 % tại Kuwait, 60-70 % tại Bahrain) được coi là “ tay trong ” và “ hiểm hoạ nằm vùng ” của thần quyền Iran ! Ấy chẳng qua là ông Shah đã bị lật đổ vào năm 1979, chứ nếu ông mà còn thì Iran đã là đồng minh lớn của các vương triều, sẵn quân mà gửi sang giúp dẹp loạn tại Bahrain chẳng hạn chứ chẳng cần đến Saudi ! Tại đây, phong trào dân chủ bị quàng vào cổ tính cách Shia vì người Shia là thần dân hạng 3 của tiểu quốc (thần dân hạng 2 là người Sunni ngoài hoàng tộc và tôn thất, còn hạng 4 là lao động nước ngoài). Trong mấy chục năm liền phát triển, tiền dầu khí rơi vãi đã đủ ban ơn cho mọi người, kiểu đã kể như trên, tao cho mày đổi lấy cái taxi mới. Nhưng mấy chục năm phát triển, người dân vùng Vịnh cũng không còn ngồi xếp bằng trong lều và xỉa răng bằng ngón tay mới vừa dùng để tảy ghét ở khe ngón chân cái. Họ giờ có ăn có học, khổ thế, và từ đâu nó nhồi vào trong đầu là chế độ quân chủ chuyên chế chỉ cách thùng rác “ recycle bin ” của màn hình có một cái nút “ delete ” ! Tất nhiên, tiên phong là giai cấp bị ngược đãi nhất, tức là người Shia. Họ không được thu nhận vào quân đội, công an, chính quyền vì chính sách lý lịch này, chẳng những thế, chế độ còn gia ân và ban quốc tịch cho người nước ngoài theo giáo phái Sunni như Pakistan, Syria, Ai Cập. Ngay người Sunni bản xứ, ăn học xong cũng thất nghiệp rã họng ở một nơi mà mọi đặc quyền, lớn thì hợp đồng, quota, nhỏ thì biên chế nhà nước nhưng lớn nhỏ gì thì cũng dành cho tôn thất chứ còn cho ai. Một thí dụ, vua Saudi Abdallah hiện nay được coi là một người cải cách khi ông đề nghị mấy năm về trước là các ông hoàng trong nước phải thanh toán hoá đơn điện nước và điện thoại như mọi người thôi. Một thí dụ khác, khi biệt động Saudi năm 2004 đánh tháo con tin tại Khobar, họ phải dùng trực thăng vận tải khổng lồ và đùng đình CH-47 Chinook chứ không có trực thăng MH-6 Little Bird đặc nhiệm như là biệt động Mỹ. Saudi mà không có tiền sắm trực thăng MH-6 (nhanh và bé) à ? Đáng bao nhiêu ? Không phải vậy, quân lực Saudi chỉ có trực thăng vận tải vì chỉ có loại trực thăng này mới chở được lều và xe con lỉnh kỉnh để các ông hoàng cuối tuần ra sa mạc săn thú bằng chim ưng ! Thí dụ cuối cùng là phát biểu của ông hoàng Bandar, cựu đại sứ Saudi tại Mỹ : “ Nếu bảo rằng để xây dựng đất nước này tốn kém 400 tỉ mà chúng tôi làm phung phí hay lấy mất 50 tỉ, thì tôi trả lời rằng, Ờ, vậy rồi đã sao ? ”, nghe thấy cũng có oai hơn là “ tại vì tôi thích ” hay “ tại vì tôi chưa thích ” (**).


Phản ứng đầu tiên của các chế độ vùng Vịnh trước làn sóng bất mãn là mua chuộc. Vương Kuwait mượn cớ 50 năm độc lập ban cho mỗi thần dân già trẻ lớn bé 3 400 USD tiền quà, và cộng thêm là thực phẩm được miễn phí trong vòng 14 tháng. Nhà vua mà, đã bo là bo nặng. Oman tăng ngay lương tối thiểu 50 %, Saudi tăng lương 15 %, xoá nợ, cho vay tiền đi học và mua nhà, nhận thêm 30 % công chức vào biên chế (tức là được hưởng bảo hiểm y tế, tiền hưu). Bahrain trợ cấp đắt đỏ mỗi hộ 2 600 USD, nhưng dân tình ở đâu cũng thế, cho chúng nó một nó đòi hai, đối lập ở Saudi vòi ngay lương tối thiểu là 12 USD / giờ (lương tối thiểu liên bang Hoa kỳ là 7,25 USD, chắc ở Mỹ cũng phải dọa biểu tình vậy) ! Cớ gì chúng mày đòi lương cao hơn Mỹ, nhưng những thứ đó quỹ xã hội cấp thời của Saudi là 36 tỉ (1 330 USD/ người) cũng như 10 tỉ mới cho Oman (3.400 USD/người) hay 10 tỉ cho Barhain (8.300 USD/ người), có thể phần nào đáp ứng. Nhưng khát vọng dân chủ, quyền làm người, làm chủ định mệnh và làm chủ đất nước thì bao nhiêu ngàn USD chẳng thấm thía gì.


Nổi dậy của thần dân tại Bahrain đe dọa sự sống còn của các thể chế quân chủ vùng Vịnh cho nên tập hợp súng sính là Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council) 6 nước không thể nào chấp nhận, mặc dù mức độ chuyên chế nặng nhẹ tùy địa phương. Ngày 16.3, Saudi chuyển 1 000 hay 2 000 quân không rõ, với 150 xe bọc thép sang Bahrain, UAE hứa hẹn 500 công an và Qatar cũng sẽ tham gia. Tại một nước 1,2 triệu dân cư, 150 xe bọc thép là nhiều và xăng dù có rẻ và chai dù có sẵn thì bom xăng cũng không thể cháy được xe bọc sắt. Thiết quân luật được ban hành 3 tháng, lệnh giới nghiêm 12g/24g. Sáng 17, tụ tập biểu tình ở bùng binh Pearl bị dẹp sạch làm chết 4 người (?), số bị thương lên vài trăm (?), lối đến bệnh viện lớn duy nhất ở thành phố bị cấm cản. Các khu vực dân cư Shia bị phong tỏa, vào lúc tôi đang viết tweet Barhain dồn dập là công an đến từng nhà một bắt người dẫn mang đi, có nơi hô hoán trực thăng nã sung vào các làng Shia, mức độ khả tín thế nào thì không biết. Điều chắc chắn là vua Hamad sau mấy tuần lúc tiến lúc lùi, giờ đã buộc vận mệnh của nhà Khalifa vào với mệnh chung của anh hai Saudi và các vương triều trong khu vực. Mày mà quân chủ lập hiến thì chúng tao sẽ ra sao ? Hội nghị Diên Hồng của các bô lão mũ mão vùng Vịnh đã quyết định, hô vang “ Sát ! ! Sát ”, sát các thần dân phản loạn.


Việc bài Shia có thể thành công trong nước trong việc phân hoá phong trào dân chủ theo tuyến các giáo phái. Lập tức, có hai bộ trưởng người Shia đã từ nhiệm để phản đối. Nhưng như vậy vấn đề lại được quốc tế hoá ra bên ngoài biên giới quốc gia. Iran đằng hắng một cách thận trọng nhưng ở Lebanon (1/3 dân số là Shia) Hebzbollah đã xuống đường phản đối và chính phủ Iraq ở sát nách do đa số Shia nắm quyền lên tiếng bênh đồng giáo. Các thiểu số Shia ở nơi khác vùng Vịnh, thứ nhất là tại Saudi sẽ phải có phản ứng mạnh trở lại, sau khi các cuộc biểu tình nhỏ tại Qatif không thành công. Đàn áp bằng vũ lực, bằng xe bọc sắt và trực thăng, bằng súng đạn có hiệu quả nhất thời. Nhưng trong thời gian vài tháng tới, nếu có thiếu nữ nào che mạng và thí mạng bằng cách đánh bom người trung tâm mua sắm Seef ở Manama, nếu có xe bom nào đánh vào căn cứ của Hạm đội 5 Hoa kỳ thì đừng hỏi tại sao khủng bố lại có thể nảy sinh ở một đất nước mang danh hiệu là “ Business Friendly Bahrain ”.

Đỗ Kh.






(*) Cường Đô La, tức Nguyễn Quốc Cường, sinh năm 1982, Tổng giám đốc rất nhiều công ti mang tên "Quốc Cường" (Gia Lai, Đà Nẵng, Thủy điện...) mà cổ đông nắm đa số là bà mẹ, Nguyễn Thị Như Loan (tức Loan Méng), gia sản ước tính từ 1 đến 2 tỉ USD. Bà Loan làm giàu từ việc đốn hàng ngàn hec-ta rừng ở Pleiku. Công tử Cường được gọi là "Cường Đô La" từ năm 11 tuổi. Nổi tiếng với những chiếc mô tô chạy nhanh nhất, rồi chuyển sang những chiếc "hộp xế", "xe xịn" đắt tiền nhất (Rolls, Bentley, Lamborghini, Ferrari...) mang số 8888 (phát phát phát phát), 6666 (lộc lộc lộc lộc)... Đi kèm bộ sưu tập xe xin là một chuỗi chân dài, trong đó có Tăng Thanh Hà. Hình như tác giả Đỗ Kh. chưa cập nhật lắm : bây giờ không phải là Tăng Thanh mà là Hồ Ngọc Hà (chú thích của DĐ).

(**) Tuyên bố nổi tiếng một thời (năm 2004) của ông Nguyễn Xuân Hiển, TGĐ công ti Hàng không Việt Nam (Viet Nam Air Lines)



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us