Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Người ở lại Cocody

Người ở lại Cocody

- Đỗ Kh. — published 10/04/2011 16:00, cập nhật lần cuối 10/04/2011 16:00
Tình hình Cote d'Ivoire (Bờ Biển Ngà), nhìn xa hơn ống kính TV.


Người ở lại Cocody


Đỗ Kh.


Người thiếu phụ đưa tay lên quệt một giọt mồ hôi hay là nước mắt ở trên má. Trông cô phờ phạc và cô lắp bắp gì đó với ống kính.


“ Thì cái sợ… căng thẳng và lo âu. ”


“ Vậy giờ cô sẽ đến ở tại trại Port Boué ? ”


“ À, không ! Không, chúng tôi sẽ đi ngay ! Rời khỏi nước này ! ”, cô ta lắc đầu mệt mỏi.


Trước đó, tôi đã thấy trên màn hình, chồng cô ta vạm vỡ, một nách xách đứa bé lên ba, tay kia cầm va ly theo đoàn người rời khỏi khách sạn. Giờ thì anh nói, bằng tiếng Pháp phát âm theo giọng Phi châu, là lạ thế nào khi từ cửa miệng của một người da trắng.


“ Có nơi thì bị cướp rồi, có nơi thì sẽ bị cướp thôi ! Người ta đi hết rồi ”, anh hất cằm, “ chỉ còn các nhóm võ trang cái gì họ cũng ăn cắp hết ! ”


Phóng viên ở ngoài hình nhấn giọng với một vẻ gì uốn éo đầy nghiêm trọng :


“ Đây là những người Pháp gốc Liban phải bỏ lại đằng sau tất cả cuộc sống của họ ! ”


Theo tôi thì đây hơi cường điệu, vì tất cả cuộc sống của họ không phải là Côte d’Ivoire. Thiếu phụ vừa rồi người Pháp gốc Liban, cuộc sống của cô còn là Saida (1) và Neuilly sur Seine (2). Chồng cô thì là người Mỹ gốc Liban tuy phát âm tiếng Pháp kiểu Phi châu như vừa thấy, cuộc sống của anh còn là Washington, Beirut. Một hai năm nay tôi chưa có dịp gặp lại W. nhưng anh gọi tôi bằng dượng (3).


Năm ba ngày ba đêm vừa qua, vì cách giờ nên lăn qua lăn lại trên giường, tôi nghe lỏm chuyện gia đình vợ vừa trên điện, vừa trên máy tính, kẻ miền Đông Hoa Kỳ, người miền Tây, kẻ Liban họp nhau thông tin và bàn tính, thỉnh thoảng lại trực tiếp trao đổi với hai đứa cháu ôm con nằm bò trong hành lang một căn hộ ở khu Plateau thành phố Abidjan, giữa hai cây cầu cách khách sạn Novotel một con đường và không xa mấy dinh Tổng thống. Không có nước không có điện, cầm chừng vẫn sạc di động nói chuyện được. Không có mạng nhưng sử dụng Blackberry thì vẫn chat được, 2 hay 3 giờ sáng (ở Cali) máy của vợ tôi vừa nhận tweet thì bà chị (tức là bà mẹ của anh chồng) hiện lên trên Skype. Bà này thời chiến tranh Liban (1975-1992) nhà đã cháy ba bận và nhiều kinh nghiệm nhưng đã “ bỏ đằng sau tất cả cuộc sống ” mang mấy đứa bé sang Hoa Kỳ an lành của tiểu bang Virginia. W. thủa đó còn bé và ký ức bom đạn không có mấy, tuy làm ăn ở Abidjan là từ 5 hay 7 năm về trước, tức là thời “ Paris của Châu Phi ” đã lộn xộn và thỉnh thoảng thất thường chuyện binh biến. Tôi được nghe tường thuật trực tiếp tình hình địa phương cứ vài khắc lại cập nhật. Lúc pháo thì tôi trấn an vợ, RPG (4) và bích kích thì nhằm nhò gì, nhà gạch chứ đâu có phải nhà lá. Lúc trực thăng ONUCI lên vùng, Mi24 của Ukraine lững lờ tên lửa thì tôi bảo nó bắn vào dinh chứ nào có bắn mình. Nhưng ngại nhất là quân của Gbagbo, rảo ở trên đường, súng cầm tay áo bỏ ngoài quần đội mũ lệch và chân lê dép. Một gia đình hàng xóm cũng người Liban chạy đủ tiền để được hộ tống ra khỏi khu vực, yên lành rồi gọi điện cho W. báo là trên đường có một gia đình Liban khác, không đủ lệ phí qua cầu nên bị giết sạch. Những chuyện thế này, người này nghe người kia kể lại, nếu tôi không mục kích thì tôi không tin. Cách Novotel có một con đường, sang bên đó trú, có nhà báo và khách nước ngoài, thế nào bọn Pháp cũng phải đến di tản. W. bảo, không ló đầu ra đến cửa được, giờ một đàn bà hai đứa bé… Tôi nghĩ, mình không ra nó vào đến nhà thì còn tệ. W. Không có súng ống gì và một mình thân trai, chỉ có ở lại hai cô gái giúp việc. Ngày hôm sau, W. cho biết, “ tụi nó ” mới vào Novotel giết hai người Pháp, con có liên lạc đều đặn với Lực lượng Licorne, họ bảo ở đâu nằm yên đó mà đợi. Mà quả thế, tuy hai người Pháp này không bị giết mà bị bắt mang đi biệt tín, các nhà báo nằm kín ở trong phòng, lấp ló săn hình từ xa vệ binh cuối cùng của chế độ thõng tay súng.


Côte d’Ivoire từng trải qua một cuộc nội chiến 2001-2002, vào lúc đương kim tổng thống Laurent Gbagbo mới thắng cử và thay thế tướng Robert Guei. Ô Gbagbo là GSTS Sử, tốt nghiệp ĐH Paris Diderot và thời trẻ mang biệt danh ‘Cicero’ vì ưa nói chữ La Tinh. Mãn nhiệm kỳ 5 năm, ông tìm đủ cách thoái thác bầu cử mới, hoãn hết năm này sang năm khác những năm bận, định bằng Vi Et Armis (vũ lực, diễn nôm) làm tổng thống Ad Vitam Aeternam (mãn đời) theo thói thông thường trong khu vực. Trước áp lực trong ngoài, năm 2010 ông phải tổ chức bầu cử mới. Hôm kết quả, tôi đến Paris vào lúc 6 giờ sáng, khi quán nước phi trường vừa mới mở cửa. Anh phục vụ da đen chạy vội ra mở truyền hình và tăng âm, tôi hỏi “ Anh phải người Côte d’Ivoire ? ” làm anh bẽn lẽn gật đầu. Như đoán trước là tôi sẽ hỏi Bắc hay Nam, anh chặn trước, nước tôi làm gì có Bắc Nam, chỉ có người Ivoirien. Chia rẽ Bắc Nam là âm mưu của thực dân đế quốc !


Theo truyền thông quốc tế, đại khái nội chiến ở Côte d’Ivoire là theo lằn ranh Nam Bắc, giữa miền Bắc phần lớn Hồi giáo (40 % của dân số 21 triệu) và miền Nam Ki tô (35 %). Ông Gbagbo (miền Nam) thì là một TT tham quyền và lì lợm, sau khi thua 46 % chống 54 % thì hô gian lận. Lúc Phát ngôn nhân của Hội đồng Bầu cử đọc kết quả chính thức thì người của ông chạy lên giằng lấy giấy trước mi-cro và xé nát ! Tối cao Pháp viện do phe ông kiểm soát hủy kết quả và tuyên bố là ông thắng nhưng TCPV Côte d’Ivoire nào có uy bằng TCPV… Mỹ (năm 2000, khi ông G.W. Bush được công nhận thắng cử ở bang quyêt định là bang Florida). Cho nên Alassane Ouatarra (biệt danh ADO) là đối thủ của ông nào có chịu. ADO được Pháp, Mỹ và Liên Hiệp Quốc công nhận ngay, cùng các nước Phi châu thuộc khối Kinh tế Tây Phi (Ecowas) tức là các lãnh tụ ai cũng biết là có bằng dân chủ cao cấp ở khu vực. Như vậy, hắc bạch phân minh, đâu là chính và đâu là tà.


Thực tế có lẽ phức tạp hơn một tí. Côte d’Ivoire dưới thời Pháp thuộc là một thuộc địa tương đối sung túc, sản xuất hơn 1/3 cacao của thế giới. Các đồn điền này thì do người Pháp làm chủ, dùng công nhân từ Mali, Haute Volta (nay Burkina-Faso) lúc đó cũng là thuộc địa của Pháp. Ngày nay, số người “ nước ngoài ” này lên đến 4 hay 5 triệu, tức ¼ dân số, phần lớn ở miền Bắc. Ông ADO đại diện cho miền này, và từng bị cho là người “ nước ngoài ” nên không có quyền ứng cử TT. Quan trọng hơn ngăn cách tôn giáo hay ngăn cách sắc tộc, “ quốc gia ”, là ngăn cách giai cấp và giàu nghèo, giới lao động và thấp kém, công dân hạng nhì ở miền Bắc mong mỏi là đòi hỏi và nhu cầu bình đẳng của họ được ông ADO phần nào đáp ứng. Nhưng ông ADO này, cựu thủ tướng và nhân viên cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thì không hẳn là một nhà cách mạng. Biệt danh ADO của ông là từ tên lót giữa Alassane D Ouattara, và chữ D lót giữa này là Dramane chứ không phải là Davidovich như Leo Trotsky. Ông cũng không dân chủ mấy vì gian lận bầu cử thì ở miền Bắc (do vệ binh của các lực lượng ủng hộ ông nhưng chưa hẳn là do ông kiểm soát) chắc cũng có như Gbagbo tố cáo. Tại 2 000 phòng phiếu ở khu vực này, ông Gbagbo bảo không cách nào tôi chỉ được có 0 % ! Điều chắc chắn, đầu phiếu hăng hái cho ADO là các thế lực kinh tế Tây phương, đứng đầu là Pháp, đứng thứ nhì là người Pháp gốc Liban, đứng thứ ba là người Pháp gốc Ấn hay đâu đó, kiểm soát và nắm tất cả quyền lợi ở nơi đây và ăn chia sòng phẳng với giới cai trị địa phương. Và nếu về mặt nhân quyền, quân đội của Gbagbo sẵn sàng dùng xe bọc sắt để mà đánh chết phụ nữ biểu tình thì mới đây vừa phát hiện ở miệt Bắc 800 thường dân không biết thuộc phe nào, hình như phe Gbagbo thì phải và bị giết gọn bởi chẳng hiểu phe ai, có lẽ là bởi phe của Ouattara, nói kiểu ấp úng của truyền thông thế giới. Trở lại với kinh tế, thì kể cả dưới trào của GS Phản đế thạo La tinh Laurent Gbagbo, nào Tây phương có bị thiệt thòi. Trong thập niên ông cầm quyền và cố vị, xuất khẩu cacao phục hồi phất phới và làm ăn rổn rảng, tăng trưởng lúc 4 hay lúc 5 % đều đặn tuy là theo World Bank trên thực tế, GDP của cả nước thụt lùi.


Người hô hào hôm nay chống bá quyền nước lạ Voltaire và hô hào chủ nghĩa dân tộc Côte d’Ivoire không phải là một người Tây phương khó bảo hay không bảo được. Điều khiến họ đổi ngựa là vì ông không bảo được cả nước của ông chứ chẳng phải là vì ông độc tài. Nói cách khác, là tại vì ông bất tài và không thể đảm bảo một môi trường ổn định cho Côte d’Ivoire và công việc làm ăn, đầu tư và vốn đã có sẵn của nước ngoài tại đây. Ông Gbagbo mất ủng hộ, nói trắng ra là bị đuổi, không phải là vì ông đe dọa Tây phương mà là vì ông không đe dọa được dân của ông. Thời buổi này, dân đen và dân da đen cũng khó dậy, lãnh tụ không dọa được thì phải có lãnh tụ biết xoa. Vậy là xuất hiện nhà dân chủ Ouattara từ trong túi của cái gọi là Liên Hiệp Quốc.


Tôi không nghĩ là tôi phải lo cho tương lai của người cháu của tôi. Tôi có hứa trước đây là sẽ sang thăm nó, kéo nhau đi cái hộp đêm Le Saint Germain Club nổi tiếng là nhầy nhụa ở Zone 4 Abidjan để thưởng thức vũ điệu truyền thống dân tộc là Bobaraba nguấy mông bởi các cô gánh nước (đội nước) thi trượt người mẫu. Chuyện này hiện nay phải từ từ nhưng trong tương lai vẫn còn khả thi chứ. Giờ W. với vợ con tạm trú ở Dakar (Sénégal), sau khi được quân đội Pháp đến tận nhà mang sang khách sạn Novotel và từ đó tập trung di tản về trại binh Port Boué ngày 7 tháng 4 như thời sự truyền hình cho thấy. Một vài tuần nữa, một vài tháng nữa, sau khi bên này bên kia chết bộn một mớ, TT được quốc tế công nhận ADO sẽ vào dinh hoang tàn để tiếp thu và W. sẽ trở về nhà cũ.


Căn nhà này tôi không được biết, nhưng có lẽ lại cũng lên truyền hình nốt. Đằng sau cổng sắt một phụ nữ da đen hồn lạc về đâu đứng nắm song. Phóng viên (ngoài hình) :


“ Có còn gì để ăn không ? ”


“ Có tìm ra spaghetti nhưng không có bánh mì. ”


Cô này là người bản xứ, người thổ dân không được Lực lượng Licorne di tản. Biết đâu cô là người giúp việc của W. hay nếu không cũng là giúp việc của một nhà chủ khác da trắng. Cô bị bỏ lại Cocody và ở lại đây chờ bánh mì.


Đỗ Kh.





CHÚ THÍCH CỦA DIỄN ĐÀN :

(1) Saida hay Sidon : thành phố thứ ba của Liban, ở bờ biển, cách thủ đô Beirut 40 km về phía nam.

(2) Neuilly-sur-Seine : khu ngoại ô sang giàu của Paris, có dinh thự của bà Liliane Bettancourt, người giàu nhất nước Pháp . Nicolas Sarkozy, đương kim tổng thống Pháp, đã nhiều năm làm thị trưởng thị xã này.

(3) Vợ tác giả là người gốc Liban.

(4) RPG (Rocket Propelled Grenade) : pháo bắn tăng.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss