Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Người thứ tám của đảng Dân chủ

Người thứ tám của đảng Dân chủ

- Đỗ Kh. — published 12/02/2008 22:00, cập nhật lần cuối 12/02/2008 22:05
Tôi đến đây ủng hộ Mike Gravel là vì ở Mỹ tôi cũng đã từng dùng xe bu‎s để nộp đơn xin việc (tuy không phải là xin việc làm tổng thống). Người đi xe bus ở Cali chắc không nhiều nên ứng cử viên tôi ủng hộ chỉ tụ tập được ngoài 30 mạng vào một trưa thứ sáu, hai tháng trước khi tiểu bang Cali bỏ phiếu sơ cử.


Người thứ tám của
đảng Dân chủ


Đỗ Kh.

Tôi từ quận Cam đến

Hai chữ quận Cam từ miệng tôi rùng rình như đất Thục. 40 cây số, một tiếng đường cao tốc và phải vượt khu Citadel Outlet ở đường 5 với sừng sững những tường thành mua sắm Persepolis Ba Tư. Quận Cam ở sát quận Los Angeles nhưng khác nhau trời vực, bên này và bên kia một lằn ranh county, khiến có thành ngữ “Bức màn Orange” như “Bức màn sắt” trước kia giữa Đông và Tây Âu. Tôi nhìn quanh, ngay cả công viên cũng khác, ở đây Pan Pacific Park vẫn còn dáng dấp một công trình Streamline Modern tuy Auditorium nổi tiếng này đã cháy rụi vào năm 1988. Đây là West Hollywood trên đường Beverly, từ nơi này ra đến biển Art Nouveau lốm đốm, tất nhiên là chẳng phải Praha nhưng cường điệu thì cũng có thể gợi một chút gì Asmara (Eritrea, nhưng đi xa vừa vừa thôi nhé), một chút gì Asmara vào một ngày trời se lạnh, không khí ô nhiễm vừa được ngọn Santa Ana xua đi đâu mất và nắng ấm.

Tôi từ East Bay đến, Donna nói.

“Anh từ đồng quê đến,
Tôi từ miền cát lên
Đôi ta chừ mà gặp nhau đây
Tuy ban đầu mà tình e sâu”

tôi nghe nhạc Hoàng Thi Thơ hát trong đầu. Nhưng đây không phải là Trung tâm III huấn luyện, không phải là Tình bạn Quang Trung mà là Pan Pacific Park. Donna da trắng bóc, tàn nhang hồng và mắt xanh lơ nhưng mang một vẻ gì Phi châu, phải 1/32 hay phần 16, nặng nề ở đường hông. Theo quy luật Hoa kỳ, quy luật “một giọt máu”, Phi châu chỉ một giọt thì cũng da màu. East Bay là miền Bắc tiểu bang, phía bên Oakland, cầu Bay Bridge, hướng đông của San Francisco, đối với tôi là một ấn tượng bảy tám trăm cây số mịt mờ. Donna mặc áo len đỏ dài tay, đầu quấn khăn sọ người (đây là cướp biển Caríb, không phải là khăn mua kỉ niệm ở di tích Killing field Cam Bốt). Bên ngoài áo len cô choàng thêm 1 cái áo thun ngắn Gravel 2008. Giờ là tháng chạp, ở Cali khi đêm xuống 5 hay 7 độ C tím ngắt dễ dàng.

Chúng tôi đứng ở một góc công viên, phì phà khói thuốc. Ngoài nicotine ra, chúng tôi còn chia sẻ một điều khác nữa, đây là Họp mặt cho Tự do, Freedom Rally, ủng hộ ứng cử viên Tổng Thống Hoa Kỳ Mike Gravel http://www.gravel2008.us/.

Cựu Thượng nghị sĩ bang Alaska (hai nhiệm kỳ 1968 và 1974) này là người đầu tiên nộp đơn tranh cử đảng Dân chủ. Ông là người sớm nhất trong số tám ứng cử viên của Đảng và là người duy nhất dùng phương tiện chuyên chở công cộng đến nộp đơn ra tổng thống. Nhưng theo mọi tiên đoán mà không ai sợ nhầm, ông không có hy vọng gì trở thành nguyên thủ thứ 44 của nước Mỹ. Trong nội bộ đảng Dân chủ, các thăm dò sơ cử cho ông rộng rãi từ 0,5 đến 1%. Quỹ tranh cử của các vị đầu đàn là đâu đó 100 triệu thì Mike Gravel gây được 300.000, bằng một bữa ăn do tư nhân tổ chức và ủng hộ bà Clinton tại tiểu bang Cali chẳng hạn. 3 giờ 30 trưa hôm nay, ngày 10 tháng 12, 2007, tôi nhìn trên 20 người có mặt rải rác mà rầu thắt cả ruột. Anh trưởng ban tổ chức có lẽ đoán ra, bèn an ủi, chắc lát nữa Mike đến mình sẽ đông hơn, mời tôi ăn thêm một cái hot dog.

Nhóm tổ chức chu đáo đã dựng sẵn 5 hay 6 cái lều che mưa nắng, mang theo thịt nướng, nước Evian và cả một cái máy phát điện. Máy phát điện vì đây là công viên, tức là ngoài trời nên muốn có điện thì cần có mày phát, và nước Evian vì đây là West Hollywood, Santa Monica cách có một sải (ở Santa Monica thì là nước sủi bọt Perrier). Có hai "gian hàng" hội chợ, thi tài phóng phi tiêu vào bin Laden và ném banh cà na vào mặt Bush. Phía dưới những bực thang hình bán nguyệt đủ chỗ cho 2 hay 3 trăm người tụ tập, nhưng hôm nay lơ thơ tơ liễu hãm tài là diễn đàn, hai cái bạt vải phất phơ vài bong bóng xanh trắng đỏ (màu cờ Mỹ) và mấy cái biểu ngữ kẻ tay.

Một đám người đang vây quanh một cô gái. Ngoài Donna ra, đó là người Mỹ gốc Phi châu duy nhất hiện diện. Cô này son phấn khác thường, áo đầm trắng, giày gót cao chải chuốt. Đi theo cô là một cô phụ tá không ngớt nói trên di động, một cô phục trang và một cô trang điểm, một nhà nhiếp ảnh với một anh trợ lý xách máy. Cô là một diễn viên nổi tiếng (?) tôi không nhận ra tên tuổi và chỉ nhận ra là không phải Halle Berry tuy là cô rất dáng. Phái đoàn của cô cũng rất dáng, anh trợ lý nhiếp ảnh trẻ tóc rối bù rất dáng trợ lý nhiếp ảnh trẻ, lăng xăng đo ánh sáng. Ông xếp tóc muối tiêu chải ngược của anh cũng rất dáng chụp hình gia, khoác bên ngoài cái áo Domke nhiều túi, cặp kè nách cái túi Billingham bé tí, nhìn túi đeo là đã biết ông dùng Leica. Riêng phái đoàn này đã chiếm một phần tư tổng số người có mặt. Không khí giống như là một party tư gia nếu không kể cái điêu khắc của đài tưởng niệm Holocaust ở ngay cạnh. Ban tổ chức thỉnh thoảng lại tạt ngang thăm hỏi, ăn hot dog nữa không, ăn chips, có nước gì uống chưa, uống nữa nhé, hết sức ân cần. Trên bục diễn, trong khi chờ đợi một thanh niên tóc dài đứng lẻ loi đàn ghi ta điện giúp vui. Anh ngoài 20 và còn trẻ nhưng rất gầy, quần bó và đeo một cái túi vải bắt chéo, coi như là từ thập niên 70, từ Woodstock bước ra, nhưng thay vì áo thun anh đề hàng chữ "War is not healthy for children & other living things" của thời điểm đó thì là "No War in Iraq". Các người chung quanh đứng ngồi nhìn trời, hệ thống tăng âm hình như là rất yếu, một vài lá cờ Mỹ còn nằm trong bao chưa bóc nhét vào túi quần sau và một vài tấm bảng cầm tay trong nắng quái.

Donna cũng lê theo từ nhà cô tận East Bay một cái bảng, to một thước và thủ công cắt dán, kiểu tự làm. Tôi hy sinh một buổi ngồi ở bàn giấy thì Donna bỏ cả nửa tuần. Đêm nay, cô sẽ lái ngược về Cuppertino ngủ nhà một người quen để mai đến dự buổi nói chuyện của ông Gravel ở Commonwealth Center tại Silicon Valley. Hôm sau nữa, cô sẽ đến buổi gặp gỡ sinh viên của trường Cal State San Francisco.

Bạn theo Gravel đi khắp bang?

Thì vậy, Donna gật đầu, tụi mình đếm thì không có bao nhiêu nhưng toàn là những thành phần trung kiên!

Donna đã quá tuổi đi theo ban nhạc heavy metal, cô ngoài 30, có lẽ 40 xấp xỉ. Giờ cô là hardcore fan của ứng cử viên tổng thống alternative. Ở đây, trẻ có, già có nhưng vì vào giờ này và trong tuần, không có trẻ em nên thiếu không khí gia đình. Sự trung kiên đã nói đến chẳng có gì hung hăng hay sôi nổi mà chắc chắn một cách trầm lặng, nhìn ra nhau, nhận ra nhau trong một cái liếc mắt không cần đến cả cái gật đầu.

*

Trời lạnh và tờ mờ, cuối thu hay đầu xuân ở nước Pháp, tôi không còn nhớ. Rất sớm và chưa sáng hẳn, trong quán càfé chỉ có tôi và anh cận vệ người Algeria. Bên ngoài là khung cảnh của vùng Lorraine đang han gỉ với những nhà máy sắt trong vùng nửa tỉnh nửa mê.

« C'est une fille au coeur d'acier ! »

Đó là một cô gái trái tim bằng thép

(Jacques Higelin)

Lorraine trái tim bằng thép đập cái nhịp thất thường của suy thoái, thành đồng lao động với những nghiệp đoàn một thời uy dũng giờ ngắc ngoải theo đà của công nhân bị sa thải lần hồi.

Anh cận vệ là người rất ít nói, kiểu lầm lì dễ thương và khả tín, tôi đoán là xuất thân từ hàng ngũ Ban trật tự của Tổng công đoàn CGT. Tôi và anh đứng tựa quày mà quậy muỗng trong ly expresso.

Tụi tổ chức địa phương chưa thấy đến, tôi bảo.

Thì, để cho hắn ngủ thêm được 15 phút, và anh cười.

Bên kia đường, trong cái nhà trọ một sao của phố huyện, hắn chưa thấy dậy mà sang đây dùng bữa sáng. Hắn là Pierre Juquin, thân gọi là Juju, ứng cử viên tổng thống Pháp trong cuộc bầu cử năm 1988. Tháp tùng ông đến cái xó hẻo lánh này chỉ có tôi và anh cận vệ, anh làm vệ sĩ và tôi là nhiếp ảnh của Ủy ban Tranh cử Juquin. Việc của tôi là phóng viên ảnh của ứng cử viên, chụp rồi ban báo chí phân phối cho truyền thông để mớm tin gạ gẫm. Ủy ban Juquin ở Paris có một trụ sở cẩn thận (tuy là đi mượn), vài ba nhân viên thường trực, vài chục người tình nguyện bán thời gian nhưng cũng ra vào tấp nập và ra dáng một ủy ban vận động tầm cỡ quốc gia. Juquin vốn là ủy viên Bộ chính trị của đảng Cộng sản Pháp, phụ trách tư tưởng và trí thức, ngồi buồn mà lên cơn cải cách thì bèn bị đảng khai trừ chứ còn sao. Lúc tình đồng chí đã cạn kiệt, trong một buổi họp chót, ông bị một ủy viên chính trị khác cầm bình bông ném vào người. Kẻ được ném hoa, người bị ném bình, mỗi lần kể lại Juquin vẫn còn nổi giận. May mà đây là đảng Pháp chứ không phải đảng Liên xô nên Juquin không phải đi Siberia, chỉ phải đi Lorraine mà tranh cử tổng thống với sự ủng hộ của các thành phần ly khai liên kết với Đệ tứ của Liên minh Cộng sản Cách mạng (LCR).

LCR có tổ chức sinh viên và thanh niên, thành phần cộng sản cải cách đây đó còn nắm ủy ban thị xã quận huyện và công đoàn địa phương nên mít tinh họp mặt nào cũng vài ba trăm người, có truyền thông tỉnh lẻ đến săn tin, có khi còn có cả truyền hình quốc gia theo dõi. Ông Juquin không đe dọa được ai nhưng ông đe dọa được đảng Cộng sản Pháp là đảng mươi năm về trước đạt đến 20% số phiếu, đồng minh cần thiết của khối cầm quyền và được đảng Xã hội lúc đó chia cho vài ghế bộ trưởng.

Tuy nhiên, vào năm 1988, sau khi đếm phiếu kết quả thì cơn mơ cải cách bừng con mắt dậy, thấy mình 2,08%. Đây không hơn số phiếu cố hữu của LCR (là tổ chức cực tả hết lòng ủng hộ ông) trong những kỳ bầu cử toàn quốc trước đó là bao. 2% cử tri thì khó mà làm tổng thống, tôi chịu khó xách máy theo ông nhưng cũng biết trước là như thế. Thôi thì ông cũng là ứng cử viên duy nhất tư gia bị Nhà Đèn cắt điện vì không thanh toán hóa đơn đúng hạn kỳ. Tôi cũng đã có lần phải trải qua kinh nghiệm đen tối đó.

*

Tôi đến đây ủng hộ Mike Gravel là vì ở Mỹ tôi cũng đã từng dùng xe bu‎s để nộp đơn xin việc (tuy không phải là xin việc làm tổng thống). Người đi xe bus ở Cali chắc không nhiều nên ứng cử viên tôi ủng hộ chỉ tụ tập được ngoài 30 mạng vào một trưa thứ sáu, hai tháng trước khi tiểu bang Cali bỏ phiếu sơ cử. Tầm vóc quốc gia của ông Gravel vừa rồi bị truyền thông giòng chính hạn chế, ông không được hai hệ NBC và CNN mời tham dự cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên đảng Dân chủ vì lý do là quỹ tranh cử của ông không lên đến 1 triệu USD. Trong các buổi tranh luận đầu, Mike Gravel được tham dự và có phát biểu không khéo léo, gây vấn đề cho các siêu sao hiện diện. Giờ, ông bị truyền thông bịt miệng, diễn đàn các ứng cử viên tổng thống trở thành câu lạc bộ triệu phú như vừa mới nói đến, một triệu trở lên thì mới được có ý kiến.

Gravel xuất hiện, ông không đến bằng xe bus mà được một bà trong nhóm tổ chức ngày hôm nay đưa bằng xe con. Ở tuổi 77, ông vẫn còn nhanh nhẹn và hẳn như là mọi người ra tranh cử một chức vụ, phải có một sức khỏe khác thường. Juquin giờ cũng 77 và 20 năm trước, chỉ theo ông đây đó mà tôi đã mệt nhoài. Lắc lư đường rai và xe con bó gối, bốn hay là năm buổi họp mỗi ngày, bắt mấy trăm cái tay và nhắc đi nhắc lại cũng ngần ấy phát biểu, kể mãi cũng vẫn một giai thoại chính trị phải vừa có ý nghĩa lại phải vừa khôi hài. Ăn cơm uống nước cũng không được yên và nỗi quan ngại nhất là bị đau cổ và mất giọng. Juquin có thói mặc áo cổ lọ, khiến ông có dáng dấp thầy tu, nhưng lợi được cái là ấm yết hầu. Vào dịp đi vận động ở miền quê, từ tỉnh lẻ này sang tỉnh lẻ khác, sắp đến giờ tiệm thuốc tây đóng cửa là Juquin cuống cuồng và cả đoàn dáo dác. Tìm đâu ra cho kịp một nơi có bán thuốc ngọt cổ họng và kẹo ngậm (vì nhà thuốc tây ở Pháp đóng cửa sớm chứ không phải như là ở Mỹ có nơi mở cả đêm). Phong trào cải cách cộng sản Tây Âu thì không biết, nhưng người đại diện Pháp của phong trào thì phải có dầu xoa mới có thể phát biểu.

Ông Juquin dựa vào cơ sở quần chúng bất mãn của đảng Cộng sản Pháp, tưởng sẽ ra trò, nghĩa là 5% hay là 7%. Kết quả 2,08% của ông một nửa trở lên là phiếu bất di bất dịch của lực lượng đồng minh vào dịp tranh cử này (thành phần LCR Đệ tứ), thành thử ra quần chúng bất mãn của đảng Cộng sản Pháp chỉ có trên dưới 1% của cử tri toàn quốc. Đảng Cộng sản (chính thống) thì tan hoang thật, tan hoang một cách chính thống và đường hoàng, dưới 7 điểm, tuy số phiếu mà đảng mất, tan biến đi đâu theo bọt biển chứ không lọt sàn xuống nong về phe cải cách. Phần lớn, theo các nhà phân tích, là dồn sang phía cực hữu đối nghịch!

Nghe phân tích thế, nhưng tôi không theo Juquin để phân tích, tôi chỉ theo ông để chụp hình và chụp hình kiểu cải cách không kém. Tấm mà tôi ưng nhất cho thấy Juquin từ phía sau, độ nét lại chỉnh trên quần chúng đối tác nhưng ở xa và ánh flash vươn không tới nên nhập nhòe tối. Juquin cận máy cận đèn nên lưng ông hơi bị trắng, ông lại đang cử động dưới open flash nên nửa rõ nửa mờ và như mọi thứ của 20 năm về trước, giờ thì tấm ảnh này tôi để đâu không biết.

Campaign của ông Gravel là một campaign Mỹ đầu thiên niên kỷ. 300.000 USD quỹ vận động của ông là gây từ trên mạng, người vài ba chục hay một trăm thao tác chuột. Cái Mỹ nhất ngày hôm nay là cô minh tinh màn ảnh nhỏ đến ủng hộ và vì không có trẻ em trong cử tọa để ôm hôn nên Gravel đành ôm hôn cô này vậy, theo kiểu chính trị gia và tí nữa thì làm hỏng lớp phấn đắp trên mặt của cô. Vào lúc này, chỗ không có nắng đã bắt đầu lạnh và cựu TNS bang Alaska (là bang lạnh vô địch nước Mỹ) ân cần hỏi đi hỏi lại “Ai có cái áo làm ơn cho cô mượn chứ không kẻo ốm”. Đề nghị này mấy bận đều hoàn toàn không có hiệu quả vì cô diễn viên đang mặc đồ lên ảnh, có lạnh thì cũng phải chịu rủi ro này của nghề nghiệp chứ không thể nào lại phủ lên người một cái áo nào vớ vẩn của ai. Không ai cởi ra cho cô mượn một cái áo thun “Be like Mike” (nhại khẩu hiệu “I like Ike” thời Eisenhower tranh cử) để cô mặc đỡ bên ngoài cái áo đầm Versace màu trắng mà chốc lát phục trang phải cầm bàn chải phủi phủi.

Nhân vật minh tinh này và phái đoàn ra về sau khi hoàn tất nhiệm vụ chụp ảnh chung với ứng cử viên. Mọi người cũng không quan tâm mấy đến cô tuy là đều hiểu sự hiện diện của cô tăng lên phần long trọng của buổi lễ và vỗ tay tiễn cô chiếu lệ. Lúc này, hệ thống phát âm đã nghỉ việc mà không xin phép trước nên tôi nghe không ra tên của minh tinh khả ái. Lúc đứng cạnh, tôi chỉ nghe được một câu đùa của Gravel có lẽ thiếu tế nhị tuy là chính xác hoàn toàn “Thì cô là Oprah Winfrey của tôi”. Câu nói đùa hiệu quả, cô X bẽn lẽn bừng lên mặt. Bà Winfrey là người dẫn chương trình và entertainer kiếm nhiều tiền nhất nước Mỹ và cũng gốc châu Phi. Ứng cử viên bà ủng hộ khiến dư luận chính trị lao xao bàn luận là ông Barack Obama da màu. Tới giờ này ông Obama vẫn có cơ may trở thành tổng thống Hoa kỳ, đang làm bà Hillary Clinton stress đến lệch cả mép và rất có thể lãnh vai Phó hay chính không biết chừng trong Dream Team này của đảng Dân chủ. Cô X biết đâu cũng có ngày nổi tiếng như Oprah (và xinh hơn biết mấy) nhưng Mike Gravel thì nhất định, sẽ không bao giờ vào trọ được Tòa Nhà Trắng.

Khi anh tổ chức trịnh trọng mời ông lên “bục diễn thuyết”, Gravel cười ra hiệu mời mọi người xúm lại gần vì micro đã hỏng và lại càng thêm thân mật. Không khí giống như một đám cưới – họp bạn – sinh nhật, giờ giống như một lớp học. Đã sau giờ tan trường và cử tọa thêm được năm em học sinh cấp 3 chưa đến tuổi đầu phiếu vừa kéo nhau đến tụm vào một góc, cái hồn nhiên và phấn khởi nổi mụn lên cả mặt. Phần còn lại, đại đa số là những cựu chiến binh sương gió của phong trào cấp tiến, mỗi nếp nhăn trên mặt là một đấu tranh cho lý tưởng công lý hòa bình, mỗi diễn hành, biểu tình, xuống đường lại bạc thêm một sợi tóc. Khi một người buột miệng “Mike President!” thì chẳng mấy ai hưởng ứng, tiếng vỗ tay tẻ nhạt lưng chừng. Họ đến đây để có mặt với nhau, để có mặt với ông, tìm một phát ngôn nhân cho những niềm tin vẫn còn nguyên vẹn sau những thập niên lăn lóc Reagan, trơ trẽn Clinton và Bush W. chà đạp. Họ đến đây để nghe một ứng cử viên phát biểu lên những điều đã biết, để có một ứng cử viên đại diện và ông Gravel đã không phụ.

Mike Gravel có đi xe bus hay là đi bộ thì cũng không phải là một tay cách mạng vỉa hè. Trong 12 năm ông thuộc “Câu lạc bộ chọn lọc nhất thế giới”, Thượng nghị viện Hoa kỳ, gồm 100 thành viên, mỗi bang có 2 người đại diện (chủ tịch ex-officio là phó tổng thống đương nhiệm cho nên là 101 người và như vậy bằng được số những con chó Dalmatian của bộ phim hoạt hình Disney). Đây không phải là một chức vụ làm cảnh, như Thượng viện Pháp hay Chamber of the Lords Anh quốc mà là trung tâm quyền lực uy tín nhất của ngành Lập pháp trong một chế độ Liên bang (mỗi nhiệm kỳ sáu năm trong khi nhiệm kỳ Hạ nghị viện chỉ có hai năm và đại biểu Hạ viện nhiều như… chó con, dù có Cruella de Ville hay là không). Năm 1972, Gravel về ba khi tranh chức Phó Tổng Thống của George McGovern tại đại hội Chicago của đảng Dân chủ (về nhất và lần đầu là một phụ nữ nên bà này còn được nhắc đến, còn người về nhì và được đảng chính thức bổ nhiểm ai còn nhớ tên tôi sẽ tặng một cái áo lông Dalmatian). Nhưng thành tích đưa TNS Gravel vào lịch sử, lịch sử Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ, là việc ông bắt ghi vào biên bản chính thức của Viện trên 4.000 trang của tập Hồ sơ Lầu Năm góc.

Lúc mới được phát hiện (mới bị đánh cắp), tập hồ sơ này ở dạng bí mật quốc phòng và cấm phổ biến. Dùng đặc quyền đại biểu, ông Gravel mang cả tập ra đọc trước Thượng viện tức là một hình thức phát tán và là hình thức phát tán hợp pháp duy nhất. Chính quyền Nixon kiện ông lên đến Tối cao Pháp viện và Gravel thua kiện nhưng đến lúc đó thì dư luận đã đổi chiều, người có cơ may vào tù là các ông Agnew và Nixon chứ chẳng phải là ông Gravel. Ngày nay, ấn bản Tập Hồ sơ Lầu Năm góc đầy đủ nhất vẫn là “ấn bản Gravel” gồm 4.100 trang trên tổng số 6.000.

Thành tích thứ nhì của Mike Gravel, mọi nam công dân Hoa Kỳ nào lên 18 tuổi cũng đều nên biết, là chấm dứt luật động viên nghĩa vụ quân sự vào thời cuối cuộc chiến tranh Việt Nam. Một mình ông lì lợm dùng kỹ thuật Filibuster (đòi tu bổ một đạo luật) trong năm tháng trời ròng rã khiến chính quyền đến phát ngấy và phải thông qua. Hai thành tích này cho phép Gravel ngày nay có thể phát biểu thẳng thắn về các ứng cử viên tổng thống đang nắm chức vụ dân cử (TNS Clinton, TNS Obama, TNS Biden và ngay cả các đại biểu quốc hội chống đối như Kucinich hay là Ron Paul). Theo ông là họ đều đạo đức giả nếu không nói là láo toét “Nếu họ thực sự chống chiến tranh Iraq thì họ đã có thể cản được,” dù chỉ bằng cách như ông từng làm là lăn ra sàn của Viện mà ăn vạ cho đến khi nào rút quân về mới thôi.

Những thành tích của 30 năm về trước không kể hay là đã quên thì ngày hôm nay nghe ông phát biểu, người Mỹ bình thường và truyền thông đại chúng có thể cho là Mike Gravel mắc bệnh tâm thần. “Vào tuổi tôi, chẳng việc gì mà không nổi giận. Và nhìn những việc xảy ra hiện giờ, ai mà không nổi giận hẳn là người đã chết rồi.” Cùi không sợ lở, Gravel là ứng cử viên duy nhất không tính toán, nghĩ sao nói vậy người ơi. Nhờ thái độ hiếm thấy ở một chính trị gia này, nếu không nói là chưa từng thấy, ông Gravel có một thành phần ủng hộ hardcore. Không thể nào làm vừa lòng tất cả mọi người hay làm vừa lòng đa số, thì ông chọn cử tri vậy và ông chọn rất kỹ. Tôi chắc là tại Pan Pacific Park, bốn mươi mạng lưa thưa có mặt, hẳn ông sẽ không làm ai thất vọng.

Ông bắt đầu bằng cách quả quyết “Tôi là một công dân của thế giới trước khi tôi là một người Mỹ. Tôi là người của thế giới rồi thứ nhì mới là một công dân Hoa Kỳ.” Chẳng ai phất cờ lên trong cử tọa và tôi hơi chột dạ trước lối ăn nói mạnh bạo này. Tôi nhìn quanh, chỉ có hai cô da vàng, một anh mang dáng Bán lục địa Ấn và vài người la tinh, còn lại tám phần mười hay ba phần tư là Mỹ hết. Mỹ cỡ nào, như tự vấn của nhà thơ Phan Nhiên Hạo, thì Mỹ trắng chứ sao. Nhưng không có đám trọc đầu nào nhảy lên cướp podium, như từng xảy ra với Juquin ngày nào tại Viện Chính trị học Paris, vào thời ông còn “cải cách nằm vùng” ở trong Đảng. Hôm đó, tôi chết hãi nhưng lỡ là thành viên của nhóm sinh viên mời ông đến nói chuyện ở trường nên vẫn phải tiếp các bạn giúp ông triệt thoái bằng cửa sau và tránh kịp ẩu đả.

Tuy nhiên, nghĩ cho cùng thì phát biểu trên của Gravel, dù nói bằng một giọng quyết liệt, cũng chẳng có gì đáng để kinh hãi cả. Đặt quyền lợi của nhân loại toàn cầu trước quyền lợi của tổ quốc thì nó cũng chỉ là bước tới và lô gíc của, thí dụ, “Tôi là một người miền Tây trước khi là một người Bến Tre” hay “Tôi là một người sông Hồng trước khi là người Thăng Long, người quận Ba Đình trước khi tôi là người ngõ Cấm Chỉ”. Và giờ thì cũng chẳng ai dám quả quyết nữa (tôi mong là vậy) “Tôi là một người Nghệ Tĩnh trước khi là một người Việt Nam”.

“Thế còn Al Qaeda?” một người hỏi sau khi Gravel tóm tắt lập trường của ông về quan hệ quốc tế như vừa mới nói. “Al Qaeda là tội phạm khủng bố, thì để Interpol truy nã, chẳng việc gì mà xâm lăng Afghanistan!” Tôi toan hỏi là thế còn Cheney-Bush, có nên truy nã như là Madlic-Milosevic thì đã có người hỏi “Cần sa?” Cần sa chưa được Trung Quốc sát nhập vào đơn vị hành chánh Tứ Sa nên Gravel trả lời nghe ngọt hơn là ông Clinton một thủa (“Tôi có hút nhưng không có nuốt khói”). Dễ thôi, Gravel bảo, cần sa theo tôi thì nên cho phép bán ở tiệm rượu (nghĩa là bán tự do cho những người 21 tuổi trở lên). Phần những người nghiện ma túy (tức là không phải cần sa) thì họ là con bệnh, cần phải để bác sĩ chữa trị. Lập trường nghe quái đản này, vậy mà Hà Lan đã thực hiện, chỉ có khác ở chỗ cần sa tại đây bán trong coffeeshop chứ không phải là trong tiệm rượu. Nhưng chẳng phải là ông Gravel ưa gì cần sa hay là nhẹ tay với khủng bố. Vấn đề là “Chiến tranh chống ma túy” đã cho Mafia tội ác một sinh lực mới, lại là cớ để duy trì bá quyền tại Trung Mỹ, Ecuador. Phần “Chiến tranh chống khủng bố” thì giúp Mafia quốc phòng và Mafia an ninh bành trướng ra sao, kết quả lại tốt đẹp thế nào, ông Gravel rộng lượng mà không nhắc lại chi tiết.

Chuyện Israel, Gravel bảo, khi nào người Palestine lợi tức và thu nhập bằng người Do thái thì hãy nói đến. Iran thì, là cái gì mà phải mang ra dọa quần chúng, Hoa kỳ có 16 tàu ngầm nguyên tử thì sao, quỹ quốc phòng của chúng ta bằng của cả thế giới cộng lại, mình không đe dọa thế giới thì thôi chứ ai có sức đe dọa mình. Môi trường? Phát triển năng liệu gió, năng liệu mặt trời, làm đường tàu cao tốc thay vì xây thêm xa lộ, trong mười năm có thể quên tên dầu hỏa. Nghe thì hơi bị đơn giản. Nhưng nếu hoàng hậu của chính quyền không phải là tư bản tài chính, quý phi của chính quyền không phải là công nghiệp năng lượng hay quốc phòng thì việc gì mà phải xé lụa để nàng vui.Trước khi chuyện chống năng liệu nguyên tử thành phong trào, ông Gravel đã tiên phong tại Thượng nghị viện vào năm 1968.

Nhưng hãi nhất, là khi ông Gravel giải thích, lỗi là ở tại 18 vị Vua Hùng, hay các “cha già lập quốc” của Hoa Kỳ. Hẳn là ông cường điệu lên đôi chút, vào tuổi này ông chẳng còn taboo nào khác để mà gây chuyện. Các vị trên, hai thế kỷ này đã trở thành Đức Thánh và ở Mỹ, ngay cả chống đối radical cũng mang các vị ra mà lập lòe. Bớt dân chủ hay là có hành động vi hiến (vi hiến, theo định nghĩa, là phạm pháp đấy), thì chính quyền lại được nghe đối lập giảng đạo đức về tinh thần của các cha già (nhưng chính quyền nào có care). Đằng này, ở tuổi cổ lai hy, Mike Gravel phát hiện ra những hạn chế của Hiến Pháp 1776 và đòi phải thay đổi toàn bộ. Nhà tư tưởng Mỹ duy nhất đốt cả Hiến Pháp mà tôi được biết, là từ thế kỷ trước, một ông William Lloyd Garrison chống chế độ nô lệ (và tranh đấu nữ quyền trước khi bà ngoại của Germaine Greer chào đời). Hiến Pháp Mỹ được coi là văn kiện tuyệt tác, đến nỗi mà Việt Nam độc lập còn phải mang ra xerox (Độc lập-Tự do-Hạnh phúc) nếu tin Thiếu tá Archimedes Patti, thì nói gì ở Mỹ. Vậy mà, Mike Gravel đòi bỏ cả hiến chương, tam quyền nay ông đòi tứ mà tứ quyền này không phải là truyền thông (“Quyền lực của truyền thông xuất phát từ vị trí tay sai và trung gian của họ”) Quyền thứ tư này là quyền Lập pháp của người dân trong một chế độ dân chủ trực tiếp. Nghe thì chướng và National Initiative for Democracy của ông Gravel chi tiết thế nào thì tôi không được biết (ông đang soạn một cuốn sách để trình bày) nhưng dân chủ trực tiếp thì đã có áp dụng ở Thụy Sĩ mà chưa thấy chết một con bò sữa nào hết.

Thế ông đã nghĩ đến người đứng cùng liên danh? Đây là câu hỏi hắc búa nhất vì sự ủng hộ của giới cử tri ngoài lề đang còn xao xuyến giữa ba nhân vật. Phía Dân chủ, còn có đại biểu bang Ohio, ông Dennis Kucinich http://www.kucinich.us/ dáng khắc khổ của một thày tu mang bệnh còi, ăn chay trường và vừa mới lấy vợ (rất) trẻ đẹp, là bằng chứng sống ăn chay vẫn có thể lấy vợ (Adolf Hitler là “bằng chứng chết” vì ông này lập gia đình được mới có mấy tiếng là đã phải quyên sinh).

Kucinich là ứng cử viên Tổng Thống duy nhất từng trải qua hoàn cảnh vô gia cư, ăn và ngủ trên xe con lúc ông đến thành phố Cincinnati lang thang độ nhật. Sau ông trở thành thị trưởng trẻ tuổi nhất của thành phố này. 20 năm trước, khi thị trưởng Kucinich chống lại việc tư hữu hóa công ty điện lực của thành phố thì ông bị coi là tâm thần và ông mất job, ấy, giờ thì người ta công nhận ông có tầm nhìn xa tuy là vẫn khắc khổ quá. Năm 2004, khi ra tranh cử tổng thống lần đầu, Kucinich có ngỏ ý trước quần chúng là đang tìm một phụ nữ, cần thành thật, nếu hợp sẽ tiến đến hôn nhân. Tiểu đăng khoa thì ông được toại nguyện, còn sơ cử trong nội bộ đảng, ông cũng đạt được 10% (16% tại bang Cali và 25% tại bang Hawaii). Đây là thành tích đáng kể của một người đòi đổi Bộ Quốc phòng thành Bộ Hòa bình. Mới đây, khi được hỏi là nếu rút quân ra hết khỏi Iraq ngay thì lấy đâu lính để mà “bảo vệ Đại sứ quán của ta” (sic), Kucinich trả lời ngay “Thì rút luôn Đại sứ quán!”

Quỹ tranh cử của Kucinich hiện ở mức 2 triệu USD, tuy chẳng thấm thía gì với các nhân vật đứng đầu nhưng cũng gấp 7 lần quỹ của Mike Gravel. Ông lăm le đe dọa John Edwards và được các thăm dò xếp hàng thứ tư ở trong đảng nhưng mới rồi không được mời tham dự cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Dân chủ vì lý do ủy ban vận động của ông không có trụ sở đàng hoàng tại bang Iowa mà ở tại một tư gia! Ủy ban của Kucinich túng thiếu đến nỗi danh hài John Stewart phải nhận xét, John Edwards mới vừa cắt tóc mất 400 USD còn Dennis Kucinich vừa mới sắm một bộ com lê 100 đồng.

“Người thứ ba” thuộc dạng ngoại lệ trong cuộc bầu cử Tổng Thống này là đại biểu quốc hội đảng Cộng hòa bang Texas, ông Ron Paul http://www.ronpaul2008.com/. Tuy xem mặt cũng khắc khổ như Kucinich (và Maximilien Robespierre) nhưng ông còn biết cười. Khác với đại biểu từng độc thân khó tánh lâu đời Kucinich, Paul đã từng thọc tay vào chí ít là trên 5.000 bộ phận sinh dục của phụ nữ trẻ trong các ca đỡ đẻ nên ông vui vẻ. Tôi nói đến chuyện này, là vì bác sĩ sản phụ khoa Ron Paul có cởi mở về những phương diện khác, lập trường của ông về mặt này là chống phá thai. Bên ngoài cái bảo thủ này ra, ông hơi bị khác người đối với các nhà chính trị đảng Cộng hòa cổ điển. Ông không có đọc Hồ Sơ Lầu Năm góc, nhưng Paul từng đọc tại Hạ viện một bài thơ tự do nhan đề “Chớ đánh Iran”. Ông không đòi chuyển thể bộ Quốc Phòng nhưng đòi dẹp cơ quan Thuế vụ IRS và bỏ thuế lợi tức và chắc là vì thế nên ủy ban vận động tranh cử của ông trong có một ngày đoạt kỷ lục thu (4 triệu USD, quỹ của ông giờ tổng cộng hơn 6 triệu). Ron Paul không thuộc phe tả classic mà một libertarian rất Mỹ, theo thuyết chính quyền không can thiệp vào đời sống của người Mỹ, nói gì can thiệp đến những chuyện của thế giới, rút quân ra khỏi ngay! Thoái trào (thất bại) của chiến tranh từ Iraq và hậu quả kinh tế đã khiến quần chúng của đảng Cộng hòa đưa ông Paul đến một vị trí có khả năng phá đám, tác hại đến các ứng cử viên đầu bảng.

Tam Anh Paul-Kucinich-Gravel là đối thủ của nhau trong giai đoạn sơ cử này chứ không phải là đối thủ của Đổng Trác Giuliani, Tào Tháo Clinton, Lã Bố Obama gì gì. Cử tri ngoài lề thì ngược lại, chỉ mong họ kết nghĩa vườn đào. Anh Travis, ngoại tứ tuần, râu tóc vừa phải (nghĩa là có dài), ngụ ngay tại Los Angeles và hôm nay đến dự buổi nói chuyện mà không mang theo bảng ủng hộ, là bạn hút thuốc của tôi và Donna. Anh ít nói, chỉ gật gù đôi vai chắc nịch, áo parka dáng thuộc giai cấp quý tộc của công nhân, nghĩa là lương (công nhân) cao và có đóng nguyệt liễm đầy đủ cho nghiệp đoàn. Anh lên tiếng hỏi Gravel “Thế còn chuyện liên danh với ai ông đã nghĩ đến chưa?”

“Đảng thứ ba” là một đề tài trở đi trở lại từ 30 năm nay trong các cuộc bầu cử ở Mỹ nhưng chẳng (chưa) đi đến đâu vì luật đa số (tương đối) ăn cả, thiểu số (tương đối) về không, chỉ có phép có hai đảng được tồn tại ở nghị trường. John Anderson, Ross Perot là những lăn tăn mặt nước như một hòn đá, và sau đó như một hòn đá chìm lỉm xuống đáy hồ chính trị. Năm 2000, Ralph Nader bị coi là người khiến Al Gore thất cử với 2% phiếu đại diện đảng Xanh và bị kết tội đóng vai đồng minh khách quan của George W. Bush. Năm 2004, “ý đồ” cải cách đến từ bên trong đảng Dân Chủ với ứng cử viên Howard Dean, cựu Thống đốc bang Vermont. Ông này mới khác người hơn một tí, nhưng lỡ vui tánh reo tên một loạt bang trong thời gian sơ cử. Đoạn hình 15 giây này được phát đi phát lại biến ông thành một người thiếu quân bình hay tâm thần mặc dù khả năng thắng cử của ông chí ít cũng bằng... John Kerry như là sự việc cho thấy về sau. Ông nổi lên nhờ quần chúng vô danh (qua phương tiện Internet) thì guồng máy của đảng sau khi đánh chìm, lại khôn ngoan đem ông trưng vào chức vụ Chủ tịch của đảng Dân Chủ! Quần chúng của đảng 0 (số không), guồng máy của Đảng 1 (số một), nói kiểu bóng đá, còn nói kiểu quần vợt là Game, set & match.

Bạn Travis của tôi thuộc thành phần mong đợi một liên danh Gravel-Kucinich hay Paul-Gravel nhưng giờ còn quá sớm mặc dù đã có những bumper-sticker gắn tên các ông này vào cùng một ticket đây đó xuất hiện. Đây là chuyện tế nhị ở thời điểm hiện tại, ở mức độ của các ứng cử viên bên lề cũng tế nhị không kém chuyện giữa Obama với lại Clinton hay là Huckabee với lại Giuliani. Phải chứng tỏ là mình hơn bạn chứ không phải là hơn thù để mà còn sáu tháng sau bá vai nhau trong cùng một liên danh ứng chiến. Trên việc này, Gravel rõ rệt “Họ (Ron Paul, Dennis Kucinich) đều là đương cử (đại biểu Hạ viện), họ có nhiều khả năng hơn tôi để ngăn chận và chống đối” nhưng ông cũng rất khéo “Họ là những người tốt (dễ thương-hiền lành-nice guys). Còn tôi là một người gồ ghề (cương quyết-chịu chơi-tough guy)”!

Dĩ nhiên, với các ứng cử viên khác, mặc dù cùng đảng, Gravel chẳng phải kiêng nể như trên. Bà Clinton theo ông là “Bush light”, nhưng “Obama còn nguy hiểm hơn, vì hắn hứa hẹn thay đổi và quần chúng lại tin tưởng”!

Đã hết giờ nói chuyện và đến giờ ăn bánh. Cô phụ trách việc này dậy từ 3 giờ rưỡi sáng nay, thụt nốt kem lên trên những cupcake xếp thành cờ Mỹ, có chữ “Gravel 2008”. “3 giờ rưỡi sáng!” cô nhắc lại như không tin chính mình. Tôi đoán là cô thuộc thành phần ung dung tuy vẫn còn đang làm chưa xong luận án, vừa cắm cúi vừa hỏi một cô bạn lân la “Tao tưởng mày đi Brazil rồi.” Đây không phải là chuyện đi tour du lịch, cô kia trả lời “Không, dự án này dời lại mấy tháng, bao giờ chẳng thế”. Tôi nhận xét thầm, chí ít là có hai cô này, thuộc thành phần trung lưu da trắng uống nước suối Evian, là không rơi vào “bẫy” của ông Barack như các chuyên gia hô hoán: “khách’’ của Obama là da trắng giàu với lại da đen nghèo trong khi ủng hộ Clinton là da trắng nghèo với lại da đen giàu!

Mike (ai cũng gọi ông bằng Mike trừ mấy em học sinh cấp 3 chắc là còn mang thói “Sir” với giáo viên), Mike đợi công trình bánh này hoàn tất, cầm lấy một cái nhồm nhoàm. Ông ăn vội, theo thói ứng cử viên, ăn cũng không yên, tuy nhờ quần chúng của ông ít nên cái bắt tay của ông còn rất chặt (chứ bắt tay thật chặt mỗi ngày vài ngàn bận thì phải cơ bắp như là Thống đốc Schwartzenegger). Một anh lại gần tự giới thiệu người Peru, tôi nghe loáng thoáng phong trào Luminous Path. Gravel cầm tay anh và bảo “Nếu thể chế ở Hoa Kỳ thay đổi thì tôi hứa với anh, ở dưới ấy hết có vấn đề ngay!” Thì ra, vấn đề của Nam Mỹ là vì ở miền-Nam-của-nước-Mỹ, chuyện lớn là chuyện vị trí, ai bảo mày không may.

Tôi không có kỳ vọng gì ông Gravel trúng cử và Peru hẳn sẽ tiếp tục lôi thôi. Ứng cử viên tôi đầu phiếu ủng hộ vào năm 2004 không được đến hiện diện trên toàn quốc, tại bang Cali, vinh quang mà đạt 0,6%. Nhưng như Ralph Nader nhận xét, những ứng cử viên thấp kém và bị đè bẹp (underdog) này là những người có ý kiến, chỉ có sợ ý kiến của họ mới không cho họ tham gia tranh luận, không phổ biến các ý kiến này và kiểm duyệt trong khi chẳng ai thiếu thì giờ hay là trang báo dành cho những chuyện vớ vẩn đào hát. Giờ, ước gì Britney Spears bỏ Mike Gravel, mang bầu với Kucinich để cho BS Ron Paul nạo thai và con chó của Paris Hilton cắn bà Cynthia McKinney (ứng cử viên của đảng Xanh) vì bà không được trắng, thì mới có hy vọng giải quyết căng thẳng ngoại giao sau khi Cameron Diaz sỉ nhục Peru bằng cách mang túi đầm có ảnh Mao sang đó viếng.

gravel Tôi ra về trước ông Gravel và trước mọi người vì tôi đã có một bức ảnh. Bài viết này, thật ra chỉ là chú thích dài dòng và minh họa cho tấm ảnh kèm đây. Ông Gravel ra sao, mặt mũi thế nào có lẽ không cần thiết, chỉ thấy một phần nhỏ của mặt ông ló ra đằng sau thính giả của buổi nói chuyện như lưỡi liềm của trăng đầu tháng. Một tín hiệu của một chu kỳ khởi động, tuy là đến lúc đầy đặn như Thúy Vân thì tôi chắc cũng còn lâu. Thời gian lịch sử đối với chúng ta rất là dài, đợi đến Rằm Trung Thu để mà ăn bánh thì bạn và tôi đều đã chết hết như câu nổi tiếng của John Maynard Keynes “On the long run, we are all dead.” Nhưng mà có sao, đối với Donna, Travis và vài ba em chưa tốt nghiệp phổ thông, một diễn viên truyền hình và một cô dậy 3 giờ 30 sáng để làm bánh, đối với 40 người có mặt ngày thứ hai 10.12.07 tại Pan Pacific Park, đã có một nhỏ bé bắt đầu.

Đỗ Kh.



Tái bút:

Sau kết quả cuộc bầu cử sơ bộ tại trên 20 tiểu bang ngày Super Tuesday 5.2.2008, phía Dân chủ chỉ còn lại bất phân thắng bại cặp Clinton-Obama vẫn dập dìu. Các ứng viên khác đã rút lui, ông Gravel kiên trì tại bang Cali được 6.666 phiếu, so với trên 2 triệu của bà Clinton http://news.yahoo.com/election/2008/dashboard/?d=ST. Đây là khoảng 0,13%, khoảng thôi, vì ở mức này chẳng việc gì mà phải chính xác tỉ lệ. Khó mà tính ra tỉ lệ, khi tại cả bang Colorado, bỏ phiếu cho Gravel chỉ có 16 người! Số phiếu này, nếu tôi và bạn chịu khó lấy xe bus đi ghi danh tổng thống thì cũng có thể đạt được, và nếu không lôi các Cha già Lập quốc Hoa kỳ ra mà phê phán thì biiết đâu có thể được gấp hai.

Tuy nhiên, tại đơn vị của tôi đầu phiếu, Gravel cũng được ít nhất là một lá và đâu đó East Bay trên miệt Bắc, tôi chắc chắn là Donna da trắng bóc (nhưng cũng không trắng được bằng Obama), Donna “trung kiên” không thể nào quên đi bầu.

Ông Kucinich thì đã theo vợ bỏ cuộc chơi (“có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi” Hàn Mạc Tử) mấy ngày trước Super Tuesday. Ông phải trở về bang Ohio mà lo giữ ghế đại biểu bị đe dọa.

Phía các ứng viên Cộng hoà, đại biểu Ron Paul (“The Ron Paul Revolution”) nhờ tài làm thơ tự do xuất sắc, đạt mức 4% tại Cali. Đây đó ông được 5 hay là 7, đến 21% ở North Dakota hay là 16% ở Minnesota. Tưởng cũng nên nhắc lại, nhà thơ Lamartine, trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp 1848, vì làm thơ theo thể cổ điển nên chỉ đạt có 0,25% số phiếu.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss