Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Nhà xã hội học Fabien Trương : « Tại những khu phố này, nghèo khó và mất an ninh là những thực tế cụ thể. Vì vậy mà sự phẫn nộ có tính chất chính trị »

Nhà xã hội học Fabien Trương : « Tại những khu phố này, nghèo khó và mất an ninh là những thực tế cụ thể. Vì vậy mà sự phẫn nộ có tính chất chính trị »

- Le Monde — published 04/07/2023 14:50, cập nhật lần cuối 04/07/2023 16:12

 

 


Nhà xã hội học Fabien Trương :
« Tại những khu phố này, nghèo khó và mất an ninh là những thực tế cụ thể. Vì vậy mà sự phẫn nộ có tính chất chính trị »

   

   

LTS. Báo Le Monde, số đề ngày 30.6.2023 đăng bài phỏng vấn nhà xã hội học Fabien Trương, giáo sư Trường đại học Paris VIII. Từ sau cuộc bạo loạn năm 2005, ông đã theo dõi quá trình học hành và tiểu sử của khoảng hai mươi học trò cũ ở trường trung học Paul Eluard tỉnh Seine-Saint-Denis (Jeunesses françaises, La Découverte, 2015, 2022). Các tác phẩm khác : Des capuches et des hommes (Buchet-Chastel, 2013), Loyautés radicales (La Découverte, 2017), La taille des arbres (Payot & Rivages, 2022) – xem bài giới thiệu trên Diễn Đàn (30.3.2022) : Đọc La taille des arbres của Fabien Trương.


 fb


Vì sao một bộ phận tuổi trẻ Pháp đã nổi dậy sau cái chết của Nahel M., nổi lửa khắp nơi cách xa thành phố của thiếu niên này ?


Đó là những thanh thiếu niên cùng độ tuổi với Nahel. Họ đã phản ứng từ tâm can một cách bạo liệt, vì một lý do đơn giản : cái chết ấy có thể là cái chết của chính mình. Trong thâm tâm, mỗi cậu tự nhủ : « Việc ấy có thể xảy ra cho chính mình ». Mỗi thiếu niên sống ở những khu phố này đều ghi nhớ kỷ niệm những cuộc đụng độ thua thiệt và bạo lực với cảnh sát. Những cuộc khám xét giấy tờ rất khó chịu, lặp đi lặp lại nhiều lần ở ngay dưới cửa chung cư rất nhục nhã, tạo ra thương tổn tinh thần và, về lâu dài, tạo ra sự uất hận sâu sắc. Họ cảm nhận rằng sự có mặt của họ, ngay dưới chân nhà, là một cái gì bất chính, phải được biện bạch. Cái lôgic của sự nghi ngờ này hầu như trở thành siêu hình, hiện sinh. Họ nghĩ bị xét giấy không phải vì họ đã làm gì đó, mà vì đơn giản họ là họ. Trong quá trình điều tra, tôi nhận ra rằng những chấn thương ấy đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong đời họ : ngoài ba mươi tuổi, họ vẫn còn sợ cảnh sát. Mối quan hệ với Nhà nước là một mối quan hệ đau đớn, lời hứa hẹn của chính thể cộng hòa đã bị quên lãng. Điều này phần nào giải thích tại sao cư dân ở những khu phố này thờ ơ với chính trị và cảnh giác đối với bất cứ ai đại diện cho chính quyền.

 

Những khu phố này tích tụ những sự bất bình đẳng, nhưng cũng là nơi tập trung sự phạm pháp và những hành động phi công dân…


Đúng thế, đó là những vùng lõm tập trung sự nghèo khó, và đi kèm đó, là bạo lực. Nhưng khi bọn trẻ bỏ chạy hay không tuân lệnh cảnh sát, không nhất thiết là chúng đã làm điều gì đáng trách. Năm 2005, Zyed Benna và Bouna Traoré đã bỏ chạy vào một trạm biến thế và bị chết vì điện giật  khi cảnh sát thành phố Clichy-sous-Bois xét hỏi giấy tờ, hai thiếu niên ấy trước đó không hề làm điều gì sai trái. Cái chết của họ đã dấy lên một cơn cuồng nộ kéo dài nhiều đêm liền. Trong một trường hợp như vầy, lẽ ra trong cuộc can thiệp của cảnh sát, điều cốt yếu là phải nhận thức kẻ tình nghi vi phạm trước hết là một thiếu niên 17 tuổi như Nahel. Nhận thức đó phải thể hiện trong tư thế của người cảnh sát, nhiều lúc phải có khả năng giáo dục, nhất là khi phải thay mặt quyền lực để buộc người dân tôn trọng Nhà nước pháp quyền. Tuổi thiếu niên là tuổi mỗi người tìm chỗ đứng trong đời, là tuổi mà người ta tự xây dựng trong vị trí đối lập. Điều quan trọng là nhân viên cảnh sát phải được tập luyện để tạo ra mối tương quan đó để tháo ngòi ngăn ngừa những cuộc chạy trốn vô lý, nhưng có thể lý giải được.


Tại sao nổi giận chủ yếu là con trai ?


Con gái ít có mặt hơn con trai trong không gian công cộng của các khu nhà bình dân. Họ ở nhà, sống trong vòng gia đình, hoặc ở những nơi như thư viện phương tiện truyền thông, trung tâm văn hóa, trụ sở hội đoàn để tham gia những sinh hoạt văn hóa xã hội. Nữ sinh học hành khá hơn nam sinh, không chán ghét trường học như bọn con trai, tối tối ra ngoài phá đám cho hả giận. Ở các khu bình dân, trò chơi mèo bắt chuột giữa cảnh sát và bọn trẻ chủ yếu là một trò chơi giữa nam nhi với nhau. Có một sự tương đồng và tương phản giữa cảnh sát và tuổi trẻ các khu bình dân : họ giống nhau trong sở thích và cung cách hơn là họ tưởng. Một thí dụ điển hình : say mê những bộ môn thể thao cơ khí, một số cảnh sát thích cưỡi mô tô mạnh mẽ, ưa trò « wheeling » (cưỡi xe thẳng đứng trên bánh sau) không khác những thanh thiếu niên mà họ săn đuổi…


Ông nghĩ sao về phản ứng của cha mẹ các thiếu niên nổi loạn ?


Nhìn chung, cha mẹ họ thường nói : « Chúng tôi lên án nhưng chúng tôi hiểu ». Họ buồn tiếc những sự phá phách đụng chạm trực tiếp tới họ (phá hủy trường học, nhà trẻ, trạm đợi xe buýt), nhưng họ thấy trong suốt hai mươi lăm năm qua, tình hình không có gì thay đổi. Tất cả các cha mẹ đều biết rằng các con trai, hàng xóm, cháu họ đều có thể trở thành nạn nhân một cuộc xét giấy kết thúc xấu. Người lớn tuổi không chống cảnh sát, cũng chẳng chống Nhà nước, ngược lại là khác. Họ đều thiết tha yêu cầu được sống trong một không gian an ninh. Họ yêu cầu một Nhà nước mạnh, nhưng cảnh sát thì phải đổi khác, một đội ngũ cảnh sát gần dân, biết phân biệt bọn làm bậy và dân chúng. Muốn được thế, thì phải biết cặn kẽ từng khu phố, biết đối thoại với những người làm công tác giáo dục trong không khí tin cậy lẫn nhau. Công an cảnh sát phải là một dịch vụ công cộng.

Cũng phải nói rõ là những người đã thoát ra khỏi hoàn cảnh xã hội này, phần đông đều dọn nhà, rời những khu phố bị kỳ thị này. Nhưng tất cả mọi người đều đã chứng kiến, thấu hiểu hay trải nghiệm mối quan hệ chua chát với cảnh sát. Thêm vào đó, kinh nghiệm của họ về những bất bình đẳng còn nguyên vẹn, nhức nhối và cụ thể. Ở trường đại học chính trị học Science Po, tranh luận về phái tả - phái hữu, đối với phần đông sinh viên, chỉ là một cuộc tập dượt tài diễn thuyết. Còn ở những khu phố này, nạn nghèo khó và tình trạng mất an ninh là những hiện thực cụ thể, nhãn tiền, nhạy cảm. Vì vậy, sự phẫn nộ mà chúng ta đang chứng kiến mang tính chất chính trị, nó phát sinh từ trải nghiệm tập thể của sự bất công, từ tâm trạng bị tước đoạt.


Làm sao ra khỏi cuộc khủng hoảng này ?


Một đội ngũ công an cảnh sát gần gũi người dân hơn, xây dựng quyền uy của mình thông qua những cuộc tuần tra có đối tượng xác định, trấn áp nặng nhẹ có liều lượng, đó là một trong những bí quyết. Nhưng đó chỉ là một bộ phận của một cuộc cải tổ xã hội. Điều ấy, công an cảnh sát rất biết, họ thường nói tới hậu quả của một tình trạng khốn cùng về xã hội cũng như về tinh thần mà họ phải đối mặt. Họ rất ý thức về những bất bình đẳng mà trách nhiệm không thuộc về họ. Bởi vậy không nên đặt tất cả họ vào cái rọ kỳ thị chủng tộc… nhất là hiện nay nhiều người trong họ xuất thân từ những khu phố này.

(bản dịch của Nguyễn Ngọc Giao)


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss