Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Nhật Bản 1955 - 1973

Nhật Bản 1955 - 1973

- Trần Văn Thọ — published 14/03/2016 09:00, cập nhật lần cuối 15/03/2016 17:17


Đêm trước của một thời đại:
Nhật Bản giữa thập niên 1950


Trần Văn Thọ


Những nước thành công trong quá trình phát triển, tiến lên vị trí của một cường quốc công nghiệp, một quốc gia có thu nhập cao, thường trải qua một thời đại rực rỡ, đánh dấu một cái mốc quan trọng trong lịch sử của nước đó. Giai đoạn gần 20 năm (1955-1973) trong nửa sau thế kỷ 20 của Nhật Bản là một trường hợp như vậy. Nhiều người nghiên cứu nước ngoài gọi đó là giai đoạn phát triển thần kỳ, các kinh tế gia Nhật gọi một cách khiêm tốn đó là thời đại phát triển tốc độ cao, người khác thì nói “6000 ngày làm thay đổi nước Nhật”.

Chỉ với gần 20 năm, Nhật Bản đã thay đổi ra sao? Ở đây chỉ tóm lược vài con số, vài sự kiện. Trong giai đọan đó kinh tế Nhật phát triển trung bình 10%. Phát triển với tốc độ cao như vậy và kéo dài 18 năm là hiện tượng chưa từng thấy trong lịch sử thế giới trước đó.

Thành quả đó đã làm thay đổi hẳn cơ cấu kinh tế, đời sống của người dân và vị trí quốc tế của Nhật. Từ năm 1955 đến giữa thập niên 1970, cơ cấu xuất khẩu chuyển từ các ngành dùng nhiều lao động như may mặc, tơ sợi, thực phẩm, sang những mặt hàng có hàm lượng cao về tư bản và công nghệ như thép, xe hơi và các loại đồ điện gia dụng như tủ lạnh, TV. Lao động trong ngành nông lâm thuỷ sản giảm từ 41% xuống 15%. Trên vũ đài quốc tế, Nhật Bản chuyển từ một nước nhập siêu và còn vay mượn sang một cường quốc công nghiệp và đứng vào hàng những nước cho vay và viện trợ nhiều nhất.

Phát triển nhanh trong thời gian dài đã làm thay đổi hẳn đời sống của dân chúng. Ăn, mặc và ở, ba nhu yếu phẩm cơ bản của con người đều được cải thiện rõ rệt. Về nhà ở, thị dân có thu nhập không cao cũng dần dần được vào ở trong những căn hộ riêng, rộng và tiện nghi trong những chung cư hiện đại. Bữa ăn được cải thiện hẳn, đầy đủ dinh dưỡng nên tuổi thọ trung bình tăng từ 60 lên 72 (trường hợp nam) chỉ trong thời gian chưa tới 20 năm. Mơ ước của mọi gia đình vào giữa thập niên 1950 là có tủ lạnh, máy giặt và nồi cơm điện. Nhà văn Ishihara Shintaro (sau này làm Đô trưởng Tokyo), năm 1955 lúc còn học đại học đã viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Taiyo no Kisetsu (Mùa thái dương) và được giải thưởng văn học danh giá Akutagawa năm 1956. Ông dùng tiền thưởng mua một máy giặt cho mẹ. Trong một bài viết gần đây, ông kể lại sự vui mừng, cảm động lộ trên khuôn mặt của mẹ khi máy giặt được mang đến nhà. Đến cuối thập niên 1960, nghĩa là chỉ trong vòng 15 năm sau, kể cả ở thôn quê hầu như nhà nào cũng có đủ các phượng tiện sinh hoạt hiện đại ấy.

Giai đoạn ấy đúng là một thời đại rực rỡ trong lịch sử Nhật. Thử lùi thêm lại lịch sử để xem đêm trước của thời đại đó có những đặc tính gì.

Đêm trước đó có thể hình dung bằng một một câu ngắn: người dân tin tưởng vào tương lai của đất nước, ai cũng mơ về một ngày mai tươi sáng và thấy có trách nhiệm để làm cho giấc mơ trở thành hiện thực. Không khí nói chung là như vậy nhưng ai là những người dẫn dắt dư luận để tạo ra niềm tin và thổi vào tâm hồn người dân giấc mơ đó? Đó là lãnh đạo chính trị, là trí thức, là lãnh đạo doanh nghiệp. Với tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm cao, họ kết tập trí tuệ của mọi tầng lớp để làm cho Nhật khắc phục sự hoang tàn đổ nát sau Thế chiến II, khắc phục sự tủi nhục phải chịu sự cai trị của quân đội Mỹ (đến năm 1951) và vươn lên địa vị của một đất nước thượng đẳng.

Nhờ vậy mà chỉ có 10 năm Nhật đã phục hồi được kinh tế và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển đặc biệt nói trên. Trong 10 năm đó, nhà chính trị tiêu biểu là Yoshida Shigeru trong nỗ lực ổn định xã hội và thương lượng với Mỹ để giành lại độc lập trong điều kiện có lợi nhất cho Nhật. Giới trí thức, dù khác tư tưởng, vẫn có chung lý tưởng là khôi phục và phát triển đất nước. Nhiều người hăng hái đóng góp ý kiến hoặc trực tiếp tham gia việc nước. Tiêu biểu trong giai đoạn 10 năm hậu chiến là nhà kinh tế Mác xit Arisawa Hiromi, người đưa ra phương thức sản xuất tập trung than thép nôi tiếng, là Tsuru Shigeto vừa trở về sau khi lấy tiến sĩ kinh tế ở Harvard, người đầu tiên giúp chẩn đoán tình hình kinh tế theo phương pháp khoa học. Tsuru cũng là người soạn Sách trắng kinh tế đầu tiên (1947), bản báo cáo hàng năm nêu các vấn đề cơ bản hiện tại và chỉ ra phương hướng, trào lưu phát triển trong tương lai. Cho đến khoảng đầu thập niên 1970, đó là bản báo cáo kinh tế quan trọng nhất đối với nhà lập chính sách, với doanh nghiệp và nhà nghiên cứu.

Tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm cũng thấy rõ trong giới lãnh đạo doanh nghiệp. Trong nửa sau thập niên 1940, những công ty sau đó trở thành biểu tượng phát triển của Nhật Bản như Sony, Honda,… lần lượt ra đời, và những doanh nhgieejp đã có từ trước như Toyota, Matsushita (hiện nay là Panasonic), Hitachi, Toray,… cũng chuyển động mạnh mẽ. Có người sang tận Mỹ để xem xét nguồn gốc sức mạnh của nước này. Hầu hết họ có cùng nhận định là cái yếu lớn của Nhật là công nghệ. Thế rồi họ đổ xô đi mua công nghệ mới của Mỹ, Anh, Pháp,… về cải tiến và đưa vào sản xuất. Nhiều công ty mạnh dạn bỏ ra số tiền lớn bằng cả vốn pháp định để chỉ mua một công nghệ. Động cơ lớn nhất của các nỗ lực đó không vì mưu tìm lợi ích riêng mà là để làm cho đất nước phát triển. Bài diễn văn của Ibuka Masaru trong buổi lễ sáng lập công ty Sony năm 1946 có một câu làm cảm động cả người đương thời và các thế hệ kế tiếp: Phải đem công nghệ góp phần vào sự phục hưng của tổ quốc chúng ta. Giữa hoang tàn đổ nát sau chiến tranh câu ấy như lời hiệu triệu không phải chỉ cho doanh nghiệp mà đối với mọi tầng lớp dân chúng.

Sách trắng kinh tế năm 1956 đưa ra một câu bất hủ, trở thành phương châm lớn cho giai đoạn phát triển tiếp theo và được truyền tụng mãi khi bàn luận về lịch sử Nhật Bản từ khi chấm dứt Thế chiến II: Đã qua rồi thời hậu chiến ! Câu này ý nói qua 10 năm Nhật Bản đã phục hồi được kinh tế và những yếu tố phát triển của thời phục hung kinh tế đã hết, bây giờ phải bắt đầu một giai đoạn phát triển mới với những yếu tố mới.


shigeto ibuka 
Từ trái sang phải, các ông Tsuru Shigeto và Ibuka Masaru


Thế rồi xã hội Nhật dấy lên một không khí bàn luận sôi nổi về khả năng và chiến lược của Nhật Bản trong giai đoạn mới. Lúc này xuất hiện một nhà lãnh đạo chính trị kiệt xuất có hoài bão lớn, có tầm nhìn xa, lắng nghe trí thức và biết kết hợp trí tuệ của trí thức, của chuyên gia. Đó là Ikeda Hayato, lúc đó là Bộ trưởng Tài chánh. Ông tiếp nhận ý tưởng “đã qua rồi thời hậu chiến” và chủ trương phải bắt đầu thời đại phát triển, làm sao để toàn dụng lao động mới cải thiện hẳn cuộc sống của dân chúng. Nhưng ông không rõ tiềm năng của Nhật. Trong lúc suy nghĩ về tương lai đất nước và đọc các ý kiến tranh luận của trí thức về tiềm năng của Nhật, Ikeda chú ý đến ý kiến của giáo sư kinh tế Nakayama Ichiro viết trên một tạp chí về khả năng tăng gấp đôi tiền lương và ý kiến của nhà kinh tế Shimomura Osamu về hai yếu tố lớn có thể làm Nhật phát triển rất nhanh. Đó là tỉ lệ tiết kiệm đang cao trong dân chúng và sự chênh lệch khá lớn về công nghệ giữa Nhật và các nước Âu Mỹ mà tình hình quốc tế lúc đó rất thuận lợi để Nhật du nhập công nghệ, từng bước rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến. Hai yếu tố này là tiền đề để tăng tỉ lệ đầu tư, đẩy mạnh tích lũy tư bản trong điều kiện có hiệu quả nhất.


ikeda
Thủ tướng Ikeda Hayato 1962


Ikeda đã lấy ý của Nakayama và tham khảo phân tích của Shimomura để lập ra Chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân, làm tuyên ngôn chính trị trong cuộc tranh cử đảng trưởng Đảng Tự do Dân chủ. Ông đã thắng cử và trở thành thủ tướng năm 1960 và chiến lược nổi tiếng ấy đã đưa đến sự phát triển ngoài dự tưởng trong thập niên 1960. Chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân đã làm nức lòng người. Đặc biệt giới doanh nghiệp đã mạnh dạn du nhập công nghệ để đầu tư xây nhà máy mới, sản xuất sản phẩm mới, hoặc đổi mới thiết bị tăng năng suất những sản phẩm đã có. Hiện tượng đó được Sách trắng kinh tế sau đó hinh dung bằng cụm từ “đầu tư kêu gọi đầu tư”. Giấc mơ về một cuộc sống tươi đẹp hơn lại được cổ vũ và tin tưởng ở nhân cách, tầm nhìn và biết trọng người tài của nhà chính trị Ikeda.

Như vậy không ngẫu nhiên mà Nhật có một thời đại phát triển rực rỡ. Đêm trước của thời đại đó đã hội đủ các tiền đề. Quan trọng nhất là lãnh đạo chính trị, lãnh đạo doanh nghiệp và trí thức, những người đi tiên phong trong việc thổi vào xã hội một luồng không khí mới đầy hứa hẹn về tương lai. Trong 3 chủ thể đó, quan trọng nhất là tố chất của lãnh đạo chính trị, những người có hoài bão lớn, biết lắng nghe trí thức và biết được giấc mơ, kỳ vọng thiết thực của người dân.

Dĩ nhiên cần một tiền đề lớn hơn. Ngoài yếu tố văn hoá ra, thể chế bảo đảm một không khí tự do, dân chủ, bình đẳng để các ý tưởng ra đời, để mọi người có trí tuệ, có trách nhiệm được tham gia bàn bạc rộng rãi là quan trọng nhất.


Trần Văn Thọ

(viết trên hành trình Tokyo, Phnom Penh và Yangon, trung tuần tháng 2/2016)

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Bính Thân
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss