Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Các bi kịch diệt chủng

Các bi kịch diệt chủng

- Thanh Gương — published 28/01/2008 23:53, cập nhật lần cuối 28/01/2008 23:53
Nhân ngày “tưởng niệm những nạn nhân diệt chủng của phát-xít Đức”, tác giả nhìn lại những bi kịch diệt chủng gần đây hơn, và tìm cách lý giải tại sao chúng không được dư luận thế giới quan tâm như cuộc diệt chủng dân Do Thái trong thế chiến thứ II.


Các bi kịch diệt chủng

Thanh Gương


Từ lâu, nhân loại đã xem ngày 27/01 là ngày “tưởng niệm những nạn nhân diệt chủng của phát-xít Đức” từ 1941 đến 1945, một bi kịch đã gây thiệt mạng gần 6 triệu người Do Thái (cộng thêm vài triệu người thuộc các sắc tộc khác, các người đồng tính luyến ái...).

Hôm qua 27/01/2008, các cơ quan chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức của cộng đồng người Do Thái, các cơ quan báo chi, truyền thông đại chúng đã tổ chức rầm rộ các buổi mít tinh, các buổi thảo luận, bàn vuông bàn tròn để “nhớ” lại trang sử bi thảm nói trên, và cũng để “cảnh báo” cho nhân loại biết là đừng để những sự kiện trên có thể tái diễn lại trên trái đất.

Cả tuần trước đây, các nhà sách đã “chào hàng” với những tập ảnh tư liệu về những trại tập trung của phát-xít Đức, về những nạn nhân diệt chủng. Lại có thêm một số sách nghiên cứu hay nhân chứng lịch sử với đề tài nạn diệt chủng kể trên, các nhà xuất bản ấn phẩm đã cho ra vừa sách, vừa album hình, vừa đĩa DVD đủ thông tin tư liệu về cuộc diệt chủng của phát-xít Đức. Một loạt các cuộc triển lãm hình ảnh tư liệu về cuộc diệt chủng đã được khai trương cùng lúc ở nhiều nơi trên đất Ý.

Tối hôm qua, đài truyền hình Ý cho chiếu lại cuốn phim nổi tiếng “Schindler’s list” (1993) của Steven Allan Spielberg. Phim kể lại một sự kiện có thật của một tay doanh nhân người Czech Oskar Schindler xuyên qua việc thâu nhận nhân công cho xưởng sản xuất sắt thép và vũ khí của mình, tay Schindler này đã “vô tình” cứu mạng được hơn một ngàn người Do Thái vì với lý do là những người này có thể được sử dụng như tù lao động trong nhà máy của ông, họ đã tránh được hoạ diệt chủng trong các trại tập trung của Đức.

Bài học bi thảm diệt chủng nói trên đã xẩy ra hơn nửa thế kỷ. Trong thời gian đó đã biết bao tư liệu, sách vở, tác phẩm văn học, nghệ thuật, điện ảnh, hội thảo đã được tổ chức vừa để tưởng niệm những nạn nhân, vừa để lên án nạn diệt chủng với chủ đích là “cảnh báo” nhân loại.

Nhưng kể từ đó đến nay, dù rằng nhân loại vẫn tiếp tục tưởng niệm nạn nhân diệt chủng của phát-xít Đức, nhưng trên thế giới vẫn đã xẩy ra biết bao nhiêu vụ diệt chủng khác: Ở Campuchia với vụ diệt chủng của Khmer đỏ từ 1975 đến 1979 và đã làm thiệt mạng khoảng 1 triệu 800 ngàn người Campuchia (gần phân nửa dân số). Ở Bosnia, sau khi Nam Tư tan rã, từ 1992 đến 1995 diệt chủng đã làm thiệt mạng khoảng 1 triệu 200 ngàn người Hồi giáo. Đó là chưa nói đến diệt chủng ở Ruanda (Phi Châu) từ năm 1994 và vẫn còn tiếp tục diễn ra và đến nay là khoảng 1 triệu người thiệt mạng, đến diệt chủng giửa các “bộ lạc”ở Darfur (Sudan) từ 2003 đến nay đã gây tử vong gần nửa triệu người (theo tin của các tổ chức cứu tế phi chính phủ) và vẫn còn đang tiếp diễn “đều đặn”.

Tất cả các cuộc diệt chủng đều dựa trên sự phân biệt chủng tộc, sắc tộc, hay/và tôn giáo. Đặc biệt chỉ riêng ở Campuchia là diệt chủng dựa trên mô hình “giai cấp”. Nhưng dù dựa trên mô hình hay cơ sở lý luận nào đi nữa, thì tất cả các cuộc diệt chủng đều dựa trên ý niệm “kỳ thị”.

Thật là khó hiểu. Không thể nào có thể tưởng tượng ra được một cơ chế của một nhà nước hay của một nhóm người có quyền hành trong tay có thể quyết định loại trừ một con người không phải vì lý do phạm pháp hay có tội lỗi chi đó, mà chỉ vì người đó thuộc thành phần một chủng tộc hay tôn giáo hay giai cấp xã hội mà nhà nước không chấp nhận.

Diệt chủng nào cũng là bi thảm. Diệt chủng nào cũng đáng ghê tởm và khiến nhân loại phải lên án. Lúc nào cũng cần phải nhắc đi nhắc lại những bài học thương đau của diệt chủng để “trau giồi” lương tâm của nhân loại, với hy vọng là những bi kịch ấy sẽ không tái diễn.

Nhưng thế mà lịch sử nhân loại đã làm điều phi lý đó. Và không phải chỉ một lần. Và ngay trong niên kỷ tiến bộ văn minh hôm nay cũng vẫn còn xẩy ra điều cực kỳ phi lý ấy. Và người ta cũng không biết là cho đến bao giờ nhân loại mới chấm dứt diệt chủng dưới dạng này hay dạng nọ. Hình như vẫn thế giới vẫn còn “dung thứ” diệt chủng bằng lý do này hay lý do khác. Thậm chí, các cuộc diệt chủng hôm nay đôi khi chỉ vì những tranh chấp quyền lợi kinh tế giửa các nhóm đảng bè phái. Thí dụ điển hình là cuộc diệt chủng ở Darfur chủ yếu chỉ vì tranh chấp để giành quyền kiểm soát các mỏ dầu hoả và các quặng mỏ thiên nhiên.

Điều tồi tệ hơn nữa là ngay trong chính giữa các bi kịch diệt chủng đã diễn ra cho nhân loại cũng có sự “phân biệt đối xử”.

Thế giới không ngừng nhắc đi nhắc lại bi kịch diệt chủng mà người Do Thái đã phải chịu đựng. Đã có biết bao sáng tác văn học nghệ thuật, có biết bao nghiên cứu lịch sử, có biết bao hoạt động văn hoá, sinh hoạt xã hội chính trị trên đề tài diệt chủng này. Đã gần nửa thế kỷ qua, đề tài diệt chủng người Do Thái vẫn luôn luôn là đề tài rất thời sự, “nóng hổi”, và vẫn còn là “nguồn cảm hứng” của các sáng tác hoạt động văn học nghệ thuật. Đấy là điều đáng mừng. Và chúng ta hy vọng là nhân loại sẽ không quên bi kịch mà 6 triệu người Do Thái đã phải hy sinh.

Nhưng song song đó, có một điều “khó hiểu” là có những bi kịch diệt chủng “mới” hơn (tức là xẩy ra gần đây thôi, chứ không phải nửa thế kỷ qua), nhưng lại ít có tính “thời sự”, ít khi được thế giới “nhớ” đến, chẳng có mấy sáng tác văn học nghệ thuật hay nghiên cứu về những cuộc diệt chủng mới sau này. Thậm chí thế giới cũng chưa ấn định được “ngày tưởng niệm” cho những cuộc diệt chủng “hậu hiện đại” này.

Đó là những bi kịch đã xẩy ra ở Campuchia, ở Bosnia, ở Kosovo, ở Ruanda, ở Darfur ...

So với bi kịch diệt chủng người Do Thái, các bi kịch diệt chủng thời “hậu hiện đại” hình như bị liệt vào hạng B hay C. Cứ như mỗi cuộc diệt chủng đều được sắp hạng: hạng A thì luôn đáng được lưu ý, hạng B thì ... thi thoảng năm khi mười hoạ mới được “nhắc” đến, còn nếu bị liệt vô hạng C thì ... cứ vẫn tiếp diễn một cách rất “bình thường” ....

So với toà án “hoành tráng” ở Nuremberg (Đức), các toà án để xử các tay đồ tể của các cuộc diệt chủng “hậu hiện đại” cũng chỉ được tổ chức trước sự “thờ ơ lạnh nhạt” của thế giới. Và rồi các phiên toà này cũng chẳng đi đến một kết quả đáng giá nào cả. Thí dụ điển hình là vụ án xử Khmer đỏ, đến nay cũng chưa “ngã ngũ”, thậm chí kéo dài đến độ Polpot không “kịp” nhận bản án kết tội đã lăn ra chết già chết bệnh.

Thậm chí trong suốt thời gian từ 1941 đến 1945, không phải chỉ có Đức mới thi hành chính sách “diệt chủng” đối với người Do Thái ở Châu Âu, mà cả Nhật, đồng minh phe trục với Đức cũng đã tiến hành chính sách “diệt chủng” ở Trung Quốc, ở Việt Nam, ở Miến Điện .... Thế mà sau này, khi nói đến diệt chủng thời đệ II thế chiến, người ta thường chỉ nói đến các nạn nhân Do Thái, chứ ít khi nghe nói đến những chính sách tàn bạo ở quân đội hoàng gia Nhật ở Á Châu: thí dụ như vụ thảm sát tàn bạo và hiếp dâm đại trà ở Nanchino, thí dụ như nạn đói năm 45 ở miền bắc Việt Nam....

Tại sao có sự “phân biệt đối xử” giửa bi kịch diệt chủng Do Thái và các bi kịch diệt chủng khác xẩy ra sau này ?

Có nhiều lý do. Chính trị, văn hoá, xã hội và cả kinh tế.

Trước hết xin nói về lý do chính trị.

Có một sự khác biệt lớn giửa “thủ phạm” của bi kịch diệt chủng Do Thái với các “thủ phạm” của các bi kịch diệt chủng “hậu hiện đại”.

Khi đệ II thế chiến kết thúc, thì ở Châu Âu chỉ có Đức là nước bại trận duy nhất. Và hoàn toàn “trơ trọi một mình”. Ý thì dù là đồng minh trong phe trục nhưng không có “trọng lượng” nên cũng chưa “kịp” tiến hành diệt chủng, Ý chỉ “mới” gián tiếp tham gia diệt chủng Do Thái bằng cách truy lùng những người Ý gốc Do Thái và giao hết những người này cho Đức “xét xử”, và nhất là chính ngay cả Ý cũng đã “kịp đổi cờ” vào những giây phút cuối cùng của cuộc chiến nên không bị liệt vào hàng quốc gia “bại trận” (thậm chí Ý còn được ngồi vào bàn của đồng minh sau thế chíến để được chia phần trong kế hoạch viện trợ Marshall).

Kết án một nước bại trận duy nhất ở Châu Âu, trong khi tất cả các nước phương Tây còn lại, kể cả Mỹ bên kia bờ đại dương, kể cả Nga bên này đại dương, tất cả đã đều là đối địch với Đức, thì rất dễ. Tất cả mọi quyết định đều có được sự “đồng thanh” của “đồng minh” trong việc tiến hành nhanh chóng và hoành tráng toà án Nuremberg. Một bản án kết tội Đức Quốc Xã về tội phạm chiến tranh và diệt chủng ... hoàn toàn không gây liên lụy cho bất cứ một “cường quốc” nào trên thế giới lúc đó: Mỹ cũng ok, Pháp cũng tán thành, Anh cũng đồng ý, Nga cũng thoả thuận ... (Tương tự như kết tội Nhật, tất cả cũng đều đồng ý). Không có một quốc gia nào “phủ quyết” hay “cản mũi kỳ đà” cả.

Nhưng khi bước sang những cuộc diệt chủng “hậu hiện đại” thì bối cảnh chính trị giửa các “cường quốc” không còn hoàn toàn “chung tuyến” với nhau. Kết án Khmer đỏ thì dễ dàng cho Mỹ và Tây Âu, nhưng lại quá “khó nuốt” cho Trung Quốc. Kết án Bosnia thì cũng dễ dàng và “có lợi” cho Mỹ và đa số các nước Tây Âu, nhưng lại “không mấy lợi” cho Nga. Ở Ruanda thì lại càng tồi tệ hơn, chẳng biết phải kết án ai, vì quyền lợi kinh tế chính trị của từng nước Tây Âu và Trung Quốc với các bộ lạc địa phương chồng chéo lên nhau như mắt cáo, ở Darfur thì đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi dầu khí của Trung Quốc .... Cứ thế mà các “cường quốc” cứ “phủ quyết” lẫn nhau và diệt chủng cứ tiếp tục được thi hành.

Do đó, khi nói đến diệt chủng người Do Thái do phát-xít Đức gây ra thì chẳng có cường quốc nào bị “mắc xương”, do đó chỉ cần 5 phút là toà án đã “định hình” được thủ phạm. Còn khi nói đến những cuộc diệt chủng khác thì có lắm kẻ “há miệng mắc quai” .... thế là các phiên toà cứ như ... “con thuyền không bến”.

Nhưng bên cạnh mặt tiêu cực vì lý do chính trị như đã nói ở trên, những “phân biệt đối xử” giửa cuộc diệt chủng Do Thái và các cuộc diệt chủng khác lại có một lý do văn hoá xã hội ... ít nhiều (có thể nói) là tính ... “tích cực”.

Bi kịch diệt chủng người Do Thái ở giai đoạn 1941-1945 là do chính một dân tộc Châu Âu (Đức) gây ra trên một một sắc tộc thiểu số của các dân tộc Châu Âu khác, một sắc tộc đã lâu đời hội nhập vào đời sống xã hội Châu Âu (Do Thái). Các nước Châu Âu khác, dù là thắng trận, dù rằng họ vẫn chưa bao giờ “chính thức” tán thành chính sách diệt chủng Do Thái của Đức, nhưng các nước Tây Âu đều cảm thấy ít nhiều họ có trách nhiệm gián tiếp trong bi kịch đó: họ đã “thờ ơ” ngay khi Đức bắt đầu chính sách diệt chủng, họ đã để người Do Thái trơ trọi một mình chịu bị diệt chủng mà không một mảy may nhúc nhích .. vì họ không muốn bị ... hệ lụy ... Thậm chí Toà thánh Vatican đầy quyền lực cũng .... “làm lơ” (dù rằng đã có rất nhiều tu sĩ công giáo đã lén lút giấu những người gốc Do Thái trong các nhà thờ hay tu viện để cứu họ ra khỏi hoạ diệt chủng) . Và cũng có thể nói là có nhiều thành phần xã hội trong các nước Châu Âu thời những thập niên 30-40 không mấy “thiện cảm” với những người gốc Do Thái ... vì những người này đã tích luỹ trong tay quá nhiều sức mạnh kinh tế thương mãi (nói nôm na giống như người Việt Nam không mấy thiện cảm với mấy anh Ba Tàu ở Chợ Lớn). Và do đó họ đã “làm ngơ” để Đức Quốc Xã tảo thanh những người dân Châu Âu gốc Do Thái. Đến khi hoà bình lập lại, khi những người Do Thái sống sót ở các trại tập trung trở về kể “trường thiên bi kịch” của họ, nhân chứng của một tội ác tầy trời do chính con người gây ra cho con người ... thì người Châu Âu mới “bật ngửa” ra là thấy “lương tâm” bị cắn rứt vì họ đã không làm gì để ngăn chặn cuộc diệt chủng ngay trong nhà của họ.

Phản ứng của người Châu Âu là họ muốn gội rửa cho hết cái mặc cảm tội lỗi nói trên. Khi đứng ra làm những hoạt động hổ trợ để truy lùng các tội phạm diệt chủng, khi dùng hết các khả năng sáng tạo của mình để làm những sáng tác văn hoá nghệ thuật minh chứng do sự diệt chủng người Do Thái, khi bỏ hết công lao sức vóc vào những công trình nghiên cứu công phu để tố cáo tội ác diệt chủng của Đức Quốc Xã, khi tổ chức hoành tráng những buổi tưởng niệm nạn nhân diệt chủng Do Thái ... người Châu Âu đã “hết lòng hết dạ” xử lấy chính mình .... như để chuộc lại cái lỗi lầm năm xưa đã thờ ở để người Do Thái trơ trọi chịu nạn diệt chủng ... Và một phần cũng để tự nhắc nhở phải ghi nhớ bài học lịch sử tang thương ấy để tránh tái phạm lần thứ hai ... trên đất Châu Âu.

Điểm “tích cực” của lý do này là chính người Châu Âu đã “can đảm” đứng ra nhận tội. Can đảm phơi bày cái quá khứ tội lỗi của mình ... Dám nhìn thẳng vào lịch sử.

Trong khi đó, ở những cuộc diệt chủng khác thì không có một chiến dịch “tự vấn lương tâm” trước lịch sử của một hay nhiều dân tộc. Lấy trường hợp của Nhật. Nhật trong suốt thời đệ II thế chiến cũng đã đem quân sát phạt có những hành động diệt chủng đối với các dân tộc Châu Á trong vùng. Thế nhưng đến nay, trong xã hội Nhật vẫn chưa có một quá trình “giải toả lương tâm”. Những tội ác mà quân đội đã gây ra cho người Trung Quốc, cho Việt Nam và cho các nước khác trong vùng vẫn còn là một thứ “ta-bu” mà xã hội Nhật vẫn chưa dám trực diện nhìn thẳng vào nó, và những nạn nhân cũng chưa “trút” hết được những ẩn uất của mình. Bằng chứng là lâu lâu lại có bùng nổ căng thẳng giửa Nhật và Trung Quốc khi đánh giá một số sự kiện lịch sử. So với những sáng tác văn học nghệ thuật, những công trình nghiên cứu lịch sử, những cuộc hội nghị phân tích bàn cãi trên đề tài diệt chủng Do Thái thì trên đề tài của cuộc diệt chủng của Nhật ở Á Châu đã có được bao nhiêu sáng tác, bao nhiêu công trình nghiên cứu, bao nhiêu hội thảo bàn tròn bàn vuông ?

Những địa danh như Auschwitz, Dachau, như Cracovia, như Varsavia .... nói ra thì ai cũng biết. Nhưng mấy ai (ngoài người Trung Quốc) biết đến địa danh Nanchino (Nanjing) (thảm sát của quân đội Nhật, và nhất là việc hảm hiếp đại trà của lính Nhật đối với phụ nữ Trung Quốc ở thành phố này). Người ta đều biết đến những lò sát sinh bằng gas hay lò hoả thiêu của Đức Quốc Xã để thủ tiêu người Do Thái trong các trại tập trung, nhưng mấy ai trên thế giới nghe nói đến nạn đói ở miền bắc Việt Nam hồi 45 ?

Đã có bao nhiêu phim được trình chiếu với đề tài diệt chủng Do Thái ? Và đã có bao nhiêu phim nói về cuộc diệt chủng của Nhật ở Châu Á ? Thậm chí cuộc diệt chủng “hậu hiện đại” được nói đến nhiều nhất là cuộc diệt chủng của Khmer đỏ ở Campuchia cũng chỉ là “nguồn cảm hứng” của một ít phim lẻ loi đếm chưa hết mười đầu ngón tay.

Tại sao có sự khác biệt ấy ? Có phải chăng chính bản thân người Châu Á (chưa nói đến Châu Phi vội, vì những cuộc diệt chủng còn đang xẩy ra) chưa đủ can đảm, chưa đủ “trình độ ý thức” để dám phá bỏ các “ta-bu” để nhìn vào lịch sử một cách trực diện ? Hay tại vì chính cái xã hội Khổng Mạnh truyền thống tôn ti trật tự, có trên có dưới của Châu Á đã không “cởi trói” hết được các thế hệ đi sau dám “kết tội” cha ông ?

Dù với lý do gì đi nữa, thì người Châu Âu đã có “can đảm” trầm mình trong con suối để gội rửa tội lỗi, còn người Á Châu vẫn còn đang lóng ngóng bên dòng suối, nửa muốn trầm mình, nửa muốn tìm lối đi vòng để khỏi phải lội qua con suôi ....

Còn lại một nguyên nhân nữa. Có tính chất kinh tế tài chính.

Trong các sắc dân bị hoạ diệt chủng đến nay, chỉ có mỗi dân gốc Do Thái là có một cộng đồng kinh tế có tổ chức và nhiều thế lực chính trị lẫn tài chính trên thế giới. Người ta vẫn hay nói đến các lobby Do Thái ở các nước công nghệ tiên tiến, thậm chí ở Mỹ các lobby này đều có “sức nặng” trong những kỳ bầu cử Tổng Thống. Sau khi đệ II thế chiến chấm dứt, và khi Anh Mỹ đã “khai sáng” được Israel thì đã có biết bao nhiêu “kiều hối” của người gốc Do Thái ở các nơi đổ về để xây dựng nhà nước Israel. Trong khi đó, sau khi chấm dứt thảm hoạ diệt chủng, các quốc gia như Campuchia, hay các quốc gia vùng Balcan đã có được bao nhiêu “kiều hối” gởi về để xây dựng lại xứ sở ? Với một cộng đồng mạnh về chính trị cũng như kinh tế tài chánh như cộng đồng của người gốc Do Thái thì cũng dễ hiểu là những hoạt động sáng tác trên mọi lãnh vực về đề tài diệt chủng người Do Thái chắc chắn lúc nào cũng có được hổ trợ bằng nhiều cách để ngày thêm phát triển. Những hổ trợ mà các sắc dân khác đã không có, tất cả chỉ trong chờ vào “thiện chí” của “quốc tế”. Vì nào có bao giờ nghe nói đến lobby Campuchia, hay lobby Kosovo ở các nước công nghệ tiên tiến đâu ?

Đưa ra một sự so sánh như trên về bi kịch diệt chủng người Do Thái với những bi kịch diệt chủng khác chẳng ai có ý định “phân bì”. Đã là bi kịch diệt chủng thì ở đâu, trong hoàn cảnh nào, trên một sắc dân nào thì nó vẫn là bi kịch, vẫn là điều đáng ghê tởm và cần lên án. Không thể có chuyện “phân bì” người khổ ít kẻ khổ nhiều ở đây. Lại càng chẳng có ai muốn nói là phải giảm chú tâm đến bi kịch Do Thái để đặt chú tâm vào các bi kịch diệt chủng khác.

Nhưng giá như tất cả các bi kịch diệt chủng đều được chú tâm như bi kịch của Do Thái thì nhân loại chắc sẽ hiểu bài học diệt chủng sâu sắc hơn, và như thế mới hy vọng là hoạ diệt chủng có ngày chấm dứt hoàn toàn trên quả địa cầu này.

Roma, 28/01/2008

Thanh Gương


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss