PHÁP : 4 triệu CHARLIE xuống đường
Điểm báo chủ nhật 11.1.2015
PHÁP : 4 TRIỆU NGƯỜI XUỐNG ĐƯỜNG
BẢO VỆ TỰ DO BÁO CHÍ
VÀ CÁC GIÁ TRỊ "CỘNG HÒA"
Vài giờ sau cuộc thảm sát ngày thứ tư 7/1/2015 ở tòa soạn tuần báo châm biếm Charlie Hebdo, nhiều cuộc biểu tình tự phát đã diễn ra ở Paris và các thành phố lớn ở Pháp (huy động hoàn toàn qua các mạng xã hội). Cho đến chiều thứ bảy 10/1, ước tính đã có 1,7 triệu người xuống đường, nói "không" với bạo lực cực đoan nhân danh tôn giáo, bảo vệ quyền tự do báo chí, ngôn luận và khẳng định những "giá trị của nền cộng hòa, dân chủ". Phản ứng của nhân dân Pháp đã lên đỉnh điểm với cuộc "tuần hành cộng hòa" chiều chủ nhật 11/1 : bốn triệu người xuống đường tuần hành (khi có thể, phần lớn thời gian phải đứng tại chỗ vì quá đông), một nửa ở Paris, một nửa ở các thành phố lớn nhỏ trên cả nước.
Cuộc biểu tình lịch sử này (được báo chí và truyền hình toàn cầu tường thuật trực tiếp) hầu như vắng bóng trên báo Nhân Dân (sáng thứ hai 12.1 chỉ đưa 10 dòng tin ngắn). Chỉ có hai tờ báo điện tử "chính thống" là VNExpress và Vietnamnet đã đưa nhiều hình ảnh các cuộc biểu tình, nhưng cũng chỉ tập trung vào khía cạnh "lãnh đạo thế giới biểu tình chống khủng bố". Phải đọc kỹ bản tin của VNExpress, mới thấy lời phát biểu của một người Nigeria nói với phóng viên BBC về "tự do ngôn luận". Tất nhiên phóng viến Nhân Dân và báo chí lề phải không hề biết ngay tại Hà Nội sáng chủ nhật, trên sân cỏ, đội bóng "No-U" đã nắm bắt được ý nghĩa sâu xa của sự kiện này :

Cùng với biểu ngữ "Tôi là Charlie" là các biểu ngữ "Tôi là Bọ Lập", "Anh Ba Sàm",
"Hồng Lê Thọ", "Nguyễn Ngọc Già" (Nguồn : FB)
Cũng sáng chủ nhật, tại Quảng trường Cộng hòa (Paris), hơn bốn giờ trước khi cuộc tuần hành bắt đầu, quyền tự do báo chí ở Việt Nam cũng như ở Gabon... đã được gắn kết với quyền tự do báo chí ở Pháp :

Tôi là CHARLIE Tignous, Ba Sàm, Bọ Lập, Wolinski, Cabu, Hồng Lê Thọ,
Trương Duy Nhất, Charb. Các nhà báo Gabon bị cầm tù đều là Charlie (ảnh Diễn Đàn).
Quy mô và ý nghĩa cuộc biểu tình "lịch
sử" ngày 11.1.2015, phải tìm trên báo chí quốc tế, đặc biệt là báo chí
Pháp, từ tả sang hữu.
Nhật báo phái hữu Le Figaro không ngần ngại khẳng định cuộc "tuần hành cộng hòa" là "cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử nước Pháp".
Le Monde đưa tít ngắn gọn "Ngày lịch sử" và "Cuộc tuần hành lịch sử", đăng nhiều bài tường thuật, ký họa, hình ảnh, điểm báo quốc tế...
Quy mô chưa từng thấy là đầu đề trang báo Libération với tường thuật từng giờ cuộc tuần hành, ghi lại những sự kiện lớn, cũng như những chi tiết ý nghĩa, lời nói và thái độ người biểu tình.
Đó là ba nhật báo lớn gọi là "trung ương", xuất bản ở Paris. Các báo địa phương (gọi là địa phương vì phát hành ở một vùng, nhưng số in nhiều khi còn lớn hơn báo "trung ương") cũng dành phần lớn các trang báo cho cuộc biểu tình ở Paris và các cuộc biểu tình "địa phương". Diện mạo của nước Pháp từ ngày thứ tư 7/11 đến ngày chủ nhật 11/1 đã được ghi nhận một cách dí dỏm mà chính xác qua nét bút hí họa của Chaunu (báo Ouest-France) :

Thứ tư / Chủ nhật : Chúng ta là Charlie (tranh Chaunu)

Liberté - Tự Do

Biểu ngữ : Tôi là Charlie, tôi là người Do Thái,
tôi theo đạo Hồi hay Công giáo, Tôi là cảnh sát,
Chúng ta đều là Charlie

Tôi cũng là họa sĩ đây

Một người vắng mặt nhưng đôi mắt hiện diện tràn ngập :
Charb, tổng biên tập Charlie Hebdo,
với câu nói khảng khái : Thà chết đứng hơn sống hèn.
Kiến Văn
Các thao tác trên Tài liệu