Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / PHÁP : Giữa hai nhiệm kì tổng thống

PHÁP : Giữa hai nhiệm kì tổng thống

- Nguyễn Quang — published 27/05/2012 20:56, cập nhật lần cuối 29/05/2012 09:49



2012 nước Pháp thay đổi tổng thống


GIỮA HAI NHIỆM KÌ



Nguyễn Quang


« Thế là hắn đi rồi. Trả lại cho chúng ta một đất nước mà dưới thời hắn cầm quyền, tưởng như không còn là đất nước ta nữa » (Dominique A, tác giả - nhạc sĩ - ca sĩ). Bây giờ y « xéo đi rồi », người ta mới chợt nhận ra rằng, trong tất cả các tổng thống Cộng hòa thứ năm từ 1958 đến nay – trừ Pompidou bệnh nặng – Nicolas Sarkozy là người ở điện Elysée ít năm nhất. Vỏn vẹn năm năm, nhưng năm năm tanh bành : về mặt các định chế, tam quyền phân lập đã bị phỉ nhổ, ngành Tư pháp bị xúc phạm, các đoàn thể trung gian bị bới móc, nền Cộng hòa suy biến, có lúc trở thành một thứ chế độ quân chủ gia đình trị, với đầy đủ triều thần, sai nha, phi tần, phản loạn ; về mặt xã hội, đấu tranh giai cấp được khơi dậy trở lại, các giai cấp trung gian bị vắt kiệt, các khu ngoại ô bị bỏ rơi, các dịch vụ công cộng bị tháo gỡ dần mòn, nhà trường xuống cấp ; về mặt các giá trị, đồng tiền trở thành thượng đế, tri thức trở thành hàng hóa, văn hóa trở thành lẩm cẩm diễm xưa, « bác ái » trở thành trò đùa, « bình đẳng » bị xóa bỏ trong tiêu ngữ của chính thể cộng hòa. Vẫn biết là còn tự do, được cơ chế dân chủ bảo đảm (nên mới có sự luân phiên cầm quyền ngày nay), nhưng trong chúng ta, nhiều người đã sống năm năm lưu đày trên xứ sở của mình, « trong tâm trạng dao động giữa nỗi nhục khi phải chứng kiến một chế độ và nỗi kinh hoàng không biết nó có thể trở thành cái gì nữa » (lời của nhà điện ảnh Pierre Schoeller).


Năm năm thụt lùi


Bạn đọc nào nghi tôi hứng khởi nói ngoa có thể tìm đọc tác phẩm tập thể ([3]) của Quỹ Copernic. Tổ chức này làm bản Tổng kết một cuộc đập phá, tháng năm 2007 – tháng chạp 2011 dưới dạng một danh mục, từ AAA (cách xếp hạng kinh tế của các công ti Moody, S&P, Fitch) đến Vidéo-surveillance (canh chừng đường phố bằng video), qua Hưu bổng, đồng thời điểm qua các chủ đề như Lao động, Sức mua, Châu Âu, Nhập cư, Tự do công cộng… Độc giả nào cũng có thể tham khảo các đề mục để trả lời các câu hỏi trong bảng đánh giá toàn bộ nhiệm kì của chính quyền Sarkozy, do J.-F. Kahn nêu ra : « Lấy các số liệu năm 2007 về toàn bộ các lãnh vực, rồi so sánh với tình hình hiện nay (…). Tình trạng bất bình đẳng : tăng hay giảm ? Công lí xã hội : tăng hay giảm ? Công bằng thuế khóa : tăng hay giảm ? Số người sống dưới mức nghèo khó : tăng hay giảm ? Người có chỗ ở tồi tệ : tăng hay giảm ? Tăng trưởng kinh tế : tăng hay giảm ? Thất nghiệp : tăng hay giảm ? Hao hụt ngân sách : tăng hay giảm ? Ngoại thương nhập siêu : tăng hay giảm ? Nợ công : tăng hay giảm ? Mất cân bằng chi phí xã hội : tăng hay giảm ? Sức mua của người dân : tăng hay giảm ? Dòng di cư : tăng hay giảm ? Bạo lực đối với cá nhân, cướp bóc, trộm, làm tiền : tăng hay giảm ? Liên đới xã hội : tăng hay giảm ? Tình trạng các dịch vụ công công : khá hơn hay kém đi ? Xe lửa : đúng giờ hay chậm trễ ? Tòa án : nhanh hay chậm hơn ? Trường học : khá hơn hay kém đi ? (…) Bệnh viện : khá hơn hay kém đi ? Kỳ thị sắc tộc và xã hội : tăng hay giảm ? Các biệt khu người ngoài không dám lai vãng : tăng hay giảm ? Chính sách đô thị : tiến hay lùi ? Tinh thần dân chúng : lên hay xuống ? Số người không tham gia bầu cử : tăng hay giảm ? Đảng cực hữu FN : bị đẩy lui hay phát triển mạnh ? Nước Pháp chia rẽ nhiều hơn hay đoàn kết hơn ? Nền dân chủ sống động hơn hay bớt sống động ? Người công dân cảm thấy mình được tham gia nhiều hơn vào các lựa chọn chiến lược hay ngược lại ? Sự tranh luận công khai thoải mái hơn hay căng thẳng hơn ? Sự đồng thuận được tăng cường hay giảm bớt vì đối kháng giữa các phe phái ? Thành phần người nhập cư có cảm thấy được hội nhập tốt hơn hay ngược lại ? Tất cả các cuộc nhảy cóc từ nước này sang nước kia của tổng thống, mà không bao giờ đối thoại với nhân dân các nước, đã làm tăng hay giảm uy tín của nước ta ? » (([6], tr.43-44).


Tất cả những câu hỏi ấy, buộc phải trả lời là tiêu cực, là tồi tệ hơn. Tất nhiên, mỗi người có thể nối dài bảng câu hỏi của J.-F. Kahn, và tổng thống Pháp không bao giờ quên khoe khoang ba « thành tựu » lớn : cuộc họp Grenelle về bảo vệ môi trường (2007), đạo luật LRU thiết lập sự tự trị của các trường đại học (2008) và cuộc cải cách chế độ lương hưu (2010). Phải nói ngay : đó chủ yếu là những « thành tựu » về miệng lưỡi, về nghệ thuật « truyền thông » (mà báo chí tiếng Việt ngày này thường gọi là PR -- Public Relations--, tiếng Pháp thông dụng là « com » -- communication). Các bộ trưởng của chính quyền Sarkozy được trao cho một danh sách « yếu tố ngôn ngữ », cứ việc học thuộc lòng rồi trả bài mỗi khi phát biểu, và báo đài cứ nhắc đi nhắc lại sáng trưa chiều tối cho đến khi chúng trở thành những « chân lí » nhồi sọ. Sự thực là như thế nào ? Trên mặt báo này, chúng tôi đã có dịp phân tích cuộc cải cách chế độ lương hưu 2010. Cải cách là cần thiết, song chính phủ đã cho thông qua dự án này mà không thèm thương thảo, bất chấp một cuộc vận động xã hội mạnh mẽ nhất ở Pháp từ năm 1995 đến giờ. Các biện pháp đề ra trong cuộc cải cách không những hết sức bất công đối với những người lao động thấp kém (những người phải đi làm lâu năm, những nghề khó nhọc), mà còn giữ nguyên trạng cho những người hiện đã về hưu (đa số bỏ phiếu cho Sarkozy), do đó, không hề giải quyết sự hao hụt ngân sách sẽ đặt ra trở lại vào năm 2018 (theo tính toán của Tiểu ban tài chính Thượng viện, 18% hao hụt tích lũy trong giai đoạn 2011-2018 sẽ không có nguồn tài chính, nghĩa là các thế hệ tương lai sẽ phải trả 56 tỉ Euro). Sự thật, mục tiêu mà chính quyền công khai tuyên bố – giữ được cách xếp hạng AAA, cuối cùng không giữ được, như ta biết – che đậy hai mục tiêu khác, được giấu kín : giảm mức hưu bổng và chuẩn bị chuyển sang chế độ hưu bổng bằng « tư bản hóa ».


Đạo luật LRU về tự trị đại học năm 2008 cũng lại một cung cách : cần thiết phải cải tổ, điều này chính giới đại học cũng thừa nhận, nhưng lại cưỡng chế, bất chấp sáu tháng bãi khóa và biểu tình, rồi sau đó là tuyên truyền trên báo đài là « thành công ». Mặc dầu có những bước tiến rõ rệt, đạo luật này đưa tới kết quả là phá vỡ nền đại học như là một dịch vụ công cộng (nó đưa lô-gic cạnh tranh vào đại học, tạo ra chênh lệch giữa vùng nọ với vùng kia, và dẫn tới lối « quản trị » theo kiểu doanh nghiệp tư), và nhất là như một cơ quan sản xuất tri thức (hai chức năng đào tạo và nghiên cứu, nay chỉ còn chức năng đầu, chức năng nghiên cứu bị quy giản thành nghiên cứu ứng dụng, nghĩa là, xét cho cùng, « hàng hóa hóa tri thức »).


Trò hỏa mù nổi trội nhất là hội nghị Grenelle năm 2007 về bảo vệ môi trường. Cuộc họp này được tuyên truyền là thành quả tiêu biểu của những tháng đầu nhiệm kì tổng thống. Liên kết Nhà nước trung ương, các tập thể lãnh thổ địa phương, giới nghiệp chủ, các công đoàn và các hội đoàn bảo vệ môi trường, hội nghị Grenelle đã khơi lên nhiều hi vọng, ngang tầm con số 285 biện pháp đã được đề xướng. Chẳng bao lâu, các đề nghị ấy đã bị nghiền nát dưới sức ép của các nhóm lợi ích và của đa số phái hữu. Chính Sarkozy đã huýt còi kết thúc bằng câu tuyên bố tại Triển lãm nông nghiệp năm 2010 : « Chuyện môi trường như thế là đủ rồi nha ». Thật vậy, trong đạo luật về môi trường thông qua vào tháng năm 2010 (gọi là luật Grenelle 2), bao nhiêu biện pháp đề ra ở Grenelle 1 teo lại chẳng còn gì : thuế môi trường về cac-bon và trục xe vận tải, năng lượng gió, sự tham gia của các hội đoàn bảo vệ môi trường trong những cơ quan tham vấn... tất cả đã bị bỏ quên hay pha loãng. Tệ hại hơn nữa, một sắc luật ký tháng mười 2011 còn cho phép tăng khối lượng azot thải ra trên đất đai nông nghiệp, làm cho nước Pháp đứng hàng đầu trong phương thức chăn nuôi và trồng trọt mà mọi người đếu biết mức nguy hại (ô nhiễm nước, rong xanh mọc tràn lan, không kể những hậu quả về sức khỏe của chính người nông dân).


« Omniprésident », hay là ông tổng thống ôm đồm


Người ta có thể phản biện tương tự như vậy về những « thành tích » đối ngoại của Sarkozy – vụ Gruzia (Georgie), vụ Libya, cuộc khủng hoảng subprime và nợ công – mà bộ máy PR của chính quyền đã thổi phồng tới mức biến Sarkozy thành « quản gia của thế giới » (đối với dư luận quốc nội, chứ dư luận quốc tế không ngây thơ chút nào). Cũng phải kể đến những thất bại thảm hại mà chính đương sự cũng đã thừa nhận : nợ công như chúa chổm, nạn thất nghiệp có tính chất cơ cấu, cái « khiên » thuế má, các « ổ thuế má », những « quà tặng thuế má », miễn thuế các giờ làm thêm, luật về thương mại do các đại siêu thị làm sức ép thông qua, giảm thuế giá trị thặng dư cho ngảnh quán ăn, bãi bỏ thuế nghề nghiệp mà quỹ Nhà nước không bù trừ cho chính quyền địa phương, giảm bớt số công chức bằng cách áp dụng một cách máy móc và đồng loạt biện pháp chỉ tuyển dụng một người khi có hai người về hưu, bãi bỏ các đội cảnh sát « lân cận », cải tổ các vùng, cải tổ hệ thống đào tạo thầy giáo, dự án cải cách nhằm giảm tính độc lập của ngảnh tư pháp… Một dân biểu của đảng chính quyền UMP đã phải thốt ra : « Chưa bao giờ lại có những cuộc cải cách thiếu suy xét, bất chấp con người đến như vậy ». Hãy tạm ngừng ở đây, chẳng lẽ phải viết cả một pho sách mới liệt kê được « thành tích » của một nhiệm kì loạn xà ngầu (foutraque). Phải nói là loạn xà ngầu, vì sự hiếu động với hội chứng động kinh của Sarkozy không thuộc phạm trù của khoa học chính trị, mà của khoa nhiệt động học về chuyển động Brown. Tiến trình hành động của triều đại này là là một đường zic-zac không tiếp tuyến : cha là một người Hungary nhập cư vào Pháp, thế mà tháng bảy 2010 ở Grenoble, Sarkozy điểm mặt chỉ tên những người Rom ; « đứa trẻ Pháp lai » (chữ dùng của chính Sarkozy trong bài diễn văn mở đầu cuộc tranh cử, 2007) lại giải thích tình trạng tội phạm gia tăng vì « năm mươi năm để nhập cư không điều chỉnh », và « tuyên chiến toàn quốc » với « bọn du côn » (Grenoble, 2010) ; là một người thuộc « chủ nghĩa tự do » (liberal, hiểu theo nghĩa kinh tế), bị Eric Besson lúc còn ở trong Đảng xã hội gọi là « người Mĩ thuộc đảng tân bảo thủ mang hộ chiếu Pháp » (sau đó Besson đã mang cả xống áo « chiêu hồi »), đến khi xảy ra cuộc khủng hoảng subprime, Sarlozy lại dõng dạc tuyên chiến với « quy luật của thị trường » và tuyên bố « làm lại nền tảng chủ nghĩa tư bản » (Toulon, 2008) ; đứng về phe linh mục chống lại người giáo viên năm 2007 (diễn văn Latran), năm 2011 lại chủ trương Nhà nước thế tục, độc lập với các tôn giáo (2011, đạo luật chống áo trùm đầu của phụ nữ đạo Hồi ; chống trưng cầu dân ý – trong suốt nhiệm kì, không bao giờ Sarkozy tổ chức trưng cầu ; năm 2007 dùng quốc hội để thông qua hiệp định Lisboa mà nội dung chủ yếu là những điều khoản « tự do chủ nghĩa » nằm trong dự án Hiến pháp Âu Châu mà nhân dân Pháp đã bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2005 – nhưng trong cuộc vận động tranh cử năm 2012, lại hứa hẹn sẽ trưng cầu dân ý về… đào tạo nghề nghiệp ! Tóm lại, một tư duy zic-zac, nay một đàng, mai một nẻo, khiến cho người ta tưởng rằng ông ta không có niềm tin hằng định, mà nhảy từ niềm tin này sang niềm tin khác. Sự thật không hẳn như vậy. Đúng hơn, phải nói như Balzac khi nhà văn nhận xét về thủ tướng Thiers : « Đó là một cái chong chóng, quay tít không ngừng, nhưng vẫn ở trên nóc của một ngôi nhà chứ không đổi ». Diễn dịch : Sarkozy là một con người cơ hội chủ nghĩa, « luôn luôn tranh cử kiếm phiếu, như người ta luyện tập cơ bắp vậy » (F.-O. Giesbert, [4]), nhưng bao giờ cũng bám trụ ở phía hữu. Điều này thể hiện rõ trong hầu hết các cuộc cải cách đã tiến hành trong 5 năm, mang nặng tính chất phản xã hội : từ « gói thuế » năm 2007 cho đến « thuế giá trị gia tăng về xã hội » năm 2012, qua cuộc cải cách về lương hưu năm 2010. Điều làm cho người ta hàm hồ, là ông ta vừa sử dụng những luận điểm của mọi xu hướng phái hữu, kể cả cực hữu (như trong cuộc tranh cử năm 2012), vừa chôm chỉa ngôn ngữ của phái tả, thậm chí viện dẫn cả Jaurès lẫn Léon Blum (trong cuộc tranh cử năm 2007). Một thứ chim tu hú đẻ nhờ tổ chim loài khác.


Thành tích tồi tệ của nhiệm kì năm năm, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về ngài tổng thống ôm đồm. Nói như François Hollande, ông ta giành làm đủ mọi việc, một mình làm thay mọi người. Hiến pháp Đệ ngũ Cộng hòa Pháp quy định thủ tướng là người đứng đầu chính phủ, nghĩa là chỉ đạo hoạt động của chính phủ. Sarkozy viết lại Hiến pháp bằng cách phân công độc đáo : « siêu tổng thống » (đương sự), một « cộng tác viên » (thủ tướng) và những nha lại (tất cả các bộ trưởng), bao giờ tổng thống cũng đi đầu, lũ kia theo sau, bởi vì « chúng nó toàn là đồ ăn hại ». « Cái gì tôi cũng phải nhúng tay vào », đó là câu nói cửa miệng của ngài tổng thống kiêm giám đốc nhân sự – ngài quên rằng một nhà quản lý mà nói như vậy khác nào thừa nhận là mình thất bại. Mọi người còn nhớ, ngay khi được Jacques Chirac bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ nội vụ, Sarkozy đã đích thân cầm đầu đội cảnh sát tiến vào rừng Boulogne (sát phía tây thành phố Paris) để quét sạch gái điếm đứng đường, dưới ống kính vô tuyến truyền hình « trực tiếp ». Lên làm tổng thống, ông lại thủ những vai kiệt xuất hơn : giải phóng các nữ y tá Bulgaria, tổ chức ngày hội quốc khánh 14-7, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia bóng bầu dục XV, bình luận trực tiếp vòng đua xe đạp quanh nước Pháp, nhà cung ứng công khai những trang « people » cho các tạp chí « diễm tình », nhân viên tuyển mộ cho đài truyền hình tư nhân TF1, sếp lớn của Công an biên phòng, đại quân sư cho các tập đoàn báo chí, bồ tèo của các đại gia CAC 40 đứng đầu thị trường chứng khoán, người lính cứu hỏa của nền tài chính thế giới kiêm cứu tinh của Liên hiệp Châu Âu… Tôi không bịa ra vai nào, độc giả có thể kiểm tra qua báo chí. Người ta có thể nhún vai trước những màn kịch cỡm phù du, nhưng không thể bàng quan khi sự ấu trĩ lại đi đôi với sự bạo liệt thường trực, hạ thấp sinh hoạt chính trị bình thường. Lối quản trị của Sarkozy đầu tiên là khinh thường những người phục vụ ông ta. F.-O Giesbert nhận xét : « Sarkozy là người áp dụng thuyết Darwin vào quan hệ giữa người và người, ông ta có một quan niệm khuyển mã về nhân loại, chia nhân loại thành ‘kẻ bị trị’ và ‘người thống trị’ » ([5]). Các phóng viên đã tường thuật không biết bao nhiêu phiên họp hội đồng bộ trưởng mở đầu bằng những lời độc thoại tự bốc thơm của sếp (« tôi là người duy nhất đã… », « tôi là người đầu tiên đã… »), sau đó là những lời tuyên án « bọn ngu ». FOG kể lại những phiên họp « phần đông các bộ trưởng chỉ biết ngồi múa may, uốn éo để vừa lòng hoàng thượng. Họ khấu đầu, quỳ gối, nằm dẹp không biết bao nhiêu lần. Còn hoàng thượng thì tự sướng trước những khuôn mặt hoảng hốt, e sợ. Người tự mãn khi hạ thấp được quần thần ». Đặc trưng thứ hai của phương pháp quản trị này là cấm chỉ mọi sự khác biệt ý kiến. Thật khó hình dung ra lời lẽ tục tĩu của cựu tổng thống khi nói tới những người phản biện, bất luận ở phe ủng hộ hay phe đối lập (xem khung ở dưới) ; trả thù cho bằng được bất cứ ai đã gây khó khăn cho mình, bất luận sang hèn hay không đáng kể (xem những chứng từ trong [1]). Bởi vì đối với Sarkozy « lời phê bình nào cũng là một lời tuyên chiến, nghĩa là kết cục kẻ thù phải đầu hàng, bị mua chuộc hay phải chết », như bộ trưởng thuộc xu hướng tự do François Goulard đã nhận xét. Từ quan niệm như vậy, lối hành xử địch-ta của chính quyền Sarkozy là : « Không đối thoại, mà đối thọi (…) Thuyết phục, chứng mình, phản biện ? Không, đập tan. Hạ thủ. Thủ tiêu, nếu có thể » ([6] tr.57). Khi nhiệm kì 5 năm bắt đầu, tuần báo Marianne, dưới ngòi bút của J.-F. Kahn (« Con người thật của Sarkozy », in lại trong ([6]), đã phạm húy chính trị bằng cách dùng tâm lí học lí giải mối quan hệ giữa Sarkozy và quyền lực. Đến cuối nhiệm kì, hầu như không còn ai chê trách kết luận có tính chất hài hước của JFK : « Cái nốt ruồi mà người ta thường có nằm dưới cằm hay trên mông, thì ở Sarkozy, nó lại nằm ngay trong cái đầu ». Trong ngôn ngữ tâm lí học, người ta gọi cái đó là « vết rạn duy ngã ». « (ở Sarkozy) không có siêu-ngã mà cũng chẳng có tiểu-ngã. Chỉ có bản ngã. Một cái « tôi » khổng lồ, đồ sộ như Hi mã lạp sơn. Một cái tôi không thụt lên thụt xuống, mà xoắn xuýt quanh mình. Một cái tôi luôn luôn tự ngắm nguyện. Tự bái phục, tự tôn thờ. Mỗi lần tự vấn là một lần tự vuốt ve mơn trớn (…) Một con người không biết nói « người ta », « anh », « chị », « chúng ta ». Mở mồm ra là « tôi ». Rồi một ngày, người ta không chịu nổi cái « tôi, tôi, tôi » ấy nữa, bực mình nói to « chúng tôi, chúng tôi, chúng tôi ». Và câu hỏi « Lỗi tại ai ? » dẫn tới câu trả lời : « Tại hắn ! Tại hắn ! Tại hắn ! » » (([6], tr. 54 và 169).


Một « tổng thống bình thường »


Thay thế « tổng thống ôm đồm » là một « tổng thống bình thường ». Cụm từ này (không biết ngẫu hứng hay có suy tính từ trước) từ nay nổi tiếng. Nó sẽ đối chiếu và đối chọi tổng thống cũ và tổng thống mới : « Tôi sẽ là một tổng thống biết tôn trọng người Pháp, một tổng thống không muốn thống soái đủ mọi chuyện. Là tổng thống, tôi sẽ không đóng vai trò lãnh đạo phe đa số. Là tổng thống, tôi sẽ không coi thủ tưởng là một cộng tác viên. Là tổng thống, tôi sẽ không đến khách sạn tham gia vào việc gây quỹ cho đảng. Là tổng thống, tôi sẽ không dành quyền bổ nhiệm giám đốc các kênh truyền hình công quản. Là tổng thống, tôi sẽ ứng xử một cách gương mẫu. Là tổng thống, tôi sẽ cương quyết không có quy chế hình sự đặc biệt cho nguyên thủ quốc gia, để nếu có sự phản đối nào đối với hành động của tôi trước khi tôi nhậm chức, tôi có thể trả lời đối chất. Là tổng thống, tôi sẽ thành lập một chính phủ trong đó số bộ trưởng nam giới và phụ nữ ngang bằng nhau. Là tổng thống, tôi sẽ quy định rõ đạo lí hành xử của các bộ trưởng, để không xảy ra tình tạng quyền lợi xung đột. Tôi là tổng thống, thì các bộ trưởng sẽ không kiêm nhiệm một nhiệm kì địa phương. Là tổng thống, tôi sẽ thi hành chính sách phi tập trung hóa. Là tổng thống, tôi sẽ mở ra cuộc thảo luận trên những vấn đề lớn, thí dụ như vấn đề năng lượng. Là tổng thống, tôi sẽ đưa nguyên tắc tỉ lệ vào cuộc tuyển cử đại biểu quốc hội (…) năm 2017. Là tổng thống, tôi sẽ cố gắng có một tầm nhìn cao ». Khẳng định sự « bình thường » như thế có thể chỉ là mánh khóe chính trị. Nhưng cũng có thể không. Nhà báo FOG, người có biệt tài làm cho các chính khách phải « xưng tội », cho rằng tổng thống mới « ăn mặc lôi thôi », « không bao giờ thấy cầm một cuốn sách », nhưng chưa bao giờ « bắt quả tang ông ta nói dối », ông ta « rất kém liều lượng xy-nic đểu cáng », và chung quanh ông ta không thấy bóng dáng « bọn lưu manh phe phẩy » như từng thấy chung quanh François Mitterrand ([5]). Tóm lại, đây là một con người « bình thường ». Có những tài năng của mình, nhưng lên tới vị trí ngày nay, cũng là nhờ hoàn cảnh (DSK bị loại khỏi vòng chiến), được bầu vì « không có ai khác » hơn là vì được ủng hộ mạnh mẽ. 51,7% là một tỉ số phiếu bình thường trong một chế độ dân chủ, nhưng cũng không mấy phẩn khởi khi người ta biết dân tình Pháp gớm ghiếc Sarkozy tới mức nào và ngán ngẩm chủ nghĩa « liberal » kinh tế tới đâu. Một điều tích cực : lần đầu tiên từ nhiều năm nay, phái tả đã giành được đa số phiếu bầu trong các thành phần bình dân (Libération ngày 9.05.2012) với 58% thành phần nhân viên, 68% thợ thuyền, nhờ đó 52% người về hưu bỏ phiếu ủng hộ Sarkozy không làm đảo ngược được kết quả ; phái tả cũng giành được 56% trong lứa tuổi nòng cốt của dân số ở tuổi lao động (35-49 tuổi). Nhưng xem ra tân tổng thống và nội các mới sẽ không được hưởng « tình trạng ân huệ » mà dự luận thường dành cho một chính quyền mới. Vừa nhậm chức, chỉ kịp đưa ra vài quyết định có tính cách biểu tượng (số bộ trưởng nam nữ bằng nhau, hiến chương về đạo lý cầm quyền…), họ sẽ phải lao vào cuộc vận động tranh cử quốc hội. Ngay từ đầu chính thể Cộng hòa thứ năm, và nhất là từ ngày cải tổ nhiệm kì Quốc hội cũng là 5 năm như nhiệm kì tổng thống, cử tri Pháp vẫn dành đa số đại biểu Quốc hội cho phe ủng hộ tổng thống mới được bầu, nhờ đó tổng thống có đầy đủ điều kiện cầm quyền. Trong tình hình khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị nặng nề mà nước Pháp đang kinh qua, sự « chung đụng » giữa một tổng thống phái tả và một quốc hội, chính phủ phái hữu sẽ là một đại họa.


Nếu được đa số ở quốc hội, François Hollande sẽ hành động theo hướng nào ? Tân tổng thống vốn là người vững tin ở đường lối dân chủ - xã hội, và trái với tâm trạng bi quan khá phổ biến, ông không nghĩ rằng con đường này đã hết triển vọng. Có lẽ không cần quan tâm lắm vào cương lĩnh 60 điểm của ứng cử viên (một cương lĩnh được trình bày khá hay, nhưng trớ trêu là, theo các cuộc thăm dò dư luận, nó không thuyết phục bằng cương lĩnh của Sarkozy, mà nội dung lại rỗng tuếch !), mà nên tin vào nguyên tắc dũng khí. Theo nguyên tắc này, nếu muốn đến cuối nhiệm kì mà không bị ghét bỏ thì tổng thống nên làm cho người ta gớm ghét ngay trong thời gian đầu. Nếu chấp nhận phương châm này, thì các định hướng của tổng thống sẽ sớm được biểu thị, nhưng ngay từ bây giờ, có thể thấy rõ hai ưu tiên : công lí xã hội và Châu Âu.


  • Công lí xã hội : nguyên tắc hiện thực sẽ bắt buộc chính quyền Hollande bắt tay vào việc giải quyết món nợ công 1780 tỉ € (tức là 85% GDP nước Pháp) do Sarkozy để lại. Phải dọn vệ sinh tài chính công để có thể khởi động tăng trưởng kinh tế. Tổng thống cũ luôn luôn mang khủng hoảng ra để biện minh cho vụ nợ công, nhưng theo những tính toán nghiêm túc dựa trên báo cáo của Tòa án kiểm toán và của ủy ban tài chính lưỡng viện (xem [2]) thì trong 5 năm, tổng số nợ công đã tăng thêm 632 tỉ €, trong số đó, « chỉ » có 109 tỉ là hậu quả của khủng hoảng, còn bao nhiêu là do quản lý kém, lại không chịu sửa (370 tỉ) hoặc do những quyết định của chính quyền trong nhiệm kì (xem phần đầu) mà chi phí lấy ra từ quỹ nhà nước, tổng cộng cái giá phải trả cho nhiệm kì Sarkozy lên tới 520 tỉ €. Người ta thường nói là để giảm bớt lạm chi, phái hữu hay cắt xén các khoản chi phí, còn phái tả thì tăng thuế. Tình hình hiện nay nghiêm trọng tới mức buộc phải thoát ra khỏi lưỡng đề sơ giản đó. Chúng tôi không nghĩ rằng « bản chất » của người Pháp là không ưa cải cách. Ngược lại, quá khứ chứng tỏ họ đã chấp nhận những cuộc cải cách mà họ cảm nhận là chúng đi theo chiều hướng tiến bộ và công lí. Thí dụ, vào cuối thập niên 1980, để chấm dứt lạm phát,  họ đã chịu để tiền lương không gắn với giá sinh hoạt nữa. Còn năm 2010 (xem phần trên) « [họ] không phải là chống lại việc cải cách cần thiết về hưu bổng. Họ chỉ không chấp nhận để người ta trắng trợn đánh tráo ngôn từ, mệnh danh là cải cách mà lại cho thêm tiền những người đã có đủ và móc túi những người cảm thấy mình thiếu thốn » ([6], tr.74). Về mặt biểu tượng, François Hollande đã chơi một cú ấn tượng khi hứa hẹn đánh thuế 75% phần thu nhập vượt quá mức một triệu €/năm, nhưng biện pháp này sẽ chỉ có tính chất tượng trưng (chỉ liên quan tới 6000 người đóng thuế) nếu không nằm trong một giải pháp toàn bộ về thuế má, thuế ISF, CSG, ổ thuế… tóm lại, một cuộc cải cách chế độ thuế dự trù từ lâu mà không bao giờ thực hiện.

  • Châu Âu : người ta có thể suy xét tương tợ như vậy trên phạm vi Châu Âu, tại đây chính sách khắc khổ được áp dụng, kết hợp bất công xã hội với sự phủ nhận dân chủ. Tất nhiên, không thể xóa sạch trách nhiệm của Hi Lạp, một nước đã sống bằng tín dụng quá mức khả năng của mình, nhưng phải nói những người Hi Lạp đang chịu khổ nhiều nhất hiện nay không phải là những kẻ đã hưởng lợi nhiều nhất trước cuộc khủng hoảng. Thế mà năm 2011, cặp bài trùng Merkel – Sarkozy đã đề ra « kết ước ổn định » như thế nào ? Ba biện pháp lớn : Hội đồng Châu Âu và Ủy ban Bruxelles kiểm soát tay trên ngân sách quốc gia trước khi quốc hội mỗi nước bàn thảo ; tăng cường trừng phạt trong trường hợp hao hụt ngân sách quá mức, nghĩa là hạn chế chi tiêu công cộng ; khắc khổ lương bổng, giảm bớt chi phí xã hội, quy chế lao động co dãn hơn. Rõ ràng người ta lợi dụng cuộc khủng hoảng để áp đặt cung cách « quản trị » tân tự do trên toàn châu Âu mà không chấp nhận có sự thảo luận dân chủ. Thêm vào đó, lại đặt thêm « quy luật vàng » (mà Sarkozy tha thiết mang muốn) là ghi vào hiến pháp mục tiêu cân bằng ngân sách, nghĩa là áp đặt thường trực chính sách khắc khổ. Ngoài tính chất phi dân chủ, không một nhà lãnh đạo quốc gia xứng đáng với danh nghĩa ấy lại có thể cam tâm giới hạn chủ quyền quốc gia như vậy, đó là không kể chấp nhận điều đó là từ bỏ cả hành động chính trị theo nghĩa chân chính của nó. Vậy mà Sarkozy đã đề xướng và ký kết hiệp ước đó… Mọi người đều biết, Hollande đã hứa thương lượng trở lại, hay chính xác hơn, sẽ bổ sung hiệp ước này bằng một « hiệp ước tăng trưởng » ; nếu không được thì sẽ không chuẩn y bản kết ước. Điều đáng ngạc nhiên là cuộc chạy đua marathon tuần qua của tân tổng thống Pháp (đi Berlin, họp thượng đỉnh G8 ở Trại David, họp không chính thức các nhà lãnh đạo Châu Âu ở Bruxelles) đã cho thấy ý niệm tăng trưởng đã tiến triển, tới mức đã dồn nữ thủ tướng Đức vào thế cô lập. Sẽ là một thành công lớn nếu ông Hollande góp phần làm cho « cái gì mà chủ nghĩa liberal đã làm cho đầu lộn xuống dưới, chân chổng lên trời trở lại thế đứng bình thường » (tiêu ngữ của Quỹ Copernic).


Hầu như đã trở thành quy luật : phái tả chỉ lên cầm quyền khi đã xảy ra khủng hoảng. Bàn về việc xếp đặt lại « một đất nước tàn tạ », François Hollande đã tâm sự với nhà báo FOG : « Tôi ý thức được rằng tình hình sẽ rất khó khăn, khó khăn hơn người ta tưởng nhiều lắm » ([5], tr.107). Nhưng đâu còn chọn lựa nào khác, một khi ông đã nhậm chức. Nếu F. Hollande thất bại, thì năm năm nữa, nước Pháp có nguy cơ phải chịu đựng Marine Le Pen.


Nguyễn Quang


[1] G. Davet, F. Lhomme : Sarko m'a tuer, J'ai Lu, 2011

[2] M. Delattre, E. Lévy : Un quinquennat à 500 milliards € , éd. 1001 Nuits, 2012

[3] Fondation Copernic (ouvrage collectif) : Sarkozy, bilan de la casse, éd. Syllepse, 2012

[4] F-O. Giesbert : M. le Président, J'ai Lu, 2011

[5] F-O. Giesbert : Derniers Carnets, Flammarion, 2012

[6] J-F. Kahn : Petit César, Fayard, 2011


Đường « rạn nứt duy ngã »


Bầu Sarkozy làm tổng thống chưa tròn một năm, người Pháp mới chưng hửng nhận thấy quốc trưởng của mình là một người không có siêu ngã : đó là chẩn đoán trùng hợp của Jean-François Kahn (JFK, người sáng lập tuần báo Marianne) và của Franz-Olivier Giesbert (FOG, giám đốc tuần báo Le Point), hai nhà quan sát sắc sảo, lập trường chính trị đối nghịch nhau, khi họ phân tích tác phong cuồng loạn của Nicolas Sarkozy. Theo ngôn ngữ tâm phân học, siêu ngã (hay siêu tôi / le surmoi / Super Ego) là cái bảo đảm sự ẩn ức, tức là quá trình nhập tâm những ràng buộc và cấm đoán, ngay từ tuổi ấu thơ. Vì ở trẻ thơ, bản ngã (cái tôi, le moi) không tách bạch được với các xung lực bản năng (pulsions, mà Freud gọi là « cái Ấy / le Ca / Es »), một chủ thể không có siêu ngã sẽ suốt đời là một thứ « ấu chúa » chưa trải qua giai đoạn « kết tinh hóa », không kiềm chế được những biểu hiện độc tài của đứa trẻ thơ. Hơn hai nghìn năm trước Freud, Kinh Thánh đã nói : « Bất hạnh thay, một đô thành mà quân vương là một đứa trẻ con ! ».


  • Trong bài, chúng tôi đã trích dẫn FOG về quan niệm « khuyển mã » của Sarkozy, theo đó mối quan hệ giữa con người với con người chỉ là quan hệ thống trị. Ở một mức sơ đẳng, đó là ứng xử của đứa bé du côn trong sân trường, của tay « anh chị » ngoại ô canh chừng « lãnh thổ » của mình. Điều này thể hiện rất rõ trong câu chuyện mà Sarkozy đã tự hào kể lại cho FOG, không lâu trước khi thắng cử năm 2007 : « Hôm nọ, ở một khu chung cư ngoại ô, một bọn trẻ tiến lại gần tôi, bộ điệu hung hãn. Tôi bảo chúng nó : « Cứ thử gây chuyện với moa đi, rồi bọn toa sẽ thấy, moa sẽ cho các toa vỡ mặt ». Chung quanh đầy ống kính camera truyền hình, nên tôi phải cúi gằm xuống mà nói, để người ta không đọc được trên môi xem tôi nói gì. Và thế là bọn chúng nó không dám ngo ngoe gì nữa, phải đánh bài chuồn » ([4], p.38). Cũng một kiểu cách ấy, mọi người còn nhớ cảnh Sarkozy đi thăm phòng Triển lãm nông nghiệp. Có một tay từ chối không chịu bắt tay, Sarkozy bèn văng tục : « Mày cút đi, thằng mặt l… » (hay « Mày cút đi, thằng ngu ! », tùy hỉ). Nhiều người cũng đã chứng kiến hình ảnh truyền hình này nữa : ở cảng đánh cá Guilvinec, một ngư dân đứng trên cao chửi xuống, Sarkozy thách thức : « Mày có giỏi thì xuống đây mà nói ! ». Để so sánh, chỉ cần nhắc lại tác phong của tướng De Gaulle : trong đám đông đứng hai bên đường chào đón tổng thống Pháp, có người hô to « Mort aux cons ! » (« Tận diệt những thằng ngu ! »). De Gaulle chỉ hạ một câu : « Vất vả đấy ! ! ».


  • Sarkozy ham mê quyền lực vì quyền lực, nghĩa là ham mê khả năng đè bẹp đối phương. FOG kể lại : một buổi tối năm 1994, FOG tỏ ra hoài nghi về khả năng thắng cử của Edouard Balladur, thì Sarkozy (lúc đó là bộ trưởng tàí chính, kiêm phát ngôn viên của Balladur trong cuộc tranh cử tổng thống) đứng bật dậy, gí gót giầy trên mặt đất như người ta đè nát con sâu cái kiến, và nói to : « Franz, anh xem đấy, sau ngày thắng lợi, chúng tôi sẽ xử lí anh như vậy đó » ([4], p.11). Phục thù là món sơn hào hải vị ăn nguội mới ngon, vài năm sau FOG đề nghị đưa vào từ điển một động từ mới : « SARKOZY HÓA, động từ xuất hiện năm 2007, từ tên riêng Sarkozy : 1) Đe dọa, ức chế, gây sức ép. 2) Thóa mạ » ([5], p.128).


  • Balladur thất cử năm 1995, nhưng Sarkozy năm 2007 đã thắng cử. Thế là tìm cách ngăn ngừa mọi dạng thức quyền lực đối trọng (tư pháp, media, báo chí), dựa trên những người thân tín đã được bổ nhiệm vào những vị trí then chốt – một cách rất ư hợp pháp – như là viện công tố, công an, mật vụ, và những công ti đầu gấu, thiết lập một thứ bạo lực Nhà nước chưa từng thấy, nhằm chống lại tất cả những ai có thể gây vấn đề. Phải đọc cuốn Sarko m’a tuer ([1]) mới thấy thấm thía câu văn của Balzac : « Để khỏi cảm thấy ân hận, hắn ta đã đánh nạn nhân bị thương, trước khi giết chết » (Le médecin de campagne / Bác sĩ nông thôn).


  • Ý chí quyền lực của Sarkozy to lớn đến mức chức vị tối cao của nhà nước vẫn không đủ. Phải bày ra nhiều trò khác. Khôi hài nhất là « Hội đồng sáng tạo nghệ thuật », thành lập năm 2009, Nicolas Sarkozy chủ tịch, Marin Karmitz (chủ các rạp chiếu bóng MK2, cựu mao-ít) phó chủ tịch, « cơ quan » này không có tổ chức, ngân sách cũng không, vài tháng sau dẹp bỏ. Sang trọng hơn là diễn đàn Đại hội quốc gia, để tổng thống có thể long trọng đọc diễn văn trước cả lưỡng viện (Quốc hội và Thượng viện) họp chung ở cung Versailles. Muốn thế, đã phải sửa đổi Hiến pháp (năm 2008 -- hiến pháp cũ không cho phép tổng thống đặt chân tới quốc hội, là cơ quan lập pháp tối cao). Nicolas Sarkozy chỉ đọc diễn từ một lần duy nhất vào tháng sáu 2009, để thông báo cái gì ? Chắng ai còn nhớ nữa.


  • Trẻ em có cái thú là chơi cùng một lúc tất cả các đồ chơi của mình, điều đó ai cũng biết. Còn Sác-kô thì múa may quay cuồng như anh hề Sác-lô (trong phim « Thời đại mới »). JFK đã mô tả châm biếm « người thợ máy có một không hai, người sửa máy có một không hai, người đốc công độc nhất vô nhị, người quét rác có một không hai, và cuối cùng, người hầu như duy nhất sử dụng cỗ máy chính quyền » ([6], p.32). Điều ấy cũng chẳng chết ai nếu như nó không áp dụng vào công việc nhà nước : « Đó là một loài bướm không có đầu và cũng chẳng có ăng-ten, bay lượn lung tung, không biết đi đâu. Thị trưởng một thành phố lớn, ông ta cũng không làm nổi đâu (…). Bởi vì ông ta sẽ bắt đầu xây một cái cầu, xây chưa xong thì quay ra xây trường học, trường học chưa xong thì xây một con đường cao tốc vòng quanh thành phố rồi bỏ mứa giữa chừng, và cứ như thế mãi. Đó là không kể mỗi ngày đều tung ra năm bảy cái thông báo sẽ làm cái này sẽ làm cái kia. Cuối nhiệm kì, cái thành phố mà Sarkozy làm thị trưởng sẽ ngổn ngang như một công trường mênh mông bể sở, cái gì cũng đã khởi công, mà chẳng có cái gì hoàn thành » (lời tâm sự của một người thân, năm 2007, dẫn trong [5], tr.167).


  • Mọi người còn nhớ Nicolas Sarkozy đã mở đầu nhiệm kì tổng thống bằng bữa dạ tiệc ở nhà hàng Fouquet’s và chuyến đi chơi Địa Trung Hải trên du thuyền của đại gia Bolloré. Trẻ con thích những gì lấp lánh, Sarkozy ham những trò show off , bling bling của các tài tử và tài phiệt trứ danh… « Một thứ « hám phú » như người ta « hám Âu », « hám hành dâm động vật » (…). Khi nói về lai lịch một người nào, nếu cứ để tự nhiên, ông ta sẽ kể tên là gì, rồi tài sản bao nhiêu, y hệt như ở bang Texas vậy » ([5], tr.205-206). Tháng 7 năm 2010, ở điện Elysée khi vừa tiếp xong Bill Gates : « ‘Anh có biết ai vừa đi xuống cầu thang đó không ?’, tổng thống hỏi (J.-L. Debré, chủ tịch Hội đồng bảo hiến), vẻ mặt còn ngất ngây như vừa chứng kiến một vị hiển thánh. Bill Gates đấy nhá. Đố anh biết hắn ta kiếm được bao nhiêu tiền không, anh không tài nào đoán ra đâu… » (sách đã dẫn). Nhưng cái bái vật trên bàn thờ bling-bling hào nhoáng của Sarkozy là cái đồng hồ đeo tay của ông ta. Khởi thủy là cái đồng hồ Rolex – cái đồng hồ trong câu nói trứ danh của ông bạn chuyên nghề quảng cáo, Jacques Séguéla : « Đến tuổi ngũ tuần, mà không có được cái Rolex đeo tay, thì đời cũng bỏ đi » – rồi đến cái Philip Patek trị giá 55 000 €, quà nô-en của Carla B. Câu chuyện do Jacques Julliard (nhà báo vốn thuộc loại táo bón, không biết đùa) kể lại trong một số báo Le Nouvel Observateur năm 2008 : trong một cuộc hội đàm với nhiều nhân vật, giữa chừng câu chuyện, bỗng nhiên tổng thống tháo chiếc đồng hồ khỏi cổ tay rồi chuyền một vòng cho mọi người xem để quảng cáo « Bằng vàng xám, đắt hơn vàng vàng nhiều lắm. Carla tặng tôi đấy, nàng chọn cái đắt nhất trong cửa hàng ».


  • Trẻ con, ai cũng biết, thường khi có thói sắp xếp lại sự thật. Với Sarkozy thì hơn cả « thường khi ». Báo mạng Rue 89 đã thống kê tới 600 câu nói dối công khai của Sarkozy. Nói như FOG, một mình ông ta sổ ra những câu nói dối nhiều hơn cả một tiểu đoàn thợ chữa rằng chợ làng. Vẫn biết nói dối tí chút (và nói dối to đùng) là tinh hoa của chính trị. Người ta đã chẳng gọi Mitterrand là « người thành phố Florence » và Chirac là « Siêu Cuội » đó sao ? Biệt tài của Siêu Cuội là… « siêu » : đổi trắng thay đen, đến khi bị bắt quả tang nói láo, thì đổi đen thay trắng. Một chuyên gia về môn này là J._F. Copé, tổng thư kí đảng UMP, một bản sao của Sarkozy (có phần hơn vì hắn ta biết che đậy). Nhưng theo « cuội kế » mà tờ báo Libération vẫn thường xuyên cập nhật, Sarkozy luôn luôn chiếm vị trí vô địch. Đôi khi, ông ta nói dối chẳng để làm gì cả, như một đứa trẻ con. : « Tôi có mặt ở Berlin ngay trước khi Bức tường sụp đổ », « Tôi đến thăm Fukushima ngay sau trận sóng thần »… Nói chơi, cho oai vậy thôi.


  • Để khẳng định bản sắc « giống đực thống trị » (chữ dùng của chính đương sự), Sarkozy không ngần ngại « đù » (« niquer », chữ của đương sự) mọi người, đối thủ cũng như cộng sự viên, và người tiền nhiệm. Chẳng hạn, nói về De Gaulle : Sau 1958, có làm được trò trống gì đâu ? Trò cười thôi. Giscard : quá đát, quá đát trong đám quá đát. Chirac : Vua lười. François Fillon (thủ tướng, từng lái xe đua) : Dưới cái ca-pô chẳng có cái mẹ gì. Pierre Charon (cố vấn) : hắn nặng bao nhiêu kí thì từng ấy kí mỡ. Jean-Louis Borloo : Tên nghiện rượu. Jean-Louis Debré : Một thằng đểu, tao sẽ thịt nó. Patrick Devedjian : Một thằng ngu, không ra cái gì. Xavier Bertrand : Một cái va-li không có tay cầm. Jean-François Copé : Một thằng chúa đểu, một tấm ván mục. Christian Jacob : thằng này mà được bầu làm chủ tịch nhóm UMP ở Quốc hội, người ta sẽ tưởng là thằng Copé nó « mần » tao. Dominique de Villepin : Một thằng điên phân thân. Alain Juppé : Một thằng điên phải đi bác sĩ tâm thần. Christine Lagarde : Mụ đần. Christine Boutin : Con của nợ, tao không chịu nổi nữa. Jeannette Bougrab : Một con ngu đần, bất tài. Một nhà báo bị nghi ngờ là ủng hộ François Bayrou : Hai thằng ấy ngủ với nhau rồi. Báo Marianne : một lũ bài Do Thái, một bọn lắp đít. MAM (Michèle Alliot-Marie, bộ trưởng quốc phòng, rồi ngoại giao) : Con chúa đểu. DSK : Một cái bánh pizza calzone. FOG : Con chuột cống, một tên gian manh thối hoắc. Vân vân và vân vân ([5], tr.59).


  • Rốt cuộc, loại hình tâm lí của chú bé Sarkozy, Chateaubriand mô tả chính xác nhất khi ông nói về Napoléon đại đế : « Ông ta khoan khoái trong sự làm nhục người đã bị ông ta đánh bại ; ông ta phỉ báng và làm tổn thương tự ái người nào đã dám cưỡng lại. Sự kiêu căng của ông cũng lớn ngang nỗi sung sướng ấy : Càng hạ thấp người khác, càng tưởng mình cao lên. Ghen tị các tướng lãnh của mình, ông ta đổ lỗi của chính mình cho họ, vì đối với ông ta, không bao giờ ông có thể sai lầm được (…). Một con ruồi không được ông ra lệnh mà dám bay tất nhiên là một tên phiến loạn (…) (Cuồng vọng cai quản mọi thứ của ông ta) chỉ là muốn nhại lại sự toàn năng của Thượng đế định đoạt số phận của thế giới và của cả con sâu cái kiến » (dẫn theo [4], p.264).

NGUYÊN TÁC tiếng Pháp : Entre deux quinquennats

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss