Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Phỏng vấn bà Angela Merkel

Phỏng vấn bà Angela Merkel

- Tô Nhị Trần — published 29/03/2007 20:13, cập nhật lần cuối 31/03/2007 13:10
Người châu Âu nghĩ gì về mình ? người Mỹ nghĩ gì về châu Âu ? Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký hiệp ước Roma thành lập Hội đồng kinh tế châu Âu (25.03.1957), tiền thân của Liên hiệp châu Âu, nhật báo BILD tại Cộng Hoà Liên Bang Đức đã có bài phỏng vấn đương kim chủ tịch Hội đồng Liên hiệp châu Âu. Xin xem thêm cạnh đây bản dịch bài trên Newsweek của Andrew Moravcsik, giám đốc Chương trình về Liên hiệp Châu Âu ở Đại học Princeton.

 
Phỏng vấn bà Angela Merkel


Thủ tướng Cộng Hoà Liên Bang Đức,
kiêm Chủ tịch Hội đồng Liên hiệp châu Âu.
 

 

Xin xem nguyên bản tại : http://cdu.de/archiv/2370_19391.htm


     Bản dịch của Tô Nhị Trần



BILD: Cách đây 50 năm, việc thống nhất châu Âu gắn liền với chiến tranh và hoà bình. Ngày nay Liên hiệp châu Âu quy định các giàn cáp kéo ghế treo ở Mecklenburg-Vorpommern 1 phải thế này hay thế kia. Đối với nhiều người, Liên hiệp châu Âu đồng nghĩa với với qui tắc và cấm đoán tràn lan. Thưa Bà Thủ tướng, tại sao lại ra nông nỗi này ?

Angela Merkel: Ý tưởng của sự thống nhất châu Âu ngày hôm nay vẫn gắn liền với chiến tranh và hoà bình. Chúng ta không bao giờ nên nghĩ hoà bình và dân chủ là những điều tất nhiên, không còn phải bận tâm đến, mặc dù với Liên hiệp châu Âu, hoà bình đã lâu bền hơn bao giờ hết trong lịch sử châu Âu và đã trở thành điều bình thường. Phần đông dân chúng xem Liên hiệp châu Âu như một thị trường nội địa chung, trong đó mọi người có thể tự do đi lại và làm việc, hàng hoá từ các nước thành viên cũng đuợc tự do bày bán khắp nơi. Nhờ thế chúng ta được sung túc hơn hẳn thời các thị trường chưa mở cửa.

BILD: Nhưng lại thêm nhiều quy định và luật lệ !

Angela Merkel: Vâng, đương nhiên cũng phải có những tiêu chuẩn thống nhất để mọi người có được những cơ hội cạnh tranh như nhau. Hệ thống cáp kéo ghế treo sản xuất ở Đức cũng đuợc phép dùng ở Áo và Romania. Nhờ vậy mà tạo ra việc làm ở Đức. Nếu không có thị trường nội địa Liên hiệp châu Âu, Đức đã không là vô địch thế giới về xuất khẩu.

BILD: Nhưng phải chăng các vị quan liêu ở Bruxelles cũng thường cường điệu quá mức ?

Angela Merkel: Thỉnh thoảng cũng có đấy. Thí dụ: tất cả các quán bia ở Âu châu đều phải tuân theo một qui định độc nhất về việc dùng dù che nắng. Thật quá đáng, và chúng ta phải tự kiềm chế tốt hơn trên những việc như thế. Tôi đã thuyết phục được các đồng nghiệp trong Liên hiệp châu Âu là từ nay đến năm 2012 phải bãi bỏ chẳng hạn một phần tư tất cả những thứ giấy tờ thủ tục. Quốc hội châu Âu cũng phải giúp chúng ta trong việc này ; trong những năm vừa qua, với tư cách một cơ cấu kiểm tra, họ đã đã nhận thức đuợc vai trò của mình rõ hơn.

BILD: Về Ủy ban châu Âu ( European Commission), điều gì làm bà bực mình nhất ?

Angela Merkel: Uỷ ban dĩ nhiên không phải là một siêu chính quyền chuyên chế như người ta thường hiểu sai. Dù vậy chúng ta cũng phải tránh việc bản thân Uỷ ban chỉ nhìn một số vấn đề nào đó qua lăng kính cạnh tranh mà không quan tâm đúng mức đến những điểm cơ bản của các truyền thống quốc gia. Cạnh tranh dĩ nhiên quan trọng và cần phải được Ủy ban châu Âu bảo vệ một cách độc lập, nhưng cũng phải dành cho chính trị một phạm vi can thiệp. Ở Đức chẳng hạn, các hoạt động tình nguyện ngày càng phổ biến trong thể dục thể thao nói chung, và không thể được đánh đồng với những Trung tâm thể dục thể thao thương mại.

BILD: Giả dụ Bà được gặp riêng những người đã sáng lập Liên hiệp châu Âu như Konrad Adenauer, Jean Monnet hoặc Robert Schumann thì Bà sẽ hỏi họ điều gì ?

Angela Merkel: Họ đã xây dựng sự tin tưởng nhau như thế nào qua những lần gặp gỡ để có thể thực hiện một dự án vĩ đại như vậy : – một mái nhà chung châu Âu – sau những sự kiện hãi hùng của cuộc thế chiến do nước Đức với Hitler gây nên. Và tôi sẽ hỏi Konrad Adenauer về bài diễn văn của ông nhân dịp Saarland 2 được tái sát nhập vào Đức năm đầu năm 1957. Ông đã nói : « rồi một ngày nào đó Đông Đức cũng sẽ lại thống nhất với Tây Đức ». Tôi sẽ rất muốn hỏi ông lúc ấy có thật sự tin như thế hay không và điều gì đã củng cố niềm tin nơi ông.

BILD: Bà đã sống và trưởng thành ở Cộng hoà dân chủ Đức, vậy hồi đó bà nhìn châu Âu như thế nào, xuyên qua bức màn sắt ?

Angela Merkel: Tây Âu là tự do nhưng đồng thời cũng là cái gì xa xôi. Nếu bạn không thể hình dung được nước Ý hoặc nước Pháp, nơi đã xảy ra cuộc cách mạng Pháp, thì phần đất đó của châu Âu đối với bạn là những mảnh vụn rời rạc.

BILD: Sau khi bức tường Berlin sụp đổ Bà đã đến nơi nào ở châu Âu đầu tiên ?

Angela Merkel: Chuyến du lịch đầu tiên của tôi sau khi Bức tường đổ không phải ở Âu châu mà là California, bởi vì chồng tôi đang công tác khoa học tại đó. Lúc đó tôi hơi tiếc mình đã không có dịp đến Paris hoặc Roma trước tiên. Chuyến du lịch thứ nhì là đến nước Ý.

BILD: Theo Bà thì ở châu Âu, chỗ nào đẹp nhất ? Bà có thể ở đâu cả một năm ?

Angela Merkel: Đối với tôi thì có nhiều nơi ! Thí dụ, tôi có thể rất thích sống ở miền trung nước Pháp, nhất là ở thôn quê.

BILD: Bà đã đến tất cả các xứ của 27 nước trong Liên hiệp châu Âu ?

Angela Merkel: Chưa, Estonia và Latvia chẳng hạn, là những nơi tôi chưa đến.

BILD: Tất cả dân Âu châu có thể hãnh diện về điều gì khi họ nhìn lại 50 năm vừa qua ?

Angela Merkel: Chúng ta đã học được cách sống chung hoà bình với nhau mà không phải chối từ những đặc thù của dân tộc mình. Karel Capek 3, một vĩ nhân của châu Âu ở Praha đã có câu rất hay : « Tạo Hoá làm ra một châu Âu nhỏ bé và lại còn chia nó ra thành những mảnh nhỏ xíu, khiến chúng ta vui không phải vì to lớn mà vì đa dạng ».

Chúng ta cũng có thể tự hào là hố ngăn cách giữa giàu và nghèo ở châu Âu không quá lớn như ở những nơi khác trên thế giới, tự hào về tự do, về nhà nước pháp quyền và về cuộc sống an toàn cho gần 500 triệu công dân châu Âu. Ai có thể mường tượng được điều đó cách đây 50 năm ?

BILD: Với tư cách người châu Âu, có điều gì khiến Bà phải hổ thẹn ?

Angela Merkel: Bảo là hổ thẹn thì cũng quá, nhưng tôi thấy buồn vì những lúc chúng ta, những người Âu châu đã nhu nhược và không làm tròn trách nhiệm của mình. Đó là vào khoảng đầu những năm 90, khi chúng ta đã không kiềm chế nổi một cuộc xung đột đẫm máu tại khu vực Balkan, ngay trên lục địa của chúng ta.

BILD: Có thể nghĩ từ nay về sau sẽ không còn chiến tranh ở Âu châu nữa ?

Angela Merkel: Vâng, ít ra là trong Liên hiệp châu Âu. Và đấy phải là mục tiêu của chúng ta cho tất cả lục địa của mình.

BILD: Giả thử Liên hiệp châu Âu tuyệt đối không hiện hữu. Nếu thế Bà sẽ thấy thiếu thốn điều gì nhất, ngoài hoà bình ?

Angela Merkel: Tôi hoàn toàn không thể mường tượng được điều này. Nếu không có Liên hiệp châu Âu chúng ta sẽ phải lo lắng lắm, liệu chúng ta có thể tồn tại trước những nước mạnh như Mỹ, Trung Quốc hoặc Ấn Độ trong cuộc cạnh tranh toàn cầu? Nước Đức và mọi nước Âu châu khác dù cho có mạnh mấy đi nữa thì cũng đều quá nhỏ bé. Chỉ qua việc Liên hiệp, Âu châu chúng ta mới mạnh hơn.

BILD: Tất cả những điều đó thuộc về thành quả. Thế nhưng chẳng còn ai reo mừng như trong những năm 50, khi các hàng rào biên giới được hạ xuống. Và ngày 1 tháng giêng 2007, khi Romania và Bulgaria gia nhập Liên hiệp châu Âu, hầu như chẳng mấy ai để ý đến. Tại sao ?

Angela Merkel: Âu châu đã trở nên bình thường, đó là lý do. Năm 1957, khi Hiệp ước Roma được ký kết, thì cũng chỉ mới 12 năm sau Đệ nhị thế chiến. Và trước đó không lâu, Đức và Pháp còn bị xem là hai nước có mối thù không đội trời chung. Điều đó hầu như ít người còn nhớ, cũng may. Ngày nay, trên nhiều khía cạnh, chuyện châu Âu hầu như thuộc về chính trị quốc nội, hoàn toàn bình thường, và vì vậy không phải lúc nào cũng đặc biệt gay cấn. Đồng thời cũng có tình trạng mất kiên nhẫn, vì thương thảo để đi đến đồng thuận giữa 27 nước thành viên thường rất mất thì giờ. Để thay đổi tình trạng này, chúng ta cần phải có Hiến pháp châu Âu, phù hợp với các cơ cấu phán quyết của một Liên hiệp châu Âu nới rộng.

Ngoài ra cũng còn nhiều mối lo khác. Thí dụ việc phát triển về hướng Đông: chính sách này mang lại ổn định cho toàn châu Âu, nhiều cơ hội xuất khẩu mới cho chúng ta, và tăng cường sức nặng của Liên hiệp châu Âu trên thế giới. Song nhiều người không thấy những điều lợi mà chỉ thấy những phí tổn...

BILD: .... nhân đang nói về phí tổn: Người dân Đức có cảm giác rằng với số tiền phải đóng góp ròng là 7 tỉ Euro hàng năm, nước Đức lúc nào cũng là người chi nhiều nhất trong Liên hiệp châu Âu ?

Angela Merkel: Chúng ta không phải là nước duy nhất chi nhiều hơn nhận và nếu tính bình quân theo đầu người thì chúng ta cũng không là nước chi nhiều nhất. Ta phải nhìn rõ tất cả các khoản của hoá đơn : chúng ta sẽ phải trả thêm bao nhiêu, nếu các nước Đông Âu không tiến lên được về mặt kinh tế ? Nếu sự cách biệt giữa các chuẩn môi trường và giữa các mức lương không giảm xuống? Tôi khẳng định rằng rốt cuộc những gì chúng ta chi trả cho Âu châu chính là đầu tư đúng chỗ.

BILD: Có phải người Đức hay bị thiệt thòi vì những nước khác lý luận rằng, để là người Âu châu đàng hoàng cuối cùng chúng ta phải mở hầu bao ?

Angela Merkel: Tôi đã học được từ Helmut Kohl 4 rằng cách tốt nhất cho nước Đức chúng ta là lưu ý đến quyền lợi các nước nhỏ trong các quyết định của châu Âu. Khi chúng ta có đuợc thoả hiệp trong ý nghĩa đó thì điều ấy luôn luôn mang lại kết quả tốt cho nước Đức. Nhờ thế, khi tham gia Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên ở Bruxelles tháng 12 năm 2005, tôi đã thương lượng được việc hoàn trả cho nước Đức gần một tỉ Euro.

BILD: Người Đức như thế là những người Âu châu đặc biệt gương mẫu ?

Angela Merkel: Chúng ta không phải lúc nào cũng là cậu bé ngoan. Nước Đức trong những năm vừa qua đã vi phạm Thỏa ước về ổn định của đồng Euro do thiếu nợ quá nhiều 5. Nhưng tựu trung thì người Đức cư xử xứng đáng với cái tên người Âu châu – và cũng vì chúng ta biết rằng đó chính là vì quyền lợi của chúng ta.

BILD: Thưa Bà, Bà có hãnh diện vì mình là người Đức ? Hay hãnh diện vì mình là người châu Âu ?

Angela Merkel: Tôi vui là người Đức, tôi yêu nước Đức. Và tôi cũng vui mừng y như vậy rằng nước Đức thuộc về châu Âu. Nhưng khi tôi ở châu Phi, châu Á hay châu Mỹ, tôi cũng cảm nhận rất rõ rằng tôi là người Âu châu, giống như nhiều người Đức.

BILD: Ai ai cũng biết thế nào là “American way of life“ (Lối sống Mỹ). Vậy đối với Bà, thế nào là “European way of life“ (Lối sống Âu) ?

Angela Merkel: Điều đó tôi có thể tóm gọn trong một từ: khoan dung. Khuôn mẫu của chúng ta ở châu Âu là công bằng và tính cộng đồng. Điều đó có nghĩa là, thí dụ người có thu nhập cao thì phải chịu thuế nhiều hơn, có nghĩa là chúng ta có một hệ thống phúc lợi xã hội vững vàng. Nhưng chúng ta cũng cần phải lưu ý rằng an sinh xã hội gắn liền với tự do, với trách nhiệm của mỗi cá nhân. Chúng ta phải cùng nhau dấn thân cho thang giá trị của chúng ta, vì thế giới này luôn thay đổi. Phong cách sống Âu châu, cái làm nên chúng ta, là điều chúng ta sẽ diễn đạt trong bản tuyên ngôn nhân dịp sinh nhật 50 năm của Liên hiệp châu Âu.

BILD: Tương lai này sẽ đưa chúng ta tới đâu, thưa Bà Thủ tướng ? Trong 50 năm nữa, châu Âu sẽ ra sao ? Liệu Nga và Do Thái cũng sẽ gia nhập Liên hiệp châu Âu ? Và lúc đó nước Thổ-nhĩ-kỳ đã là thành viên từ bao lâu rồi ?

Angela Merkel: Vấn đề chính thức gia nhập sẽ không còn mang tính cấp bách trong 50 năm tới, do sự thắt chặt các quan hệ giữa Liên hiệp châu Âu và các nước láng giềng. Qua đó chúng ta có thể xây dựng một khu vực ổn định rộng lớn hơn với những mối liên hệ đan chéo thân thiện, hữu nghị hơn. Riêng trong nội bộ Liên hiệp châu Âu chúng ta phải tiến gần hơn đến việc thành lập một quân đội chung. Uỷ ban châu Âu sẽ có nhiều quyền hơn để hành động, và đương nhiên với những chức năng được quy định rõ ràng. Sẽ không có một liên bang Âu châu trong 50 năm tới, chúng ta sẽ giữ tính chất đa dạng của những nhà nước dân tộc.

BILD: Người Âu châu nào trong 50 năm qua được Bà ngưỡng mộ nhất ?

Angela Merkel: Không chỉ có một mà nhiều người đã có những cống hiến rất lớn. Tôi ngưỡng mộ Konrad Adenauer vì ông đã thành công trong việc hoà giải nước Đức sau chiến tranh với các dân tộc khác ở Âu châu. Và vài ngày trước đây thôi tôi cũng đã xúc động mạnh khi đọc một đoạn trong bài viết của ông Helmuth James Graf von Moltke 6 trong thời gian ông hoạt động chống chế độ Quốc xã. Ngay giữa chiến tranh, năm 1941, ông Moltke đã tiên đoán rất đúng châu Âu sẽ phát triển ra sao: « Không còn hàng rào quan thuế, một tiền tệ chung, một quân đội châu Âu, một chính sách đối ngoại chung châu Âu, một chính sách kinh tế chung châu Âu ». Một sự nhìn xa trông rộng hết sức tài tình.

BILD: Bà nghĩ rằng Bà phải làm những gì để trở thành một Công dân danh dự của châu Âu như Helmut Kohl ?

Angela Merkel: Tôi không dám mang mình ra để so sánh trong chuyện đó. Helmut Kohl là một Công dân và là Nhà chính trị Âu châu độc đáo.

 

Chú thích của người dịch


1 Mecklenburg-Vorpommern: một tiểu bang của CHLB Đức ở phía đông bắc, thuộc khu vực Đông Đức cũ

2 Saarland là vùng đất ở biên giới Pháp-Đức phía bắc thành phố Strasbourg

3 Karel Capek (1890-1938), là một trong những nhà văn quan trọng nhất của nước CH Czech thế kỷ 20

4 Helmut Kohl: cựu chủ tịch Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo và Thủ Tướng CHLB Đức 1982 – 1998

5 Thâm thủng ngân sách lớn hơn quy định tối đa là 3 %

6 H. J. Graf von Moltke (1907 – 1945) thuộc giòng dõi quý tộc, ông là một luật gia, trong thời gian Hitler nắm chính quyền ở Đức ông tham gia nhóm hoạt động chống chủ nghĩa Đức quốc xã, bị bắt và xử tử trong ngục Berlin-Plötzensee ngày 11 tháng 1 năm 1945

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us