Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Pinochet và quyền con người

Pinochet và quyền con người

- Nguyễn Quang — published 24/12/2006 14:07, cập nhật lần cuối 14/03/2007 14:40

Cái chết của Pinochet

 

Nhiệm vụ ghi nhớ hay cần thiết phải quên ?

NGUYỄN QUANG



 

Việc tướng Pinochet chết trên giường rõ ràng đặt ra vấn đề công lí. Tên tuổi ông ta là biểu tượng những năm 1970 đen tối, thời kì mà Châu Mĩ Latinh – Argentina, Brasil, Chile, Paraguay và còn nữa – rên xiết dưới gót giầy của bọn độc tài quân sự tha hồ bắt cóc, tra tấn, bắn bỏ, truy lùng công đoàn và chính đảng phái tả, tước đoạt mọi quyền tự do chính trị. Cũng nên hỏi tại sao giữa đám tướng lĩnh độc tài ấy, Pinochet lại chiếm vị trí đặc biệt trên "bảng vàng" trong dư luận tiến bộ thế giới, đặc biệt ở Pháp ?

Pinochet ngữ lục

 * Ngày 11.9.1973, trong khi bao vây dinh Moneda (phủ tổng thống), phó đô đốc Carvajal trong phe đảo chính đề nghị thương lượng để Allende ra nước ngoài. Pinochet nói với Carvajal, nửa đùa nửa thật : “Cho ông ta xuất ngoại... và trên đường bay, phi cơ rớt xuống đất”. Cùng ngày, Pinochet ra lệnh qua vô tuyến : "Tôi chủ trương là (bọn tù nhân chính trị) phải đưa chúng lên máy bay, đưa đi đâu thì đi, ném từ trên không cũng được". Mấy năm sau, để phi tang, Pinochet ra lệnh đào mồ những người bị thủ tiêu và ném xác họ xuống biển. Mật hiệu của phi vụ này : “Triệu hồi khán giả truyền hình”.

* 13.10.1981 : “Trên đất nước này, một cọng lá cũng không được động đậy nếu tôi không xử lí. Điều đó phải nói cho rõ”.

* 6.1984 : “Có người cho rằng (các cơ quan an ninh) làm hơi quá, nhưng tôi không nghĩ như vậy”.

* 7.1994 : “3000 (tù nhân chính trị chết hay mất tích) thì có là bao”.

* 9.1995 : “Cách duy nhất để giải quyết vấn đề nhân quyền là quên đi”.

* 11.1999 : Hỏi tại sao đeo kính đen, Pinochet trả lời : “Nói dối nhìn con mắt là thấy, mà tôi nói dối hơi bị nhiều”.

Trước tiên là bản thân Pinochet. Với bộ ria trưởng lão, bộ ngực lủng củng huân chương và cặp kính dâm chình ình trên mặt, Pinochet có vẻ như một viên tướng phường tuồng, nhưng xem xét lí lịch của tên phản loạn này, chúng ta sẽ thấy y là một tên trí trá (Pinochet âm thầm thăng quan tiến chức, chẳng ai biết ý kiến của y như thế nào, và hai tuần trước ngày đảo chính, tổng thống Allende cử hắn lên thay tướng Carlos Prats từ chức...), cơ hội chủ nghĩa (giờ chót hắn mới ngả theo phe đảo chính, và phe này cũng rất nghi ngại Pinochet), xảo quyệt (cứ xem hắn đã làm thế nào để loại trừ các đối thủ trong nhóm đảo chính, và những năm gần đây, để trốn tránh các toà án), hại người không gớm tay (xem khung), và thối nát (tài khoản ngân hàng ở nước ngoài lên tới hàng triệu đô la). Còn thành tích của chế độ Pinochet, thì các uỷ ban điều tra được thành lập sau ngày phục hồi dân chủ cho biết các con số nạn nhân : 3000 người chết hoặc mất tích (báo cáo Rettig, 1992), 35000 vụ tra tấn có chứng cứ (báo cáo Valech, 2004). Nhưng xét cho cùng, như chính "caudillo" đã nói : "3000 (người chết) có là bao" so với những cuộc tàn sát của tập đoàn độc tài Argentina (Videla, Agosti, Massera), và 15 năm độc tài có thấm vào đâu so với gẩn nửa thế kỉ độc tài của Fidel Castro (1). Không, muốn lí giải sự ghê tởm tột cùng đối với Pinochet (và hoàn toàn không phải để giảm nhẹ những tội trạng thực sự của hắn) có lẽ ta phải xét tới những biểu tượng : đối nghịch với Pinochet là biểu tượng Allende, là biểu tượng của mặt trận Đoàn kết Nhân dân, tức là : trên một châu lục chìm đắm trong tình trạng chậm tiến dưới những chế độ độc tài, đó là phác thảo một con đường thứ ba (giữa đế quốc Mĩ và cách mạng Cuba), một « chủ nghĩa xã hội mặt người » (một khuôn mặt Châu Mĩ Latinh), mấy năm sau Mùa Xuân Praha và vài năm trước Liên hiệp phái tả Pháp. Ngày nay khi mà chẳng mấy ai còn nhớ « chủ nghĩa xã hội hiện tồn » là cái gì, khi mà mọi người phải chịu đựng chủ nghĩa liberal cực đoan và cực kì hiện thực, thật khó hình dung đầy đủ tất cả những ước vọng được gửi gấm vào cuộc thử nghiệm ở Chile, nhưng mọi người đều cảm nhận rằng kẻ đã phá tan những hi vọng ấy chính là Pinochet. Sâu sắc hơn cả những vết thương không bao giờ hàn gắn được nữa của gia đình các nạn nhân, chính nhận thức ấy về Pinochet khiến cho chúng ta không chịu nổi sự trêu ngươi cuối cùng của tên độc tài (2).

Đại sự kí tóm tắt

* 11.9.1973 : tư lệnh liên quân (không quân, hải quân, lục quân) đảo chính lật đổ chính phủ liên minh xã hội – cộng sản của tổng thống Salvador Allende. Quốc hội bị giải tán, các chính đảng bị cấm hoạt động, hàng ngàn người đối lập bị bỏ tù hay phải sống lưu vong.

* 20.6.1974 : sau khi loại bỏ đồng loã và đối thủ, Pinochet tự phong là « lãnh tụ quốc gia tối cao ».

* 19.4.1978 : chính quyền thông qua một đạo luật ân xá tất cả những tội ác mà chế độ độc tài quân sự đã gây ra từ năm 1973.

* 5.10.1988 : trong cuộc trưng cầu dân ý, người Chile không chịu tái cử Pinochet cho đến năm 1997.

* 14.12.1989 : Patricio Alwyn (dân chủ Ki tô giáo) trúng cử tổng thống.

* 11.12.1993 : Eduardo Frei (dân chủ Ki tô giáo) trúng cử tổng thống

* 11.3.1998 : Pinochet được chỉ định làm thượng nghị sĩ mãn đời.

* 16.10.1998 : sang chữa bệnh ở London, Pinochet bị bắt giam sau khi thẩm phán Tây Ban Nha Garzon kí trát truy nã quốc tế.

* 2.3.2000 : Bộ trưởng nội vụ Anh Jack Straw thả Pinochet « vì lí do sức khoẻ » và tống về nước.

* 11.3.2000 : Ricardo Lagos (đảng Xã hội) trúng cử tổng thống.

* 25.3.2000 : Quốc hội Chile quyết định miễn tố cho tất cả các cựu tổng thống, kể cả Pinochet.

* 1.12.2000 : Pinochet bị thẩm phán Chile Guzman truy tố.

* 1.7.2002 : Toà án Tối cao xếp hồ sơ Pinochet, viện cớ bị can bị « điên nhẹ ».

*  26.8.2004 : Quy chế miễn tổ của Pinochet bị huỷ bỏ, hồ sơ thụ án được mở lại.

* 13.12.2004 : Pinochet bị thẩm phán Montiglio truy tố và bị quản chế tại gia.

* 17.9.2005 : tổng thống Lagos ban hành Hiến pháp mới (thay thế Hiến pháp do bọn đảo chính áp đặt năm 1980).

* 15.1.2006 : Bà Michelle Bachelet (đảng Xã hội) trúng cử tổng thống.

Công lí bị hẫng hụt, song có thể nói công lí bị phủ nhận chăng ? Trước tiên, hãy nói về pháp lí Chile. Cần phải nhắc lại rằng nền dân chủ Chile ra đời (hay tái sinh) « dưới bóng » Hiến pháp 1980, một văn bản được viết bằng « lưỡi lê », kiềm chế sinh hoạt chính trị một cách chặt chẽ và dành cho bọn quân nhân những « hốc pháp lí » như quy chế « thượng nghị sĩ mãn đời », quyền bất khả truy tố của các cựu quốc trưởng..., hạn chế nền dân chủ và kìm kẹp kí ức tập thể. Cũng phải nói là đa phần các định chế Chile (Toà án Tối cao, Giáo hội Công giáo...) và một bộ phận quan trọng dân chúng (nếu không, các đội tàn sát của Pinochet kiếm đâu ra những người tố giác để truy lùng các nạn nhân ?) đã ủng hộ cuộc phản loạn, và ngày nay vẫn còn ủng hộ phe hữu thân Pinochet. Do đó, quá trình lâu lắc mà xã hội dân sự Chile phải trải qua để thoát ra khỏi vòng kiềm toả của « giáo gươm và thập tự » cũng giống như ở Tây Ban Nha sau Franco. Thế mà ở Tây Ban Nha ngày nay, hoà mình vào châu Âu và được coi là một khuôn mẫu dân chủ, thời kì Franco vẫn được cố ý che phủ dưới tấm bạt của quên lãng. Trong khi ở Chile, từ 1998 là năm bản lề, tan vỡ những điều cấm lị nhờ việc Pinochet bi bắt giam ở London, kí ức tập thể đã được khai phóng, người ta đã công khai thảo luận về những năm tháng đen tối, ngôn từ của phái tả đã giành lại được chính nghĩa...  Cố nhiên Chile vẫn chia làm hai phe sức mạnh ngang nhau, nhưng có quốc gia dân chủ nào không như thế ? Điều quan trọng là sự phân cực này không dẫn tới sự đoạn tuyệt (bùng nổ cách mạng hay đảo chính, độc tài) mà biểu lộ như một sự chọn lựa về mô hình xã hội, về đường lối chính sách, chứ không còn là những quy chiếu về quá khứ. Đối với một số người Chile, « bóng tối vừa biến đi » (« se fue la sombra »). Chúng tôi nghĩ nó đã tan biến ngay trong cuộc bầu cử tổng thống tháng giêng 2006 (3), khi ứng viên của phe Pinochet bị loại ngay từ vòng đầu, khi ứng viên xã hội, bà Michelle Bachelet đã thắng phiếu ứng viên phe hữu cổ điển ở vòng hai, khi người Chile đã cho toàn thế giới thấy rõ « nền dân chủ nửa vời » năm 1980 đã thực sự trở thành nền dân chủ « an nhiên ». Bẳng chứng rõ ràng nhất của sự « bình thường hoá » (nghĩa tốt) này là cái chết của Pinochet đã không gây ra cảnh tượng đam mê ghê gớm gì : mấy nghìn người xuống đường reo hò hồ hởi, mấy nghìn người khác tiếc nuối quá khứ diễu hành trước quan tài... và tuyệt đại đa số, thờ ơ. Tất nhiên có thể kì kèo về lễ nghi đám tang (lễ tang quân nhân, không phải quốc tang), tuỳ theo tạng người, chúng ta có thể coi đó là một biện pháp thoả hiệp theo kiểu Chile, hay sự tuân thủ pháp luật (Pinochet được thừa nhận là cựu tổng tư lệnh, không được thừa nhận là cựu nguyên thủ quốc gia). Về phần mình, chúng tôi quan tâm hơn tới hai tình tiết có ý nghĩa. Một là, việc đại uý Augusto Pinochet Ugarto (cháu nội của tên độc tài) và Heargraves, viên tướng chỉ huy sư đoàn 5 Punta Arenas, đã bị cách chức ngay lập tức sau khi đọc diễn văn chính trị ca ngợi Pinochet trong lễ tang, vi phạm nhiệm vụ bảo lưu ý kiến của người quân nhân (trong một nước dân chủ). Sự việc thứ nhì là chàng Francisco Prats, cháu nội tướng Prats trung thành với chế độ dân chủ (năm 1974 đã bị mật vụ Chile ám sát ở Buenos Aires) đã bỏ công sắp hàng ở đám tang để nhổ vào quan tài Pinochet, đội quân cảnh không những chẳng hành hung mà còn bảo vệ anh khỏi cơn thịnh nộ của những phần tử thân Pinochet (4). Đó chẳng phải là chỉ dấu bình thường hoá sao ?

Bây giờ nói về pháp lí quốc tế. Mặc dầu đến chết Pinochet còn trêu ngươi, song phải thừa nhận một nghịch lí này : nhờ Pinochet, những chuẩn mực quốc tế về quyền con người đã tiến một bước. Xin nhắc lại là nhờ lệnh truy nã quốc tế của thẩm phán Tây Ban Nha Garzon (5), Pinochet đã bị nhà cầm quyền Anh bắt giam ở London, và y đã phải đợi hơn 8 tháng để toà án tối cao (của Nghị viện các Huân tước) xem xét tính khả dĩ chấp nhận của đơn kiện. Vẫn biết Toà án Nuremberg đã nêu ra nguyên tắc pháp lí « không thể miễn tố » đối với tội ác chống nhân loại, nhưng nguyên tắc này vẫn chỉ là... nguyên tắc cho đến khi Thượng viện Anh phán quyết hai điểm về Pinochet. Việc chính phủ Anh đã thiếu dũng cảm, không dẫn độ Pinochet sang Tây Ban Nha mà dẫn độ về Chile, chỉ là một tiểu tiết. Điều quan trọng là quyết nghị của toà án London hầu như đã khai phóng cho pháp quyền Chile và cả những cơ quan tư pháp của những nước khác nữa. Cho dù con cá mập lớn nhất đã thoát khỏi lưới công lí, gần 300 tên sát thủ và tra tấn đã bị tuyên án (trong đó không chỉ có những thuộc hạ : Manuel Contreras, giám đốc DINA, cơ quan mật vụ của chính quyền quân đội, và toà án Pháp cũng sắp sửa xét xử vắng mặt cùng với 19 tòng phạm, vì tội thủ tiêu những công dân Pháp), việc những nhân vật hàng đầu (như Henry Kissinger mà ai cũng biết đã giữ vai trò quan trọng thế nào trong việc chuẩn bị cuộc đảo chính 11 tháng 9) bây giờ không dám ghé chơi những nước « ít an toàn » như nước Pháp... đều là những sự kiện không thể nói là không đáng kể. Ý nghĩa lâu bền của quyết án London còn thể hiện trong việc nó đã tác động tới phong trào quốc tế chống lại tình trạng miễn tố của những tội ác Nhà nước, góp phần dẫn tới sự thành lập những toà án đặc biệt của Liên Hợp Quốc để xét xử những tội ác gây ra ở Nam Tư, Rwanda, Liberia... và nhất là sự thành lập Toà án Hình sự Quốc tế mà thẩm quyền là truy tố các tộ ác diệt chủng, tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh là những tội trạng mà các toà án quốc gia không thể hay không muốn trừng trị. Người ta có thể nhún vai coi thường chuyện này vì có những nước, lại là nước lớn, như Hoa Kì và Trung Quốc khăng khăng không chịu tham gia Toà án này, khiến cho thẩm quyền của nó bị giảm bớt. Song hiển nhiên là « tiền lệ Pinochet » đã thúc đẩy khái niệm công lí quốc tế.

Nguyễn Quang

 



(1) Chắc một số độc giả ngạc nhiên thấy Fidel Castro bị bỏ chung vào rọ này. Nếu nhà cách mạng Fidel Castro đã trả lại phẩm giá cho nhân dân Cuba (và điều này, nhiều người Châu Mĩ Latinh vẫn ghi ơn tuy đã mất hết ảo tưởng) thì nhà độc tài Fidel Castro đã chà đạp lên phẩm giá ấy khi ông ta kiến lập chế độ xã hội chủ nghĩa trại lính (ngày nay phải thêm chữ gia truyền). Chắng mấy lúc nữa, chúng ta có thể tính sổ chế độ này, vì các thông tin chính thức cho biết « Fidel sức khoẻ tốt, không bị ung thư, sắp xuất viện », thì lôgic của « chủ nghĩa xã hội hiện thực » cho ta hiểu rằng Fidel ốm nặng, bị ung thư và chết tới nơi.

(2) Pinochet chết vào đúng... Ngày quốc tế các Quyền con người.

(3) Xem Diễn Đàn tháng 1.2006.

(4) Nhưng sau đó, anh ta đã bị toà thị chính quận (nơi anh ta làm việc) cách chức. Để xem vụ án này sẽ tiếp diễn ra sao.

(5) Thẩm phán Garzon được chỉ định thụ lí hồ sơ Argentina, chứ không có trách nhiệm gì về hồ sơ Chile, nên ông đã phải dùng một mưu chước pháp lí là truy tố Pinochet trong khuôn khổ cuộc hành quân Condor, là một kế hoạch liên hợp của hai chế độ độc tài Buenos Aires và Santiago nhằm giết chết những người đối lập.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss