Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Sinh nhật châu Âu

Sinh nhật châu Âu

- N.Đ — published 31/03/2007 11:31, cập nhật lần cuối 01/04/2007 10:45
Người châu Âu nghĩ gì về mình ? người Mỹ nghĩ gì về châu Âu ? Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký hiệp ước Roma thành lập Hội đồng kinh tế châu Âu (25.03.1957), tiền thân của Liên hiệp châu Âu, chúng tôi xin dịch nhanh một tiếng nói có thẩm quyền học thuật tại Mỹ, tuy không hẳn thuộc đa số, đã đăng trên tuần san Newsweek. Xin xem thêm cạnh đây bản dịch một bài phỏng vấn đương kim chủ tịch Hội đồng Liên hiệp châu Âu.

 

Châu Âu tuổi 50:
Chúc Mừng Sinh Nhật


 
Andrew Moravcsik (*)


Newsweek International, số ra ngày 26.03.2007.


Giới thiệu của Newsweek : Vào lúc Liên hiệp châu Âu (LHCA) mừng ngày sinh thứ 50 của mình, các nhà phê bình nói nó đã là gần kề miệng huyệt. Nhưng đối với nhiều nước hiện nay, chính châu Âu, chứ không phải Mĩ, là mẫu mực.

Xin xem nguyên văn tại :

http://www.msnbc.msn.com/id/17659940/site/newsweek/


 
Bản dịch nhanh của N.Đ. 


"Chỉ còn Hoa Kỳ đơn độc". "Trong khi Châu Âu đang mê ngủ". "Châu Âu đang bị đe doạ". Trong khi Liên hiệp châu Âu [LHCA – EU] kỉ niệm 50 năm ngày ký Thoả ước Rome, những bậc trí giả đồng ý rằng: Châu Âu đang ngắc ngoải. Cái lục-địa-bảo-tàng-viện đó đang rơi vào thùng rác của lịch sử.

Hình ảnh ấy rất được ưa chuộng ở Mĩ. Theo những người hoài nghi ở Hoa Kì thì Cựu Thế Giới (ngoại trừ Anh Quốc, dĩ nhiên) đã cáo chung. Kinh tế trì trệ. Sự năng nổ về công nghệ cũng như về đầu óc doanh thương đã chuyển sang Thung lũng Silicon và Bangalore. Chính khách bất lực trước những hệ thống phúc lợi xã hội xơ cứng, lực lượng lao động nhõng nhẽo và những nhóm đặc quyền cố thủ.

Dân số Âu châu ngày càng giảm sút. Những nhóm di dân chỉ tổ làm các vấn đề xã hội thêm trầm trọng. Chính sách ngoại giao của châu Âu èo uột. Đề cập đến việc châu Âu thiếu một sức mạnh quân sự, Robert Kagan nói: “Người châu Âu đến từ sao Kim, người Mĩ đến từ sao Hoả”. Ông ta còn nói thêm, châu Âu không có cả đến sự đoàn kết và quyết tâm để đứng cạnh Mĩ trong cục diện thế giới. Dấu hiệu gần đây nhất: những vụ càm ràm về phòng vệ bằng hoả tiễn ở Ba Lan và Cộng hoà Czech.

Các nhà phê bình lập luận, châu Âu không thể tự cứu mình vì đã không còn biết mình là gì. Vừa qua, LHCA bỏ ra đến nửa thập kỉ để dự thảo một bản hiến pháp mới, rút cục chỉ chuốc lấy sự chối bỏ của những cử tri bất mãn ở Hà Lan và Pháp, hình như đã chán mứa với quá nhiều “châu Âu”. Những người Mĩ bảo thủ như Mark Steyn, tiên đoán rằng không lâu nữa người Âu châu sẽ thức dậy với “tiếng gọi đọc kinh của một muezzin(**) và cảnh báo là hầu như sẽ không tránh khỏi một phản ứng dân tộc chủ nghĩa kiểu mới dội ngược lại chống Hồi giáo, khi châu Âu không hoà nhập đuợc các nhóm thiểu số đang tăng thanh trong dân chúng. Tóm tắt : Châu Âu tiêu rồi.

Đối với hầu hết những người sống ở – hay vừa mới thăm – châu Âu, tất cả những điều ấy đều có vẻ không đúng với thực tế, thậm chí phi lí. Nhân LHCA tròn 50 tuổi trong tuần này, ta thử xem lại tất cả những gì đã làm được. Châu Âu đã trỗi dậy từ tro tàn của cuộc Đại Suy thoái và đệ nhị Thế Chiến để phục hồi và tự do. Nửa thế kỉ trước, chỉ những kẻ không tưởng mới tiên đoán rằng, ngày hôm nay, người ta có thể đi xuyên châu Âu từ Thụy Điển đến Sicilia mà không gặp phải một trạm kiểm soát biên giới nào và – hầu như trên suốt quãng đường – chỉ dùng một loại tiền tệ Âu châu duy nhất. Hoặc là sẽ có một thị trường duy nhất, phi quan thuế, củng cố bằng một khung qui định kinh tế chung.

Châu Âu giờ đây là một siêu cường toàn cầu với tầm quan trọng lịch sử cho cả thế giới, không thua một ai về uy thế kinh tế. Nó đã xây dựng được một trong những hệ thống chính quyền thành công nhất – nhà nước phúc lợi xã hội hiện đại, bất kể các khuyết tật của nó, đã mang lại thịnh vượng và an ninh cho nhân dân châu Âu. Đó là một bước tiến về hợp tác quốc tế tự nguyện thành công nhất trong lịch sử hiện đại. Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu nguyên thuỷ của năm 1957 đã phát triển từ sáu thành viên sáng lập lên đến 27, đan kết non 500 triệu người từ Aran Islands của Ireland về phía tây, xuyên qua trung tâm Trung Âu cho đến Hắc Hải. Các giá trị của nó đang trải rộng trên toàn cầu – và trên nhiều phương diện, quyến rũ hơn các giá trị của Mĩ rất nhiều. Hướng đi của châu Âu chỉ có thể là lên, không xuống. Đây là những điều các nhà phê bình đã sai.
 

Chính Sách Thực Tiễn trong Kinh Tế

 
Bắt đầu bằng cái sai lớn nhất – rằng châu Âu sa lầy trong một chu kì phát triển chậm và những tổn phí xã hội ngày càng tăng để cuối cùng không thể nào duy trì nổi.

Quả là trong nửa thập kỉ qua các nền kinh tế lớn nhất của châu Âu gặp khó khăn. Do phải chi trả cả nghìn tỉ đô-la cho việc việc thống nhất đất nước, Đức đã không đóng vai trò đầu tàu cho cả châu Âu. Pháp và Italia cũng tụt hậu. Tuy vậy, Anh quốc vẫn phát triển mạnh, cũng như các nước Bắc Âu. Trong số các thành viên Đông Âu mới của LHCA, mức tăng trưởng trung bình 5% cũng cao hơn ở Hoa Kì. Slovakia, Estonia và Latvia mỗi năm đều tăng trưởng 10% hoặc nhiều hơn nữa.

Các nhà phê bình vẫn hay cho rằng đồng lương và phúc lợi xã hội cao của châu Âu cản trở việc tạo ra công ăn việc làm, và rằng người châu Âu “chống lại cải cách”. Thực ra, không có có gì chứng minh điều này. Nếu đúng như thế, làm sao châu Âu đã có thể tăng trưởng kinh tế nhanh hơn Mĩ trong phần lớn thời kì hậu chiến ? Bất kể mức thuế 50% và các phúc lợi xã hội dành cho từ em bé đến cụ già, các nền dân chủ xã hội Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan đã chiếm phân nửa những vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng các nền kinh tế theo khả năng cạnh tranh, của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới. Anthony Giddens, cựu giám đốc của London School of Economics, nói: “Nền dân chủ xã hội Bắc Âu vẫn vững mạnh, không phải vì nó chống lại cải cách, mà vì nó đi theo cải cách”.

Còn về chuyện tăng trưởng thu nhập trên đầu người của châu Âu thua Hoa Kì, đấy không phải do người châu Âu cạnh tranh kém cỏi. Thí dụ nước Đức, với thặng dư mậu dịch lớn hơn của Trung Quốc và thị phần ngày càng cao trong mậu dịch thế giới. Tỷ lệ sản lượng trên giờ lao động ở Pháp cao hơn ở Hoa Kì. Năng suất hằng ngày của Hoa Kì cao hơn của châu Âu chỉ vì người làm thuê ở châu Âu chọn làm ít giờ hơn người Mĩ, để đổi lại với đồng lương thấp hơn. Đừng quên là mỗi người dân châu Âu được quyền hưởng từ sáu tới tám tuần nghỉ. Đa số người Mĩ nói họ sẵn sàng chọn sự đánh đổi này nếu chủ nhân của họ cho phép.

Người dân châu Âu quả có trả giá cao cho các hệ thống phúc lợi xã hội của họ, nhưng họ tin rằng điều này đáng. Ngay cả ở những nước nghèo hơn và thân Mĩ hơn như Hung và Ba Lan, các thăm dò cho thấy chỉ có một thiểu số nhỏ ( dưới 25%) muốn nhập cảng mô hình kinh tế Mĩ. Một lí do quan trọng là các khuyết tật ngày càng lộ rõ của mô hình này.

Thử xem việc chăm sóc sức khoẻ, thước đo cho mức độ an sinh chung của một đất nước. Tổng thống George W. Bush tuyên bố trong Diễn văn Nhậm chức lần hai: “Người Mĩ có hệ thống chăm sóc sức khoẻ tốt nhất thế giới”. Thực tế cho thấy ngược lại. Hoa Kì là nền dân chủ phát triển duy nhất không đảm bảo chăm sóc sức khoẻ cho tất cả dân chúng, khiến khoảng 45 triệu người Mĩ không được bảo hiểm (và cũng chừng đó người không được chữa trị đúng đắn). Tệ hơn nữa, dẫu đo qua trả lời của các chuyên gia y tế công cộng, qua thăm dò mức độ hài lòng của dân chúng hay qua tỉ lệ sống sót, việc chăm sóc sức khoẻ ở các nước khác ngày càng được xếp hạng cao hơn ở Mĩ. Tử suất hài nhi của Hoa Kì là một trong những con số cao nhất trong các nền dân chủ phát triển. Tính trung bình, đàn ông Pháp, cũng như hầu hết người Âu châu, thọ hơn một người Mĩ gần bốn năm. Không ngạc nhiên khi trong bảng xếp hạng của Tổ chức Y tế Thế giới [WHO] hệ thống chăm sóc sức khoẻ Hoa Kì chỉ đuợc hạng thứ 37 của thế giới, sau Columbia (thứ 22) và Saudi Arabia (thứ 26).

Thật ra tương lai kinh tế châu Âu trông khấm khá hơn của Mĩ. Tuần vừa qua, OECD ước đoán tăng trưởng 2.5% cho khu vực đồng Euro, so với 2% cho Hoa Kì. Đầu tư tăng vọt và các doanh nghiệp rất phấn chấn. Người ta tin rằng, trong vài năm tới, thị giá vốn của các hãng Âu châu trong tốp 500 toàn cầu sẽ qua mặt các hãng Mĩ.

Tất nhiên là được nhắc nhở đến nhiều nhất vẫn là Trung Quốc và Ấn Độ. Và, vâng, mậu dịch của Hoa Kì với châu Á Thái Bình Dương đã trội hơn mậu dịch với châu Âu. Nhưng thực tế sâu xa hơn là, từ lâu rồi, động cơ chính của tăng trưởng không còn là mậu dịch mà là đầu tư, và về phương diện này châu Âu đứng ngang hàng với Hoa Kì ở vai siêu cường kinh tế thế giới. Quan hệ giữa châu Âu và Hoa Kì, theo Daniel Hamilton, giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Xuyên Đại Tây Dương [Center for Transatlantic Studies], đại học Johns Hopkins, “là mối quan hệ sâu đậm và rộng lớn nhất giữa bất kì hai châu lục nào trong lịch sử, hơn hẳn mọi trường hợp khác”.

Gần 60% đầu tư ở nước ngoài của Hoa Kì hướng về châu Âu. Ngay cả các nước nhỏ hơn của Âu châu, như Bỉ, Ireland hay Thuỵ Sĩ, cũng đón nhận hàng năm những luồng đầu tư từ Hoa Kỳ to lớn hơn rất nhiều tổng số đầu tư của Hoa Kì vào Trung Quốc và Ấn Độ. Trong năm ngoái, số tiền lời các doanh nghiệp Hoa Kì thu đuợc chỉ từ Thụy Sĩ nhỏ bé không thôi đã bằng bốn lần thu về từ Trung Quốc và 23 lần từ Ấn Độ. Và các luồng ngược lại cũng như thế. Đầu tư của Âu châu ở Hoa Kì chiếm hai phần ba tổng đầu tư trực tiếp của các nước ngoài. Mỗi năm, châu Âu đầu tư trong vài tiểu bang Hoa Kì – gần đây là Georgia, Indiana và Texas – nhiều hơn cả tổng số đầu tư của Hoa Kì vào Trung Quốc và Nhật Bản. Nói tóm lại: ít người Mĩ ý thức được rằng sự thịnh vượng của bản thân họ tùy thuộc vào châu Âu đến mức độ nào, và hai nền kinh tế ấy gắn chặt với nhau khăng khít đến đâu.

  

Nỗi lo về dân số

  

Nền dân chủ xã hội sẽ không bền vững được nếu không có những người lao động là nguồn kinh phí cho nó. Lý do sâu xa của cái nhìn bi quan về Âu châu là ở đây. Sinh suất giảm sút có nghĩa là tỉ suất người lao động trên người hưu trí (người trên 60 tuổi) sẽ còn tệ hơn con số 5:1 hiện nay để tụt xuống dưới 2:1 vào năm 2050. Nói như Mark Leonard của Open Society Initiative for Europe: “Viễn tượng kinh sợ nhất là một nền kinh tế châu Âu ngày càng rỗng tuếch với một con số khổng lồ người hưu trí sống bám vào một lực lượng lao động ngày càng ít đi ”.

Song chính Leonard cũng không tin rằng việc này sẽ xảy ra. Ủy ban châu Âu cũng thế và ước tính rằng những cải cách cho dù khiêm tốn – chẳng hạn tăng tuổi hưu thêm năm năm – cũng có thể đủ để khôi phục cơ sở tài chính vững vàng cho các quỹ hưu trí và hệ thống phúc lợi của châu Âu. Tăng trưởng kinh tế mạnh hơn cũng sẽ góp phần vào đó. Có thể châu Âu cũng sẽ dùng chính sách di dân để bổ sung cho lực lượng lao động đang nhỏ đi của họ. Joschka Fischer, một cựu bộ trưởng ngoại giao Đức, nói: “Châu Âu sẽ không còn cách nào khác hơn là mở cửa”.

Điều này, theo các nhà phê bình, đưa tới kịch bản đau lòng nhất cho châu Âu – sự tàn lụi văn hoá. Các xã hội Âu châu đối mặt với những khó khăn tưởng như không thể vượt qua được trong việc hoà nhập những người di dân Á Rập Hồi giáo. Hiện nay, người Hồi giáo chỉ chiếm 5% dân số châu Âu; tuy nhiên trong vòng 20 năm nữa con số ấy có thể tăng gấp đôi, một phần là do ở các chính sách đoàn tụ gia đình khá dễ dãi. Viễn tượng này khiến có đủ loại cảnh báo kinh khiếp về một “châu Âu Ả Rập” tương lai và sự sói mòn của một nền văn minh thuần tuý Âu châu. Những cuộc bạo loạn mang tính chủng tộc gây nhiều xốn xang, hành động khủng bố và các tranh cãi về đủ mọi thứ, từ khăn che đầu cho đến các biện pháp phân loại chủng tộc càng gây thêm rắc rối. Nếu không mở ra những cơ hội kinh tế - xã hội, thì cả các giới lãnh đạo Hồi giáo hoạt động trong các khu vực đa văn hoá tương đối thoải mái, như ở Hoà Lan hay Anh Quốc, lẫn sự kết hợp đồng hoá và áp dụng luật pháp một cách cứng rắn, như ở Pháp, có lẽ cũng khó lòng ngăn chặn được sự lan tràn của các ý hệ cực đoan và bạo lực.

Tuy nhiên, ta dễ coi nặng quá đáng các khuynh hướng này. Mặc cho tất cả các khó khăn đã nói, thống kê cho thấy mức độ bạo lực trong các nhóm di dân và tôn giáo ở châu Âu không cao hơn nhiều so với Mĩ. Trong những năm tới, khi thế hệ sinh sau chiến tranh về hưu, những chỗ làm việc để ngỏ sẽ vào tay lớp di dân trẻ thất nghiệp, khiến cho người bản địa bớt lo ngại những người mới đến sẽ cướp lấy công ăn việc làm của họ và tổn hại đến hệ thống phúc lợi xã hội. Khắp châu Âu, các luật di trú gần đây trở nên kén chọn hơn – khuyến khích hơn các luồng di dân từ các nước ngoài khối Á Rập. Giờ đây, phân nửa những người nhập cư vào Tây Ban Nha (30% của lượng người vào châu Âu) đến từ châu Mĩ Latinh. Người ta ước tính hiện nay có khoảng từ 300.000 đến 600.000 người Ba Lan đang làm việc ở Anh, cộng thêm nửa triệu ở Đức. Rốt cuộc, hình ảnh đe doạ của những nhóm dân nhập cư khó trị gây bất an ở châu Âu, khoan nói đến chuyện phá huỷ văn hoá của nó, được thổi phồng lên đến mức hoang tưởng.
 

Siêu cường thầm lặng

 
Những nhà "chính trị thực tiễn" Mĩ thích nói về một thế giới “đơn cực”, do một siêu cường duy nhất chế ngự. Thành đạt của LHCA chứng minh điều ngược lại: thế giới là lưỡng cực, và cực kia là châu Âu.

Hãy nhớ lại, cách đây 50 năm, LHCA đã ra đời như thế nào, như một liên kết giữa hai anh xóm giềng Pháp và Đức. Giờ đây, nó là mẫu mực cho một lục địa. Sự bành trướng của LHCA, bao gồm hơn một chục nhà nước cộng sản cũ, đã là hành động quảng bá dân chủ hùng hồn nhất từ khi chiến tranh lạnh chấm dứt. Leonard nói: “Khi đã bị hút vào trong vòng ảnh hưởng của châu Âu rồi, các quốc gia sẽ vĩnh viển thay đổi”. Chỉ nội triển vọng được gia nhập Liên hiệp cũng đã đủ để kích động toàn thể các quốc gia tái xây dựng từ trong ra ngoài. Thí dụ: Romania, mới gia nhập LHCA năm nay, và Thổ Nhĩ Kỳ, đã tự Âu hoá một cách phi thường, để được gia nhập châu Âu. Tác dụng này cũng thể hiện ở các nước khác cùng mong vào châu Âu, từ các cựu thành viên của Yugoslavia cũ cho đến Ukraine.

Điều chắc chắn là Hoa Kì vẫn là vô địch về quyền lực quân sự “cứng”. Dù vậy, ta chỉ cần nhìn cái vũng lầy Iraq để thấy những hạn chế của nó. Khi đụng tới các phương tiện cần thiết để tạo ra hoà bình, các công cụ mềm hơn của quyền lực dân sự, châu Âu vượt Hoa Kì xa. Nó là “siêu cường thầm lặng”.

Công cụ của châu Âu không dừng ở việc mở rộng Liên hiệp. LHCA là đối tác mậu dịch và đầu tư lớn nhất của mọi nước vùng Trung Đông. Nó đã theo đuổi những nỗ lực ngoại giao, một mình hay cùng với Hoa Kì, để giải quyết các xung đột trong khu vực. LHCA cung ứng 70% các luồng tài trợ quốc tế và giúp đỡ nhân đạo trên thế giới hiện nay. Hầu như toàn bộ các lực lượng bảo vệ hoà bình và kiểm sát của thế giới, ngoại trừ Iraq – ở Li Băng, Sierra Leone, Côtes d'Ivoire, Afghanistan – là do châu Âu đóng góp nhân sự hay tài trợ. Sắp tới đây, châu Âu sẽ đảm nhiệm các công tác ở Bosnia và Kosovo thay cho NATO.

LHCA hoàn toàn không phải là một sản phẩm của quá khứ, mà là biểu hiện của đóng góp sáng tạo và quan trọng nhất của châu Âu cho thời đại. Với khuôn khổ đa phương của mình, Liên hiệp là nơi xuất phát khoảng 20% tất cả các luật được thông qua ở châu Âu. Nó đã mở rộng phạm vi của dân chủ và thị trường tự do bên trong và bên ngoài các biên giới của mình – một cách mà các tay tân bảo thủ (neocons) của Mĩ chỉ dám ước mơ – và đang trở thành một mẫu mực cho các nước đang phát triển. Nhà vị lai học Jeremy Rifkin giải thích một cách rất thuyết phục sự thăng tiến của các lí tưởng Âu châu. Ông viết: “Trong khi Tư duy Mĩ còn đang mệt mỏi và trầm luân trong quá khứ, một Giấc mộng Âu châu mới đang chào đờimột giấc mộng coi trọng các quan hệ cộng đồng hơn sự độc lập cá nhân, đa dạng về văn hoá hơn là đồng hoá, chất lượng của cuộc sống hơn là tích lũy của cải, phát triển bền vững hơn là tăng trưởng vô hạn về vật chất, giải trí có trình độ hơn là làm việc như trâu bò và quyền con người phổ quát”. Nhà tài chính toàn cầu George Soros dùng đồng tiền cho một ý nghĩ tương tự, nhằm thành lập một Hội đồng Âu châu về Ngoại Giao [European Council on Foreign Relations] dựa trên tiền đề là chính sách ngoại giao Hoa Kì “đã tạo ra một thế giới không có lãnh đạo và rối ren”. Ông tin rằng, châu Âu và một LHCA năng động hơn nữa sẽ cho ta một “mô hình và lực đẩy” tốt hơn để giải quyết các thử thách của thời đại.

Đúng vậy hay không, điều đáng kể vẫn là, 50 năm sau khi cuộc hành trình để thống nhất LHCA bắt đầu, giờ đây châu Âu, chứ không phải Hoa Kì, được xem như ngọn đèn soi sáng cho các quốc gia.

N.Đ. 



(*) Moravcsik là giám đốc Chương trình về Liên hiệp Châu Âu ở Đại học Princeton.

(**) Giáo sĩ đạo Hồi, người có chức trách đứng trên tháp giáo đường gọi giáo dân cầu nguyện, 5 lần mỗi ngày (chú thích của Diễn Đàn).

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss