Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Thùng phiếu điện tử

Thùng phiếu điện tử

- Đặng Đình Cung — published 20/07/2009 09:00, cập nhật lần cuối 20/07/2009 11:59
Chuyện áp dụng công nghệ thông tin trong bầu cử ở Pháp


Thùng phiếu điện tử


Đặng Đình Cung,
Kỹ sư tư vấn



Nhiều người tưởng rằng chuyển đổi công nghệ chỉ là một chuyện lắp đặt thiết bị công nghệ mới rồi đào tạo nhân viên sử dụng những thiết bị đó là xong. Mọi việc cụ thể không đơn giản như vậy.

Trong bài này chúng tôi xin kể kinh nghiệm một thị xã Pháp chuyển nghi thức bỏ phiếu với thùng phiếu giấy sang thùng phiếu điện tử.


Mọi cử tri Pháp đều quen nghi thức bỏ phiếu với thùng phiếu giấy


Nghi thức bỏ phiếu phải bảo đảm nguyên tắc "mỗi người một phiếu, mỗi người phải đích thân, hay nhờ một người tín cẩn, kín đáo bỏ phiếu cho ứng cử viên mình đã chọn mà không bị áp lực nào cả".

Thùng phiếu giấy là một hộp lập phương bằng plastic trong thoáng có một khe bỏ phiếu. Nắp thùng được đóng bằng hai cái khoá. Chủ tịch ban điều hành bầu cử giữ chìa của một cái khoá và một thành viên khác của ban điều hành, giữ chức hội thẩm, giữ chìa của cái khoá kia. Hội thẩm thường là đại diện của phe đối lập với chủ tịch ban điều hành. Nếu muốn mở thùng phiếu thì phải có sự thoả thuận của hai người không bắt buộc phải có cùng chính kiến. Khi không có người bỏ phiếu thì có một thẻ bằng gỗ đậy trên khe thùng phiếu. Thiết kế như vậy mọi người trong phòng bầu cử đều có thể kiểm tra rằng thùng phiếu không bị nhồi ngoài quy định cuả luật bầu cử.

Để mỗi ứng cử viên đều ngang hàng nhau, trong phòng bầu cử mỗi ưng cử viên đều có một xấp phiếu đề tên mình bày ngang nhau trên một bàn gần cửa vào. Trên bàn cũng có một xấp phiếu trắng, để cử tri muốn bỏ phiếu trắng có thể dùng, và một xấp phong bì bằng giấy chắn sáng.

Khi khai mạc cuộc bầu cử chủ tịch ban điều hành bầu cử dơ cao thùng phiếu cho mọi người thấy rằng thùng phiếu rỗng. Chủ tịch và hội thẩm mỗi người khoá thùng phiếu với cái khoá của mình.

Vì không được phép cho ai biết mình muốn bầu ai, cử tri phải mang vào buồng kín một phiếu của mỗi ứng cử viên, một phiếu trắng và một phong bì. Chỉ trong buồng kín thì cử tri mới có thể bỏ vào phong bì phiếu mình đã chọn. Như vậy cử tri được bảo đảm không ai biết mình đã bầu ra sao. Sau khi đã bỏ phiếu trong phong bì ở buồng kín, cử tri trình thẻ chứng minh nhân dân cho ban điều hành phòng bầu cử. Một khi danh tính được xác nhận, cử tri công khai bỏ phong bì vào thùng. Để kết thúc, cử tri ký tên trên danh sách cử tri chứng nhận mình đã bỏ phiếu và cấm người khác sau này đến bầu với danh nghĩa của mình.

Tới giờ bế mạc cuộc bầu cử, chủ tịch và hội thẩm mỗi người lấy chìa khoá của mình mở thùng phiếu dưới sự chứng kiến của mọi công dân có mặt trong phòng bầu cử. Những phong bì được chia cho các nhóm công dân tự nguyện tham gia vào việc đếm và kiểm tra phiếu. Số phong bì phải bằng số chữ ký trong danh sách cử tri. Nếu hai số khác nhau thì phải ghi trên biên bản cuộc bầu cử. Những phong bì được mở ra và phiếu trong phong bì được phân chia ra từng ứng cử viên, phiếu trắng và phiếu hay giấy không hợp lệ. Tổng số những phiếu, những phong bì rỗng và những phong bì chứa giấy không hợp lệ phải bằng số phông bì và chữ ký tên trong danh sách cử tri đã đếm khi khui thùng phiếu. Nếu khác nhau thì phải ghi trên biên bản cuộc bầu cử. Nếu tổng cộng có nhiều sai biệt thì có khả năng phe thất cử kiện.

Nghi thức bỏ phiếu với thùng phiếu giấy có một số nhược điểm.

Trước tiên là phải in cho mỗi ứng cử viên một số lượng phiếu nhiều hơn số cử tri một chút để bảo đảm mỗi cử tri có đủ phiếu để mang vào buồng kín. Cử tri mang vào buồng kín một số phiếu bằng số ứng cử viên để chỉ giữ lại có một phiếu và bỏ vào thùng rác những phiếu khác. Đây là một nguồn lãng phí lớn. Mặc dù chủ tịch phòng bầu cử thường xuyên đổ những phiếu không sử dụng trong thùng rác vào một bao nhựa mầu đen chắn sáng, cử tri trong buồng kín vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi những phiếu vứt trong thùng rác. Trong buồng kín cử tri có thể không bỏ một phiếu nào trong phong bì hay bỏ vào phong bì một tờ giấy có ghi bất cứ gì trên đó.

Thứ hai là việc kiểm phiếu rất công phu. Nếu chỉ có hai ứng cử viên thì việc đếm phiếu này dễ và được tiến hành thích hợp mau chóng. Nhưng, ở các nước Âu Châu mọi công dân đều có quyền tranh cử. Với quyền này mỗi cuộc bầu cử đều có nhiều người tranh cử làm cho việc đếm và kiểm tra phiếu của mỗi ứng cử viên công phu và sinh ra lầm lẫn. Nếu rút cục thừa hay thiếu một phiếu là phải đếm lại.

Đó là chưa kể đến khả năng gian lận vì cử tri bất lương nhồi thùng phiếu với phiếu của ứng cử viên phe mình.


Nghi thức bỏ phiếu với thùng phiếu điện tử thì khác


Thùng phiếu, phiếu của các ứng cử viên, phiếu trắng, phong bì và buồng kín được thay thế bằng một thiết bị duy nhất có hai chức năng vừa là buồng kín và vừa là thùng phiếu.

Thiết bị bỏ phiếu này bao gồm một bảng chọn lựa có những ô, mỗi ô mang tên một ứng cử viên và một một ô ghi "Phiếu trắng". Dưới ô mang tên ứng cử viên và ô có ghi "Phiếu trắng" thì có một nút mầu đen dùng để cử tri phát biểu chọn lựa của mình khi bấm vào nút. Ở một góc của bảng có một nút mầu xanh lam dùng cho cử tri bấm vào nút đó để xác nhận chọn lựa đã được phát biểu. Ba phía bảng chọn lựa có bình phong ngăn cản không cho người khác biết cử tri bấm vào những nút nào.

Thiết bị đặt ở sau lưng ghế ngồi của ban điều hành bầu cử và được nối liền với một hộp điều khiển đặt trên bàn của ban điều hành. Hộp điều khiển có hai ổ khoá, một nút bấm, một đèn xanh và một đèn đỏ. Một ổ khoá dành cho chủ tịch ban điều hành bầu cử và một ổ khoá dành cho một hội thẩm. Hai ổ khóa này dùng để chọn chức năng của thiết bị bỏ phiếu. Nghi thức vặn chìa khóa được quy định để khi muốn đổi chức năng của thiết bị thì phải có sự đồng thuận của chủ tịch và một hội thẩm ban điều hành bầu cử. Nút bấm dùng để chủ tịch cho phép cử tri trong buồng kín chọn bầu. Khi đèn đỏ sáng thì không ai có thể tác động trên những nút của thùng phiếu. Khi đèn xanh sáng thì cử tri trong buồng kín mới có thể bấm những nút để bầu. Hai đèn này tự động bật sáng và tự động tắt tùy ở trạng thái của thùng phiễu.

Trước khi tuyên bố khai mạc cuộc bầu cử, các thành viên ban điều hành bầu cử kiểm tra hệ mềm của thùng phiếu có ghi đúng lựa chọn của cử trị hay không. Việc này được tiến hành dưới sự chứng kiến của mọi công dân có mặt trong phòng bầu cử. Sau đó thiết bị bỏ phiếu in một biên bản kiểm tra thùng phiếu có ghi những tác động kiểm tra của mọi người. Những thành viên ban điều hành bầu cử ký tên trên biên bản đó và chủ tịch tuyên bố khai mạc cuộc bầu cử.

Cuộc bầu cử có thể bắt đầu sau khi chủ tịch và hội thẩm ban điều hành bầu cử vặn và rút chìa khóa theo quy định.

Sau khi danh tính cử tri đã được xác nhận, chủ tịch bấm vào nút để cho phép cử tri bầu trong buồng kín. Lúc đó đèn đỏ tắt và đèn xanh bật sáng. Khi cử tri đã bấm nút xác nhận chọn lựa của mình, nghĩa là đã bầu, thì thiết bị bỏ phiếu ghi chọn lựa của cử tri vào đĩa cứng, đèn xanh tắt và đèn đỏ bật sáng. Chỉ khi nào đèn đỏ bật sáng thì chủ tịch mới có thể nhấn lại nút cho phép một cử tri khác bầu. Khi ra khỏi buồng kín cử tri ký tên trên danh sách cử tri để chứng nhận mình đã bầu và cấm người khác sau này đến bầu với danh nghĩa của mình.

Tới giờ bế mạc cuộc bầu cử, chủ tịch và một hội thẩm ban điều hành bầu cử dùng chìa khóa của mình để thi hành nghi thức khóa thùng phiếu và in biên bản kết quả bầu cử. Tất cả những thành viên ban điều hành ký tên trên danh sách đó và lập tiếp biên bản cuộc bầu cử. Các biên bản và ổ đĩa cứng được mang ngay đến thủ phủ tỉnh (prefecture, tương đương với UBND tỉnh ở bên nhà). Nghi thức này được thực hiện dưới sự chứng kiến của mọi công dân có mặt trong phòng bầu cử.

Những thùng phiếu điện tử không có những phiền hà kể trên với những thùng phiếu giấy. Nghi thức bỏ phiếu và thiết bị bỏ phiếu khác hẳn với nghi thức và thiết bị bên Hoa Kỳ. Mọi việc đều dựa trên tin học. Cử tri bấm nút ứng cử viên mình chọn rồi bấm nút xác nhận đã bầu. Nếu không làm đúng như vậy thì thiết bị bỏ phiếu sẽ không tính phiếu và sẽ chờ cử tri bấm hai nút đúng theo thứ tự đó. Như thế không có chuyện phải xét lại tờ phiếu để kiểm tra phiếu có hợp lệ hay không như năm 2000 nhân cuộc bầu tổng thống Hoa Kỳ.

Thùng phiếu điện tử và các hệ mềm dùng kèm của thiết bị bỏ phiếu đều được thiết kế và cài đặt để tôn trọng nguyên tắc "mỗi người một phiếu, mỗi người phải đích thân kín đáo bỏ phiếu cho ứng cử viên mình đã chọn mà không bị ảnh hưởng của một áp lực nào cả". Trước khi cho phép các địa phương sử dụng một thiết bị bỏ phiếu, chuyên gia Bộ Nội vụ (tương đương với Bộ Công an ở bên nhà) thử và kiểm tra điểm này với sự tham gia của đại diện những đảng chính trị đối lập.

Nhờ tự động hóa tối đa, việc bỏ phiếu tiến hành mau hơn. Cử tri xếp hàng phải chờ ít hơn. Theo kinh nghiệm ở Chatenay Malabry, thị xã chúng tôi ở, kỳ bầu tổng thống hiệp một năm 2007 tất cả quy trình kiểm tra danh tính, bỏ phiếu và ký tên chỉ mất có 40 giây đồng hồ thay vì hơn một phút. Năm 2004 bầu cử Nghị viện Âu Châu với 25 danh sách ứng cử, chúng tôi đã phải đếm đi đếm lại những phiếu từ tám giờ tối cho tới ba giờ sáng hôm sau mới xong. Thế mà vẫn phải ghi thú nhận trên biên bản sai biệt hai phiếu. Bây giờ thiết bị bỏ phiếu tự động phân chia số phiếu cho mỗi danh sách và tất cả nghi thức kết thúc bầu cử chỉ mất có non nửa giờ.

Nghi thức bỏ phiếu này vẫn còn mới nên không thể khẳng định được không có khả năng gian lận bầu cử. Trên nguyên tắc thì những khả năng gian lận ít hơn. Tranh chấp về số phiếu thừa hay thiếu không còn nữa.


Sức ỳ chống đổi mới


Tuy có những ưu điểm đó, thùng phiếu điện tử vẫn bị nhiều nơi đả phá. Mặc dù trung ương đảng đã tham gia kiểm tra những thiết bị bỏ phiếu và đã chuẩn y kết quả kiểm tra, các chi đảng ở địa phương cấp xã cũng hùa theo những cử tri chống đối thùng phiếu và nghi thức bỏ phiếu điện tử. Điều lý thú, và đây là một đặc điểm của truyền thống dân chủ Pháp, là những phe đảng địa phương chống thùng phiếu điện tử đều thuộc phe đối lập với phe nắm quyền ở Hội đồng Xã, dù phe nắm quyền đó ủng hộ hay đối lập chính phủ, khuynh tả hay khuynh hữu.

Ở một số xã Hội đồng Xã đã phải tổ chức bầu cử với cả hai thùng phiếu giấy và thùng phiếu điện tử. Việc này gây ra nhiều nghi vấn và tranh chấp về tính thông thoáng của cuộc bầu cử. Ở Issy les Moulineaux, thị xã nổi tiếng tập trung những doanh nghiệp truyền thông và công nghệ thống tin lớn nhất nước Pháp, thị trưởng quyết định ngưng dùng thùng phiếu điện tử và trở lại với những thùng phiếu giấy.

Hiện tượng chống đối thùng phiếu điện tử này tương tự như mọi hiện tượng chống đổi mới trong xí nghiệp. Những nhà tư vấn chiến lược công nghệ thường tính đùa có 15% người lúc nào cũng sẵn sàng chạy theo mốt mới, 35% bắt chước những người kia để tránh mang tiếng thủ hậu, 35% chờ xem đổi mới này có tốt hay không và 15% chống cự vì nguyên tắc. Nói một cách nghiêm nghị hơn thì hiện tượng chống đổi mới có hai nguyên cơ : hoài nghi và hoài cổ.

Những nghi vấn chia thành hai loại : nghi vấn về ý đồ của phe cầm quyền ở Hội đồng Xã và nghi vấn về vận hành của thiết bị bỏ phiếu.

Khi đến bầu mà chỉ bấm vào hai nút rồi, sau đó, một cái máy vô tâm in ra kết quả thì nhiều người thấy khó hiểu. Phe cầm quyền đổi nghi thức bầu cử để có lợi cho họ. Phe cầm quyền đã gài đặt một chương trình nhân đôi số phiếu của phe họ. Phe cầm quyền lợi dụng khi chỉ dẫn nghi thức bỏ phiếu cho cử tri không thân thiện với tin học để ảnh hưởng chọn lựa của người ta. Có một diện tích phản chiếu đặt ở đằng sau thiết bị bỏ phiếu để xem cử tri bỏ phiếu cho ai. Thiết bị bỏ phiếu ghi phiếu như vậy thì chắc có thể đọc được giờ mỗi phiếu đã được bỏ vào thiết bị, suy ra biết được người nào đã bỏ phiếu cho ai. Thiết bị bỏ phiếu được liên kết với một máy tính khổng lồ ở Bộ Nội vụ. Thiết bị bỏ phiếu ghi gì thì ghi, mấy tay làm tin học sẽ tuyên bố kết quả tùy hứng theo hướng của chính phủ...

Lẽ cốt nhiên những nghi vấn đó hoàn toàn không có cơ sở. Như viết ở trên, thùng phiếu điện tử bảo đảm tính thông thoáng của cuộc bầu cử và giảm rất nhiều khả năng gian lận bầu cử. Chỉ còn lại khả năng cử tri mạo danh bỏ phiếu nhiều lần, bỏ phiếu thay cho người khác và khả năng danh sách cử tri bị khai gian mà các nhà chính trị học chưa biết thanh toán ra sao.

Nghi thức bỏ phiếu với những thùng phiếu giấy đã được chấn chỉnh và dạy cho các trẻ em từ lớp tiểu học nên mọi công dân đều biết và có tâm huyết bảo vệ. Người ta coi phiên đếm và kiểm tra phiếu là một lễ hội truyền thống từ khi sinh ra Đệ tam Cộng hòa Pháp.

Quả thực, nhiều cử tri đến trước giờ khai mạc cuộc bầu cử để chứng kiến chủ tịch ban điều hành bầu cử lật úp thùng phiếu chứng minh thùng phiếu rỗng và chứng kiến chủ tịch cùng với một hội thẩm khóa nắp thùng phiếu. Vài phút trước cuộc bầu cử kết thúc có rất nhiều công dân đến chứng kiến nghi thức khui thùng phiếu. Nhiều người láng giềng tình nguyện tham gia đếm và kiểm tra phiếu. Sau đó mọi người nhốn nháo ra về. Phe thắng cử thì rủ nhau đi nhậu nhẹt. Phe thất cử thì dọa sẽ kiện vì có bằng chứng cuộc bầu cử có sai phạm.

Với thùng phiếu điện tử thì tục lệ đó không còn nữa. Buổi sáng chỉ có ban điều hành bầu cử kiểm tra thiết bị bỏ phiếu. Sau buổi bầu cử thì cũng chỉ còn ban điều hành và hai công chức của xã thảo và ký biên bản cuộc bầu cử. Những công dân khác thì ở nhà xem kết quả trên đài truyền hình. Những người chống thùng phiếu điện tử than rằng truyền thống công dân tham gia vào đời sống cộng đồng không còn nữa và thế nào nền dân chủ Pháp dần dần sẽ suy tàn.

Mặc dù sức ỳ chống đổi mới, thùng phiếu điện tử dần dần được cử tri chấp nhận. Chatenay Malabry, một thị xã ba vạn dân ở ngoại ô Paris, thùng phiếu điện tử đã được khai trương nhân hiệp một cuộc bầu tổng thống năm 2007 và, bây giờ, sau năm cuộc bỏ phiếu, những cụ già và những người không thân thiện với tin học đã biết sử dụng thiết bị bỏ phiếu và không còn mấy ai chống đối nữa. Đây là kết quả của những cố gắng dân vận của Hội đồng Xã trong ba năm trời.


*


Để cho một thiết bị đơn sơ như một thùng phiếu điện tử được dân chúng chấp nhận mà lãnh đạo xã đã phải bỏ bao nhiêu công phu để hướng dẫn thông tin nhân dân cách sử dụng thiết bị, cách vận hành của thiết bị, những ưu điểm của thiết bị mới so với thiết bị cũ. Ở xí nghiệp, ban giám đốc cũng phải bỏ nhiều thì giờ khắc phục những chống đối để có thể áp đặt một công nghệ mới. Ở quy mô một quốc gia, người ta nhận thấy ngành điện Pháp đã có thể chuyển sang điện hạt nhân trong khi đó ngành điện Đức và Ý đã phải trở về điện cổ điển vì dân hai nước này chống đối năng lượng hạt nhân. Pháp thành công nhờ các Tổng thống De Gaulle, Pompidou và Giscard d’Estaing đã không ngừng quan tâm đến việc đào tạo nhân tài cho ngành hạt nhân và vận động dân Pháp đến sự cần thiết của năng lượng hạt nhân. Những lãnh đạo chính trị Đức và Ý chỉ biết ra lệnh các xí nghiệp nước họ xây nhà máy điện hạt nhân.


Đặng Đình Cung


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss