Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Thượng Đế thì Tròn

Thượng Đế thì Tròn

- Vũ Ngọc Thăng — published 01/06/2010 21:13, cập nhật lần cuối 02/06/2010 00:05
Còn ít ngày nữa thì quả bóng Cúp-thế-giới 2010 sẽ bắt đầu lăn trên những sân vận động của đất nước Nam Phi


Thượng Đế thì Tròn”1


Vũ Ngọc Thăng


Tôi mơ về một ngày trên khắp thế giới
không ai làm bàn thắng nữa.

Eugenio Montale



guttuso

Nhịp điệu Cầu thủ - Renato Guttuso (1982)



Còn ít ngày nữa thì quả bóng Cúp-thế-giới 2010 sẽ bắt đầu lăn trên những sân vận động của đất nước Nam Phi. Hàng triệu quả tim cổ động viên, đặc biệt là của 32 đội tuyển quốc gia thi đấu vòng chung kết, cũng sẽ phấp phỏng lăn theo. Bóng đá, môn “thể thao vua”, và giờ đây còn được gọi là môn “thể thao toàn cầu”, luôn ẩn tàng một sức hấp dẫn bí hiểm. Như một cốc rượu khai vị cho bữa đại tiệc giải vô địch lần thứ 19 sắp đến, kéo dài đúng một tháng (từ 11/6 đến 11/7/2010), xin được viện lại đây những đoạn viết hoặc câu nói của một số văn nhân, nghệ sĩ, học giả, triết gia, …và ngay cả một vị giáo hoàng cũng như một vị nữ thánh về (hoặc có thể làm liên tưởng tới) bóng đá, lượm lặt từ đây đó2, đượm đủ các loại hương vị và cung bậc ẩn dụ.

  • Thằng tôi tròn vo (thẳng tuột) với bà như bà tròn vo (thẳng cánh) với thằng tôi
    Có phải vì thằng tôi giống một quả bóng đá nên bà đá thằng tôi?
    Bà đá thằng tôi ra chỗ này rồi ông chủ sẽ đá thằng tôi ra chỗ kia
    Thằng tôi còn tồn tại để hầu hạ thì bà phải nhồi thằng tôi bằng da.

William Shakespeare

The Comedy of Errors
Tấn hài kịch của những sự nhầm lẫn

  • Người phụ nữ […], mà bước ra thế giới tìm kiếm bàn thắng (mục tiêu) […], thì thu được sự sở hữu huy hoàng: tính tuyệt đối.

Simone de Beauvoir

Le deuxième sexe
Giới tính thứ hai

  • Thực ra, chút ít đạo đức mà tôi biết, tôi học được từ trên những sân bóng đá và những sàn sân khấu, chúng là các trường đại học thực sự của tôi.

Alberl Camus

“Pourquoi je fais du théâtre
Tại sao tôi hoạt động sân khấu”

  • Trận bóng đã thua, cuộc sống dương gian của bạn bị phí phạm.

Henrik Ibsen

  • Bóng đá là một biểu thị thiêng liêng mới nhất trong thời chúng ta. Dù là sự giải trí, nhưng trong sâu thẳm, nó là nghi lễ. [...] cái nghi lễ sâu xa duy nhất còn duy trì tới thời chúng ta.

Pier Paolo Pasolini

L’Europeo – 31/12/1970

  • Mọi sự đều trôi qua. Chúa thì thường hằng. Kiên nhẫn sẽ làm bàn (đạt mục tiêu).

Thánh Teresa thành Ávila

  • Công thức hạnh phúc của tôi: một tiếng ừ, một tiếng không, một trực chỉ, một khung thành (mục tiêu).

Friedrich Nietzsche

Götzen-Dämmerung
Buổi hoàng hôn của những thần tượng

  • Mỗi người đạt tới bàn thắng (mục tiêu) bằng cái phương thức khác biệt của mình.

Niccolò Machiavelli

Il principe
Quân vương

  • Bóng đá là cái vương quốc của tính tự do nhân bản đang diễn tập ngoài trời.

Antonio Gramsci  

  • Hãy hình dung thiên hạ vui vẻ cùng nhau chơi một quả bóng trên một cái sân […]. Ném bóng lên không trung không mục đích, người này săn đuổi người kia đang giữ bóng. […]. Suốt quãng thời gian, mọi người chơi một môn bóng và tuân theo các quy tắc đã xác định […]. Liệu còn có cái trường hợp, dọc theo cuộc chơi, người ta sẽ đẻ ra những quy tắc?.

Ludwig Wittgenstein

Philosophische Untersuchungen
Nghiên cứu triết học

  • Trong bóng đá, mọi chuyện đều phức tạp vì sự hiện diện của đội đối phương.

Jean Paul Sartre

  • Bên ngoài đường biên, không có gì.

Jacques Derrida

  • Không gì vừa được tự do vừa bị bó buộc hơn là hoạt động của một cầu thủ giỏi. Anh ta hết sức tự nhiên mà hiện ra vào đúng cái chỗ quả bóng sắp rơi xuống, như thể quả bóng đã làm chủ anh ta – song chính nhờ thế, anh ta làm chủ quả bóng.

Pierre Bourdieu

  • Trong nghi lễ bóng đá, kẻ bị truất quyền kế thừa tuôn xả năng lượng chiến đấu và ý chí vùng dậy của mình mà thực hành phép thuật bùa chú, nhằm giành được cái chết của hậu vệ đối phương từ tay thần linh thuộc mọi cõi có thể có, trong lúc quên đi cái ách thống trị vốn yêu cầu họ luôn ở trạng thái mê ly và tưng bừng mà chịu đày đọa trong phi thực tại.

Umberto Eco

Il pendolo di Foucault
Quả lắc của Foucault

  • Bóng đá - đó không chỉ là bóng đá.

P. Lanschikov

  • Trận bóng đá năm Vạn Diên thứ nhất

Oe Kenzaburo

  • Tôi đã đang làm một thủ môn bắt sự bí mật hơn là làm một thủ môn bắt bóng.

Vladimir Nabokov

Speak, Memory
Nói đi, kí ức

  • Đã có quá đủ các lí do thực có để mà lo lắng, chúng ta không cần phải gieo thêm việc khuyến khích các chàng trai trẻ kích đá ống quyển lẫn nhau giữa những tiếng gầm rú của đám khán giả đang điên tiết.

George Orwell

The Sporting Spirit
Cái tinh thần thể thao

  • Quyền lực quả là khoái chí tử khi quàng cho bóng đá gánh cái trách nhiệm ranh ma: làm mê mẩn quần chúng.

Jean Baudrillard

  • Bóng đá được ưa chuộng bởi vì sự ngốc nghếch được ưa chuộng.

Jorge Luis Borges

  • Thuốc phiện cho nhân dân hay viagra cho ám ảnh bất lực của kẻ sĩ trong kỉ nguyên huy hoàng của văn hoá đại chúng?

Phạm Thị Hoài

“Bao giờ cho đến bốn năm sau?”

  • Bóng đá chỉ hiện hữu nơi thực tại cần ở trong tình trạng giả trang, che khuất, biến dạng […]. Nó bị hùa vào chơi cái trò phi chính trị hóa cực kì, tức là cái trò đờ đẫn hóa quần chúng.

Jean-Marie Brohm

  • Giữa tất cả các chủ đề không quan trọng, bóng đá nổi lên là cái chủ đề quan trọng nhất.

Giáo hoàng John Paul II

  • Bóng đá sinh ra dành cho kẻ thơ ngây, chính vì thế mà nó được yêu thích.

C. Jauréna

  • Bóng đá là tình yêu cái cấu thức (form). Một cuộc biểu diễn chắc chắn không để lại dấu vết trong trí nhớ, không làm giàu cũng chẳng làm nghèo tri thức. Đây, sức hấp dẫn của nó: nó kích thích và nó trống không.

Mario Vargas Llosa

  • Một bài thơ hay cũng đầy bất ngờ như một trận bóng hay.

Dương Tường

  • Quả địa cầu xanh như một quả cam.

Paul Éluard

  • Trong tất cả các môn thể thao, có lẽ bóng đá là môn có tính hoa mĩ nhất, suy tưởng nhất, và biện chứng nhất. Nên dường như nó xuất thân từ triết học. Song qua một ước hiệu nghịch đảo. Trong khi các bộ môn của Plato và của Aristotle ý thức về việc chuyển từ huyền thoại sang lí tính, thì thứ bóng đá của Pelé và của Maradona là một chuyến quá cảnh từ lí tính sang huyền thoại.

Antonio Gnoli

La Repubblica – 9/6/1998

  • Bóng đá phổ quát là ở chỗ nó đã có khả năng trao cho quả bóng cái hiệu ứng cao nhất của một quả bóng.

Jean Giraudoux

  • Bóng đá không can dự đến cái tiêu chí về tính trống không, không can dự đến sự cách biệt xã hội, cũng chẳng can dự đến sự phân biệt trí thức.

Gilles Bert và Laurent Cantagrel

  • Bóng đá hấp dẫn bởi nó không chỉ là thể thao mà còn là nghệ thuật. Ở đó có sự kết hợp giữa thể lực và trí tuệ; xúc cảm và sự tỉnh táo; tài năng cá nhân và tinh thần đồng đội.

Lê Lựu

  • Nó không chỉ là một môn thể thao bình dị. Nó là vũ khí của cách mạng.

Ernesto Che Guevara

  • Cái cộng đồng hằng triệu con người được hình dung, dường như lại thực hơn với tư cách một đội bóng gồm 11 tên người.

Eric Hobsbawm

  • Điện ảnh giống như bóng đá: chơi 11 người, không chơi riêng lẻ. Chính trị cũng thế, cần gạt bỏ chủ nghĩa cá nhân.

Ken Loach

  • Văn chương và bóng đá phải hiện hữu, bởi chúng trao cho người đọc và khán giả một sức mạnh nội tâm, cái sức mạnh có thể thay đổi cuộc đời họ.

Paulo Coelho

  • đá
    đá
    và đá...
    đá quả bóng tròn
    không đá nhau.

Nguyễn Duy
Từ “Nhịp điệu bóng đá”

  • Bóng đá là một phần của con người tôi. Nó giúp tôi xa lánh rắc rối, rèn luyện, chạy vào buổi sáng. Khi bạn chạy thì đầu bạn được dọn dẹp và thế giới thức giấc xung quanh bạn.

Bob Marley

  • Jacques chuyền bóng cho Digol […], rồi mọi sự đâu vào đó. Bấy giờ thì phép lạ xảy ra: những thằng người trở lại là người.

Paul Vialar

Le but
Bàn thắng

  • Bóng đá, dù cũng là một môn chơi dành cho các cô gái dữ dội, song hầu như lại chẳng thích hợp chút nào với các chàng trai duyên dáng.

Oscar Wilde

  • Nó ... rất giống phụ nữ: chẳng thể nào dự đoán được, luôn phải tấn công - phòng thủ nhịp nhàng, hay bắt mình... thức khuya lúc cần ngủ.

Nguyễn Danh Lam

  • Bóng đá đã được ghi khắc trong gien đàn ông, mỗi con tinh trùng của họ là một cầu thủ đầy tiềm năng, mơ mộng một ngày mình sẽ được chọn đi đấu chung kết.

Vincent Boca

  • Tôi có cảm giác là mỗi người tìm đến cái nơi mình có thể tìm thấy buồng bụng của mẹ mình. Tôi không thấy việc người ấy xuất hiện trên khán đài của một sân bóng đá là có gì khiếm nhã hoặc nực cười.

P. L. Rey

  • Một số người cho rằng bóng đá là một vấn đề sống chết. Tôi không đồng ý. Tôi có thể đảm bảo với bạn, nó còn hơn, hơn thế nhiều.

Bill Shankly

  • Tương tự như Kinh thánh truyền – Năm ngày ngươi lao động. Ngày thứ bảy là ngày kính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi. Còn ngày thứ sáu thì dành cho bóng đá.

Anthony Burgess

  • SC (Sư cụ): Cúp-thế-giới là cái gì vậy?
    TGT (Thày giám thị): Hai quốc gia văn minh giao chiến để giành quyền làm chủ một quả bóng.
    SC: Có sự bạo động nào không?
    TGT: Thỉnh thoảng ạ.
    SC: Còn sex thì sao?
    TGT: không ạ, sư cụ không phải lo lắng về điều này.
    SC: Thế thì người ta được gì sau cuộc chiến?
    TGT: Một cái Cúp ạ.

Khyentse Norbu

Trong phim “The Cup”



carlo

Trận bóng - Carlo Carrà (1934)



Nhấm nháp các câu trên xong, xin mời các bạn thưởng thức tiếp một vở kịch truyền hình ngắn do nhóm hài Ăng-lê Monty Python thực hiện vào năm 1972, được nhiều fan bóng đá chấm là “kinh điển” : trận bóng giữa đội các triết gia Đức và đội các triết gia Hy lạp. Các cụ triết gia này, kẻ này đoán, vì muốn cụ thể thử nghiệm một ý niệm bản thể trong hai chiều kích không gian và thời gian, nên bằng lòng ra sân, và đây là hai đội hình:

Đức: 1. Leibniz, 2. Kant, 3. Hegel, 4. Schopenhauer, 5. Schelling, 6. Beckenbauer (tăng cường), 7. Jaspers, 8. Schlegel, 9. Wittgenstein, 10. Nietzsche, 11. Heidegger.

Hy Lạp: 1. Plato, 2. Epictetus, 3. Aristotle, 4. Sophocles, 5. Empedocles thành Acragas, 6. Plotinus, 7. Epicurus, 8. Heraclitus, 9. Deraclitus, 10. Socrates, 11. Archimedes.

Trọng tài: cụ Khổng. Giám biên: thánh Agostino và thánh Tommaso d’ Aquino.

Một bản tóm tắt: Trận đấu diễn ra cực kì quyết liệt, hoàn toàn mang tính tư biện, đến phút thứ 89, bóng căng đến nỗi vẫn chưa nhúc nhích. Xin bấm vào đây xem:

http://www.youtube.com/watch?v=ur5fGSBsfq8

Nhưng bất chợt, giọng tường thuật viên trở nên cực kì sôi nổi, song cũng vô cùng thấp thỏm:

“Kìa Archimedes. Cụ đang nghĩ rất lung. Chắc cụ mới tìm ra được một ý niệm. Euroka!. Archimedes truyền bóng lên cho Socrates. Socrates tạt về cho Archimedes. Archimedes sửa chéo lên cho Heraclitus. Heraclitus lừa qua Hegel. Heraclitus chơm nhẹ. Giờ thì bóng được câu vào. Ồ cụ Socrates, cụ Socrates đang ở ngay đó! Vàààooo! Vào rồi! Các cụ Hy Lạp mừng như điên như cuồng! Màn hình cho quay lại các cụ Hy Lạp. Cụ Socrates đã tung ra một cú vẩy đầu tuyệt vời. Nhưng các cụ Giéc Manh đang xông tới bàn cãi về bàn thắng vừa rồi! Hegel biện luận rằng thực tại đơn thuần là một sảnphẩm-tiênnghiệm của luân thường đạo lý thời nay. Kant viện đến cái Mệnh lệnh Tuyệt đối và cho rằng, về bản thể, bàn thắng vẫn chỉ hiện hữu trong trí tưởng tượng. Còn Marx thì tuyên bố đó là một bàn “ăn cắp trứng gà” (ở vị trí việt vị). Thế nhưng, vào lúc đó thì cụ Khổng thổi lên ba hồi còi…vậy là trận đấu đã kết thúc!”.

Thêm một hồi còi: kẻ góp nhặt bài này, khi xưa thuộc dạng một cậu bé mới biết cất bước chạy là đã được rủ rê khườ bóng, đã từ lâu chỉ còn khườ “bóng đời”, song mỗi dịp Cúp-thế-giới vẫn ráo riết khườ bóng “pixel”. Giờ thì mò mạng đã mệt nghỉ, xin được tròn vo lăn dzzzôôô góp vui bữa đại tiệc:




Bóng đá / Bóng đời


Bóng đá:


Quần xà lỏn, chân đất
mồ hôi mồ kê nhễ nhại
chí cha chí chóe
chích chòe
À ơi cô bé hàng xóm.
Ly sô đa chanh đường đâu nào?



Bóng đời:


Bốn biển lệ rì rầm
Mặn chát những chân mây 3
Vất vả
Vất vả vô cùng
Trái-Bình-Dị 4
Con ơi!



Vũ Ngọc Thăng

19-29/5/2010





1 Dios Es Redondo: Tên một tác phẩm (về bóng đá) của nhà văn - nhà báo Mexico Juan Villoro.

2 Các câu có kèm tên tác phẩm, bài viết, hoặc tạp chí thì đã được tra cứu và kiểm chứng.

3 Dựa theo bài thơ của Trần Dần: ai?/ai biết những mặn chát /chân mây/trên bốn biển lệ rì rầm?

4 Liên tưởng từ câu ca từ (Er ist das Einfache, Das schwer zu machen ist / Nó là điều bình dị, mà thật khó để làm) trong vở nhạc kịch Die Mutter/Người mẹ của Bertolt Brecht.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss