Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Tiết canh (kiểu) Mỹ

Tiết canh (kiểu) Mỹ

- Đỗ Kh. — published 24/09/2007 11:39, cập nhật lần cuối 24/09/2007 11:39
Tiên học lễ, hậu học xây dựng (tái kiến thiết), anh bạn tôi trở thành Tổng Giám Đốc và đồng chủ nhân một nhà máy điện được tư hữu hoá theo đúng bài bản tân-liberal. Phải nhắc lại là trong thời niên thiếu tôi từng có dịp chia sẻ, anh không thiên về lãnh vực quản trị kinh doanh lắm, MBA của anh là Master in Bikini Administration. Đeo đuổi ngành này nên anh không tốt nghiệp trung học phổ thông, trình độ là lớp 9 hay 10 vì còn bận tay lần nút áo. Khi một bạn khác, tốt nghiệp một trường kỹ sư danh tiếng nước ngoài hỏi, vậy về chuyên môn thì mày làm sao, tân TGĐ trả lời “Kỹ sư tại Iraq tao trả 300 USD một tháng còn người mẫu tại Jordan thì là 300 USD một đêm.” Chuyên môn là chuyện ở Iraq không cần thiết, đáng tin dùng là thành phần Hồng Vệ binh, Tân bảo thủ hay Ki tô căn bản, thành phần biết mặt trái mặt phải của đồng đô la, mặt nào có câu “Chúng tôi tin tưởng vào Thượng đế”.

           

 

Tiết Canh (kiểu) Mỹ

  Đỗ Kh.

 

            Vào cái thời vô tư của tuổi trẻ, tôi và anh này từng ra bãi biển làm quen với bạn gái, rồi rủ họ về nhà nghỉ mát ở trên núi để cùng xem phim con heo. Cuối thập niên 1970, loại phim này, ngay ở một quốc gia Ả rập cởi mở như Lebanon, vẫn còn được coi là hiếm, truyền tay và sang đi sang lại trên những băng vidéo to đùng, vào một dạo ngay đến băng VHS chưa phải là thông dụng mà còn phải dùng U-Matic. Ác quỷ trong Miss Jones lờ mờ trên màn hình hay Linda Lovelave không rõ nét, coi tựa như là Ý Lan hay Ngọc Lan trong những băng nhập lậu từ hải ngoại về Sàigòn đầu những năm 90. Bên ngoài là những đồi chói chan mềm của rặng Jebel Loubnan và Lamia thì da bánh mật. Đó là những ngày yên ả của nội chiến.

            Bạn tôi, sinh ra thời tao loạn ở xứ sở của trung gian môi giới và làm ăn phe phẩy thì sao tránh khỏi. Anh buôn hàng hay là buôn móc nối thì tôi không rõ nhưng là be bé, vạn sự khởi đầu nan. Bẵng đi một dạo, tôi gặp lại anh ở Paris, ở một khách sạn lớn và đi xe Porsche thuê. Vậy là tôi được ngồi xe Porsche và ăn cơm nhà hàng lần gặp lại đó. Porte Dauphine anh gài số 3, đến rừng Boulogne anh rú sang số 4, anh bảo “Nay mai tao sang Thuỵ Sĩ”.

            Ở Geneva, sau này tôi biết anh mấy tháng nằm tù, về tội sử dụng và buôn bán thẻ tín dụng giả. Ra khỏi khám (hết sức là sạch sẽ này) anh không về xứ mà tha hương sang Saudi làm giàu. Thỉnh thoảng anh liên hệ, nhờ tôi tìm hộ chỗ sản xuất 500 cái cóp sắt chống lửa, khi 1.000 cặp ống dòm cho bộ đội biên phòng. Có bận, anh gửi tôi một cô bạn gái, ái nữ của một Đại sứ Phi châu ở Djeddah. Cô này thì không da bánh mật mà da sô-cô-la nhưng tôi đã quên tên.

            Không hiểu làm ăn thế nào, ống dòm mờ và cóp sắt không đủ tiêu chuẩn hay sao đó mà anh bị Saudi trục xuất. Anh sang Mỹ, chân chất làm nghề lái xe tải (hẳn là khó lái hơn Turbo Flat 6 của xe Carrera), cưới vợ và trở thành công dân gương mẫu của Hoa Kỳ. Như một công dân gương mẫu, anh hoạt động xã hội, trở thành thủ quỹ tin cậy cuả một hội ái hữu từ thiện. Tôi ở xa, thỉnh thoảng tin tức qua loa, đột nhiên anh cho biết, tao phải mang vợ con về nước, con gái tao giờ sắp lớn, ở Hoa Kỳ không phải là môi trường tốt cho thiếu nữ dậy thì. Tôi cũng hơi lạ, vì anh phải biết, ở Lebanon thì thiếu nữ dậy thì sáng mới ở bãi biển, chiều đã xem phim con heo với mấy thằng mất dậy ở trên núi lúc hoàng hôn sậm tím những lưng đồi. Đến khi có dịp gặp anh lại ở Beirut, hé mở tôi mới rõ ra là anh về nước, mang theo cả cái quỹ của hội ái hữu nhẹ dạ. Số tiền này chỉ đủ sống, thuê nhà, cho con đi học trường tư, tính nào tật nấy, anh lăng xăng lo đầu tư ở... Iraq.

            Vào đầu thiên niên kỷ mới, Iraq đang bị cấm vận bởi Liên Hiệp Quốc, có nhiều cơ hội. Ngồi ăn cá nướng ở Jounieh, anh bạn tôi kể, tao đang tìm cách bắt mối với chính Uday (Hussein, tức là cậu cả!). Tôi ậm ừ, biết tính anh thích tăng âm, nói lớn. Trong khi chờ đợi, anh chơi thị trường chứng khoán ở Beirut, cũng đồng ra đồng vào (tôi kể lại ở đây vì thị trường chứng khoán ở đâu cũng có đấy, chẳng riêng gì ở Việt Nam mà thôi). Anh đi đi về về Baghdad, chưa thấy khá mấy, thì đùng một cái, Hoa Kỳ xâm lăng quốc gia lưỡng hà này.

            Câu chuyện của tôi ở đây, thực ra chỉ muốn dùng anh bạn trên làm điển hình. Hoa Kỳ đánh chiếm Iraq mới là thời phất lên của những nhân vật như anh, xài thẻ tín dụng giả hay là ẵm quỹ lên đường ra đi không hẹn ngày về là chuyện nhỏ. “Gặp thời cỡi ngựa bắn cung”, khi gió bụi đất trời Iraq đưa những nhân vật lừa đảo và bịp bợm như Ahmad Chalabi, Iwad Allawi lên hàng lãnh đạo thì móc túi hè phố trở thành phú hộ và mánh mung quán nước như anh bạn tôi trở thành đại gia.

            Trong lúc tay chân của chế độ độc tài Saddam lo chạy của và Iraq kiều chống đối ở hải ngoại đáp máy bay quân sự Mỹ trở về giành giật chỗ, xí phần thì những trung gian nhanh trí như bạn tôi có rất nhiều cơ hội. Anh là công dân Mỹ, như đám doanh gia hạng bét, thất bại và thất nghiệp ở Texas được CPA (Chính quyền Liên minh lâm thời) đưa sang nắm các bộ, cục của Iraq. Anh gốc Ả rập Lebanon, là nơi thành phần chế độ cũ mang va ly tiền còn giữ được sang gửi, trên máy bay ngồi cạnh thành phần chế độ mới mang va ly tiền vừa mới xí cũng sang gửi nốt. Ở quày quay quay nhận hành lý của sân bay Khaldé, Beirut, va ly này đầy tiền là của tôi (chế độ Hussein), không tôi xin lỗi, cái này đầy tiền mới là của anh (lưu vong chống đối). Tiền này, vào tay nào thì cũng là của nhân dân Iraq, và theo nghĩa đen chứ không phải là nghĩa bóng, có khi đến Lebanon đầy cả một tàu bay. Một vị bộ trưởng quốc phòng Iraq gửi sang Beirut 500 triệu USD tiền  mặt, đến khi bị phát hiện, ông cho biết đây là tiền để sắm quân trang. Thế nào thì không biết, quỹ quốc phòng 1,3 tỉ ông làm thất thoát 1 tỉ còn có 300 triệu. 300 này, tôi không rõ là có phải đã kế toán được vào việc mua chiến xa ở Ba Lan hay không vì chiến xa ở Ba La thì có mua thật chứ không phải là giả, nằm sờ sờ ở đó chứ nào phải chiến xa ma và nằm sờ sờ vì toàn là chiến xa hỏng, không chiếc nào có thể sử dụng được.

            Thời toàn quyền Bremer, quỹ Iraq (tức là tiền của quốc gia Iraq) do CPA quản lý, có thể đến lãnh 500.000 USD bằng tiền mặt và mang đi mà không cần ký giấy biên nhận. Trông coi quỹ bạc tỉ này, đứng đầu là một cô vừa mới tốt nghiệp đại học hàng ba (do một tu sĩ truyền giáo trên TV sáng lập!) Phụ tá cho cô là 4 người từng gởi đơn xin tập sự ở Heritage Foundation (là một think tank bảo thủ thân cận với chính quyền Hoa Kỳ). Năm nhân vật thò lò mũi xanh nhưng “hồng hơn chuyên” này được giao trọng trách trên, có muốn phát tiền cũng không đóng dấu ký tên kịp cho nên ai muốn đến lấy thì cứ việc tự tiện. Bạn tôi, thuộc loại tép riu thôi, cũng có bận mang về nhà được một túi năm bảy brick gói plastic (một brick là 10 tập giấy 100 tờ 100 USD tức là 100.000 USD). Anh ném cho các con chơi, đến ngày sinh nhật vợ ném cho cô này một brick, tức là một cái xe Jaguar mới.

          Chuyện tiền rớt dọc đường này, 30 tấn giấy bạc 100 USD đến khi xem sổ, thì chỉ chứng minh sử dụng được có 7 tấn rưỡi (tức là 3 tỉ), 22 tấn rưỡi (tức là 9 tỉ) không ai biết về đâu. Công ti tư nhân trúng thầu việc kiểm soát chi tiêu 12 tỉ của Iraq là một công ti Mỹ không có bàn giấy, hoạt động ở một địa chỉ tư gia tại Hoa Kỳ nhưng đăng ký tại quần đảo Bahamas ở Carib (là một tiểu quốc gia ít thuế công ti và sống nhờ nghề giữ tiền nguồn gốc không được rõ rệt)! Nhưng tiền này là tiền của Iraq, chính quyền Bremer chỉ quản lý lâm thời trong khi CPA đầu tắt mặt tối cai trị quốc gia này trong thời kỳ hậu-Saddam. Trăm công ngàn việc sau khi chế độ độc tài sụp đổ, ai ở đó hơi đâu mà đếm. Hai pallet (bản) bạc này, tổng số 600 triệu USD, được cất trong một dinh giao cho một anh lính gác, khi đi ăn trưa, anh để chìa khoá cửa phòng cất bạc trong túi áo khoác trên thành ghế chứ không hề mang theo.

          Đây tưởng là chuyện tiếu lâm nhưng đối với những người nhặt đây nhặt đó một vài bricks thì không phải chuyện đùa. Đùa là một sinh viên 22 tuổi mới ra trường được chỉ định quản lý thị trường chứng khoán Baghdad, một anh khác lên 23 tuổi, toàn quyền về giao thông công chánh của thủ đô. Bộ Y tế Iraq được giao cho một đảng viên Cộng hoà thành tích trong một cuộc vận động tranh cử đại biểu Quốc hội nào đó ở Mỹ. Nắm bộ này trong hoàn cảnh hỗn loạn của chiến tranh với những vấn đề cấp bách của y tế công cộng, ông Mỹ này bèn tức tốc đề ra một chiến dịch chống hút thuốc! Trong 10 năm trước, vì cấm vận của Liên Hiệp Quốc, đã có 500.000 trẻ em Iraq thiệt mạng vì thiếu thuốc men. Giờ chuyển sang chế độ mới, nếu không ngăn ngừa sớm, dám sẽ có thêm ½ triệu nữa qua đời vì hít phải cặn nicotine của phụ huynh? Các lãnh đạo và chuyên gia của Mỹ vừa nói đến, sang Iraq nhận trọng trách sau khi mới tìm ra quốc gia này trên một bản đồ thế giới treo tường. À, đây rồi, vậy mà tôi cứ tưởng là Iran, mai tôi sẽ sang đó làm bộ trưởng.

          Tôi không rõ bạn tôi làm gì bên Iraq trong giai đoạn này. Nghe kể lại là anh ra vào Green Zone bằng xe Humvee bọc sắt, có bảo vệ gươm giáo trước sau. Bổn phận của anh mù mờ, có khi chỉ là mời lính gác kho bạc đi ăn trưa và để quên chìa khoá lại ở ngay trên cửa. Được một dạo, anh liên doanh với người bản xứ, hùn vốn và như rất nhiều người, nếu không nói là như tất cả mọi người, trở thành nhà thầu.

           Ba điều kiện để sang Iraq nắm chức vụ hàng Cục, Bộ trong khi chưa rõ khác biệt giữa Ả rập và Ba Tư hay giữa Sunni với Shia, là
            a) từng nghe nói đến một nhân vật: ông Friedrich Hayek (hay ông Leo Strauss cũng được)
            b) biết đích xác một địa danh trên bản đồ: nơi nghỉ mát Davos (hay trường đại học Chicago) ở chỗ nào
            c) tuyệt đối tôn trọng các nhà thầu tư nhân, từ lớn cho đến bé tí xíu. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, nhà thầu tiền tỉ hay nhà thầu tiền triệu cũng đều đáng tôn trọng, đây là căn bản lễ của tân-liberal chủ nghĩa mới vừa được ông Bremer ban hành tại Lưỡng Hà.

            Tiên học lễ, hậu học xây dựng (tái kiến thiết), anh bạn tôi trở thành Tổng Giám Đốc và đồng chủ nhân một nhà máy điện được tư hữu hoá theo đúng bài bản tân-liberal. Phải nhắc lại là trong thời niên thiếu tôi từng có dịp chia sẻ, anh không thiên về lãnh vực quản trị kinh doanh lắm, MBA của anh là Master in Bikini Administration. Đeo đuổi ngành này nên anh không tốt nghiệp trung học phổ thông, trình độ là lớp 9 hay 10 vì còn bận tay lần nút áo. Khi một bạn khác, tốt nghiệp một trường kỹ sư danh tiếng nước ngoài hỏi, vậy về chuyên môn thì mày làm sao, tân TGĐ trả lời “Kỹ sư tại Iraq tao trả 300 USD một tháng còn người mẫu tại Jordan thì là 300 USD một đêm.” Chuyên môn là chuyện ở Iraq không cần thiết, đáng tin dùng là thành phần Hồng Vệ binh, Tân bảo thủ hay Ki tô căn bản, thành phần biết mặt trái mặt phải của đồng đô la, mặt nào có câu “Chúng tôi tin tưởng vào Thượng đế”.

            Hai anh cựu chiến binh Hoa Kỳ thất nghiệp và không sợ nắng gió, ông Custer và ông Battles rủ nhau sang Iraq thành lập một công ty an ninh mang cái tên rất kêu là Custer Battles (“Những trận đánh của Custer”, Custer là một tướng kỵ binh đầy tham vọng trong cuộc chiến trị an các bộ lạc da đỏ và tử trận về tay họ ở trận Little Big Horn). Hai ông này ít vốn nên được Iraq trao thầu việc kiểm soát hành khách hàng không dân sự tại phi trường Baghdad với gía 16.8 triệu USD. Đây là việc rất nhẹ nhàng vì vào lúc đó không có hàng không dân sự nào đến Baghdad. Ngồi nhìn trường bay vắng mãi cũng chán, các ông này nảy ra sáng kiến nhặt các xe bốc vác gỡ hàng của Iraqi Airways nằm đây đó, cho một nước sơn và bán lại với giá mới khui thùng cho chính quyền. Vào một dịp đi họp với thân chủ (tức là cơ quan nhà nước), ông Battles lơ đễnh đến độ trao cho họ một hồ sơ Excel trong đó ông có ghi chi tiết tổn phí 3,74 triệu  được ông tính với chính quyền thành 9,8 triệu, tức là lời chỉ có 262%. 

            Chỉ có, vì KBR-Halliburton (cựu TGĐ là đương kim Phó Tổng thống Cheney) có lúc quả tang bán xăng nhập từ Kuwait cho quân đội Mỹ tại Iraq với gía nhân gấp 6 lần. Từ sự việc này, có thể suy ra là Hoa Kỳ xâm lăng Iraq để phải nhập dầu hoả với gía nhân 6 nói trên. Nhưng không thế thì sao trong vòng ba năm (2003-2006) cổ phần của CT tăng gấp 4 và doanh thương (revenues) tăng 16 lần. Để đạt thành tích này, xe tải của CT nếu hỏng bánh xe thì phải đốt cháy (tính với nhà nước một chiếc xe mới thay vì chỉ tính một cái bánh), nếu đủ bánh thì chạy qua chạy lại Jordan với xe rỗng để tính tiền… xăng.

            Tiền rơi và tiền vãi như thế, nên người hưởng vô khối, từ thí sinh hoa hậu Nga sang Amman  múa rốn đến các khách sạn vùng Vịnh. Theo cựu quản lí của một Hilton kể lại, vợ một xếp nhỏ địa phương của Halliburton than phiền là đánh mất một đồng hồ Rolex nạm hột soàn trị giá 30.000 USD trong khách sạn. Ông quản lí này ngây thơ, điều tra và kết luận là không tìm thấy. Xếp nhỏ này nổi giận nhấc điện thoại, CT tôi cả trăm nhân viên quanh năm ngụ ở khách sạn này (trên đường đi, về Iraq) mà vợ tôi mất đồng hồ anh cũng không tìm thấy. Ông quản lí đến đó mới vỡ lẽ, chuyện nhỏ thôi, vội mang bà vợ bất cẩn này đến cửa hàng đồng hồ để chọn một cái bà vừa ý‎ để bù, tất nhiên là có cẩn hột soàn. 

            Riêng công ty Bechtel của Hoa Kỳ trên 24 dự án tái kiến thiết Iraq, tổng cộng trị giá 1,8 tỉ USD, chỉ mới hoàn tất được 10. Công ty Bechtel là một công ty xây dựng từng có TGĐ là cựu ngoại trưởng George Schultz. Ngành ngoại giao cho phép am hiểu đôi chút nếu không phải là về tình hình quốc tế thì cũng là am hiểu vể nhu cầu ở đây ở kia. Bechtel do đó xây dựng tư thất của quốc vương Brunei chẳng hạn, vào dạo đó 500 triệu USD. Nhưng xây cung còn là việc nhọc, chủ nhà phải hài lòng còn tái kiến thiết Iraq thì dễ lắm, bỏ đó cũng vẫn xong. Một chuẩn tướng Mỹ về hưu, trúng phần xây dựng một trung tâm huấn luyện cảnh sát Iraq. Sau khi tiêu hết 72 triệu, phái đoàn thanh tra chỉ thấy có một toà nhà dang dở hai tầng, phân và nước tiểu từ phòng vệ sinh từng trên đổ xuống… tầng dưới, bắn cả vào người các thanh tra lúc đi thăm. Công môi giới và giới thiệu nhà thầu của vị tướng này là 3%, tức là 2,16 triệu. Trước Uỷ ban Quốc hội điều tra, khi được hỏi thế thì có hoàn tiền hoa hồng này lại thì cựu tướng lãnh này dõng dạc và khẳng khái như là trước ba quân, còn lâu !

            Đây là chuyện hợp pháp, hoa hồng hợp pháp cho nên không trả làm gì nhau nếu không biết ngượng. Bất hợp pháp trong việc phát thầu thì một thiếu tá quèn, cạo giấy trong một trại đèo heo nước Mỹ, vừa bị truy tố cùng với vợ về tội ăn lót hàng chục triệu. Thời thế tạo cơ hội, một nhân viên của Custer Battles mang sang Beirut 12 triệu tiền mặt để gửi ngân hàng. Nhưng nhiều tiền thì ăn chia khó sòng phẳng, nội bộ lủng củng mới vỡ lở ra ngoài. Tố cáo lẫn nhau, rốt cuộc Custer Battles vô sự, toà án Mỹ tuyên bố không có thẩm quyền trên quỹ của Iraq do CPA sử dụng, trong khi “nạn nhân” bị lường gạt là Bộ Quốc phòng lại câm như hến không chịu đệ đơn khởi tố. Tiền của Mỹ, thì thất thoát mới có tội, nhưng chưa thấy chuyện “đánh mất” 190.000 vũ khí viện trợ cho quân đội Iraq đến đâu.           

             Mùa hè 2006, Lebanon bị xâm lăng ở miền Nam và Beirut bị Israel ném bom. Vợ con anh bạn tôi phải đi lánh nạn ở Mỹ trong mấy tháng. Họ ghé Cali và tôi mang gia đình đến khách sạn Hilton Beverly Hills nơi họ đang tạm trú để an ủi trong cơn hoạn nạn. Chúng tôi uống Mai Tai, thì chủ quán Trader Vic’s trong khách sạn này là người khai sinh ra món rượu pha này, và Beirut cũng có mở một tiệm Trader Vic’s nhưng chẳng hiểu Rum và Triple Sec giờ sóng sánh thế nào ở dưới bom. Ngồi nói chuyện nghệ thuật chứ không phải nói chuyện đồng hồ Rolex, tôi được tặng một sách tranh đương đại được bạn tôi đỡ đầu và bỏ tiền ra in (lớp 9 hay lớp 10 của anh, chắc là đã có học đến thời kỳ Phục Hưng nên anh noi gương công tử Ý). Dùng cơm xong, tôi còn đang rề rà, vợ người bạn mới gọi phiếu ghi phòng thì vợ tôi bảo là đã thanh toán. 

          Ra đến xe, tôi hỏi vợ, lúc nào trả tiền mà nhanh thế, vợ tôi bảo lúc đứng dậy giả vờ đi vệ sinh. Cô mặt mày nghiêm trọng làm tôi chột dạ, nói không để cho các con nghe thấy, “Tiền của họ là tiền máu”. Thành thử ra làm tôi lỡ một dịp được ăn tiết canh Lưỡng Hà, tiết canh kiểu Hoa Kỳ, một món Mỹ nhưng bằng máu của người dân Iraq, đâu đó đến giờ trên dưới một triệu bị thọc cổ.

Đỗ Kh.

 


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss