Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Tình hình tài chính mong manh chưa từng thấy của Hoa Kỳ giải thích sự hung hãn của chính quyền Trump

Tình hình tài chính mong manh chưa từng thấy của Hoa Kỳ giải thích sự hung hãn của chính quyền Trump

- Thomas Piketty — published 13/07/2025 15:30, cập nhật lần cuối 13/07/2025 22:49
 

Tình hình tài chính mong manh chưa từng thấy của Hoa Kỳ
giải thích sự hung hãn của chính quyền Trump


Thomas Piketty



Ý tưởng tự do mậu dịch diễn ra một cách hài hòa tự phát không đứng vững trước thử thách của thực tế. Trong bài này, tác giả cho rằng để đối phó với những sự mất cân bằng hiện nay, giải pháp lẽ ra phải là thiết lập một tiền tệ chung.


Làm sao lý giải được làn sóng căng thẳng thương mại đang tràn ngập thế giới năm 2025 ? Để hiểu rõ đối tượng này, Phòng thí nghiệm về các bất bình đẳng thế giới vừa công bố một nghiên cứu lịch sử về những mất cân bằng thương mại và tài chính thế giới từ 1800 đến nay, nghiên cứu mang tên « Unequal Exchange and North-South Relations. Evidence from Global Trade Flows and the World Balance of Payment, 1800-2025 » (Trao đổi bất bình đẳng và quan hệ Bắc-Nam. Bằng chứng từ dòng Thương mại Toàn cầu và Cán cân chi trả trên Thế giới, 1800-2025).

Nghiên cứu này nêu ra nhiều kết luận khá rõ ràng. Nói chung, ý tưởng theo đó tự do mậu dịch diễn ra cân bằng và hài hòa một cách tự phát không đứng vững trước thử thách của thực tế. Từ năm 1800, người ta nhận thấy có những mất cân bằng to lớn và xu hướng kinh niên của các cường quốc thống trị là lạm dụng quyền lực để áp đặt những điều kiện có lợi cho mình, và bất lợi cho các nước nghèo.

Điều mới trong cuộc khủng hoảng hiện nay là Hoa Kỳ đang mất đi khả năng kiểm soát thế giới và lâm vào một tình hình tài chính mỏng manh chưa từng thấy. Điều này giải thích tại sao chính quyền Trump hung hãn như vậy.

Lùi bước chấp nhận những mệnh lệnh độc đoán như các nước Châu Âu vừa làm về ngân sách quốc phòng (chủ yếu là tài trợ cho công nghiệp quốc phòng Mỹ) cũng như về việc đánh thuế các công ti đa quốc gia, là một chọn lựa chiến lược tồi tệ nhất. Đã đến lúc Châu Âu phải vượt ra khỏi sự nhu nhược và liên minh với các chế độ dân chủ phương Nam để tái lập một hệ thống thương mại theo một mô hình phát triển khác.


Thâm thủng thương mại thường trực


Trước hết, cũng cần nhắc lại rằng quy mô các dòng thương mại trên thế giới chưa bao giờ lớn như hiện nay. Tổng cộng xuất khẩu (cũng như nhập khẩu) ngày nay lên tới 30% GDP (tổng sản phẩm trong nước) toàn cầu, trong đó 7% là nguyên liệu (nông sản, khoáng sản, hóa thạch), 16% chế phẩm và 7% dịch vụ (du lịch, vận tải, tư vấn...). Để so sánh : năm 1800 là 7% GDP thế giới, năm 1914 là 15%, và năm 1970 là 12% (trong đó nguyên liệu 4%, chế phẩm 5% và dịch vụ 3%).

Từ năm 1970 trở đi, các con số đã tăng vọt trong mọi lãnh vực – kèm theo đó là những dấu ấn về tác hại môi trường mà bây giờ người ta mới bắt đầu nhận thức. Song người ta thường nói là, đứng về mặt tỉ số đối với GDP, thương mại quốc tế đã ổn định từ sau cuộc khủng hoảng 2008. Đúng thế, nhưng phải nói thêm là : ổn định ở mức cao nhất, chưa từng thấy trong lịch sử.

Xin nói về những sự mất cân bằng. Mọi người đều biết một điều cơ bản : trong thời gian 1990-2025, thâm hụt thương mại hàng năm (kể cả của cải và dịch vụ) của Hoa Kỳ vào khoảng 3-4% GDP. Xuất dư về dịch vụ của Hoa Kỳ quá thấp, không thể bù lại nhập siêu và hàng hóa.

Điều đó đôi khi trở thành khó hiểu : làm sao một nền kinh tế thống trị như kinh tế Mỹ lại luôn luôn bị nhập siêu ? Sự thật, đó là một sự kiện thường trực trong lịch sử. Từ 1800 đến 1914, các cường quốc Âu Châu – đứng đầu là Vương quốc Anh – luôn luôn nhập siêu. Xuất siêu về hàng hóa và vận tải quá thấp so với lưu lượng nguyên liệu nhập cảnh từ nước ngoài (bông sợi, gỗ, đường...) mặc dầu những nguyên liệu này được mua với giá rẻ mạt. Từ năm 1880 đến năm 1914, các cường quốc lớn của châu Âu (Anh, Pháp, Đức) mỗi năm nhập siêu tương tợ như Hoa Kỳ trong những năm 1990-2025.

Chỉ khác ở chỗ các nước châu Âu có thuộc địa hải ngoại hàng năm mang lại những thu nhập khổng lồ – tương đương với 10% GDP của Anh, 5% của Pháp. Nhờ đó, họ bù trừ được nhập siêu và tiếp tục tích lũy được những khoản cho vay nợ trên toàn thế giới.

Ngược lại, tài sản hải ngoại của Hoa Kỳ chưa bao giờ tạo ra những thu nhập tới mức có thể bù lại nhập siêu, cho nên ngày nay, món nợ đối với nước ngoài lên tới mức chưa từng thấy. Cường quốc quân sự số 1 của thế giới  có thể lâm vào tình trạng dài lâu là trả lãi suất nợ cho thế giới, một tình huống chưa có trong lịch sử. Đó là nguyên nhân tại sao chính quyền Trump trở nên nóng nảy, tuyệt vọng tìm cách chiếm đoạt tài nguyên các nước, nếu cần bằng vũ lực.


Tài trợ một mô hình bền vững hơn


Để biện minh cho những vụ cưỡng đoạt ấy, một luận điểm thường được sử dụng là nói rằng Hoa Kỳ đã cung cấp miễn phí một công ích cho toàn thế giới – đồng đô la ổn định và một hệ thống tài chính vững chãi. Như thế là thế giới tích luỹ tài sản bằng đồng đô la – nợ công và chứng khoán thị trường – điều này làm cho đồng đô la lên giá và nuôi dưỡng sự thâm thủng của thương mại Hoa Kỳ. Thực ra, đồng đô la đã mang lại cho Hoa Kỳ quá nhiều so với thực lực của nó. Tuy nhiên, luận điểm này cũng đáng được suy ngẫm, nhất là vì nó có thể dẫn tới những giải pháp khác xa các giải pháp của phe Trump.

Trên thực tế, xuất siêu to lớn của các nước dầu mỏ trong những thập niên gần đây trước hết là do những nước này đã có thể áp đặt việc tăng giá dầu lên gấp ba trong những năm 1970, trong khi các nước trên thế giới tiếp tục tiêu thụ năng lượng hóa thạch bất chấp những hậu quả vị lai. Thặng dư công nghiệp của Trung Quốc, Nhật Bản và Đức một phần được giải thích là do mức lương quá thấp và do lựa chọn tích trữ tài sản ở nước ngoài, xuất phát từ cảm giác mong manh trước hệ thống tài chính quốc tế và sự thiếu hụt tài sản dự trữ toàn cầu.

Để đối phó với tình trạng mất cân bằng trên thế giới, giải pháp tối ưu lẽ ra phải là thiết lập một tiền tệ chung, căn cứ vào những tiền tệ chủ yếu, một mặt cho phép thoát khỏi đồng đô la, mặt khác cải thiện điều kiện giao dịch đối với các nước nghèo, tất cả những yếu tố này hướng tới mục đích tài trợ một mô hình phát triển cân bằng và lâu bền hơn. Mong sao sự bạo hành của chính quyền Trump sẽ đẩy nhanh nhận thức này.




Thomas Piketty

(Giám đốc Nghiên cứu Trường Cao học Khoa học xã hội, Trường kinh tế học Paris)



NGUỒN : Le Monde, 12.7.2015
Bản dịch của Kiến Văn (đã được Đỗ Tuyết Khanh và Vũ Quang Việt hiệu đính)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
LE SOLEIL TOMBE SANS UN BRUIT - Thao Nguyen Phan 12/06/2025 - 07/09/2025 — 13, avenue du Président Wilson, 75116 Paris
Kịch đọc lần thứ 17: Diễn viên hạng ba - Sân khấu Hồng Hạc - Ru Nam 23/07/2025 19:30 - 22:00 — The Joy Factory Cafe - 212 / 2B Nguyễn Trãi, quận 1, TPHCM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us