Tính sổ một thảm bại
IRAK, năm năm sau
TÍNH SỔ MỘT THẢM BẠI
Nguyễn Quang
Đúng 5 năm sau ngày phát động chiến dịch « Iraqi Freedom », tổng thống George W. Bush đã đọc diễn văn kỉ niệm. « Vũ khí huỷ diệt hàng loạt » (VKHDHL) tất nhiên đã biến mất, còn những luận cứ khác vẫn y nguyên : chống khủng bố, chống độc tài, tình hình Bagdad đang trên đà bình thường hoá, « thắng lợi trong tương lai »... Ta hãy chấp nhận cách đặt vấn đề của tổng thống Mĩ và phân tích một cách khách quan sự thành bại của năm năm chiến tranh và chiếm đóng. Bỏ qua khía cạnh cừu hận của « W » trong vấn đề Irak – phải dùng phân tâm học mới có thể lí giải – chúng ta hãy xem xét hai mục tiêu chiến lược mà các thế lực « tân bảo thủ » Mĩ vẫn rêu rao : (1) chống chủ nghĩa khủng bố bằng cách đánh vào sào huyệt của nó (như ở Afghanistan năm 2001) ; (2) diệt tận gốc nạn khủng bố bằng cách đánh vào các chế độ độc tài. Vậy thì kết quả năm năm chiến tranh là như thế nào ?
VKHDHL và Al-Qaeda
Ngay hôm sau sự kiện 11.09.2001 và trước khi tấn công Afghanistan, đội cận vệ của « W » đã đặt trong tầm ngắm chế độ Saddam Hussein mà họ coi là mối nguy cơ số 1 vì cái gọi là chương trình vũ khí huỷ diệt hàng loạt (VKHDHL) và vì sự đồng loã giả định giữa chế độ này với tổ chức Al-Qaeda. Nhờ một chiến dịch « tiếp thị » chính trị (mà nhà bình luận Frank Rich của Thời báo New York đã phân tích cặn kẽ), họ đã thuyết phục được dư luận Mĩ. Để tiến hành chiến dịch tuyên truyền này, họ đã thành lập một cơ quan tình báo riêng, vượt mặt cục CIA để cung cấp thẳng cho Nhà Trắng những « tin tức tình báo » theo chiều hướng mong muốn. Mọi người còn nhớ cảnh tượng ngoại trưởng Colin Powell đưa ra trước Hội đồng Bảo an LHQ những « bằng chứng » về vũ khí vi trùng (một cái lọ đựng bột trắng) và về chương trình hạt nhân của Irak (ảnh những ống nhôm). Còn bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld, với lối ăn nói độc nhất vô nhị của mình, thì tỉnh bơ tuyên bố : « Chúng ta biết họ để VKHDHL ở đâu. Ở vùng chung quanh Tikrit và Bagdad, phía đông, phía tây, phía nam, phía bắc, và đâu đó ». Trong suốt một năm trời, các đội điều tra của Mĩ đã lùng sục khắp lãnh thổ Irak mà chẳng tìm ra vết tích nào, không những thế hai quan chức cao cấp, Hans Blix (thanh tra của LHQ) và Scott Butler (thanh tra của Mĩ) còn công khai lên tiếng chê trách Washington là « đã bám víu vào những chuyện vớ vẩn » để có cớ can thiệp vào Irak, do đó đã « làm cho tình trạng bất ổn trên thế giới thêm nghiêm trọng » (10.10.2004).
Còn luận điểm về mối liên hệ giữa Al-Qaeda và Bagdad, thì ngay từ đầu các chuyên gia đã nói là không có bằng chứng, không có căn cứ. Gắn liền Saddam Hussein và Ben Laden là bất chấp một nguyên lí cơ bản của chế độ độc tài : trong cùng một vũng nước, không thể có hai con cá sấu. Thêm vào đó, khác hẳn chủ nghĩa toàn thống của tông phái Islam Wahhabit, chế độ của Đảng Baas, đứng về mặt tư tưởng cũng như trong thực tiễn chính quyền, là chính thể "thế tục" duy nhất ở Trung Đông – câu chuyện Saddam Hussein sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất đột nhiên theo đạo chẳng qua là một mưu chước mị dân cổ điển. Một báo cáo mới đây của Trung tâm phân tích thuộc Bộ tham mưu liên quân Hoa Kì (báo cáo gửi Quối hội, tháng 3-2008) cũng kết luận rằng sau khi lục soát "hơn 600 000 tư liệu" thu được ở Bagdad, không tìm ra được "sự liên lạc tác chiến" nào giữa Saddam Hussein và Al-Qaeda. Như vậy là cuộc xâm lăng của Mĩ đã đạt được chiến tích là biến một nước vắng bóng Al-Qaeda thành cái nôi của chủ nghĩa khủng bố : một chủ nghĩa khủng bố tuy có hơi hớm của Al-Qaeda nhưng chủ yếu có tính chất nổi dậy (chống lại quân đội chiếm đóng) và liên - cộng đồng (giữa phái Shi'ite và Sunni), còn chiều kích "quốc tế" chỉ có trong chừng mực Irak đã trở thành "địa bàn thánh chiến", điểm hẹn cũng những thanh niên muốn trở thành tử đạo. Can thiệp rồi, Washington mới biện minh cho chủ trương can thiệp bằng sự cần thiết phải đánh khủng bố ngay từ ở xa lãnh thổ Hoa Kì, nhưng luận điểm này không vững vì Irak đã trở thành một "điểm cầm chân", một nơi mà các lực lượng thánh chiến không chủ trương giành chính quyền mà chỉ muốn kéo dài tình trạng hỗn loạn, đồng thời Irak đã trở thành "ổ nhiễm trùng", từ đó nạn khủng bố lan truyền sang các nước lân bang (nhất là Arabia Saudi và Afghanistan).
Sắp xếp lại cục diện Trung Đông
Vài tháng sau cuộc khủng bố 11-9, tổng thống Bush giải thích rằng « chừng nào [khu vực Đại Trung Đông] còn làm mồi ngon cho bạo quyền, cho sự tuyệt vọng, sự phẫn nộ, thì còn tiếp tục nảy sinh ra những con người và những phong trào đe doạ an ninh của nước Mĩ và các nước bạn [...]. Chúng ta sẽ đối đầu với những kẻ thù của cải cách ». Nghĩ tới mớ bòng bong Palestin, tới những chế độ độc tài ở Bắc Phi, những bạo chúa vùng Vịnh và thùng thuốc nổ Pakistan, ai mà chẳng hoan nghênh lời nói dõng dạc ấy... Nhưng không, tổng thống Mĩ chỉ nghĩ tới Irak, rồi thêm mắm thêm muối vĩ cuồng, mơ mộng xếp đặt lại cục diện "phương Đông phức tạp" (*) theo một sơ đồ giản dị nếu không nói là giản đơn : từ vùng Lưỡng Hà, nền dân chủ sẽ được "vũ trang lan truyền" ra toàn khu vực.
Năm năm sau, "hiệu ứng đô-mi-nô" chẳng thấy đâu – những tên độc tài và bạo chúa vẫn bình chân như vại ở trong toàn khu vực – còn quân bài đô-mi-nô Irak thì vẫn chưa ổn định. Đúng là sự can thiệp của Mĩ đã loại trừ được một tên độc tài khát máu (vốn có mối thâm thù với « W »), nhưng nó đã đập tan quân đội, giải tán bộ máy an ninh và thanh lọc đảng Baas khỏi bộ máy hành chính, nói cách khác, toàn quyền Paul Bremmer đã phá tung cơ cấu của Nhà nước Irak và đẩy nước này vào tình trạng hỗn loạn. Không ai phủ nhận những tiến bộ đã đạt được (thông qua Hiến pháp, bầu cử Quốc hội (có điều Quốc hội lại được bầu theo tỉ lệ dân số - chính trị), thành lập chính phủ (đáng tiếc là cũng theo cùng một lôgic, kết quả là thành phần Sunni bị loại trừ)), song bộ máy Nhà nước phôi thai bị tình trạng bất an và chủ nghĩa cộng đồng làm tê liệt, mặc dầu Mĩ viện trợ rất nhiều. Sự thật là việc tái thiết các thể chế đã bị kẹt trong cái vòng lẩn quẩn : nói như nhà nghiên cứu J.-P. Luizard, « sự chiếm đóng của quân đội ngoại quốc làm cho Nhà nước không thể ổn định được, và sự khiếm khuyết của Nhà nước khiến cho không thể chấm dứt sự chiếm đóng ». Kết quả là : thiếu vắng một cơ cấu quốc gia, người dân Irak phải thu mình trong chủ nghĩa cộng đồng (Shi'ite, Sunni, Kurd), họ cố thủ trong đó một cách dễ dàng, tự nhiên vì Irak chưa bào giờ là một quốc gia dân tộc mà chỉ là sản phẩm của thực dân, dán ghép một cách giả tạo những sắc tộc, cộng đồng, tông tộc. Thành ra, ngày nay đại để Irak bị chia cắt thành ba vùng, mỗi vùng là một cộng đồng : người Kurd ở miền bắc, người Sunni ở miền trung, người Shi'ite ở miền nam. Tài nguyên phân phối không đồng đều (miền trung nghèo nhất) khiến cho tình hình càng thêm căng thẳng. Điều ấy, những người hiểu biết thực trạng Trung Đông đều đã cảnh báo cho Washington từ năm năm về trước...
Họ còn cảnh báo điều này nữa : loại trừ một tác nhân quan trọng sẽ gây ra bất ổn định trên toàn khu vực. Chính vì thế mà trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, tổng thống G. Bush (cha) đã ra lệnh thu quân khi các cánh quân đồng minh từ Koweit đang thừa thắng tiến lên Bagdad. G. Bush (con) không đếm xỉa đến điều đó, nên năm năm sau, phải đối diện với ác mộng Iran : không ít người đã tưởng rằng chế độ của các giáo sĩ Hồi giáo Shi'ite đã sa vào bước đường cùng, kẹp giữa gọng kìm (tây từ Irak, đông từ Afghanistan) của hai đạo quân viễn chinh, nhưng nhờ sự sa lầy của Mĩ, Iran đã trỗi lên như một cường quốc khu vực không thể bỏ qua, có khả năng thách thức Israel thông qua đảng Hezbollah (theo giáo phái Shi'ite) ở Liban, thách thức Hoa Kì bằng đạo quân Mehdi ở Irak, và thách thức cộng đồng quốc tế bằng chương trình hạt nhân, không những thế còn chơi sang bằng cách bắt tay kẻ thù hôm qua (cuộc viếng thăm Bagdad của tổng thống Ahmadinedjad).
Và bây giờ thì sao ?
Số nạn nhân Irak
Quân đội Mĩ không cung cấp số liệu về các nạn nhân người Irak. Tháng giêng vừa qua, một điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và chính phủ Irak tiến hành với 10 000 hộ ở trên toàn quốc, ngoại trừ những "khu vực nguy hiểm nhất" (11%) cho biết từ tháng tư 2003 (sau khi Saddam bị lật đổ) đến tháng sáu 2006, có 151 000 người Irak đã chết "bất đắc kì tử", từ đó con số này được cập nhật hoá cho đến tháng hai 2008 thành 220 000 người. Nếu tính gộp cả những cái chết "liên quan tới cuộc chiến" (cực khổ, bênh tật, suy dinh dưỡng...), WHO ước tính là 600 000 người (trên dân số 25 triệu). Một nghiên cứu song song của viện nghiên cứu Anh Opinion Research (tháng bảy 2007) đi tới con số 1,2 triệu. Có thể đối sánh các con số này với con số nạn nhân thường dân của chế độ Saddam Hussein trong 20 cuối của chế độ : từ 250 000 đến 290 000 người (không kể người chết trong chiến tranh), theo ước tính của Human Rights Watch.
Đối với mọi người, đó là một thất bại thảm hại, còn ông « W » thì vẫn cứ nằng nặc hứa hẹn « thắng lợi sẽ về chúng ta ». Ngoài yếu tố « văn bia » nói lấy được, có lẽ tổng thống Mĩ đặt hi vọng vào chiều hướng giảm bớt bạo lực trong mấy tháng gần đây (60 người chết mỗi ngày trong tháng giêng 2008, trong khi con số tháng bảy 2007 là 180). Xu hướng này có lẽ là kết quả của việc tăng quân số thêm 30 000 binh sĩ vào cuối năm 2007 (đi ngược lại những khuyến nghị của báo cáo Baker), và nhất là của chủ trương mới, bắt chước chính sách những năm 1920 của thực dân Anh : mua chuộc, "chiêu hồi" các bộ tộc Sunni bằng tiền (300 € một dân vệ, gấp đôi lương thày giáo). Song chính sách bộ tộc vấp phải những giới hạn bởi vì nó khích động sự ganh đua giữa các bộ tộc và thúc đẩy người Sunni đòi hỏi được chia thêm ghế bộ trưởng trong chính phủ và được chia sẻ lợi nhuận từ dầu hoả. Chiến cuộc trong những ngày vừa qua ở Bassora (lần này diễn ra giữa người Shi'ite và người Shi'ite, gây ra 300 người chết, 500 bị thương) cho thấy tình trạng lắng dịu chỉ là tạm bợ. Nó còn tạo ra ảo tưởng vì lợi dụng quân Mĩ phải chốt chặt ở Irak, Al-Qaeda đã chuyển các hoạt động khủng bố sang Afghanistan (việc tăng cường quân đội Mĩ ở Irak và đồng thời gia tăng khủng bố ở Afghanistan là một sự trùng hợp đáng ngại).
Và bây giờ ? Từ tháng ba 2003 đến nay, cuộc phiêu lưu ở Irak đã gây ra 4 000 người chết và 29 000 người bị thương trong hàng ngũ Mĩ (khi bị hỏi về việc này, phó tổng thống Dick Cheney đã trâng tráo trả lời : « Thì đã sao nào ? »). Nó buộc chân 150 000 binh sĩ Mĩ ở vùng Lưỡng Hà và kiềm chế nghiêm trọng khả năng tác chiến của Hoa Kì, ngân sách mà nó ngốn (mỗi tháng hơn 12 tỉ đô la) làm kiệt quệ quỹ hiện đại hoá mà quân đội Mĩ đang rất cần. Chi tiêu cho cuộc chiến tranh cho đến nay đã lên tới 500 tỉ đôla, gấp 10 lần con số dự chi ban đầu của Donald Rumsfeld ; những nhà kinh tế học như giải Nobel Joseph Stiglitz cho rằng tổng số chi tiêu thực ra đã lên tới 1 000 tỉ, nghĩa là tương đương với tiền xây 8 triệu đơn vị nhà ở. Đó là chỉ nói tới mặt vật chất. Cái giá phải trả cao nhất, không tính bằng con số được, là không còn mấy ai tin vào vai trò lãnh đạo của Mĩ. Vốn liếng cảm tình mà thế giới dành cho nước Mĩ sau sự kiện 11-9 đã tiêu ma, « W » trở thành vị tổng thống Mĩ bị căm ghét nhất trên thế giới, và tại Mĩ, vị tổng thống thất nhân tâm nhất trong lịch sử. Nhưng cho dù ngày nay 2/3 người Mĩ phản đối chiến tranh – đảo ngược tỉ số so với 5 năm về trước – tình hình này còn xa mới đạt tới mức có thể gọi là « hội chứng Irak » : bằng chứng là thất bại của những cuốn phim lấy Irak làm đề tài như In the Valley of Elah, Redacted... hay con số lượng các cuộc biểu tình nhân kỉ niệm 5 năm (vài ngàn người, và chỉ có ở những thành phố vốn "làm loạn" là New York hay San Francisco, khác xa hàng trăm ngàn người xuống đường ở khắp nước Mĩ để phản đối chiến tranh Việt Nam), bằng chứng nữa là sự thận trọng hết mực của các ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc tranh cử tổng thống (kể cả B. Obama mặc dầu ông ta đã bỏ phiếu ngay từ đầu chống việc đưa quân sang Irak). Điều này chứng tỏ chính quyền Bush đã thành công trên lãnh vực truyền thông, họ đã che đậy được hiện thực của cuộc chiến tranh (hình ảnh binh lính bị thương, tàn tật, túi xác... không hề thấy trên màn hình TV), công chúng Mĩ chỉ nhận thức được cuộc chiến một cách trừu tượng, nên ít bị tác động. Một cố vấn của Bush đã dám tuyên bố như sau (theo tường thuật của Ron Suskind, The New York Times, 2004) : « Ngày nay chúng ta là cả một đế chế, nên khi chúng ta hành động, đồng thời chúng ta cũng tạo ra cả hình ảnh về hiện thực [...] Chúng ta là tác nhân của lịch sử. Còn các người [tức là các nhà báo], chỉ còn một công vỉệc là ngồi xem chúng ta làm ra sao thôi ». Nhưng giữa đống ngôn từ tuyên truyền lừa bịp ấy, có một câu nói của « W », nghe cũng chí lý : « Nếu bây giờ chúng ta khăn gói rời khỏi Irak, thì bọn khủng bố sẽ bám sát gót chúng ta ngay ». Câu nói tóm tắt khá chính xác cái vấn nạn đang chờ tổng thống sắp tới của nước Mĩ, bất luận ông/bà đó là ai.
Nguyễn Quang
(*) Đám Richard Perle, Paul Wolfowitz... lúc đó tưởng mình là sẽ qua mặt cả Lawrence Arabia, nay đều đã cụp đuôi vì tham ô, bè đảng.
Các thao tác trên Tài liệu