Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Tôi đã mất cha mẹ trong vụ tấn công của Hamas. Gia đình tôi muốn hoà bình, không muốn trả thù cái chết của họ

Tôi đã mất cha mẹ trong vụ tấn công của Hamas. Gia đình tôi muốn hoà bình, không muốn trả thù cái chết của họ

- Magen Inon — published 21/10/2023 19:55, cập nhật lần cuối 21/10/2023 19:53

Tôi đã mất cha mẹ trong
vụ tấn công của Hamas.
Gia đình tôi muốn hoà bình,
không muốn trả thù cái chết của họ



m-1

Magen Inon

bản tiếng Việt: Đỗ Tuyết Khanh



Dân chúng sống hai bên ranh giới có những lý do để thù hận nhau, nhưng đối xử nhân đạo với nhau là cách duy nhất để chấm dứt cuộc chiến này.

Im-2

Bilha (trái) và Yakov Inon (phải), cha mẹ tác giả. Ảnh: Magen Inon

Tôi lớn lên ở miền nam Israel với cha mẹ và 4 anh chị em trong một làng nhỏ tên là Netiv Haasara, một trong những làng Israel gần Dải Gaza nhất. Hình ảnh ghi đậm trong ký ức về tuổi thơ tôi là phong cảnh – những đồi cát xinh đẹp trông xuống Địa Trung Hải. Anh thanh niên là tôi thường chạy cả một tiếng ra bãi biển, rồi cha tôi lái chiếc xe tải đến đón tôi về.

Mỗi mùa hè, như mùa hè vừa qua, tôi đưa gia đình từ London về làng thăm cha mẹ. Ông bà cụ hân hoan quây quần với ba đứa trẻ, làm quen với bé trai 10 tháng của chúng tôi, đứa út trong 11 cháu của hai cụ. Những ngày thật hạnh phúc bên nhau – chơi bài, tắm biển, sáng tác nghệ thuật, làm vườn. Không thể hình dung nơi chốn ấy là một trận địa, trong cái thảm kịch hiện ra mỗi ngày sau cuộc tấn công của Hamas. Cả cha và mẹ tôi - Yakov và Bilha Inon, hai con người tuyệt vời, đấng sinh thành yêu dấu của tôi – bây giờ đã chết.

Tin tức đầu tiên về cuộc tấn công của Hamas đến với tôi khi các nhóm WhatsApp với gia đình và bạn bè sống trong vùng bắt đầu đưa tin tới tấp. Anh chị em tôi nhận được tin ngắn của cha mẹ nói rằng họ nghe tiếng súng nổ. Họ nói họ bình yên trong nhà và đã khoá chặt cửa ngõ. Đấy là lần cuối cùng chúng tôi có tin từ họ. Ngay lúc ấy chúng tôi không hoảng sợ vì, điều có vẻ khó tin nhưng tiếng súng nổ và rốc-két vẫn thường vang lên trong nhà họ, từ phía bên kia ranh giới. Không rõ kỳ này tiếng đến từ gần hay xa.

Sau đó, khi chúng tôi liên lạc với cha mẹ, tin nhắn không đến nữa. Lo lắng, chúng tôi tìm thông tin qua nhiều ngả và vài tiếng sau liên lạc được với một người hàng xóm đã trú ẩn với mấy đứa con trong phòng kho lúc Hamas tấn công. Nhìn qua cửa sổ bà thấy nhà của cha mẹ tôi bị cháy rụi.

Lúc ấy chúng tôi hiểu là điều kinh khủng lo sợ nhất đã xảy ra và cha mẹ khó mà sống sót. Chúng tôi không được thông báo chính thức vì mọi nơi đều hỗn loạn và hoang mang. Nhưng khác với các làng gần đó, Hamas đã không bắt cóc được ai ở Netiv Haasara, cho nên chúng tôi chỉ có thể chắp nối thông tin, đoán mò.

Chỉ ít lâu sau, trong tuần lễ Shiva, bẩy ngày khóc tang của người Do Thái, những người hàng xóm, chính họ cũng là nạn nhân của các thảm hoạ không thể hiểu được, chia sẻ thông tin về những gì đã xảy ra. Dường như nhà của cha mẹ tôi bị một rốc-kết rất mạnh bắn trúng và ông bà cụ đã chết ngay tại chỗ. Đau đớn xé lòng. Cha mẹ tôi là chỗ dựa vững chắc trong cuộc đời của tôi và gia đình tôi, sự an ủi duy nhất là họ đã chết cùng nhau. Không rời nhau lúc sống và khi chết.

Cha mẹ tôi là những con người phi thường, sống cuộc đời hạnh phúc và đầy ý nghĩa, gần gũi nhiều người. Cha tôi, Yakov, là một chuyên gia nông học và tuy ông đã 78 tuổi và coi như về hưu, ông vẫn được người khác nài nỉ mời đến làm việc với họ, cho nên vẫn hoạt động. Ông yêu nghề, yêu đồng ruộng.

Mẹ tôi, Bilha, là cô giáo vườn trẻ trước khi chuyển sang đào tạo giáo viên vườn trẻ về cách dùng nghệ thuật với trẻ em. Bà có tài làm nảy nở óc sáng tạo của người khác. Sau khi về hưu, bà cho xây một không gian sáng tác ngay cạnh nhà của gia đình, căn nhà chứa đầy tác phẩm của bà. Lẽ ra chúng tôi sẽ ăn mừng sinh nhật thứ 76 của bà cuối tháng 10 này.

Tuy sống ở nước ngoài những năm gần đây, tâm hồn tôi gắn liền với những người và phong cảnh của nơi tôi đã lớn lên. Tôi hi vọng các con tôi sẽ yêu nơi chốn ấy như tôi. Tắm biển, hái cam với mẹ tôi trong các khu vườn, chạy nhảy trong những ruộng lúa, ruộng bắp cha tôi đã giúp trồng trọt, hái nấm dại và tìm sên ốc trong mùa đông – bao kỷ niệm thân thương của tôi.

Sau những cơn mưa lớn, chúng tôi thường đi xem nước lũ. Chỗ thích nhất là cây cầu cũ của tuyến đường xe lửa ngày xưa nối Gaza với các thành phố khác dưới thời đế chế Ottoman và chế độ bảo hộ của nước Anh. Chúng tôi ném một cành cây xuống nước rồi nhìn nó biến mất dưới cầu và lại xuất hiện phía bên kia, nhìn theo mãi cho đến khi nó mất hút.

Bây giờ dường như có một cơn nước lũ toàn là máu tràn ngập cả khung cảnh và sự đau đớn của tôi như một cành cây nhỏ trôi theo dòng chảy. Tất cả những người tôi quen từ thuở nhỏ đều có một câu chuyện hãi hùng để kể. Lúc xảy ra cuộc tấn công, tôi nghe tiếng kêu cứu của những người bạn cố ghì chặt cửa phòng trú ẩn trong khi bọn khủng bố tìm cách xông vào. Tất cả chúng tôi đều kinh hoàng, đau đớn và quẫn trí.

Trong nỗi đau đớn cùng cực này tôi muốn nói lên điều tôi tin là di sản tinh thần của cha mẹ tôi. Dân chúng hai bên ranh giới có nhiều lý do dễ hiểu để thù ghét nhau. Điều này đang bị những người sống vì hận thù lợi dụng. Nhưng đấy không thể là câu trả lời duy nhất. Gia đình tôi không đòi hỏi trả thù. Cha mẹ tôi đối xử với người khác dựa theo hành xử của họ chứ không vì họ thuộc về nhóm nào. Những người đến an ủi chúng tôi thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội, bất kể tôn giáo, chủng tộc, giới tính. Chúng tôi có những người bạn thân trong cộng đồng Bedouin cũng đã mất người thân trong cuộc tấn công.

Tương lai chung của chúng ta dựa trên niềm tin là mọi con người đều bình đẳng, đều phải được tôn trọng và có quyền sống an bình. Tôi đã được nuôi dạy như thế và tôi nuôi dạy con tôi như thế. Một ngày nào đó, dù còn rất xa xôi, sẽ không có tương lai nào khác ngoài hi vọng và hoà bình. Tôi xin, hãy chấm dứt chiến tranh.

Kirsty Major viết theo lời của Magen Inon

Magen Inon, gốc Israel, là cha ba đứa con,
ông dạy học ở London và là tiến sĩ triết lý giáo dục

Nguồn:  https://www.theguardian.com/commentisfree/2023/oct/19/hamas-attack-peace-revenge-border-war


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss