Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Tôi là Paris

Tôi là Paris

- Marcus Mạnh Cường — published 15/11/2015 18:19, cập nhật lần cuối 15/11/2015 18:19


Tôi là Paris


Marcus Mạnh Cường


14.11.2015


Đây là nơi tôi ở suốt tối và đêm qua, thứ Sáu 13 tháng 11 năm 2015.


Một đêm hẳn là đã làm mọi thứ trở nên khác biệt, với tôi và rất nhiều người khác. Tôi phải viết lại ngay trước khi những vết nhăn của não bị đơ đi theo năm tháng.


Khoảng 20:00, anh H. và tôi loay hoay tìm chỗ đậu xe hơi. Khu quận 11 gần République rất đông dân và đồng thời cũng là khu nhộn nhịp về đêm của Paris. Sau khi lòng vòng phải tới 15 phút mà không tìm được chỗ đậu, trong đó có những lần lượn qua nơi mà sau này tôi mới biết đó là Bataclan – địa điểm xảy ra thảm sát kinh khủng của đêm qua. Tôi đã dùng map để tìm nhà đậu xe. Nhà đậu xe cũng chật cứng, phải xuống tới tầng dưới cùng mới có chỗ.


Tới nhà A. – người tạo nên Varan Việt Nam và C. – vợ của ông. Một không gian ấm cúng như ở vùng quê hiện ra trong căn hộ của toà nhà mà sau đó tôi mới được biết xây từ thế kỷ thứ 18. Chúng tôi là những khách tới sớm nhất. Dần dần sau đó là những người phụ nữ : S. – người dựng phim Tâm hồn mẹ của Nhuệ Giang, M-H. – một nhà làm phim tài liệu về múa, A. – người dựng phim Finding Phong của Swann và Thảo, và L. – cô gái trẻ gốc Việt.


Chúng tôi uống rượu vang, trò chuyện vui vẻ và chờ đợi sự xuất hiện của Thảo, G. và N. – những người thuộc đoàn phim Finding Phong sẽ trở về từ lễ trao giải của Liên hoan Phim Nhân học Jean Rouch, nơi họ giành giải Grand Prix Nanook - Jean Rouch.


21:20. S. nhận được cú điện thoại của con trai. Cô sang phòng bên nói chuyện rồi hớt hải trở lại, đã mặc áo khoác. “Con trai tôi nghe thấy tiếng súng nổ. Tôi phải về với nó.”


Chúng tôi không ngờ rằng đó là thời khắc bắt đầu của một đêm kinh hoàng ở Paris.


Chỉ vài phút sau đó, tiếng còi hụ ầm vang ngoài cửa sổ. Có rất nhiều xe cảnh sát, và rồi cứu thương. Chuyện gì đang xảy ra ?


L. nhanh chóng lên mạng kiếm tin nóng. Nhưng vẫn chưa có gì. Chúng tôi tiếp tục ăn uống, trò chuyện, khi chưa biết điều gì sẽ xảy tới.


Khoảng 20 phút sau, L. chạy vào kêu tất cả lắng nghe. Cô đọc tin rằng có cuộc nổ súng ở một số địa điểm ở Paris và sân vận động Stade de France – nơi đang diễn ra trận đấu giữa Đức và Pháp, giờ tôi mới biết lý do vì sao có nhiều người Đức trong thành phố hôm nay.


Chúng tôi lặng người đi. Và tin tức tiếp tục đến, càng lúc càng tăng lên về độ điên loạn và đẫm máu.


23:59. Tôi nói chuyện điện thoại với G. – người làm nên Hanoi Cinematheque và sản xuất Finding Phong. Ông nói rằng Thảo sẽ nghỉ lại chỗ ông khuya nay. Ba người của đoàn phim đã tới chỗ chúng tôi, nhưng không được phép qua đường để vào nhà, nên lại quay trở về.


Chúng tôi tiếp tục ngồi uống rượu trong tiếng radio tường thuật tại chỗ từ chiếc máy tính bảng của A. – quyết định với nhau rằng đâu biết ngày mai ra sao, cảnh sát công bố lệnh cấm ra khỏi nhà nếu không nhất thiết, Tổng thống báo tình trạng khẩn cấp quốc gia, đóng cửa biên giới, nên việc tốt nhất lúc này là uống rượu.


00:30. Những chiếc xe cứu thương đến ngày càng nhiều. Các cảnh sát đặc nhiệm sẵn sàng tác chiến. Nguyên khu phố thành tình trạng chiến tranh, với khủng bố. Nhà hàng La Royale chếch phía đối diện đang dần trở thanh một doanh trại và sắp thành một bệnh viện dã chiến.


Tôi đứng ngoái người nhìn ra cửa sổ. Biết bao cáng người bị chết hoặc bị thương nặng chạy qua trước mắt tôi. Họ đến từ hướng Bataclan – khán phòng biểu diễn chứa được 1500 người, chỉ cách chỗ chúng tôi khoảng 100m.


1:00. Tin tới tấp hỏi thăm từ bạn bè, và người thân.


Suốt những giờ phút sau đó, tôi đã có cảm giác được quan tâm, lo lắng và che chở, từ những người ở rất xa.


Và nhìn lại căn phòng, nơi chúng tôi giờ sẽ thành những người tị nạn ngủ lại, những gương mặt lo âu, thi thoảng được giãn ra chút bằng những nụ cười trấn an nhau. Tình người trong những thời khắc như thế này đặc biệt quan trọng.


Buổi sáng sớm, chúng tôi quyết định ra về, khi ngoài đường đã không còn chặn nữa, ngoại trừ bến Metro trước nhà và đoạn trước Bataclan. Buổi sáng thứ Bảy của Paris bắt đầu như thường lệ, nhưng mọi thứ giờ đây đã thay đổi rồi.


Kể từ tháng Giêng năm nay, chữ ký email viết từ mobile của tôi là Je suis Charlie. Tôi sẽ thêm vào câu sau : Je suis Paris.


we

15.11.2015

Vì sao cuộc khủng bố ở Paris vừa qua liên quan trực tiếp đến chúng ta, dù ta có mặt ở Paris hay không ?


Thứ nhất, xét về số lượng người chết và bị thương, cuộc khủng bố này chỉ đứng sau Madrid năm 2004 trong vòng 40 năm qua ở Châu Âu. Paris như là trái tim của một Châu lục của tự do mà bao tỷ người trên thế giới này hướng tới. Đánh vào trái tim đó chính là đánh vào bản thân mỗi chúng ta, hiện đang còn may mắn được sống trong vùng không chiến sự hàng ngày.


Thứ hai, việc chọn nhà hát Bataclan, sân vận động Stade de France, các quán ăn ở quận 10 và 11 để làm mục tiêu khủng bố, cho thấy IS và đồng bọn chủ đích hướng tới dân thường, người vô tội, nơi vui chơi, thưởng thức cuộc sống của mỗi chúng ta, nơi khái niệm savoir-vivre được hình thành. Khác với Charlie Hebdo, toà soạn báo biết rõ điều họ làm đồng nghĩa với rủi ro phải đối mặt, những nạn nhân của vụ khủng bố Paris hoàn toàn có thể là chính bạn, là tôi hay người thân nhất của mình.


Thứ ba, nếu bạn không có liên hệ trực tiếp đến Paris thì cũng bằng cách gián tiếp : bạn bè hay người thân từng đến đó, bạn thích PSG, bạn yêu phim Pháp, nhạc Pháp hay tiếng Pháp, hay chỉ đơn giản là bạn biết rằng kiến trúc Pháp hiện diện ở Việt Nam hay bao từ Pháp đã được thuần Việt và vốn kiến thức khoa học đã vào Việt Nam qua thời đô hộ của người Pháp ở Đông Dương,... Hay ngay cả khi bạn không hề có bất cứ thứ gì ở trên, thì bạn đã nghe tin về cuộc khủng bố diễn ra, nghĩa là bạn đã có liên can trong vai trò tiếp nhận thông tin. Nếu bạn dửng dưng với thông tin ấy, thì sẽ chẳng còn điều gì để tôi còn muốn nói với bạn nữa.

bando


Tôi ở trong vòng bán kính 100m của Bataclan.


Marcus Mạnh Cường

NGUỒN : FB Marcus Manh Cuong


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss