Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Tôi là Paris, Nhân loại là Paris

Tôi là Paris, Nhân loại là Paris

- Nguyễn Quang Thân — published 21/11/2015 12:04, cập nhật lần cuối 21/11/2015 12:04

TÔI LÀ PARIS, NHÂN LOẠI LÀ PARIS!


Nguyễn Quang Thân


Khi tôi viết những dòng này thì Paris đã yên bình trở lại sau cơn ác mộng mang tên IS. Nước mắt người Paris chắc đã khô và màn ảnh truyền hình đã có những nụ cười kiên nghị kìm nén đau thương. “Tôi không sợ! Tôi phải tiếp tục sống! Je suis Paris!” Khi bọn đồ tể của tự do ngôn luận đến tận tòa soạn tở Charlie Hebdo bắn chết 10 nhà báo, người Pháp đeo biển “Je suis Charlie” trước ngực, nhân loại hô vang “Je suis Charlie!”. Giờ đây, loài người đang đứng bên người Pháp: “Je suis Paris! Tôi là Paris! Nhân loại là Paris!”. Lũ khủng bố và chủ trương khủng bố hay độc tài đang nghe lời vọng kiên cường đáp lại tiếng bom tự sát và đạn súng AK của chúng.

Chúng đã tấn công một cách bài bản sáu địa điểm đông người, vào giờ của văn hóa, khi người dân Paris đi ăn, đi chơi, nghe nhạc, xem bóng đá, giết chết và làm bị thương hàng trăm người. Xác người la liệt trong rạp hát, nhà hàng, trên đường phố. Là cuộc tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của nước Pháp, lần nữa, máu người Paris lại đổ ra. Chúng không chỉ tấn công vào quyền tự do ngôn luận như đã bắn vào Charlie Hebdo, cũng không chỉ nhằm vào Paris hay nước Pháp, cũng không vì một cuộc “thánh chiến” tưởng tượng hay bất đồng tôn giáo nào. “Chúng đang tấn công vào nhân loại”, đó là lời khẳng định không thể chính xác hơn và gần như ngay lập tức của tổng thống Mỹ và cả Giáo Hoàng, hai người đàn ông có quyền lực nhất thế giới. Và cũng là lời khẳng định của tất cả chúng ta!

Vì sao nhân loại? Vì hàng trăm năm trước, khi loài người đang mò mẫm trong bóng tối trung cổ, đã có cái gọi là “xã hội loài người” nhưng sợi chỉ biên giới giữa con người và con vật, giữa dã man và văn minh còn quá mong manh. Khi một ông vua nước Pháp dám vỗ ngực tuyên bố “Nhà nước là ta!”, khi Nhà Thờ có thể đưa Bruno lên giàn hỏa và khuất phục Galilée, khi bọn lãnh chúa còn có quyền “sơ dạ”, ngủ với bất kỳ cô gái nào trước khi họ làm lễ cưới, con người không có quyền gì hết ngoài làm thân trâu ngựa cho kẻ cầm quyền và chức sắc tôn giáo. Cách mạng Pháp cùng với gói Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền chỉ với 17 điều ngắn gọn đã thực sự mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới cho nhân loại. Loài người chợt bừng tỉnh biết khẳng định những “quyền cơ bản của cá nhân, bao gồm quyền tự do, quyền sở hữu, quyền ngôn luận và báo chí, quyền tự do tín ngưỡng và được đối xử bình đẳng trước pháp luật”. Văn bản này cũng đã sớm khẳng định rõ chính quyền và luật pháp là do dân, vì dân chứ không phải để áp bức dân. Lần đầu tiên nhân loại được ghi danh quyền làm người trong một văn kiện lịch sử viết bằng tiếng Pháp với một văn phong đơn giản và rõ ràng như ánh sáng. Loài người được thăng hoa như loài linh trưởng lần đầu tiên đứng thẳng trên hai chân.

Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền là món nợ đầu tiên nhân loại văn minh vay của nước Pháp, người Pháp cho đến ngày nay nhiều quốc gia vẫn chưa trả xong. Nhưng đó chưa phải là ân huệ cuối cùng. Nước Pháp còn đặt nền móng cho con đường văn minh của loài người bằng một nền văn học, nghệ thuật, khoa học rực rỡ với sự khẳng định giá trị của chủ nghĩa nhân văn cội nguồn “tự do, bình đẳng, bác ái”, với nguyên tắc tam quyền phân lập sinh ra từ một “thương nhân buôn rượu ở Bordeaux” (biệt danh tự nhận của triết gia Montesquieu) nhưng trưởng thành ở Paris và ra hoa kết trái trên toàn thế giới. Nước Pháp chưa hoàn hảo cũng như nhân loại chưa hoàn hảo. Là cái nôi nhân văn hiện đại nhưng cũng sớm có chủ nghĩa thực dân bạo tàn và chính người Pháp đã phát minh ra cỗ máy chém, một vết nhơ nổi tiếng. Nước Pháp, bằng máu xương của chính mình đã cho nhân loại những bài học về cái giá kinh khủng của bà đỡ bạo lực và giúp loài người tự hoàn thiện qua những phương cách khác nhau. Con cháu của các tác giả tuyên ngôn nhân quyền tay không đã quẳng vào sọt rác lịch sử vị tổng thống công trạng đầy mình với dân tộc như Charles De Gaulle khi nhận ra nguy cơ ông ta đe dọa nền dân chủ truyền thống. Trong tiếng Pháp, khi kể tác phẩm của một nhà văn, từ điển thường viết: “On lui doit…” ( mọi người nợ nhà văn cuốn này cuốn kia v.v.). Nhân loại còn nợ người Pháp, nền văn hóa Pháp nhiều món nợ vô giá, kể cả những bài học thất bại và sai lầm đẫm máu.

Không chỉ là máu và xác người Pháp vô tội trong rạp hát, nhà hàng mà là biểu tượng của những gì tinh túy nhất của nhân loại đã bị xúc phạm, mưu sát. Chúng đã tấn công vào loài người, vào tất cả chúng ta. Nhân loại đang đáp lại chúng: “Tôi là Paris!”

Đến Paris vào mùa đông cách đây mười năm tôi đã suy nghĩ lăn tăn về dãy người châu Á, châu Phi trải bạt bán đồ lưu niệm bên đường cạnh Khải Hoàn Môn y chang một góc chợ cóc nào đó ở Sài Gòn, cũng như có khá nhiều rác rưởi ở sân ga tàu cao tốc hiện đại bực nhất châu Âu, như ga Lyon ỏ Paris, ngạc nhiên bắt gặp một bợm nhậu bia đứng đái vào gốc cây cuối đường Damesme (một phố nhỏ tương đối « trưởng giả » ở quận 13 – chú thích của DĐ) và bất kỳ lúc nào cũng có thể dẫm lên một bãi phân chó trên vỉa hè mặc dù sáng nào cũng có xe công chính phun nước rửa sạch. Trước đó không lâu báo chí ầm ĩ về vấn đề nhập cư, chuyện người nhập cư đốt xe và dùng bạo lực bày tỏ bất mãn. Trao đổi với cậu em họ một giáo sư Toán, phải chăng nước Pháp đang quá rộng rãi, mất cảnh giác với người nhập cư có chiều hướng tăng hàng năm, cậu ấy bảo: “Đó là hậu quả của chủ nghĩa lãng mạn và nhân bản Pháp. Quốc gia châu Âu châu Mỹ nào cũng có người nhập cư đủ màu da từ các nước nghèo. Nước sở tại cho họ cư trú như khâu các tấm vải thành một cái chăn bình dân đủ đắp cho ấm người. Nhưng nước Pháp lại có tham vọng kết họ thành một tác phẩm nghệ thuật cỡ Cézane để hòa nhập với văn hóa Pháp! Xây chung cư cao cấp biếu không nhưng họ không ở, tràn vào trung tâm Paris bán hàng rong như anh thấy.” Đúng vậy, đó là nước Pháp. Những tay súng mang được AK vào nhà hát hôm nào, một phần do cảnh sát mất cảnh giác, phần nữa là do luật pháp quá tôn trọng quyền con người.

Trở lại Paris lần thứ hai năm năm sau đó sau khi qua mấy nước châu Âu trên 6 tuyến tàu cao tốc, tôi đã ghi vào nhật ký: “Ở Budapest cảm thấy một Paris thu nhỏ trong tủ kính. Đến Muchen thì hãi và ngỡ ngàng vì cái trang nghiêm, và kỷ luật chỉn chu đến mức nghe được tiếng ruồi bay của người Đức, nhưng đặt chân xuống ga LYON DE PARIS bỗng thở phào nhẹ nhõm, thấy như đang trở về nhà ở ga Hà Nội. Paris ơi, sao yêu Người đến thế?” Hôm nay tôi muốn viết thêm: Je suis Paris! Vâng Paris gần gũi không chỉ với tôi, với người Việt mà với cả nhân loại. Thành phố này, quốc gia này còn bất cập đủ thứ, nhưng nó là một giá trị vĩnh cửu, không chỉ là đài tưởng niệm mà vẫn còn là ngọn hải đăng cho một nhân loại tử tế, lành mạnh hướng tới tương lai.

“Bọn khủng bố đáng khinh bỉ” ( Ban Ki Moon) hãy nhớ kỹ điều này: tấn công Paris là tấn công vào nhân loại! Tôi là Paris! Loài người là Paris!


Nguyễn Quang Thân


Nguồn: bản tác giả gửi Diễn Đàn.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss