Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Tôi sẽ đọc lá thư của Huỳnh Khương An

Tôi sẽ đọc lá thư của Huỳnh Khương An

- A. RUSCIO — published 23/10/2007 11:05, cập nhật lần cuối 23/10/2007 21:58
Bài viết của nhà sử học Alain RUSCIO, đọc ngày 22-10-2007 tại Hội nghị hợp tác Pháp-Việt (Montreuil). Cùng ngày, các giáo sư sử học Pháp phải đọc cho học sinh nghe lá thư tuyệt mệnh của Guy Môquet, theo chỉ thị của tổng thống Pháp Sarkozy. Chỉ thị này bị phản đối khá mạnh, bản thân ông Sarkozy rốt cuộc cũng đi vắng chứ không đên đọc thư tại Trường trung học Carnot như đã hứa. Tất nhiên, sự phản đối không liên quan tới cuộc chiến đấu và sự hy sinh của Guy Môquet, Huỳnh Khương An và các đồng chí. (xem nguyên tác tiếng Pháp ở dưới)


Ngày 22 octobre,
tôi sẽ đọc lá thư
của Huỳnh Khương An


Alain RUSCIO


Lời mở đầu :


Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy, đã yêu cầu các giáo sư sử học, tới ngày 22 tháng mười này, đọc cho học sinh nghe lá thư tuyệt mệnh của Guy Môquet, bi xử bắn ngày 22.10.1941. Giới giáo chức phản ứng nhiều cách khác nhau.

Về phần tôi, nhân dịp này, tôi muốn nhắc lại – và điều này chắc nhiều người không biết – rằng, cùng ngày hôm ấy, một người Việt Nam cũng đã đổ máu cho nước Pháp 1.



an

Ngày 22 tháng mười, tôi sẽ đọc lá thư của Huỳnh Khương An... không phải cho học trò, bởi vì tôi đã ra khỏi ngành giáo dục từ nhiều năm rồi. Nhưng, vâng, tôi sẽ đọc lá thư của Huỳnh Khương An, một người Việt Nam yêu nước, một người cộng sản Pháp và Việt Nam. Tôi sẽ đọc cho người thân, cho bạn bè, và, ừ nhỉ, cho cả những người tham gia Hội nghị hợp tác Pháp-Việt lần thứ VII, sẽ khai mạc tại Montreuil, may thay, vào đúng ngày 22 tháng mười này.

Huynh gì cơ ? Chẳng mấy người Pháp, chẳng mấy nhà sử học, chẳng mấy đồng chí cộng sản biết đến tên anh.

Vậy mà giữa anh và Guy Môquet, có ít nhất hai điểm tương đồng : họ là cộng sản và họ bị bắt làm con tin và, ngày 22.10.1941, họ bị xử bắn ngày 22.10.1941. Đối với Guy, An là một "ông già". Những 29 tuổi mà !

Thừa lệnh tổng thống Sarkozy, Bộ giáo dục Pháp chỉ thị cho các giáo sư sử học, ngày hôm nay, 22-10, phải đọc lá thư tuyệt mệnh của Guy Môquet, người thanh niên cộng sản 17 tuổi, đã bị chính quyền tay sai Vichy bắt giam và quân đội Nazi bắn chết cách đây đúng 66 năm. Giới giáo chức phản ứng trái ngược nhau, vì những lí do khác nhau. Riêng tại Lycée Carnot (quận 17, Paris), trường cũ của Guy Môquet, nhiều giáo sư tuyên bố sẽ không tham gia buổi lễ kỉ niệm "có thâm ý chính trị" này. Sarkozy trước đây dự định tới dự lễ, rốt cuộc đã "cáo lỗi" vì bận đi... Maroc.

Tác giả bài viết này là nhà sử học Alain Ruscio, chủ tịch CID Vietnam (Trung tâm Thông tin và Tư liệu về Việt Nam đương đại). Ruscio dự định đọc tham luận này tại Hội nghị lần thứ VII về hợp tác Pháp-Việt do Bộ ngoại giao Pháp, Bộ nội vụ Việt Nam, sẽ khai mạc cùng ngày 22.10 tại Montreuil (xem thông báo). Nguyên tác tiếng Pháp đã đăng trên báo L'Humanité ngày 18.10.2007

© bản tiếng Việt của Diễn Đàn.

Chân dung Huỳnh Khương An : Huma-Dimanche

Sinh tại Sài Gòn, tại đất nước Việt Nam mà bọn thực dân cứ muốn gọi là Indochine, Huỳnh Khương An sang Pháp, tới học ở Lyon. Anh học giỏi, sắp sửa trở thành giáo sư Pháp văn tập sự. Và tham gia tận tình vào sinh hoạt chính trị Pháp. Đảng viên Đảng cộng sản Pháp, bí thư Đoàn sinh viên Cộng sản vùng Lyon, anh hoạt động  rất mạnh, nhất là trong Hội những người bạn của Liên Xô, bên cạnh người bạn đời của mình là Germaine Barjon. Năm 1939, Đảng Cộng sản bị cấm, An hoạt động trong vòng bí mật.

Anh được bổ nhiệm tại Trường trung học Versailles. Chính tại Versailles mà anh bị bắt (các nguồn lịch sử không nhất trí về thời điểm : tháng ba hoặc tháng sáu 1941), rồi đưa đi giam giữ ở Chateaubriant. Những gì xảy ra sau đó, kinh khủng thế nào, thì mọi người đều biết.

Đây là bức thư tuyệt mệnh của Huỳnh Khương An :

« Hãy can đảm lên, em yêu của anh. Đây chắc là lần cuối cùng anh viết cho em. Ngày hôm nay, anh sẽ lìa đời. Anh và các bạn, khoảng hai mươi đồng chí, đang bị tạm giam trong một gian nhà trống, sẵn sàng hy sinh trong tư thế dũng cảm và nhân cách. Em sẽ không hổ thẹn vì anh. Em sẽ cần rất nhiều dũng cảm để sống, nhiều hơn là anh cần để chết. Nhưng nhất định em phải sống. Bởi vì con, đứa con trai bé nhỏ của chúng ta ; khi nào gặp lại con, em hãy hôn nó cho anh, thật chặt. Từ nay, em phải sống bằng kỉ niệm, những kỉ niệm tươi đẹp của chúng ta, năm năm trời hạnh phúc ta đã sống với nhau. Vĩnh biệt, em yêu ».

Ở Paris, tại nghĩa trang Père-Lachaise, có tượng đài kỉ niệm các liệt sĩ Chateaubriant. Dưới dòng tên họ HUYNH KHUONG AN, chỉ có một danh từ, lỗi thời : Annamite.

Tôi xin nhắc lại sự kiện này để chúng ta cùng suy ngẫm. Sự hiện diện của người dân một nước thuộc địa, của một người nhập cư, bên cạnh những liệt sĩ người Pháp, phải chăng là cách để Lịch sử đưa mắt cho chúng ta ? Phải chăng đó là một biểu tượng ? Chế độ Vichy, là kẻ đã giao nộp họ, và bọn Nazi đã giết họ, chắc hẳn đã nhìn "tên ngoại quốc" lộn lạo trong "bọn khủng bố" bằng con mắt miệt thị. Chúng có đòi xét DNA (*) di truyền của anh để có quyền chết cho nước Pháp ?

Tôi không chủ trương tẩy chay việc đọc cho học sinh lá thư của Guy Môquet. Song chúng ta hãy đọc, như để trả lời cho nạn bài ngoại đang ngoi lên (lần nữa), như một lời đồng vọng,  lá thư của một người Việt Nam, một người ngoại quốc mà cũng là người anh em của chúng ta.


Alain RUSCIO


1 Tôi dựa vào mục tiểu sử rất súc tích của Michel Dreyfus, « Huynh Khuong An, dit Luisine », trong Dictionnaire biographique du mouvement ouvrier français, Paris, Éditions de l'Atelier, 1988,  do  Claude Pennetier chủ biên. 

(*) Dư luận đang phản đối việc chính quyền Sarkozy đề ra đạo luật dùng xét nghiệm DNA để cho phép hay từ chối đoàn tụ gia đình của người nhập cư (chú thích của DĐ).

___________________________

(vì bản tiếng Pháp khó tìm trên mạng, chúng tôi được phép tác giả công bố nguyên tác :)

Le 22 octobre, je lirai
la lettre de Huynh Khuong An…

 

Alain Ruscio

 Historien, Président du Centre d’Information et de Documentation sur le Vietnam contemporain

 

Le Président de la République, Nicolas Sarkozy, a demandé aux enseignants d’Histoire de lire à leurs élèves, ce 22 octobre, la dernière lettre de Guy Môquet, fusillé le 22 octobre 1941. Les réactions des enseignants ont été diverses.  

Pour ma part, j’ai saisi cette occasion pour rappeler – et sans doute pour apprendre à beaucoup – que, ce même jour, un Vietnamien avait lui aussi versé son sang pour la France [1].

 

 
Le 22 octobre, je lirai la lettre de Huynh Khuong An… pas à mes élèves, puisque j’ai quitté l’enseignement il y a bien des années.  Mais, oui, je lirai la lettre de Huynh Khuong An, un patriote vietnamien, un communiste français et vietnamien. A mes proches, à mes amis et même, tiens, aux participants des VII è Assises de la Coopération franco-vietnamienne qui commenceront, heureuse coïncidence, précisément ce 22 octobre, à Montreuil. 

Huynh comment ? Peu de Français, peu d’historiens, peu de ses camarades de Parti connaissent son nom.  

Il a pourtant avec Guy Môquet deux points, au moins, en commun : il était communiste et il a été fusillé à Châteaubriand, comme otage, le 22 octobre 1941. Il était, par rapport au jeune Guy, un vieux. Pensez donc : il avait 29 ans !  

Né à Saigon, dans ce Vietnam que les colonialistes s’obstinaient alors à appeler Indochine, il était venu en France, à Lyon, pour y poursuivre des études. Qu’il réussit brillamment, au point de devenir professeur stagiaire de français. Non sans s’investir à fond dans la vie politique française. Membre du PCF, Secrétaire des Etudiants communistes de la région lyonnaise, il milite beaucoup, en particulier au sein des Amis de l’Union soviétique aux côtés de son amie et compagne Germaine Barjon. En 1939, après l’interdiction du PCF, il participe à la vie clandestine de son Parti. 

Nommé au lycée de Versailles, c’est là qu’il est arrêté (les sources divergent : en mars ou en juin 1941), puis envoyé à Châteaubriand. Le suite, terrible, est connue. 

Voici sa lettre : 

« Sois courageuse, ma chérie. C’est sans aucun doute la dernière fois que je t’écris. Aujourd’hui, j’aurai vécu. Nous sommes enfermés provisoirement dans une baraque non habitée, une vingtaine de camarades, prêts à mourir avec courage et avec dignité. Tu n’auras pas honte de moi. Il te faudra beaucoup de courage pour vivre, plus qu’il n’en faut à moi pour mourir. Mais il te faut absolument vivre. Car il y a notre chéri, notre petit, que tu embrasseras bien fort quand tu le reverras. Il te faudra maintenant vivre de mon souvenir, de nos heureux souvenirs, des cinq années de bonheur que nous avons vécues ensemble. Adieu, ma chérie. »

Il y a, à Paris, au père Lachaise, un monument érigé aux martyrs de Châteaubriant. Sous le nom de Huynh Khuong An, une simple mention, d’ailleurs anachronique : Annamite. 

Je livre cette courte évocation à la réflexion. Et si la présence d’un immigré, d’un colonisé, aux côtés des martyrs français, était un clin d’œil de l’Histoire ? Et si elle prenait valeur de symbole ? Le régime de Vichy, qui a livré les otages, ou les nazis, qui les ont fusillés, ont très certainement considéré avec mépris cet étranger venu se mêler aux terroristes. Lui ont-ils demandé de prouver, par son ADN, le droit de mourir pour la France ?     

Je ne suis pas partisan du boycott de la lecture de la lettre de Guy Môquet. Mais lisons également, comme en écho, comme en réponse à la xénophobie qui (re)pointe son mufle, celle d’un Vietnamien, un étranger et notre frère pourtant.

 


[1] Je me suis inspiré de la notice biographique fort bien informée, rédigée par Michel Dreyfus, « Huynh Khuong An, dit Luisine », in Claude Pennetier (dir.), Dictionnaire biographique du mouvement ouvrier français,  Paris, Éditions de l'Atelier, 1988 

Article paru dans L’Humanité, 18 octobre 2007.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us