Trái bóng còn lăn
Trái bóng còn lăn
Nguyễn Tường Bách
Ngày hè tại Đức
thường rất nóng, năm nay nóng hơn
Michael hay Mesut
Michael là một cái tên con trai thường thấy tại Đức, nhưng Mesut thì hiếm. Trong một hội bóng đá Đức với vài chục người thế nào người ta cũng tìm ra những thiếu niên tên gọi Michael hay những tên cùng vần như Matthias, Markus. Giày vớ gọn gàng, tuân lời huấn luyện, họ ráo riết tập dợt, mơ một ngày huy hoàng. Các cầu thủ trẻ đó mơ được đá trong một đội cầu trong Bundesliga. Có cả giấc mơ lớn hơn, mong được trở thành cầu thủ quốc gia Đức, mang trên ngực bốn ngôi sao. Có giấc mơ vĩ đại hơn nữa, được các đội cầu quốc tế o bế mua với giá hàng chục triệu, lương tính hàng tuần chứ không phải hàng tháng, thu nhập tính hàng phút chứ không hàng năm, như chàng cầu thủ nọ xứ Portugal. Cỡ như Michael Ballack hẳn phải xuất hiện vài người nữa chứ!
Nhưng thời thế đổi thay! Xứ Đức cũng có vài cầu thủ xuất sắc mang dòng máu Đức thuần chủng, đang chơi cho Paris, Turin hay Real Madrid. Thế nhưng chàng trai Đức được hâm mộ nhất trong làng bóng đá quốc tế lại là một người gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Người Đức ngỡ ngàng, có kẻ nghiến răng, thấy chàng chỉ đứng thứ tư sau Ronaldo, Messi và Neymar, nếu tính số lượng của người tâm phục khẩu phục theo chàng trên các trang mạng xã hội. Cầu thủ Đức chính thống và thuyết phục nhất trong trận World Cup vừa qua là Toni Kroos thì đứng sau chàng xa. Có người đi du lịch tận bên kia địa cầu, đến xứ Indonesia, khi nói mình là người Đức thì được một nông phu vô danh nào đó đáp lại “Ah, Germany, Özil”. Xếp sau Özil là Helmut Kohl hay bà Thủ Tướng Merkel về độ tiếng tăm và quan trọng.
Mesut là tên do cha mẹ đặt cho chàng trai mang họ Özil. Anh “chỉ là” một người Thổ, sinh ra tại Đức trong một gia đình không lấy gì làm khá giả, ham mê bóng đá từ nhỏ. Nghe tên Mesut người ta biết ngay là người Thổ, không sao so sánh được với một Michael tóc vàng mắt xanh. Hãy nghe tự sự của Mesut: “tôi cảm nhận rằng, hễ mang tên Matthias hay Markus hay Michael, dù cho họ không bao giờ hay hơn tôi, họ cũng được ưu thế hơn. Hay người ta không nhận tôi vì tên của tôi, hay họ không ưa tên Mesut, vì tôi là người nước ngoài? Tôi cảm nhận thế”. Elgert, huấn luyện viên ngày xưa của Özil cho rằng, đời anh đã “quen bị chối từ”. Ông ta có lý, quả thực người Thổ hay bị chối từ tại Đức.
Nhưng Mesut Özil ngày nay hết bị chối từ. Anh là một cầu thủ trung vệ tấn công thuộc loại hay nhất trên đẳng cấp quốc tế. Tài của anh nằm ở chỗ “châm” bóng cho đồng đội làm bàn. Số lượng chuyền bóng tài tình để sinh bàn thắng của anh lên đến trên 40 quả, chúng cần một đầu óc bất ngờ và sáng tạo trong sự di chuyển thần tốc và liên tục của hai phía. Nhiều người sính dùng chữ to tát gọi anh là “thiên tài”.
Lên đỉnh vinh quang nhưng xưa nay Özil có một bề ngoài rất khác. Anh thuộc loại mảnh mai trong giới cầu thủ bóng đá, cặp mắt to và luôn mang một chút buồn bã. Anh ôn hòa, ít cãi trọng tài, tinh thần đồng đội cao, ngại phát biểu, thậm chí rụt rè. Có lẽ anh được nhiều người yêu thích là ở chỗ đó. Nhưng người Đức có kẻ ghét anh vì anh là Mesut chứ không phải Michael. Họ săm soi thấy anh không chịu hát quốc ca Đức trước trận đấu, nhép môi cũng không. Họ nhớ rõ năm xưa lúc Đức gặp Thổ Nhĩ Kỳ trong một trận đấu, anh là tuyển thủ Đức, làm được một bàn thắng nhưng mặt anh buồn xo, không reo mừng như thường lệ. Nhiều người hiểu, vì trong tim anh, Thổ Nhĩ Kỳ là quê hương của anh, anh không nỡ. Anh kể, mẹ nhắc anh, con nên biết mình từ đâu tới.
Sự việc lên đến đỉnh điểm khi Özil chụp hình cùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan vài ngày trước World Cup vừa qua. Anh bị phê phán tồi tệ, nhiều người muốn gạch tên Özil ra khỏi đội tuyển. Đội Đức tiếp tục thi đấu với sự có mặt của anh và thất bại thảm hại. Từ một biến cố thể thao hồ sơ Özil chạm đến một vấn đề xưa nay kín tiếng dù ai cũng biết.
Mesut Özil là biểu tượng rõ nét nhất của một khía cạnh đặc trưng của xã hội Đức. Anh thuộc về thế hệ 3 của cộng đồng người Thổ tại Đức, một cộng đồng khoảng ba triệu dân với tất cả đặc thù của nó.
Từ người lao động...
Đầu những năm 60 thế kỷ trước, nền công nghiệp Đức cần sức lao động giản đơn, số lượng càng nhiều càng tốt. Từ Thổ Nhĩ Kỳ xa xôi, nhiều người lên đường đến xứ Germany để kiếm việc làm. Trong số đó có gia đình Özil, nhưng khi đó chưa ai gắn Germany và Özil vào nhau cả. Ông bà nội của Mesut cùng bố của anh, lúc đó mới 2 tuổi, dắt díu nhau từ bờ biển Hắc Hải đến Gelsenkirchen, vùng công nghiệp đầy bụi than của Đức để kiếm sống.
Phần lớn người Thổ di cư qua Đức dĩ nhiên đều nghèo khổ, các nhà quí tộc tại Istanbul hay Ankara không có lý do gì để ra đi. Một điều đáng chú ý cho mọi sắc dân là chính những người nghèo khổ đó lại quan tâm nhất trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc và tôn giáo của họ. Một mặt họ hòa nhập để kiếm việc làm, mặt khác họ vẫn giữ ngôn ngữ, tôn giáo và thói quen sinh hoạt. Thời đó người Đức đã thốt lên: “Chúng ta cần sức lao động, nhưng đến với chúng ta là...những con người”.
“Những con người” đó, trải qua hàng chục thập kỷ và sinh con đẻ cái trên đất Đức thành hai ba thế hệ, vẫn còn một điểm chung. Đó là bình quân thu nhập của họ tương đối thấp, mặt bằng đào tạo và học vấn khiêm tốn, nhưng quan trọng nhất là họ quyết giữ vững lòng tin Hồi giáo. Dĩ nhiên ta phải kể một số người Thổ xuất sắc trên nhiều lĩnh vực và một số đã hồi hương, nhưng phần lớn người Thổ sống trên đất Đức có cảm nhận mình là công dân hạng hai trong xã hội. Họ hay sống co cụm trong từng khu phố. Hồ sơ mang tên người Thổ khi đi xin việc, khi thuê nhà thường bị đối xử phân biệt. Mesut không thể sang trọng bằng Michael. Trong chuyện bóng đá cũng thế thôi, Özil bị đội cầu Schalke 04 từ chối 4 lần, mãi khi xin lần thứ 5 mới cho vào đá đội thiếu niên.
Nhưng trăm nỗi từ đâu? Mesut Özil đã tỏ lòng chấp nhận nước Đức làm quê hương của mình, khi chàng nhận quốc tịch Đức để vào đội tuyển quốc gia. Đừng quên có vài chàng người Thổ khác như Altintop thẳng thừng từ chối Đức để trở thành cầu thủ của Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng người Đức vẫn chăm bẳm nhìn môi không chịu hát của Mesut khi quốc ca vang lên và sẵn sàng đổ hô cho Özil đá dở khi đội Đức bại trận. “Khi Đức thắng thì tôi là người Đức, khi Đức thua thì tôi là thằng Thổ”, Mesut nói thế trong những ngày vừa qua.
Ta chỉ có thể kết luận là người Đức có một vấn đề, phân biệt Đức-Thổ, hay nói chính xác hơn, phân biệt chủng tộc. Từ “phân biệt chủng tộc”, như Özil đang ám chỉ Tổng cục bóng đá Đức (DFB), là một từ lên án nặng nề, ta cần có chút phân tích công bằng.
“Thuộc về” hay “không thuộc về”
So với các cộng đồng khác, số lượng ba triệu dân Thổ Nhĩ Kỳ vượt trội. Nếu ta nhớ cả nước Croatia chỉ hơn 4 triệu dân thì cộng đồng Thổ không hề nhỏ. Có lẽ số lượng dân cư này trở thành vấn đề của nước Đức. Nhưng lý do then chốt của sự phân biệt tại Đức đi từ thực tế, đây là một cộng đồng Hồi giáo. Thế nên số lượng dân cư lớn, tương đối tập trung trong các thành phố lớn và quyết giữ Hồi giáo trong niềm tin và sinh hoạt của người Thổ chính là lý do sinh ra rắc rối trong mấy chục năm qua.
Từ 20 năm qua, trước sự nhập cư của người nước ngoài, người Đức trăn trở với một cái mệnh danh là nền “văn hóa chủ đạo” (Leitkultur). Họ muốn rạch ròi rằng, đồng ý Đức là nước nhập cư, xã hội Đức là xã hội mở, nhưng nền văn hóa Cơ đốc giáo phải là chủ đạo. Năm 2010, tổng thống Đức hồi đó là Christian Wulff mạnh dạn nói rằng, Hồi giáo “cũng thuộc về” nước Đức sau khi đã cẩn thận xác định Cơ đốc giáo, Do thái giáo “thuộc về” nước Đức. Wulff bị một làn sóng phẫn nộ phản ứng, người phản bác cho rằng Hồi giáo “không thuộc về”.
Người ta chỉ có thể lắc đầu trước đề tài tranh luận hầu như vô bổ này. Từ “thuộc về” (gehören) rất khó xác định nội dung. Có thứ hồi trước “không thuộc về” nhưng nay “thuộc về”. Có thứ tại Berlin thì “thuộc về” nhưng nơi làng quê “không thuộc về”. Từ này tùy thuộc tính chất thời gian và không gian, hai khái niệm khó nhất của ngôn ngữ. Người ta tức cười thấy Đức cũng loay hoay đi tìm “bản sắc” dân tộc, một điều tưởng chừng như các cộng đồng nhập cư mới phải lo lắng.
Từ năm 2015 các nhà bảo vệ “bản sắc” của Đức gặp đại họa. Hơn một triệu người di tản của Syria, Afghanistan nhập cư vào Đức. Họ góp phần gia tăng dân số Hồi giáo lên cả triệu, khoét sâu sự phân hóa trong lòng nước Đức. Sự hiện diện của thành phần mới nhập cư chính là tác nhân làm cho đảng AfD, đảng cực hữu chống người nước ngoài, vọt lên chiếm 15% số phiếu. Ta không loại bỏ họ có thể qua mặt cả đảng Dân chủ xã hội SPD, hiện nay chiếm chỉ 18% số phiếu trong các cuộc thăm dò.
Trong bối cảnh đó, đảng CSU, vốn thuộc cánh hữu của Đức, xưa nay tự xưng bên hữu của mình sẽ không có ai, nay vô cùng hoảng sợ vì bị AfD cướp phiếu. Đảng này hoạt động tại vùng nam Đức Bavaria, lại đem chuyện “chủ đạo” ra, tuyên bố Cơ đốc giáo phải là nền “văn hóa chủ đạo”. Họ ra lệnh mọi công sở phải treo thánh giá để xác định cho rõ ai trưởng ai thứ. Rồi cũng kỳ lạ thay nước Đức ngày nay, Hồng Y Reinhard Marx, Chủ tịch Hội đồng giám mục Cơ đốc giáo tuyên bố phản đối lệnh treo thánh giá, cách lợi dụng tôn giáo để làm chính trị của CSU, gây “chia rẽ và bất ổn”. Điều tích cực cần ghi nhận là Nhà thờ Đức lại có chủ trương ôn hòa và chấp nhận người nhập cư Hồi giáo.
Rồi sao nữa?
World Cup đã bế mạc, các cầu thủ bắt đầu tập dượt cho mùa sau. Từ một người ít nói, Mesut Özil tuyên bố sắc bén, tự rút khỏi đội tuyển Đức, lên án Tổng cục bóng đá “phân biệt chủng tộc”. Özil viết trên mạng xã hội bằng Anh ngữ, hiển nhiên là nói với các người hâm mộ mình trên khắp thế giới. Điều này lại gây phẫn nộ trong tâm lý bảo thủ của Đức, quốc ca hắn không hát, nay tiếng Đức hắn không nói nữa. Ta có thể đoán Özil sẽ chơi cho các đội Anh, Pháp hay Tây Ban Nha, không bao giờ trở lại quê hương đã khắt khe với anh. Cặp mắt Mesut đã buồn nay sẽ buồn hơn?
Dù chỉ là một Mesut, dù chỉ là một cầu thủ bóng đá đang chơi tại nước ngoài, thư của Özil lại là đề tài sôi động nhất của báo chí và chính trường Đức trong những ngày qua. Lý do đơn giản là hồ sơ Özil động đến một câu chuyện cốt tử của dân tộc Đức. Có hay không nạn phân biệt chủng tộc tại Đức? Và vấn đề này là nội dung tranh luận ồn ào từ trong các bàn bia ngày hè đến văn phòng Quốc hội và Thủ Tướng Đức. Cũng qua vấn đề này người ta thấy nước Đức đang bị phân hóa sâu sắc chưa từng thấy.
Các nhà chính trị khả kính cũng đang nghỉ hè. Khi các vị đó trở lại, người ta sẽ quên bớt Özil. Người ta cũng không muốn anh quá quan trọng. Phần anh thì anh còn mải tập đi banh, châm bóng tại FC Arsenal. Các nhà chiến lược sẽ nhức đầu vì bang Bavaria sắp bầu cử. Tất cả chỉ xoay quanh trục di tản và nhập cư. Bao nhiêu người được nhập cư, chặn hay không các người di tản tại biên giới, treo hay không treo thánh giá, phụ nữ Hồi giáo được bịt khăn choàng hay không... sẽ trở thành đề tài tranh cử. Ai cũng biết, kể từ Trump thì đường lối tranh cử kiểu dân túy sẽ ăn khách, ăn phiếu. Người ta cho rằng nước Đức đang phân hóa, các cấu trúc đảng chính trị Đức sẽ thay đổi triệt để, bi quan nhiều hơn lạc quan.
Thế nhưng, để kết luận, nên nói lại với nhau rằng, những ai tại Đức nửa thế kỷ qua đều thấy rõ một điều. Đó là nước Đức đã trở thành một nước nhập cư, một xã hội mở, nới rộng vòng tay mình cho biết bao nhiêu người thất cơ lỡ vận. Đáng khen thay. Thế nhưng trong lòng nước Đức luôn luôn chứa một khuynh hướng phân biệt chủng tộc và vô cùng bảo thủ. Mặt khác, lịch sử của Đức cũng đã dạy cho dân tộc họ một điều hết sức thấm thía, đó là phân biệt chủng tộc chỉ dẫn đến chia rẽ và thảm họa. Vì vậy mà ngày nay Đức có một vốn xã hội gồm trí thức, chính trị gia, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà kinh doanh... tiến bộ và có mặt trên mọi tầng lớp xã hội. Xem ra họ có thể giữ được ảnh hưởng và đa số phiếu trong một thời kỳ mà ta có thể gọi là thoái trào của nền dân chủ và pháp quyền trên thế giới.
Nguyễn Tường Bách
26.7.2018
Các thao tác trên Tài liệu