Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Trân châu và Linh địa Nhật Bản

Trân châu và Linh địa Nhật Bản

- Trương Văn Tân — published 23/02/2023 21:40, cập nhật lần cuối 24/02/2023 15:32

Trân châu và Linh địa Nhật Bản


Trương Văn Tân



Khi muốn đi tìm nguồn cội của nền văn hóa và linh hồn Nhật Bản thì có lẽ bán đảo Kii ở phía nam hai thành phố Osaka và Kyoto là nơi cho nhiều thông tin tham khảo. Từ Tokyo tôi lái xe dọc theo con đường Tokaido (Đông hải đạo) rồi rẽ vào bán đảo Kii ở phía Nam thành phố Nagoya thì đến thành phố Yokka-ichi cửa ngõ đi vào bán đảo Kii. Yokka-ichi từng là biểu tượng cho sự hùng mạnh của nền kinh tế Nhật Bản trong thời kỳ phát triển cao độ ở thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước. Nhưng Yokka-ichi cũng là biểu tượng của ô nhiễm vì những cơ sở công nghiệp nặng, nhà máy lọc dầu có mặt khắp nơi ở thành phố này. Khói nhà máy đã từng phủ lấp bầu trời. Ngày nay, ô nhiễm đã biến mất, những chiếc ống khói khổng lồ đã từ lâu tắt khói, bầu trời thành phố trong xanh trở lại, những đàn cá nhỏ lượn lờ trong dòng sông trong veo nhìn thấy đáy.

Con đường cổ Tokaido như một vệt cắt phân đôi hai miền. Phía bắc của con đường này là bình nguyên Kansai bao gồm nhiều thành phố quan trọng kéo dài từ Nagoya đến Kyoto và Osaka nhộn nhịp với những hoạt động kinh doanh hừng hực sức sống của một nền kinh tế hùng mạnh nhất nhì vùng Đông Á. Miền phía nam là vùng sơn địa của bán đảo Kii chập chùng rừng núi. Càng đi về phía nam bán đảo, cảnh quan nhộn nhịp với những chiếc xe tải ầm ĩ ngược xuôi và những chiếc tàu hàng khổng lồ ở các bến cảng dần dần được thay thế bởi màu xanh của cây rừng và màu xanh của biển với những ngọn sóng bạc đầu lung linh phản chiếu trong ánh nắng mặt trời. Núi đồi tập trung ở trung tâm bán đảo tạo nên một vùng chắn thiên nhiên mà cho đến đầu thế kỷ 20 khu vực phía nam bán đảo (tỉnh Wakayama ngày nay) vẫn là một nơi cô lập tách rời ra khỏi phần còn lại của Nhật Bản. Ngày xưa người Nhật xem vùng này như là "cô đảo" (hòn đảo cô lập) của đất liền. Muốn đến đây người ta phải đi bộ vượt thác băng rừng.

Có di chuyển bằng xe hơi, mới biết được Nhật Bản không chỉ có rừng, núi, biển, đảo mà còn có sông rạch. Núi phải gắn liền với khe suối để nước mưa có thể thoát ra biển, nên trong tiếng Hán Việt có từ "sơn khê". Nhiều khe suối nhỏ hợp lưu tạo nên những dòng sông. Phần lớn những con sông Nhật không phải trường giang dài rộng như dòng Mekong mà chỉ có bề rộng trung bình vài mươi mét. Núi rừng chiếm gần 90% diện tích nước Nhật nên không gì ngạc nhiên khi Nhật có hơn 13.000 ngọn núi và 20.000 con sông dài ngắn khác nhau. Địa lý đa dạng đi cùng vùng miền nên các địa danh Nhật thường có tên gắn liền với những từ như kawa (sông), hama (bờ biển), yama (núi), oka (đồi), mori (rừng), shima (đảo).

Ngày nay, những đường hầm xuyên núi đã khắc phục được khó khăn giao thông, đem văn minh đến vùng cực nam bán đảo Kii. Khi đi vào vùng đồi núi xe phải xuyên qua hơn 20 con đường hầm, có những hầm dài hun hút hơn 4 km, hầm ngắn vài trăm mét nối tiếp nhau trên tuyến đường dài 100 km. Giữa hai hòn núi thỉnh thoảng có dòng sông nhỏ chảy ngang một thung lũng bằng phẳng. Trên đó làng xóm mọc lên tạo nên một bức tranh đồng quê Nhật Bản yên tĩnh mộc mạc với núi rừng.

Đi ngang dọc hơn 1500 km trên bán đảo Kii dừng chân tại thị trấn Toba, thành phố Ise, thị trấn Koyasan và một số vùng lân cận, tôi tìm hiểu địa hình và những nét văn hóa lịch sử tại đây mà người Nhật gọi là "Linh địa". Mỗi nơi mang một sắc thái riêng biệt đã cho tôi nhiều cảm hứng và suy tư khác nhau. Lúc thì hồn nhiên chìm đắm trong các ý tưởng khoa học của quá trình cấy ngọc trai ở Toba, lúc thì cố gắng lý giải triết lý Phật học khi đặt chân đến linh địa Koyasan, lúc thì bức xúc quan tâm đến môi trường khi đi qua những cảnh quan hùng vĩ. Những quãng đường dài mà tôi lang thang đi qua đã mang đến cho tôi nhiều xúc cảm mênh mang trong một niềm vui bình dị. Bây giờ, tôi muốn lang thang chữ nghĩa cùng bạn đọc để chia sẻ những cảm xúc đó bằng những dòng chữ tản mạn theo nhịp dao động tùy hứng vui buồn của con tim.


H1a H1b


Trân châu Toba


Dọc theo bờ biển phía đông của bán đảo đi về phía nam là thị trấn Toba và thành phố Ise. Nơi này có những trại nuôi tôm hùm Ise nổi tiếng trong ẩm thực Nhật Bản và trại nuôi hàu để thu hoạch ngọc trai. Bờ biển vùng này được tạo bởi nhiều vịnh hẹp ngoằn ngoèo đi sâu vào đất liền, quanh năm khí hậu ôn hòa, ít gió to sóng dữ, nước biển trong xanh. Ngọc trai còn có tên là "trân châu" là món trang sức quyến rũ và sang trọng như kim cương, thứ mà từ ngàn xưa đã làm mê mệt phái đẹp ở mọi giai cấp từ nữ hoàng đến thứ dân, trong mọi thời đại từ Cleopatra đến Elizabeth II. Nhưng việc tạo ngọc trai phó mặc cho trời trong cơ thể con hàu thì chưa bao giờ cho ra những viên ngọc tròn hay những hình thể mà con người yêu thích.

H2
Trong lòng biển của con vịnh hẹp ngoằn ngoèo
có nhiều trại nuôi hàu cấy ngọc. (Ảnh: Truong)


Mikimoto Kokichi sinh ra và lớn lên tại Toba vào giữa thế kỷ 19 (thời Minh Trị) là một nhân vật cách mạng hóa việc cấy ngọc trai. Ông là con trưởng của người bán mì udon nghèo khó. Ngày ngày ông nhìn thấy ama (hải nữ), những phụ nữ chuyên nghiệp lặn bắt hải sản, ngọc trai theo truyền thống Nhật trong vùng biển Toba. Khi nhìn những hạt ngọc trai tự nhiên nhiều màu sắc nhưng hình dạng xấu xí ông nảy ra ý định làm ra viên ngọc trai tròn cân đối. Ông đã cấy được những ngọc trai hình cầu sau 12 năm mày mò nghiên cứu. Cơ bản việc cấy ngọc trai là để vào cơ thể con hàu một vật làm "nhân" như một chất nền. Khi dị vật được đặt vào cơ thể con hàu thì nó tự động phủ lên vật này những lớp xa cừ (nacre) như một cách phòng vệ. Tiếc rằng những hạt cát hiện diện trong lòng biển hay sông quá nhỏ để con hàu cảm nhận. Nếu chúng cảm nhận được, có thể con ngươi đã thu hoạch được vô số cát xa cừ!

Xa cừ chứa phần lớn hợp chất canxi cacbonat có thành phần giống như viên phấn viết bảng. Điều này cũng không khác gì kim cương có một nguồn gốc khiêm tốn là tập hợp của các nguyên tử cacbon. Con hàu "thông minh" biết tạo những lớp xa cừ cứng bằng công nghệ nano, trong khi viên phấn do con người tạo nên chỉ là hạt canxi cacbonat bời rời. Mỗi lớp xa cừ có cấu tạo như bức tường gạch của người thợ nề, với những viên gạch nano canxi cacbonat được gắn dính vào nhau bằng chất protein như xi măng. Lớp tường nano này có độ cứng 3000 lần lớn hơn viên phấn. Màu sắc của xa cừ sặc sỡ giống như bọt xà phòng là do sự phản xạ ánh sáng từ các lớp xa cừ có độ dày mỏng khác nhau. Để ngọc trai có một màu đồng nhất thì độ dày phải đồng nhất bao gồm những màu trong ánh sáng thấy được từ màu hồng đến màu xanh. Cuộc đời sẽ rất chán nếu mọi thứ chỉ có một màu. Cũng như kim cương, con người cũng muốn có ngọc trai nhiều màu khác nhau, nhất là màu hồng hay màu xám đen. Con hàu sông cho màu ngọc trai khác con hàu biển. Tương tự, hàu ở đại dương này khác hàu đại dương kia. Phẩm màu thiên nhiên chứa trong cơ thể con hàu là những khoáng chất hóa học và khoáng chất này thay đổi theo vùng miền cho ra những màu khác nhau. Việc tìm ra cơ chế để điều chỉnh màu thiên nhiên của ngọc trai vẫn là đề tài nghiên cứu khoa học sôi động trong sinh học phân tử. Đơn giản, những loại nghiên cứu này là thứ làm ra tiền, và rất nhiều tiền. Quả thật, nhiệt tình yêu thích ngọc trai và sự hào phóng chi trả của chị em phái đẹp đã thành động lực chính thúc đẩy việc nghiên cứu sinh học cũng như sinh lý học của con hàu, con trai, bào ngư từ thời đại của Mikimoto; mà cho đến ngày nay vẫn chưa chấm dứt.

Công ty Mikimoto trở thành thương hiệu nổi tiếng thế giới hơn nửa thế kỷ và chiếm thị phần toàn cầu hơn 50%. Nữ hoàng Elizabeth II nước Anh từng lặn lội đến thị trấn Toba nhỏ bé này để viếng xưởng ngọc trai Mikimoto. Khi bước vào Viện Bảo tàng Trân châu Mikimoto tại thị trấn Toba, điều tôi muốn biết là cái nhân hình cầu làm từ chất liệu gì, phải chăng từ plastic? Tôi được cô chuyên gia của Viện trả lời rằng, "Công ty chúng tôi không dùng plastic làm nhân mà chỉ dùng vỏ của con hàu nước ngọt sông Mississippi tại Mỹ. Sau đó gia công thành hình cầu hay các dạng khác nhau", "Tại sao phải là hàu Mississippy?", tôi hỏi tiếp. Câu trả lời rất đơn giản, "Tại vì con hàu này có vỏ dày nhất trong các loại hàu". Bề dày vỏ hàu sông Mississippi có thể đạt đến 15 mm và cũng là giới hạn cùa đường kính ngọc trai. Tôi rất thú vị với câu trả lời, vì việc dùng vỏ con hàu Mỹ làm nhân cho con hàu Nhật phủ lớp xa cừ tạo ra ngọc trai là một phương pháp công nghệ sinh học rất độc đáo. Nó là vừa là công nghệ "xanh" (green technology) vừa mô phỏng thiên nhiên giống như con bào ngư phủ lên những lớp xa cừ (mother-of-pearl) nhiều màu sắc ở mặt sau vỏ của nó. Phương pháp "xanh" vì nhân cũng là nhân "đồng loại". Sự kết hợp giữa lớp xa cừ và bề mặt nhân là sự kết hợp bền vững có tính tương thích sinh học (bio-compatibility) và có lẽ rất khác nếu nhân là các loại plastic tầm thường!

Số cung của con hàu vỏ dày sông Mississippi một ngày nào đó sẽ không còn bắt kịp với số cầu, chuỗi cung ứng sẽ đứt đoạn. Tôi tò mò hỏi cô chuyên gia, nếu không là plastic thì công ty Mikimoto đã có vật liệu nhân tạo tương đương gì để thay thế? Cô ta nhoẻn miệng cười duyên, nói nhỏ "Bí mật công ty!".

H3
Ngọc trai thành hình trong con hàu,
mũi tên chỉ vị trí của hạt ngọc trai.
Mẫu trong bảo tàng viện. (Ảnh: Truong)


H4

Ngọn tháp làm bằng 13.000 hạt ngọc trai đươc trưng bày
trong bảo tàng viện. Nếu mỗi hạt trị giá $10 USD,
thì giá của ngọn tháp ít nhất là $130.000 USD. (Ảnh: Truong)


Linh địa Nhật Bản: Ise và Koyasan


Thần xã/thần cung (đình thần) là nơi thờ thần theo Shinto (Thần đạo). "Thần" có ý nghĩa "đa thần" mang tính bộ lạc nguyên thủy của thuở hoang sơ, có thể là thần đất, thần cây, thần đá, thần suối v.v… Thần xã lớn nhỏ xuất hiện rất nhiều từ nam chí bắc. Nước Nhật thờ nhiều thần mang nhiều tên, có thần ban phước lành thi đỗ, ban hạnh phúc lứa đôi, ban sự may mắn làm ăn phát đạt, giao thông an toàn. Muốn được ban gì thì có thần đó. Cũng có những vị tướng thời cận đại lập chiến công hiển hách (gồm cả việc xâm lược nước ngoài) cũng trở thành "thần", thậm chí cả những tội phạm chiến tranh trong Thế chiến thứ 2 như Thủ tướng Tojo Hideki bị quân đội Đồng minh treo cổ cũng được thờ như một "á thần" trong Yasukuni Jinja (Tĩnh quốc Thần xã).

Cách thị trấn Toba 20 km là thành phố Ise. Gần đó là Thần cung Ise, một quần thể 125 đình thần tọa lạc trong một khu rừng có diện tích 5000 hecta với những cây tuyết tùng cao vút có số tuổi hàng trăm năm. Nơi này là linh địa và cũng là linh hồn của đất nước Nhật Bản. Khi đi vào quần thể này, người viếng phải cúi đầu trước khi bước qua cầu Uji bắt ngang dòng sông Isuzu. Khi ra về cũng phải quay người lại kính cẩn cúi đầu từ giã. Con sông tượng trưng cho đường ranh phân biệt giữa cuộc đời thế tục và chốn linh thiêng. Trong quần thể Thần cung Ise có một thần cung chính đầu tiên được lập ra và tồn tại 1500 năm tại khu vực trung tâm gọi là Naiku (Nội cung). Thần cung này thờ vị thần linh thiêng nhất là Thái dương Thần nữ (Amaterasu-Omikami). Gọi là "Thần cung" nhưng đó chỉ là một căn nhà nhỏ vài ba gian lợp mái tranh. Nó linh thiêng đến độ người viếng được yêu cầu không được chụp ảnh. Thần đạo tin rằng thiên nhiên có sinh có tử, vô thường và vạn vật luân chuyển cái mới thay cái cũ. Cho nên, nơi thờ Thái dương Thần nữ từ xưa cứ mỗi 20 năm phải phá hủy và xây lại cùng lúc với cầu Uji. Dù là một di tích cổ đại người viếng không khỏi thất vọng khi nhìn một kiến trúc linh thiêng nhất Nhật Bản nhưng không hơn 20 tuổi đời. Cũng vì điểm này Thần cung Ise không đạt tiêu chuẩn cho danh hiệu Di sản Thế giới.


h5

Cổng "Thần cung", bên trong là đền thờ
Thái dương Thần nữ. (Ảnh: Truong)


H5b

Đền thờ Thái dương Thần nữ được xây lại mỗi 20 năm.
(Nguồn: Wikipedia)

Thị trấn Koyasan (Cao Dã Sơn) cách thành phố Ise khoảng 100 km đường chim bay. Koyasan là một cao nguyên cao hơn mặt biển 800 m không khí trong lành, tọa lạc gần trung tâm của bán đảo Kii. Nếu từ Ise đi theo đường thẳng thì phải lái xe trên những con đường nhỏ ngoằn ngoèo xuyên qua rừng núi um tùm của công viên quốc gia Yoshino Kumano. Cách an toàn hơn là đi đường vòng sử dụng cao tốc để tới Koyasan. Thị trấn này là trung tâm Phật giáo Mật tông do đại sư Không Hải lập ra 1200 năm trước.

Hoằng Pháp đại sư Không Hải sinh năm 774 thuộc thời kỳ Nara trong lịch sử Nhật Bản cùng lúc với thời Mạt Đường tại Trung Quốc [1]. Hơn 100 năm trước đó, Đường Tam Tạng Trần Huyền Trang sang Ấn Độ thỉnh kinh và để lại những bản dịch đồ sộ của những bộ kinh Phật giáo từ tiếng Phạn (Sanskrit) sang tiếng Hán. Tiếng lành đồn xa. Người Nhật đương thời sang Trung Quốc du học thành một phong trào. Họ mượn tiếng Hán làm giàu văn tự Nhật và cùng lúc tu học kinh điển Phật giáo qua những bản dịch. Thành quả cuộc dịch thuật đã tạo thêm 3 vạn từ mới làm giàu Hán tự. Tiếng Phạn vô hình trung đã có ảnh hưởng sâu rộng đến tiếng Hán cổ và hiện đại, thậm chí đến triết học và thi văn Trung Quốc. Phật giáo khởi nguyên từ Ấn Độ nhưng suy yếu trong xã hội Ấn. Những vị sư Ấn phải đến Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trong đó có Giao Châu (Việt Nam) tha phương truyền giáo. Sự đi lại nhộn nhịp giữa Trung Quốc và xứ Thiên Trúc (Ấn Độ) của các tăng sĩ Ấn – Trung kéo dài hàng trăm năm. Tư tưởng Phật giáo nảy mầm trong vùng đất phì nhiêu của Bách gia Chư tử cùng hòa đồng với tư tưởng cổ đại Nho giáo và Đạo giáo đã hình thành nên một trong những nền văn minh rực rỡ của nhân loại. Sư Ấn Độ tìm được nơi đất lành chim đậu; sư Trung Quốc không ngại gian nan đi đến Thiên Trúc tìm đến nguồn gốc Phật học. Trong những nỗ lực phi thường này, không phải chỉ có Đường Tăng mà còn có nhiều tăng sĩ trước và sau ông vượt thiên lý tìm Phật [2]. Có người may mắn được trở về dù thành quả không bằng Đường Tăng; có người hy sinh mạng sống trên đường thiên lý không bao giờ thấy lại cố quốc. Có thể nói đây là một cuộc giao lưu tôn giáo vô tiền khoáng hậu trong lịch sử loài người.

Không Hải sinh ra trong một gia đình trí thức hào tộc địa phương có người cậu làm quan trong triều đình. Năm 18 tuổi ông được cậu đưa vào Đại học ở kinh đô cùng học với con cháu quý tộc để ra làm quan. Khái niệm "Đại học" lúc đó khác thời hiện đại và chỉ là nơi rèn luyện theo kinh điển Khổng Mạnh như mẫu mực đối với giai cấp quan lại thời bấy giờ. Không Hải nhờ vậy tinh thông Hán học, từ năm 18 tuổi ông đọc những kinh điển về Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo. Ông học được hai năm tại Đại học thì bỏ học vì ông không thấy giá trị của Nho giáo, nó chỉ lặp lại triết lý thánh hiền nhàm chán, không có giá trị thực tiễn. Ông xuất gia năm 20 tuổi (793) lấy phật hiệu là Không Hải để nghiên cứu Phật pháp và tu tập cứu độ chúng sinh. Năm 24 tuổi ông viết bài tham luận đầu tay "Tam giáo chỉ quy" phân tích những ưu nhược điểm trong Nho, Đạo và Phật giáo. Kết luận của ông là không theo Nho giáo và Đạo giáo và cho rằng chỉ có Phật giáo mới có một hệ thống tư tưởng ưu việt nhằm giải thoát con người ra ngoài bể khổ trầm luân. Bộ kinh Đại Nhật của Mật giáo (Mật tông), có ảnh hưởng lớn đến ông, vốn là kinh điển Phật giáo chính thống xuất phát từ Ấn Độ được dịch ra tiếng Hán và truyền sang Nhật Bản. Nhưng ông vẫn chưa bằng lòng với sự hiểu biết của mình về Mật giáo nên quyết tâm sang Trung Quốc du học.

Năm 30 tuổi Không Hải đi theo thuyền của sứ đoàn Nhật có hàng trăm người sang Trung Quốc. Mỗi chuyến đi không phải chỉ cho vấn đề ngoại giao mà có mục đích quan trọng hơn là tìm hiểu văn hóa, hành chính, thiết kế đô thị của Trung Quốc, đặc biệt đối với các tăng sĩ là mang các bộ kinh Phật về Nhật. Đoàn gồm 4 chiếc thuyền, ông đi cùng với vị đại sứ trên chiếc thứ nhất. Trên chiếc thứ hai có một vị đại sư tên là Tối Trừng cũng sang Trung Quốc du học. So với sư Tối Trừng, Không Hải lúc đó chỉ ở bậc học trò. Khi trở về Nhật, Tối Trừng trở thành đại sư lập ra Thiên Thai tông tại Nhật.

Đương thời, con đường biển an toàn đến Trung Quốc là đường ven theo bờ tây nước Triều Tiên rồi băng ngang biển Hoàng hải cặp bến bán đảo tỉnh Sơn Đông. Nhưng khi đó Nhật Bản có xích mích ngoại giao với xứ Tân La (Triều Tiên ngày nay) nên đoàn thuyền của Không Hải phải hướng về phía nam băng qua biển lớn Hoa đông nhiều sóng gió. Trong chuyến đi này, không may đoàn thuyền gặp nạn. Chiếc thứ tư bặt vô âm tín. Chiếc thứ ba quay trở lại Nhật. Chiếc thứ hai chở sư Tối Trừng trôi giạt vào Minh Châu (Ninh Ba, phía nam Thượng Hải ngày nay). Chiếc thứ nhất chở vị đại sứ, tùy tùng và Không Hải lênh đênh trên biển 3 tháng và cuối cùng cập bến tại thủ phủ Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Có giả thuyết cho rằng nếu thuyền chở Tối Trừng và Không Hải bị đắm thì Phật giáo Nhật Bản ngày nay sẽ ra sao? Phúc Châu là cảng của một tỉnh lẻ, quan quân địa phương không quen tiếp đón tàu thuyền quốc tế. Khi thuyền cặp bến Phúc Châu nhà chức trách sở tại không cho lên bờ vì nghi ngờ là thuyền hải tặc. Cả đoàn người xơ xác vẫn còn bàng hoàng vì trận bão, vừa đến bờ lại bị hăm he bỏ tù. Khi vị đại sứ gần như vô kế khả thi thì có người mách với ông là trong thuyền có một tăng sĩ "vô danh" nhưng văn hay chữ tốt. Đó là Không Hải. Vị đại sứ nhờ Không Hải thảo một bức "Thán Nguyện thư" thống thiết kể lể sự tình. Tài năng Hán học của Không Hải được đem ra thi thố. Bức thư của Không Hải viết theo lối biền ngẫu Trung Hoa với những câu tán tụng "nhờ ơn trên thánh đức của Đại Đường Hoàng Đế nên thuyền của tiện dân được trôi giạt đến nơi này …" chạm đúng tần số của vị quan địa phương. Đọc những dòng chữ viết như rồng bay văn chương lưu loát ông quan nhận ngay người viết không phải là "phường hải tặc", lập tức thay đổi thái độ lại còn sắp xếp phương tiện di chuyển miễn phí đưa cả đoàn đến kinh đô Trường An (Tây An ngày nay) cách Phúc Châu gần 2000 km. Nội dung bức "Thán Nguyện thư" vẫn còn lưu trữ cho đến ngày nay.

Khi Không Hải đặt chân đến Trường An, thì nhà Đường đã qua đỉnh của thời kỳ "Thịnh thế" nhưng Trường An vẫn là thành phố quốc tế nơi tập hợp những tinh hoa văn hóa khắp nơi. Phật giáo vẫn thịnh hành và các tăng sĩ được triều đình trọng vọng. Tại Trường An, Không Hải làm đệ tử của đại sư Huệ Quả. Huệ Quả nổi tiếng là vị đại sư Chân ngôn Mật giáo thời bấy giờ, nguyên là đệ tử và cũng là học trò tiếng Phạn của sư Bất Không người Ấn Độ. Các đại sư Ấn đến Trung Quốc không những là nhà truyền giáo uyên thâm mà còn là nhà ngôn ngữ học xuất sắc. Sư Bất Không, sau này được xem là Lục tổ Mật giáo, thông thạo tiếng Hán, dịch kinh Mật giáo truyền bá khắp nơi tại Trung Quốc. Khi Không Hải gặp Huệ Quả thì sư đã có hàng ngàn đệ tử và sư Bất Không đã qua đời nhưng ông may mắn được thọ giáo tiếng Phạn từ một vị sư Ấn Độ khác.

Sau 2 năm du học, bằng sự thông minh trác tuyệt Không Hải nhanh chóng tiếp thu Phật học, trở nên một đệ tử hàng đầu của đại sư Huệ Quả và được sư phụ khuyên trở về nước hoằng dương đạo pháp. Sau đó không lâu, Huệ Quả viên tịch. Về nước, Không Hải nhận được sự trọng vọng của triều đình Nhật Bản và trở thành người bạn thi văn thân thiết của Thiên Hoàng Saga đương thời. Gần 20 năm sau ông được Thiên Hoàng cho phép sử dụng vùng đất Koyasan để xây tự viện làm trung tâm tu tập cho Chân ngôn Mật giáo tông.

Đi vào đây chúng ta phải bước qua cổng Đại môn. Ba chữ Hán "Cao Dã Sơn" (Koyasan) treo trên cổng là bút tích của Không Hải. Koyasan lúc xưa là nơi thâm sơn cùng cốc, rừng linh núi thiêng của một chốn thần tiên. Giờ đây, Koyasan của những tự viện có hàng trăm năm tuổi vẫn là nơi thâm sơn cùng cốc cách biệt với những thị trấn thế tục bên ngoài. Lẩn khuất trong rừng cây tuyết tùng cao vút xanh tươi được chấm phá bởi những tàn lá phong đỏ là những ngôi miếu nhỏ, ngọn tháp cao cao, cây cầu gỗ sơn màu đỏ cam phản chiếu xuống mặt hồ phẳng lặng trong tia nắng nhẹ chiều thu. Đâu đó tiếng chuông chùa ngân vang từ một ngôi chùa hòa lẫn với tiếng nước chảy róc rách từ một nguồn suối nhỏ. Những tiếng động nhẹ nhàng của nước len lỏi trong rừng cây được tô điểm bằng màu xanh của bầu trời, màu đỏ của lá thu và màu sơn của các kiến trúc con người như muốn khuấy động sự trầm lắng của khoảng không gian thoảng mùi thiền. Koyasan là nơi biểu hiện của linh hồn Nhật Bản dường như còn giữ được cái thần bí xa xưa trong màu sắc thời hiện đại.

H6

Đại môn "Cao Dã Sơn" với bút tích của Không Hải. (Ảnh: Truong)


H7

Trung tâm thị trấn Koyasan trong buổi chiều thu êm ả. (Ảnh: Truong)


H8

Đại tháp nơi tu tập đạo pháp là biểu tượng của Chân ngôn Mật giáo
do Không Hải lập nên tọa lạc tại trung tâm thị trấn Koyasan. (Ảnh: Truong)


Tôi qua đêm tại một ngôi chùa cổ hàng trăm năm. Chùa được bao quanh bởi ngôi vườn Nhật Bản với những bụi kiểng được tỉa cắt tỉ mỉ tạo ra nhiều hình dáng khác nhau mà từ xa trông giống như hòn giả sơn phủ đầy cỏ. Dọc theo đó là cái hồ dài như một dòng sông nhỏ. Một thiết kế đình viên đặc thù Phù Tang nhưng nó sẽ trở nên bất động và lạnh lẽo nếu không những con cá koi ngụp lặn trong hồ nước, cái hành lang gỗ và những chiếc lồng đèn hoa sen làm bằng đồng đen treo dưới mái hiên chùa đong đưa trong làn gió.


H9

Một góc trong ngôi chùa cổ. (Ảnh: Truong)


Phần lớn 120 tự viện tại Koyasan có hoạt động kép: tu tập và cung cấp dịch vụ tá túc như một lữ quán (ryokan). Không có nơi nào trên nước Nhật có mật độ tự viện cao như Koyasan, và từ khi trở thành Di sản Thế giới các chùa chỉnh trang lại để đáp ứng nhu cầu của khách thập phương. "Ngủ chùa" (shukubo) có lịch sử hàng trăm năm. Một phương cách tạo cho chùa nguồn tài chính bền vững và tự chủ mà không cần dựa vào sự tùy hỷ của thiện nam tín nữ. Phục vụ của chùa cũng tương đương với một lữ quán "thế tục" cao cấp có suối nước nóng (onsen), tiếp đãi ân cần, đầy đủ mọi tiện nghi. Chỉ khác với lữ quán thường là thức ăn chay và mỗi buối sáng từ 6 giờ là giờ tụng kinh 1 tiếng đồng hồ. Khách trọ được khuyến khích tham gia. Thức ăn không phải là các món "chay giả mặn" mà thuần chay khó nuốt. Mỗi thứ một chút được trang trí nhiều màu sắc rất đẹp, nhưng nhìn kỹ thì chỉ loanh quanh vài món chính như củ cải trắng được làm chua khác nhau nên màu sắc khác nhau, cà pháo, nấm, khoai, gừng cay ướp đỏ, súp đậu hủ được phủ với vài khoảnh cà rốt mềm, vài miếng đậu hủ, hành tây sắc mỏng. Thức ăn được để trên chiếu tatami, lúc ăn phải khom người khoanh chân trong tư thế ngồi thiền. Cả phòng ăn có gần 10 thực khách phần lớn là các ông Tây bà Tây ngồi ăn im lìm, chỉ nghe tiếng khua của chén đĩa. Mật giáo không chủ trương "khổ hành ép xác" để đạt đến giác ngộ. Nhưng đối với những kẻ phàm phu thích những thứ "mặn mà" thì ngồi ăn chay kiểu Nhật là một việc "khổ hành", e rằng dù làm hành giả tu tập nhiều năm cũng khó vượt qua vũ môn của giác ngộ!


H10

Buổi cơm tối tại chùa. (Ảnh: Truong)


Cách trung tâm thị trấn Koyasan vài cây số là một nghĩa trang ngàn năm có tên gọi là Oku-no-In (Thánh địa). Năm ông 62 tuổi, Không Hải viên tịch. Chân ngôn Mật giáo tin rằng ông không qua đời mà chỉ ngồi thiền miên viễn trong một lăng miếu (Lăng Không Hải) thờ ông tại Oku-no-In. Khởi đầu từ lăng miếu là một con đường hẹp dài 2 km xuyên qua Thánh địa mà hai bên đường nhấp nhô những tháp mộ cao thấp khác nhau thấp thoáng trong rừng cây um tùm của những đại thụ hàng trăm năm tuổi nơi chôn tro cốt của các Phiên chủ (Lãnh chúa), chiến tướng, cao tăng, văn thi hào, nhân vật lịch sử lừng danh từ thời đại Nara (thế kỷ 8). Những ngôi mộ ở đây là 5 khối đá được khắc chạm thành 5 hình dạng khác nhau chồng lên nhau tượng trưng cho "ngũ đại": địa, thủy, hỏa, phong (gió) và không. Có bia được khắc bằng chữ Hán cũng có bia bằng chữ Phạn. Một điều thú vị khi chữ Phạn được viết bằng bút lông thì nó toát ra vẻ đẹp uyển chuyển như chữ Hán.


H11

Tro cốt được đặt dưới mộ xây bởi 5 khối đá có hình dạng khác nhau
(khối, cầu, tháp bốn cạnh, trụ) tượng trưng cho: địa, thủy, hỏa, phong và không.
Hai tượng nhỏ mặc áo đỏ là Thổ địa. (Ảnh: Truong)


H12

Chữ Phạn viết bằng bút lông. (Ảnh: Truong)

"Ngũ đại" của Mật giáo liên hệ đến vũ trụ quan của Ấn Độ cổ đại. Người Ấn Độ cho rằng vũ trụ được tạo nên bởi 4 yếu tố "tứ đại" theo thứ tự: địa, thủy, hỏa, phong. Sau đó, "tứ đại" được thêm vào yếu tố "không" vì theo kinh Phật thì "tứ đại" đều quy về một nguồn là "không". Tôi xin tản mạn đôi điều ở đây về Phật học và khoa học. Việc liên kết "tứ đại" với "không" rất khó lý giải và khập khiễng khi nhìn từ lăng kính lôgic của khoa học hiện đại vì "không" của khoa học đơn giản chỉ là "chân không" hay "không gian", không bao hàm ý nghĩa triết học. "Không" của Phật giáo là "tánh Không" "vô ngã" hàm ý lưỡng tính không - sắc; "không tức thị sắc, sắc tức thị không". Trong "không" chứa "sắc" và ngược lại. "Sắc" là vật chất biểu hiện bởi "tứ đại". Trong khoa học có cũng lưỡng tính. Đó là lưỡng tính sóng - hạt của cơ học lượng tử. "Sóng" có thế xem như là "không"; "hạt" như là "sắc". Lưỡng tính "không – sắc" của Phật giáo bao quát mọi sự, từ tâm linh đến vật chất, từ thế giới vi mô kéo dài đến vĩ mô. Nhưng lưỡng tính sóng - hạt chỉ hiện hữu ở trạng thái vi mô của nguyên tử phân tử. Phật giáo mang tính tổng thể nhưng không thể nói khoa học là trường hợp đặc thù của Phật giáo. Bởi lẽ, giữa Phật giáo và khoa học có nhiều điểm tương tự, nhưng bản chất không giống nhau. Lưỡng tính sóng – hạt và lưỡng tính không – sắc là một ví dụ và chỉ là sự tương tự có tính ngẫu nhiên.

Nói rõ hơn, triết học Phật giáo với khoa học có những khái niệm trùng hợp nhưng chỉ ở phạm trù vật chất. Lý luận khoa học cũng có nhân quả, có duyên khởi, có vô ngã vô thường, nhưng đối tượng khoa học không bao gồm linh hồn, tâm linh và tái sinh luân hồi. Phật giáo là định tính có chân lý hầu như bất biến. Khoa học là định lượng dùng thực nghiệm và toán học như một công cụ suy luận với những định luật khả biến với thời gian theo sự triển khai của trí tuệ con người. Phật giáo là hệ thống triết học của một tôn giáo, trong khi khoa học là hệ thống học thuật tìm hiểu tự nhiên. Phương pháp của khoa học là thực nghiệm; phương pháp của Phật học là kinh nghiệm. Thực nghiệm mang tính phổ biến khách quan, có hệ thống, mang tính lặp lại (reproducibility). Kinh nghiệm mang tính cá thể, có ít nhiều chủ quan. So sánh giữa Phật giáo và khoa học vì vậy cần có sự chọn lọc.

Dù sao, sự tương đồng trong tư duy Phật học và khoa học đã đưa Phật giáo đến gần khoa học hơn bất cứ mọi tôn giáo nào khác. Tình cờ tôi nghe được bài giảng của thiền sư Thích Nhất Hạnh bàn về tướng (). Mọi vật và đối tượng đều có "tướng", nghĩa là biểu hiện ngoại hình. Nhưng tướng có tính chất lừa dối, là hư vọng. Khi ta nhìn một đối tượng thì tâm () của ta sẽ nắm bắt tướng của đối tượng đó cho ta tưởng () (ý tưởng), cũng như cách chiết tự trong tiếng Hán là chữ "tưởng" do hai chữ "tâm" và "tướng" gộp lại (+= ). Thật tuyệt vời, vì không có cách nào diễn tả tượng hình và dễ hiểu hơn phương pháp chiết tự. Khi có tướng thì đã có sự lừa dối khiến ta "tưởng bậy" mắc sai lầm, chủ quan. Cho nên giáo lý Phật giáo dạy rằng ta cần có con mắt quán chiếu dùng chánh niệm để hiểu rõ thực chất của đối tượng. Rõ ràng, đây là phương pháp luận khoa học. Trong nghiên cứu khoa học, quan sát là khởi điểm để khảo sát "tướng" của sự vật. Nhưng "tướng" có thể "vậy mà không vậy". Nhà khoa học cần làm thực nghiệm và suy luận toán học để có chánh niệm quán chiếu hiểu đúng bản chất của tự nó.

Trở lại với thế giới quan Phật giáo, Mật giáo thêm vào yếu tố tinh thần là "thức" (ý thức) tạo nên "lục đại": địa, thủy, hỏa, phong, không, thức. Không Hải đã cảm nhận được rằng nếu ta biết dung hợp và thông hiểu tất cả yếu tố trên, tinh thần ta sẽ trở nên ung dung tự tại. Khi đó, "Phật phàm nhất như", Phật nhập vào (người) phàm, phàm nhập vào Phật hòa nhau thành một khối. Để "phàm nhập vào Phật", Mật giáo không quan niệm phải "khổ hành" mà chỉ cần phát tâm Bồ đề, con tim sẽ tìm được đến sự giác ngộ. Khi đạt đến giác ngộ, tâm đại từ đại bi sẽ xuất hiện. Tâm Bồ đề là cái "nhân" phát sinh tâm từ bi là "căn" rồi từ đó con người tự nhiên tự tại trưởng thành.

Vậy, "giác ngộ" là gì? Trong cuốn sách nhỏ của ông khi nói về sự "giác ngộ" [1], tác giả Hiro Sachiya kể lại một mẩu chuyện nhỏ về lần gặp gỡ với người bạn Ấn Độ. Ông bạn này bảo tác giả rằng, "Anh Hiro, chắc anh biết là Phật giáo là tôn giáo dạy lời của Buddha". "Đúng vậy". Ông nói tiếp, "Và anh cũng biết là đồng thời Phật giáo cũng dạy sao cho chúng sinh thành Buddha". "Đúng luôn". "Như vậy, tôi hỏi anh chúng ta cần bao nhiêu năm tu hành mới đạt đến Buddha?". Tác giả Hiro muốn nhấn mạnh sự lâu dài nên nghĩ ra một con số, "Để thành Buddha chúng ta cần một thời gian rất lâu. Hmmm…ít nhất cũng phải là năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm!". Ông bạn mỉm cười nói, "Nhưng mà anh Hiro à, mỗi buổi sáng thức giấc tôi đều "buddha" đấy".

Tác giả Hiro nghe xong hơi bực mình vì cảm thấy cụm từ linh thiêng "buddha" sao lại có ý nghĩa phàm tục như thế. Nhưng khi ông tìm hiểu nghĩa "buddha" trong tiếng Phạn thì ông vở lẽ. "Buddha" có nghĩa là "mở mắt" được dịch thành tiếng Hán là "Phật đà". Mỗi buổi sáng sau giấc ngủ ai cũng phải "phật đà", mở mắt tỉnh giấc. Trong nghĩa rộng hơn, sau cơn mê thế tục ta "buddha". Ta "giác ngộ" bởi "phật đà".

Thánh địa Oku-no-In có 200.000 ngôi mộ. Nhưng chúng không cho ta cảm giác âm u ma quái của những nghĩa trang bình thường. Mà nó đưa ta vào những trang sách sử hưng phế của nhiều thời đại như một thiên trường ca trong đó nhân vật diễn xuất giờ đây chỉ là những ngôi mộ nghiêng ngả, phủ đầy rêu phong trên đó những hàng chữ khắc vào bia đã mờ theo năm tháng. Đây là ngôi mộ của một vị đại tăng có công lao tạo ra một tông phái Phật giáo Nhật Bản, kia là mộ của dòng họ Tokugawa có công lớn mở ra thời đại Edo hòa bình gần 270 năm, gần đó là tháp bia của một Hoàng hậu, xa xa là tấm bia tưởng niệm những oan hồn tử sĩ trong chiến tranh Triều – Nhật (1597) do Tướng quân Toyotomi Hideyoshi phát động. Tiếng vó ngựa, tiếng rổn rảng gươm đao của một thời chiến loạn; tiếng hát những bài dân ca vang lên trong lễ hội matsuri cầu mưa thuận gió hòa của thời thái bình thịnh trị mà những kẻ đã tạo ra chúng đã lùi xa vào quá khứ và giờ đây chỉ còn là sự tĩnh mịch của những ngôi mộ đá sừng sững vô tư thách thức với thời gian.

Nửa đường trên con đường đến Lăng Không Hải, tôi phát hiện mộ phần của Tướng quân Oda Nobunaga. Cạnh đó là mộ phần của gia tộc Tướng quân Toyotomi Hideyoshi. Hai anh hùng thống nhất Nhật Bản vào thế kỷ 16 chấm dứt thời đại Chiến quốc, có tầm vóc như Quang Trung Nguyễn Huệ và Trần Hưng Đạo. Oda từng là chủ tướng của Toyotomi, người thuộc hạ trung tín tài ba từng ôm dép Oda vào ngực sưởi ấm cho đôi bàn chân của Oda trong những ngày đông giá buốt. Khi Oda gần thống nhất đất nước thì không may trong một chuyến du hành một thuộc hạ tập kích bức tử ông. Toyotomi nhanh chóng tiêu diệt kẻ thuộc hạ phản phúc rồi thay Oda lên làm chủ tướng quy thiên hạ về một mối hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước. Toyotomi muốn chứng tỏ trước thiên hạ ông là một chiến lược gia tài ba, ông đóng bản doanh ở thành Osaka thành lập bộ chỉ huy nhằm thực hiện mưu đồ đế quốc. Phía tây ông dọa dẫm Triều Tiên, Minh Quốc (nhà Minh, Trung Quốc). Phía nam ông thèm muốn Đài Loan và Lữ Tống (đảo Luzon, Philippines). Một năm sau khi thống nhất Nhật Bản, Toyotomi cử đại quân vượt biển thần tốc chiếm đóng Triều Tiên (1597) [3].

h13

Mộ phần của Tướng quân Oda Nobunaga. (Ảnh: Truong)


h14

Mộ phần của Tướng quân Toyotomi Hideyoshi. (Ảnh: Truong)


Hơn 400 năm sau, hai anh hùng Nhật Bản vẫn nằm cạnh nhau trong Thánh địa Oku-no-In. Mộ phần của Oda Nobunaga nhiều lắm 2 m2 đất. Mộ phần của gia tộc Toyotomi không hơn 15 m2. Hai mộ phần mốc thếch, khiêm tốn lặng lẽ, không khoa trương đình đám, không bông hoa, hương khói ngột ngạt đèn đuốc lung linh và hiểu theo đúng nghĩa đen không bằng một góc lăng của các vị chủ tịch nước ngày nay.

Oku-no-In có khu đất dành cho mộ của các đại gia hiện đại như ông chủ hãng cà phê UCC lớn nhất Nhật Bản, các CEO của hãng xe Nissan, công ty Panasonic v.v… Cũng như các ngôi chùa tại Koyasan, Oku-no-In cũng cần thu nhập cho việc duy trì bảo dưỡng. Sự trao đổi diễn ra dưới hình thức cúng dường (hono, phụng nạp) và có lẽ một tấc đất ở đây quý giá hơn vàng và hơn nhiều lần số tiền phải chi trả ở Los Angeles, New York hay Paris.

Người Nhật kính trọng và ái mộ Không Hải không chỉ vì ông là một đại sư mà còn là một người đa tài xuất chúng có nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn hóa và tư tưởng. Ông đi nhiều nơi trên nước Nhật để hoằng dương đạo pháp đồng thời chung vai sát cánh giúp đỡ người dân. Ông đến đâu cũng được dân dựng bia kỷ niệm và tên tuổi ông đi vào văn chương bình dân và ca dao tục ngữ. Không những ông viết văn hay ông còn nổi tiếng viết chữ đẹp. Trong tục ngữ Nhật có câu, "Kobo fude ebarazu" (弘法筆を選ばず). "Viết đẹp như Hoằng Pháp thì không cần chọn bút", hiểu rộng hơn là "Người giỏi thì trong tình huống nào cũng cho kết quả tốt". Một tục ngữ khác là "Kobo nimo fude no ayamari" (弘法にも筆の誤), có nghĩa "Đến như Hoằng Pháp thì viết cũng còn sai". Ý nói dù tài năng bao nhiêu thì cũng có lúc sai.

Trong cuộc sống thường nhật, người Nhật hiện đại rất thực tế, xử sự như kẻ "vô thần" không bàn luận đến đức tin hay có hành xử dựa trên những tín điều tôn giáo. Nhưng khi kết hôn, họ đến thần cung để được các vị thần dù mơ hồ danh tính ban phước lành được hạnh phúc trăm năm. Khi lìa đời, tro cốt của họ mang tới chùa để được siêu thoát ở cõi Niết Bàn. Người Nhật có phong cách riêng của họ, cái mà tôi gọi là "tinh thần Nhật bản". Họ khiêm cung lễ độ nhưng không khúm núm rụt rè. Họ có thể bất đồng với nhau nhưng nhã nhặn tìm cho nhau một điểm chung hòa đồng. Họ không nhìn quá khứ để nức nở tự hào về những thành tựu hay "bản sắc dân tộc", nhưng họ nhìn vào thiếu sót quá khứ để khắc phục những bất cập tương lai trong tinh thần kaizen (cải thiện).


Lời kết


Trong chuyến đi này, Mikimoto Kokichi và Hoằng Pháp đại sư Không Hải là hai nhân vật đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Thời đại hai người cách nhau hơn một thiên niên kỷ nhưng tinh thần Nhật Bản vẫn như nhau. Những con người như Mikimoto Kokichi vừa là một nghệ nhân vừa là một nhà nghiên cứu ròng rã 12 năm để hoàn thiện những hạt ngọc làm đẹp phụ nữ, đã thể hiện được tinh thần kaizen vốn có trong huyết quản người Nhật. Mikimoto Kokichi cũng như Yamaba Torakusu (Yamaha) là những bậc tiền bối tiêu biểu trong ngành sản xuất công nghệ Nhật được nối tiếp bởi Matsushita Konosuke (Panasonic), Honda Soichiro (Honda) và Morita Akio (Sony). Họ hãnh diện về sản phẩm của mình đặt sự bền đẹp sản phẩm, lợi ích của khách hàng trước lợi nhuận cá nhân.

Không Hải là vị Phật sống trong thời đại của ông và cũng là một mẫu mực cho hòa thượng các đời sau. Ông thiết lập nền tảng vững chắc cho Phật giáo Nhật Bản và đưa Phật giáo đi sâu vào tâm thức người dân vừa đóng góp cho lý thuyết Phật học qua các bài viết vẫn con lưu truyền đến ngày nay. Nhật Bản đi đến đâu cũng nhìn thấy đình thần và chùa chiền. Bản chất Thần đạo là đa thần giáo. Hơn một ngàn năm qua, Thần đạo và Phật giáo cùng tồn tại hài hòa và song hành theo triết lý chữ "Hòa" trong đời sống tinh thần của người Nhật. Thậm chí, khi Không Hải bắt đầu xây các tự viện tại Koyasan ông cũng dựng lên một đình thần. Không Hải có mê tín thần linh hay chăng? Ông là một người trí thức có tư duy phân tích khoa học, là một vị đại sư dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi sự "mê muội" trần thế, vậy bản thân ông không hề mê tín. Ông theo truyền thống của chữ "Hòa" lập đình thần để biểu hiện sự tôn trọng đối với người bản địa và tôn vinh sự hài hòa tôn giáo.

Cuối cùng, tôi muốn nói đến sự gìn giữ thiên nhiên của người Nhật. Từ hậu bán thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 núi đồi nước Nhật không còn nhiều cây cỏ bởi người dân chặt cây rừng làm nhiên liệu. Nhưng các chính phủ Nhật thời hậu chiến đã nhanh chóng phục hồi cây rừng cho núi rừng còn xanh lá, cho thú rừng quay về chốn cũ, cho chim muông các loài tìm đến đất lành mang lại sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Lái xe ngang dọc trên bán đảo Kii tôi có dịp đi sâu vào những sơn đạo nhỏ và đường đèo dọc theo triền núi để từ trên cao nhìn thấy những rặng núi hùng vĩ xanh rì bao quanh cánh rừng bạt ngàn, tôi thầm phục cách quản lý rừng núi của chính quyền địa phương và chính phủ Nhật. Ở Singapore, họ cũng trân quý từng tấc đất, ngưỡng mộ những gì mà thiên nhiên ban cho. Họ làm sạch dòng sông, tạo những thác nước nhân tạo mô phỏng thiên nhiên. Quốc đảo đô thị này có vài "mảnh" rừng nhỏ không to hơn công viên của những đô thị lớn nhưng họ hãnh diện gọi đó là "jungle".

Nhưng ở Việt Nam thì khác. Dưới chiêu bài phát triển du lịch, các tập đoàn tài phiệt phá những cánh rừng già không thương tiếc. Họ xẻ chúng ra từng mảnh để làm các khu du lịch to lớn, đặt vào đó các khách sạn 5 sao khổng lồ, dựng lên những lâu đài nhái kiểu Disneyland vô hồn, lập lòe ánh sáng, ồn ào các thứ show diễn về đêm, xây hàng loạt những căn nhà giả cổ kiểu Tây được quảng cáo là "báu vật đầu tư" hấp dẫn những kẻ dư tiền mua để đó mà không cần người mướn. Các khu du lịch này hoàn toàn biệt lập với cộng đồng cư dân địa phương và không mang lại lợi ích gì cho dân nghèo. Sự phân cực giàu nghèo càng gay gắt. Khi có kẻ giàu quá mức trong lớp vỏ hợp pháp thì nảy sinh một số rất lớn người nghèo quá mức dật dờ kiếm sống để trả giá theo quy luật bù trừ kinh tế. Nói cách khác, đó chẳng qua là cách phát triển theo kiểu chủ nghĩa tư bản "hoang dã" nhưng họ gọi đó bằng một cụm từ mỹ miều có tên là "Xã hội Chủ nghĩa".

Trương Văn Tân

Những ngày nắng Hạ
12 tháng 2 2023



Tài liệu tham khảo


1. Những chi tiết về đại sư Không Hải được trích dẫn từ quyển sách tiếng Nhật có tựa đề "Kukai to Mikkyo" (Không Hải và Mật giáo) của tác giả Hiro Sachiya (nxb Shodensha, 2015).

2. https://www.erct.com/2-ThoVan/NNT/Chin-Shun-Shin-TNTK.htm

3. https://www.diendan.org/sang-tac/tap-cam-cua-mot-chuyen-di-nhat

_______________________________


Images

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss