Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Tranh cử tổng thống ở Mĩ

Tranh cử tổng thống ở Mĩ

- Thanh Gương — published 07/01/2008 15:24, cập nhật lần cuối 07/01/2008 15:24


Bao giờ cho đến tháng mười... một ?

Thanh Gương


Iowa một tiểu bang của nước Mỹ. Một tiểu bang mà trong 3 năm 11 tháng chẳng ai nhớ đến nó… để rồi sau đó có một ngày tiểu bang này “biến thân” thành “tâm điểm” của cả nước Mỹ, cường quốc duy nhất còn sống sót sau chiến tranh lạnh. Mà chẳng phải riêng nước Mỹ, cả thế giới chẳng ai dám lơ là với những gì diễn biến trong ngày hôm đó ở bang Iowa.

Dù rằng hôm nay nhân loại đang sống trong thời đại “đa nguyên” về kinh tế, về thương mãi, thời đại của “toàn cầu hoá”, thời đại của “đồng Euro” xưng bá xưng hùng làm lu mờ hình ảnh của các vị Tổng thống Mỹ in trên các đồng đô-la xanh biếc, nhưng quá trình “biến thân” thành “tâm điểm” của cả thế giới trong một ngày của bang Iowa cho thấy là bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn còn là một sự kiện đầy nét “đặc thù”, hay nói theo ngôn từ của các nhà vật lý học thiên thể chuyên quan sát vũ trụ, là một thứ “hắc huyệt” (black hole) có trọng lực hút hết tất cả mọi sự chú ý của toàn thế giới về phía mình.

Trong khi chờ đợi những chàng khổng lồ kinh tế đông dân như Trung Quốc hay Ấn Độ “trưởng thành” để trở nên “văn minh” và “dân chủ” hơn ở tầm vóc quốc tế, thì nền dân chủ của Mỹ, với tất cả những khiếm khuyết của nó, với tất cả những giới hạn của nó, vẫn còn là một cơ chế chính trị xã hội duy nhất đủ sức “đánh nhịp” cho cả một dàn nhạc quốc tế hổ lốn kiểu trống đánh xuôi kèn thổi ngược, và đủ sức “sáng tạo” ra những đề tài hấp dẫn khiến cả thế giới phải tranh luận sôi nổi: như hiện tượng phong trào phản kháng 68 của giới trẻ, hoặc chẳng hạn như thời kỳ thoái trào về giá trị đạo đức chính trị và xã hội vào đầu kỉ nguyên 2000 hậu-Clinton.

Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ vẫn còn là quốc gia duy nhất có đủ phương tiện để áp đặt, hay chí ít cũng để tìm cách áp đặt thế giới theo nguyện vọng của mình xuyên qua vai trò “đầu đàn” của một cá nhân: vị “đế vương lập hiến” (constitutional monarch) bất di bất dịch trong suốt 4 năm trời theo hiến pháp của Mỹ.

Nhưng cũng chính vì tầm quan trọng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nói trên mà thiên hạ vẫn hay bị rơi vào một sự lầm lẫn tai hại trong suốt mùa tranh cử: các cuộc tranh cãi “mút mùa” để quyết định “ai thắng (cử)” (who win), trong khi đó đúng ra nội dung của các cuộc tranh cãi phải là “thắng cái gì” (win what) ?

Tính chất dân chủ đại chúng (công dân nào cũng có quyền đi bầu) và trực tiếp (Tổng thống được cử tri trực tiếp bỏ phiếu) như cách thức bầu cử ở Mỹ đã khiến cho sự đồng thuận hoặc sự phản đối của quần chúng chạm trực tiếp đến vị trí lãnh đạo tối cao mà không phải xuyên qua một màn lớp sàng lọc nào cả, cũng không phải thông qua bất cứ “đòn bẩy” nghị viện nào cả: tất cả các Tổng thống Mỹ đều phải chịu sự chi phối của “thời thế” ở mức độ nhiều hơn là họ tin rằng họ có thể chi phối ngược lại “thời thế”.

Chỉ cần nhìn lại lịch sử: như Roosevelt đã chọn chủ trương “biệt lập bất can thiệp” (isolationist) để rồi chính Roosevelt đã đưa lính Mỹ đổ bộ lên bãi biển Normandie và Okinawa. Như thời Nixon lấy “chống cộng” làm kim chỉ nam… để rồi chính Nixon là người đã “khai sáng” Trung Quốc. Hoặc gần nhất là “W” Bush, người đã từng kêu gọi nên cẩn trọng và cần có sự hài hoà chính trị trong những quyết định quân sự… để rồi chính “W” Bush đã phải “tả xung hữu đột” một cách đơn phương.

Một trong những khẩu hiệu “ăn khách” nhất trong mùa bầu cử lần này là… change. Một từ vựng cũng rất quen thuộc với sân khấu chính trị ở Italia: cambiamento… Và ở Việt nam: đổi mới, đổi mới… và… đổi mới.

Nhưng… đổi mới “cái gì” ?

Đổi mới mô hình chính trị ? Đổi mới tầng lớp chính trị ? Đổi mới các bộ mặt ? Đổi mới thế hệ ?

Nói đổi mới… thì không khó… Nhưng thực hiện những đổi mới đó như thế nào… thì lại là chuyện khác. 

“Throw the bums out”. Quẳng bỏ mấy thằng vô tích sự ấy đi. Một khẩu hiệu kinh điển trong ngôn từ tranh cử Tổng thống Mỹ. Nhưng đổi mới đòi hỏi phải có những “điều mới” và “người mới” để trám chổ của những “thằng vô tích sự”. Và đứng về phương diện này thì mùa bầu cử 2008 này có nhiều “đổi mới”.

Đây là lần đầu tiên, kể từ 80 năm trở lại, trong cuộc tranh cử không có sự hiện diện của vị Tổng thống đương nhiệm, cũng chẳng có phó Tổng thống đương nhiệm. Nói chung là “dân cư” của Nhà trắng lần này chẳng ai ra ứng cử. Đây cũng đã là một “đổi mới”.

“Đổi mới” vừa kể trên lại đưa đến một “đổi mới” kế tiếp: đây là lần đầu tiên một Tổng thống đương nhiệm hoàn toàn không có “ký-lô” nào cả trong quá trình ảnh hưởng lên những quyết định của đảng của mình trong mùa tranh cử: những thất bại chính trị (đối ngoại cũng như đối nội) trong suốt hai nhiệm kỳ vừa qua đã khiến “W” Bush thành đúng là “vịt què”. Thậm chí Bush cũng không dám mở miệng đề cử ai ra ứng cử cả… Vì nếu Bush đề cử ai… thì người đó coi như là “tiêu” liền.

Và cả hai “đổi mới” vừa nêu lên đã giải thích vì sao mà bối cảnh tranh cử năm nay hoàn toàn “trơn trượt” trong đó ứng cử viên nào cũng ráng ra sức tìm cách đoán xem “ngọn gió đổi mới” thổi về hướng nào… để phất cờ theo….

Là một phụ nữ, thượng nghị sĩ Hillary Clinton chắc chắn là một gương mặt tiêu biểu cho yêu cầu “đổi mới”. Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ có một phụ nữ đứng ra ứng cử Tổng Thống. Cho đến cách đây mấy tuần, các cuộc thăm do ý kiến vẫn cho thấy là bà Hillary vẫn đang cầm cờ đi đầu trong hàng ngũ của đảng Dân Chủ. Chồng bà, cựu Tổng Thống Bill Clinton cũng đã dùng hết “gia tài chính trị” của một cựu Tổng Thống có khá nhiều thành công trong các nhiệm kỳ của mình để đóng góp vào việc cổ động cho bà. Nhưng cũng chính cái “công ty Clinton&Clinton” mà bà Hillary đeo trên vai đôi khi tao ra hình tượng của một sự “tiếp nối” cái cũ nhiều hơn là một bước nhảy vọt đến cái mới. Bà Hillary vẫn hay “tự hào” về kinh nghiệm lâu năm của mình trong giới chính trị, sân khấu chính trị bà thuộc như lòng bàn tay của mình, ngõ ngách chính trị chỗ nào bà cũng vói tới, các “đòn” chính trị không xa lạ chi với bà. Điểm này cho phép bà “trội” hơn những ứng cử viên khác về lãnh vực “khả năng chuyên nghiệp chính trị”, nhưng cũng lại chính là “nhược điểm” của bà: làm sao có thể giải thích cho cử tri hiểu được rằng một “lão làng” lại cũng là một dấu hiệu của sự đổi mới ?

Mới ở vào tuổi tứ tuần, lại là “da màu”, chỉ bước chân vào Quốc hội mới có hai năm. Chắc chắn Barak Obama là một hình tượng “đột phá” của sự “đổi mới”. “Mới” đến như thế thì không thể nào mới hơn được nữa. Người Ý hay nói “vứt cái cũ đi thì mình biết chắc là mình bỏ cái gì rồi, nhưng đón cái mới vào tay… thì mình chưa chắc mình biết sẽ có cái gì trong tay”. Cũng chính vì quá “mới”… mà vị thượng nghĩ sĩ trẻ tuổi này phải tìm cách làm cho cử tri bớt “sợ”. Trong những tuyên bố Obama phải tìm cách lấy vị trí “trung dung” (center) hầu để “đối trọng” lại cái gương mặt quá “cách mạng” của mình là vừa trẻ lại vừa “da màu”, cũng như gương mặt quá trẻ của Kennedy vào đầu thập niên 60. Làm sao Barak Obama vừa kêu gọi các giá trị “trung dung” lại vừa muốn thể hiện một sự “đổi mới” ?

Đối với người đi truyền tụng đạo giáo như ứng cử viên Mike Huckabee của đảng Cộng Hoà, người tự xưng mình sẽ là một “Tổng Thống chăn chiên”, “đổi mới” có nghĩa là “quay” trở về với những giá trị cội rễ ki-tô của nước Mỹ (có lẽ nghĩa bóng nhiều hơn là nghĩa đen trong một xã hội fastfood như Mỹ). Làm sao vừa “trở về cội nguồn” lại vừa giải thích với cử tri rằng đấy là đổi mới ?

Còn có thêm anh chàng Mitt Romney, cũng trong hàng ngũ đảng Cộng Hoà, “đổi mới” đối với tay này có nghĩa là “mới đổi”: thay đổi liên tục tư duy và thế đứng chính trị, từ chỗ ủng hộ việc phá thai đến việc bảo vệ sự sống của các bào thai, từ những tuyên bố “thoáng mát” trong vấn đề nhập cư của người nước ngoài… nay thì mới đổi sang thế đứng “kỳ thị” rất “ăn khách” trong các lực lượng chính trị cánh hữu hiện nay…

Người duy nhất không chạy theo hai chữ thời thượng “đổi mới” mà vẫn ngang nhiên nhắc đến chuyện “một thời” là người hùng 11 tháng 9 : Rudolph William Louis Giuliani, thường được công luận gọi tắt một cách thân mật là Rudy Giuliani, đã từng giữ chức thị trưởng thành phố New York ngay khi xảy ra biến cố 11 tháng 9 và đã chứng tỏ là một người lãnh đạo có tài, có khả năng ứng phó với tình huống khẩn trương. Rudy cũng nổi tiếng với chiến dịch bài trừ thẳng tay các băng đảng lưu manh xã hội đen của thành phố. An ninh, phòng chống khủng bố sau sự kiện 9/11, đề phòng kẻ phá hoại, chiến tranh phòng ngự ở Iran, tìm và diệt khủng bố ở Afghanistan, chống lại kẻ thù của thế giới mà hiện thân của nó là Hồi giáo… Đó là những giá trị mà Rudy dựa vào đó làm khung chiến lược tranh cử của mình… để rồi khám phá ra rằng… dân Mỹ, sau hơn 5 năm đổ dầu đổ lửa vẫn không giết nổi con quái vật khủng bố quốc tế mà hình như càng làm cho nó ngày thêm mạnh hơn, cũng đã quá chán chường với mấy loại khẩu hiệu này. Hình như người dân lo chuyện công ăn việc làm, lo chuyện thị trường mua bán nhà cửa, lo chuyện y tế xã hội… nhiều hơn là chạy đi tìm và diệt bọn khủng bố. Nếu nhìn theo con mắt của người ghiền cờ bạc thì Rudy như đang đặt hết gia sản lên con số 911… để rồi mới bật ngửa ra rằng con số 911 chẳng bao giờ hiện ra trên canh bài.

Cần phải hiểu ra được là phải “thắng cái gì”… thì mới có thể biết là “ai thắng”. Nhất là trong bối cảnh tranh cử đầy “trơn trượt”, khi mà cử tri “xê dịch” liên miên… thì càng khó mà hiểu được là phải “thắng cái gì”.

Ở vào mùa tranh cử 2008 cử tri của đảng Cộng Hoà hình như đã không còn bị các răn đe hăm dọa của “W” Bush ám ảnh như 4 năm về trước, những răn đe hăm doạ mà đã một thời “W” Bush đã hồ hởi vung lên bổ xuống trên đầu cử tri: gìn giữ những giá trị đạo lý, bài chống đồng tính luyến ái, chống phá thai, bài ngoại, chống nhập cư lậu, phòng chống đe doạ kinh tế thương mãi đến từ Châu Á, chống khủng bố quốc tế, can thiệp quân sự đơn phương kiểu “sen đầm quốc tế”… Những “giá trị” mà hình như bây giờ cũng đã bị sói mòn.

Còn đối với cử tri của đảng Dân Chủ thì có lẽ trọng tâm là vấn đề kinh tế, là công ăn việc làm, là những hiện tượng đe doạ phá sản của thị trường tài chính cũng như thì trường bất động sản nơi mà gần 68% khả năng tiết kiệm và đầu tư của công chúng là đổ vào đấy… để rồi thấy là giá nhà đất cứ mỗi ngày một sụt.

Hình như đối với cử tri Mỹ cái gọi là “an ninh” hiểu theo nghĩa “bảo đảm cho tính mạng” (security) đã biến tướng mang nghĩa “bảo đảm cho đời sống kinh tế”. Và nếu như thế thì có lẽ một viễn ảnh tồi tệ của một nền kinh tế tụt hậu mang theo một hiện tượng phá sản của thị trường bất động sản làm run động đời sống kinh tế của đa số cử tri Mỹ, tạo ra những luồn sóng thần lôi cuốn luôn cả kinh tế Châu Âu xuống đáy biển… đấy chính là “ngọn gió ” mà người thừa kế “W” Bush phải chuẩn bị tập trung khả năng mà “đương đầu” với nó.

Đấy là những cái cần phải thắng. Và chỉ có một người, bất luận là đàn ông hay phụ nữ, bất luận màu da, bất luận tuổi tác… người có khả năng thắng được viễn ảnh tồi tệ nói trên, người có khả năng trao trả lại cho Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ uy tín, thanh thế… và nhất là niềm khâm phục của thế giới… mà suốt 7 năm qua “W” Bush đã… làm mất trắng… Chỉ có người đó sẽ là người thắng cử.

Nói theo cách nói của các lãnh đạo của các nước trên thế giới sau biến cố 9/11: tất cả chúng ta ai cũng cảm thấy ít nhiều mình là người Mỹ. Nhưng lần nầy thế giới ai cũng muốn ít nhiều có được một tí hài lòng để mà vui vẻ cảm thấy mình ít nhiều cũng là người Mỹ.

Tái bút : Khi bài này còn đang được viết thì đã có kết quả ở bang Iowa. Thượng nghị sĩ “da màu” Obama đã “qua mặt” bà Clinton, dù rằng các cuộc thăm do ý kiến trước đó 24 tiếng vẫn cho rằng bà Clinton dẫn đầu. Đấy đã là một “đổi mới”.

Phía hàng ngũ của đảng Cộng Hoà thì người hùng Rudy Giuliani đã bị “giáo sĩ” Mike Huckabee qua mặt, để thấy rằng câu thần chú 911 của Rudy chẳng còn tác dụng. Đấy cũng là một “đổi mới”.

Tuy nhiên, từ đây có đến ngày 4 tháng 11… còn đến những hơn 10 tháng… bao nhiêu nước sẽ chảy qua cầu… Chưa biết rồi còn sẽ có bao nhiểu “đổi mới” khác, và những “đổi mới” này liệu về lâu về dài cho đủ sức “đổi mới” nước Mỹ hay không ?

Bao giờ cho đến tháng mười…. một ?

Roma, 06/01/2008

Thanh Gương

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss