Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / TRONG CÁC PHIÊN TÒA SẮP ĐẾN AI SẼ LÀ NGƯỜI XỬ TỘI CỰU TỔNG THỐNG DONALD TRUMP ?

TRONG CÁC PHIÊN TÒA SẮP ĐẾN AI SẼ LÀ NGƯỜI XỬ TỘI CỰU TỔNG THỐNG DONALD TRUMP ?

- Trần Đán — published 12/10/2023 23:15, cập nhật lần cuối 12/10/2023 23:15


TRONG CÁC PHIÊN TÒA SẮP ĐẾN
AI SẼ LÀ NGƯỜI XỬ TỘI
CỰU TỔNG THỐNG DONALD TRUMP ?


Trần Đán


Tổng kết đến nay cựu Tổng thống Donald Trump bị buộc 90 tội danh tại 4 vụ kiện khác nhau. Tôi không cần đi vào chi tiết.


Theo luật Mỹ qui trình từ buộc tội đến phiên xử (trial) và phiên tuyên phạt (sentencing) như thế nào ? Tôi xin tóm gọn: có khá nhiều phiên tòa trung gian, gọi là phiên tuyên tội (arraignment) , thủ tục discovery (hai bên trao nhau các bằng chứng), phiên omnibus (nhằm loại bỏ các bằng chứng không được thu thập đúng qui định), phiên tòa dự bị (pretrial, xem hai bên đã sẵn sàng ra trình bày), phiên xử (trial) và phiên tuyên phạt (sentencing.) Tất cả các giai đoạn đó đều quan trọng nhằm bảo đảm sự vô tư của luật pháp và để bảo về quyền lợi đích đáng của hai bên. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến phiên xử.


anh



Phiên xử là phiên tòa định đoạt bị cáo có tội hay không có tội đối với các tội danh được nêu ra trong cáo trạng. Làm sao tối-ưu-hóa (tôi không nói bảo đảm 100%) sự công minh, chính trực của luật pháp? Vậy ai là người có thẩm quyền định tội ?


Đối với các bạn Việt Nam, tôi xin đưa ra các câu trả lời khả dĩ :

- Một thẩm phán (hay Quan tòa), một hay nhiều thẩm phán (Hội đồng xét xử)

- Đảng (Cộng hòa hay Dân chủ hay đảng nào khác)

- Nhóm lợi ích (tùy bản chất vụ việc và quyền lợi bị đụng chạm)

- Giới “tinh hoa” nào đó (muốn duy trì chế độ)

- Trí thức, hay người “có học thức” biết về luật pháp

- Người thuộc một giai cấp nào đó (công nhân, nông dân, v.v...)

- Người dân có trình độ văn hóa tối thiểu,

- Ai khác...


Tại Mỹ, cũng như hầu hết các nước có nền tư pháp tiên tiến, câu trả lời là bồi thẩm đoàn (jury). Phiên tòa xét xử bởi bồi thẩm đoàn được gọi là “jury trial”.


Để hiểu thêm về chế độ xét xử bởi bồi thẩm đoàn tôi sẽ đưa ra một số câu Hỏi/Đáp cụ thể dưới đây (áp dụng cho tư pháp Mỹ thôi, còn các nước có sự khác biệt) :


Hỏi : “Bồi thẩm đoàn” là gì? Và ai có thể trở thành bồi thẩm viên (juror) ?

Đáp : Bất cứ công dân nào, trên 18, không phạm pháp, không bị bệnh tâm thần, đều có thể được chọn làm bồi thẩm viên. Trong địa hạt pháp lý (judicial district) nơi bị cáo phạm tội, tiểu bang hay liên bang có danh sách các công dân ghi danh đi bầu (tức những người đáp ứng các điều kiện trên). Từ danh sách đó, họ rút thăm một số tên và triệu tập họ đến tòa.


Hỏi : Quan trọng nhất để bảo đảm tính công minh, vậy thì ai là người chọn bồi thẩm viên ?


Đáp : Cả hai bên luật sư và thẩm phán, sau nhiều lượt thẩm vấn các ứng viên bồi thẩm, sẽ chọn ra số bồi thẩm viên theo qui định (6 trong các vụ kiện dân sự, 12 trong các vụ kiện hình sự). Do họ có những quyền lời đối nghịch nhau, một bên muốn thân chủ mình vô tội và bên kia muốn người đó có tội, nên người được chọn làm bồi thẩm viên phải được hai bên xem là vô tư nhất, không mang những thành kiến định sẵn. Có những phiên thẩm vấn và lựa chọn bồi thẩm viên kéo dài hàng tuần khi hai bên luật sư chưa đạt được sự đồng thuận, nhưng quan tòa chủ trì phải kiên nhẫn. Vi phạm qui trình lựa chọn bồi thẩm viên có khả năng phủ quyết hoàn toàn kết quả phiên xử nếu bị kháng cáo.


Hỏi : Để chọn bồi thẩm viên, các luật sư và thấm phán có thể hỏi những câu hỏi gì ?

Đáp : Những câu hỏi như ứng viên đã từng nghe, biết gì về vụ việc, có những trải nghiệm nào tương tự với vụ việc, có định kiến gì về tôn giáo, thành phần xã hội, giới tính, màu da, v.v... nhằm loại bỏ nhũng ai có định kiến sẵn về vụ việc và có khả năng phán xét dựa trên các chứng cứ được đưa ra trong phiên tòa mà thôi.


Hỏi : Bồi thẩm đoàn được quyền gì, có trách nhiệm gì ?

Đáp : Trong phiên xử họ KHÔNG được quyền tra vấn nguyên đơn, bị cáo hay luật sư của hai bên mà chỉ được ngồi nghe hai bên đưa ra chứng cứ và tranh luận. Quan trọng nhất, sau khi được nghe trình bày, họ sẽ họp riêng để luận bàn và biểu quyết về tội trạng (vô tội hay có tội). Khi ra được quyết định một cách nhất trí, họ sẽ báo cho quan tòa. Quan tòa không được biết đến nội dung cuộc luận bàn.


Hỏi : Ai là người quyết định hình phạt ?

Đáp : Sau khi có phán quyết có tội của bồi thẩm đoàn, quan tòa sẽ là người ấn định hình phạt tùy theo tội danh và khung hình phạt định sẵn.


Hỏi : Dựa vào đâu nền tư pháp Mỹ là đặt trọng tâm vào phiên xử bởi bồi thẩm đoàn ?

Đáp : Dựa vào Hiến pháp lập quốc Mỹ trong đó 10 Tu chính án đầu tiên (trong số 27 Tu chính án) tạo thành Tuyên ngôn nhân quyền (Bill of Rights), trong đó có nêu quyền “được xử bởi những người ngang hàng với mình (peers)”.


Hỏi : Người “ngang hàng” với mình là những ai ?

Đáp : Họ không phải là người nhất thiết cùng giới tính, chủng tộc, tôn giáo, nghề nghiệp hay địa vị, mà được hiểu như những người phản ảnh sự đa diện của cộng đồng của bị cáo.


Hỏi : Trong thực hành các quyền đó được thể hiện như thế nào ?

Đáp : Trong thực hành các quyền đó được thể hiện như sau đối với người bị buộc tội

- Quyền được xử bởi một bồi thẩm của người ngang hàng (peers.)

- Nhà nước có trách nhiệm chứng minh bị can có tội mà không còn nghi ngờ gì

- Bên bị cáo có quyền tra vấn các nhân chứng bên buộc tội

- Bị cáo có quyền khai trước tòa hay im lặng mà không thể bị suy là có tội

- Bị cáo có quyền xin tòa triệu tập các nhân chứng ủng hộ nếu họ không chịu ra hầu tòa

- Tất cả bồi thẩm viên phải nhất trí kết luận có tội hay không có tội. Chỉ cần một người không đồng tình thì phiên xử bị hủy (mistrial) và phải xử lại với một bồi thẩm đoàn khác.


Hỏi : Tại các nước tiên tiến sự khác biệt về bồi thẩm đoàn nằm ở đâu ?

Đáp : Dưới đây là một số các khác biệt

- Bồi thẩm đoàn cùng với thẩm phán cùng xét xử

- Bồi thẩm đoàn cùng với thẩm phán quyết định cả tội trạng lẫn hình phạt

- Bồi thẩm đoàn có quyền tra hỏi trực tiếp bị cáo hay luật sư

- Bồi thẩm đoàn chỉ xử các vụ hình sự

- Bồi thẩm viên phải phục vụ trong 1-2 năm thay vì cho một vụ kiện duy nhất

- Các nước theo mô hình bồi thẩm đoàn gần nhất với Anh quốc là các nước có liên hệ mật thiết với Anh như Mỹ, Gia Nã Đại, Úc, Ái Nhĩ Lan.

    


Hỏi : Thường dân trong bồi thẩm đoàn không được đào tạo về luật thì làm sao xét xử ?

Đáp : Trách nhiệm của quan tòa khi bắt đầu phiên tòa là giải thích các điều luật ứng dụng vào vụ việc. Trừ một số ít vụ kiện liên quan đến những điều luật khúc mắc, đa phần đều liên quan đến những điều luật không quá khó hiểu. Trong khi luận bàn, bồi thẩm đoàn có thể yêu cầu thẩm phán giải thích lại điều luật.


Hỏi : Nếu tất cả đều được xét xử bởi bồi thẩm đoàn thì hệ thống tòa án sẽ bị ứ đọng ?

Đáp : Đúng vậy. Nhưng trên thực tế, đại đa phần các vụ kiện được giải quyết khi bị cáo nhận thấy các bằng chứng buộc tội khó cãi và nhận tội để được giảm nhẹ hình phạt.


Hỏi : Các quyền xét xử đó xuẩt pháp từ đâu trong lịch sử ?

Đáp : Từ Khế ước Magna Carta của Anh quốc được xem là văn bản đầu tiên thiết lập nền móng cho việc thực thi công lý. Khởi đầu, nó được ký kết giữa Vua John nước Anh và 40 vị bá tước năm 1215 nhằm giảm sự độc đoán của vua và để bảo vệ các thành viên quí tộc. Sau nhiều lần bị hủy rồi tái lập, bản khế ước đó giữ lại điểm mấu chốt sau: “Không một người tự do nào có thể bị bắt đi, cầm tù hay tước đoạt quyền trên tài sản, hay loại ra khỏi vòng pháp luật, bị lưu đày, hay tiêu diệt dưới bất cứ hình thức nào, và bị truy tố, mà không dựa trên sự phán xét hợp pháp của những người “ngang hàng” (peers), hay do luật pháp của đất nước.” Tuy bản khế ước này rất thô triển và chỉ để bảo về quyền lợi trước luật pháp của giới quí tộc lúc bấy giờ, sau này nó vẫn được xem nền tảng cho các hiến pháp hiện đại vì là lần đầu tiên đặt luật pháp là trên hết.


Vậy thì trong trường hợp Donald Trump, khó có thể nói là việc định tội đã được “dàn xếp” bởi một quyền lực nào đó. Dù thẩm phán do tổng thống (tại tòa liên bang) hay thống đốc (tại tòa tiểu bang) thuộc đảng nào đề cử đi nữa (nhưng vẫn phải được Quốc hội bỏ phiểu chấp thuận) họ vẫn phải theo hiến pháp theo nguyên tắc tam quyền phân lập. Khả năng của họ ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng của bồi thẩm đoàn rất giới hạn.

Khả năng thắng kiện của ông ta có phần nào tùy thuộc vào tài biện luận của luật sư (những luật sư thạo nghề nhất mà ông có thể thuê với tài sản khổng lồ) nhưng khả năng đó cùng có giới hạn. Chứng cứ là tất cả. Nếu bên công tố đã thu thập được các chứng cứ bất khả kháng thì luật sư giỏi đến mấy cũng chịu thua.


Nói chung ông sẽ bị xét xử như bất cứ công dân Mỹ nào. Tôi xin chúc ông được nhiều may mắn.

Trần Đán


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss