Trump, Macron : chung một chiến hào
TRUMP, MACRON :
CHUNG MỘT CHIẾN HÀO
Thomas PIKETTY
Người ta thường đối lập Trump và Macron với nhau : một bên là tay doanh nhân Mỹ thô tục, ngày ngày tung ra những tweet bài ngoại, hoài nghi về sự biến đổi khí hậu ; bên kia là một bộ óc Âu Châu sáng suốt, quan tâm tới đối thoại giữa các nền văn hoá, tới phát triển bền vững. Tất cả những điều đó không hẳn là sai, mà nói ra lại khoái lỗ nhĩ của người Pháp chúng ta. Nhưng nếu ta xét kỹ những chính sách đã được thi hành, thì thấy rõ ngay những điểm tương đồng. Trump cũng như Macron vừa cho thông qua những cải cách thuế khoá rất giống nhau, cả hai đều lao nhanh vào hướng dumping (phá giá) thuế khoá mang lợi cho những người giàu nhất và cơ động nhất.
Ta hãy điểm lại. Tại Hoa Kỳ, Thượng viện đã chuẩn y những nét lớn của chương trình Trump : mức thuế liên bang về lợi tức của các công ti sẽ được giảm từ 35 % xuống 20 % (thêm nữa, ân xá hầu như toàn bộ lợi tức mà các công ti đa quốc gia đưa từ nước ngoài về) ; mức thuế rút xuống 25 % cho thu nhập các chủ công ti – thay vì 40 % áp dụng cho thu nhập của những người thu nhập cao ; và thuế thừa kế cũng sẽ được giảm đi nhiều đối với những gia tài lớn (thậm chí Hạ viện còn muốn huỷ bỏ hẳn thuế thừa kế).
Về phía Macron ở Pháp thì : thuế đánh vào các công ti sẽ giảm từng bước, từ 33 % xuống 25 % ; thuế đánh vào cổ tức và lãi suất sẽ giảm xuống mức 30 % (thay vì 55 % vẫn được áp dụng cho những lương bổng cao) ; thuế tàì sản cũng sẽ được huỷ bỏ đối với những gia sản tài chính và nghiệp vụ (trong khi mà thuế nhà đất đánh vào những người nghèo hơn chưa bao giờ nặng như vậy).
Đây là lần đầu tiên từ ngày kết thúc chế độ quân chủ, ở Mỹ cũng như ở Pháp, người ta đặt ra một chế độ thuế khoá có tính cách miễn trừ hiển nhiên như vậy đối với những loại thu nhập và gia tài của những nhóm xã hội giàu có nhất. Mỗi lần đưa ra một biện pháp như vậy, người ta đưa ra đủ thứ biện minh xem như khó phản bác : tuyệt đại đa số những người đóng thuế không có chọn lựa nào khác hơn là ưu đãi người giàu, bằng không họ sẽ xuất ngoại và đất nước sẽ không còn hưởng được ân huệ của họ nữa (họ tạo ra công ăn việc làm, họ đầu tư, họ nghĩ ra không biết bao nhiêu điều kỳ diệu mà người thường không thể hình dung được). Trump gọi họ là « Job creators », còn Macron « những người dẫn đầu đoàn leo núi » : văn chương mỗi người một vẻ nhưng nội dung là một, đó là những ân nhân mà quần chúng phải yêu quý.
Trump và Macron cả hai chắc đều thành thật nghĩ như vậy. Có điều là cả hai không hiểu được những sự thách thức về bất bình đẳng do toàn cầu hoá đặt ra. Họ không chịu đếm xỉa tới những sự thật ngày nay đã có chứng cứ rõ ràng, đó là những nhóm người mà họ ưu đãi, trong mấy thập niên vừa qua, đã chiếm hữu một phần quá lớn của sự tăng trưởng kinh tế. Phủ nhận sự thực đó, họ đưa chúng ta tới ba nguy cơ lớn. Ở các nước giàu, các tầng lớp bình dân cảm thấy họ bị bỏ rơi, điều này đưa đẩy họ tới chỗ chống toàn cầu hoá, và đặc biệt là chống luồng người nhập cư. Trump tìm lối thoát bằng cách vuốt ve óc bài ngoại của cử tri, còn Macron thì hi vọng giữ được quyền hành nhờ truyền thống bao dung và cởi mở của dư luận Pháp, và đẩy những người đối lập rơi vào chủ nghĩa chống toàn cầu hoá. Sự thực, hai khuynh hướng đều tạo ra những nguy cơ cho tương lai, ở bang Ohio hay bang Louisianna, ở Pháp cũng như ở Thuỵ Điển.
Hai là, không chịu đương đầu với những bất bình đẳng xã hội sẽ tác hại lớn tới việc giải quyết hiểm hoạ biến đổi khí hậu. Như Lucas Chancel 1 đã chỉ rõ, hiện tượng trái đất nóng dần đòi hỏi phải thay đổi lớn trong lối sống, mà những thay đổi ấy chỉ có thể được chấp nhận khi có sự chia sẻ nỗ lực một cách công bằng. Nếu người giàu tiếp tục gây ô nhiễm cho cả hành tinh với những chiếc xe hơi 4x4 và những du thuyền đăng ký ở đảo Malta (ở đó, họ không phải đóng thuế, kể cả thuế giá trị gia tăng, như hồ sơ “ Paradise Papers ” cho thấy rõ), thì làm sao người nghèo chấp nhận được sự tăng thuế cac-bon, một điều vẫn biết là cần thiết ?
Cuối cùng, từ chối sửa đổi những xu hướng bất bình đẳng của toàn cầu hoá sẽ dẫn tới những hậu quả vô cùng tai hại lên khả năng giảm bớt nạn nghèo khó trên thế giới. Những tiên đoán mới sẽ được công bố ngày 14.12.2017 trong Báo cáo về những bất bình đẳng trên thế giới 2 cho thấy rõ ; theo đà những chính sách và lộ trình cho đến nay, thì 50% số dân toàn cầu (những người nghèo), từ nay đến năm 2050 sẽ đi theo những lộ trình hoàn toàn khác nhau.
Xin kết thúc bằng một nốt nhạc lạc quan : trên giấy tờ, Macron bảo vệ một cách tiếp cận, nhiều hứa hẹn hơn chủ nghĩa đơn phương của Trump, về sự hợp tác quốc tế. Vấn đề là đến bao giờ người ta mới ra khỏi lý thuyết và giả đạo đức. CETA – hiệp ước tự do mậu dịch mà Liên hiệp Châu Âu và Canada đã ký kết, vài tháng sau Hiệp đinh Paris (về môi trường) – không hề quy định một ràng buộc nào về khí hậu và công bằng thuế khoá. Còn những cái gọi là đề nghị cải cách Châu Âu của Pháp, thoạt nghe thì người Pháp chúng ta tự hào lắm, nhưng thật ra mà nói : đó là những đề nghị mờ mờ ảo ảo : vẫn chưa biết nghị viện Vùng Euro thành phần sẽ ra sao, quyền hành như thế nào – chắc đó là những chi tiết vụn vặt. Rất có nguy cơ là tất cả sẽ dẫn tới một số không. Muốn cho giấc mơ Macron không trở thành cơn ác mộng Macron, thì đã đến lúc phải từ bỏ những sự tự mãn nho nhỏ để nhìn thẳng vào thực tại.
Thomas Piketty
12.12.2017
NGUỒN : Trump, Macron : même combat, Vivement le socialisme / Chronique 2016-2020, nhà xuất bản Seuil, Paris, 2020, tr. 171-175.
Bản dịch tiếng Việt : Nguyễn Ngọc Giao
1 Lucas Chancel, Insoutenables Inégalités / Pour une justice sociale et environnementale (Những bất bình đẳng không thể chấp nhận / Vì sự công bằng xã hội và môi sinh), Paris, Les Petits Matins, 2017.
2 World Inequality Report : https://wir2018.wid.world
Các thao tác trên Tài liệu