Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Vatican và luật phá thai ở Ý

Vatican và luật phá thai ở Ý

- Thanh Gương — published 15/05/2008 22:48, cập nhật lần cuối 15/05/2008 22:48
30 năm sau khi đạo luật phá thai được thông qua ở Ý, Vatican và những thế lực bảo thủ muốn đặt lại vấn đề

Toà Thánh Vatican và luật phá thai của nước Ý

Thanh Gương


Theo Đức Giáo Hoàng Benedict XVI thì sau 30 năm đạo luật phá thai ở Ý “… đã không những không giải quyết được những khó khăn của người phụ nữ và gia đình, mà còn mở ra một vết thương khác trong lòng xã hội của chúng ta vốn đã phải đang gánh chịu nhiều điều đau khổ ”. Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố như trên trước 800 thành viên của Phong trào Sự Sống trong buổi hội kiến ở Toà thánh Vatican hôm 12/05/2008 .

Thánh chiến một mất một còn


Đạo luật phá thai của Ý ra đời năm 1978 sau một cuộc trưng cầu dân ý cực kỳ sôi nổi kéo dài cả mấy tháng trời.

Một bên là Toà thánh Vatican đem hết nguồn nhân lực của mình cùng với các phong trào xã hội công giáo, cùng với các đảng phái chính trị bảo thủ và hữu khuynh, chủ yếu là đảng cầm quyền thời đó là đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, một đảng có quan hệ rất “gắn bó” với Toà Thánh, dấy lên một cuộc thánh chiến “kinh thiên động địa” để chống lại các thế lực “ma quỷ” muốn hủy diệt các “giá trị đạo đức và luân lý của sự sống” theo tư duy của Toà Thánh.

Bên kia là các lực lượng xã hội tiến bộ, các phong trào giải phóng phụ nữ, các đảng phái chính trị tả hay thiên tả, nhất là đảng Radical và đảng Cộng Sản Ý đã là lực lượng chính trị tiên phong trong cuộc đấu tranh “một mất một còn” với Toà Thánh.

Kết quả là nhân dân Ý đã đa số chấp nhận cho thi hành đạo luật phá thai. Cũng phải công nhận là trong cuộc trưng cầu dân ý sôi nổi năm 1978 đó, cũng đã có rất nhiều nhân vật tên tuổi gần với các lực lượng công giáo, thậm chí đến cả một số giáo giới tu sĩ công giáo, cũng đã can đảm đứng về phía xã hội tiến bộ, bỏ mặc những áp lực của Toà Thánh lên chính họ.


Những bất công và tệ nạn xã hội của “thị trường phá thai lậu”


Trước khi luật phá thai ra đời, ở Ý phá thai là tội trạng hình sự và người phụ nữ đi phá thai lẫn bác sĩ phá thai đều bị truy tố.

Trong thời điểm đó xã hội Ý đã phải chứng kiến hai tệ nạn bất công của xã hội: khi xảy ra tình trạng thụ thai ngoài ý muốn thì những gia đình giàu có cho con gái “xuất ngoại” sang các nước Tây Âu nơi nhà nước công khai cho phá thai (chủ yếu là ở Thụy Sĩ, vì giáp ranh giới tiện đường đi lại), hoặc đến các phòng mạch an toàn nhưng đắt tiền của các bác sĩ sản khoa “phá thai lậu” ở Ý. Còn những gia đình lao động, nghèo khó thì đành phải đưa con gái đến những “cô mụ” ở trong xóm để phá thai lén lút trong những điều kiện y tế hoàn toàn bất an cho ngay đến tánh mạng của người phụ nữ.

Kết quả là ở Ý đã mọc lên “thị trường phá thai lậu” với những bác sĩ sản khoa ngày thì đi nhà thờ cầu nguyện nhưng chiều đến thì tới phòng mạch tư để phá thai lậu cho các cô gái của những gia đình có ăn có để. Và các bác sĩ sản khoa này đã trở nên giàu có nhờ vào các hoạt động phá thai lậu. Thậm chí công luận thời đó gán cho họ từ vựng “những cây thìa vàng” (ý để ám chỉ các muỗng nạo thai). Và song song đó con số phụ nữ tử vong vì phá thai lén lút rất cao, và dĩ nhiên là phần lớn vẫn là thuộc thành phần nghèo thấp trong xã hội vì họ đã phải chấp nhận các “ca” phá thai của các “bà mụ” không có kiến thức y học đảm bảo.

Thậm chí khi đạo luật phá thai được đưa ra Quốc hội, có rất nhiều y sĩ sản khoa đã gây áp lực để ngăn chận luật phá thai, vì họ không muốn phá vỡ “thị trường phá thai lậu” mà họ đang “ngụp lặn” trong đó.


Phá thai có nghĩa là đi ngược lại các giá trị luân lý
của gia đình và của sự sống ?


Toà Thánh thì lúc nào cũng quan niệm rằng phá thai là đi ngược lại “quyền sống” của con người, và chủ yếu là làm tan vỡ nền móng của gia đình, chống lại các giá trị đạo đức và luân lý hiểu theo tư duy của nhà thờ. Và nhất là xuyên qua phá thai, xã hội cũng không giải quyết được những khó khăn mà người phụ nữ phải đối diện hằng ngày. Và Toà Thánh vẫn cho rằng chính luật phá thai đã đưa Ý đến tình trạng “tăng trưởng âm dân số”.

Trên thực tế, xã hội Ý chưa bao giờ coi luật phá thai như là một giải pháp hay một công cụ nhằm hạn chế tăng trưởng dân số như trường hợp của số nước nghèo ở Châu Phi hay Châu Á. Vả lại chính ngay ở Ý cũng không có vấn đề tăng trưởng dân số. Thậm chí Ý còn đang bị “tăng trưởng âm dân số” đe doạ.

Đạo luật phá thai ở Ý chủ yếu là để xoá bỏ các bất công xã hội và nhất là để bảo vệ sinh mạng cho người phụ nữ.

Trong 30 năm áp dụng luật đạo luật phá thai, các cơ sở y tế nhà nước đã dẹp được các tệ nạn bất công nói trên, cho phép người phụ nữ tránh tình trạng bị đe doạ tính mạng vì phá thai lậu, và nhất là thông qua các hoạt động giáo dục về đời sống tình dục, đã cho phép giảm rất lớn con số phá thai. Theo các thống kê quốc gia thì từ con số phá thai hơn 234 ngàn trong năm 1982 đến năm 2007 đã giảm chỉ còn khoảng 127 ngàn, tức là giảm khoảng 46% trong vòng 15 năm cuối (nguồn lấy từ nhật báo “la Repubblica” – Italia).

Còn đối riêng với vai trò của người phụ nữ và các giá trị nền tảng gia đình thì cần nên xem xét lại một vài con số thống kê trước khi kết luận rằng luật phá thai đã tạo ra những “hệ lụy” như Toà Thánh vẫn hay công bố.

Theo thống kê thì ở Đức, một gia đình hai con với lợi tức hàng năm khoảng 25 ngàn Euro sẽ chỉ phải đóng thuế khoảng 52 Euro mỗi năm. Trong khi đó, ở Ý, cũng một gia đình tương tự với mức lợi tức tương tự nói trên sẽ phải đóng thuế cho nhà nước là 1700 Euro mỗi năm.

Vẫn theo thống kê thì ở Pháp nhà nước đủ khả năng đưa khoảng 40% trẻ em đến nhà trẻ công cộng, trong khi đó ở Ý con số đó chỉ còn có khoảng 6% (còn lại là phải đi đến các nhà trẻ tư nhân).

Chỉ cần so sánh mấy con số nói trên là đủ cho công luận hiểu vì sao mà Ý là quốc gia có tỉ số sinh đẻ thấp nhất trong Châu Âu.

Có thể nói rằng Ý là quốc gia duy nhất trong Liên Hiệp Châu Âu không có một chiến lược cụ thể rõ ràng nhằm nâng đỡ và phát triển hạt nhân gia đình. Rất có thể thiếu sót này cũng là một phần trách nhiệm của các lực lượng tiến bộ cánh tả ở Ý vốn hay bị “dị ứng” với quá khứ lịch sử của đường lối chính trị “tăng trưởng sinh đẻ” thời thập niên 20-30 của chế độ phát-xít Ý. Nhưng có lẽ điều làm cho các nhà nghiên cứu hiện tượng xã hội cực kỳ ngạc nhiên là ngay chính đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, một đảng hữu khuynh và rất gắn bó với Toà Thánh, cũng đã không có một đường lối chính trị nhằm nâng đỡ gia đình trong suốt hơn 50 cầm quyền ở Ý kể từ sau Đệ II thế chiến. Rất có thể là chính vì đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo cũng “lo ngại” rằng việc nâng đỡ gia đình cũng có nghĩa là gián tiếp giải phóng người phụ nữ ra khỏi vai trò nội trợ truyền thống và sẽ là tiền đề của các thay đổi trong quan hệ vợ chồng mà cả đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo lẫn Toà Thánh đều không muốn. Nếu quả thực đây là nguyên nhân để lý giải sự thiếu sót của một đường lối chính trị nhằm nâng đỡ gia đình, thì quả thật đảng cầm quyền liên tục ở Ý trong suốt hơn 50 năm qua đã đạt được mục tiêu: hiện nay chỉ khoảng 46% phụ nữ Ý đi làm (hay có những hoạt động khỏi phạm vi gia đình) so với 71% ở Thụy Điển và 57% ở Pháp.

Như vậy, về phương diện lý thuyết, có nghĩa là phụ nữ Ý, so với phụ nữ ở các nước Châu Âu khác, ít hiện diện nhất trên thị trường lao động. Và nếu như thế, trên lý thuyết, thì Ý phải là nước có tỉ lệ sinh đẻ cao nhất Châu Âu, vì đa số phụ nữ đều bị “khoanh vùng” trong phạm vi gia đình, do đó phải có nhiều “lợi thế” để sinh đẻ và chăm sóc con cái. Nhưng trên thực tế thì sự việc hoàn toàn trái ngược khi mà Ý có tỉ lệ sinh đẻ thấp nhất Châu Âu. Điều này càng trở nên cực kỳ trớ trêu nếu người ta biết rằng, dựa theo các cuộc thăm dò ý kiến, đa số các cặp vợ chồng Ý đều muốn có ít nhất là hai con.

Điều này chứng minh cho thấy là phụ nữ Ý nói riêng, xã hội Ý nói chung, không có được một sự nâng đỡ nào để phát triển hạt nhân gia đình.

Và lại càng trớ trêu thêm là bởi vì chính sự thiếu sót của một đường lối chính trị xã hội nhằm nâng đỡ gia đình nên rất nhiều phụ nữ không thể nào có “can đảm” đối đầu với một trách nhiệm làm mẹ một cách trọn vẹn và thoải mái trong khi tình hình kinh tế và phúc lợi xã hội ngày càng tồi tệ. Và do đó, nếu “chẳng may xảy ra” thì người phụ nữ đành phải lấy quyết định phá thai.

Đấy chính là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng phá thai khi mà người phụ nữ cảm thấy bị bỏ rơi trong một xã hội không có một chiến lược nhằm nâng đỡ gia đình.

Luật phá thai không phải là “cái nhân” của hiện tượng “xuống cấp giá trị” của gia đình như Toà Thánh vẫn hay rêu rao.

Chỉ cần đọc một vài con số thống kê kể trên là người ta thấy ngay rằng phá thai chỉ là “hê lụy” của một xã hội không có một đường lối chính trị, một chiến lược rõ ràng nhằm nâng đỡ “bà mẹ và trẻ em”.


Roma, 13/05/2008

Thanh Gương

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss