Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Về Hiến pháp Tunisie 2014

Về Hiến pháp Tunisie 2014

- Mohamed Jaoua — published 20/02/2014 20:35, cập nhật lần cuối 20/02/2014 21:14

Tunisie : một nền dân chủ giằng được



Mohamed Jaoua (*)



Ba năm sau cuộc "Cách mạng hoa nhài" (tháng 12.2010) ở Tunisie, đất nước A-rập, Hồi giáo này đang chứng minh cho thế giới thấy rằng một cuộc "diễn biến hoà bình" sang những giá trị phổ quát của nhân loại là hoàn toàn có thể, ngược lại với mọi định kiến.

Một bản Hiến pháp tiến bộ như chưa từng thấy ở một nước Hồi giáo, A-rập, đã được thông qua với đa số tuyệt đối, kể cả của những nghị sĩ thuộc đảng Hồi giáo, ngày 27.1 vừa qua. Một bản Hiến pháp thiết lập một "chế độ cộng hoà, dân chủ, với quyền tham dự của người dân, trong khuôn khổ một Nhà nước dân sự, được quản lý bằng luật pháp trong đó quyền làm chủ được nhân dân thực hiện trên cơ sở sự luân phiên hoà bình thông qua những cuộc bầu cử tự do, và nguyên lý phân quyền một cách cân bằng". Một Hiến pháp thừa nhận đạo Hồi như một quốc giáo nhưng lại không có một điều khoản nào ràng buộc luật pháp của quốc gia vào những thánh luật (Charia) của đạo - như những người cực đoan trong đảng Hồi giáo đòi hỏi. Một Hiến pháp bảo đảm tự do tín ngưỡng và tự do lương tâm (điều 6), trong đó ghi rõ nhiệm vụ của Nhà nước là bảo vệ sự trung lập của các nhà thờ chống lại mọi toan tính sử dụng các cơ sở tôn giáo này vào mục tiêu chính trị, đồng thời ngăn cấm mọi toan tính buộc tội người phản kháng là "chống tôn giáo chính thống" (tương đương với « chống Đảng » ở ta !). Một Hiến pháp của một nước Hồi giáo dành nhiều điều khoản để bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong các hoạt động chính trị, xã hội, nghề nghiệp, và buộc Nhà nước phải có những chính sách cần thiết để xoá bỏ sự bạo hành đối với phụ nữ...

Diễn Đàn đã đặt với một người trong cuộc, giáo sư Mohamed Jaoua, một số câu hỏi về những diễn biến dẫn tới sự kiện lịch sử này, ý nghĩa của nó cũng như những dự kiến có thể trong một tương lai gần. Bài viết này tổng hợp lại những trao đổi đó. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

(*) Mohamed Jaoua là một nhà toán học từng nhiều năm lãnh đạo một trung tâm nghiên cứu toán ứng dụng hàng đầu của thế giới đang phát triển (Laboratoire de Modélisation Mathématique et Numérique dans les Sciences de l’Ingénieur, thuộc trường Kỹ sư Quốc gia Tunis, Tunisie), hiện là Phó hiệu trưởng Đại học Pháp tại Ai Cập (Université Française d’Egypte), đồng thời là một cây viết bình luận thường có bài trên báo chí chuyên về thế giới A-rập. 



Ba năm sau cuộc cách mạng hoa nhài, lật đổ chế độ độc tài của Ben Ali, nước Tunisie hiện đại đã thông qua bản Hiến pháp (HP) thứ hai, HP đầu là bản được thông qua sau ngày độc lập (1956, chú thích của DĐ). Ngày thông qua này cũng hầu như trùng với ngày kỉ niệm một năm vụ ám sát Chokri Belaïd (lãnh tụ có uy tín của đối lập phe tả), ngày 6.2.2013, bởi một nhóm biệt kích hồi giáo cực đoan trước cửa nhà ông.

Sự trùng hợp này không đơn giản là một sự tình cờ. Thật vậy, cuộc ám sát này đã tạo lên một cơn địa chấn chính trị thật sự và đánh thức dậy một xã hội công dân còn đang ngất ngư trước cơn đại hồng thuỷ hồi giáo cực đoan trong kỳ bầu cử Quốc hội lập hiến (QHLH) vào tháng 10.2011. Và chính là sự xâm nhập của xã hội công dân vào cuộc thảo luận về HP mà ngày nay đất nước có được một bản văn cơ sở hiện đại và dân chủ mà cả thế giới chào mừng. Nhưng dư luận quốc tế cũng hơi vội vã gán công lao này cho đảng hồi giáo cực đoan Ennahdha và hai đảng đồng minh mà nó sử dụng như một bảo lĩnh về tính thế tục để cai trị đất nước từ năm 2011.

Một Hiến pháp giành được qua tranh đấu cam go

Thật ra, bộ ba cầm quyền này chỉ chấp nhận một cách miễn cưỡng những điều khoản nổi bật nhất - và cũng tiến bộ nhất - trong văn bản này : sự thừa nhận Nhà nước dân sự, sự loại trừ mọi chủ thể khác ngoài nhân dân trong việc soạn thảo và kiểm soát luật pháp, sự thừa nhận tự do lương tâm, việc tội phạm hoá các cáo buộc người khác theo tà giáo – loại cáo buộc mở cửa cho đủ loại hành động giết người -, sự thừa nhận tính độc lập của tư pháp, bình đẳng giới hoàn toàn, v.v. Trước đó, bộ ba này đã tiến hành hàng loạt cuộc đấu đá nhằm giao quyền kiểm soát pháp luật cho một hội đồng hồi giáo không được ai bầu ra, thu hẹp vai trò của phụ nữ vào việc bổ sung cho – thay vì bình đẳng với – nam giới, và đặt quyền tự do lương tâm vào đủ loại ranh giới có tính tôn giáo. Đứng trước mỗi toan tính của nhóm này, xã hội dân sự đã huy động sức lực để chống trả : các đảng phái chính trị, các hiệp hội nghiệp đoàn, Liên đoàn Nhân quyền, đã hết sức bảo vệ mẫu hình xã hội của mình, một xã hội hiện đại, mở cửa ra thế giới, chống lại mọi toan tính thụt lùi về quá khứ.

Nhưng như thế có lẽ không đủ để đạt được kết quả ngày 27.1.2014 này : một bản HP công nhận xã hội dân sự và các quyền con người được thông qua với 200 phiếu thuận trên tổng số 214 phiếu bầu, ở một quốc hội mà bộ ba kia nắm đa số tuyệt đối. Trong bối cảnh của sự thất bại về mọi mặt của chính phủ do Ennahdha lãnh đạo trong quản lý đất nước – kinh tế không ngừng tụt hậu, an ninh xuống cấp một cách nguy kịch khi mà khủng bố và ám sát chính trị trở thành chuyện thường ngày -, nhiều sự kiện đã góp phần hãm phanh cho cuộc chạy đua điên cuồng của đảng Ennahdha nhằm kiểm soát bộ máy Nhà nước, buộc đảng này phải thoả hiệp với xã hội công dân.

Trước hết là sự kiện 30.6 ở Ai Cập, khi đường phố tràn ngập người biểu tình chống đảng Huynh đệ Hồi giáo sau khi đã bỏ phiếu cho đảng này, mở đường cho quân đội lật đổ họ. Nắm quyền sau khi thắng cử, đảng này đã tỏ ra ngạo ngược khi áp đặt một hiến pháp hồi giáo cực quyềnvà giành cho mình quyền kiểm soát mọi guồng máy Nhà nước. Nhưng ngày hôm ấy, sự ngạo ngược này đã bộc lộ hoàn toàn nó chỉ là hư danh. Thực vậy, chỉ là hư danh vì họ tỏ ra không có năng lực đáp ứng bất kỳ mong đợi nào của những người đã bỏ phiếu cho họ : cải thiện đời sống, công ăn việc làm cho lớp trẻ, sự an toàn cho mọi người kể cả những nhóm thiểu số, và những quyền tự do không phải chịu những bó buộc hay đe doạ. Và, dù rằng quân đội Tunisie không có khả năng đảo chính như ở Cairo, ngay ngày hôm đó những người thuộc phe hồi giáo Tunisie đã bắt đầu nghĩ tới khả năng xấu nhất.

Sự kiện thứ hai là cuộc ám sát Mohamed Brahmi, nghị sĩ thuộc đối lập phe tả ở QHLH, vào đúng ngày 25.7 - ngày lễ Cộng hoà ! -, theo cùng cách hành động như cuộc ám sát Chokri Belaïd. Những nhóm thánh chiến, lâu nay vẫn được Ennahdha cưng chiều vì nghĩ rằng có thể sử dụng – và kiểm soát họ - chống lại phe đối lập và xã hội công dân, ngay ngày hôm đó ly khai hoàn toàn Ennahdha khi tuyên bố chiến đấu chống lại nhà nước do đảng này lãnh đạo. Buộc đảng này phải dần dần từ bỏ sự nhập nhằng chết người của họ đối với chủ nghĩa khủng bố để tìm tới phe nhà nước pháp quyền.

Trong ngày đưa đám Brahmi, khoảng 60 nghị sĩ đối lập đã rời khỏi hội trường để cắm trại trước toà nhà Quốc hội. Họ được hàng nghìn người dân liên tục diễn qua hỗ trợ, đòi hỏi chính phủ phải từ chức vì bất lực trong việc bảo vệ đời sống của công dân, và cũng đòi QHLH giải thể vì đã bỏ quên nhiệm vụ lập hiến, như chính tên gọi của cuộc tuyển cử đã bầu ra nó, mà chỉ lo lập pháp và cai trị. Đúng là QHLH đã được bầu ra..., nhưng chỉ cho một năm. Vì thế, tính chính đáng từ tuyển cử của quốc hội này và của những nhà cầm quyền nó cử ra thật ra đã không còn kể từ tháng 10.2012.

Sự bất lực của chính phủ và những cuộc ám sát chính trị đã làm mất nốt tính chính đáng về tinh thần và chính trị của nó. Với mối hiểm nguy trong nước và ngoài biên giới, sự tìm kiếm một tính chính đáng được đồng thuận để đưa đất nước ra khỏi thòi kỳ chuyển tiếp bất tận và ngày càng chứa đựng nhiều mối đe doạ, trở thành cấp thiết. Bộ ba cầm quyền cuối cùng cũng đã phải thấy điều hiển nhiên ấy và tìm tới bàn thương lượng – dù miễn cưỡng – trong khuôn khổ cuộc đối thoại toàn quốc do các nghiệp đoàn công nhân và chủ nhân đầy quyền năng đề xuất. Sau đó, còn phải vài tháng nữa họ mới vượt qua được những thoái thác, những ước mong yếu ớt về sự kiểm soát quá trình thương lượng. Nhưng lương tri, cả từ phía đối lập và từ những người phe hồi giáo, cuối cùng rồi cũng chiến thắng, nhất là trước sự thật hiển nhiên là Tunisie không thể đi theo con đường Ai Cập, chỉ dẫn đến hỗn loạn. Một chính phủ gồm các nhà kỹ trị, với nhiệm vụ chuẩn bị các cuộc bầu cử, đã thay thế chính phủ do phe hồi giáo lãnh đạo, và bản HP đồng thuận, mà người dân Tunisie mong đợi từ hai năm nay, đã được hoàn thành chỉ trong vài tuần sau đó.

Hiến Pháp, và sao nữa ?

Ngày hôm nay, nhiều người đặt câu hỏi : tại sao không sớm hơn ? Nhưng lịch sử không do ai ban phát, và không ở nước nào mà nhân dân có thể tiết kiệm quá trình học tập – nhiều khi đau đớn – về dân chủ. Ít ra, người ta có thể thừa nhận rằng đảng Ennahdha, nếu nó đã từng toan tính dùng sự cưỡng bách để thực hiện mục tiêu của mình sau khi thắng cử, đã đủ khôn ngoan để từ bỏ ý đồ đó – khác với những đồng chí của họ bên Ai Cập – khi thấy rõ là nó chỉ dẫn cả nước tới bạo động, đổ máu.

Nhiều người khác tự hỏi rằng bản HP này, chung quy lại chẳng khác HP 1959 bao nhiêu, có xứng đáng với ba năm đấu tranh – đôi khi đổ máu – vừa qua, ba năm bấp bênh, với những bước lùi cả về kinh tế và xã hội. Nhưng, dù HP này có y hệt với HP 1959, nó cũng sẽ khác về một điểm cơ bản. Vì, không như HP 1959 đã được một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa (Habib Bourguiba) « ban » cho đất nước, lần này bản HP đã được viết với ngòi bút tôi luyện trong những cuộc đấu tranh của người dân Tunisie và trong máu họ đã đổ ra. Những kẻ muốn học làm độc tài sẽ phải rất vất vả để đụng tới những quyền tự do nhỏ bé nhất mà người Tunisie ngày nay đủ thấm hiểu giá trị để bảo vệ từng chi tiết của những điều khoản mà họ đã tranh đấu đạt được. Trong khi, trước đó, họ đã âm thầm chịu đựng trong hơn một nửa thế kỷ quyền uy của những chính quyền độc đoán nối tiếp nhau nhân danh bản HP « dân chủ » năm 1959. Những nhận xét trên đây cho thấy là kịch bản được chọn ở Tunisie sau cách mạng (2010), rằng sự chuyển tiếp phải thông qua Quốc hội Lập hiến, thật ra là xấu nhất... ngoại trừ tất cả các kịch bản khác ! Vì muốn tránh nó, nhân dân Ai Cập đã trải nghiệm ba bản HP trong ba năm. Cả ba đều được soạn thảo bởi những chuyên gia, đều được các cuộc trưng cầu dân ý thông qua với những đa số rõ ràng nếu không nói là áp đảo, nhưng cho tới giờ này vẫn không mang được cho người dân Ai Cập sự hoà dịu và ổn định mà họ mong ước. Nhưng, sâu xa hơn sự thông qua Hiến Pháp, điều quan trọng nhất là ba năm vừa qua đã cho phép cấu trúc lại một môi trường chính trị đã bị chế độ độc tài huỷ hoại, và nêu ra những ngôn từ và những chỉ mốc cho một cuộc tranh luận chính trị cho tới nay là hoàn toàn vắng bóng. Một sự cấu trúc và những chỉ mốc nếu không có thì thật vô ích để nói tới dân chủ. Những cuộc tranh cãi về HP, dù có thể được coi là quá dài và nhiều khi khó hiểu, đã giữ một vai trò lịch sử quan trọng. Đó là vai trò cung cấp một phông nền cho kịch bản thoát khỏi chế độ độc tài ở Tunisie – nói Tunisie vì mỗi nước phải sáng tạo ra kịch bản của riêng mình. Nhưng điều còn lại vẫn là, HP này cũng chỉ có giá trị mà những người dân Tunisie tạo ra cho nó trên thực địa của những cuộc đấu tranh chính trị và xã hội. Chẳng hạn, nếu những nhà dân chủ rơi trở lại vào sai lầm chết người của họ năm 2011, khi mỗi người chỉ chạy cho riêng mình trong những cuộc bầu cử sắp tới, thì phe hồi giáo Ennahdha còn tương lai rộng mở trước mắt. Đặc biệt là họ sẽ tha hồ diễn giải theo hướng có lợi cho mình những điểm mơ hồ vẫn còn trong văn bản HP – mà HP nào không có những điều khoản mơ hồ ? Nhưng đó là một chương khác đang mở ra cho đất nước. Những công dân của nó – vì họ đã giành được quyền được tự coi là những công dân – sẽ tiếp cận chương này trong những điều kiện tốt hơn nhiều so với điều họ có thể e sợ cách đây chưa quá một năm. Và riêng điều đó đã là một thắng lợi rất đáng kể, mà những người đấu tranh cho dân chủ trên thế giới hoàn toàn có lý để chào mừng.

M.J., 14.2.2014

(Bản dịch và giới thiệu của H.V.)

Xem bản gốc tiếng Pháp tại đây.

Attachments

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us