Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Giuseppe Verdi lật nhào Silvio Berlusconi

Giuseppe Verdi lật nhào Silvio Berlusconi

- Roosevelt_vs_Keynes & Đỗ Tuyết Khanh — published 15/04/2011 23:53, cập nhật lần cuối 16/04/2011 14:45
Người cộng tác: Hàn Thuỷ (dịch)
Cái tựa giật gân này thực ra là của một bài tường thuật một buổi tối ca kịch kỳ diệu tại nhà hát thành phố Roma. Một nhạc sĩ đã sống cách đây gần hai thế kỷ, sao có thể lật nhào thủ tướng đương nhiệm ? Ấy thế mà, theo nghĩa bóng, đó là điều rất cỏ thể...


Giuseppe Verdi lật nhào
Silvio Berlusconi 
1



Diễn Đàn : Bài báo nhan đề « Silvio Berlusconi renversé par Giuseppe Verdi » (xin bấm vào tên bài để xem nguyên bản) được đưa lên báo mạng Pháp Agora Vox ngày 31/03/2011, với cái tựa giật gân như trên ; thực ra là bài tường thuật một buổi tối ca kịch kỳ diệu tại nhà hát thành phố Roma. Một nhạc sĩ đã sống cách đây gần hai thế kỷ, sao có thể lật nhào thủ tướng đương nhiệm ? Ấy thế mà, theo nghĩa bóng, đó là điều rất cỏ thể...


verdi

Giuseppe Verdi

Ngày 12 tháng 3 vừa qua, Silvio Berlusconi đã phải đối mặt với thực tại. Trong dịp kỷ niệm lần thứ 150 ngày thành lập nước Ý 2 nhà hát của thành phố Roma đã trình diễn vở nhạc kịch tượng trưng nhất cho sự kiện này : Nabucco của Giuseppe Verdi, do nhạc trưởng Riccardo Muti điều khiển.

Vở Nabucco của Verdi là một tác phẩm âm nhạc mang tính chất chính trị : nó gợi lại thời nô lệ của người Do Thái ở Babylone 3, và bài hát nổi tiếng « Va pensiero » 4 là khúc ca của những người nô lệ bị áp bức. Ở nước Ý, ca khúc này là biểu tượng cho cuộc tìm kiếm tự do trong những năm 1840 – giai đoạn Verdi sáng tác bản ca kịch này – của những người đã tranh đấu chống lại áp chế của Đế Quốc Habsbourg 5 cho tới khi nước Ý thống nhất được thành lập.

Trước buổi trình diễn, thị trưởng thành phố Roma, ông Gianni Alemanno, đã lên sân khấu đọc diễn văn tố cáo những cắt giảm ngân sách văn hoá của chính phủ. Và ông làm điều này trong khi vẫn là thành viên của đảng cầm quyền, ông còn là một cựu bộ trưởng của chính phủ Berlusconi.

Sự phát biểu chính trị này, ở một thời điểm văn hoá biểu trưng nhất của nước Ý, sẽ sinh ra một kết quả bất ngờ, nhất là chính ông Sylvio Berlusconi có mặt trong buổi trình diễn...

Theo báo Times, nhạc trưởng Riccardo Muti kể lại như sau về buổi tối thực sự cách mạng này, « Ngay từ đầu khán giả đã vỗ tay nồng nhiệt. Sau đó chúng tôi bắt đầu trình diễn vở ca kịch. Mọi sự tiến triển tốt đẹp, nhưng khi sắp đến bài hát nổi tiếng Va Pensiero, tôi cảm thấy ngay không khí trở thành căng thẳng trong khán giả. Có những điều người ta chỉ cảm thấy mà không mô tả ra được. Trước đó, khán giả im phăng phắc. Nhưng khi họ nhận ra Va Pensiero sắp bắt đầu, không khí im ắng đó thực sự đã chứa đầy nhiệt huyết. Người ta cảm thấy được phản ứng sâu từ gan ruột của khán giả trước những lời than vãn của các nô lệ khi họ hát : « Ôi tổ quốc ta, thật tươi đẹp và đã mất rồi ! ».

Khi dàn đồng ca hát gần xong, trong khán giả đã có người kêu to « Hát lại đi ! ». Công chúng bắt đầu hô « Nước Ý muôn năm ! » và « Verdi muôn năm ». Những người ngồi ở chuồng câu (những chỗ cao nhất phía sau rạp) bắt đầu ném các tờ rời mang những thông điệp ái quốc – một số tờ yêu cầu « Muti, thượng nghị sĩ suốt đời  6 ».

Mặc dù ông đã làm như thế chỉ một lần, tại nhà hát La Scala của Milano năm 1986, Muti do dự không biết có nên cho phép hát lại Va pensiero hay không. Đối với ông một bản ca kịch phải được tiến triển từ đầu đến cuối. Ông kể : « Tôi không muốn chỉ đơn giản cho hát lại. Phải có một ý định đặc biệt ».


muti

Riccardo Muti


Nhưng khán giả đã khơi dậy lòng ái quốc trong ông. Bằng một cử chỉ hoành tráng, người nhạc trưởng lúc đó quay ngược trên bục, đối mặt với khán giả và cả ông Berlusconi nữa, rồi sau đây là những gì đã xẩy ra :

[Khi những tiếng kêu « hát lại » «  Va Pensiero » đã im, người ta nghe trong công chúng : « nước Ý muôn năm ! »]

Nhạc trưởng Riccardo Muti : Đồng ý, tôi đồng ý điều đó, « nước Ý muôn năm ! » nhưng...]

[Vỗ tay]

Muti : Tôi không còn ở tuổi 30, và tôi đã trải qua cuộc đời, nhưng là một người Ý đã ngang dọc nhiều lần trên thế giới, tôi cảm thấy hổ thẹn về những gì đang xẩy ra trên đất nước mình. Vậy thì tôi chấp nhận yêu cầu của khán giả cho hát "Va Pensiero" lần nữa. Đây không chỉ là niềm vui yêu nước mà tôi cảm nhận được, nhưng còn vì tối nay, trong khi chỉ huy dàn hợp xướng hát : « Ôi tổ quốc ta, thật tươi đẹp và đã mất rồi ! », tôi đã nghĩ rằng nếu chúng ta cứ tiếp tục như thế này, chúng ta sẽ giết chết nền tảng văn hoá trên đó lịch sử nước Ý đã được xây dựng. Như thế thì, chúng ta, tổ quốc chúng ta, sẽ thực sự có thể là « tươi đẹp và đã mất rồi ».

[Vỗ tay cuồng nhiệt, kể cả từ các nghệ sĩ trên sân khấu]

Muti : Kể từ khi trên đất nước này bao trùm một « bầu khí quyển Ý », tôi, Muti, tôi đã im lặng trong quá nhiều năm dài. Bây giờ tôi muốn... chúng ta cần đem lại ý nghĩa cho bài hát này ; vì đây là nhà hát của thủ đô, Nhà của chúng ta, với một dàn hợp xướng đã hát một cách tuyệt vời, được đệm nhạc một cách tuyệt vời, nếu quý vị đồng ý, tôi xin mời quý vị tham gia cùng chúng tôi để tất cả chúng ta cùng nhau hát.

Thế là ông mời công chúng hát chung với Dàn đồng ca của những người nô lệ. « Tôi đã thấy từng nhóm người đứng dậy. Cả nhà hát Roma đứng dậy. Và ban hợp xướng cũng đứng dậy. Đó là một thời khắc thần diệu của ca kịch. »

« Tối hôm đó không chỉ là một buổi trình diễn Nabucco, mà còn là một tuyên ngôn của nhà hát thủ đô cho các nhà chính trị nghe. »


Roosevelt_vs_Keynes

(Agora Vox, 31.3.2010)

Bản dịch Hàn Thuỷ




Nghe hát «  Va Pensiero » tối 12.3.2011 tại nhà hát thành phố Roma




Đôi dòng về Verdi và vở Nabucco



Nabucco là một trong những vở opera nổi tiếng và được ưa chuộng nhất của nhạc sĩ lừng danh Giuseppe Verdi (1813-1901), thường xuyên được dàn dựng trên các nhà hát lớn thế giới. Đấy cũng là thành công lớn đầu tiên của Verdi, đưa tên tuổi ông lên hàng đầu nền âm nhạc Ý và thành biểu tượng cho những khát vọng chính trị của người dân Ý thời ấy. Cốt truyện xoay quanh một truyền thuyết thời cổ đại, khi Nabuchodonosor, vua thành Babylon, xâm chiếm Jérusalem, đốt phá đền thờ và đầy ải người Do Thái.

Vở Nabucodonosor (từ năm 1844 trở đi mới chính thức gọi tắt thành Nabucco) ra mắt giới mộ điệu ngày 9.3.1842 tại Teatro alla Scala ở Milano, thành công rực rỡ với sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả và ngợi khen của đa số nhà phê bình. Những tiếng vỗ tay, hoan hô vang dội ngay từ buổi trình diễn đầu tiên đã làm Verdi rơi lệ vì cảm động. Vở opera thứ ba này của ông được sáng tác trong một thời kỳ hết sức đen tối của cuộc đời: chỉ trong vòng hai năm, bạo bệnh đã cướp đi của ông hai đứa con nhỏ và người vợ rất thương yêu, qua đời vì sưng phổi khi mới 27 tuổi. Nỗi đau đớn tột cùng và sự thất bại của vở Un giorno di regno đã làm ông tuyệt vọng, nghĩ đến từ bỏ âm nhạc, là đam mê từ khi còn rất nhỏ. Song, Bartolomeo Merelli, vị giám đốc nhà hát Scala, cảm nhận tài năng thiên phú của người nhạc sĩ mới 28 tuổi này, nhất định mời ông phổ nhạc kịch bản mới của nhà biên kịch nổi tiếng Temistocle Solera. Verdi miễn cưỡng cầm tập bản thảo về, ném lên bàn, và khi mắt ông chạm phải dòng chữ "Va, pensiero, sull'alli dorate...", mấy vần thơ diễn tả sự hoài hương của đám nô lệ Do Thái như nói lên những nỗi niềm thương nhớ của chính ông. "Những câu thơ bỗng rung vang theo nốt nhạc trong đầu tôi", ông kể lại, "sự nghiệp của tôi thật sự bắt đầu với Nabucco".

Quả vậy, Nabucco mở đầu một sự nghiệp lẫy lừng với những tuyệt tác nối tiếp nhau như Rigoletto, Luisa Miller, Il Trovatore, La Traviata, Simon Boccanegra, Don Carlos, Aïda, Otello, Falstaff, v.v. là những tác phẩm nổi tiếng của danh mục opera thế giới, thường xuyên có mặt trong chương trình hàng năm của các nhà hát lớn. Verdi trở thành một trong những "đại thụ" của âm nhạc thế giới nhưng trước hết ông là người nghệ sĩ được yêu mến nhất ở Ý, không chỉ với giới mộ điệu mà trong dân chúng nói chung. Nếu những vần thơ của Solera đã khơi dậy nơi Verdi cảm hứng sáng tác, giúp ông vượt qua thảm kịch của đời mình, những giòng nhạc ông viết cho đoạn hợp xướng "Va, pensiero" cũng có âm hưởng mạnh mẽ trong tâm hồn người Ý y như thế, trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước, ý chí độc lập và tự do, từ đó cho tới nay. Thập niên 1840 là một trong những cao điểm của phong trào Risorgimento (Khởi dậy, phục hưng) đấu tranh giành độc lập và thống nhất nước Ý, lúc ấy phân tán thành 12 vương quốc nhỏ dưới sự cai trị của các nước châu Âu, đặc biệt là đế quốc Áo. "Va, pensiero" thường đuợc coi như "quốc ca" của phong trào Risorgimento, và tuy một số nhà nghiên cứu phê bình gần đây đã đánh giá lại vai trò của Verdi đối với phong trào này vì ông không trực tiếp tham gia các hoạt động chính trị, điều hiển nhiên là tên tuổi và hình ảnh của ông vẫn gắn liền với giai đoạn lịch sử này của nước Ý. Để chỉ nêu một thí dụ : khi Victor Emmanuel II lên ngôi vua Sardegna, khuynh hướng bảo hoàng trong phong trào Risorgimento đã mượn tên của Verdi để vượt qua sự kiểm duyệt của đế quốc Áo. Khẩu hiệu "Viva V.E.R.D.I" viết lên mọi bức tường có nghĩa là Viva Vittorio Emanuele Re DItalia. (Hoan hô Victor-Emmanuel, vua nước Ý).

 

Ngày 24.1.1901, Verdi qua đời sau vài ngày lâm bệnh. Đám tang rất đơn giản theo ý muốn của Verdi, song để dân chúng có thể bày tỏ sự ngưỡng mộ và tiếc thương đối với người nghệ sĩ, chính quyền Ý quyết định di chuyển hài cốt của ông và của người vợ thứ nhì, Giuseppina Strepponi, về Casa di riposo per musicisti, còn gọi là Casa Verdi, ngôi nhà dưỡng lão Verdi đã thành lập cho các nhạc sĩ già yếu. Đến dự buổi lễ tang thứ nhì là một đám đông khổng lồ, với khoảng 300 000 người làm chật cứng đường phố. Không ai sắp đặt trước, không ai bảo ai, bỗng dưng giai điệu quen thuộc Va, pensiero sull'ali dorate vang lên giữa những người đến tiễn đưa và được hàng chục, hàng trăm ngàn người đồng thanh hát theo, như để hoà đồng lần cuối với người nhạc sĩ tài ba.

Một trăm mười năm sau, Va, pensiero một lần nữa đem lại cho người Ý khoảnh khắc kỳ diệu của một sự đồng cảm tuyệt vời giữa cả ngàn người trong một giai điệu vượt thời gian, tuy ai nấy đã thuộc lòng nhưng mỗi lần cất lên vẫn khơi dậy một cảm xúc mãnh liệt nơi người nghe. Những giọt nước mắt lặng lẽ của những nghệ sĩ trong ca đoàn ở Nhà hát lớn Roma ngày 12.3.2011 đã đáp lại những giọt lệ của Verdi ở Scala di Milano ngày 9.3.1842.


Đỗ Tuyết Khanh

15.4.2011



1 Thủ tướng đương nhiệm của nước Ý

2 Ngày 17-3-1861 Victor Emmanuel II được bầu làm vua của nước Ý thống nhất, trước đó nước Ý gồm nhiều vương quốc nhỏ, đặt dưới sự cai trị trực tiếp hay gián tiếp của các nước châu Âu khác như Áo, Pháp, và Tây Ban Nha.

3 Trung tâm của một nền văn minh lớn thời cổ đại (từ khoảng giữa thiên niên kỷ thứ ba đến giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước tây lịch) ở vùng Lưỡng Hà, nay thuộc Irak. Truyền thuyết về người Do Thái bị áp bức tại Babylone được kể trong kinh thánh Cựu ước.

4 ... Hồn ta ơi, hãy chắp cánh bay về...

5 Đế quốc Áo, Habsbourg là tên của dòng họ thống trị nước Áo, nước Tây Ban Nha và phần lớn nước Ý .

6 Nước Ý bầu thượng viện mỗi 5 năm, nhưng còn có chế độ thượng nghị sĩ suốt đời, đương nhiên phong tặng các cựu tổng thống, và mỗi tổng thống được quyền phong chức danh này cho tối đa năm công dân có công trạng lớn. Hiện nước Ý có 7 thượng nghị sĩ suốt đời, trong đó có ba cựu tổng thống (theo trang nhà của thượng viện Pháp).



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us