Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Việt Nam, Hoa Kỳ và Thượng đỉnh bất thành Mỹ-ASEAN

Việt Nam, Hoa Kỳ và Thượng đỉnh bất thành Mỹ-ASEAN

- Nguyễn Mạnh Hùng — published 16/03/2020 19:05, cập nhật lần cuối 16/03/2020 19:05



VIỆT NAM, HOA KỲ,
VÀ THƯỢNG ĐỈNH BẤT THÀNH
MỸ-ASEAN



Nguyễn Mạnh Hùng



Hôm nay, Thứ Bảy, 14 tháng 3, đáng lẽ Hội nghị Thượng Đỉnh US-ASEAN trù liệu họp ở thủ đô cờ bạc Las Vegas, nhưng bị hoãn lại vì dịch coronavirus.

Môt số người cho đây là một điều đáng tiếc, nó đánh mất một cơ hội để ASEAN và Hoa Kỳ hợp tác và phối hợp hành động nhằm phục vụ quyền lợi chung, như đối phó với dịch cúm hay với vấn đề an ninh khu vực, đặc biệt ở Biển Đông.

Đối với riêng Việt Nam, một số nhà bình luận cho rằng Viêt Nam cần tăng cường quan hệ chiến lược, thậm chí cần phải làm đồng minh với Hoa Kỳ, để có thể “ thoát Trung ”. Một chuyên viên của RAND Corporation còn khuyến cáo Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nên sang Hoa Kỳ gặp Tổng Thống Trump càng sớm càng tốt, để nâng quan hệ chiến lược giữa hai nước.

Hai vấn đề cần đặt ra : Một, việc hoãn cuộc họp thượng đỉnh có phải là một cơ hội bị “ bỏ lỡ ” ? Hai, Việt Nam có nên là đồng minh của Hoa Kỳ trong lúc này không ?

Về câu hỏi thứ nhất, Greg Rushford trong báo cáo ngày 5 tháng 3, cho rằng dịch cúm chỉ là một cái cớ “ che đậy ” cho việc hủy bỏ một cuộc họp đáng bị hủy vì thiếu tổ chức, không có chương trình nghị sự rõ rệt, một số lãnh đạo ASEAN trước đó hoặc nói rõ sẽ không tham dự hoặc tỏ ra không mặn mà với nó và có thể chỉ gửi đại diện tham dự như cách hành động của Tổng Thống Trump đối với hội nghị thuợng đỉnh ASEAN trong hai năm qua. Ngoài ra, hội nghị trù liệu chỉ có một phiên họp ngắn ngủi buổi chiều Thứ Bảy rồi sau đó chụp ảnh chung. Không có cuộc họp tay đôi giữa Hoa Kỳ với một quốc gia nào khác, ngoài Indonesia để bàn dự án rời thủ đô Indonesia khỏi Jakarta ra Borneo với kinh phí hơn 30 tỷ mà một viên chức thân cận của Tổng Thống Jokowi đã bay sang Hoa Kỳ thảo luận trước với Jared Kusher, con rể Tổng Thống Trump và Ivanka Trump, con gái ông.

Rõ ràng Trump chỉ muốn có cơ hội chụp ảnh chung (photo-op) với các nguyên thủ ASEAN để tạo cho mình hình ảnh một lãnh đạo thế giới đối với cử tri Mỹ. Đêm hôm 14/3 cũng là đêm Tổng Thống Trump sẽ đến đọc diễn văn trước cuộc họp của Liên Minh Cộng Hòa người Mỹ gốc Do Thái (Republican Jewish Coalition), nơi ông sẽ gặp Sheldon Adelson, một người nhiệt tình ủng hộ Trump và là một nhà tài trợ có thế lực của đảng Cộng Hòa. Những diễn tiến ngày hôm ấy đều nhằm phục vụ nhu cầu chính trị cá nhân của ông Trump. Thế mà các nhà lãnh đạo ASEAN bị ép phải chấp nhận họp ngày 14/3 vì đó là “ ngày duy nhất hợp với chương trình làm viêc của ” Tổng Thống Trump.

(Xem thêm chi tiết trong The Rushford Report, March 5, 2020).

 
Trong hoàn cảnh ấy, nếu hội nghị Thương đỉnh Mỹ-ASEAN không bị hủy, nó sẽ đặt các lãnh đạo ASEAN vào tình trạng khó xử. Họ cần Hoa Kỳ nhưng bất mãn vì, khác với các Tổng Thống tiền nhiệm, Trump coi thường ASEAN ra mặt bằng cách không những không tham dự Thượng đỉnh ASEAN hai năm liền, và năm 2018 chỉ cử một đại diện cấp khá thấp. Họ miễn cưỡng tham dự nhưng hẳn không thể hài lòng với cách Hoa Kỳ ép họ phải sắp xếp chương trình riêng để thích ứng với một ngày do Hoa Kỳ ấn định. Chưa kể họ còn phải cân nhắc có nên thuê phòng ở khách sạn của tổ hợp Trump để lấy lòng ông ấy hay ở chỗ khác để  giữ thể diện quốc gia. Chuyện này nhỏ mà không dễ.

Về câu hỏi thứ hai, Việt Nam có nên tăng cường quan hệ chiên lược với Hoa Kỳ, thậm chí phải là đồng minh của Hoa Kỳ, để chống áp lực của Trung Quốc ?

Triển vọng đồng minh quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lúc này là một ảo tượng nguy hiểm. Hoa Kỳ không muốn đồng minh làm gánh nặng cho mình, và sẵn sàng bỏ rơi đồng minh trong những cuộc đổi chác (gần đây nhất là trường hợp của người Kurds ở Syria và Iraq).  Do đó, họ không muốn liên minh với Việt Nam để có khi phải giúp Việt Nam trong trường hợp Việt Nam có đụng độ với Trung Quốc. Ngoài ra, với chính sách “ America First ”, chính quyền Trump đã gây mâu thuẫn và làm suy yếu hệ thống đồng minh của họ ở nhiều nơi trên thế giới. Có thể nói Hoa Kỳ không có quyền lợi chiến lược để thành đồng minh của Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam với chính sách “ ba không ” cũng không chủ trương làm đồng minh của Hoa Kỳ. Ngươi Việt đã có khá nhiều kinh nghiệm đau đớn khi làm đồng minh của Hoa Kỳ.

Đối với Việt Nam, sách lược dùng Hoa Kỳ làm đối trọng với Trung Quốc là điều cần thiệt nên làm. Tôi đã đề cập đến vấn đề này ít nhất từ 10 năm trước, và giải thích rõ rệt trong hai bài khảo cứu U.S.-Vietnam Relations : Evolving Perceptions and Interests đăng trong cuốn Strategic Asia 2014-1015 : U.S. Alliances and Partnership at the Center of Global Power xuất bản ở Hoa Kỳ và The Politics of United States-China-Vietnam Triangle in the 21st Century xuất bản ở Singapore năm 2015. Nhưng thời điểm này thì không phải lúc.

Việt Nam có thể thoải mái hơn trong quan hệ với ASEAN, Cộng đồng Âu Châu, và Nhật Bản, nhưng so sánh tương quan lực lượng với Trung Quốc, thì chỉ Hoa Kỳ mới có khả năng làm đối trọng khả tín của Việt Nam. Vì chữ “khả tín” cho nên lúc này không phải là thời điểm tốt để Việt Nam xúc tiến việc ấy. Nếu Tổng Bí Thư Trọng sang đây ông có thể bị biến thành một phụ diễn miễn cưỡng, có khi vụng về, trong một màn “ photo op ” của Tổng Thống Trump khi ông này dùng cuộc họp báo chung cho nhu cầu chính trị nội bộ, như trường hơp của Tổng Thống Ukraine Zelensky hay của Tổng Thống Phần Lan Niinisto.

Về Biển Đông và thế chiến lược Việt-Mỹ-Trung, người ta thấy có môt hố sâu khác biệt trong lối suy luận của những người quan tâm đến chiến lược và quyền lợi quốc gia một bên, với bên kia là lối suy luận của một vị Tông Thống thiếu hiểu biết chiến lược, tự phụ với tài buôn bán và thương lượng của mình, quan tâm nhiều đến quyền lợi cá nhân, và thích có cơ hôi tạo dáng qua những photo-ops.

Đối với các chiến lược gia Mỹ, mà đại diện là quân đội và các cơ quan nghiên cứu (think tanks), thử thách chiến lược của Mỹ là Trung Quốc và nguy cơ bị Trung Quốc đẩy ra khỏi Biển Đông. Nếu để Trung Quôc chiếm được địa vị độc tôn ở đây thì Hoa Kỳ không có chỗ đứng trong một khu vực cực kỳ quan trọng về phương diện kinh tế và chiến lược trong nhiều năm tới. Quyền lợi chiến lược của Hoa Kỳ là tạo ra thế đa cực ở vùng này, nghĩa là phải khuyên khích và hỗ trợ cho việc tăng cường khả năng và ý chí đề kháng Trung Quốc của một số quốc gia lớn, nhỏ ở trong vùng mà Việt Nam là một con bài quan trọng, nhất là sau khi ông Duterte đắc cử Tổng Thông Phi Luật Tân với chính sách xa Mỹ gần Trung Quốc. Lối suy nghĩ này được thể hiện qua các văn bản chiến lược như U.S. National Defense Strategy và các lời tuyên bố của giới quân sự. Nếu để ý, ta thấy các tuyên bố có tinh cách cứng rắn và thách thức với Trung Quốcc phần lớn bắt nguồn từ các nhà lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ; họ hậu thuẫn và thúc đẩy các cuộc tuần tra bảo vê an ninh hàng hải và các cuộc viếng thăm hải quân và trao đổi quân sự càng ngày càng nhiều hơn với các quốc gia trong vùng.

Nhưng ngược lại, vị Tổng chỉ huy của họ lại có những hành động làm suy yếu thế lực của Hoa Kỳ trong vùng Á châu - Thái Bình Dương bắt đầu bẳng việc rút khỏi Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Duơng (TPP), thay thế các thỏa hiệp đa phương bằng những cuộc thương lượng tay đôi mà ông nghĩ rằng ông có tài o ép các đồng minh và đối tác để thủ lợi cho Hoa Kỳ mà không cần biết cách hành động ấy có làm tổn hại lòng tin và đẩy họ về phía Trung Quốc.

Khuynh hướng chú trọng đến kinh tế thương mại và điều đình song phương dẫn đến mong muốn điều đình một “ thương ước lớn nhất thế giới ” với Trung Quốc (the biggest deal there is anywhere in the world) qua một tổng hợp các biện pháp vừa đe dọa trừng phạt vừa ve vãn xoa dịu. Cuối cùng, vì nhu cầu chính trị cá nhân Trump đã phải bằng lòng với một thỏa ươc tạm thời mà không đòi được Trung Quốc phải thực hiện những nhượng bộ căn bản. Việc một người tự cao và thích photo ops làm cho mình quan trọng như Tổng Thống Trump, trong trường hợp này, đã đành phải ký kết tay đôi, không phải với Chủ Tịch Tập Cận Bình hay Thủ Tướng Lý Khắc Cường, mà với Phó Thủ tướng Lưu Hoà (Liu He) của Trung Quôc cho thấy Trump cần Trung Quốc đến mức nào.  Khi so sánh quyền lợi của Mỹ và đặc biệt nhu cầu cá nhân của ông Trump, thì đi với Trung Quốc phải quan trọng hơn đi với Việt Nam. Đó là lý do tại sao trong khi các phụ tá của Trump, kể cả Ngoại Trưởng Pompeo và Phó Tổng Thông Pence, chỉ trích Trung Quốc, Tổng Thống Trump vẫn gọi ông Tập là “ người bạn tốt ” khen ngợi ông này hành xử có trách nhiệm đối với các cuộc biểu tình phản đối ở Hong Kong và dịch cúm ở Trung Quốc.

Vì lý do này, tin tưởng vào lời hứa và cam kết của các chiến lược gia Mỹ và các phụ tá của ông Trump về vai trò và cam kết của Hoa Kỳ ở Biển Đông với một ông Tổng Thống coi đồng minh không ra gì, không muốn gây gổ với Trung Quốc, tuyên bố và hành động bất nhất khó lường, là môt điều cần phải cân nhắc kỹ.

Nguyễn Mạnh Hùng

14/03/2020

 

 

14/03/2020

Bài nhận được ngày 16.3.2020

Tác giả là Professor Emeritus of George Mason University, 
Nonresident Senior Associate, Center for Strategic and International Studies

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us