Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Vĩnh biệt nước Mỹ ? Vài suy nghĩ quanh một bức tranh

Vĩnh biệt nước Mỹ ? Vài suy nghĩ quanh một bức tranh

- Đỗ Tuyết Khanh — published 11/11/2024 20:50, cập nhật lần cuối 12/11/2024 21:12

Vĩnh biệt nước Mỹ ? Vài suy nghĩ quanh một bức tranh


Đỗ Tuyết Khanh


Biếm hoạ « Adieu l’Amérique ? » của Chappatte trên báo Thuỵ Sĩ Le Temps đăng từ ngày 9.11.2024.


Bức tranh không lời nhưng nói lên đầy đủ cái sốc và tâm trạng của rất nhiều người sau ngày bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ vừa qua.

Tượng Nữ thần Tự Do, một trong những hình tượng tiêu biểu và đáng kính nhất của nước Mỹ bị thắt cổ bằng chiếc cà-vạt đỏ như máu và dài quá khổ, thường được chế giễu như thể hiện cái machisme trắng trợn của vị tân tổng thống. Lăn lóc dưới đất một bên là ngọn đuốc vốn được nữ thần giương cao, tượng trưng cho ánh sáng soi sáng thế giới và dẫn dắt đến tự do, chào đón người di dân đến xứ sở của tự do và dân chủ. Lửa của ngọn đuốc đã tắt, những giá trị cơ bản của nước Mỹ đã tan ra mây khói. Phía bên kia là tấm bảng trước nằm trong tay nữ thần, ghi ngày tháng của bản Tuyên ngôn độc lập nước Hoa Kỳ, văn kiện nền tảng của quốc gia.

Thông điệp quá rõ ràng : Nước Mỹ thường được xem và tự hào là biểu tượng của tự do và dân chủ đang bước vào một thời kỳ đen tối khi dối trá và phản đạo lý, bất chấp luật pháp, hiến pháp lên ngôi, tham lam quyền lực và của cải là động cơ duy nhất để chiếm lấy vị trí tối thượng trên chính trường. Cứ nhớ đến 4 năm nhiệm kỳ đầu tiên của người sắp trở lại Toà Nhà trắng thì viễn tượng của 4 năm sắp tới có thể còn u ám và não nề hơn bức tranh này, cho nước Mỹ và cả thế giới.

Không phải ngẫu nhiên mà hoạ sĩ Chappatte chọn tượng Nữ thần Tự Do để nhắc lại lập luận chính của Donald Trump khi vận động tranh cử : khích động những thành kiến hẹp hòi, tính ích kỷ và sự thô thiển nơi một số người để hô hào kỳ thị, chống người nhập cư, người di dân. Để khai thác tâm lý nghi kỵ người « ngoại quốc », người xa lạ, không giống mình. Oái oăm thay, nước Mỹ là nước nhập cư từ thời lập quốc, ngoại trừ những dân tộc bản địa nay chỉ còn là một thiểu số, hầu hết người Mỹ là những người nhập cư hay hậu duệ của các luồng di dân, từ 102 người Pilgrims trên chiếc tàu Mayflower năm 1620 cho đến những đợt di dân từ khắp thế giới trong suốt mấy thế kỷ sau.

Thời trước, các luồng di dân chủ yếu đến bằng đường biển, tượng Nữ thần Tự do khi hiện ra là hình ảnh đầu tiên của nước Mỹ, báo hiệu cho người di dân đã đến nơi an toàn, bỏ lại sau lưng sóng gió trên biển cả, chiến tranh, đói kém hay áp bức, để bắt đầu một cuộc sống mới, an bình và hi vọng sung túc. Đối với nhiều người bức tượng là biểu hiện của lòng nhân ái, vòng tay mở rộng đón họ đến nơi đổi đời. Sự nhân từ thể hiện trong từng lời bài thơ « The New Colossus » của thi sĩ Emma Lazarus (1849-1887), ghi khắc trên tấm biển đồng gắn ở bệ đài tượng, những vần cuối nổi tiếng thường được trích dẫn, nhắc nhở, như nói lên một giá trị nền tảng của nước Mỹ :

"Give me your tired, your poor,
Your huddled masses yearning to breathe free,
The wretched refuse of your teeming shore.
Send these, the homeless, tempest-tost to me,
I lift my lamp beside the golden door!"


Hãy đưa ta bọn nghèo nàn, kiệt lực,
Vô vàn người khao khát sống tự do,
Đám khốn khổ vất vưởng bên bờ nước.
Đưa ta những kẻ không nhà, phong ba vùi dập
Bên cổng vào đất hứa ta giương ngọn đuốc  !”

(bản dịch của Hàn Thuỷ)

Những giá trị nền tảng về nhân bản, về sống đàng hoàng tử tế, nhân ái hiện nay như đã biến mất trong nước Mỹ của những Donald Trump, Elon Musk, của những người đội mũ MAGA, những người hùng hổ tấn công vào điện Capitole ở Washington ngày 6.1.2021.

Nhưng ở đâu và bao giờ cũng vẫn có những người đàng hoàng tử tế, nhân ái, và họ là tia sáng đưa chúng ta ra khỏi ngõ tối, đường hầm.


Đôi dòng về tác giả bức tranh

DL

Patrick Chappatte, thường chỉ ký tên là Chappatte, là một hoạ sĩ Thuỵ sĩ và Liban, sinh tại Karachi (Pakistan) năm 1967, cha người Thuỵ Sĩ và mẹ người Liban. Anh lớn lên ở Singapore và Thuỵ Sĩ, hiện sống ở Genève và Los Angeles. Anh vẽ biếm hoạ cho các báo Le Temps và NZZ am Sonntag (Thuỵ Sĩ), Der Spiegel (Đức), The New York Times International Edition, và Le Canard enchaîné (Pháp). Trong thời gian dài trước đây anh cũng vẽ cho các báo New York Times và Newsweek. Tranh của anh rất tinh tế, mang nhiều hàm ý sâu sắc.

Chappatte đã đoạt nhiều giải thưởng. Năm 2012 anh là hoạ sĩ đầu tiên không mang quốc tịch Mỹ được trao giải Thomas Nast Award của Overseas Press Club of America, và còn đoạt giải này hai lần sau đó, năm 2016 và 2019. Năm 2020, Quỹ Fondation pour Genève vinh danh đóng góp đáng kể của anh cho danh tiếng của Genève và sự dấn thân cho tự do báo chí và ngôn luận.


Đỗ Tuyết Khanh

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us